Thẻ: CHÚA GÌN GIỮ

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 07.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 07.07.2024

in Thanh niên on 5 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 07.07.2024.

  1. Đề tài: CHÚA GÌN GIỮ.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 1-2.
  3. Câu gốc: “Ngài nghe tiếng than thở chúng, nhớ đến sự giao ước mình kết lập cùng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp” (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:24).
  4. Đố Kinh Thánh: Gióp 11-20.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời người có kinh nghiệm thuộc linh hoặc Mục sư, Truyền đạo để chia sẻ từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Thanh niên. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Bài học hôm nay cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời là Đấng quan phòng, Ngài luôn quan tâm đến những ai đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, Ngài có một chương trình lạ lùng để giải cứu họ.

  1. HOẠN NẠN BẤT NGỜ (1:8-11a).

“Nhưng bấy giờ tại nước Ê-díp-tô, có một vua mới lên ngôi, chẳng quen biết Giô-sép” (c.8).

Vua Ê-díp-tô mới lên ngôi cai trị, không am tường lịch sử quốc gia, không biết nguồn gốc của dân Do-thái trên đất mình, cho nên vua Ê-díp-tô có ý muốn kiềm chế người.

Sự thịnh vượng và gia tăng dân số của họ khiến vua cùng dân Ê-díp-tô lo ngại, ganh tị mà tìm cách sát hại họ. Có lẽ người Do-thái ngay trước đó không bao giờ nghĩ đến tai họa sẽ xảy đến cho họ. Trong cơn hoạn nạn, Đức Chúa Trời vẫn có sẵn kế hoạch để giải quyết nan đề cho dân sự Ngài.

  1. CHÚA DÙNG NGƯỜI CÓ SÁNG KIẾN (2:1-4).

Để giải cứu dân Ngài ra khỏi ách nô lệ và đem họ về miền đất Ngài đã hứa. Đức Chúa Trời chọn sẵn một người lãnh đạo trong tương lai để dẫn dân Ngài về đất hứa, người đó là Môi-se. Môi-se là người thuộc chi phái Lê-vi, tức chi phái sau này được Chúa chọn họ làm chức tế lễ trước mặt Ngài. Ông có một người mẹ yêu thương, can đảm phi thường khi giấu con trai mới sinh của mình trong nhà suốt ba tháng trước mệnh lệnh tàn tạo của vua Ê-díp tô, bà tìm đủ mọi cách để cứu con mình:

– “Bà làm một cái rương mây, trét chai và nhựa thông để thả con mình vào đó”.

– “Bà thả rương trong đám sậy bên bờ sông. Ở gần nơi công chúa Ê-díp-tô thường đến tắm. Có lẽ bà nghĩ đây là một nơi an toàn khỏi nanh vuốt của cá sấu và thú dữ”.

– “Bà lại sắp xếp người chị ruột của Môi-se đứng xa xa theo dõi tình thế để báo cáo lại, hoặc để đưa đề nghị cứu giúp em mình khi có chuyện chi xảy đến”.

Những sáng kiến đó được Chúa dùng làm ích lợi cho con bà. Ngoài yếu tố sáng kiến còn có một thứ tình cảm khác nữa khiến người ta hành động cho tha nhân.

III. CHÚA CẦN NGƯỜI CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT (2:5-9a).

Hy vọng của mẹ Môi-se khi thả rương trong đám sậy được Chúa làm cho thành công. Công chúa Ai-cập thấy cái rương mây và vớt lên. Khi bà mở ra và thấy đứa trẻ đang khóc bà động lòng thương xót. Trong khi công chúa chưa biết phải tính sao thì chị của Môi-se đi tới với đề nghị tìm một người vú để nuôi dưỡng em bé. Công chúa đồng ý và người vú nuôi không ai khác hơn là mẹ ruột của em bé Môi-se. Bà được lại con mình và nuôi cho đến lớn khôn mới trao lại cho công chúa Ê-díp-tô.

Lòng thương xót là động lực đưa con người đến hành động cụ thể chứ không phải “tội nghiệp” suông. Người có lòng thương xót không đợi nạn nhân chạy đến với mình để yêu cầu được cứu giúp, nhưng lúc nào cũng nhìn xem quanh mình để thấy đâu là nhu cầu mà đáp ứng kịp thời. Công chúa Ê-díp-tô là một người đầy lòng thương xót như thế! Còn chúng ta thì sao?

  1. ĐỨC CHÚA TRỜI NGHE VÀ ĐOÁI ĐẾN (2:23-25).

Đời sống nô lệ của người Do-thái cứ nặng nề hơn, hầu như không chịu nổi nữa. Họ đã kêu la cùng Đức Chúa Trời. Lời than vãn của họ đã thấu đến tai Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời nghe tiếng than của họ, Ngài nhớ đến giao ước Ngài đã thiết lập với tổ phụ họ và ra tay hành động.

Để cứu dân Do-thái, Chúa đã chọn Môi-se từ trước khi ông ra đời. Ngài còn huấn luyện ông Môi-se chu đáo để sau này lãnh đạo dân Ngài. Môi-se đã trải qua thời thanh xuân trong cung điện vua Ê-díp-tô để học tập nền văn hóa cũng như việc lãnh đạo dân sự. Nhưng sợ bị kết án trong vụ giết người Ê-díp-tô, nên ông đã trốn vào đồng vắng. Ở đó, ông làm quen với nếp sống du mục để sau này ông có đủ kinh nghiệm dẫn dắt dân Do-thái vượt sa mạc, đi vào vùng đất hứa. Như vậy, Chúa đã chuẩn bị Môi-se trong tám mươi năm. Để bây giờ, Đức Chúa Trời sai ông đi gặp vua Ê-díp-tô xin cho dân Ngài ra khỏi xứ đó để lập thành một dân biết thờ phượng Ngài.

Những hành động này của Chúa bảo đảm cho chúng ta rằng: Ngày nay, Ngài vẫn còn quan tâm đến nhu cầu của mọi người trong mọi hoàn cảnh. Ngài có chương trình chu đáo để giúp đỡ những ai đặt niềm tin vào Ngài.

Có lần nào bạn gặp khó khăn, cô đơn trong cuộc sống? Đó là những giờ phút bạn tưởng như không còn ai có thể thấu hiểu nỗi đau thương của mình. Đức Chúa Giê-xu thấu cảm nỗi đau thương đó của mỗi chúng ta. Ngài đã phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28). Mời bạn đến với Chúa giờ này để được Ngài xoa dịu những đau thương.

* KẾT LUẬN.

Người mẹ, người chị của Môi-se, công chúa Ai-cập đều đã góp phần đắc lực vào chương trình của Đức Chúa Trời. Những đoạn Kinh Thánh trong bài học hôm nay không kể tên những người này, nhưng công việc âm thầm của họ đã khuynh đảo một chính quyền bạo ngược ở Ê-díp-tô. Chúng ta cũng vậy! Sự quan tâm của chúng ta đối với tha nhân không đòi hỏi mọi người phải biết đến hay ca tụng, nhưng chắc chắn được Chúa biết và Ngài sẽ thưởng cho.