Ngày: Tháng Hai 11, 2015

in LIÊN LẠC on 11 Tháng Hai, 2015

HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM
68 Nguyễn Công Hoan (186/5B Trần Kế Xương), Phường 7, Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh.

Bài học Kinh Thánh giáo viên lớp thiếu nhi (9-12 tuổi)

Bài học Kinh Thánh giáo viên lớp thiếu nhi (9-12 tuổi)

in THIẾU NHI on 11 Tháng Hai, 2015

CHỦ ĐỀ I. CÁC VÍ DỤ CỦA CHÚA GIÊ-XU

Bài 1. VÍ DỤ VỀ NGƯỜI GIEO GIỐNG

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 13:1-9; 18-23; Lu-ca 8:4-15.
II. CÂU GỐC: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình” (Gia-cơ 1:22).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em
– Biết: Ví dụ nầy cho em bài học quan trọng: Lòng em phải là mảnh đất tốt cho Lời của Chúa.
– Cảm nhận: Vâng lời Đức Chúa Trời, nghe đạo và đọc Kinh Thánh đều quan trọng như nhau.
– Hành động: Kể ra những phương pháp giúp em đọc Kinh Thánh dễ hiểu hơn.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
1. Làm túi đựng câu gốc. Xem phần thủ công.
2. Chấm điểm các em về mặt chuyên cần, thuộc câu gốc, dẫn bạn mới đến lớp Trường Chúa nhật…
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
1. Vào đề.
Khi Chúa Giê-xu ở thế gian, rất nhiều người nhóm lại bên Ngài để nghe giảng dạy và làm phép lạ. Trong số họ, có những nông dân, ngư dân… và cũng có những người học thức. Chúa Giê-xu đã dùng những ví dụ rất cụ thể, rõ ràng, gần gũi với cuộc sống để tất cả mọi người đều có thể hiểu về nước Đức Chúa Trời.
Các em thân mến! Chúng ta sẽ dành bốn tuần lễ để nói về những ví dụ của Chúa Giê-xu. Trước tiên chúng ta phải tìm ra ý nghĩa mà Chúa Giê-xu muốn nói qua ví dụ đó, rồi xem ví dụ đó dạy dỗ chúng ta điều gì. Chúng ta sẽ lập biểu đồ như sau để dễ hiểu các ví dụ đó hơn.

Thời gian, địa điểm (Chúa Giê-xu nói ví dụ đó khi nào, ở đâu?) Ví dụ
(Chúng ta phải chú ý lắng nghe). Ý nghĩa
của ví dụ
(Giải thích ví dụ). Ứng dụng
(Rút ra bài học qua ví dụ đó).

(Giáo viên ghi bốn cột nầy lên bảng và bắt đầu dẫn vào bài theo thứ tự từ 1 đến 4).
2. Bài học.
(1) Thời gian và địa điểm khi phán ví dụ.
Khi Chúa Giê-xu giảng đạo bên bờ biển Ga-li-le, dân chúng nhóm lại quanh Ngài. Chúa Giê-xu bận rộn trong suốt ngày đó. Đoàn dân đông đến nỗi Chúa Giê-xu phải xuống thuyền để giảng dạy, còn dân chúng đứng trên bờ lắng nghe.
Có lẽ Chúa Giê-xu nhìn thấy xa xa bóng dáng các nông dân đang gieo giống trên ruộng, nên Ngài dùng ngay hình ảnh nầy dạy dỗ dân chúng.
(2) Bốn loại đất trong ví dụ.
Chúa Giê-xu phán, có một người nông dân đang gieo giống trên ruộng. (Cho các em mô tả hình ảnh người nông dân đang gieo lúa). Theo thói quen, ông vung mạnh tay để hạt giống được rải đều xuống ruộng, nhưng có một số hạt giống rơi trên bờ ruộng, lập tức chim chóc bay ngay xuống và ăn hết. Một số hạt giống khác rơi xuống chỗ đất xấu, chỉ có một lớp đất thịt mỏng ở phía trên, còn phía dưới toàn là đá sỏi. Các em đoán xem hạt giống nầy có nảy mầm được không? (Cho các em trả lời). Hạt giống bám trên lớp đất thịt mỏng nên nảy mầm nhanh chóng, nhưng khi mặt trời lên cao đốt nóng thì nó héo úa ngay. Vì sao các em biết không? Đó là vì lớp đất quá mỏng, cây không đâm rễ sâu nên không đủ sức sống. Có một số hạt giống rơi nhằm bụi gai, cây con yếu ớt vừa mọc lên liền bị bụi gai bao phủ, lấn ép nên không thể lớn lên được mà ngược lại còi cọc dần rồi chết. Phần hạt giống còn lại rơi vào chỗ đất tơi xốp, ánh nắng mặt trời, cỏ dại cũng không ngăn được cây non phát triển, đến mùa thu hoạch, người nông dân thu được gấp ba mươi lần, sáu mươi lần, thậm chí gấp một trăm lần.
3. Ý nghĩa của ví dụ.
Các môn đồ hỏi Chúa Giê-xu: “Thưa thầy, ví dụ nầy có ý nghĩa gì?” Bây giờ các em lắng nghe lời giải đáp của Chúa Giê-xu nhé!
Các em thử đoán xem Chúa Giê-xu sẽ nói hạt giống tượng trưng cho điều gì? (Đạo Đức Chúa Trời). Người nông dân chỉ về ai? (Chúa Giê-xu). Ruộng đất được so sánh với gì? (Thế gian). Hạt giống là đạo Đức Chúa Trời, cho nên việc đọc Kinh Thánh là vô cùng quan trọng. Khi các em nghe giảng Lời Chúa, các em đã có thái độ như thế nào? Chúa Giê-xu đã dùng bốn loại đất để chỉ về bốn thái độ của con người khi nghe giảng đạo.
a. Phần đất cứng.
Phần đất cứng giống như những người nghe đạo Đức Chúa Trời nhưng lơ là trong việc suy gẫm. Họ nói: “Tôi không hiểu Kinh Thánh”, nhưng thật ra họ không chịu suy nghĩ. Khi các em không hiểu Kinh Thánh, các em càng phải chăm chỉ học tập và lắng nghe Lời Đức Chúa Trời. Quỉ sa-tan thường rình rập, dụ dỗ các em mau quên những gì được nghe về đạo Đức Chúa Trời, nhưng nếu có Chúa giúp đỡ, các em vẫn có thể làm theo Lời Chúa. Những người ở “phần đất cứng” nầy thường hứa với Đức Chúa Trời là “sẽ có một ngày” mình vâng lời Chúa, nhưng rốt cuộc họ không làm được.
b. Phần đất đá sỏi.
Phần đất đá sỏi giống như những người tạm thời vâng lời Chúa. Kinh Thánh nói họ “nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy; nhưng họ không có rễ, chỉ tin tạm mà thôi” (Lu-ca 8:13).
Loại người nầy thường nói rằng: “Dĩ nhiên tôi tin đạo Đức Chúa Trời, ai cũng phải đọc Kinh Thánh!”. Nhưng thực sự, Lời của Đức Chúa Trời không bén rễ trong lòng họ. Vì vậy, khi gặp khó khăn, họ quên hết lời hứa và lời dạy của Chúa, nên ngã lòng và cuối cùng là bỏ đạo.
Chúa Giê-xu nói loại người nầy giống như cây mọc rễ không sâu, không chắc nên không lấy được đầy đủ chất dinh dưỡng. Đó là lý do tại sao nhiều tín đồ rời xa đạo Chúa, vì họ thấy theo Chúa Giê-xu là một việc quá khó khăn. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn hứa ban cho họ sự giúp đỡ khi cần thiết.
c. Bụi gai.
Bụi gai giống như những người đã nghe và tin đạo, nhưng họ lại quá bận bịu với cuộc sống đời nầy, đến nỗi không bao giờ có thời gian đọc Kinh Thánh, đi nhà thờ. Có những lúc các em cũng bận rộn xem ti vi, mải chơi hoặc quá lo lắng bài học ở trường, mà trở nên người ở “bụi gai” lúc nào không hay.
d. Phần đất tốt.
Phần đất nầy giống như những người thật lòng tin và muốn hầu việc Chúa Giê-xu. Khi họ nghe đạo Đức Chúa Trời, họ không chỉ nghe mà còn làm nhiều việc tốt lành khác (Gọi một em đọc Lu-ca 8:15). Những người của “phần đất tốt” nầy nghe và vâng lời Chúa, thậm chí vâng lời Chúa trong lúc khó khăn.
4. Ứng dụng (Rút ra bài học qua ví dụ đó).
Các em thân mến! Ví dụ về người gieo giống mà Chúa Giê-xu đã kể, cho chúng ta biết Chúa Giê-xu muốn chúng ta hiểu tầm quan trọng của việc nghe và giữ đạo Chúa. Đây là thì giờ cho mỗi em suy nghĩ về chính đời sống của mình đang ở trong phần đất nào? “Đất cứng”, “Đất đá sỏi”, “Bụi gai” hay “Đất tốt”. (Giáo viên phát cho mỗi em một tờ giấy nhỏ để các em tự đánh giá mình thuộc phần đất nào. Các em không cần ghi tên và nộp cho giáo viên. Đến cuối khóa học, các em lại tự đánh giá một lần nữa xem phần đất của mình có thay đổi không).
3. Ứng dụng.
Nếu các em thấy mình không thuộc phần “đất tốt”, hãy thực lòng cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ các em nghe, hiểu và làm theo Lời Chúa. Chúa Giê-xu mong muốn tấm lòng các em giống như phần “đất tốt” để Lời Ngài gieo vào được kết quả.
Lắng nghe và làm theo Lời Chúa hết sức quan trọng, vì vậy Kinh Thánh nhiều lần nhắc nhở chúng ta (Mời các em đọc câu gốc trong Gia-cơ 1:22).
Câu gốc nầy có liên quan gì đến ví dụ về người gieo giống không? Câu gốc nhắc chúng ta đề phòng hai loại đất nào? (Đất cứng và đất đá sỏi vì nó lừa dối chúng ta rằng nghe thôi đã đủ, thật ra, giữ Lời Chúa còn quan trọng hơn cả nghe việc nghe Lời Chúa nhiều).
(Cho các em thảo luận lúc nào là lúc tốt nhất để đọc Kinh Thánh? Mới thức dậy? Hay trước khi đi ngủ?). Giáo viên giúp các em tìm thời gian thích hợp nhất trong ngày để đọc Kinh Thánh và tập thành thói quen. Có thể lập một thời khóa biểu đọc Kinh Thánh trong tuần.

Ngày Đọc Kinh Thánh Việc cần làm
Chúa Nhật 1Giăng 4:7-12
Thứ Hai Cô-lô-se 3:12-15
Thứ Ba Ga-la-ti 6:1-10
Thứ Tư Ê-phê-sô 4:1-13
Thứ Năm Êph 4:30-31
Thứ Sáu Êph 6:1-4
Thứ Bảy Phi-líp 4:4-9

Ngoài ra, có nhiều cách giúp các em có thể sử dụng và hiểu Kinh Thánh nhiều hơn (Khuyến khích mỗi em nên có một quyển Kinh Thánh).
Trước hết là mục lục. Đó là danh sách các tên sách trong Cựu ước và Tân ước. Mục lục giúp gì cho các em? (Giúp nhanh chóng tìm ra phần Kinh Thánh cần đọc).
Tiếp đến là các đề mục nhỏ trong từng đoạn Kinh Thánh, giúp các em nắm bắt nội dung chính của đoạn Kinh Thánh đó.
Các em cũng không thể bỏ qua những bản đồ ở các trang phía sau Kinh Thánh. Khi đọc Kinh Thánh, gặp một số địa danh xa lạ, các em nên xem bản đồ, tìm vùng đất đó nằm ở đâu nhé!

Bài học Kinh Thánh học viên lớp thiếu nhi (9-12 tuổi)

Bài học Kinh Thánh học viên lớp thiếu nhi (9-12 tuổi)

in THIẾU NHI on 11 Tháng Hai, 2015

CHỦ ĐỀ I: CÁC VÍ DỤ CỦA CHÚA GIÊ-XU.

Bài 1. VÍ DỤ VỀ NGƯỜI GIEO GIỐNG

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 13:1-10; 13:18-23.
II. CÂU GỐC: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình” (Gia-cơ 1:22).

III. BÀI TẬP.
1. Ví dụ trên có ý nghĩa gì?
Em đọc Ma-thi-ơ 13:37-38; Lu-ca 8:11-15; rồi nối các câu ở cột bên trái với các câu ở cột bên phải sao cho thích hợp.
1. Hạt giống mà Chúa Giê-xu a. Đấng Christ.
nói là…
2. Đất cứng chỉ người… b. Nghe đạo Đức Chúa Trời nhưng ăn sâu vào lòng.
3. Đất sỏi đá chỉ người… c. Bị khống chế bởi sự lo âu hoặc sung sướng đời nầy.
4. Bụi gai chỉ người… d. Thế gian.
5. Đất tốt chỉ người… e. Đạo của Đức Chúa Trời.
6. Chúa Giê-xu nói người f. Nghe đạo, nhưng không
gieo giống là… có phản ứng vì không hiểu gì cả.
7. Bốn loại đất chỉ về… g. Nghe, hiểu và vâng phục.
2. Đọc và làm.
Tuần nầy, em nên áp dụng các hướng dẫn sau đây khi đọc Kinh Thánh.
a.Trước khi đọc, cầu xin Chúa giúp em hiểu Lời Ngài.
b. Khi đọc, em thử tìm ra điều Đức Chúa Trời muốn dạy em: Đoạn Kinh Thánh đó cho biết ý Chúa muốn em làm gì?
c. Sau khi đọc, cầu xin Chúa giúp em thực hiện lời Chúa dạy.
3. Vạch ra việc em cần làm trong ngày.
Ngày Đọc Kinh Thánh Việc cần làm
Chúa Nhật 1Giăng 4:7-12
Thứ Hai Cô-lô-se 3:12-15
Thứ Ba Ga-la-ti 6:1-10
Thứ Tư Ê-phê-sô 4:1-13
Thứ Năm Êph 4:30-31
Thứ Sáu Êph 6:1-4
Thứ Bảy Phi-líp 4:4-9

Bài học Kinh Thánh giáo viên Lớp ấu nhi (4-5 tuổi)

Bài học Kinh Thánh giáo viên Lớp ấu nhi (4-5 tuổi)

in ẤU NHI on 11 Tháng Hai, 2015

Chủ đề 1: Các Em Kính Yêu Đức Chúa Trời

Bài 1. SA-MU-ÊN SỐNG TRONG ĐỀN THỜ

I. KINH THÁNH: 1Sa-mu-ên đoạn 1:21-28; 3.
II. CÂU GỐC: “Sa-mu-ên trở nên khôn lớn, Đức Giê-hô-va ở cùng người” (1Sa-mu-ên 3:19).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em
– Biết: Sa-mu-ên từ thuở nhỏ đã sống trong đền thờ của Đức Giê-hô-va để hầu việc Ngài.
– Cảm nhận: Được hầu việc Chúa là một điều phước hạnh cho những ai yêu mến Ngài.
– Hành động: Hầu việc Chúa tùy theo lứa tuổi và khả năng của mình.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
* Chuẩn bị:
– Một hoặc hai con chim trong lồng.
* Thực hiện:
(Khi các em quan sát chim, hãy nói với các em): “Các em có nghe chim hót lần nào chưa?” (Khuyến khích các em nói lên đã từng nghe chim gì). “Em nói đúng đấy, Đức Chúa Trời tạo ra các loài chim để hót líu lo. Nhưng cô (thầy) biết rằng Đức Chúa Trời còn tạo ra con người, hát hay hơn cả loài chim. Em nào trong lớp mình biết hát ca ngợi Chúa?” (Cho cả lớp hát) “Ôi, cả lớp ta hát bằng giọng hay tuyệt!”
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
1. Vào bài.
Các em ơi, các em nhìn thấy gì trên bức tranh nầy? (Để các em tự do phát biểu). Đúng rồi, có một ông lão tay cầm một cuộn sách, trước mặt ông là một cậu bé tay cầm ngọn đèn. Này các em, hãy thử đoán xem, cuộn sách trên tay ông lão là cuộn sách gì? Đúng rồi, là Kinh Thánh (Kinh Thánh ngày xưa được cuộn lại). Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, dạy dỗ chúng ta phải biết yêu thương Đức Chúa Cha và mọi người, cho nên, mỗi ngày chúng ta đều phải đọc Kinh Thánh, mỗi Chúa nhật đều phải đến lớp Trường Chúa nhật học Lời của Chúa.
Hôm nay chúng ta sẽ nghe câu chuyện của cậu bé trong bức tranh, xem cậu đã yêu kính Đức Chúa Trời ra sao, đẹp lòng Ngài như thế nào.
2. Bài học.
Ngày xưa, có một người tên Ên-ca-na, là chồng của bà An-ne. Họ có nhiều của cải và đất đai. Lẽ ra cuộc sống của họ sẽ rất sung sướng, vui vẻ, nhưng rất tiếc là bà An-ne không sinh con được, nên ngày ngày bà thường buồn rầu và khóc. Ngày kia, An-ne quỳ trước mặt Đức Giê-hô-va trong đền thờ, cầu nguyện xin Ngài ban cho một đứa con trai và hứa nguyện rằng nếu Ngài nhậm lời thì bà sẽ dâng con ấy trọn đời để hầu việc Ngài.
Các em ơi! Các em thử đoán xem Đức Chúa Trời có nghe lời cầu xin của bà An-ne không? (Ngưng lại một chút). Đúng rồi, Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu nguyện của bà, ban cho bà một bé trai kháu khỉnh. Ông bà đặt tên cho cậu là Sa-mu-ên.
Các em thân mến, các em còn nhớ bà An-ne đã hứa nguyện gì với Đức Chúa Trời không? Đúng rồi, bà hứa rằng khi Sa-mu-ên lớn lên, sẽ đưa cậu đến ở trong đền thờ để hầu việc Chúa. An-ne không quên lời hứa của mình, vì vậy, sáng sớm ngày hôm đó, An-ne nói với Sa-mu-ên: “Chúng ta hãy đến đền thờ để thờ phượng Chúa và con của chúng ta sẽ ở lại trong đền thờ”. Sa-mu-ên nghe vậy buồn lắm vì không muốn xa mẹ, cậu ôm mẹ mà khóc; nhưng bà An-ne khuyên con và hứa sẽ đến thăm con đều đặn. Thế là cậu bé Sa-mu-ên cùng với cha mẹ đi đến đền thờ. Thầy tế lễ Hê-li nhận cậu và hứa sẽ dạy dỗ cậu cách hầu việc Đức Chúa Trời.
Cậu bé Sa-mu-ên rất siêng năng, chịu khó. Mỗi sáng sớm cậu đều thay thầy tế lễ Hê-li mở cổng đền thờ cho dân sự đến cầu nguyện; buổi tối đóng cửa rồi mới đi ngủ. Mỗi vật dụng trên bàn thờ đều được Sa-mu-ên chùi rửa sạch sẽ và luôn được thắp sáng. Cậu còn quét dọn đền thờ và giúp đỡ cho ông Hê-li nhiều việc khác.
Mỗi tối, sau khi làm xong mọi việc, Sa-mu-ên cầu nguyện trước khi đi ngủ. Một tối nọ, khi vừa chợp mắt, cậu chợt nghe tiếng gọi: “Sa-mu-ên! Sa-mu-ên!” Cậu choàng tỉnh đáp: “Có con đây!” rồi lập tức chạy đến chỗ ông Hê-li. Hê-li bảo rằng: “Ta không có gọi con. Hãy đi ngủ lại đi!”
Đêm đó, Sa-mu-ên nghe gọi tên cậu ba lần nữa. Cả thầy tế lễ và Sa-mu-ên đều biết rằng chính Đức Chúa Trời đã gọi cậu. Cậu đã được trò chuyện cùng Chúa. Cậu là người siêng năng, vâng lời, nên khi vừa nghe tiếng gọi, đã lập tức trả lời, sẵn sàng làm bất cứ việc gì, cho nên cậu rất đẹp lòng Đức Chúa Trời.
3. Ứng dụng.
Các em có ngoan ngoãn, siêng năng và vâng lời như cậu bé Sa-mu-ên không? Các em còn nhỏ thì làm việc nhỏ. Các em có thể hầu việc Chúa bằng nhiều cách như phụ dọn bàn ghế trong lớp, quét lớp, dâng tiền, ca ngợi Chúa, mời bạn đến học lớp Trường Chúa nhật… Điều nào các em làm cũng là điều có ích và đẹp lòng Chúa, vui lòng cha mẹ cùng thầy cô.
C. GIỜ THỦ CÔNG.
Tô màu hình vẽ bài 1, tập học viên.

Chương trình thờ phượng Ban Nam Giới Chúa Nhật 4-1-2015

Chương trình thờ phượng Ban Nam Giới Chúa Nhật 4-1-2015

in NAM GIỚI on 11 Tháng Hai, 2015

Chúa nhật 04.01.2015.
1. Đề tài: SỰ CHẾT CỦA NGƯỜI TIN CHÚA.
2. Kinh Thánh: Rô 5:12-14; Hêb 9:27; 2Côr 5:1-10.
3. Câu gốc: “Từ rày phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau” (Khải 14:13b).
4. Đố Kinh Thánh: 1Sử Ký 5-8.
5. Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia Sẻ.
1. Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước.
2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Nam giới. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Sống trên đời nầy, điều mà không ai có thể tránh được là sự chết. Nhưng có phải chết là hết và bên kia phần mộ chỉ là hư vô như người vô thần nghĩ không?
Cho dù có người phủ nhận sự bất diệt của linh hồn, nhưng trong tiềm thức, trong tín ngưỡng của con người nói chung đều chứng tỏ có sự thực hữu của đời sau, là điều Kinh Thánh quả quyết cách rõ ràng. Như thế sự chết của con người có nghĩa gì? Và sau khi chết con người sẽ đi về đâu?
Dựa vào Kinh Thánh, chúng ta học biết những vấn đề trên, đặc biệt về sự chết của người tin Chúa.
I. DẪN GIẢI.
A. ĐỊNH NGHĨA VỀ SỰ CHẾT.
– Với bác sĩ, bệnh nhân chết là khi tim ngừng đập và các bộ phận trong cơ thể ngừng hoạt động.
– Với người vô thần, con người chỉ có sự sống thể chất, cho nên chết là hết, chết có nghĩa là chấm dứt sự sống.
Nhưng Kinh Thánh cho biết gì về sự chết?
Theo Truyền Đạo 12:7 cho thấy, ý chính của sự chết được diễn tả trong hai chữ phân rẽ hay chia cách. Bản chất con người được kết hợp bởi hai yếu tố thể xác và linh hồn. Thể xác đến từ bụi đất và linh hồn đến từ Đức Chúa Trời. Vì thế, sự chết được Kinh Thánh nói đến trong ba hình thức sau:
(1) Sự chết thuộc thể: Là xác thịt bị phân rẽ với linh hồn (Rô 5:12; Truyền 12:7).
(2) Sự chết thuộc linh: Linh hồn bị phân cách với Đức Chúa Trời (Ê-sai 59:1; Êph 2:1).
(3) Sự chết đời đời hay sự chết thứ hai: Trong ngày sau rốt, người ác sẽ sống lại để linh hồn và thể xác chịu hình phạt đời đời trong hồ lửa, bị phân cách vĩnh viễn với Đức Chúa Trời (Khải 20:14).
Như thế người không tin Chúa chắc chắn phải trải qua ba sự chết: Hiện tại là chết tâm linh, rồi đến chết thuộc thể và sẽ đi vào sự chết đời đời. Nhưng người tin Chúa chỉ trải qua sự chết thân thể như người chẳng tin, vì đó là định luật chung cho loài người sa ngã trong dòng dõi của A-đam (Hêb 9:27). Mặc dầu sự chết thuộc thể là một phần của sự rủa sả trong án phạt của Đức Chúa Trời (Sáng 3:19), tuy nhiên, đối với người tin, sự chết không còn là án phạt của tội lỗi. Nhờ sự chết của Đấng Christ, hình án của tội lỗi trên người tin được cất khỏi (Giăng 3:36; 5:24). Dầu hiện tại nọc sự chết vẫn còn hoạt động trong loài người, nhưng sự chết chẳng có quyền gây hại trên người tin vì Đấng Christ đã phá hủy người cầm quyền của sự chết là ma quỉ. Đối với người tin, sự chết là giấc ngủ, một giai đoạn chờ đợi để được sự cứu chuộc của thân thể cách vinh hiển trong ngày Chúa Giê-xu trở lại (Hêb 2:14-16; Giăng 11:11,14; 1Côr 15:55-57; 1Tês 4:15).
Tóm lại, với người chẳng tin, sự chết là một hình án, là bước vào nơi đoán phạt của tội lỗi. Trái lại, sự chết của người tin có hai đặc điểm sau: (1) Sự chết không phải là hình án của tội lỗi, nhưng là cái cổng để bước vào sự sống với Chúa. (2) Sự chết chỉ là một giấc ngủ.
Chết không phải là hết vì sự bất diệt của linh hồn, và bên kia sự chết là cánh cửa hé mở cho thấy sự thực hữu của đời sau.
B. ĐỜI SAU CỦA NGƯỜI TIN CHÚA.
1. Nơi ở của người tin Chúa.
Trong Kinh Thánh có nói đến “âm phủ” (Hades). Chữ âm phủ theo tiếng Hy-bá-lai là Shéol, và tiếng Hy-lạp là Hadès chỉ chung về chỗ ở của người chết, tức là người trong tình trạng linh hồn bị phân rẽ với thể xác. Theo sự bày tỏ trong Lu-ca 16:22-23, chúng ta được biết người tin Chúa trong thời Cựu Ước khi qua đời thì vào âm phủ. Nơi ấy được chia làm hai chỗ cách biệt. Một là nơi khổ hình dành cho người ác, tạm gọi là “địa ngục”; và một nơi gọi là “lòng Áp-ra-ham”, mà người Do Thái thường gọi đó là Lạc viên hay Ba-ra-đi dành cho người công bình. Căn cứ vào những câu Kinh Thánh Ê-phê-sô 4:8; Lu-ca 23:42-43; 2Cô-rinh-tô 5:1-8, các nhà giải kinh cho rằng từ khi Đấng Christ phục sinh và thăng thiên, thì Lạc viên của Đức Chúa Trời ở trong lòng Áp-ra-ham cũng đã được cất lên với Ngài. Từ đó Lạc viên có nghĩa là nơi ở của Chúa. Như thế trong thời Tân Ước, người tin Chúa qua đời không phải đi xuống âm phủ nữa, nhưng được cất lên chốn Ba-ra-đi với Chúa. Như Lời Chúa Giê-xu hứa với tên cướp trong giờ phút hấp hối tin nhận Ngài.
2. Cảnh trạng của người qua đời trong nơi Lạc viên.
a. Ở trong cảnh sống thật, nghĩa là có sự cảm biết: Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là Chúa của người sống (Mat 22:32), và trong Khải Huyền 6:9-11 nói đến những linh hồn của người bị chết vì danh Chúa yêu cầu Ngài báo thù vì sự đổ huyết của họ. Điều nầy cho thấy linh hồn của người tin Chúa qua đời được sống với Chúa chớ không phải như chủ trương của giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm, cho rằng bất luận người tin hay người chẳng tin khi qua đời thì linh hồn chẳng có cảm biết, cứ ngủ mê man chờ ngày phán xét của Chúa.
b. Có sự nhận biết và trò chuyện với nhau: Như trong chuyện người giàu có và La-xa-rơ trong âm phủ, chúng ta thấy người giàu có nhận biết Áp-ra-ham, nhận biết La-xa-rơ, và họ nói chuyện với nhau (Lu-ca 16:23-31).
c. Có sự hiểu biết hơn: Theo 1Cô-rinh-tô 13:12, khi được sống với Chúa và ở trong sự hiện diện của Ngài, sự hiểu biết Chúa của người tin sẽ đầy trọn hơn.
d. Được nghỉ ngơi và hưởng phước: Người tin Chúa qua đời được nghỉ ngơi và phước hạnh (Khải Huyền 6:11; 14:13).
e. Trong tình trạng chưa đầy trọn: Mặc dầu nơi Lạc viên, người qua đời an nghỉ phước hạnh trong sự hiện diện của Chúa, nhưng đây chỉ là cảnh trạng tạm cư của người tin Chúa để chờ đợi sự cứu chuộc của thân thể, nhận sự ban thưởng của Chúa và sự sống đời đời trong Nước vinh hiển của Ngài. Điều nầy sẽ được thể hiện cách trọn vẹn cho người tin trong ngày Đấng Christ tái lâm.
C. NIỀM TIN CỦA CHÚNG TA VỀ SỰ CHẾT.
Với sự bày tỏ của Kinh Thánh, chúng ta:
1. Phủ nhận các tà thuyết về sự chết.
Một trong các giáo thuyết sai lầm là ngục luyện tội. Chúng ta không nhận giáo thuyết nầy vì những lý do sau đây:
a. Không có nền tảng của Kinh Thánh: Không có nơi nào trong Kinh Thánh nói cách trực tiếp về ngục luyện tội, không có dẫn chứng nào của Kinh Thánh về việc nhờ lễ Mi-sa để giải tội cho người chết nơi ngục luyện tội, hay sự luyện lọc tội lỗi bằng lửa cháy phừng phừng!
b. Chối bỏ lẽ thật về sự cứu rỗi của Đấng Christ: Thuyết ngục luyện tội đã đánh mất những giáo lý quan trọng của sự cứu rỗi:
– Huyết của Chúa Giê-xu có linh nghiệm tẩy sạch mọi tội lỗi của tội nhân (1Giăng 1:7; Hêb 9:14).
– Được sự cứu rỗi là hoàn toàn nhờ ân điển của Chúa và bởi đức tin (Êph 2:8).
– Đời nầy là cơ hội nhận sự cứu rỗi (Lu 16:26).
Nhưng thuyết ngục luyện tội đã chối bỏ những giáo lý trên. Cậy vào nghi lễ báp-tem và dựa vào công đức riêng để xem ai được vào Thiên đàng hay phải vào ngục luyện tội, cũng như cậy lễ Mi-sa, sự đọc kinh cầu nguyện của giáo hội để giải tội cho người chết là điều trái với sự dạy dỗ của Kinh Thánh.
c. Vượt trên quyền của Chúa: Thuyết ngục luyện tội tạo cho giáo hội có uy quyền lớn: Quyền giải tội. Quyền ấy đã đem lại cho giáo hội nguồn lợi lớn! Chỉ có Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, và sự tha thứ tội là do huyết Ngài. Tạ ơn Chúa, bởi ân điển Đức Chúa Trời, Ngài không “bán” nhưng “ban” sự cứu rỗi cho chúng ta cách không điều kiện.
Vì những lý do trên, chúng ta không tin có ngục luyện tội. Chúng ta cũng không tin sự cầu nguyện cho người chết.
2. Sẵn sống, sẵn chết.
Vì biết sự chết chỉ là giấc ngủ tạm thời, và biết rõ nơi chúng ta sẽ đi đến, cho nên trong niềm tin nơi Chúa, chúng ta hãy sống cho Chúa, hết sức làm đẹp lòng Chúa, và cũng sẵn sàng chết vì danh Ngài (2Côr 5:8-9; Phil 1:21-26).
3. Bình an bước qua sự chết.
Chúng ta có sợ hãi khi bước qua sự chết không?
Phao-lô là người đã một lần “được đem lên đến chốn Ba-ra-đi” (2Côr 12:4). Nên nếu chọn giữa sự sống và sự chết, Phao-lô nói rằng: “…muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn” (Phil 1:23). Không có gì phước hạnh hơn cho người được sống với Chúa. Hãy biết rằng Chúa Giê-xu đang đứng bên hữu Đức Chúa Trời chờ đón chúng ta và khi chúng ta lìa đời chắc sẽ được tiếp đi với Ngài (Công 7:56,60). Chúa cũng đã hứa ở cùng chúng ta khi chúng ta đi trong trũng bóng chết (Thi 23:4). Vậy chúng ta hãy có lòng bình an trong Ngài. Với niềm tin và hy vọng nhìn xuyên qua hoàng hôn của sự chết, chúng ta thấy một bình minh tươi sáng của sự sống bất diệt trong Cứu Chúa phục sinh.
Tóm lược.
(1) Chết là sự phân rẽ. Có ba hình thức của sự chết trong con người phạm tội: Chết thể xác, chết tâm linh, và chết đời đời.
(2) Chết không phải là hết, bên kia sự chết còn có đời sau.
(3) Đối với Cơ Đốc nhân, sự chết của thân thể không phải là một hình án của tội lỗi, nhưng đó chỉ là một giấc ngủ. Sau khi chết, linh hồn người tin Chúa sẽ được cất lên chốn Lạc viên trên trời. Được ở với Chúa, được sống trong sự hiện diện của Chúa, được hiểu biết Chúa hơn, có sự cảm biết và nhận biết nhau, được nghỉ ngơi và hưởng phước. Đây là giai đoạn có thể gọi là “tạm cư” chờ đợi ngày tái lâm của Đấng Christ để thân thể được cứu chuộc, được vào sự sống đời đời trong Nước Vĩnh Sanh của Đức Chúa Trời. Vì thế, sự qua đời của người tin Chúa được Kinh Thánh bày tỏ là điều quí báu, phước hạnh trước mặt Đức Giê-hô-va (Thi 116:15; Khải 14:13).
II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
1. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu.
a. Sáng Thế Ký 3:19; Truyền Đạo 12:7: Điểm chính của ý nghĩa về sự chết có thể được diễn tả trong hai chữ nào?
b. Theo ý nghĩa trên, sự chết được Kinh Thánh diễn tả trong ba hình thức nào? Rô 5:12; Truyền 12:7. Ê-sai 59:2; Êph 2:1. Khải 20:14.
2. Tìm hiểu ý nghĩa sự chết của người tín hữu qua những câu Kinh Thánh sau đây:
a. Rô-ma 5:12; Giăng 5:24. Sự chết của người tin Chúa có phải là sự đoán phạt của tội lỗi không? Tại sao?
b. 1Cô-rinh-tô 11:30-32: Tại sao sự chết giáng trên người tin Chúa phạm tội?
c. Giăng 11:11,14, 1Tês 4:15: Với Cơ Đốc nhân, sự chết được gọi là gì? Tại sao?
3. Qua sự ghi nhận trên, chúng ta tìm thấy trong sự chết của người tin Chúa có những đặc điểm nào?
4. Xin tìm hiểu ý nghĩa những chữ sau đây:
a. Âm phủ trong Lu-ca 16:23.
b. Ba-ra-đi trong Lu-ca 23:42-43; 16:22.
5. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
a. Công 7:55-56; 59-60: Khi qua đời người tin Chúa được ai tiếp đi?
b. Lu-ca 16:22; 23:42-43: Đâu là nơi ở của người tin Chúa khi qua đời? So sánh nơi ở nầy với cảnh sống hiện tại? (2Côr 5:1-8; Khải 2:7).
6. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu người qua đời ở trong cảnh trạng nào?
a. 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:9,10; Ma-thi-ơ 22:32: Được sống cảm biết hay linh hồn ngủ mê?
b. Khải Huyền 14:13: Được yên nghỉ phước hạnh hay sợ hãi?
c. Lu-ca 16:23: Trong cõi đời sau, người ta có sự nhận biết nhau không và nhận biết như thế nào?
d. 1Cô-rinh-tô 13:12: Có sự tăng trưởng về sự hiểu biết Chúa trong người Cơ Đốc sau khi qua đời không?
7. Qua ghi nhận trên, xin tóm tắt những đặc điểm về nơi và cảnh trạng của người tin Chúa sau khi qua đời.
8. Qua những đặc điểm trên cho chúng ta tìm thấy chân lý gì về sự chết của người tin Chúa? (Thi 116:15; Khải 14:12).
9. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
a. Phi-líp 1:21-26: Mong ước hơn hết của Phao-lô là gì? Tại sao ông hoãn sự mong ước ấy?
b. 2Cô-rinh-tô 5:8-9: Phao-lô khuyên tín hữu có lòng tin cậy gì và phải sống thế nào trong đời nầy?
c. Chúng ta học được gì về thái độ đối với sự sống, và sự chết trong niềm tin của Cơ Đốc nhân?
10. Có ngục luyện tội không? Vì sao?

Chương trình thờ phượng ban phụ nữ Chúa Nhật 4-1-2015-

Chương trình thờ phượng ban phụ nữ Chúa Nhật 4-1-2015-

in PHỤ NỮ on 11 Tháng Hai, 2015

Chúa nhật 04.01.2015.
1. Đề tài: XUÂN AN BÌNH.
2. Kinh Thánh: Thi Thiên 91.
3. Câu gốc: “Tôi nói về Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là nơi nương náu tôi, và là đồn lũy tôi; cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin cậy nơi Ngài” (Thi 91:2).
4. Đố Kinh Thánh: Thi 85-87.
5. Thể loại: Ca ngợi – Cảm tạ – Bài ca mới.
* CHỈ DẪN: Ca ngợi – Cảm tạ – Bài ca mới.
1. Tất cả các ban viên đều có quyền dự phần: Ca ngợi cảm tạ Chúa về những ơn phước Ngài ban; hát hay tập cho các bạn một bài hát mới hoặc tham gia đủ ba tiết mục.
2. Ghi danh với người hướng dẫn chương trình thờ phượng.
3. Có thể đơn ca, song ca, tốp ca hay mời cả ban cùng hát.
4. Không cười chê những người hát không hay.
5. Nếu không làm chứng thì nên bày tỏ lý do tôn vinh Chúa bài thánh ca đó. Khi làm chứng, xin trình bày cách thành thật. Nếu bài làm chứng cảm động, nên cầu nguyện ngay.
6. Ủy viên âm nhạc và sinh hoạt chuẩn bị một số bài hát mới tập cho ban viên.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
SAY NẮNG.
– Đề phòng: Không tắm nắng quá lâu, đầu để trần.
– Cấp cứu khi chờ bác sĩ đến.
+ Đặt nạn nhân ở chỗ thoáng khí, đầu và vai cao hơn thân người (nếu mặt nạn nhân bị tái xanh thì để đầu và vai thấp).
+ Phun nước lạnh lên người nạn nhân. Nếu có túi chườm nước đá đặt lên đầu càng tốt.
+ Làm cho nạn nhân toát mồ hôi bằng cách xát mạnh các đầu ngón tay, bắp chân, đùi và thân người.
+ Cho nạn nhân uống nhiều nước trà loãng có pha chút muối hoặc nước có ga, từng ngụm nhỏ một. Không cho đường vào nước.
+ Nếu da bị phồng dộp, cần ngâm nạn nhân vào trong bồn tắm, nước lạnh.