Thẻ: DỊ ĐOAN

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 19.01.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 19.01.2025

in NAM GIỚI on 24 Tháng Một, 2025

Chúa nhật 19.01.2025

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ MÊ TÍN, DỊ ĐOAN.
  2. Kinh Thánh: Phục Truyền 8:9-14; Giê-rê-mi 10:15; Ga-la-ti 4:8-10; Cô-lô-se 2:16,18.
  3. Câu gốc: “Vả, lúc trước anh em đương còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng láng” (Ê-phê-sô 5:8).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 16-18.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên Linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).

– Câu hỏi suy luận (giải thích việc xảy ra và tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

  1. Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, Ủy viên Linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
  2. Thời gian học Kinh Thánh nhóm:
  3. 5 phút giải thích và chia nhóm.
  4. 20 phút học Kinh Thánh.
  5. 10 phút tường trình.
  6. 5 phút đúc kết.
  7. Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền. Giải thích phương pháp học. Đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên dễ thảo luận.
  8. Chia nhóm: Chia thành 2 hoặc 3 nhóm.
  9. Vị trí: Ủy viên Linh vụ chỉ định chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
  10. Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho mỗi nhóm.
  11. Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Mỗi nhóm có thể cử người làm trưởng nhóm và thư ký nhóm (nếu chưa có). Trưởng nhóm hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính trong giờ học Kinh Thánh và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
  12. Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, Ủy viên Linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.
  13. Đọc Phục Truyền 18:9-14, xin cho biết:

(1) Đức Chúa Trời nghiêm cấm dân sự điều gì? (c.11-12).

(2) Vì sao Đức Chúa Trời nghiêm cấm điều đó?

(3) Bạn làm gì để giúp đỡ người bị bói khoa, tà thuật chi phối?

  1. Đọc Giê-rê-mi 10:1-5, xin cho biết:

(1) Đức Giê-hô-va phán dặn nhà Y-sơ-ra-ên điều gì?

(2) Vì sao Ngài phán dặn điều đó?

(3) Muốn được Đức Chúa Trời ban phước, bạn phải làm gì?

III. Đọc Ga-la-ti 4:8-10; Cô-lô-se 2:16,18, xin cho biết:

(1) Phao-lô cảnh tỉnh tín hữu điều gì?       

(2) Vì sao Phao-lô cảnh tỉnh điều đó?

(3) Bạn được Chúa cảnh tỉnh điều gì? Xin cho biết.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sống giữa vũ trụ bao la, con người cảm thấy mình bé bỏng, lạc lõng và run sợ trước những huyền nhiệm bao bọc chung quanh. Từ sự sợ hãi, con người đã bị rơi vào bóng tối của sự mê tín, dị đoan! Từ thuở xa xưa, sự mê tín, dị đoan cũng đã bắt đầu chi phối trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của con người. Trong các tôn giáo của loài người không thể không có sự pha trộn ít nhiều của các thứ mê tín, dị đoan. Vì bị phục dưới quyền lực của tội lỗi, người ta cũng bị dẫn dụ vào những sự tin tưởng nhảm nhí, chuyên chú vào các thứ chuyện huyễn hơn là hướng tìm lẽ thật! Chỉ muốn sao miễn là để cầu sự may mắn cho chính mình!

Mặc dầu theo đà tiến bộ của khoa học, có một số mê tín, dị đoan bị xóa bỏ. Một số nơi cho rằng mê tín, dị đoan là sự phản tiến bộ của nhân loại và chủ trương bài trừ. Tuy nhiên sự mê tín, dị đoan vẫn còn tiềm ẩn trong đời sống con người. Ngay trong thời đại này, tại các xứ văn minh cũng thấy còn lãng vãng bóng của các thứ mê tín, dị đoan! Là Cơ Đốc nhân, chúng ta có thái độ nào với vấn đề này?

  1. Mê tín, dị đoan là gì?

Trong tiếng Anh chỉ có chữ superstition nói về sự tin tưởng nhảm nhí. Trong tiếng Việt có hai chữ: Mê tín có nghĩa là tin một cách mù quáng, mê muội bất cứ một điều gì. Và dị đoan, có nghĩa là tin theo những điều kỳ quặc, những điều không có được!

Theo ý nghĩa trên, cho thấy mê tín và dị đoan đi đôi với nhau, cùng thuộc về một thứ tin tưởng nhảm nhí, vô căn cứ. Sự tin tưởng này đến từ sự sợ hãi, và sự sợ hãi là dấu hiệu của con cái tối tăm bị phục dưới quyền lực ma quỉ. Từ sự sợ hãi, người ta bị dẫn dụ đến sự tin tưởng ở một huyền bí vô hình đang bao bọc xung quanh mình. Cho nên thấy cái gì cũng sợ, cái gì cũng dễ tin. Như nghe tiếng mưa bão, sấm sét thì tin đó là thần nổi giận, thấy chim cú mèo đậu bên cạnh nhà sợ là điềm chẳng lành! Thấy núi cao hùng vĩ cũng sợ, thấy hòn đá sần sùi có hình thù lạ thì cũng sợ, tin là thần linh! Vì vậy sự mê tín, dị đoan sẽ dẫn con người đi trong bóng tối tăm của sự chết và vô vọng mà thôi! (Giê-rê-mi 10:8).

  1. Thái độ của người Cơ Đốc đối với sự mê tín dị đoan.

Những mê tín, dị đoan nói trên chẳng qua là một hình thức thờ “thần may mắn” và “thần hộ mệnh”, để người ta được yên ổn và thịnh vượng vật chất, mặc dầu phải chịu phục dưới quyền lực ma quỉ!

Vì vậy trong niềm tin thuần túy của người Cơ Đốc, chúng ta không chấp nhận sự mê tín, dị đoan dưới bất cứ hình thức nào. Vì chúng ta được kêu gọi đến đời sống bởi đức tin, chớ không phải mê tín. Đối với mê tín, dị đoan, người Cơ Đốc cần bày tỏ ba điều này trong nếp sống hằng ngày của mình: (1) Trở nên người sáng láng trong Chúa. (2) Bước đi bởi đức tin. (3) Bước đi như các con sáng láng (2Cô 5:7; Êph 5:8).

Với nếp sống tự do trong Đấng Christ:

  1. Chúng ta không tin bất cứ điều gì mà không có căn bản của Kinh Thánh, dầu điều đó mang danh “Cơ Đốc”, như bùa xá tội, quỳ lạy trước tượng các thánh, phép mầu cứu độ của Đức Mẹ…
  2. Chúng ta không thờ thần may mắn, thần hộ mệnh từ các đồng bóng. Chỉ có Đức Chúa Trời là cao cả, Đấng duy nhất có quyền ban phước, giáng họa trên loài người (Giê-rê-mi 10:10).
  3. Chúng ta không phải kiêng ngày, giờ. Vì các ngày thuộc về Chúa, Ngài là Đấng nắm giữ tương lai của mọi người (Thi 139:13-16).
  4. Chúng ta nên dẹp bỏ những gì đang giữ, đang treo, đang mang trong người với ngụ ý may mắn, cũng không nên tính tuổi, tính ngày giờ theo con giáp, vì đó chỉ là những hình thức dị đoan, bói khoa mà người sống trong ánh sáng của Chúa không thể nào hòa nhập.

Tóm lược

  1. Mê tín, dị đoan là hình thức của sự thờ lạy thần may mắn và thần hộ mệnh.
  2. Đức tin trái hẳn với sự mê tín, dị đoan vì: Đức tin của người Cơ Đốc có đối tượng bất biến là Đấng Christ và nền tảng vững chắc là Kinh Thánh, lời khải thị của Đức Chúa Trời.
  3. Sự cầu hỏi đồng bóng và thờ thần tượng là điều Đức Chúa Trời nghiêm cấm dân sự Ngài.
  4. Đối với sự mê tín, dị đoan, sự đáp ứng của người Cơ Đốc trong nếp sống hằng ngày là: Trở nên người sáng láng, bước đi bởi đức tin và bước đi như con cái sáng láng.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1a. Xin kể vài thứ mê tín, dị đoan của người Việt mà chúng ta thường nghe đến.

  1. Xin kể vài thứ mê tín, dị đoan của người Tây phương.
  2. Trong lịch sử Cơ Đốc giáo, có những “mê tín, dị đoan” nào “tràn vào” Hội Thánh Chúa?
  3. Trong xã hội ngày nay, mê tín, dị đoan có thể thấy trong những hình thức nào?
  4. Bạn đang sống bởi đức tin trong Đấng Christ, hay có những mê tín, dị đoan nào khiến bạn sợ hãi? Bạn đang bước đi với Chúa trong sự tự do của Ngài không?