Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 23.02.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 23.02.2020

By Lee Vi in PHỤ NỮ on 17 Tháng Hai, 2020

Chúa nhật 23.02.2020.

  1. Đề tài: NHỮNG XÁC TÍN KHÁC NHAU.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 8:1-13.
  3. Câu gốc: “Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi” (1Cô-rinh-tô 8:13).
  4. Đố Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô ký 32-34.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Con cái Chúa được phép ăn của cúng thần tượng vì thần tượng chỉ là hư không nên thức ăn đem cúng không có vấn đề gì, vô hại.

Đề tài 2: Con cái Chúa không nên ăn của cúng thần tượng vì dầu thần tượng chỉ là hư không nhưng thức ăn đó đã bị sa-tan lợi dụng làm thức ăn ra ô uế.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận thêm sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Hội Thánh là đại gia đình của Đức Chúa Trời. Trong Hội Thánh đủ mọi thành phần, nên vì thế kiến thức họ khác nhau; đức tin khác nhau và phương thế hành xử cũng khác nhau. Một trong những điều suy yếu của Hội Thánh là sự cáo buộc. Làm thế nào để gây dựng một Hội Thánh ấm áp, vui tươi mà mọi người sống trong sự yêu thương của Chúa, thương yêu nhau là một vấn đề quan trọng. Qua bài học hôm nay, Phao-lô đưa ra phương cách giải quyết đó là: Sự quân bình giữa kiến thức và tình yêu.

  1. NGUYÊN TẮC CHỈ DẪN.

Vấn đề Hội Thánh Cô-rinh-tô đưa ra để chất vấn Phao-lô chỉ là sự cáo buộc về việc ăn hoặc không ăn thịt cúng thần tượng. Có hai thành phần chênh lệch về kiến thức thuộc linh tại Hội Thánh Cô-rinh-tô. Một số người có kiến thức phong phú sâu rộng (1Côr 1:5), họ biết rõ thần tượng chỉ là sự hư không; thần tượng không thể nào làm ô uế thịt đã cúng thần tượng rồi đem bán ngoài chợ. Thịt này giá rẻ hơn thịt bình thường rất nhiều. Vì lý do tiết kiệm, những tín hữu có kiến thức rộng không ai ngại gì khi ăn thịt đã cúng thần tượng. Một số tín hữu khác hoặc chưa có sự nhận biết hình tượng là sự hư không, thì cáo buộc những người ăn thịt vì cho đó là hành động a tòng với ma quỉ, hoặc còn sống trong sự tối tăm. Vì thế, họ bất mãn sự ăn thịt của cúng thần tượng, lên án gắt gao và tạo thành sự bất an trong Hội Thánh Đức Chúa Trời. Sự thật là thế nào? Ai đúng? Ai sai? Vấn đề của chúng ta hôm nay không phải là tìm sự đúng sai mà là tìm phương cách giải quyết. Giải quyết thế nào mà danh Chúa được sáng, anh em cảm thông nhau để tạo sự hiệp một trong Hội Thánh. Phao-lô là người nhìn rất rõ nan đề và ông đã đưa ra một giải pháp tuyệt diệu để tẩy xóa nan đề. Loại thuốc tẩy mạnh nhất có thể xóa sạch mọi nan đề trong Hội Thánh là “tình yêu”.

  1. KIẾN THỨC THUỘC LINH.

Xin đừng tranh cãi với một em bé khi nó sợ bóng tối. Đừng cho sự sợ ma của bé là ngu dại, là thiếu khôn ngoan. Việc cho thịt cúng thần tượng ô uế là điều đúng. Bởi vì khi người ta đã dâng của cúng cho thần tượng mặc dầu đó là thần tượng hư không nhưng Sa-tan đã lợi dụng để hành động hợp pháp trên tất cả mọi của dâng đó. Kiến thức là điều quí giá vì nhờ kiến thức chúng ta phân biệt được thật giả, đúng sai. Nhưng có người đã viết câu này “Kiến thức có thể là một loại vũ khí để đánh nhau hay là một khí cụ để xây dựng” Tác dụng chiến đấu hoặc xây dựng của kiến thức hoàn toàn tùy thuộc vào người sử dụng nó và cũng tùy thuộc vào phương cách sử dụng.

Sự cho mình biết đủ mọi điều là bằng cớ rõ ràng nhất chứng minh mình chưa biết gì hết. Khi Pascal trở thành nhà bác học nổi tiếng, có lần ông lượm một mảnh sò nơi bờ biển và than rằng: “Kiến thức của mình chỉ ví như mảnh sò nơi bờ biển”. Người có kiến thức thật là người biết rằng mình chẳng biết được bao nhiêu. Điều nguy hiểm cho một số người có kiến thức sâu rộng là họ chỉ có kiến thức mà không nhận ra ân điển của Đức Chúa Trời.

Vì thế, họ không có được mối tương giao mật thiết ngọt ngào với Chúa với anh em cùng niềm tin như mình. Kiến thức được ví như loại bột làm bánh, nhưng cần được pha trộn với mật tình yêu để hương vị của bánh thêm đậm đà. Tình yêu và kiến thức là hai mặt của một đồng bạc, không thể có mặt này mà thiếu mặt kia. Sứ đồ Phao-lô khuyên “Lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Ê-phê-sô 4:15). Tại sao lấy lòng yêu thương mới nói được lẽ thật?

Vì nói lẽ thật mà thiếu tình yêu chỉ là sự hung bạo và tình yêu mà thiếu lẽ thật chỉ là sự giả hình. Có kiến thức mà không có tình yêu thì chẳng ích gì, chẳng gây dựng được gì. Chỉ như con ểnh ương kêu huỳnh oang cả ngày mà không gây dựng được cho ai hết. Người có kiến thức thật là người biết yêu thương anh em để họ cùng đứng vững trong đức tin mà bước đi trong sự hầu việc Chúa.

III. TIỀM NĂNG BỊ TỔN HẠI.

Sống là tương giao; sống là ảnh hưởng lẫn nhau. Vì thế, chúng ta cần phải vì nhau, nương dựa nhau, để sinh tồn. Một số người tại Hội Thánh Cô-rinh-tô, Phao-lô coi họ là người có lương tâm yếu đuối (1Côr 8:7). Lý do lương tâm họ yếu đuối vì kiến thức họ nông cạn vì họ chưa có lòng tìm kiếm Chúa, họ chỉ có nhìn người khác để sống. Có nhiều lý do khiến tín hữu có thể là người có kiến thức nông cạn hoặc lương tâm yếu đuối (chữ lương tâm ám chỉ sự phê phán của nội tâm). Lý do thứ nhất có thể là người mới tin Chúa, chưa có đủ thời gian để am tường lẽ đạo.

Vì thế, họ thường hay đoán xét, phê bình theo quan niệm ngoài đời. Nhiều khi cũng có người tin Chúa lâu năm, nhưng đức tin và kiến thức họ vẫn thuộc loại con trẻ vì thế họ rất dễ bị lương tâm ô uế (1Côr 8:7). Chữ “ô uế” được Phao-lô dùng ở đây giống như hình ảnh tấm kính trong bị vẫn đục không thể thấy trong suốt. Họ rất dễ bị tổn thương “Khi nào mình phạm tội cùng anh em như vậy, làm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương, thì là phạm tội cùng Đấng Christ. Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi” (1Côr 8:12-13).

Và khi họ bị thương, họ sẽ tìm dịp tấn công. Phao-lô nói, nếu vì bất cứ lý do gì, chúng ta làm cho anh em mình vấp phạm. Thì chúng ta có tội cùng Đấng Christ.

IV MỘT QUYẾT ĐỊNH CHÍNH XÁC.

Bất cứ nan đề nào cũng cần có một giải pháp, một quyết định. Quyết định của Phao-lô là ông không ăn thịt của cúng thần tượng dù ông biết thịt cúng hoặc không cúng cũng như nhau mà thôi. Đây là một quyết định khôn ngoan và dứt khoát. Khôn ngoan vì giải quyết được nan đề. Dứt khoát vì vấn đề cần được giải quyết đúng lúc, hợp tình và hợp lý. Ông nói “Ăn cũng chẳng ích lợi gì, không ăn cũng chẳng tổn hại gì” (c.8).

Ước mong bài học này giúp mỗi chúng ta luôn luôn căn cứ trên tình yêu thương để có những quyết định khôn ngoan và dứt khoát, giải quyết những vấn đề trong Hội Thánh, hầu Hội Thánh có thể vượt qua những chướng ngại do ma quỉ gây ra. Cùng đồng tâm tiến bước vào đồng lúa chín vàng mà thu hoạch mùa gặt đang trúng.

* ÁP DỤNG.

Qua bài học này, Phao-lô nêu cao giá trị của tình yêu. Chính tình yêu làm cho kiến thức thêm tươi thắm, thêm giá trị. Chính tình yêu giúp chúng ta biết hành xử, chọn lựa con đường phải đi và được đẹp lòng Chúa. Chính tình yêu đưa chúng ta đến những quyết định chính xác, khôn ngoan, kịp thời và đúng lúc.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Dưa leo (loại nhỏ trái): Thanh lọc máu, hạ áp huyết, trừ chứng khát nước, làm giảm các trường hợp viêm và tăng khả năng biến chất (metabolism) của cơ thể.

– Dùng bổ tỳ vị, kích thích tiêu hóa: Dưa leo xào chua ngọt với thịt heo, tôm tươi, cà chua, hành tây… Món ăn này có tác dụng bổ tỳ vị, kích thích tiêu hóa, ăn biết ngon.

– Dùng thanh nhiệt, lợi tiểu, trị mắt đỏ: Dưa leo trộn gỏi (làm nộm) với cà rốt, tôm tươi, thịt nạc, mè rang, đậu phộng. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trị mắt đỏ.

 

 

 

Post CommentLeave a reply