BÀI 12. NỖ LỰC KẾT TRÁI THÁNH LINH
I. KINH THÁNH: Phi-líp 3:12-16; 4:8-13.
II. CÂU GỐC: “Nhưng tôi cứ làm một điều: quên đi những gì ở đằng sau, vươn tới những gì ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà theo đuổi để đoạt giải về sự kêu gọi trên cao của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jêsus” (Phi-líp 3:14).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em
– Biết: Khi Phao-lô viết thư gởi Hội Thánh Phi-líp, ông đang bị tù và có thể tử vì đạo. Nhưng ông không ngừng theo đuổi mục tiêu mà Chúa Jêsus giao phó, tiếp tục rèn luyện những phẩm đức tốt đẹp của một tôi tớ Đức Chúa Trời.
– Cảm nhận: Những đặc tính trong trái Thánh Linh cần phải được tiếp tục rèn luyện đến suốt đời.
– Hành động: Học tinh thần nỗ lực không ngừng kết trái Thánh Linh của Phao-lô, và định ra mục tiêu thực hiện một việc tốt.
IV. GIÁO VIÊN SUY GẪM.
Phi-líp là thành phố đầu tiên Phao-lô đến khi ông truyền giáo tại Châu Âu (CôngVụ 16:12), cũng có thể nói đó là cái nôi Cơ Đốc Giáo của Châu Âu. Trong số Hội Thánh mà Phao-lô đã thành lập, Hội Thánh Phi-líp có quan hệ thân thiết với ông hơn cả, và ông luôn khen họ nhiều lần cung cấp nhu cầu vật chất cho ông (2Cô-rinh-tô 11:9; Phi-líp4:15-16).
Truyền thống cho rằng thư tín Phi-líp được viết khi Phao-lô ở tù tại Rô-ma (Phi-líp1:12-4:22), là thư tín viết sau cùng trong số thư tín trong tù của Phao-lô. Lúc đó, Phao-lô đã biết mình sẽ bị giết vì danh Chúa, nhưng trong thư gởi cho Hội Thánh Phi-líp, ông vẫn bày tỏ mình sẽ không ngừng theo đuổi mục tiêu mà Chúa Jêsus giao phó (Phi-líp 3:12-16). Vì thế, tuy cảm nhận ngày cuối cùng của cuộc đời mình đã đến gần, nhưng ông vẫn nỗ lực kết trái Thánh Linh (Phi-líp 4:10-13), đồng thời khích lệ tín hữu tại Phi-líp học theo ông, chú tâm và theo đuổi những phẩm đức tốt đẹp của trái Thánh Linh.
- Vẫn phải nỗ lực (Phi-líp 3:12-16).
Dầu Phao-lô đã hầu việc Chúa nhiều năm, đời sống thuộc linh đạt đến mức độ cao, nhưng ông vẫn cho rằng mình cần phải nỗ lực không ngừng, bởi vì giữa cái đã có và chưa có vẫn còn khoảng cách (câu 12). Ngoài ra, trong câu 13, Phao-lô nói “Thưa anh em, tôi không nghĩ rằng mình đã đoạt được rồi”, để nói rằng ông không phải đã đến đích, mà là đang tập trung nỗ lực chạy đến đích. Ông lấy hình ảnh một vận động viên để minh họa. Một vận động viên nếu muốn đạt đến đích, thì phải “quên lửng sự ở đằng sau, bươn theo sự ở đằng trước, nhắm mục đích mà chạy”. Nếu vận động viên quay đầu lại nhìn những vận động viên khác, thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ chạy. Ý nghĩa của từ “quên lửng” là bỏ đi những việc làm mình phân tâm, làm lạc mục tiêu.
- Không ngừng kết trái Thánh Linh (Phi-líp 4:10-13).
Phao-lô không ngừng kết trái Thánh Linh bởi ông suốt đời tin cậy và vâng theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Phao-lô không quan tâm đến hoàn cảnh tốt hay xấu (đặc biệt là ông đang ở trong tù), vì ông hiểu rõ rằng khi tin cậy Chúa thì sẽ có sự vui mừng. Đó là bí quyết mà ông đã tìm được trong từng trải của chức vụ.
- Khích lệ tín hữu không ngừng kết trái Thánh Linh (Phi-líp 4:8-9).
Phao-lô nêu ra 6 điều và yêu cầu các Cơ đốc nhân phải luôn nghĩ đến và theo đuổi. Đó là:
- Chân thật.
- Đáng tôn (đáng kính)
- Công bình.
- Thanh sạch.
- Đáng yêu chuộng.
g. Có tiếng tốt.
Nói tóm lại, những phẩm đức tốt đẹp của trái Thánh Linh thì phải không ngừng theo đuổi. Phao-lô muốn các tín hữu Phi-líp hiểu rõ những phẩm đức tốt đẹp nầy có thể thấy nơi ông, bởi ông đang thực hành như vậy: “Những gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở với anh em.”(câu 9).
V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
*Trò chơi: VƯỢT CHƯỚNG NGẠI VẬT.
- Chuẩn bị: Trái cây (chuối, nhãn, mãng cầu, ổi, cóc…), một số ghế nhỏ làm chướng ngại vật, 2 trái banh nhựa (có thể thay thế bằng bong bóng).
- Thực hiện: Đặt trái cây tại điểm đích, cách điểm đích khoảng 15m là điểm xuất phát. Từ điểm xuất phát đến điểm đích, đặt những chướng ngại vật ngoằn ngoèo.
– Chia các em làm hai đội, đứng hàng dọc trước vạch xuất phát. Khi nghe hiệu xuất phát, hai em đầu tiên của hai đội kẹp banh ở giữa lùi đi thật nhanh đến đích, bước qua những chướng ngại vật (nếu rơi banh thì phải quay lại điểm xuất phát). Khi đến đích thì lấy trái cây (mỗi lần chỉ được 1 trái). Trong thời gian quy định, đội nào lấy nhiều trái cây hơn thì đội đó thắng. Số trái cây mà đội lấy được cũng là phần thưởng của đội đó.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
- Vào đề.
Các em thân mến! Các em vừa chơi xong trò chơi “Vượt chướng ngại vật”, các em thấy có khó không? Mục tiêu mà các em muốn đạt đến trong trò chơi nầy là gì? Các em cần phải như thế nào để đạt được mục tiêu đó? (Cho các em trả lời).
Hôm nay, chúng ta sẽ học Kinh Thánh trong thư Phi-líp 3:12-16; 4:8-13 (cho các em thay phiên nhau đọc phân đoạn nầy). Các em biết không, sách Phi-líp mà chúng ta có trong Kinh Thánh Tân ước là thư của Phao-lô gởi cho Hội Thánh Phi-líp khi ông đang ở tù tại Rô-ma. Dù biết chắc hoàng đế Rô-ma sẽ kết ông án tử hình, nhưng Phao-lô vẫn tiếp tục nỗ lực để chạy đến đích mà Chúa Jêsus đã giao phó. Các em cùng chú ý theo dõi tâm tình của Phao-lô nhé.
- Bài học.
(Giáo viên ghi âm nội dung dưới đây, rồi phát ra cho các em nghe, hoặc mời một giáo viên khác cùng cộng tác với mình).
– Cai tù: Chào ông Phao-lô! Ông lại viết thư nữa à! Có phải lần nầy chống án, ông biết lành ít dữ nhiều nên viết di chúc để lại phải không?
– Phao-lô: Anh cai tù ơi, tôi chống án lên hoàng đế Rô-ma là để chứng minh Tin Lành mà tôi rao truyền không chống đối đức vua, cũng không mưu toan lật đổ chính quyền. Vả lại…
– Cai tù (xua tay): Thôi, thôi! Ông lại nói đến Jêsus nữa hả?
– Phao-lô: Được rồi! Tôi không nói đến Chúa Jêsus nữa, nhưng anh hãy nghe tôi đọc những điều tôi đang viết nhé!
– Cai tù: Thôi không cần…(Cai tù quay bỏ đi).
– Phao-lô (hướng về các em): Hay là các con nghe thư của ông viết cho các tín đồ Phi-líp nghe! Trong thư bao gồm mục tiêu cuộc đời của ông, cùng với bí quyết để đạt đến mục tiêu đó.
(Nội dung sau đây có thể do giáo viên đóng vai Phao-lô tiếp tục diễn giải, cũng có thể thu âm trước rồi phát ra. Đoạn văn sau đây căn cứ vào Phi-líp3:12-16; 4:8-13và bối cảnh thư tín mà viết ra).
“Tôi bị giam cầm ở Rô-ma đã 2 năm rồi, xem ra việc chống án lên hoàng đế cũng sắp có kết quả. Tôi không sợ chết, nếu chết vì Chúa Jêsus tôi rất vui lòng. Nhưng nếu tôi còn sống, thì có thể sẽ tiếp tục dẫn dắt nhiều người đến với Chúa hơn.
Hỡi anh em yêu dấu! Trong suốt 30 năm hầu việc Chúa, tôi đã thành lập không ít Hội Thánh, và cũng hưởng ân điển của Chúa rất nhiều. Bây giờ đã đến lúc cuối đời, nhưng tôi vẫn không cảm thấylà đã thànhcông. Tôi chỉ biết một điều, đó là quên lửng sự ở đằng sau, bươn theo sự ở đằng trước, nhắm mục đích mà chạy, để nhận phần thưởng từ sự ban cho của Chúa Jêsus.
Ngoài ra, trong lòng tôi rất vui mừng, không phải vì anh em đã cung ứng nhu cầu của tôi. Thật ra, cho dầu tôi ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng tập thỏa lòng, bởi vì tôi luôn tin cậy Đức Chúa Trời. Ngài sẽ ban thêm sức cho tôi vượt qua thử thách.
Cho dù tôi có bị kết án như thế nào, anh em cũng nênhọc theo tôi, giống như lúc trước tôi ở với anh em vậy, hoặc sau nầy tôi không ở với anh em, anh em càng nên làm như vậy. Anh em phải luôn nghĩ đến điều gì chân thật, điều gì đáng tôn đáng kính, điều gì công bình, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì có tiếng tốt, đồng thời điều gì nhân đức đáng khen thì phải luôn tìm cơ hội thực hành. Tôi muốn anh em phải nghĩ tới những điều nầy, vì sự suy nghĩ rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến lời nói và hành vi của chúng ta.
Nếu Chúa muốn, trong thời gian nhanh nhất, Ti-mô-thê sẽ đến cùng anh em, để tôi có thể biết được tình trạng hiện tại của anh em. Sau cùng, tôi cảm ơn anh em luôn chia sẻ khổ nạn cùng tôi”.
Các em thân mến! Qua thư, chúng ta thấy mục tiêu đời sống của Phao-lô là gì? Ông làm thế nào để đạt đến mục tiêu nầy? Ông có bí quyết gì? (Cho các em thảo luận).
Sau khi thảo luận xong, hướng dẫn các em làm bài tập phần 1“Chỉ có một điều”. (Đáp án: Suy nghĩ của vận động viên: Đừng quay đầu nhìn các vận động viên chạy sau. Nếu làm như vậy sẽ bị phân tâm, ảnh hưởng đến tốc độ chạy. Thái độ của Phao-lô: Quên sự ở đằng sau, nỗ lực bươn tới trước).
Trong phần bài tập “Trái của sự sống”, có thể cho các em dựa vào phân đoạn Kinh Thánh bài nầy để thực hiện. (Đáp án: Vui mừng. Phao-lô tin cậy Chúa trong mọi sự, thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh (Phi-líp 4:10). Tiết độ. Nếu không có thỏa lòng (Phi-líp 4:11) thì không có tiết độ. Nhân từ. Phao-lô luôn nghĩ đến tín hữu tại Hội Thánh Phi-líp, luôn khích lệ họ tăng trưởng, được phước trong Chúa (Phi-líp4:9).
- Ứng dụng.
a. Giáo viên tham khảo phần “Giáo viên suy gẫm”để hướng dẫn các em làm bài tập phần 3: “Sáu điều tốt đẹp”. Sau đó cho các em chia sẻ điều được nhắc nhở qua sáu điều nầy. Giáo viên chia sẻ: “Nếu các em chú tâm và nỗ lực thực hành 6 điều tốt đẹp nầy, thì có thể kết trái Thánh Linh. Sau đó, cho các em kiểm điểm xem trong đời sống của mình đã có 6 điều tốt đẹp mà Phao-lô nói chưa? Và cho các em tự chọn 1 điều tốt đẹp để thực hiện, tuần sau trở lại chia sẻ mình đã nỗ lực để hoàn thành như thế nào.
b. Cho các em đọc câu gốc và kết thúc bằng lời cầu nguyện.