Thẻ: Thanh Niên

Chương trình thờ phượng Ban Thanh Niên CN 4/1/2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh Niên CN 4/1/2015

in Thanh niên on 5 Tháng Hai, 2015

Chúa nhật 04.01.2015.
1. Đề tài: NƯỚC NGÀN NĂM BÌNH AN.
2. Kinh Thánh: Khải Huyền 19:11; 20:6; Xa-cha-ri 8:4-5:20-22.
3. Câu gốc: “Từ nay nước của thế gian thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài, Ngài sẽ trị vì đời đời” (Khải 11:15b).

5. Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: Thuyết trình.
1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Vấn đề gia đình không con”.
3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Hòa bình là mong ước sâu xa của loài người xưa nay. Trải qua bao giai đoạn lịch sử, đã có nhiều chính khách lỗi lạc từng ấp ủ hoài bão thực hiện một thế giới bình đẳng cho nhân loại. Nhưng chiến tranh cứ mãi tiếp diễn không ngừng, và mỗi ngày càng thêm khốc liệt hơn! Vậy hoa bình đến từ đâu?
Trở về với Kinh Thánh, một nước Thiên hi niên hòa bình đã được dự ngôn gần hơn hai ngàn năm về trước. Như thế bao giờ nước hòa bình lý tưởng nầy sẽ xuất hiện? Do ai thiết lập? Sự trị vì được đặt trên tiêu chuẩn nào? Và thế giới sẽ ra sao trong thời đại hoàng kim ấy?
I. DẪN GIẢI.
A. DẪN CHỨNG VỀ NƯỚC THIÊN HI NIÊN.
Mặc dầu có một số người không tin có nước ngàn năm bình an, như Calvin cho rằng đó là hạn chế quyền tể trị đời đời của Đấng Christ. Tuy nhiên giáo lý Thiên hi niên là thực sự vì những chứng cớ sau đây:
1. Lời tiên tri trong Cựu Ước.
Ê-sai 2:2-4; 11:1-16, 60-65 đã mô tả cảnh trạng của nước hòa bình trong sự trị vì vinh hiển của Đấng Mê-si khi Ngài hiện đến lần thứ hai. Nhưng vì hiểu lầm lời tiên tri ấy, dân Do Thái đã đóng đinh Đấng Mê-si khi Ngài hiện đến lần thứ nhất trong sự chết nhục nhã trên thập tự giá!
2. Sự dạy dỗ của Tân Ước.
Trong Công Vụ 3:19-21 những chữ “kỳ thơ thái đến từ Chúa” hay “kỳ muôn vật đổi mới” ám chỉ đến lời tiên tri về nước ngàn năm của Đấng Christ. Trong Lu-ca 19:12-27, ẩn dụ về vị thái tử đi phương xa trở về tính sổ với đầy tớ mình, chỉ về Đấng Christ được Đức Chúa Trời lập làm Vua trị vì nước Thiên hi niên và đoán xét thế gian (Giăng 5:22). Khải Huyền 20:1-6 bày tỏ sự kiện sa-tan bị giam giữ một ngàn năm bình an sau khi An-ti-christ bị diệt. Trong khoảng thời gian ấy, Đấng Christ trị vì các nước thế gian với sự đồng trị của các thánh đồ Ngài.
3. Niềm tin của Hội Thánh đầu tiên.
Schaff, một sử gia Hội Thánh ghi rằng: Trước giáo hội nghị Nicée, trọng điểm của giáo lý lai thế được gọi là thuyết Thiên hi niên, chủ trương rằng Đấng Christ sẽ lấy đại quyền, đại vinh hiện ra cùng với các thánh đồ để trị vì trên đất trước ngày phán xét chung. Những giáo phụ danh tiếng như Papius, Justi Martyr, Irénée, Tertullien đều công nhận lời nầy.
Sử gia Gibbon trong quyển: “The decline and Fall of the Roman Empire” (Sự suy tàn và sụp đổ của đế quốc La-mã), có ghi rằng: “Giáo lý về thời đại Thiên hi niên vốn xa xưa, nhưng rất phổ thông. Bởi sự truyền lại liên tiếp qua các giáo phụ từ Justin Martyr và Irénée, là hai nhân vật đã từng gặp gỡ các giáo phụ – môn đồ của các sứ đồ…”
B. NHỮNG BIẾN CỐ DẪN ĐẾN THỜI ĐẠI THIÊN HI NIÊN.
1. Thời điểm bắt đầu của nước Thiên hi niên.
Với những dẫn chứng trên cho thấy giáo lý về Thiên hi niên là điều chắc chắn. Nhưng vấn đề là nước ấy sẽ được xuất hiện khi nào?
Có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm “Tiền Thiên hi niên” cho rằng Đấng Christ sẽ đến trước thời đại ngàn năm bình an. Quan điểm “Hậu Thiên hi niên” chủ trương Đấng Christ sẽ đến sau thời đại ngàn năm bình an vì nghĩ rằng thế giới nầy sẽ dần dần được cải tiến về kinh tế, chính trị, và cải thiện về đạo đức để đi vào thời hoàng kim Thiên hi niên trước khi Đấng Christ tái lâm đoán xét thế gian.
Phần lớn các nhà giải kinh Tin Lành đều tin thuyết Tiền Thiên hi niên vì thuyết nầy thích hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh về những điều sẽ xảy ra trước ngày hiện đến của Đấng Christ:
a. Sự hiện đến của Antichrist trước ngày Chúa tái lâm (2Tê-sa-lô-ni 2:7-9): Antichrist sẽ xuất hiện trước thời đại Thiên hi niên, và Chúa hiện đến hủy diệt nó, nghĩa là Ngài đến trước thời đại Thiên hi niên (Khải 19:19-20; 20:1-5).
b. Sự băng hoại về đạo đức: Tình trạng sa sút trong Hội Thánh, sự bại hoại đạo đức trong xã hội loài người, sự bách hại người tin, sự bất ổn trong các quốc gia. Đó là tình trạng “xáo trộn”, được diễn tả trước ngày Chúa tái lâm chớ không phải tình trạng thái bình trước ngày Chúa đến như thuyết Hậu Thiên hi niên chủ trương (1Tim 4:1-3; Ma-thi-ơ 24:9, 29-31; Lu-ca 21:25-27; 2Tê-sa-lô-ni-ca 1:7; Khải 7:14).
c. Hai kỳ sống lại: Một kỳ trước thời Thiên hi niên, và một sau thời đại nầy. Tỏ rằng Chúa Giê-xu đến trước Thiên hi niên, và các thánh đồ được sống lại và đồng trị với Ngài trong nước ngàn năm bình an (Khải 20:2,5,12-13).
2. Chiến trận Ha-ma-ghê-đôn.
Ha-ma-ghê-đôn ám chỉ trận chiến lịch sử vĩ đại nhất, khủng khiếp nhất sẽ xảy ra trước ngày Đấng Christ tái lâm (Khải 16:12-16). Theo Vincent, Ha-ma-ghê-đôn có thể chỉ về đồi Meggiddo, và vùng phụ cận. Về địa lý, Meggiddo nằm trong đồng bằng Esdraelon, ở về phía Tây sông Giô-đanh, thuộc trung tâm xứ Palestine, cách Na-xa-rét khoảng 10 dặm về phía Nam; và cách Đia Trung Hải độ 15 dặm từ nội địa. Như thế, vùng chiến trận lớn ấy sẽ chạy dài từ đồng bằng Esdraelon về phía Bắc, xuyên qua Giê-ru-sa-lem, đến trũng Giô-sa-phát và giáp với Ê-đôm về phía Nam. Địa điểm nầy đã từng xảy ra nhiều cuộc chiến trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên, cũng là nơi được chọn cho những cuộc đấu sức trên đất Palestine kể từ thời vua A-sy-ria.
Theo sự bày tỏ trong Khải Huyền 16:12-16, Ha-ma-ghê-đôn là cuộc chiến do sự dấy động của Sa-tan và An-ti-christ, qui tụ tất cả lực lượng của các cường quốc trên thế giới để chống nghịch Đức Chúa Trời và bách hại tuyển dân Ngài. Đây là cuộc chiến kết thúc ngày Đức Giê-hô-va, tức thời kỳ đại nạn. Đây cũng là điểm hẹn của các vua trên thế giới để chịu lấy sự đoán phạt khủng khiếp nhất của Chúa về tội bội nghịch Ngài, bắt bớ các thánh đồ Ngài.
3. Sự đắc thắng của Đấng Christ (Khải 19:11-20:3).
Với sự chống nghịch của An-ti-christ, Đấng Christ hiện đến với đại quyền, đại vinh để tiêu diệt chúng và dẹp sạch kẻ nghịch. Kết cuộc, An-ti-christ, tiên tri giả bị bỏ vào hồ lửa và Sa-tan bị nhốt 1.000 năm trong vực thẳm để mở đầu cho thời đại Thiên hi niên.
C. SỰ TRỊ VÌ CỦA ĐẤNG CHRIST TRONG NƯỚC THIÊN HI NIÊN.
1. Chánh thể trị vì của Đấng Christ.
Theo nhà thần học Gacbelein, ngôi trị vì của Đấng Christ là Giê-ru-sa-lem mới trên trời, nơi Hội Thánh sẽ được đồng trị với Ngài. Giê-ru-sa-lem xứ Do Thái sẽ trở thành thủ đô của nước ngàn năm bình an (Xa-cha-ri 14:8, 16-17).
Trong vương quốc Thiên hi niên, chánh thể “thần quyền” sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, theo Peters, trong chính thể thần quyền có cả yếu tố quân chủ lẫn cộng hòa. Quân chủ vì uy quyền tối cao đều ở trong tay vua, và tất cả đều tùy thuộc vào đó. Cộng hòa vì có các cơ cấu duy trì quyền cá nhân từ thấp đến cao nhất. Sự kết hợp hai yếu tố quân chủ và cộng hòa như thế sẽ là một chánh thể lý tưởng đem phước hạnh cho con người. Chánh thể thần quyền đã được Đức Chúa Trời chỉ định cho con người từ lúc ban đầu, nhưng con người đã bất phục Ngài (Sáng 3); và trong thời các quan xét, dân Y-sơ-ra-ên cũng đã thất bại với chánh thể nầy. Vì vậy trong nước ngàn năm bình an, Đức Chúa Trời phục hồi chánh thể nầy qua Đấng Christ. Ngàn năm dưới thể chế nầy cũng là một thử nghiệm của Đức Chúa Trời xem con người có khả năng chấp nhận một thể chế tương lai như thế trong Nước vĩnh hằng của Ngài không.
2. Đường lối trị vì.
Sự cai trị của Đấng Christ được đặt trên sự công bình, chánh trực, là hai yếu tố phản chiếu bản tánh công nghĩa, thánh khiết của Ngài, để trở thành nền tảng xây dựng vương quốc hoa bình (Ê-sai 9:6; 11:4-5). Trong thời trị vì của Đấng Christ “sự công bình và sự bình an đã hôn nhau” (Thi 85:10). Vì nếu không có công bình, cũng không có hòa bình, và hòa bình nếu không đặt nền trên sự công bình thì sẽ trở thành vô nghĩa. Sở dĩ thế giới hôm nay vắng bóng hòa bình, vì công lý bị quyền lực kẻ ác bách hại. Nhưng khi Đấng Christ đến, quyền lực kẻ ác bị diệt trừ, và “mặt trời công bình sẽ mọc lên”, tất nhiên hòa bình sẽ xuất hiện (Ma-la-chi 4:2). Vì lẽ cần nầy, sự trị vì của Đấng Christ mang hai sắc thái đặc thù như sau:
(1) Sự công nghĩa đầy dẫy (Ê-sai 11:2-3). Hòa bình sẽ trở thành vô hiệu khi sự công nghĩa không có đủ quyền năng thực thi đúng mức.
(2) Chính sách công nghĩa bất di bất dịch: Khải Huyền 19:15 bày tỏ Đấng Christ sẽ cai trị thế gian bằng cây gậy sắt. “Cây gậy sắt” tiêu biểu cho đường lối trị vì của Đấng Christ là đường lối cứng rắn (chánh trực và ngay thẳng), bất di bất dịch của Ngài về sự công nghĩa. Quyết không có sự nhượng bộ của công lý cho sự bất công. Người ác chắc sẽ bị tiêu diệt trước “cây gậy sắt” của Ngài.
Dưới sự trị vì của vua hòa bình, sẽ không còn có những nạn nhân của những bất công xã hội, của người có thế lực trên người yếu thế!
3. Những điều xảy ra trong sự thành lập nước ngàn năm.
Khi Đấng Christ đến lần hai, sẽ có những điều xảy ra như sau:
(1) Quốc gia Do Thái hoàn toàn được phục hồi (Ê-sai 35, 60).
(2) Dân Do Thái được sự cứu rỗi của Chúa, được sự tẩy sạch và được ban cho lòng mới với sự ngự trị của Đức Thánh Linh (Ê-xê 36:24-28; Gio-ên 2:32; Giê-rê-mi 31:33-34). Họ sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc rao truyền sự công nghĩa của Đức Chúa Trời cho thế giới, và đem sự cứu rỗi cho các dân (Xa-cha-ri 8:23; Ê-sai 44:8, 21; 61:6, 21). Giê-ru-sa-lem trở thành thủ đô hòa bình của thế giới, cũng là trung tâm thờ phượng Đức Chúa Trời, nơi qui tụ các dân đến ra mắt Chúa và tìm kiếm Ngài (Ê-sai 2:3-4; Xa-cha-ri 8:2-3, 20-23). Hình ảnh nầy sẽ làm ứng nghiệm lời hứa của Chúa với Áp-ra-ham trong Sáng Thế Ký 12:1-3 “Các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”.
(3) Muôn dân đầu phục Đấng Christ (Xa-cha-ri 14:9; Ê-sai 9:6). Sau khi mọi chấp chánh của thế gian bị diệt trừ, các dân sẽ thuận phục Đấng Christ là Vua của các vua, Chúa của các chúa.
4. Cảnh trạng của Nước Thiên hi niên.
Dưới sự trị vì của Đấng Christ, thế giới trong thời Thiên hi niên được mô tả trong những điểm sau:
(1) Thế giới hòa bình (Mi-chê 4:3; Ê-sai 2:4): Khí giới chiến tranh được biến thành công cụ hữu ích.
(2) Đạo Chúa được rao truyền và khắp đất đầy dẫy sự hiểu biết Đức Chúa Trời (Phi-líp 2:11; Ê-sai 45:23; 11:9; 52:7).
(3) Muôn vật được giải cứu khỏi sự rủa sả (Rô-ma 8:20-21).
(4) Về thuộc linh, con người được tương giao với Chúa, được sự hiện diện của Đức Thánh Linh và sự thông biết Ngài. Về tinh thần, được vui vẻ, tự do, không còn bị kẻ ác áp bức. Về vật chất, được an cư lạc nghiệp, và sống lâu, hạnh phúc (Ê-sai 2:4; 11:1-9; 35:5-6; 61:1-3; Xa-cha-ri 8:4-8).
Những điểm mô tả trên cho chúng ta thấy một bức tranh tuyệt vời về nước ngàn năm bình an mà chỉ có Đức Chúa Trời mới thực hiện được, và đây là điều mà nhân loại đang mong mỏi đợi chờ.
Tóm lược.
1. Nước ngàn năm bình an là giáo lý được Kinh Thánh bày tỏ và được thấy trong niềm tin của Cơ Đốc nhân.
2. Nước Thiên hi niên được bắt đầu sau khi Đấng Christ tái lâm, chiến thắng An-ti-christ và các vua thế gian, hình phạt An-ti-christ và tiên tri giả trong hồ lửa, giam giữ sa-tan trong vực sâu.
3. Trong nước Thiên hi niên, Hội Thánh được đồng trị với Đấng Christ.
4. Chánh thể trong nước ngàn năm bình an là chánh thể thần quyền và đường lối cai trị là công bình và chánh trực.
5. Trong thời Thiên hi niên, quốc gia Do Thái được phục hồi hoàn toàn, dân Do Thái được cứu và trở thành những người đem tin mừng cho thế giới. Giê-ru-sa-lem sẽ trở thành thủ đô của nước Thiên hi niên và trung tâm thờ phượng của thế giới.
6. Các dân trên đất đầu phục sự trị vì của Chúa. Trong thời đại Thiên hi niên, muôn vật được giải cứu, thế giới hòa bình, dân cư sống tự do, hạnh phúc, vui vẻ, sống lâu, và đầy dẫy sự hiểu biết Chúa.
7. Mục đích của nước thời Thiên hi niên là chuẩn bị cho Nước vinh hiển sau đó.
II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
1. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
a. Ê-sai 53: Vị tiên tri nói về sự hiện đến của Đấng Mê-si trong tư cách nào?
b. Ê-sai 2:2-4; 9:5-6; 11:1-6: Vị tiên tri nói về sự hiện đến lần hai trong tư cách nào? Với mục đích gì?
c. Mi-chê 4:1-4; Xa-cha-ri 14:8-11: Lời tiên tri nói gì về sự hiện đến lần thứ hai của Chúa Giê-xu?
d. Công Vụ 3:19-21: Lời tiên tri của sứ đồ Phi-e-rơ chỉ về điều gì?
e. Khải Huyền 19:11-20:1-4: Sự hiện thấy của Giăng về Đấng Christ tái lâm, và cai trị ngàn năm trên đất có liên quan thế nào với các lời tiên tri trong Cựu Ước?
2. Sự liên quan trên chứng tỏ cho chúng ta về lẽ thật nào?
3. Xin ghi nhận các sự kiện xảy ra qua những câu Kinh Thánh sau đây: (a) Khải Huyền 1:7; Ma-thi-ơ 24:30. (b) Khải Huyền 19:11-21. (c) Khải Huyền 30:1-3. (d) Khải Huyền 20:4-6. (e) Ma-thi-ơ 25:31-32.
4. Diễn tiến của các sự kiện xảy ra có ý nghĩa gì trong sự thiết lập nước ngàn năm bình an?
5. Xin đọc những câu Kinh Thánh Ê-sai 9:5-6; 11:1-6; Khải Huyền 11:15 và tìm hiểu:
a. Đấng cai trị nước ngàn năm là ai?
b. Chính thể và chính sách hay đường lối cai trị của Đấng Christ như thế nào?
c. Hai điều trên có liên hệ gì đến nền hòa bình trong thời đại Thiên hi niên? Xin giải thích.
6. Xin tìm hiểu:
a. Khải Huyền 11:15: Nước của Đấng Christ bao gồm trong phạm vi nào?
b. Khải Huyền 20:4-6: Ai sẽ được dự phần với Đấng Christ trong sự cai trị nước ngàn năm bình an?
c. Ê-sai 54:1-3; A-mốt 9:11-15; Ê-xê-chi-ên 36:24-28: Theo tiên tri, hai điều gì sẽ được ứng nghiệm cho dân Do Thái khi Đấng Christ trị vì (về quốc gia Y-sơ-ra-ên và về đời sống thuộc linh của họ).
d. Xa-cha-ri 8:3, 22-23; 14:16-17; Ê-sai 2:2-3: Trong Nước ngàn năm bình an, thành Giê-ru-sa-lem, và tuyển dân Do Thái giữ vai trò quan trọng như thế nào? Vai trò nầy có nghĩa gì đối với Lời Đức Chúa Trời hứa cùng Áp-ra-ham trong Sáng Thế Ký 12:1-3?
e. Ê-sai 2:4; 11:6-11; Xa-cha-ri 8:4-8, 20-22; Rô-ma 8:10-20: Xin mô tả cảnh trạng của Nước ngàn năm bình an, về muôn vật, về loài người trong đời sống tâm linh (tôn giáo), tinh thần và vật chất.
7. Xin tóm lược những đặc điểm của Nước ngàn năm bình an. Những đặc điểm nầy của Nước ngàn năm có liên quan thế nào với nước vĩnh viễn sau đó?