CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 14.7.2019
By Lee Vi in NAM GIỚI on 14 Tháng Bảy, 2019
Chúa nhật 14.07.2019.
- Đề tài: CHÚA NHẬT KINH THÁNH.
- Kinh Thánh: Thi thiên 119:1-16.
- Câu gốc: “Phước cho những người trọn vẹn trong đường lối mình, đi theo luật pháp của Đức Giê-hô-va” (Thi 119:1).
- Đố Kinh Thánh: Gia-cơ 4-5.
- Thể loại: Kịch 5’.
* CHỈ DẪN: Kịch.
- Mời vài người trong ban chấp sự của Hội Thánh nhóm chung với Ban Nam giới và làm giám khảo.
- Cách thực hiện chương trình.
* Cách 1: Từ nhiều tuần trước, mỗi nhóm của ban Nam giới họp lại để soạn và tập một vở kịch ngắn với đề tài về “Kinh Thánh”. Tùy theo số nhóm mà định thời gian của vở kịch, nhưng không được quá 15 phút.
* Cách 2: Trước giờ nhóm, ban hướng dẫn chia ban Nam giới ra làm 3 nhóm và cho ngồi riêng từng nhóm. Đến tiết mục kịch 5 phút, ban hướng dẫn giao cho mỗi nhóm một câu chuyện ngắn với đề tài về “Kinh Thánh”. Trong 20 phút, các nhóm phải biến câu chuyện thành vở kịch, phân vai và tập kịch.
– Các nhóm lần lượt diễn kịch.
– Cách chấm điểm.
+ Thời gian: Đúng giờ (5’ hoặc 15’) 10 điểm. Mỗi phút dư bị trừ một điểm.
+ Tinh thần: Tất cả nhóm viên đều tham gia vào vở kịch: 10 điểm. Thiếu một người trừ 1 điểm.
+ Diễn xuất: 10 điểm.
+ Nội dung: 10 điểm (nếu là vở kịch tự chọn).
– Phát thưởng.
* CÂU CHUYỆN THAM KHẢO.
KHÔNG TIN LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI SẼ HỐI TIẾC
Người ta thuật chuyện, ở nước Anh có một điền chủ muốn dạy cho các nông dân của ông một bài học về sự tin cậy Đức Chúa Trời. Ông hứa với các tá điền rằng một ngày nào đó sẽ trả dùm tất cả các món nợ của họ, nếu họ đem đến cho ông những giấy tờ văn khế vay mượn của họ, và bằng lòng nhận ơn của ông.
Sáng hôm ấy, ông ngồi trong văn phòng mình chờ đợi cho đến trưa, đúng như lời ông đã thông báo khắp nơi. Những tá điền nhóm lại ngoài phố, xầm xì không biết điền chủ có thâm ý gì. Bởi vậy họ cố đợi xem có ai vào để biết vị điền chủ có thật rộng lượng như điều ông đã thông báo chăng, và nếu quả có thì họ sẽ vào xin.
Bóng mặt trời càng lúc càng lên cao mà chẳng ai trong vòng những tá điền chịu bước vào cả. Sau hết có một cặp vợ chồng già nọ tiến tới, lò mò bước lên tam cấp và đến gần cửa. Đám đông bên ngoài bèn kéo lại vây quanh hai cụ và hăm hở dặn rằng: “Hai cụ nhớ mau mau ra cho chúng tôi biết kết quả nhé!”
Hai vợ chồng già loạng choạng bước vào. Vị điền chủ nghênh đón họ cách nồng hậu, nhận lấy các tờ khai nợ của họ, lật qua lật lại xem rất kỹ, rồi vui vẻ lấy tiền ra đưa cho họ. Ông còn niềm nở hỏi họ có cần ông giúp đỡ thêm gì về cơm áo chăng? Ông cho biết rằng ông có dành riêng một số tiền để giúp cho các anh em tá điền, nhưng không ai chịu để ông giúp. Bởi đó, ông tặng cho hai cụ một số tiền đủ để mua một căn nhà nho nhỏ và một số khác để hai vợ chồng già vui sống trong chuỗi ngày tàn. Hai cụ già quá ư vui sướng, nước mắt tràn tuôn vì cảm động, rối rít cảm tạ vị ân nhân.
Hai cụ đứng dậy từ giã ông chủ, thì ông cầm họ lại, vui vẻ trò chuyện một hồi nữa, cho đến khi đồng hồ gõ mười hai tiếng. Bấy giờ ông chủ mới đứng dậy mở cửa tiễn họ ra về và nói: “Thời hạn mà tôi đã thông báo đến đây đã mãn, vì tôi có nhiều việc khác cần phải đi ngay. Thôi chào hai cụ nhé!”
Trong khi hai cụ già khập khễnh bước xuống tam cấp, thì đoàn nông dân, tá điền chạy ù lại vây phủ lấy ông bà cụ, hỏi thăm rối rít:
– “Sao! Ông chủ có trả dùm nợ cho hai cụ không? Ông chủ có làm thật như điều ông đã nói không hở cụ?”
Hai cụ già nhìn chăm vào mặt họ với vẻ hết sức ngạc nhiên và nói cách quả quyết: – “Có chớ! Sao lại không?”
Bấy giờ các anh em tá điền mới hối hả chạy tới trước cửa, định kéo ào vào. Nhưng vị chủ điền đã bước ra, cúi chào họ cách lễ phép và nói:
– “Chào bà con! Thật tiếc là bà con đến trễ quá. Tôi có việc cần phải đi ngay. Thời hạn đã hết, dịp tiện đã qua rồi!”
Ôi, mọi người đều hết sức hối tiếc vì đã không tin lời vị điền chủ. Qua ngày Chúa nhật sau, khi ông điền chủ đứng trong nhà thờ để nói chuyện với họ về những lời hứa của Chúa Giê-xu và về ý nghĩa của những lời ấy, thì khác hơn mọi lần trước, họ đều nhận thức rằng không tin là một sự điên dại và tội ác. Còn tin Đức Chúa Trời và nhớ lại rằng Ngài phán thể nào thì làm theo thể ấy, là một phước hạnh.
CUỘC ĐỜI VUI MỪNG NHỜ CHÚA GIÊ-XU VÀ KINH THÁNH
Tại Ấn Độ, có một người vì tin theo Chúa Giê-xu nên bị cha mẹ, anh em vô tín đánh đập tàn nhẫn rồi đuổi ra khỏi nhà. Anh đến trọ cùng họ hàng thân thích, nhưng họ cũng khinh chê và ghét bỏ. Dầu gặp hoàn cảnh đó, anh vẫn cứ một lòng theo Chúa, miệng luôn tươi cười hát ca ngợi Chúa, chẳng chút gì buồn bã. Nhiều người thấy vậy, hỏi anh:
– “Tại sao anh chịu đựng được sự khổ nạn lớn như thế?”
Với vẻ ngạc nhiên, anh đáp:
– “Thật là lạ, nhiều người chỉ biết hỏi tại sao tôi chịu nổi sự khổ nạn lớn như thế, mà chẳng ai hỏi tôi, tại sao tôi có sự vui mừng, bình an như thế?”
Người khách có vẻ ngạc nhiên hỏi:
– “Tại sao tin Chúa Giê-xu có sự vui mừng?”
Anh ta đáp:
– “Tôi có ba sự vui mừng lớn. (Người lấy tay chỉ lên trời, nói): Thứ nhất, tôi có Chúa Giê-xu ở trên đó. (Người dùng tay hữu mình chỉ vào quyển Kinh Thánh, rồi nói): “Thứ hai, tôi có Chúa Giê-xu ở trong quyển Kinh Thánh nầy”. (Đoạn người lấy tay hữu mình đặt vào lòng rồi nói): “Thứ ba, tôi có Chúa Giê-xu ngự trị và làm Chủ tấm lòng và cuộc đời tôi”.
Vì lẽ đó, tôi luôn tràn ngập vui mừng đến nỗi không thể nào buồn được.
HƯƠNG VỊ CỦA TRÁI LÊ
Một người bán sách đạo giới thiệu bộ sách Thánh cho một người chủ vườn trái cây, trong khi anh ta đứng ngắm những cây ăn quả. Người chủ vườn trái cây nói:
– “Anh nói với tôi rằng cuốn sách của anh chính là lời của Thiên Chúa, nhưng anh không chứng tỏ được điều đó”.
Người bán sách đạo đột ngột đổi đề tài:
– “Mấy quả lê trông ngon lắm, nhưng thật đáng tiếc, vì phẩm chất của chúng rất dở”.
Người chủ vườn trái cây kêu lên:
– “Anh nói gì? Anh nói quả lê có phẩm chất rất dở sao? Rõ ràng là anh chưa hề nếm thử mà. Anh cứ hái một hoặc hai quả và nếm thử xem sao”.
Sau khi người chủ vườn gợi ý, người bán sách đạo liền hái quả lê và bắt đầu ăn, rồi anh chép miệng nói:
– “Đúng, anh nói đúng, quả thật là quả lê tuyệt vời; nhưng đối với cuốn sách của tôi, anh cũng phải làm tương tự như tôi đã làm tương tự như tôi đã làm đối với trái cây của anh chứ. Hãy nếm thử đi, và anh sẽ nhận thấy rằng Lời của Thiên Chúa thật là thiện hảo”.
HẠT THÓC KỲ DIỆU
Xưa có một ông vua khôn ngoan và đức độ. Vua hết lòng thương dân và trong mọi hành động, vua luôn hết lòng vì dân vì nước. Vua không có con trai, chỉ có ba công chúa rất xinh đẹp và đạo hạnh. Khi vua về già và có ý định nhường ngôi lại cho một trong ba công chúa, nhưng không biết phải lựa chọn ai. Một hôm vua cho gọi ba công chúa đến và nói:
– “Nay ta có việc phải đi xa một thời gian lâu. Các con ở lại thay ta mà lo cho dân cho nước, đừng phụ lòng ta”.
Ba công chúa nức nở khóc:
– “Tâu phụ vương, chúng con thơ dại, vắng mặt phụ vương, chúng con biết nương tựa vào ai, làm sao có thể chu toàn được trọng trách phụ vương trao phó”.
Vua mỉm cười đáp:
– “Có trời phù hộ, và với sự giúp đỡ của triều đình, ta tin chắc các con sẽ chu toàn được trọng trách. Trước khi tạm biệt, ta muốn để lại cho mỗi con một tặng vật”.
Nói xong, vua đặt vào tay mỗi công chúa một hạt thóc, rồi từ biệt ra đi, ẩn lánh ở một nơi không ai biết.
Công chúa thứ nhất về phòng lấy gấm điều bọc hạt thóc lại, đặt vào trong một hộp nhỏ sơn son thếp vàng, rồi để nơi tôn kính và giữ gìn cẩn thận như một báu vật.
Công chúa thứ hai quan sát hạt thóc và thấy chẳng có gì khác với hạt thóc thường, nên bỏ đi.
Công chúa út, sau khi quan sát và cũng chẳng thấy gì đặc biệt, nhưng vẫn để ở một nơi tôn kính và hằng ngày suy nghĩ về ý nghĩa của tặng vật. Một năm sau, nàng bỗng khám phá ra ý nghĩa của tặng vật tầm thường ấy.
Ba công chúa thay cha trị nước, nhờ ơn trời phù hộ và nhờ công đức của vua cha, cùng với sự cộng tác tận tình của các quan cận thần, nên mọi việc đều tốt đẹp. Rồi một hôm vua cha thình lình trở về. Sau giây phút cảm động cha con trung phùng, vua hỏi thăm về tặng vật. Công chúa cả vội vàng chạy về phòng, trịnh trọng mang chiếc hộp đựng hạt thóc được bọc trong gấm điều, dâng lên cho vua và tâu:
– “Tâu phụ vương, con đã giữ gìn cẩn thận hạt thóc, bọc nó trong gấm điều và giữ gìn trong chiếc hộp này. Hằng ngày con nhìn ngắm nó để ghi nhớ những lời phụ vương căn dặn, luôn trung thành với mọi bổn phận phụ vương ủy thác, không hề bê trễ bổn phận nào”.
Vua cha khen ngợi người con có hiếu và trung thành. Kế đến, công chúa thứ hai tâu:
– “Tâu phụ vương, tặng vật của phụ vương ban cho con, sau khi quan sát kỹ, con thấy hạt thóc ấy hoàn toàn giống như bất cứ hạt thóc nào khác. Nên con trộm nghĩ, phụ vương chỉ muốn nhắn nhủ con phải luôn chăm lo cho dân có đủ cơm ăn áo mặc. Vì thế con không còn giữ hạt thóc ấy nữa, mà chỉ cố gắng chăm lo cho dân được no ấm mà thôi”.
Vua cha khen ngợi người con có hiếu và hãnh diện vì có được người con như vậy. Công chúa thứ ba, khi đến trước mặt vua cha, cũng chỉ với hai bàn tay trắng. Công chúa tâu:
– “Tâu phụ vương, hạt thóc phụ vương ban cho con, bây giờ không còn nữa”.
Vua ngạc nhiên hỏi:
– “Vậy con đã làm gì với hạt thóc ấy?”
– “Tâu phụ vương, con đã nghiền ngẫm và cố gắng tìm hiểu ý nghĩa tặng vật phụ vương ban cho con và mãi sau một năm con mới khám phá ra ý nghĩa ấy. Hạt thóc phụ vương ban cho con là một hạt thóc giống, mà hạt giống thì phải gieo. Con liền gieo hạt giống ấy, chăm sóc cẩn thận, nên nó đã đơm bông kết hạt. Con lại lấy những hạt lúa mới gieo xuống, và cứ thế, suốt bao năm qua, bây giờ hạt giống ấy không còn nữa, nhưng xin phụ vương hãy nhìn kết quả”.
Công chúa liền dìu vua cha ra trước cửa sổ và chỉ cho vua cha thấy một cánh đồng bao la, bát ngát những bông lúa vàng nặng trĩu. Vua liền bước tới trước mặt công chúa út, từ từ lột mũ triều thiên đang đội trên đầu ra, rồi trịnh trọng tuyên bố:
– “Con đã học biết cách trị dân, vương quốc này bây giờ là của con”.
Kể từ ngày đó, công chúa út kế vị cha trị nước và toàn thể vương quốc được hưởng những năm thái bình thịnh vượng chưa từng có.