Latest News From Our Blog

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 25.01.2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 25.01.2015

By andynguyen in Thanh niên on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 25.01.2015.

1. Đề tài: VẤN ĐỀ TUỔI TÁC.

  1. Kinh Thánh: Truyền Đạo 11:9; 12:1, 6-7, 13; Thi 91:16; 92:13-14.

3. Câu gốc: “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi 90:12).

4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 51-52- Ca Thương 1-3.

5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

– Chủ đề: VẤN ĐỀ TUỔI TÁC.

– Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ.

– Thời gian: 1h30’.

I. CHUẨN BỊ.

– Ban tổ chức cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu đố Kinh Thánh và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và dựa vào nội dung để tìm đến trạm. Sau khi thực hiện xong các yêu cầu của ban tổ chức, cả nhóm theo chỉ dẫn của mật thư thứ hai để đến trạm kế tiếp…

– Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.

– Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… mà ban viên đã quen thuộc, đồng thời phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật thư được giấu tại điểm đặt trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.

– Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường tùy theo địa điểm mỗi nơi.

– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.

– Kinh Thánh: Thông báo cho ban viên học thuộc lòng câu gốc tuần nầy và đọc trước Truyền Đạo 11:9; 12:1,6-7,13, Thi 91:16; 92:13-14.

II. THỰC HIỆN.

1. Thể lệ cuộc thi và cách chấm điểm.

                        a. Thể lệ cuộc thi.

– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.

– Đến trạm, phải sắp hàng ngay ngắn và báo cáo kết quả của trạm trước.

       – Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.

b. Cách chấm điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ……………. 10 điểm.

– Giải chính xác mật thư……………………………………. 10 điểm.

– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm………………………… 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất………………………………………… 10 điểm.

– Nội dung thảo luận thực hiện tốt………………………. 10 điểm.

2. Diễn tiến trò chơi.

                      a. Mở đầu.

       Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người, xếp hàng dọc theo mỗi nhóm, cử nhóm trưởng và thư ký nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: Vấn đề tuổi tác.

Thưa các bạn! Trong cuộc sống có hai điều con người thường lo sợ nhưng phải đối diện đó là sợ già và sợ chết. Thật ra, sự thêm lên của tuổi tác là lẽ đương nhiên của đời người. Tuy nhiên mỗi giai đoạn tuổi tác đều có giá trị và ý nghĩa nếu biết đặt mình trong bàn tay sử dụng của Đức Chúa Trời. Mời các bạn tham gia chương trình sinh hoạt hôm nay, để thấy được quan điểm của người đời và quan điểm của Cơ Đốc nhân về vấn đề tuổi tác.

       b. Xuất phát.

       Tất cả các nhóm phải tập trung tại điểm xuất phát. Ban tổ chức phổ biến thể lệ cuộc thi và mỗi nhóm cử ra một người, đại diện nhóm để “Vượt chướng ngại vật”.

(“Chướng ngại vật” là những câu hỏi do ban tổ chức soạn ra như: Vì sao con người sợ già, sợ chết? Cách nào để con người thoát khỏi sự sợ hãi nầy???)

Đại diện nhóm nào vượt qua được “chướng ngại vật” mới được nhận mật thư.

* Mật thư 1: HAYX DDOOCS TIMF NHAAN QUAN VEEF DDIEEMR TUOOIR CUAR TACS COO.

Ñ: Cóc nhảy hai lần.

Trạm 1.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

1. Theo thời gian, tuổi thọ con người như thế nào? Tại sao? (Sáng 5:27; 6:3; Thi 91:10).

2. Tiên tri Sa-mu-ên, Giê-rê-mi đã được Đức Chúa Trời kêu gọi hầu việc Chúa trong tuổi nào? (1Sa 3:1; Giê 1:6).

3. Trong tuổi nào Đa-vít, Đa-ni-ên đã được Chúa gọi làm công việc cho Ngài? (1Sa 16:11-13,18-23; 2Sa 5:3-4; Đa-ni-ên 1:8-17; 2:45).

4. Trong khoảng tuổi nào, Đức Chúa Trời dùng người Lê-vi hầu việc trong đền thờ? (Dân 4:2).

5. Tuổi lão niên có giá trị gì? Và được Chúa dùng trong công việc nào? (Phục Truyền 32:7; 21:20-21; Gia-cơ 5:14-15; 1Phi 5:1-2).

6. Con người theo tuổi tác được mô tả thế nào? Có sắc thái gì? (Truyền 12:3-5).

7. Song song với tuổi tác, Đức Chúa Trời có lời hứa gì cho con cái Ngài? Những lời hứa có nghĩa gì? (Thi 103:5; 92:13-14; Ê-sai 40:31; 46:4).

8. Tuổi tác với sự hao mòn thân xác bên ngoài, nhưng với Cơ đốc nhân, người bề trong như thế nào? (2Côr 4:16; 1Giăng 2:14-16).

* Mật thư 2:

 

 

TIMF QUYEETS THOAR TRONG TACS TUOOIR NGUYEENJ DDUOWCJ BIS

Ñ: Rắn ăn đuôi.

Trạm 2.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

1. Kinh Thánh có lời khuyên dạy gì cho người trẻ tuổi? (Châm 3:5-6; Truyền 11:9-10; 12:1-13; Giô-suê 1:8).

2. Các ngày chúng ta phải được sử dụng thế nào? (Thi 90:12; Êph 5:15-19).

3. Trong tuổi về hưu, tiên tri Sa-mu-ên làm gì? (1Sa 12:23-24).

4. Người trong tuổi lão niên nên biết điều gì? Và có thái độ nào? (Xuất 20:12; Thi 91:16).

X
K S
T F I
T J I O
S R T W O
A C I E O D
U O O I E U D
H A C S B I G S
W R V O O I S N H
T I M F X E M C A C

* Mật thư 3:

Ñ:

 

 

 

Trạm 3.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

1. Chúa dạy chúng ta có thái độ thế nào đối với người già cả? (Lê-vi 19:32; 1Phi 5:5).

2. Người lớn tuổi nên có thái độ thế nào đối với người trẻ tuổi? (1Tim 4:12-13).

3. Phao-lô dạy Ti-mô-thê điều gì? (1Tim 5:1-2).

4. Trong Hội Thánh, chúng ta nên đối xử với nhau như thế nào?

3. Kết thúc.

       Thưa các bạn!

       Người đời nhìn tuổi tác trong chiều hướng bi quan, nhưng người Cơ đốc nhìn trong chiều hướng lạc quan. Bởi vì người Cơ đốc biết rằng tuổi tác thể chất làm hao mòn con người bên ngoài, nhưng tuổi tác thuộc linh làm con người bề trong càng thêm tươi mới.

       Nguyện mỗi người chúng ta biết được những điều nầy để được thỏa nguyện qua các giai đoạn của đời sống và giúp đỡ những người có cái nhìn bi quan.

       – Cầu nguyện theo sự dạy dỗ.

– Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong cuộc sống chóng tàn, có hai điều con người hay lo sợ nhưng phải đối diện đó là sợ già và sợ chết. Một em bé chào đời… mới ngày nào mà đã trở thành một thiếu niên xinh đẹp như đóa hoa hồng chớm nở dưới nắng rực rỡ của buổi ban mai. Rồi đến tuổi thanh niên say sưa hướng nhìn về tương lai tươi đẹp, bận rộn trong giấc mơ xây dựng sự nghiệp… Rồi một ngày soi mình trước tấm gương, thấy mái tóc bắt đầu điểm bạc, da mặt nhăn nheo, báo hiệu tuổi về chiều sắp đến!

Thật ra, tuổi tác không phải là vấn đề, vì là lẽ đương nhiên của con người phải trải qua. Nhưng vấn đề là quan niệm của xã hội đối với tuổi tác và mặc cảm của con người trước tuổi tác. Trong xã hội văn minh kỹ nghệ, con người như bị đánh giá theo mức độ “sản xuất”. Khi người không còn sản xuất, thì kể là “vô dụng”, bị mặc cảm không đáng sống, chẳng khác nào bộ máy kia bị phế thải trong bóng tối!

Như thế trong niềm tin, người Cơ Đốc có quan điểm gì về tuổi tác? Và có thái độ nào đối với mỗi giai đoạn của tuổi tác, để cuộc sống được vui thỏa, có ý nghĩa thật sự?

I. DẪN GIẢI.

A. TUỔI TÁC TRONG QUAN ĐIỂM CỦA CƠ ĐỐC NHÂN.

Cuộc sống con người là cuộc sống được gắn liền với tuổi tác. Từ khi sinh ra đã bắt đầu tính tuổi và khi cuộc đời chấm dứt cũng được tính với số tuổi thọ. Mặc dầu tuổi thọ ít hay nhiều, nhưng thời gian sống trên đất vẫn mang một ý nghĩa và giá trị cho mục đích của sự chào đời do Chúa định.

Cho dù sự tiến bộ của khoa học có thể kéo dài đời sống con người thêm một khoảnh khắc nào đó, tuy nhiên, cuộc sống con người vẫn là cuộc sống ngắn ngủi. Tuổi thọ của con người nói chung, thực ra là giảm dần vì sự gia tăng của tội lỗi theo như sự bày tỏ của Kinh Thánh (Sáng 5:27, 6:3; Thi 90:10). Đời sống chóng tàn của con người được Đa-vít mô tả trong hình ảnh của đời sống cây cỏ. Đời người về phương diện tuổi tác có thể được phân chia chi tiết trong năm giai đoạn như: Thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, trung niên và lão niên, hay theo cách tính tổng quát của Kinh Thánh gồm ba hạng tuổi: Thiếu niên, thanh niên và phụ lão (1Giăng 2:12-14). Như chu kỳ của cây cỏ, tăng trưởng, ra hoa và tàn héo, đời sống con người cũng trải qua tuổi trẻ, tuổi thanh xuân, tuổi già nua và cuối cùng là sự chết. Cây cỏ chịu luật đào thải của thiên nhiên và con người chịu định luật của sự chết. Vì vậy người ta sợ tuổi tác, sợ già, sợ bị xã hội loại bỏ vì vô dụng, bị đời quên lãng vì tàn tạ! Nhưng Đức Chúa Trời có cái nhìn thế nào với tuổi tác con người?

1. Giá trị của tuổi tác.

Theo sự ghi nhận của Kinh Thánh cho thấy mỗi giai đoạn tuổi đều có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài đã kêu gọi Sa-mu-ên, Giê-rê-mi làm tiên tri từ lúc còn thiếu nhi (1Sa 3:1; Giê 1:6). Ngài đã dùng các thanh niên để làm công việc lớn lao cho danh Ngài như Đa-vít, Đa-ni-ên và các người Lê-vi (1Sa 16:11-13,18-23; 2Sa 5:3-4; Đa-ni-ên 1:8-17; 2:4; Dân Số Ký 4:2). Cũng như Ngài dùng những lão niên trong việc xét xử dân Y-sơ-ra-ên thời Cựu Ước, và trong sự chăm sóc Hội Thánh Chúa ngày nay (Phục 21:20-21; Gia-cơ 5:14-15; 1Phi 5:1-2). Môi-se, nhà lãnh đạo số một của Y-sơ-ra-ên đã được Chúa dùng từ tuổi 80 đến 120 tuổi. Tuổi thiếu nhi được Chúa Giê-xu khen ngợi về lòng đơn sơ khiêm nhu (Mat 18:3-4). Tuổi thanh xuân là tuổi cao điểm của đời người với sức mạnh như “chim ưng” và tài năng chớm nở, là tuổi đầy nhiệt huyết, có khả năng để làm công việc lớn. Tuổi lão niên là tuổi giàu kinh nghiệm và khôn ngoan trong cuộc sống để chia sẻ (Phục 32:7). Như vậy mỗi giai đoạn tuổi tác đều có giá trị nếu đặt trong bàn tay sử dụng của Chúa.

Ông W.A. Criswell nhà lãnh đạo của Hội Báp-tít Miền Nam, đã tin Chúa lúc 10 tuổi và trở thành mục sư lúc 17 tuổi. Ông đã giảng bài giảng đầu tiên tại nhà thờ Dallas, Texas vào năm 1944. Từ đó Hội Thánh tăng trưởng cách lạ lùng, số tín hữu từ 7.800 lên đến 20.500. Cũng như John Wesley vẫn còn đi giảng Tin Lành và viết sách lúc 88 tuổi.

2. Lời hứa thêm sức của Chúa.

Trong một phương diện, Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy hình ảnh thực sự của con người bên ngoài suy tàn theo thời gian tuổi tác như trong sự diễn tả của nhà truyền đạo Sa-lô-môn:

“Vì ai cũng vậy, sẽ đến lúc sức mạnh hao mòn với tuổi tác, chân tay run rẩy, lưng khòm cúp, răng rụng dần không còn đủ để nhai, mắt mờ đi, lúc ăn môi phải mím chặt vì răng không còn, giọng nói yếu ớt thều thào; trong giấc ngủ dễ bị đánh thức, dù chỉ bởi tiếng chim hót lúc rạng đông; sợ không dám lên cao, đi đứng dễ ngã, tóc bạc phơ, người khô héo cằn cỗi, tình dục tắt ngấm, và cứ thế đi dần vào cõi chết là nơi ở ngàn thu; rồi những người thân khóc thương khi đưa đám tang qua các đường phố” (Truyền 12:3-5 BDY).

Tuy nhiên Kinh Thánh cũng có lời hứa “hồi xuân” thật kỳ diệu của Chúa cho người hao mòn vì tuổi tác và Ngài sẽ chăm sóc họ: “Ngài cho miệng người được thỏa các vật ngon. Tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng hoàng… Dầu đến buổi già bạc, họ sẽ còn sanh bông trái, được thạnh mậu và xanh tươi… Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng… Hãy nghe ta đã gánh vác các ngươi từ lúc mới sanh, bồng ẵm từ trong lòng mẹ. Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng ẵm các ngươi” (Thi 103:5; 92:14; Ê-sai 40:31; 46:3b,4).

Vì vậy, với lời hứa của Chúa, trong sự hao mòn của tuổi tác, người Cơ Đốc luôn nhận được sức sống của Chúa, khiến người bề trong càng thêm tươi mới, được trưởng thành về mặt thuộc linh với sự sanh bông trái Thánh Linh phản chiếu vẻ đẹp vinh quang của Thiên đàng (2Côr 4:16; 1Giăng 2:14-16). Cho nên, tuổi lão niên của người tin kính Chúa không phải là tuổi cạn tắt, nhưng là tuổi đầy trọn và tuôn trào. Dù bên ngoài tóc bạc, da đồi mồi, nhưng tóc bạc vẫn đẹp, là vinh hạnh, vì “tóc bạc là mão triều thiên vinh hiển, miễn là thấy ở trong đường công bình” (Châm 16:31).

Tóm lại, tuổi tác trong cái nhìn của người đời thật là bi quan, với sự tàn tạ và vùi sâu trong lòng đất lạnh! Nhưng tuổi tác trong cái nhìn của Cơ Đốc nhân là cái nhìn lạc quan. Người đời bi quan vì thấy sự hao mòn của con người theo tuổi tác, nhưng người Cơ đốc lạc quan vì biết được giá trị của mỗi giai đoạn tuổi tác trong mục đích tốt lành của Chúa và sự tươi mới càng thêm của con người bề trong vượt qua tuổi tác bởi ân sủng của Chúa. Vì vậy, chúng ta không bi quan với vấn đề tuổi tác, như Bosch nói rằng: “Đối với Cơ Đốc nhân, tuổi già là tuổi tiền phong của tuổi xuân bất diệt”. Nét bi quan về tuổi tác của người đời và nét lạc quan về tuổi tác của người Cơ Đốc được thấy rõ trong hai bài thơ sau đây:

Đời tôi như chiếc lá mùa thu,

Những bông trái yêu đã qua rồi!

Chỉ có sâu bọ gặm mòn và buồn thảm,

Và còn lại tôi một bóng đơn côi.

(Bá tước Byron lúc 37 tuổi).

Tôi đã trải qua mùa xuân của cuộc đời.

Tôi đã chống trả với sức nóng của mùa hạ.

Tôi đã hái trái của mùa thu.

Và bây giờ tôi vẫn kiên trì với tiết lạnh của mùa đông.

Nhưng chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ tiến gần đến mùa xuân bất tận.

Ha-lê-lu-gia!

(Adam Clark, lúc tuổi già nua).

B. BÍ QUYẾT ĐƯỢC THỎA NGUYỆN TRONG TUỔI TÁC.

1. Những vấn đề trong các giai đoạn tuổi tác.

Mỗi giai đoạn tuổi có điểm ưu, cũng như có vấn đề trong nhiều khía cạnh. Sau đây chúng ta lần lượt tìm hiểu:

a. Tuổi thiếu nhi: Đây là giai đoạn có thể nói là “lý tưởng” vì rất đơn sơ, hồn nhiên, không bận tâm về tiền bạc, tấm lòng rất thuận lợi cho sự gieo đạo sự sống, cần tình thương của xã hội và gia đình.

b. Tuổi thiếu niên: Tuổi nông nổi, có nhiều khủng hoảng nội tâm, vì ở giai đoạn chuyển đến tuổi trưởng thành, có sự thay đổi về cơ thể, tâm lý và tính tình. Tuổi thích tự do, xã giao bạn bè, muốn làm người lớn, hay chán nản, một vấn đề là hay nói dối… và cần tiền xài.

c. Tuổi thanh niên: Tuổi trưởng thành, thích tự do, tự lập, lý tưởng phục vụ Chúa. Vài nhược điểm là hay tự ái, hay cậy mình, khó vâng phục thẩm quyền là vấn đề của tuổi nầy! Có thể thành công trong việc học, nghề nghiệp, bạn bè… đôi lúc bị khủng hoảng về tài chánh.

d. Tuổi trung niên: Là tuổi có thể nói là “vững” về sự trưởng thành thuộc linh, kinh nghiệm trong nghề nghiệp và trong sự giao tế xã hội. Nhưng cũng có thể bị gãy đổ trong gia đình. Có những khủng hoảng khác nhau trong tuổi này. Về cơ thể, bệnh tật có thể xâm nhập, dễ lên cân. Về tâm lý, tính tình cũng thay đổi thất thường như hay buồn, hay giận, nóng nảy, hoặc có người trở lại “tuổi hồi xuân” vui vẻ, màu mè. Về tâm linh, có thể bị cám dỗ về tội lỗi không chung thủy. Theo một thăm dò gần đây cho biết trung niên ở tuổi từ 54-63, người nam phạm tội ngoại tình với tỷ số cao nhất là 37% so với phụ nữ chỉ có 12,4%, nhưng tỷ số này trong vòng người đi nhà thờ thường xuyên chỉ có 2,3%.

e. Tuổi lão niên: Tuổi này giàu kinh nghiệm sống đạo, sống đời thường. Cơ thể suy yếu, những bệnh tật thường phát sinh như khó thở, mắt mờ, tai nặng, huyết áp cao, đau khớp xương, yếu thận, hay quên… Giao tế bị thu hẹp. Về tâm lý cần tình yêu thương. Tính tình cũng thay đổi, có thể là tự ái, mặc cảm, khó tính… Tài chính cũng có thể là vấn đề nếu không có sự đề phòng khi có chuyện khẩn cấp.

2. Những nguyên tắc để được thỏa nguyện trong tuổi tác.

Sự phân tích trên và những nguyên tắc sau đây giúp chúng ta trau dồi hoặc chuẩn bị cho mỗi giai đoạn của tuổi tác để đời sống thật sự được thỏa nguyện trong ơn Chúa.

a. Tìm kiếm Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa trong lúc còn tuổi trẻ (Truyền 12:1): Vì tìm kiếm Đấng Tạo Hóa là tìm kiếm nguồn sống thật. Khi nguồn sống này được vun trồng trong tuổi thiếu nhi, thì sẽ cứ mãi tuôn tràn qua các giai đoạn tuổi tác, làm cho con người bề trong càng thêm tươi mới, làm nghịch đảo định luật hao mòn của tuổi tác bên ngoài. Chính nhờ nguồn sống dư dật của Chúa bên trong mà chúng ta được sự sung mãn qua mọi giai đoạn của cuộc sống. Thiếu điều căn bản này, cho dù bên ngoài chúng ta có đầy đủ vật chất, nhưng vẫn không bao giờ thỏa lòng.

b. Kính sợ Đức Chúa Trời và vâng giữ điều răn Ngài (Truyền 12:12-13). Vì kính sợ Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan (Châm 1:7), để giúp chúng ta biết cuộc sống có giá trị thật. Với sự kính sợ Chúa giữ người trẻ tuổi khỏi sự vấp ngã trong tội lỗi khi vui chơi, giữ người lớn tuổi khỏi sự ngã lòng trong sự cám dỗ (Truyền 11:9-10).

c. Học biết và cẩn thận làm theo Lời Chúa (Giô-suê 1:8): Để được thành công trong mỗi giai đoạn của cuộc sống.

d. Hết lòng tin cậy Chúa trong mọi sự (Châm 3:5-6): Để giúp người trẻ tuổi khỏi tự phụ, tự ái, biết nương dựa sức Chúa, hầu đời sống được thành công phước hạnh trong ơn Chúa.

e. Khôn ngoan trong sự sử dụng thì giờ (Thi 90:12; Êph 5:15-19): Sự biết tận dụng thì giờ cho mục đích thiên thượng sẽ giúp chúng ta tránh khỏi những trống vắng, chán nản, nhưng tìm được niềm vui và ý nghĩa của mỗi giai đoạn trong cuộc sống. Như tiên tri Sa-mu-ên đã từng dùng thì giờ về hưu của ông để cầu thay cho dân Y-sơ-ra-ên (1Sa 12:23-24).

f. Hãy chấp nhận và sống vui với mỗi giai đoạn của tuổi tác.

Với tuổi trẻ, hãy vui vẻ hồn nhiên trong sự nhìn biết Đấng Tạo Hóa. Với tuổi thiếu niên, chúng ta hãy vui thỏa trong tuổi trẻ tươi đẹp, nhưng đừng quên kính sợ Chúa và vâng giữ điều răn Ngài. Với tuổi thanh xuân, hãy vui mừng trong đời sống tươi đẹp, nhưng đừng quên dâng tài năng phục vụ Chúa. Và cũng hãy chuẩn bị cho tuổi về hưu, thực tế là “quỹ hưu trí”! Với tuổi già nua, hãy xem đó là sự ban phước của Chúa (Thi 91:16). Đừng quá lo sợ sự tàn tạ bên ngoài, hãy ôn lại ơn phước Chúa cho, kinh nghiệm sống đạo và chia sẻ, khuyến khích con cháu trong niềm tin. Hãy làm cho chuỗi ngày hưu hạ của mình trở thành tươi vui và ý nghĩa đầy trọn.

C. SỰ ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI KHÁC BIỆT TUỔI TÁC.

1. Kính trọng người cao tuổi: Đây là lễ phép cần có trong người trẻ tuổi. Đây là mạng lịnh Chúa dạy cho dân sự Ngài (Lê 19:32). Sứ đồ Phi-e-rơ và Phao-lô cũng đã nhắc nhở người trẻ tuổi về sự vâng phục các trưởng lão trong Hội Thánh (1Phi 5:5; 1Tim 5:1-2).

2. Người cao tuổi biết quý trọng người trẻ tuổi: Đáp lại người trẻ tuổi phải có tư cách xứng đáng với sự quý trọng ấy.

Hai điều trên sẽ tạo nên sự cảm thông với nhau và nối liền khoảng cách giữa người khác biệt tuổi tác, đem lại sự hiệp một trong vòng con cái Chúa như trong một đại gia đình.

Tóm lược.

1. Người đời nhìn tuổi tác trong chiều hướng bi quan. Nhưng Cơ đốc nhân nhìn tuổi tác trong chiều hướng lạc quan.

2. Mỗi giai đoạn tuổi tác đều có giá trị và ý nghĩa trong bàn tay sử dụng của Đức Chúa Trời.

3. Tuổi tác thể chất làm hao mòn con người bên ngoài. Nhưng tuổi tác thuộc linh làm con người bề trong càng thêm tươi mới.

4. Những nguyên tắc để được thỏa nguyện qua các giai đoạn của đời sống: (1) Tìm kiếm Đấng Tạo Hóa khi còn trẻ. (2) Kính sợ và giữ điều răn Chúa. (3) Học và làm theo Lời Chúa. (4) Hết lòng tin cậy Chúa. (5) Khôn ngoan sử dụng thì giờ. (6) Chấp nhận và vui sống trong mỗi giai đoạn của tuổi tác.

5. Kính trọng, quý trọng và thông cảm là cách đối xử với người khác biệt tuổi với nhau.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.

1. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. Sáng Thế Ký 5:27; 6:3; Thi Thiên 91:10: Theo thời gian, tuổi thọ con người như thế nào? Tại sao?

b. 1Giăng 2:12-14: Kinh Thánh nói đến ba hạng tuổi nào của đời người?

c. Thi Thiên 103:15-16: Đời người được ví sánh như thế nào? Với sự ví sánh này, các giai đoạn tuổi của con người có thể mô tả trong hình ảnh nào của đời sống hoa cỏ?

d. 1Sa-mu-ên 3:1; Giê-rê-mi 1:6: Tiên tri Sa-mu-ên, Giê-rê-mi đã được Đức Chúa Trời kêu gọi hầu việc Chúa trong tuổi nào?

e. 1Sa-mu-ên 16:11-13, 18-23; 2Sa-mu-ên 5:3-4; Đa-ni-ên 1:8-17; 2:45: Trong tuổi nào Đa-vít, Đa-ni-ên đã được Chúa gọi làm công việc gì cho danh Ngài?

g. Dân Số Ký 4:2: Trong khoảng tuổi nào, Đức Chúa Trời dùng người Lê-vi hầu việc trong đền thờ?

h. Phục Truyền 32:7; 21:20-21; Gia-cơ 5:14-15; 1Phi 5:1-2: Tuổi lão niên có giá trị gì, và được Chúa dùng trong công việc nào?

i. Châm Ngôn 16:31: Tóc bạc của người già được diễn tả thế nào? Có nghĩa gì?

j. Truyền Đạo 12:3-5: Con người theo tuổi tác bên ngoài được mô tả thế nào? Có sắc thái gì?

k. Thi Thiên 103:5; 92:13-14; Ê-sai 40:31; 46:4: Song song với tuổi tác, Đức Chúa Trời có lời hứa gì cho con cái Ngài? Những lời hứa có nghĩa gì?

l. 2Cô-rinh-tô 4:16; 1Giăng 2:14-16: Tuổi tác với sự hao mòn thân xác bên ngoài, nhưng với Cơ đốc nhân, người bề trong như thế nào? Điều này có nghĩa gì?

2. Qua sự ghi nhận trên, chúng ta nhận thấy mỗi giai đoạn tuổi có giá trị gì? Xin diễn tả tuổi tác trong quan điểm của Cơ Đốc nhân. So sánh cái nhìn của người đời và của Cơ Đốc nhân về tuổi tác.

3. Theo bạn, mỗi giai đoạn tuổi cần được trau dồi và chuẩn bị thế nào về mọi phương diện để được thỏa nguyện trong cuộc sống?

4. Ê-phê-sô 5:15-19: Các ngày chúng ta phải được sử dụng thế nào?

a. 1Sa-mu-ên 12:23-24: Trong tuổi về hưu, tiên tri Sa-mu-ên làm gì?

b. Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12; Thi Thiên 91:16: Người trong tuổi lão niên nên biết điều gì? Và có thái độ nào?

5. Xin tìm hiểu những điểm quan trọng nào trong bí quyết để được thỏa nguyện qua các giai đoạn của đời sống?

6. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. Lê-vi Ký 19:32; 1Phi-e-rơ 5:5: Chúa dạy chúng ta có thái độ thế nào đối với người già cả?

b. 1Ti-mô-thê 4:12-13: Người lớn tuổi nên có thái độ thế nào đối với người tuổi trẻ?

c. 1Ti-mô-thê 5:1-2: Phao-lô dạy Ti-mô-thê điều gì?

7. Trong Hội Thánh, chúng ta nên đối xử với nhau như thế nào?

8. Xin cho biết:

– Bạn có thỏa nguyện với mỗi giai đoạn của cuộc sống không?

– Bạn đang sử dụng các ngày Chúa cho như thế nào?

– Bạn có thái độ thế nào đối với người cách biệt tuổi với bạn?

 

 

 

 

 

Post CommentLeave a reply