Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 14.03.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 14.03.2021

By Lee Vi in NAM GIỚI on 8 Tháng Ba, 2021

Chúa nhật 14.03.2021

  1. Đề tài: ĐỜI SỐNG THEO XÁC THỊT HAY THUỘC LINH?
  2. Kinh Thánh: Lu-ca 22:54-62; Giăng 21:15-18; Công 4:8-13.
  3. Câu gốc: “Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh; song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài” (Rô-ma 8:9).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 5-8.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 31.01.2021.

* Câu hỏi gợi ý:

(1.1) Câu hỏi phát hiện: Trong Lu-ca 22:54-62, sau khi Chúa Giê-xu bị bắt giải đến nhà thầy cả thượng phẩm, Phi-e-rơ đã có những hành động như thế nào?

(1.2) Câu hỏi suy luận: Tại sao Phi-e-rơ không nhận Chúa Giê-xu là thầy của mình?

(1.3) Câu hỏi áp dụng: Sống giữa cộng đồng, bạn có sống với một thái độ như thể bạn không hề biết Chúa Giê-xu là ai không?

(2.1) Câu hỏi phát hiện:  Ai là người đầu tiên nhận ra Phi-e-rơ là một môn đồ của Chúa Giê-xu? (câu 56).

(2.2) Câu hỏi suy luận: Ngay cả một cô đầy tớ gái cũng làm Phi-e-rơ sợ, phân tích tâm trạng của Phi-e-rơ lúc đó? (câu 57).

(2.3) Câu hỏi áp dụng: Đặt mình vào hoàn cảnh của Phi-e-rơ lúc đó, bạn sẽ làm gì?

(3.1) Xem Giăng 21:15-18 và Công vụ 4:8-13, tìm những điểm giống nhau và khác nhau trong 2 đoạn Kinh Thánh trên?

(3.2) Sự thay đổi của Phi-e-rơ cho thấy điều gì? (Công vụ 4:8).

(3.3) Đời sống tâm linh của bạn đang ở trong tình trạng nào? Cần làm gì để đời sống được đầy dẫy Đức Thánh Linh?

Người hướng dẫn đúc kết, nhắc nhở các thành viên nhận ra đời sống tâm linh của mình đang ở mức độ nào, cần để Đức Thánh Linh chiếm hữu trọn vẹn để có một đời sống đẹp lòng Chúa và tận hiến cho Ngài.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Phi-e-rơ từng lớn lên ba năm dưới sự huấn luyện của Đấng Christ, nhưng ông đã tăng trưởng theo chiều xuống một cách kinh khủng, vì cuối cùng sự tăng trưởng của ông là từ chối Chúa Giê-xu. Rồi một sự khủng hoảng đến và sau đó, Phi-e-rơ đã là một người thay đổi, ông bắt đầu tăng trưởng đúng. Thật vậy, chúng ta phải lớn lên trong ân điển, chúng ta phải được đặt để đúng.

  1. MỘT PHI-E-RƠ TRONG ĐỜI SỐNG XÁC THỊT.
  2. Nhận biết đời sống theo xác thịt.

Bạn biết về hai nửa cuộc đời của ông Phi-e-rơ ra thế nào rồi. Trong Lời Chúa cho chúng ta biết rất nhiều về sự khác biệt giữa Cơ Đốc nhân xác thịt và thuộc linh. Trong Rô-ma 8 và trong Ga-la-ti 5, chúng ta được dạy rằng xác thịt và Thánh Linh của Chúa là hai quyền lực đối nghịch nhau, bởi đó chúng ta được thống trị hay cai quản, và chúng ta được dạy rằng một người tin thực sự có thể tự cho phép mình được cai trị bởi xác thịt. Đó là điều mà Phao-lô đã viết cho người Cô-rinh-tô. Trong chương thứ 3, 4 câu đầu tiên, ông nói 4 lần với họ “Anh em là xác thịt không phải thuộc linh”. Mọi vật đều được đặt tên theo đặc tính nổi bật nhất của nó. Nếu một người còn là con đỏ trong Đấng Christ, có một chút Thánh Linh và thật nhiều tính xác thịt, thì người đó được gọi là xác thịt, vì xác thịt là dấu hiệu chính của người đó. Nếu anh ta đầu hàng như dân Cô-rinh-tô đã làm, tranh cạnh, giận dữ, chia rẽ, và ganh ghét, anh ta là Cơ Đốc nhân xác thịt. Người đó là Cơ Đốc nhân nhưng là Cơ Đốc nhân xác thịt, nhưng nếu người đó trao phó trọn vẹn chính mình cho Thánh Linh để Ngài giải phóng khỏi nóng giận, ganh ghét, tranh cạnh, bằng cách thổi vào quyền sử dụng Thiên Thượng; và có thể làm tiêu mất các việc của thân thể; Lời Chúa gọi anh là người “thuộc linh”, một Cơ Đốc nhân thuộc linh thực sự.

Bây giờ, hai lối sống này đã được phơi bày rõ ràng trong đời sống của Phi-e-rơ. Đoạn Kinh Thánh này phơi bày sự khủng hoảng và khúc quanh mà tại đó ông đã bắt đầu vượt từ phía này sang phía kia.

Đại đa số Cơ Đốc nhân không phải là người thuộc linh, và họ có thể trở thành thuộc linh nhờ ân điển của Đức Chúa Trời. Họ sẽ có một đời sống tốt hơn, một đời sống trong quyền năng của Đức Thánh Linh.

  1. Câu chuyện của sứ đồ Phi-e-rơ.

Hãy nhìn ông, trước hết trong trạng thái xác thịt. Những dấu hiệu nào của trạng thái xác thịt ở trong ông? Đó là tự ý, tự mãn, tự tin. Hãy nhớ rằng khi Chúa Giê-xu nói với các vị sứ đồ ở Sê-sa-rê Phi-líp “Con Người phải bị đóng đinh”. Phi-e-rơ nói với Ngài “Chúa ơi, chuyện đó không bao giờ xảy ra cho Chúa đâu”. Và Chúa đã nói với ông: “Hãy lui ra đằng sau Ta, ớ Sa-tan!”. Thật là điều đáng sợ cho Phi-e-rơ, ông không thể hiểu Đấng Christ phải chịu đựng như thế nào.

Phi-e-rơ đã tự ý và tự tin đến nỗi ông dám cãi lại và khiển trách Đấng Christ! Hãy nghĩ về điều đó! Bạn nhớ đến việc Phi-e-rơ và những môn đồ khác, đã hơn một lần cãi nhau về việc ai là lớn hơn hết, họ tự đưa mình lên, đây là một sự tự mãn, mỗi người muốn địa vị cao nhất trong Nước Trời, rồi một lần nữa trong đêm cuối cùng, khi Đấng Christ cảnh cáo Phi-e-rơ rằng Sa-tan từng muốn sàng sảy ông và ông có thể từ chối Ngài; và Phi-e-rơ nói đến hai lần “Chúa ơi, nếu mọi người từ chối Ngài đi nữa, tôi sẵn sàng đi tù và chết”. Thật là tự tin! Ông tin chắc rằng lòng ông đúng, ông tin Chúa Giê-xu, nhưng ông tin vào chính mình. “Tôi sẽ không bao giờ từ chối Chúa tôi!”. Bạn có thấy cả đời sống đó của một Phi-e-rơ với lòng tin xác thịt vào chính ông. Trong sự kiêu hãnh xác thịt, trong sự không yêu thương xác thịt, trong sự tự do xác thịt, ông đã từ chối Chúa Giê-xu, tất cả đó chỉ là đời sống xác thịt. Phi-e-rơ yêu Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh từng dạy ông. Đấng Christ từng nói: “Thịt và huyết không tỏ điều này cho ngươi đâu, nhưng Cha Ta ở thiên đàng”. Đức Chúa trời từng dạy ông rằng Đấng Christ là Con Ngài; nhưng dù vậy, Phi-e-rơ chỉ ở dưới quyền năng của xác thịt; và vì thế Đấng Christ đã nói ở Ghết-sê-ma-nê: “Tâm thần thì muốn lắm mà xác thịt thì yếu đuối”“Ngươi đang ở dưới quyền năng của xác thịt, ngươi không thể tỉnh thức với Ta”. Cuối cùng, điều đáng buồn nhất là sự chối Chúa Giê-xu thật sự của Phi-e-rơ. Ba lần ông đã nói dối, và một lần với lời thề “Ta không biết người đó”. Ông từ chối Chúa. Đó là đời sống xác thịt, đó là Phi-e-rơ.

Đấng Christ từng dạy Phi-e-rơ rất nhiều. Tôi nghĩ nếu bạn đếm cẩn thận bạn sẽ tìm được bảy hay tám lần, Đấng Christ thường nói với các sứ đồ về sự khiêm nhường khi Ngài đem một đứa trẻ và để giữa họ. Ngài cũng từng nói: “Ai tự đưa mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống sẽ được đưa lên”. Ngài đã nói thế ba hoặc bốn lần trong bữa ăn cuối, Ngài đã rửa chân cho các môn đồ; nhưng tất cả điều đó đều không dạy được Phi-e-rơ về sự khiêm nhường. Tất cả những sự chỉ dẫn của Đấng Christ đều vô ích. Bây giờ hãy nhớ điều đó. Một người không thuộc linh mặc dù ông có thể đọc Kinh Thánh, và học Lời Chúa nhưng không thể chinh phục tội lỗi, vì ông ta không sống đời sống của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời từng ra lệnh như vậy, một người không thể sống một cuộc đời Cơ Đốc nhân đúng trừ khi anh ta được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Có bao giờ bạn nghĩ rằng đầy dẫy Đức Thánh Linh, đó là điều mà các sứ đồ đã có vào ngày lễ Ngũ tuần; đó là điều mà những thánh tử đạo và những nhà truyền giáo phải có, nhưng nếu mỗi người phải được đầy Thánh Linh có là điều quá cao không? Tôi nói với bạn rằng, trừ khi bạn tin điều đó bạn sẽ không thể trở nên Cơ Đốc nhân hoàn toàn. Tôi phải đầy dẫy Đức Thánh Linh nếu tôi là một Cơ Đốc nhân hết lòng.

  1. MỘT PHI-E-RƠ TRƯỞNG THÀNH TRONG THUỘC LINH.
  2. Sự thay đổi xảy ra trong Phi-e-rơ.

Chúa Giê-xu hướng dẫn Phi-e-rơ đến ngày lễ Ngũ tuần, Đức Thánh Linh đến trên ông và điều gì đã xảy ra? Con người cũ của Phi-e-rơ biến mất, và ông là một Phi-e-rơ mới. Hãy đọc thư của ông và chú ý điểm then chốt của thư “Chịu khổ để đến vinh quang”. Phi-e-rơ là người từng nói “Dĩ nhiên Chúa ơi, Ngài không bao giờ chịu khổ hay bị đóng đinh” và cũng là người giữ cho mình cho khỏi chịu khổ hay xấu hổ, từ chối Đấng Christ, Phi-e-rơ trở nên thay đổi đến nỗi khi ông viết thư tư tưởng chính của ông là chính tư tưởng Đấng Christ, “chịu khổ là con đường để đến vinh quang”. Bạn không thấy Đức Thánh Linh đã thay đổi Phi-e-rơ sao? Nhìn vào Phi-e-rơ, ông đã yếu đuối đến nỗi một người đàn bà có thể làm ông sợ đến mức từ chối Đấng Christ; nhưng khi Đức Thánh Linh đến, ông đã dạn dĩ để xưng Chúa của ông với bất cứ giá nào, đã sẵn sàng đi tù và chết vì Đấng Christ, Đức Thánh Linh đã thay đổi con người này.

Ông không thể hiểu điều Đấng Christ dạy ông, ông không thể nhận lãnh được. Đó là điều không thể có trước khi Đấng Christ chết; nhưng trong ngày lễ Ngũ Tuần ông đã có thể giải thích Lời Chúa như một người thuộc linh! Khi Thánh Linh đến trên một người, người đó trở thành một người thuộc linh và thay vì từ chối Chúa người đó chối chính mình, hãy nhớ điều đó. Trong Ma-thi-ơ 16 khi Phi-e-rơ nói: “Chúa ơi, xin điều đó ở xa Chúa, Chúa sẽ không bao giờ bị đóng đinh đâu”. Đấng Christ đã nói với ông: “Nếu ai muốn theo Ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ Ta mà mất sự sống thì sẽ được lại.…”. Phi-e-rơ đã đáp ứng với mạng lệnh ấy như thế nào? Ông đã chối Chúa. Khi một Cơ Đốc nhân còn ở dưới quyền lực của xác thịt, người đó tiếp tục chối Chúa Giê-xu. Bạn phải làm một trong hai điều, bạn chối cái tôi bản thân hay là bạn chối Chúa Giê-xu. Phi-e-rơ đã từ chối Chúa của ông hơn là từ chối chính mình. Mặt khác, khi Đức Thánh Linh xuống trên ông, ông không thể từ chối Chúa của ông, nhưng ông từ chối chính mình và ông ca ngợi Chúa Trời về đặc quyền chịu khổ vì Đấng Christ.

  1. Bây giờ hãy xem sự thay đổi xảy ra như thế nào?

“Phi-e-rơ đi ra và khóc lóc cách đắng cay” (Ma-thi-ơ 26:75), như vậy có nghĩa là gì? Có nghĩa là Chúa đã hướng dẫn Phi-e-rơ đến điểm cuối cùng của ông, để xem cái gì trong lòng ông, mà cùng với sự tự tin của ông, Phi-e-rơ đã rơi vào một tội lỗi nặng nề nhất mà một đứa con của Chúa có thể phạm: một cách công khai, với một lời thề từ chối Chúa Giê-xu của ông! Khi Phi-e-rơ đứng đó với tội thật nặng, Chúa Giê-xu thương yêu nhìn lên ông, và cái nhìn đó đầy sự khiển trách thương yêu, thương hại, xuyên thủng giống như một mũi tên xuyên qua con tim của Phi-e-rơ, khiến ông đi ra khóc lóc cách đắng cay.

Tôn vinh Đức Chúa Trời, đó là chấm dứt một Phi-e-rơ tự tin! Tôn vinh Chúa đó là khúc quanh của đời ông! Ông đi ra với sự xấu hổ mà không một ngôn ngữ nào có thể diễn tả. Ông tỉnh thức như ra khỏi một giấc mơ để trở về một thực tế thảm hại: “Tôi đã từng giúp đóng đinh Con của Đức Chúa Trời. Không một người nào có thể đo được chiều sâu những gì Phi-e-rơ phải trải qua ngày thứ sáu, thứ bảy và sáng Chúa nhật đó. Nhưng tạ ơn Chúa, vào ngày Chúa nhật đó Chúa Giê-xu đã bày tỏ chính Ngài cho Phi-e-rơ, chúng ta không biết thế nào nhưng “Ngài được Phi-e-rơ trông thấy”. Vào buổi chiều, Ngài đến với ông và những môn đồ khác chúc bình an, và hà Thánh Linh trên ông; sau đó Chúa đã hỏi ông ba lần: “Si-môn, con của Giô-na, ngươi yêu Ta chăng?” cho tới khi Phi-e-rơ đầy buồn rầu và nói: “Chúa ơi, Chúa biết mọi sự, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa”. Cái gì đã làm sự chuyển đổi từ tình yêu xác thịt đến tình yêu thuộc linh? Tôi nói với bạn, đó chính là sự bắt đầu của một tấm lòng tan vỡ “Phi-e-rơ đi ra và khóc lóc cách đắng cay”, một tấm lòng có thể cho bất cứ cái gì kể cả sự tự tin để chứng tỏ tình yêu của Phi-e-rơ cho Chúa Giê-xu, và chuẩn bị cho sự vận hành của Đức Thánh Linh ở trong ông.

  1. NHẬN RA TÌNH TRẠNG THUỘC LINH CỦA BẠN.

Bây giờ, bạn có thể dễ dàng thấy sự áp dụng của câu chuyện.

Không phải là có nhiều người đang sống cuộc đời của Phi-e-rơ, trong sự tự tin ông đã có hay sao? Không phải có nhiều người đang than khóc vì ý thức “Tôi đã không trung thành với Chúa tôi, tôi không có quyền năng chống lại xác thịt, tôi không thể chinh phục tính nóng nảy của tôi, tôi giống như Phi-e-rơ, sợ hãi loài người, bạn bè vì người ta có thể ảnh hưởng tôi và làm cho tôi phải làm những điều tôi không thích. Và tôi không có quyền năng chống lại chúng? Hoàn cảnh nắm chủ quyền trên tôi, rồi tôi nói và làm những điều làm tôi xấu hổ?”. Tôi cầu nguyện và cố gắng, tôi thật muốn một đời sống thánh khiết nhưng xác thịt quá mạnh, và tội lỗi thắng thế trong tôi. Một cách liên tục tôi tự làm mình vui lòng thay vì từ chối nó, và từ chối Chúa Giê-xu thay vì làm vui lòng Ngài. Tất cả những ai đang muốn thú nhận tội lỗi đó, hãy đến và yên lặng nhìn một đời sống khác mà bạn có thể có.

  1. QUYẾT ĐỊNH SỐNG BƯỚC THEO THÁNH LINH.

Giống như Chúa Giê-xu ban Thánh Linh cho Phi-e-rơ, Ngài cũng đang muốn ban Thánh Linh cho bạn. Bạn có muốn nhận Ngài không, bạn có đang muốn từ bỏ chính mình hoàn toàn như một cái bình trống. Không có sức để làm gì hết, để nhận quyền năng của Thánh Linh, để sống, để cư ngụ và làm việc trong bạn mỗi ngày? Đức Chúa Trời đã sửa soạn một đời sống đẹp đẽ, phước hạnh như thế cho mỗi đời sống chúng ta, và Ngài như một người Cha đang chờ đợi để xem tại sao bạn không đến với Ngài để Ngài đổ đầy bạn với Thánh Linh. Bạn có đang muốn điều đó không? Tôi chắc rằng vài người muốn. Có vài người từng nói luôn: “Ôi, Chúa tại sao tôi không thể sống cuộc đời đó? Tại sao tôi không thể sống mỗi giờ với sự thông công liên tục với Ngài? Tại sao tôi không thể vui hưởng cái mà Cha tôi cho tôi đó là tất cả sự giàu có của ân điển Ngài? Ngài trao nó cho tôi, và tại sao tôi không thể vui hưởng nó?” Có những người nói: “Tại sao tôi không thể ở trong Đấng Christ mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi lúc? Tại sao tôi không thể có ánh sáng của tình yêu Cha tôi đổ đầy trong lòng tôi suốt ngày? Hãy nói cho tôi biết điều gì có thể giúp tôi?” Tôi có thể nói với bạn một điều sẽ giúp bạn. Điều gì đã giúp Phi-e-rơ? “Phi-e-rơ đi ra và khóc lóc cách đắng cay”. Nguyện Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta bây giờ, cùng với Phi-e-rơ chúng ta có thể đi ra, và nếu cần có thể khóc lóc cách đắng cay. Xin Chúa bày tỏ cho chúng ta thấy đời sống xác thịt mà chúng ta đang sống, bày tỏ cho chúng ta những điều đang cản trở chúng ta có một đời sống sung mãn, đầy dẫy Đức Thánh Linh.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Phi-e-rơ đã theo Chúa như thế nào? (Lu-ca 22:54).
  3. Tại sao Phi-e-rơ sợ hãi và từ chối Đấng Christ? (Câu 55,56).
  4. Phi-e-rơ đã nhận ra điều gì khi gặp Chúa Phục sinh? (Giăng 21:15-18).
  5. Sau khi được đầy dẫy Đức Thánh Linh, Phi-e-rơ có một đời sống như thế nào? (Công vụ 4:8-13).
  6. Bạn mong ước có được sự thay đổi trong đời sống như Phi-e-rơ không? Ngay hôm nay, bạn sẽ quyết định như thế nào để được Chúa Thánh Linh chiếm hữu trọn vẹn?

Post CommentLeave a reply