CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 04.10.2020
By Lee Vi in PHỤ NỮ on 1 Tháng Mười, 2020
Chúa nhật 04.10.2020.
- Đề tài: LOAN BÁO THÔNG ĐIỆP TIN LÀNH.
- Kinh Thánh: Ê-phê-sô 3:1-13.
- Câu gốc: “Ngài lại đã đến rao truyền sự hòa bình cho anh em là kẻ ở xa, và sự hòa bình cho kẻ ở gần. Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh” (Ê-phê-sô 2:17-18).
- Đố Kinh Thánh: Phục truyền 19-21.
- Thể loại: Giải đáp thắc mắc.
* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.
- Mời người giải đáp thắc mắc.
- Thông báo đề tài “Tại sao phải loan báo thông điệp Tin lành” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ. Ủy viên linh vụ nhờ người có kinh nghiệm thuộc linh trong Hội Thánh giải đáp thắc mắc.
- Các câu hỏi phải sắp xếp theo thứ tự để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau mỗi câu trả lời, cần dành ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
- Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Ông nội chúng tôi ngày xưa rất thích nghe “ông Mỹ nói tiếng Việt”. Một ông da trắng đến thì giờ thăm viếng người bản xứ khiến ông tò mò. Từ chỗ tò mò, ông nội tôi quen biết với “ông Mỹ” kia và cảm động vì sự chân tình, sự yêu thương thành thật và cách sống đơn giản.
“Ông Mỹ” đó đã bỏ những tiện nghi, những xa hoa của xã hội tân tiến để đến một xứ sở nghèo nàn không phải tìm kiếm của cải vật chất nhưng để chia sẻ tình thương và hy vọng. “Ông Mỹ” đó là một trong những vị giáo sĩ tiền phong dấn thân phục vụ tại Việt Nam. Ông nội tôi đã nhờ vị giáo sĩ ấy mà biết Chúa. Nhờ sự quan tâm và ý thức trách nhiệm của vị giáo sĩ kia, cả gia đình chúng tôi tiếp nhận Chúa làm Cứu Chúa cho cuộc đời mình.
Bài học ngày hôm nay được căn cứ trên Ê-phê-sô 3:1-13. Đoạn kinh văn này bao gồm quyền lợi và trách nhiệm mà Đức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài để làm chứng nhân cho sự cứu rỗi diệu kỳ của Ngài. Chúng ta được ban cho một sứ điệp vinh diệu: Sứ điệp của tình thương và hy vọng. Đáng buồn thay, nhiều Cơ Đốc Nhân đã giữ tin mừng này cho riêng mình. Ước mong rằng sau khi học bài học này chính bạn sẽ được thúc giục để nắm lấy trách nhiệm cá nhân và quyền hạn đặc biệt trong việc chia sẻ Tin Lành cho người chung quanh.
- MẦU NHIỆM CỦA TIN LÀNH (c.1-6).
Khi Phao-lô viết thơ này, ông đang bị cầm tù, có thể là tại La-mã. Trong khi chờ đợi xét xử, ông đã dành thì giờ để phản ảnh lại cuộc đời theo Chúa và phục vụ này. Ông nhận rằng ông đã làm một quản gia trung thành cho Tin Lành của Chúa. Ông đã là gương sáng cho nhiều Hội Thánh và trong trường hợp này, ông khuyến khích Hội Thánh Ê-phê-sô trong việc chia sẻ thông điệp Tin Lành.
Có một điều ngạc nhiên, mặc dầu ông bị ở tù nhiều lần (2Cô- rinh-tô 11:23), ông không cho việc người đời cầm tù ông là đáng quan tâm mà ông tự cho mình là “kẻ tù của Đức Chúa Giê-xu Christ” (c.1). Bị bắt bỏ tù ông không cho là quan trọng, nhưng tình nguyện làm kẻ tù của Chúa ông cảm thấy là một phước hạnh nên khoe. “Đức Chúa Trời ban chức” (c.2) theo nguyên ngữ là “chức vụ quản gia các ân phúc của Đức Chúa Trời”. Việc quản gia không chỉ đơn giản là vấn đề vật chất, của cải. Quản gia ân phúc của Đức Chúa Trời bao gồm những yếu tố thuộc linh như sự bình an, hy vọng và nhất là sự cứu rỗi.
Phao-lô khám phá rằng sự cứu rỗi không dành riêng cho ông, cũng không phải chỉ cho dân tộc của ông. Chúa Giê-xu đã chết để đem sự cứu rỗi đến cho cả nhân loại và đó là “lẽ mầu nhiệm” (c.3) mà ông nhắc tới. Theo Phao-lô, các đời trước đó người ta đã không hiểu được “lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ” (c.4), nhưng nay Đức Thánh Linh đã tỏ ra cho các “sứ đồ thánh và các tiên tri” (c.5) cũng cho Phao-lô nữa.
Thêm vào đó, Phao-lô được Chúa cho biết rằng người ngoại bang cũng có cùng một địa vị trong Chúa như người Do-thái. Ba lần trong câu 6, Phao-lô nói về người ngoại bang như là người “đồng kế tự”, “các chi của đồng một thể” và “có phần chung” với các thánh đồ. Một khi người tín hữu biết rõ lẽ mầu nhiệm này, họ sẽ khao khát được truyền tin mừng của Chúa cho mọi người, mọi nơi chứ không phải chỉ cho những người giống như họ và đồng đẳng với họ.
- CÔNG HIỆU CỦA QUYỀN NĂNG (c.7-9).
Tôi có nghe nhiều trường hợp khác nhau về một số người đã từ chối những cơ hội phục vụ Chúa vì họ cảm thấy chưa đủ khả năng hay chưa sẵn sàng để nhận trách nhiệm. Tôi cũng nghe rằng nhiều tín đồ không làm chứng cho Chúa, vì họ không biết làm chứng thế nào. Cũng có người đã từng tham dự các khóa huấn luyện chứng đạo nhưng họ vẫn không làm chứng. Một phần trong các trở ngại là việc họ không thấy được “công hiệu của quyền phép” (c.7) Đức Thánh Linh trong đời sống họ.
Nhiều khi chúng ta xem Phao-lô như là một nhân vật xuất chúng, dĩ nhiên ông là người mạnh dạn và nhiệt tâm, nhưng chúng ta quên nguồn năng lực của ông đến từ đâu. Phao-lô nói rằng sức lực của ông là “ân điển đã ban cho tôi bởi công hiệu của quyền phép (quyền năng) Ngài” (c.7). Ông biết rằng ân tứ chia sẻ tin mừng của Chúa cho người ngoại bang không phải là một tài khéo của riêng ông, nhưng là một ơn được Chúa ban cho và được sự thúc giục bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.
Mỗi một người trong chúng ta đều được Chúa ban cho những ân tứ và quyền năng của Đức Thánh Linh để hoàn thành hiệu quả công tác mà Ngài đã giao cho chúng ta như Ngài đã giao phó cho Phao-lô.
Phao-lô cũng chứng minh rằng vì quyền năng của ân điển Chúa mà đời sống ông được đổi thay. Trong (c.8) ông nói rằng ông “là kẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ”. Có thể ông nhận thấy mình không xứng đáng, vì ông đã từng bắt bớ đạo Chúa, vì thái độ và hành động trong quá khứ của ông Công-vụ 9:1-2. Ông rất đỗi ngạc nhiên vì Chúa biến ông từ một kẻ thù nghịch ra một nhà truyền giảng Tin Lành và để “soi sáng cho mọi người biết… lẽ mầu nhiệm” (c.9) của Ngài.
Còn bạn thì sao? Dầu bạn đã là thế nào đi nữa, Chúa có thể biến đổi bạn thành một người mới, mạnh dạn trong Ngài. Quyền năng của Ngài sẽ biến đổi bạn trở nên một nhân chứng hiệu quả cho Ngài.
III. LOAN BÁO TIN VUI (c.10-13).
Trọng tâm trong đời sống của mỗi Hội Thánh là công tác tỏ bày tin mừng của Chúa cho nhân loại đau khổ và hư mất. Phao-lô ngày xưa và Hội Thánh Chúa hôm nay được Đức Chúa Trời ủy thác công tác loan báo tin mừng này cho mọi người.
Chúng ta không hiểu rõ Phao-lô muốn nói gì khi ông viết rằng chúng ta phải tỏ cho “những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời” (c.10). Tuy nhiên, có thể Phao-lô muốn nói rằng nếu chúng ta hết lòng thực hiện công tác rao báo Tin Lành của Chúa thì ngay cả những thiên sứ trên trời cũng sẽ hay biết điều đó.
Chúa của chúng ta muốn mọi người khắp thế gian được nghe Tin Lành cứu rỗi của Ngài và có cơ hội tiếp nhận sự cứu chuộc của Ngài. Hội Thánh và công tác rao báo tin mừng không thể thiếu trong chương trình vĩnh cửu của Đức Chúa Trời cho đến ngày tận thế. Từ buổi sáng thế “ý định đời đời” (c.11) của Ngài là muốn bày tỏ sự giàu có, sung mãn của ân điển Ngài. Vì thế Hội Thánh là một phần tử để thực hiện và hoàn thành ý định ấy.
Chia sẻ Tin Lành với những người khác là chuyện không phải dễ. Trong các (c.12,13) Phao-lô ghi nhận hai trở lực mà người tín đồ nên vượt qua để chia sẻ Tin Lành có hiệu quả: Thứ nhất là thiếu sự “dạn dĩ”. Sợ hay là một nan đề thật sự trong việc đi ra làm chứng. Rất ít người trong chúng ta dạn dĩ đủ để ra đi làm chứng mặc dầu Chúa hứa ban cho chúng ta quyền năng Ngài.
Trở lực thứ hai là sự “ngã lòng”. Phao-lô muốn Hội Thánh Ê-phê-sô vững vàng mặc dầu họ biết ông đang chịu hoạn nạn và có thể họ cũng sẽ gặp sự bắt bớ, đau khổ. Ngã lòng là một nan đề trầm trọng của xã hội chúng ta. Nhiều khi chúng ta có cảm tưởng cuộc đời mình như chiếc thuyền trôi trong bể sóng và muốn bỏ cuộc nửa chừng. Đối với Phao-lô lại khác, ông cho rằng sự hoạn nạn mà ông chịu là một vinh hiển cho các anh em tại Ê-phê-sô. Hy vọng rằng chính bạn, độc giả của bài học này, cũng sẽ học được bài học quý giá từ nơi Phao-lô chẳng những từ lời nói nhưng cũng từ thái độ và hành động của ông để làm một chứng nhân đắc lực trong sự loan báo tin vui.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Chống Mốc.
Cho hai lát hành tây vào xì dầu hoặc giấm để không bị mốc.
Ngăn Ruồi Đậu Lên Thức ăn
Rửa sạch thực phẩm, để ráo nước, đặt vài lát hành tây đã rửa sạch lên trên, ruồi sẽ tránh xa.