Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. Chúa nhật 07.6.2015

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. Chúa nhật 07.6.2015

By andynguyen in Thanh niên on 2 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 07.06.2015.

1. Đề tài: CÁC GIÁO LÝ CĂN BẢN.

2. Kinh Thánh: Sáng 1-3; Rô 5:12, 6:23; 8; 11:36, Giăng 14:16-17, 16:7; Êph 1:14, 2:7-8, Khải 20:14.

3. Câu gốc: “Sự thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta” (1Giăng 5:4b).

4. Đố Kinh Thánh: Ô-sê 14 – Giô-ên 3.

5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 05.04.2015.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sau đây, chúng ta lần lượt ôn lại những giáo lý đã học và tìm bài học áp dụng từ những chân lý đó vào nếp sống đạo hằng ngày của chúng ta.

I. DẪN GIẢI.

A. TỔNG QUÁT VỀ CÁC GIÁO LÝ CĂN BẢN.

1. Giáo lý về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

a. Đức Chúa Trời là Chân Thần duy nhất, là Thần Linh tối cao chủ tể của trời đất muôn vật, thiêng liêng, vô hình, nhưng có vị cách và cá tánh riêng biệt. Thần tánh Ngài được bày tỏ trong bản tánh thánh khiết, công nghĩa, yêu thương và thuộc tánh của Ngài là toàn năng, toàn tri, toàn tại, toàn thiện, toàn mỹ, chân thật, nhân từ, thành tín, tự hữu hằng hữu, đời đời, bất biến.

b. Một trong những lẽ đạo huyền nhiệm về Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Nghĩa là một Đức Chúa Trời bày tỏ trong ba ngôi vị với danh xưng riêng là Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Ba ngôi riêng biệt, nhưng tương quan với nhau, có cùng thể yếu, thần tánh như nhau, bình đẳng, bình quyền với nhau, và hiệp một với nhau trong Đức Chúa Trời duy nhất.

2. Giáo lý về sự tạo thành trời đất muôn vật.

a. Sự hiện hữu của vũ trụ, muôn vật và loài người là do sự sáng tạo của Đức Chúa Trời Ba Ngôi chớ không phải do sự ngẫu nhiên tiến hóa mà thành (Sáng 1-2).

b. Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật cho chính Ngài và với mục đích làm vinh hiển danh Ngài (Rô 11:36).

c. Mọi vật Chúa dựng nên đều tốt lành, có công dụng hữu ích, và có theo mục đích cao cả của Ngài.

d. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa muôn vật, cũng là Đấng Bảo tồn, và Đấng Quan phòng, phù hộ chăm sóc muôn vật.

3. Giáo lý về thiên sứ và ma quỉ.

a. Thiên sứ là loài thần linh được Đức Chúa Trời dựng nên trong sự thánh thiện. Thiên sứ có trước loài người, có sự hiểu biết và quyền lực trổi hơn loài người. Tuy nhiên, thiên sứ chỉ là những thiên thần thọ tạo và hữu hạn.

b. Trong vòng thiên sứ, có số thiên sứ bất phục Đức Chúa Trời gọi là những thiên sứ ác hay ma quỉ. Thiên sứ đứng đầu cuộc dấy nghịch Đức Chúa Trời thường được gọi là sa-tan. Còn những thiên sứ vâng phục Đức Chúa Trời được gọi là thiên sứ thiện.

c. Là thiên sứ sa ngã, bản chất của sa-tan từ thiện trở nên ác, được biểu lộ trong bản tánh lừa dối, độc ác, kiêu ngạo và phạm thượng.

d. Thiên sứ là thần hầu việc Đức Chúa Trời được sai xuống thế gian để giúp việc con cái Chúa theo mạng lịnh Ngài. Trái lại thiên sứ ác tức là ma quỉ do sa-tan cầm đầu với công việc của chúng là lừa dối loài người, xui khiến thế gian chống nghịch Đức Chúa Trời, cám dỗ con cái Chúa phạm tội, gây họa trên người tin kính Chúa, phá hại công việc nhà Chúa. Nhưng quyền lực của chúng chỉ có giới hạn với sự cho phép của Đức Chúa Trời, Đấng Chủ Tể cầm quyền tối cao trên muôn loài vạn vật thọ tạo. Cuối cùng của Sa-tan là sự đoán phạt trong hồ lửa đời đời.

4. Giáo lý về loài người và tội lỗi.

a. Người được nên giống như hình Đức Chúa Trời, được gọi là loài sanh linh, có thể xác bằng bụi đất hay hư nát, và có linh hồn đến từ Đức Chúa Trời là phần bất diệt.

b. Trong hình ảnh Đức Chúa Trời, loài người giống Ngài về bản tánh đạo đức thánh thiện. Có nghĩa người là một cá thể tự do, có ý thức về tinh thần tự quyết, có sự nhận biết điều phải trái, có năng lực lựa chọn điều thiện, có khả năng giao thông với Đấng Tạo Hóa và với tha nhân, và khả năng tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

c. Tội lỗi bắt đầu lan tràn trong loài người từ sự sa ngã của A-đam, người đầu tiên, vì sự cám dỗ của sa-tan. Trong dòng dõi A-đam, loài người mắc vào hai thứ tội. Nguyên tội là từ nguyên tổ A-đam, và kỷ tội là tội cá nhân và bị đặt dưới hình án của Đức Chúa Trời. Hậu quả và án phạt của tội lỗi là sự chết. Có ba sự chết, chết thể xác, chết tâm linh và chết đời đời (Sáng 3; Rô 5:12; 6:23; Khải 20:14).

5. Đấng Cứu Thế và sự cứu rỗi.

a. Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cứu Thế duy nhất của thế gian. Ngài là Đấng thần nhân duy nhất, có cả thần tánh toàn năng và nhân tánh toàn thiện, có đủ tư cách trở thành Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, và làm nên sự cứu rỗi linh nghiệm cho cả thế gian.

b. Sự cứu rỗi loài người được lập nền trên sự chết và sống lại của Đấng Christ (1Côr 15:3-4). Bởi sự đổ huyết của Ngài, tội nhân được tha thứ, bởi sự sống lại của Ngài, tội nhân được giải phóng khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết.

c. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là hoàn toàn trọn vẹn, được ban cho loài người bởi ân điển Ngài. Đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ là điều kiện duy nhất nhận được sự cứu rỗi, không có sự thêm vào công đức riêng của con người (Êph 2:7-8).

d. Sự cứu rỗi trong Đấng Christ là sự cứu rỗi toàn diện, bao gồm sự giải cứu về phần tâm linh và sự cứu chuộc thân thể. Nghĩa là trong hiện tại, tội nhân được giải cứu khỏi sự đoán phạt của tội lỗi, tức là được xưng nghĩa trước luật pháp Đức Chúa Trời, được ban cho tấm lòng mới, tức là sự tái sanh, và được giải cứu khỏi quyền lực của tội lỗi, tức là sự thánh hóa. Trong tương lai, thân thể sẽ được giải cứu khỏi sự chết để được sự sống đời đời với Chúa.

6. Giáo lý về Đức Thánh Linh và Hội Thánh.

a. Sự cứu rỗi loài người là công việc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Theo đó Đức Chúa Cha hoạch định chương trình, Đức Chúa Con thực hiện sự cứu rỗi, và Đức Thánh Linh hoàn thành sự cứu rỗi trong người tin.

b. Đức Thánh Linh còn có danh hiệu là Đấng Yên ủi hay Thần Lẽ Thật. Công việc của Đức Thánh Linh đã được thấy trong công cuộc sáng tạo muôn vật, và trong thời Cựu ước. Đặc biệt trong thời Tân ước, với biến động giáng lâm trong ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh được ban xuống để thành lập Hội Thánh Đấng Christ (Công 2).

c. Công việc của Đức Thánh Linh bao gồm nhiều lãnh vực: Trong con người, Đức Thánh Linh thuyết phục tội nhân tin nhận Chúa Giê-xu, ban quyền năng cho người giảng Tin Lành. Trong Hội Thánh, Đức Thánh Linh liên hiệp người tin với Đấng Christ để được thuộc vào Hội Thánh Ngài; ban cho tín hữu ân tứ để gây dựng, phát triển Hội Thánh, gìn giữ Hội Thánh khỏi sự sai lạc, hướng dẫn Hội Thánh trong sứ mạng giảng Tin Lành. Trong người tin, Đức Thánh Linh tái sanh, thánh hóa, dạy dỗ, soi sáng, dẫn dắt, yên ủi, cầu thay, và đời đời ở trong lòng làm ấn chứng cho người tin là con cái của Đức Chúa Trời (Rô 8:14-16,26-27; Êph 1:14; Giăng 14:16-17;16:7).

d. Hội Thánh được Kinh Thánh nói đến trong hai phương diện: Hội Thánh vô hình và Hội Thánh hữu hình.

e. Hội Thánh vô hình chỉ về thân thể thuộc linh của Đấng Christ, là Hội Thánh mắt không thấy được, bao quát, gồm tất cả người tin Chúa Giê-xu ở khắp mọi nơi, và trải qua mọi thời đại được liên hiệp với Đấng Christ bởi Đức Thánh Linh (1Côr 12:13; Êph 3:21). Hội Thánh hữu hình là một Hội Thánh có thể trông thấy, chỉ về một tập thể gồm tất cả những người tin Chúa Giê-xu, chịu báp-tem, nhóm lại thường xuyên tại một nơi thích hợp để duy trì sự thờ phượng Đức Chúa Trời, thực hành các giáo lý và giáo nghi Chúa dạy và thông công với nhau giữa các chi thể trong cùng một thân thể của Đấng Christ.

g. Hội Thánh hữu hình có thể được tổ chức trong nhiều hình thức khác nhau, nhưng Đấng Christ phải là Đầu, và là nền tảng của Hội Thánh. Trong sự tổ chức của Hội Thánh cần có kỷ luật, nhưng kỷ luật phải được lập trên nền tảng là tình yêu thương của Chúa, và thẩm quyền tối cao của kỷ luật là bởi Đức Thánh Linh.

h. Phép báp-tem và lễ tiệc thánh là hai giáo nghi Hội Thánh tuân hành. Đó là mạng lịnh của Đấng Christ để giữ Hội Thánh trong mối thông công với Chúa và với nhau càng hơn.

i. Hội Thánh Đấng Christ không thuộc thế gian, nhưng ở trong thế gian, Hội Thánh có sứ mạng là “muối của đất”, “sự sáng của thế gian” (Mat 5:13-16). Chức vụ của Hội Thánh là rao giảng Tin Lành và gây dựng thân thể Đấng Christ.

k. Hiện tại Hội Thánh bị thế gian bắt bớ vì danh Chúa, nhưng địa vị tương lai của Hội Thánh là “Vợ” của Đấng Christ trong nước vinh hiển đời đời.

7. Giáo lý về thế giới tương lai.

a. Sau sự chết có đời sau. Đời sau của người tin Chúa sẽ là phước hạnh mãi mãi với Chúa. Đời sau của người chẳng tin sẽ là đau khổ đời đời trong địa ngục.

b. Có sự sống lại của người chết. Khi Đấng Christ trở lại, người tin Chúa sẽ được sống lại trước hết, được biến hóa thân thể, và được tiếp vào nơi vinh hiển với Chúa trên Thiên đàng. Sau cùng, người chẳng tin cũng sẽ sống lại để chịu sự phán xét, cùng với sa-tan và ma quỉ bị bỏ vào hồ lửa đời đời.

c. Thế giới nầy bị hủy diệt khi Đấng Christ tái lâm thi hành sự phán xét cuối cùng. Trời mới đất mới sẽ được dựng nên làm nơi ở của người công bình (2Phi 3:13).

B. PHẦN ỨNG DỤNG.

1. Sự quan trọng của các giáo lý căn bản.

Các giáo lý căn bản tóm lược trên rất quan trọng vì:

a. Chúng ta được biết rõ những giáo lý có liên quan đến sự cứu rỗi chúng ta, về nguồn gốc vũ trụ, loài người và tội lỗi, về công việc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, công cuộc sáng tạo v`à cứu chuộc loài người. Nhờ đó, chúng ta có thể nhận biết đâu là chân lý, đâu là tà thuyết.

b. Qua những giáo lý căn bản, chúng ta biết rõ sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi chắc chắn bảo đảm giải cứu chúng ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhờ đó, đức tin chúng ta được vững vàng và có thể sống đắc thắng cho Chúa trong thế gian, nhất là trong ngày sau rốt với sự dấy lên của những tiên tri giả lung lạc niềm tin của Cơ Đốc nhân nơi sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu Christ.

2. Các giáo lý căn bản trong niềm tin chúng ta.

Hầu hết những giáo lý căn bản được thấy trong bài “Tín điều các sứ đồ”. Bài Tín Điều phản chiếu niềm tin của Cơ Đốc nhân về Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong công cuộc sáng tạo và cứu chuộc loài người. Nếu chỉ thừa nhận Đức Chúa Cha là Đấng tạo hóa vũ trụ, và bỏ đi những giáo lý về Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh, thì chúng ta vẫn còn là một tội nhân hư mất, sống không có ý nghĩa trong đời nầy, và tuyệt vọng trong đời sau.

Như thế với những giáo lý căn bản đã học, là những giáo lý căn cứ trên lời Kinh Thánh, chúng ta cần giữ vững và ứng dụng thế nào trong niềm tin chúng ta?

a. Với giáo lý về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời Ba Ngôi: Chúng ta tôn kính và thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi là Chân Thần duy nhất. Chúng ta phủ nhận những lý thuyết sai lạc cho rằng Đức Chúa Giê-xu chỉ là một linh hay thiên sứ trưởng, và Đức Thánh Linh là một quyền lực.

b. Với giáo lý về sự sáng tạo trời đất muôn vật. Chúng ta nhận biết mình là loài thọ tạo, và Đức Chúa Trời là Đấng tạo hóa. Chúng ta phủ nhận lý thuyết ngẫu nhiên và tiến hóa.

c. Với giáo lý về thiên sứ và ma quỉ. Chúng ta nhận biết có sự giúp đỡ của thiên sứ và sự gây họa của ma quỉ. Chúng ta không thờ lạy thiên sứ, vì thiên sứ chỉ là thần thọ tạo của Chúa. Chúng ta không sợ ma quỉ vì Chúa cầm quyền trên chúng. Nhưng chúng ta phải cảnh tĩnh về sự cám dỗ của chúng. Chúng ta không chấp nhận bất cứ hình thức đồng bóng, tà thuật vì đến từ ma quỉ. Đó là điều Chúa nghiêm cấm.

d. Với giáo lý về loài người và tội lỗi: Chúng ta là người thọ tạo được dựng nên giống hình Đức Chúa Trời, có sự tự do, có linh hồn bất diệt. Nhưng chúng ta là con người sa ngã, bại hoại trong tội lỗi và cần sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Chúng ta phủ nhận những triết thuyết định mệnh, vô thần và vật chất chủ nghĩa.

e. Với giáo lý về Đấng Cứu Thế và sự cứu rỗi: Chúng ta tin nhận Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cứu Thế duy nhất của thế gian và với đức tin chúng ta nhận sự cứu rỗi ban cho bởi ân điển Ngài. Chúng ta phủ nhận niềm tin về sự cứu rỗi do công đức riêng của con người.

g. Với giáo lý về Đức Thánh Linh và Hội Thánh. Hãy vâng phục Đức Thánh Linh, nhìn biết Đấng Christ là Đầu Hội Thánh, biết chắc chúng ta thuộc vào Hội Thánh Ngài, trung tín trong công việc gây dựng Hội Thánh Chúa bởi quyền năng Thánh Linh. Chúng ta phủ nhận sự cầu nguyện với bà Ma-ri và các thánh, cũng không công nhận giáo hoàng là đầu Hội Thánh.

h. Với giáo lý về thế giới tương lai. Chúng ta tin có đời sau, chúng ta hy vọng về sự sống lại vinh hiển của người tin. Chúng ta trông đợi Chúa tái lâm. Chúng ta phủ nhận sự tiên đoán ngày giờ Chúa tái lâm, và lý thuyết chủ trương không có tận thế, không có sự bất diệt của linh hồn.

Giữa thế giới băng hoại trong tội lỗi, với sự lan tràn của những tà thuyết. Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày đều đặt niềm tin nơi các lẽ thật Kinh Thánh qua các giáo lý căn bản đã được học.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Hãy kể vài danh hiệu của Đức Chúa Trời và nói ý nghĩa của những danh hiệu ấy?

2. Thần tánh của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong những đặc tánh và thuộc tánh nào?

3. Đức Chúa Trời duy nhất nhưng được bày tỏ trong Ba Ngôi vị nào? Và có đặc tánh gì?

4. Xin tóm lược những giáo lý về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

5. Trời đất và muôn vật được dựng nên bởi ai? Và như thế nào?

6. Đặc tính và mục đích của công cuộc sáng tạo?

7. Ngoài sự sáng tạo, Đức Chúa Trời còn có những công việc nào đối với vật Ngài dựng nên?

8. Xin tóm lược những giáo lý về sự tạo thành muôn vật. Với những giáo lý nầy, trong niềm tin, chúng ta phủ nhận những lý thuyết nào về sự hình thành của vũ trụ và loài người?

9. Thiên sứ và ma quỉ bắt nguồn từ đâu?

10. Công việc của thiên sứ và công việc của ma quỉ khác nhau thế nào? Và trong giới hạn nào?

11. Tại sao chúng ta không nên thờ lạy thiên sứ, cũng như không nên run sợ trước quyền lực ma quỉ?

12. Xin tóm lược những giáo lý về thiên sứ và ma quỉ. Chúng ta có thái độ thế nào trước công việc tà thuật của ma quỉ đang hoạt động trong thế giới loài người hiện nay?

13. Loài người được dựng nên theo hình ảnh nào? Với bản chất gì?

14. Khi được dựng nên, con người được đặt trong vị thế nào?

15. Tại sao con người sa ngã? Và hậu quả của sự sa ngã như thế nào?

16. Xin tóm lược những giáo lý quan trọng về loài người và tội lỗi. Trong niềm tin nầy, chúng ta phải phủ nhận những tà thuyết nào về loài người và tội lỗi?

17. Đấng Cứu Thế là ai? Tại sao chỉ có Ngài mới là Đấng Cứu Thế duy nhất của loài người?

18. Sự cứu rỗi của Ngài đáp ứng nhu cầu của con người trong những khía cạnh nào?

19. Điều kiện được cứu là gì? Tại sao?

20. Xin tóm lược những giáo lý quan trọng về Đấng Cứu Thế và sự cứu rỗi. Trong niềm tin nầy, chúng ta phải phủ nhận những tà thuyết sai lạc nào về Đấng Cứu Thế và sự cứu rỗi?

21. Đức Thánh Linh là ai? Ngài được gọi trong những danh hiệu nào?

22. Công việc của Đức Thánh Linh xuyên qua các thời đại và trong những phạm vi nào?

23. Hội Thánh là gì? Ai là đầu của Hội Thánh?

24. Hội Thánh được thành lập với mục đích gì? Điều kiện nào để được thuộc vào Hội Thánh của Chúa?

25. Hội Thánh được tổ chức trong hình thức nào? Và thực hành những giáo nghi nào? Tại sao?

26. Hội Thánh có sứ mạng gì trong thế gian? Và địa vị tương lai của Hội Thánh trong Nước Chúa là gì?

27. Xin tóm lược những giáo lý quan trọng về Đức Thánh Linh và Hội Thánh. Trong niềm tin nầy, chúng ta phải phủ nhận những tà thuyết nào về Đức Thánh Linh và Hội Thánh?

28. Sau sự chết là gì? Có sự khác nhau thế nào giữa sự chết của người tin và người chẳng tin?

29. Có sự sống lại của người chết không? Khi nào? Và như thế nào?

30. Có sự phán xét cuối cùng không? Đâu là nơi ở đời đời của người tin và người chẳng tin?

31. Có sự tận cùng của thế giới nầy không? Sau sự tận cùng của thế giới là gì?

32. Xin tóm lược những giáo lý quan trọng về thế giới tương lai. Trong niềm tin nầy, chúng ta phủ nhận những tà thuyết nào về giáo lý nầy?

33. Xin cắt nghĩa tại sao những giáo lý trên là quan trọng? Và ứng dụng thế nào trong nếp sống đạo hằng ngày của Cơ Đốc nhân?

Post CommentLeave a reply