CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 29.08.2021
By Lee Vi in Chưa được phân loại, Thanh niên on 24 Tháng Tám, 2021
Chúa nhật 29.08.2021.
- Đề tài: CHIẾN THẮNG GIÊ-RI-CÔ.
- Kinh Thánh: Giô-suê 6:1-27.
- Câu gốc: “Bởi đức tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống, sau khi người ta đi vòng quanh bảy ngày” (Hê-bơ-rơ 11:30).
- Đố Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 21-25.
- Thể loại: Phỏng vấn.
* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.
- Chọn một người đóng vai Giô-suê, một người làm phóng viên.
- Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và trả lời đều ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
- Trong phần đúc kết, NHD sẽ tóm tắt nội dung bài học và đưa ra lời khuyên ban viên áp dụng sự dạy dỗ của Lời Chúa vào đời sống mỗi ngày. Sau đó tất cả đứng lên và mời Giô-suê cầu nguyện cho ban Thanh niên.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- MẠNG LỆNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHO GIÔ-SUÊ (6:1-5).
- Lời hứa cho Giô-suê (c.1-2).
Trước sự chuẩn bị của Y-sơ-ra-ên cho chiến trận, về phía quân địch trong câu 1 ghi rằng “Giê-ri-cô đã đóng cửa mình cách nghiêm nhặt…”. Một thái độ cho thấy một tình trạng yên lặng, căng thẳng trầm trọng của một cuộc chiến sắp bùng nổ! Thái độ của dân Giê-ri-cô có thể được hiểu trong hai lý do: (1) Vì lòng sợ hãi, bởi cớ thấy phép lạ của Chúa khiến sông
Giô-đanh rẽ nước cho dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua. (2) Vì lòng cứng cỏi, một thái độ “từ thủ” trước sự tấn công của Y-sơ-ra-ên. Hai lý do nầy diễn tả thái độ chung của kẻ ác. Mặc dầu chúng run sợ trước quyền năng Chúa, nhưng không bao giờ chịu đầu phục Ngài! (Gia-cơ 2:19).
Lời phán của Chúa trong câu 2 là lời hứa cho Giô-suê về sự chiến thắng, đồng thời cũng là lời rao đoán phạt trên dân thành Giê-ri-cô! Lời hứa khích lệ, khiến Giô-suê thêm vững lòng trong cuộc chiến đấu; đồng thời khiến kẻ thù Y-sơ-ra-ên bối rối khiếp kinh!
- Chiến lược chiếm Giê-ri-cô (c.3-5).
Song song với lời hứa, chiến lược chiếm Giê-ri-cô cũng được ban cho Giô-suê. Theo chiến lược ấy, Giô-suê được Đức Chúa Trời chỉ dạy gồm với những qui tắc như sau:
(1) Trong 6 ngày từ ngày thứ nhất đến ngày thứ sáu cả đạo binh Y-sơ-ra-ên đi vòng quanh Giê-ri-cô 1 vòng.
(2) Trong đạo binh diễn hành ấy, thầy tế lễ cầm 7 kèn đi trước hòm giao ước, vừa đi vừa thổi, trong khi đó mọi người đều yên lặng như vậy trong 6 ngày.
(3) Trong ngày thứ 7, cả đạo binh phải đi 7 vòng. Đến ngày thứ 7 khi nghe tiếng kèn của thầy tế lễ, thì hết thảy đạo binh
Y-sơ-ra-ên phải la lớn tiếng lên. Và tường Giê-ri-cô sẽ sụp đổ.
(4) Đạo binh liền xung phong chiếm thành.
Qua lời hứa và chiến lược tỏ cho Giô-suê, chúng ta nhận thấy vị tướng tối cao chỉ huy trong cuộc chiến trận Giê-ri-cô đó chính là Đức Chúa Trời. Trước mắt Y-sơ-ra-ên, Giô-suê chỉ đạo quân Y-sơ-ra-ên, nhưng Đức Chúa Trời là “Vị tướng của đạo binh Y-sơ-ra-ên”, và Giô-suê chỉ là vị tướng thừa hành mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Như điều được tỏ cho Giô-suê trong sự hiện thấy (5:14-15). Sự nhìn biết Chúa là vị tướng tối cao của mình là một đảm bảo an toàn cho người trong chức vụ là dân sự Chúa.
- SỰ TRIỆT HẠ THÀNH GIÊ-RI-CÔ (6:6-21).
- Sự chuẩn bị (c.6-11).
Giô-suê đã hội họp hết thảy đạo binh Y-sơ-ra-ên, và chuẩn bị một đạo binh ra trận theo như mạng lệnh của Chúa. Đạo binh nầy gồm có những thành phần và được sắp xếp theo thứ tự diễn tiến như sau:
Hậu binh……… Hòm giao ước……. 7 thầy tế lễ và kèn………….. Tiền binh.
Với chiến lược Chúa truyền dạy cho Giô-suê, chúng ta ghi nhận những điểm quan trọng sau đây:
- a) Hòm giao ước của Đức Giê-hô-va: Một phần nổi bật trong đoàn binh diễn hành nầy là hòm giao ước được các thầy tế lễ khiêng, và phía trước hòm là các thầy tế lễ cầm bảy cây kèn thổi vang. Hòm giao ước là thánh vật, tượng trưng cho ngôi trị vì của Đức Chúa Trời ở giữa Y-sơ-ra-ên. Bình thường hòm giao ước được đặt trong nơi chí thánh của đền tạm, nơi thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm chỉ có phép một lần vào đó để đem con sinh rảy trên nắp thi ân của hòm giao ước, hầu chuộc tội cho toàn dân. Cho nên sự khiêng hòm giao ước ra trận là một điều rất là đặc biệt, và chỉ khi có lệnh của Chúa. Vì vậy, sự có mặt của hòm giao ước nói lên tính chất quan trọng của biến cố lịch sử nầy. Trong phép lạ sông Giô-đanh rẽ nước, chúng ta thấy hòm giao ước dẫn dân Y-sơ-ra-ên, rồi dừng lại ở giữa sông cho đến khi cả dân sự qua sông, và sau đó đi trước dân sự. Trong chiến trận Giê-ri-cô, chúng ta thấy điểm bắt đầu là hòm giao ước với 7 thầy tế lễ cầm kèn đi phía trước, và trong lúc diễn hành, hòm giao ước ở vị trí chính giữa. Một vị trí chỉ rằng Đức Chúa Trời là trung tâm của đạo quân Y-sơ-ra-ên, Đấng mà họ phải tùy thuộc để được chiến thắng.
- b) Thầy tế lễ và kèn (c.6-8): Ngoài những thầy tế lễ khiêng hòm giao ước, còn có 7 thầy tế lễ cầm 7 cây kèn. Trong thời đó kèn mà các thầy tế lễ thổi làm bằng sừng chiên con đực. Sừng chiên có cường độ âm thanh rất lớn và truyền âm xa. Kèn còn được kể vào hàng khí giới thánh. Tiếng kèn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên. Cứ mỗi chiều thứ sáu trong tuần, tiếng kèn trổi lên như một dấu hiệu nhắc nhở dân sự ngày Sa-bát phước hạnh sắp tới! Tiếng kèn ấy cũng vang lên trong ngày lễ lớn của Y-sơ-ra-ên (Lê-vi 23:24). Và tiếng kèn cũng sẽ thổi lên tụ họp Y-sơ-ra-ên chiến trận khi có kẻ thù xâm lăng (Dân 10:9). Ngoài ra các Đấng tiên tri còn dự ngôn rằng tiếng kèn sẽ thổi lên tụ họp dân Chúa đang tản lạc khắp mọi nơi trên đất để trở về quê hương trong ngày chung kết của thế giới (Ê-sai 27:13).
Trong Giô-suê 6, tiếng kèn có thể hàm chứa hai ý nghĩa nầy: (1) Loan báo cho Y-sơ-ra-ên về phước hạnh mà Đức Chúa Trời sắp thực hiện tại đất hứa. (2) Đồng thời rao báo cho Giê-ri-cô về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời sắp giáng trên họ. Trong Dân-số Ký 31:6, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho thầy tế lễ Phê-ni-ba cầm kèn ra trận với Y-sơ-ra-ên trong cuộc đánh phạt dân Ma-đi-an. Với Cơ Đốc nhân tiếng kèn còn là sự nhắc nhở ngày Chúa trở lại (1Tê-sa-lô-ni-ca 4:16). Cũng như một cảnh cáo về cơn đại nạn Đức Chúa Trời sắp đổ xuống đoán xét thế gian trước ngày tận thế (Khải-huyền 8:1-2).
- Chiến sĩ (c.9): Trong Dân-số Ký 26:51 cho biết tổng số nam đinh Y-sơ-ra-ên là 601.730 người. Nghĩa là những người nam từ 20 tuổi sắp lên, có khả năng chiến đấu. Tuy nhiên trong chiến trận, không hẳn Giô-suê đem một lần hết số quân ấy, nhưng chắc có sự tuyển chọn. Trong đoàn quân diễn hành, chúng ta thấy chia ra hai nhóm: (1) Nhóm tiền binh, được gọi “những người cầm binh khí đi trước”. Nhóm nầy tức là 40.000 chiến sĩ mạnh dạn từ ba chi phái bên phía sông Giô-đanh (4:12). (2) Nhóm hậu binh, chúng ta không rõ con số. Đây là nhóm chiến sĩ dân sự không “thiện chiến” so với nhóm tiền binh.
Tóm lại, đoàn diễn hành trong chiến lược chiếm Giê-ri-cô gồm có đầy đủ các thành phần trong Y-sơ-ra-ên: Người thuộc quân sự, dân sự và tôn giáo. Điều nầy nói lên sự hiệp nhất của dân Y-sơ-ra-ên trong cuộc chiếm xứ. Cũng như để nhắc họ rằng cuộc chinh phục xứ là trách nhiệm của toàn dân. Chiến lược chiếm Giê-ri-cô, theo cái nhìn của con người, nhất là người quân sự, thật là điều khó hiểu, khó chấp nhận. Thế nào không đánh trận mà thắng? Thế nào chỉ tiếng la mà tường thành kiên cố kia sụp đổ? Và chiến lược này cũng có thể là một “ngạc nhiên lớn” đối với dân Giê-ri-cô? Dầu vậy, Giô-suê không một câu hỏi, nhưng cẩn thận vâng theo mạng lệnh Chúa cách sốt sắng với tinh thần “dậy sớm”.
- Cuộc diễn quân (c.12-16).
Sau khi đã chuẩn bị, cuộc diễn quân bắt đầu. Nhìn vào đoàn người diễn hành xem có vẻ của tôn giáo, mang ý nghĩa tôn cao danh Đức Giê-hô-va, rao báo sự hiện đến của Ngài để làm sự đoán xét trong xứ Ca-na-an, cũng như rao báo cho dân Y-sơ-ra-ên phước hạnh và tự do tại đất hứa này.
Chiến lược chiếm Giê-ri-cô thấy rất dễ. Nhưng nếu xét từng chi tiết, sự thực hành chiến lược là điều thách thức đối với dân Y-sơ-ra-ên:
– Thế nào đoàn quân hùng mạnh với khí giới trong tư thế sẵn sàng đánh trận, cứ mỗi ngày đi một vòng mà không đánh trận?
– Thế nào cả một đạo binh đông đảo đi mỗi ngày mà cứ im lặng?
– Tại sao phải đi trong suốt 7 ngày? Tại sao ngày thứ 7 phải đi 7 vòng? Tại sao không chia đều, đến ngày thứ 7 không phải quá mệt, vì sau đó còn phải chiếm thành?
– Tại sao mỗi người phải la lớn? Nếu có số người vắng mặt trong trại quân, nếu số người không tuân theo qui tắc trong cuộc diễn hành thì sao? Những câu hỏi nêu trên thách thức dân Y-sơ-ra-ên sự kiên nhẫn, lòng trung thành, đức tin và tinh thần vâng phục trong sự thực hành chiến lược của Chúa. Mà hai điều quan trọng nhất Chúa đòi hỏi nơi Y-sơ-ra-ên là đức tin và vâng lời cách trọn vẹn. Đây mới thật là bí quyết của sự chiến thắng. Và hai điều nầy họ đã được Chúa chuẩn bị trong đoạn 5. Chúa không đòi hỏi gì nơi dân sự điều họ chưa được chuẩn bị!
- Mạng lệnh của Chúa về sự hủy diệt (c.17-19).
Trong sự chiếm thành Giê-ri-cô, ngoại trừ nhà Ra-háp và mọi vật thuộc về người; sự tận diệt tất cả người, và mọi vật trong thành là mạng lệnh của Đức Chúa Trời cho cả Y-sơ-ra-ên. Mạng lệnh rất nghiêm trọng với lời cảnh cáo rằng ai trái phạm sẽ gây cho trại quân Y-sơ-ra-ên bị diệt! Nghĩa là họ không có phép lấy món chi của giặc, nhưng phải thiêu hủy tất cả, ngoại trừ các kim loại bạc, vàng, đồng, sắt được biệt riêng ra thánh nhập vào kho của Đức Giê-hô-va (Dân 18:14; Xuất 22:20). Lý do của sự tận diệt ấy vì thành Giê-ri-cô bị phú cho dân Chúa. Chữ “phú dâng” theo nguyên văn Hy-bá-lai là
“He-rem”, đồng nghĩa với chữ “anathema” trong tiếng Hy Lạp, chỉ về sự phó dâng để diệt. Đây là một sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên Giê-ri-cô. Cũng như Giê-ri-cô là chiến thắng đầu tiên của công cuộc chinh phục xứ. Vì vậy, trái chiến thắng đầu mùa nầy phải được dâng lên Đức Giê-hô-va và thuộc về Ngài.
- Phép lạ Giê-ri-cô sụp đổ (c.20-21).
Theo các bước diễn tiến trong chiến lược, tường thành Giê-ri-cô sụp đổ khi dân sự nghe tiếng kèn của 7 thầy tế lễ thổi và la lớn như lời Giô-suê dặn, trong ngày thứ 7, và vòng đi thứ 7. Một chiến thắng được kết thành một chuỗi số 7, chỉ về sự chiến thắng hoàn toàn. Như vậy có phải bởi tiếng la của dân sự mà tường thành Giê-ri-cô sụp đổ không? Thơ Hê-bơ-rơ 11:30 trả lời rằng đó là bởi đức tin. Vì cớ bởi đức tin, dân sự vâng lời Chúa la lên như mạng lệnh Ngài phán dạy. Và phép lạ đã xảy ra.
Mặc dầu có số người giải thích sự sụp đổ của tường thành bằng sự kiện thiên nhiên. Họ cho rằng sự xảy ra có thể vì sự rung chuyển của tiếng la, hoặc do một cơn động đất. Nhưng câu hỏi là thế nào sự kiện thiên nhiên ấy có thể trùng hợp với thời điểm đã định sẵn cho sự việc xảy ra? Cũng như thế nào nước sông Giô-đanh rẽ đôi khi bàn chân thầy tế lễ vừa đạp đến mé nước, nếu không có bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời toàn năng?
Sự sụp đổ và hủy diệt Giê-ri-cô là một sự kiện lịch sử có thật, đã được các nhà khảo cổ khám phá vết hoang tàn ấy, có những dấu vết được tìm thấy như sau: Lớp tường bên ngoài bị ngã về phía trước hướng về độ dốc của sườn đồi; và lớp tường bên trong ngã theo với các nhà cửa được xây cất trên khoảng hai lớp tường ấy. Có tro, cây gỗ bị cháy sém, những tảng đá gạch bị nung đỏ, chỉ rằng có cơn hỏa hoạn xảy ra tiếp theo sự sụp đổ của tường thành.
- SỰ HỦY DIỆT THÀNH GIÊ-RI-CÔ (6:22-27).
- Hủy diệt và cứu sống (c.22-25).
Trong sự triệt hạ thành Giê-ri-cô, theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời dân Y-sơ-ra-ên làm 3 việc: (1) Tận diệt cả người, vật trong thành. (2) Cứu sống nhà Ra-háp, dẫn họ ra khỏi thành. (3) Thiêu đốt thành.
Từ câu 22-25 cho chúng ta thấy hai bức ảnh tương phản nhau: Một bức ảnh của sự hủy diệt, vì lòng cứng cỏi chống nghịch Chúa. Và một bức ảnh của sự cứu sống, vì lòng tin và đầu phục Chúa. Giữa sự hủy diệt, sự sống sót của nhà Ra-háp là một chứng cớ cho sự thành tín và ân điển lớn của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi kẻ tin. Trong sự cứu rỗi của Chúa, kẻ tin được bảo đảm an toàn là dường nào!
- Lời thề của Giô-suê (c.26-27).
Sau sự hủy diệt thành Giê-ri-cô, Giô-suê đã phát ra lời thề. Lời thề trong câu 26 có tính cách rủa sả cho người nào thử tái thiết Giê-ri-cô nhằm mục đích quân sự. Vì cớ trong sự đoán phạt của Chúa, thành quân sự nầy sẽ bị diệt khỏi mặt đất. Lời thề của Giô-suê đã được ứng nghiệm trong thời vua A-háp, vua Y-sơ-ra-ên vào năm 860 T.C. Khi Hi-nê dựng lại nền Giê-ri-cô, thì con trai trưởng nam chết, và khi dựng lại cửa sổ thì con trai út người chết! (1Các vua 16:34). Như vậy, sự cố thử lập lại điều Chúa đã hủy diệt là một tai hại vô cùng!
Tóm lại, phép lạ sông Giô-đanh rẽ nước, Đức Chúa Trời làm cho gia đình Giô-suê được tôn trọng trước dân Y-sơ-ra-ên. Phép lạ chiến thắng Giê-ri-cô, Đức Chúa Trời làm cho Giô-suê được nổi danh trong vòng kẻ nghịch. Đây là một xác chứng của Lời Đức Chúa Trời với Giô-suê trong 1:5, tỏ rằng Chúa thành tín với người hết lòng vâng phục Ngài.
BÀI HỌC ÁP DỤNG.
- Vâng phục Chúa là làm y theo cách Ngài chỉ dạy là điều cần có trong người hầu việc Đức Chúa Trời.
- Sự chiến thắng là do Đức Chúa Trời, nhưng sự chiếm hữu là do đức tin của chúng ta nơi Ngài.
- Cuối cùng của kẻ chống nghịch Chúa là sự hủy diệt, nhưng kết quả của kẻ tin cậy Chúa là sự sống.
- Trong ân điển cứu rỗi của Chúa, kẻ tin được bảo đảm an toàn.
- Người tin cậy và vâng lời Chúa trọn vẹn sẽ nhận được sự đắc thắng trọn vẹn của Chúa.
- Tường thành Giê-ri-cô chỉ về những gì “không thể thắng nổi” đối với sức người. Nhưng đức tin nơi Chúa sẽ giúp chúng ta thắng được những điều không thể thắng nổi trong cuộc sống theo Ngài.