CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 29.09.2019
in PHỤ NỮ on 23 Tháng Chín, 2019
Chúa nhật 29.09.2019
1. Đề tài: TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM.
2. Kinh Thánh: Công vụ 27:1-28; 28:21-31.
3. Câu gốc: “Phao–lô ở trọn hai năm tại một nhà trọ đã thuê. Người tiếp rước mọi người thăm mình, giảng về nước Đức Chúa Trời, và dạy dỗ về Đức Chúa Giê–xu Christ cách tự do trọn vẹn, chẳng ai ngăn cấm người hết” (Công vụ 28:30-31).
4. Đố Kinh Thánh: Sáng thế ký 36-38.
5. Thể loại: Thảo luận.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 19.07.2019.
– Đề tài 1: Khi sống trong hoàn cảnh thuận lợi, ta mới có thể rao giảng về Tin Lành cứu rỗi cho người khác.
– Đề tài 2: Dầu gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, ta cũng phải rao giảng về Tin Lành cứu rỗi cho người khác.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Đây là chặng cuối trong cuộc đời truyền giáo của Phao-lô. Theo lời kêu nài được xét xử trước mặt hoàng đế, người ta đưa ông đến La-mã. Chuyến đi nầy đầy gian nan, nguy hiểm nhưng cũng nhờ vậy mà quyền năng của Chúa được bày tỏ qua chức vụ của Phao-lô.
Điều làm cho Phao-lô dễ chịu là thầy đội, người có nhiệm vụ giải ông đến La-mã, đã tỏ ra nhân từ, tử tế với ông. Ngoài ra, trong chuyến đi nầy còn có thêm A-ri-tạc, có lẽ là người tình nguyện đi theo để phục vụ Phao-lô. Điều làm Phao-lô vui mừng hơn hết là được tự do rao truyền Tin lành.
I. TẠO NHỊP CẦU ĐỂ RAO GIẢNG TIN LÀNH (Công vụ 28:21-22).
Sau khi đến Rô-ma, kinh đô của đế quốc thời bấy giờ được ba ngày. Phao-lô liền mời các trưởng lão người Do-thái tại đó đến nhóm lại. Ông kể cho họ nghe thế nào ông phải chịu xiềng xích mà đến Rô-ma, và người ta buộc tội ông vô cớ thế nào.
Các trưởng lão cho biết tại Rô-ma họ chẳng có tin tức hoặc thư từ gì nói xấu về Phao-lô. Dầu vậy, họ cũng cảnh giác Phao-lô rằng Cơ Đốc giáo mà ông đang theo là đạo bị nhiều người chống nghịch. Phao-lô thấy các trưởng lão Do-thái nhầm lẫn về Cơ Đốc giáo và chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời nên ông khuyến khích họ trở lại để gặp ông hầu được dịp nghe cắt nghĩa thêm về sự cứu rỗi của Ngài. Qua lời Kinh Thánh, chúng ta thấy thái độ của các nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái tại Rô-ma có phần cởi mở hơn nhiều người ở nơi khác. Đối với Phao-lô họ không có thành kiến nhưng họ sẵn sàng để nghe ông nói.
Thật một tâm tình truyền giáo cao độ đã thể hiện qua đời sống của Phao-lô. Khi đứng trước những kẻ chống đối hay hiểu sai lệch về chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, ông đã từ tốn, cởi mở và tạo một dịp tiện để họ được nghe về tin mừng. Ông đã đem đến cho họ hy vọng về chương trình cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Trời.
II. RAO TRUYỀN TIN LÀNH CHO MỌI NGƯỜI (Công vụ 28:23-29).
Đến ngày hẹn, các trưởng lão Do-thái và nhiều người theo
Do-thái giáo tụ họp lại tại nhà riêng của Phao-lô để nghe ông bày tỏ chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Từ sáng đến chiều, Phao-lô cứ làm chứng và giảng đạo Chúa cho họ. Ông bắt đầu từ Môi-se và các Đấng tiên tri mà gắng sức khuyên bảo họ một cách rõ rệt. Phao-lô minh chứng rằng Tin lành của Đấng Christ là sự ứng nghiệm đầy trọn của Cựu Ước và những lời tiên tri, là hy vọng của người Do-thái.
Dựa trên Cựu Ước, ông giảng giải từng giai đoạn lịch sử của dân Do-thái tỏ ra rằng là Con Đức Chúa Trời: “Là Tin lành xưa kia Đức Chúa Trời đã dùng các Đấng tiên tri Ngài mà hứa trong Kinh Thánh về Con Ngài, theo xác thịt bởi dòng dõi vua Đa–vít sanh ra, theo thần linh của thánh đức thì bởi sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết” (Rô-ma 1:2-4a).
Phao-lô dùng Kinh Thánh để chứng minh, để rao truyền Tin lành của Đức Chúa Trời cho các trưởng lão Do-thái, giúp mỗi chúng ta ngày nay biết sắp xếp thì giờ mình, để được gần Lời sự sống của Đức Chúa Trời để chúng ta có thể dùng Lời ấy tỏ bày con đường cứu rỗi cho người lạc mất.
Khi nghe Phao-lô làm chứng và rao giảng, một số người đã mềm lòng tin nhận Chúa, một số khác không tin. Hễ ai tin thì được phước, còn kẻ chẳng tin tự đánh mất phần phước hạnh của mình từ Đức Chúa Trời. Khi một người khước từ Lời Chúa là họ đã tự đóng cửa cứu rỗi phước hạnh cho linh hồn mình.
Bài học lựa chọn của hai nhóm người nghe lời giảng của
Phao-lô, nhắc chúng ta đến trách nhiệm rao truyền Tin lành của Cơ Đốc nhân, chứ không phải trách nhiệm vào sự cứng lòng của những kẻ chẳng tin.
Sau khi dùng lời tiên tri để nhắc nhở người Do-thái về sự cứng lòng của họ, Phao-lô đã tuyên bố: “Sự cứu rỗi này đã sai đến cho người ngoại, những người đó sẽ nghe theo vậy” (Công vụ 28:28).
Đoạn Kinh Thánh sống động nầy của sách Công vụ được nối tiếp trước bao nhiêu tấm gương truyền giáo cho các dân tộc trên thế giới. Chúng ta nhận được thách thức gì trong công tác rao truyền Tin lành cho những chủng tộc, màu da và ngôn ngữ khác trên thế giới? Bạn, tôi, và Hội Thánh bạn đã góp phần gì trong việc rao truyền Tin lành cho mọi dân tộc? Tôi với bạn có thể góp phần ấy ngay bây giờ trong lời cầu nguyện cho các giáo sĩ và dâng hiến cho công tác của họ. Đó cũng là cách bạn có thể tiếp tay trong việc truyền giáo.
III. RAO TRUYỀN TIN LÀNH TRONG HOÀN CẢNH GIỚI HẠN (Công vụ 28:30-31).
Kinh Thánh cho biết Phao-lô đã lưu lại Rô-ma hai năm trong hoàn cảnh của một người tù bị giam lỏng và tự tìm kiếm mưu sinh cho mình. Dầu vậy, Phao-lô vẫn mở rộng cửa nhà trọ mình để tiếp rước mọi anh em trong các tầng lớp xã hội đến thăm ông. Trong hai năm ấy nhờ quyền năng của Chúa giúp ông, ông nắm lấy cơ hội “giảng về nước Đức Chúa Trời, và dạy dỗ về Đức Chúa Giê–xu Christ cách tự do trọn vẹn, chẳng ai ngăn cấm người hết” (c.31).
Phao-lô có thật nhiều lý do để biện minh về cảnh tù tội, thiếu thốn, cô đơn, chống đối, hay sự khó khăn tại Rô-ma để từ chối công tác truyền giáo. Nhưng quyền năng Chúa vượt quá sự hiểu biết và suy tưởng của chúng ta. Phao-lô đã được Chúa biến đổi từ một người cuồng nhiệt chống Ngài trở nên một người rao giảng Tin lành của Ngài. Ông không để mất một dịp nào trong việc rao truyền ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Phao-lô đã chân thành ủy thác đời sống mình vào Cứu Chúa Giê-xu và một lòng truyền bá danh Ngài. Ông trung tín rao truyền Tin lành trong cái giới hạn có được của ông, điều này dạy ta luôn sẵn sàng nắm lấy mọi dịp tiện mình có để rao giảng Tin lành hầu đưa nhiều người đến với Chúa.
Mặc dầu bị giam giữ ở trong một hoàn cảnh giới hạn mọi bề, Phao-lô đã tận dụng tất cả thì giờ mà Chúa ban cho ông. Bên cạnh việc giảng và dạy, Phao-lô đã viết rất nhiều thư tín cho các Hội Thánh tại Rô-ma, ông đã viết thư Phi-líp, Ê-phê-sô, Cô-lô-se và Phi-lê-môn. Ngày nay khi đọc lại những bức thư của ông, chúng ta cũng nhận được những phước hạnh như các tín hữu trong thế kỷ đầu tiên. Phao-lô đã trung tín trong việc truyền bá Phúc Âm qua sự tự do hữu hạn mà ông có được. Dầu bị tù tội, nhưng ông không quên công tác mà Chúa giao cho ông. Noi gương Phao-lô, chúng ta cũng phải tận dụng mọi cơ hội có được để rao truyền Tin lành của Chúa cho những người chưa biết Ngài. Nếu chúng ta chờ cho đến khi mình có một cơ hội hoàn mỹ để làm chứng cho Chúa, e rằng chúng ta sẽ không làm được bao nhiêu và cơ hội sẽ qua đi. Phao-lô đã bắt đầu cuộc hành trình của ông với Chúa trên con đường đi
Đa-mách. Cuộc hành trình của ông từ Đa-mách đến Rô-ma được mô tả trong sách Công vụ các sứ đồ. Sự trung tín của Phao-lô trong việc truyền giáo trên mọi giai đoạn của cuộc hành trình là duyên cớ thúc đẩy chúng ta phải thực hành.
Còn bạn, đối với việc làm chứng nhân cho Chúa thì sao? Trong cuộc hành trình của cuộc đời mình, bạn có suy nghĩ đến những phương cách nào có thể dùng để rao truyền Phúc Âm của Chúa không? Mong rằng Chúa sẽ ban cho bạn sự dạn dĩ để nắm lấy mọi dịp tiện làm chứng cho Ngài.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Cách nấu thịt bò mau mềm: Thịt bò mua về, đem bỏ vào ngăn đá tủ lạnh, hôm sau mới đem ra chế biến. Hoặc khi hầm thịt nên cho vào nồi một ít nước trái thơm hay vài muỗng giấm ăn, thịt sẽ mau mềm.