Chuyên mục: Thanh niên

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 18.01.2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 18.01.2015

in Thanh niên on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 18.01.2015.

1. Đề tài: SỰ TÁI LÂM CỦA CHÚA GIÊ-XU.

2. Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 24:29-35; Giăng 14:1-3; Công Vụ 1:11.

3. Câu gốc: “…Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho người chờ đợi Ngài” (Hê-bơ-rơ 9:28).

4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 46-50.

5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm.

Đề tài 1:Chúa Giê-xu không bao giờ tái lâm.

Đề tài 2: Chúa Giê-xu sẽ tái lâm.

2. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.

3. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.

4. Giờ thảo luận.

a. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.

b. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.

c. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Một trong những giáo lý căn bản về niềm tin của Cơ Đốc nhân là sự tái lâm của Đấng Christ. Trải qua bao thế kỷ, giáo lý tái lâm đã phải đương đầu với nhiều thách thức của người chẳng tin, của những tiên tri giả. Có những giải luận sai lạc về lẽ đạo nầy, thậm chí có một số con cái Chúa bắt đầu hoài nghi về sự tái lâm của Chúa.

Trước những luồng sóng nghi ngờ và dấy lên của nhiều tà thuyết, thật rất cần cho Cơ Đốc nhân xác nhận niềm tin của mình về những giáo lý nầy, vì đây là lẽ trông cậy cho sự cứu rỗi của chúng ta.

Chúa Giê-xu sẽ tái lâm không? Sự tái lâm của Ngài sẽ xảy ra như thế nào? Và có mục đích gì?

I. DẪN GIẢI.

A. DẪN CHỨNG VỀ SỰ TÁI LÂM CỦA CHÚA GIÊ-XU.

Sự tái lâm của Chúa Giê-xu là điều chắc chắn:

1. Sự lặp đi lặp lại của Kinh Thánh.

Kinh Thánh Cựu Ước đã nói trước về sự tái lâm của Chúa Giê-xu (1Phi 1:10-11).

Trong Tân Ước, sự tái lâm của Chúa Giê-xu được nói đến nhiều hơn là sự giáng sanh của Ngài. Trong 27 sách Tân Ước, trung bình mỗi 25 câu có một câu nói đến sự tái lâm. Trong 216 đoạn của Tân Ước, sự tái lâm của Chúa Giê-xu được nói đến khoảng 318 lần và chừng 50 lần nhắc nhở con cái Chúa tỉnh thức chờ đón Chúa Giê-xu trở lại. Đặc biệt hai sách Tê-sa-lô-ni-ca, Khải Huyền, và bốn đoạn Mat 24, 25, Lu-ca 21, Mác 13, chỉ nói đến một đề tài là sự tái lâm.

2. Chính Chúa Giê-xu đã nói tiên tri về sự tái lâm, và hứa với các môn đồ về sự trở lại của Ngài (Ma-thi-ơ 24; Giăng 14:3).

3. Sự làm chứng của thiên sứ.

Khi Chúa Giê-xu thăng thiên, thiên sứ cũng đã quả quyết với các môn đồ đang chứng kiến rằng, Ngài sẽ trở lại (Công Vụ 1:11).

4. Sự tái lâm được các sứ đồ công bố và dạy dỗ các tín hữu hy vọng về sự cứu rỗi (1Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; 2Tê-sa-lô-ni-ca 2:1,8; 1Phi 5:4; 2Phi 3:9-10; Gia-cơ 5:7-8).

5. Niềm tin sống động của Hội Thánh đầu tiên.

Hội Thánh đầu tiên tin nhận giáo lý tái lâm, xem đó là giáo lý nền tảng như giáo lý về sự cứu chuộc của Đấng Christ. Mosheim ghi rằng: “Giáo lý về Đấng Christ tái lâm trước khi tận thế để trị vì một ngàn năm bình an đã được truyền bá khắp nơi, và trước đời Origène (185-254 S.C), chẳng ai phản đối gì cả”.

B. MỤC ĐÍCH CỦA SỰ TÁI LÂM.

1. Để ban sự cứu rỗi cho người tin nhận Ngài, tức là sự cứu chuộc của thân thể.

Đấng Christ là trái đầu mùa của sự sống lại. Ngài sẽ khiến người tin sống lại, và thân thể họ được biến hóa vinh hiển khi Ngài tái lâm (Hê-bơ-rơ 9:28; Rô-ma 8:23; 1Côr 15:20-23; 1Tês 4:16).

2. Để ban thưởng cho người trung tín hầu việc Ngài (2Tim 4:1; Khải 22:12).

3. Để lập nước ngàn năm bình an, trị vì, đem lại sự hòa bình và công lý trên khắp đất (Khải 11:15; Ê-sai 11:3-5).

Ba điểm trên chứng tỏ sự tái lâm của Chúa Giê-xu là cần thiết.

– Vì đó là hi vọng của Cơ Đốc nhân về sự giải cứu thân thể khỏi sự chết.

– Vì đó là niềm mong đợi của tuyển dân Y-sơ-ra-ên về sự hiện đến của Đấng Mê-si, để giải cứu họ khỏi sự bách hại của thế giới.

– Vì đó là khát vọng của muôn dân về hòa bình và công lý thực sự trên đất.

C. BIẾN ĐỘNG CỦA SỰ TÁI LÂM.

1. Những dấu hiệu báo trước.

Trong Ma-thi-ơ 24:4-14,29-32, Chúa Giê-xu nói đến các biến cố xảy ra báo hiệu cho sự tái lâm sắp đến như: Sự xuất hiện của Christ giả, của An-ti-christ, sự gia tăng của các tai vạ, chiến tranh, đói kém, động đất, sự bách hại Hội Thánh Chúa. Bên cạnh sự gia tăng của tội lỗi; Tin Lành được rao giảng khắp đất; và một dấu hiệu rõ rệt nữa là sự đâm chồi của cây vả, chỉ về quốc gia Y-sơ-ra-ên trên đường phục hồi theo lời tiên tri đã dự ngôn.

Những điều kể trên đã, đang và sẽ ứng nghiệm, đồng thời cũng cho thấy rằng thời kỳ Hội Thánh hay cũng gọi là thời kỳ dân ngoại sắp điểm, số dân ngoại được tiếp nhận vào Hội Thánh Đấng Christ sắp đủ. Ngài sắp trở lại tiếp đón Hội Thánh và giải cứu dân sự Ngài (Rô-ma 11:25-26), cho nên hãy nhìn “cây vả” đang đâm chồi thì biết mùa hạ sắp tới, như lời cảnh báo của Chúa Giê-xu.

2. Thời điểm Chúa tái lâm là điều kín nhiệm (Ma-thi-ơ 24:36).

Kinh Thánh cho thấy trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, sự hoạch định chương trình và ấn định thời điểm là công việc của Đức Chúa Cha. Ga-la-ti 4:4 ghi rằng: “…Khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài…” giáng thế, thì sự ấn định thì giờ cho ngày Đức Chúa Con tái lâm cũng là công việc của Đức Chúa Cha. Sự kín nhiệm về thì giờ là điều thử nghiệm tấm lòng trung tín của con cái Chúa trong tinh thần tỉnh thức trông đợi Chúa, hầu việc Chúa cách dư dật luôn để được gặp Chúa trong sự vui mừng và ban thưởng.

3. Các diễn biến của sự tái lâm.

Kinh Thánh dùng ba từ để nói đến sự tái lâm của Chúa.

a. 1rinhtô 15:23: Sự hiện đến của Ngài. Chữ nầy trong nguyên văn Hy-lạp là Pararousia có nghĩa đen là “có mặt” hay sự hiện diện. Nghĩa bóng chỉ về sự hiện đến của Đấng Christ để tiếp rước Hội Thánh (1Tês 2:19; 3:13; 4:15).

b. 1Tim 6:14: Sự hiện ra của Ngài. Nghĩa đen của chữ “hiện ra” trong nguyên văn Hy-lạp là Epiphaneia, là chữ Kinh Thánh Tân Ước dùng để nói đến sự giáng thế của Đấng Christ, nhưng dùng nhiều hơn để chỉ về sự hiện ra lần thứ hai của Ngài trong sự đoán xét thế gian, và lập nước ngàn năm trên đất (2Tês 2:8; 2Tim 4:1,8).

c. 1Phi 4:13: Sự bày tỏ của Ngài. Trong nguyên văn Hy-lạp là Apokalypsis, nghĩa đen là “mặc khải” hay là khải thị. Nghĩa bóng chỉ về sự hiện ra của Đấng Christ cách hiển nhiên cho cả thế gian được thấy Ngài cách tỏ tường.

Sự tái lâm của Đấng Christ sẽ gồm hai giai đoạn:

(1) Giai đoạn thứ nhất – Tiếp rước Hội Thánh.

Sự hiện đến của Ngài có tính cách ẩn nhiên, liên quan đến người tin. Chúng ta không biết rõ khoảng thời gian bao lâu, nhưng trong giai đoạn nầy, trước hết Đấng Christ sẽ hiện ra trên không trung để tiếp đón Hội Thánh Ngài (1Tês 4:16-17).

(2) Giai đoạn thứ hai – Sự hiện ra cách hiển nhiên. Ngài hiện đến với các thánh đồ và thiên sứ để thể hiện sự công bình của Ngài trên đất (2Tês 1:7-8).

Hai giai đoạn của sự tái lâm không có nghĩa là có hai sự tái lâm, nhưng sự tái lâm xảy ra theo hai giai đoạn. Hai giai đoạn nầy được J. D. OIsen mô tả như sau:

“Chặng thứ nhất, Ngài hiện đến như “Sao Mai” (Khải 22:16). Chặng thứ hai, Ngài hiện đến như “Mặt trời công bình” (Ma-la-chi 4:1-2). Chặng thứ nhất, Ngài giáng lâm giữa không trung (1Tês 4:17); chặng thứ hai, Ngài giáng hạ tại núi Ô-li-ve (Xa-cha-ri 14:3-4). Chặng thứ nhất, Ngài hiện đến để tiếp rước tân phụ Ngài (Giăng 14:3); chặng thứ hai Ngài hiện ra để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên (Xa-cha-ri 11:10). Chặng thứ nhất, gọi là “chúng ta hội hiệp cùng Ngài” (2Tês 2:1); còn chặng thứ hai gọi là “Chúa Giê-xu từ trời hiện đến” (2Tês 1:7).

4. Ý nghĩa và lý do sự hiện đến lần thứ hai của Chúa Giê-xu.

Kinh Thánh nói rất rõ về hai lần hiện đến của Đấng Christ. Trong thời Cựu Ước, dự ngôn của tiên tri Ê-sai về Đấng Mê-si-a được mô tả trong hai hình ảnh khác nhau: Hình ảnh của đầy tớ chịu sỉ nhục (Ê-sai 53) và hình ảnh của vị Vua vinh hiển (Ê-sai 11). Hai hình ảnh nầy đã làm cho dân Do Thái lầm lẫn trong sự nhận diện Đấng Mê-si-a khi Ngài hiện đến. Tuy nhiên trong Tân Ước, hai hình ảnh của Đấng Mê-si-a nói đến trong Cựu Ước được bày tỏ trong hai lần hiện đến của Ngài. Lần thứ nhất, Ngài hiện đến trong sự giáng thế làm người, hạ mình chịu chết làm sinh tế chuộc tội loài người – ứng nghiệm Ê-sai 53. Lần thứ hai, Ngài hiện đến trong sự tái lâm, để làm Vua ban sự cứu rỗi cho người tin và đem lại hòa bình trên khắp đất, như điều đã nói trước trong Ê-sai 11 (Hê-bơ-rơ 9:28).

  Lần hiện đến lần nhất

– Sự giáng thế của Ngài.

– Làm đầy tớ, bị sỉ nhục.

– Dâng mình chuộc tội, trở nên sự cứu rỗi cho thế gian.

 

– Bị dân Ngài chối bỏ.

 

– Thần tánh Ngài ẩn giấu.

           Lần hiện đến lần hai

– Sự tái lâm của Ngài.

– Vua vinh hiển.

– Ban sự cứu rỗi cho người tin.

– Đem lại sự hòa bình và công chính trên đất.

– Giải cứu dân Y-sơ-ra-ên và được dân Ngài tiếp nhận.

– Thần tánh Ngài được bày ra.

5. Quang cảnh của sự thăng thiên và sự tái lâm.

Quang cảnh của sự thăng thiên và tái lâm có khác nhau không? Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, chúng ta được biết những điều sau:

(1) Công Vụ 1:11: Chúa sẽ trở lại như cách Ngài được tiếp lên trời.

(2) Ngài lên trời bằng thân thể phục sanh, thì Ngài cũng sẽ trở lại với thân thể của Đấng Thần Nhân. Mọi mắt sẽ trông thấy Ngài, cả đến những người đã đâm Ngài (Khải 1:7).

(3) Ngài lên trời từ núi Ô-li-ve, thì cũng sẽ trở lại tại hòn núi nầy (Xa-cha-ri 14:4).

Sự tái lâm của Chúa Giê-xu có thể giải đáp những thắc mắc sau:

1. Sự tái lâm của Chúa Giê-xu không phải là sự chết của người tin Chúa. Vì sự chết của người tin Chúa không xảy ra biến động của sự tái lâm (1Tês 4:16-17).

2. Sự tái lâm không phải sự giáng lâm của Đức Thánh Linh. Vì trong ngày lễ Ngũ tuần, sự giáng lâm của Đức Thánh Linh để thành lập Hội Thánh. Nhưng sự tái lâm là sự hiện đến của Chúa để tiếp đón Hội Thánh về trời.

3. Sự tái lâm không phải là sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem. Vì sau biến cố hủy phá thành Giê-ru-sa-lem, dân Y-sơ-ra-ên tan lạc khắp đất, thay vì được phục hồi trong sự trị vì của Đấng Mê-si khi Ngài tái lâm như điều các tiên tri đã nói trước.

Tóm lược.

1. Sự tái lâm của Đấng Christ là chắc chắn; vì sự xác quyết của Kinh Thánh, thiên sứ, các sứ đồ, và chính Chúa Giê-xu.

2. Có những dấu hiệu báo ngày Chúa tái lâm sắp đến, nhưng thì giờ của sự hiện đến là điều kín giấu.

3. Sự tái lâm của Chúa gồm trong hai giai đoạn. Thứ nhất Ngài hiện đến tiếp rước Hội Thánh. Thứ hai, Ngài hiện đến cách hiển nhiên, làm vua cai trị Nước ngàn năm bình an.

4. Sự tái lâm của Chúa Giê-xu sẽ như cách Ngài lên trời.

5. Mục đích của sự tái lâm là để ban sự cứu rỗi cho người tin, đem sự hòa bình trên đất và giải cứu dân sự Chúa.

6. Biến động tái lâm của Chúa Giê-xu có liên quan đến người tin, đến tuyển dân Y-sơ-ra-ên và cho cả thế giới.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. a. 1Phi-e-rơ 1:10-11: Các tiên tri trong Cựu Ước đã nói trước điều gì về Đấng Mê-si-a?

b. Ma-thi-ơ 24:30; Giăng 14:3: Chúa Giê-xu nói trước gì về Ngài? Và hứa gì với các môn đồ?

c. Công Vụ 1:11: Thiên sứ loan báo điều gì với những người chứng kiến Chúa Giê-xu về trời?

d. 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; 2Tê-sa-lô-ni-ca 2:1,8, 1Phi-e-rơ 5:4; 2Phi-e-rơ 3:9-10; Gia-cơ 5:7-8: Các sứ đồ dạy dỗ các tín hữu điều gì?

e. Khải Huyền 1:7: Sứ đồ Giăng bày tỏ điều gì khi ông gặp Chúa Giê-xu trong sự hiện thấy?

2. Xin tóm lược những điểm quan trọng, chứng tỏ sự tái lâm của Đấng Christ là điều chắc chắn.

3. Sự tái lâm của Chúa Giê-xu có những mục đích nào?

a. Hê-bơ-rơ 9:28; 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:16.

b. 2Ti-mô-thê 4:1; Khải Huyền 22:12.

c. Khải Huyền 11:15; Ê-sai 11:3-5.

4. Với những mục đích trên, xin cho biết tại sao sự tái lâm của Chúa Giê-xu là cần thiết.

5. Ma-thi-ơ 24:4-14,29-32: Những dấu hiệu nào báo trước sự tái lâm?

6. Xin cho biết ý nghĩa những từ: Sự hiện đến của Ngài (1Cô-rinh-tô 15:23), sự hiện ra của Ngài (1Ti-mô-thê 6:14), sự bày tỏ của Ngài (1Phi-e-rơ 4:13).

7. Theo ý nghĩa của những từ trên, sự tái lâm của Đấng Christ được diễn ra như thế nào và có liên quan đến những ai? (1Tês 4:16; 2Tês 1:7-8; Ma-thi-ơ 24:30).

8. Trong Hê-bơ-rơ 9:28, sự tái lâm của Chúa Giê-xu được gọi là sự hiện đến lần thứ hai của Ngài. Điều nầy có nghĩa gì so với lần hiện đến thứ nhất của Ngài?

9. Xin cho biết những điểm quan trọng về giáo lý tái lâm của Chúa.

10. Bạn có biết chắc rằng Chúa Giê-xu sẽ trở lại không? Qua nếp sống đạo hằng ngày, người ta có thể thấy bạn là người đang trông đợi sự hiện đến của Chúa không?

 

 

 

 

Chương trình thờ phượng Ban Thanh Niên CN 11/1/2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh Niên CN 11/1/2015

in Thanh niên on 19 Tháng Ba, 2015

Chúa nhật 11.01.2015.
1. Đề tài: PHIÊN TÒA CUỐI CÙNG CỦA THẾ GIỚI.
2. Kinh Thánh: Khải Huyền 20:7-15.
3. Câu gốc: “Người nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa” (Khải 20:15).
4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 41-45.
5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
a. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
b. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:
– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).
– Câu hỏi giải nghĩa (tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).
– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
Dựa vào Khải Huyền 20:7-15 soạn một số câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh.
(1.1) Xin cho biết biến cố gì xảy ra sau 1.000 năm bình an?
(1.2) Tại sao Đức Chúa Trời cho phép biến cố nầy xảy ra?
(1.3) Qua biến cố nầy bạn học biết quyền tể trị của Đức Chúa Trời như thế nào?
(2.1) Sự phán xét cuối cùng xảy ra như thế nào?
(2.2) Tại sao có sách sự sống và các loại sách khác? Kết cuộc của người có tên trong hai loại sách đó như thế nào?
(2.3) Học biết phiên tòa cuối cùng nầy, bạn thấy mình phải chuẩn bị điều gì trong hiện tại?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trong nhân loại có rất nhiều phiên tòa lịch sử xét xử những phạm nhân “nổi tiếng” như tòa án xử các tội phạm chiến tranh thời đệ nhị thế chiến. Trong những phiên tòa của trần gian, có những bản án được tuyên bố khiến người ta vô cùng kinh khiếp. Nhưng dầu kinh khiếp, công lý trên đời chỉ có giới hạn, và không làm gì hơn nữa sau sự chết của phạm nhân. Tuy nhiên, có những bản án khiến người ta vô cùng ngạc nhiên vì thấy người ác có thể lọt lưới công lý một cách dễ dàng!
Nhưng đối với luật pháp của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh cho biết có một phiên tòa cuối cùng mà cả nhân loại không một ai thoát khỏi, sẽ phải ứng hầu trước mặt Ngài. Phiên tòa nầy sẽ được xảy ra khi nào? Như thế nào? Và kết quả ra sao?
I. DẪN GIẢI.
A. SỰ CUỐI CÙNG CỦA SA-TAN.
Theo Khải 20:7-10, chúng ta ghi nhận những diễn biến sau đây:
1. Thời đại Thiên hi niên được kết thúc với biến cố của sự phóng thích sa-tan đã bị quản thúc ngàn năm trong vực sâu. Sự phóng thích nầy có thể nhằm mục đích thử nghiệm loài người lần chót xem có đủ điều kiện vào Nước vĩnh viễn của Đức Chúa Trời hay không. Đồng thời để cho sa-tan làm trọn việc ác của nó tới đúng mức bị hủy diệt.
2. Sau khi được thả ra, hoạt động của sa-tan là tạo chiến tranh để chống nghịch Đức Chúa Trời. Dấy nghịch Chúa và bách hại con cái Ngài là việc sa-tan chẳng bao giờ dừng! Bằng cách khéo léo quyến dụ, dỗ dành loài người trên đất, có thể sa-tan cổ võ một “phong trào cách mạng dân chủ” chống lại chính thể thần quyền của Đấng Christ. Nó qui tụ được một liên minh quân sự rất hùng hậu từ các dân trên thế giới. Gót và Ma-gót, tên nầy được thấy trong Sáng Thế Ký 10:2, là tên một người thuộc dòng dõi của Gia-phết. Vì trong Ê-xê-chi-ên 38:22 tên Gót và Ma-gót cũng có đề cập đến trong lời tiên tri về biến cố nầy. Theo các nhà giải kinh, hai tên nầy có thể tiêu biểu cho các dân từ bốn phương của thế giới.
Dưới quyền chỉ huy của sa-tan, chúng đổ quân bao vây thành các thánh đồ và thành yêu dấu, tức Giê-ru-sa-lem, thủ đô của nước Thiên hi niên. Sự vây thành nầy có nghĩa sa-tan muốn chiếm ngôi nước của Đức Chúa Trời.
3. Quân lực của sa-tan bị thảm hại. Đức Chúa Trời giáng lửa từ trời tiêu diệt chúng.
4. Sa-tan bị quăng vào hồ lửa đời đời. Đó là số phận cuối cùng của nó, chung với tiên tri giả, và con thú, tức là An-ti-christ, là những người kết hợp với nó để chống nghịch Đức Chúa Trời.
Trong cuộc chiến cuối cùng của thế gian, câu hỏi có thể nêu lên là: Trong thời đại Thiên hi niên, dân cư sống trong nước Chúa đều là những người thuần phục Ngài. Nhưng tại sao sa-tan có thể lôi cuốn được số đông “như cát bãi biển” theo nó vào cuối thời đại nầy?
Câu hỏi trên có thể được cắt nghĩa trong hai điểm sau đây:
(1) Trong Nước ngàn năm, dân cư là những người tin kính Chúa. Nhưng những thế hệ sanh ra sau đó không phải hoàn toàn là những người thực sự tin Chúa.
(2) Môi trường tốt bên ngoài không thể cải thiện tấm lòng bên trong của con người. Dưới sự trị vì của Chúa, trong sự chánh trực công bình, luân lý đạo đức toàn vẹn, hòa bình, hạnh phúc khắp nơi nơi, là môi trường rất thuận lợi cho sự hướng thiện. Nhưng tâm tánh con người vốn sa ngã không thể nhờ môi trường bên ngoài mà được biến đổi nếu không nhờ quyền năng Thánh Linh đổi mới bên trong. Cho nên trong lúc vắng mặt sa-tan, và với sự cai trị bằng “cây gậy sắt” của Chúa, họ buộc phải thuần phục Ngài (Ê-sai 11:4). Vì vậy khi sa-tan được thả ra, thì rất dễ dàng mà theo sự dỗ dành của nó.
Tóm lại, những sự kiện xảy ra dẫn đến sự cuối cùng của sa-tan, chúng ta học biết những điều sau đây:
– Sự phóng thích của sa-tan vào cuối thời Thiên hi niên tỏ rằng Đức Chúa Trời không ép buộc người ta thờ phượng nếu họ không thật lòng.
– Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị: Với sự dấy nghịch của sa-tan, Ngài trừ diệt nó theo đúng thời điểm của Ngài.
B. SỰ PHÁN XÉT CUỐI CÙNG.
Trong phiên tòa cuối cùng của nhân loại, chúng ta ghi nhận những điểm quan trọng sau đây:
1. Thời gian.
Vào cuối thời Thiên hi niên, sau cuộc chiến của sa-tan, và sa-tan bị quăng vào hồ lửa đời đời (Khải 20:7-10).
2. Địa điểm.
Tòa lớn và trắng. Tòa án được diễn tả bằng hai hình dung từ “lớn” và “trắng”. Theo các nhà giải kinh, hai chữ nầy phản chiếu vẻ oai nghiêm công chính và thánh khiết của Đấng phán xét. Trước tòa án trắng tinh anh, tội nhân tự thấy rõ tội lỗi xấu xa của mình, không cần phải ai nói cho biết.
3. Đấng phán xét.
“Đấng đương ngồi ở trên” chính là Chúa Giê-xu Christ, Đấng đã được Cha ban quyền phán xét thế gian (Khải 20:11; Giăng 5:22). Trên ngôi thẩm phán, Ngài oai nghiêm biết bao. “Trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa”.
4. Tiêu chuẩn đoán xét.
Trong Khải Huyền 20:12-13 nói đến Sách của sự sống và những sách khác. Hai thứ sách nầy có nghĩa gì?
Sách của sự sống gọi là sách của Chiên Con, là sách của những người thuộc con cái Đức Chúa Trời, được cứu chuộc bởi huyết Chiên Con, được ghi tên từ trước buổi sáng thế do sự lựa chọn bởi tình yêu thương của Ngài. Quyển sách sự sống được mở ra trong phiên tòa cuối cùng. Những người ác chịu xét đoán không ai có tên trong sách nầy vì Chúa biết rõ người thuộc về Ngài (Giăng 10:14).
Sách sự sống chỉ có một mà thôi, còn những sách là chỉ về sự ghi chép các việc làm của người ác. Vì sự phán xét của Chúa sẽ được căn cứ tùy theo công việc làm của mỗi người lúc còn trong xác thịt.
Sự mở ra của sách sự sống và các sách ghi công việc làm của mỗi người cho thấy tính chất nghiêm trọng của phiên tòa cuối cùng, một sự luyện lọc giữa người ác và người công bình. Có thể người ta trốn thoát khỏi lưới công lý của trần gian. Nhưng trong ngày phán xét chung kết nầy không một ai có thể lọt khỏi mạng lưới công lý của Đức Chúa Trời.
5. Người chịu xét xử.
Người chịu xét xử gồm tất cả loài người từ thời A-đam, là người không được cứu. Theo lịnh của Chúa, biển sẽ trả những người chết mình chứa, âm phủ trả những người chết mình có và tất cả được sống lại rồi ứng hầu trước mặt Chúa. “Cả lớn và nhỏ” chỉ về người trẻ tuổi lẫn người lớn tuổi, hoặc người sang trọng hay người nghèo hèn, người tri thức hay người dốt nát đều được xét xử trên cùng một tiêu chuẩn như nhau vì Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai (Rô-ma 2:11).
6. Kết cuộc của sự phán xét.
Sự phán xét cuối cùng có tánh cách chung kết, nghĩa là không có sự xét xử thứ hai và lời thẩm phán trong ngày ấy sẽ không bao giờ thay đổi. Vì không có cơ hội thứ hai trong cõi đời đời, nên mục đích của sự phán xét không phải để quyết định số phận của tội nhân bởi số phận họ đã được định rồi khi qua khỏi đời nầy (Giăng 3:36). Đó là một sự chính thức công bố của Quan tòa công bình về nơi ở vĩnh viễn của người ác là hồ lửa đời đời, tức là sự chết thứ hai (Khải 20:15).
C. SỰ CHUNG KẾT CỦA THẾ GIỚI LOÀI NGƯỜI.
Ngày phán xét cuối cùng cũng là ngày đánh dấu chung kết của nhân loại. Có sự chia cách vĩnh viễn giữa người công bình với người ác. Họ vào hai nơi ở đời đời khác nhau. Trời mới đất mới, nơi vĩnh sanh phước hạnh dành cho người công bình, còn hồ lửa, nơi vĩnh hình dành cho người ác.
Trong ngày chung kết, sự công nghĩa của Đức Chúa Trời được chiếu rạng. Sa-tan và kẻ ác phải đền trả cách xứng đáng về việc ác của mình, còn người công bình sẽ được ban thưởng. Và những thắc mắc của công bình trên cõi đời nầy: Tại sao người ác hưng thạnh? Tại sao người nghĩa bị nạn, bị người ác gây họa, sẽ được giải đáp cách thỏa mãn trong ngày chung kết ấy.
Tóm lược.
1. Ngày phán xét cuối cùng xảy ra sau thời đại Thiên hi niên, và sau khi Sa-tan bị bỏ vào hồ lửa.
2. Tòa lớn và trắng là nơi phán xét, và Đấng phán xét là Đức Chúa Giê-xu.
3. Tiêu chuẩn của sự đoán xét căn cứ vào công việc của mỗi người, tức phẩm hạnh của mỗi người, được ghi chép trong những sách của Chúa.
4. Sự phán xét nầy dành cho người chẳng tin, gồm cả nhân loại kể từ đời A-đam.
5. Kết cuộc của sự phán xét là tất cả người không có tên trong sách sự sống đều đi vào hồ lửa đời đời.
II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
1. Xin đọc Khải Huyền 20:7-10 ghi nhận những sự kiện sau đây:
a. Biến cố nào xảy ra trong 1.000 năm bình an và do ai chủ động?
b. Biến cố nầy được chấm dứt như thế nào?
2. a. Tại sao Đức Chúa Trời phóng thích sa-tan sau thời đại Thiên hi niên?
b. Trong biến cố phản nghịch của sa-tan và các dân trên đất, cho chúng ta học biết gì về quyền tể trị của Đức Chúa Trời?
3. Xin đọc Khải Huyền 20:11-15 và tìm hiểu:
a. Thời điểm của sự phán xét (20:1-11).
b. Địa điểm của sự phán xét.
c. Đấng phán xét (Giăng 5:22).
d. Sách của sự sống và những sách có nghĩa gì? Tại sao sách nầy được dùng trong sự phán xét?
e. Những người chịu phán xét là ai?
g. Mục đích của sự phán xét là gì và kết quả cuối cùng như thế nào?
4. Tại sao phiên tòa cuối cùng nầy rất là nghiêm trọng?
5. Khải Huyền 20:11,14-15;21:1; 2Phi-e-rơ 3:13. Trong ngày phán xét cuối cùng cho thấy điểm chung kết của thế giới loài người là gì? Có sự phân chia thế nào giữa người ác và người công bình sau khi bức màn lịch sử của thế giới loài người kết thúc? Điều ghi nhận trên cho chúng ta học biết gì về sự công bình của Đức Chúa Trời.
6. Xin tóm lược những lẽ thật của Kinh Thánh về sự cuối cùng của sa-tan và ngày phán xét cuối cùng của thế giới?

Chương trình thờ phượng Ban Thanh Niên CN 4/1/2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh Niên CN 4/1/2015

in Thanh niên on 5 Tháng Hai, 2015

Chúa nhật 04.01.2015.
1. Đề tài: NƯỚC NGÀN NĂM BÌNH AN.
2. Kinh Thánh: Khải Huyền 19:11; 20:6; Xa-cha-ri 8:4-5:20-22.
3. Câu gốc: “Từ nay nước của thế gian thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài, Ngài sẽ trị vì đời đời” (Khải 11:15b).

5. Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: Thuyết trình.
1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Vấn đề gia đình không con”.
3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Hòa bình là mong ước sâu xa của loài người xưa nay. Trải qua bao giai đoạn lịch sử, đã có nhiều chính khách lỗi lạc từng ấp ủ hoài bão thực hiện một thế giới bình đẳng cho nhân loại. Nhưng chiến tranh cứ mãi tiếp diễn không ngừng, và mỗi ngày càng thêm khốc liệt hơn! Vậy hoa bình đến từ đâu?
Trở về với Kinh Thánh, một nước Thiên hi niên hòa bình đã được dự ngôn gần hơn hai ngàn năm về trước. Như thế bao giờ nước hòa bình lý tưởng nầy sẽ xuất hiện? Do ai thiết lập? Sự trị vì được đặt trên tiêu chuẩn nào? Và thế giới sẽ ra sao trong thời đại hoàng kim ấy?
I. DẪN GIẢI.
A. DẪN CHỨNG VỀ NƯỚC THIÊN HI NIÊN.
Mặc dầu có một số người không tin có nước ngàn năm bình an, như Calvin cho rằng đó là hạn chế quyền tể trị đời đời của Đấng Christ. Tuy nhiên giáo lý Thiên hi niên là thực sự vì những chứng cớ sau đây:
1. Lời tiên tri trong Cựu Ước.
Ê-sai 2:2-4; 11:1-16, 60-65 đã mô tả cảnh trạng của nước hòa bình trong sự trị vì vinh hiển của Đấng Mê-si khi Ngài hiện đến lần thứ hai. Nhưng vì hiểu lầm lời tiên tri ấy, dân Do Thái đã đóng đinh Đấng Mê-si khi Ngài hiện đến lần thứ nhất trong sự chết nhục nhã trên thập tự giá!
2. Sự dạy dỗ của Tân Ước.
Trong Công Vụ 3:19-21 những chữ “kỳ thơ thái đến từ Chúa” hay “kỳ muôn vật đổi mới” ám chỉ đến lời tiên tri về nước ngàn năm của Đấng Christ. Trong Lu-ca 19:12-27, ẩn dụ về vị thái tử đi phương xa trở về tính sổ với đầy tớ mình, chỉ về Đấng Christ được Đức Chúa Trời lập làm Vua trị vì nước Thiên hi niên và đoán xét thế gian (Giăng 5:22). Khải Huyền 20:1-6 bày tỏ sự kiện sa-tan bị giam giữ một ngàn năm bình an sau khi An-ti-christ bị diệt. Trong khoảng thời gian ấy, Đấng Christ trị vì các nước thế gian với sự đồng trị của các thánh đồ Ngài.
3. Niềm tin của Hội Thánh đầu tiên.
Schaff, một sử gia Hội Thánh ghi rằng: Trước giáo hội nghị Nicée, trọng điểm của giáo lý lai thế được gọi là thuyết Thiên hi niên, chủ trương rằng Đấng Christ sẽ lấy đại quyền, đại vinh hiện ra cùng với các thánh đồ để trị vì trên đất trước ngày phán xét chung. Những giáo phụ danh tiếng như Papius, Justi Martyr, Irénée, Tertullien đều công nhận lời nầy.
Sử gia Gibbon trong quyển: “The decline and Fall of the Roman Empire” (Sự suy tàn và sụp đổ của đế quốc La-mã), có ghi rằng: “Giáo lý về thời đại Thiên hi niên vốn xa xưa, nhưng rất phổ thông. Bởi sự truyền lại liên tiếp qua các giáo phụ từ Justin Martyr và Irénée, là hai nhân vật đã từng gặp gỡ các giáo phụ – môn đồ của các sứ đồ…”
B. NHỮNG BIẾN CỐ DẪN ĐẾN THỜI ĐẠI THIÊN HI NIÊN.
1. Thời điểm bắt đầu của nước Thiên hi niên.
Với những dẫn chứng trên cho thấy giáo lý về Thiên hi niên là điều chắc chắn. Nhưng vấn đề là nước ấy sẽ được xuất hiện khi nào?
Có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm “Tiền Thiên hi niên” cho rằng Đấng Christ sẽ đến trước thời đại ngàn năm bình an. Quan điểm “Hậu Thiên hi niên” chủ trương Đấng Christ sẽ đến sau thời đại ngàn năm bình an vì nghĩ rằng thế giới nầy sẽ dần dần được cải tiến về kinh tế, chính trị, và cải thiện về đạo đức để đi vào thời hoàng kim Thiên hi niên trước khi Đấng Christ tái lâm đoán xét thế gian.
Phần lớn các nhà giải kinh Tin Lành đều tin thuyết Tiền Thiên hi niên vì thuyết nầy thích hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh về những điều sẽ xảy ra trước ngày hiện đến của Đấng Christ:
a. Sự hiện đến của Antichrist trước ngày Chúa tái lâm (2Tê-sa-lô-ni 2:7-9): Antichrist sẽ xuất hiện trước thời đại Thiên hi niên, và Chúa hiện đến hủy diệt nó, nghĩa là Ngài đến trước thời đại Thiên hi niên (Khải 19:19-20; 20:1-5).
b. Sự băng hoại về đạo đức: Tình trạng sa sút trong Hội Thánh, sự bại hoại đạo đức trong xã hội loài người, sự bách hại người tin, sự bất ổn trong các quốc gia. Đó là tình trạng “xáo trộn”, được diễn tả trước ngày Chúa tái lâm chớ không phải tình trạng thái bình trước ngày Chúa đến như thuyết Hậu Thiên hi niên chủ trương (1Tim 4:1-3; Ma-thi-ơ 24:9, 29-31; Lu-ca 21:25-27; 2Tê-sa-lô-ni-ca 1:7; Khải 7:14).
c. Hai kỳ sống lại: Một kỳ trước thời Thiên hi niên, và một sau thời đại nầy. Tỏ rằng Chúa Giê-xu đến trước Thiên hi niên, và các thánh đồ được sống lại và đồng trị với Ngài trong nước ngàn năm bình an (Khải 20:2,5,12-13).
2. Chiến trận Ha-ma-ghê-đôn.
Ha-ma-ghê-đôn ám chỉ trận chiến lịch sử vĩ đại nhất, khủng khiếp nhất sẽ xảy ra trước ngày Đấng Christ tái lâm (Khải 16:12-16). Theo Vincent, Ha-ma-ghê-đôn có thể chỉ về đồi Meggiddo, và vùng phụ cận. Về địa lý, Meggiddo nằm trong đồng bằng Esdraelon, ở về phía Tây sông Giô-đanh, thuộc trung tâm xứ Palestine, cách Na-xa-rét khoảng 10 dặm về phía Nam; và cách Đia Trung Hải độ 15 dặm từ nội địa. Như thế, vùng chiến trận lớn ấy sẽ chạy dài từ đồng bằng Esdraelon về phía Bắc, xuyên qua Giê-ru-sa-lem, đến trũng Giô-sa-phát và giáp với Ê-đôm về phía Nam. Địa điểm nầy đã từng xảy ra nhiều cuộc chiến trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên, cũng là nơi được chọn cho những cuộc đấu sức trên đất Palestine kể từ thời vua A-sy-ria.
Theo sự bày tỏ trong Khải Huyền 16:12-16, Ha-ma-ghê-đôn là cuộc chiến do sự dấy động của Sa-tan và An-ti-christ, qui tụ tất cả lực lượng của các cường quốc trên thế giới để chống nghịch Đức Chúa Trời và bách hại tuyển dân Ngài. Đây là cuộc chiến kết thúc ngày Đức Giê-hô-va, tức thời kỳ đại nạn. Đây cũng là điểm hẹn của các vua trên thế giới để chịu lấy sự đoán phạt khủng khiếp nhất của Chúa về tội bội nghịch Ngài, bắt bớ các thánh đồ Ngài.
3. Sự đắc thắng của Đấng Christ (Khải 19:11-20:3).
Với sự chống nghịch của An-ti-christ, Đấng Christ hiện đến với đại quyền, đại vinh để tiêu diệt chúng và dẹp sạch kẻ nghịch. Kết cuộc, An-ti-christ, tiên tri giả bị bỏ vào hồ lửa và Sa-tan bị nhốt 1.000 năm trong vực thẳm để mở đầu cho thời đại Thiên hi niên.
C. SỰ TRỊ VÌ CỦA ĐẤNG CHRIST TRONG NƯỚC THIÊN HI NIÊN.
1. Chánh thể trị vì của Đấng Christ.
Theo nhà thần học Gacbelein, ngôi trị vì của Đấng Christ là Giê-ru-sa-lem mới trên trời, nơi Hội Thánh sẽ được đồng trị với Ngài. Giê-ru-sa-lem xứ Do Thái sẽ trở thành thủ đô của nước ngàn năm bình an (Xa-cha-ri 14:8, 16-17).
Trong vương quốc Thiên hi niên, chánh thể “thần quyền” sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, theo Peters, trong chính thể thần quyền có cả yếu tố quân chủ lẫn cộng hòa. Quân chủ vì uy quyền tối cao đều ở trong tay vua, và tất cả đều tùy thuộc vào đó. Cộng hòa vì có các cơ cấu duy trì quyền cá nhân từ thấp đến cao nhất. Sự kết hợp hai yếu tố quân chủ và cộng hòa như thế sẽ là một chánh thể lý tưởng đem phước hạnh cho con người. Chánh thể thần quyền đã được Đức Chúa Trời chỉ định cho con người từ lúc ban đầu, nhưng con người đã bất phục Ngài (Sáng 3); và trong thời các quan xét, dân Y-sơ-ra-ên cũng đã thất bại với chánh thể nầy. Vì vậy trong nước ngàn năm bình an, Đức Chúa Trời phục hồi chánh thể nầy qua Đấng Christ. Ngàn năm dưới thể chế nầy cũng là một thử nghiệm của Đức Chúa Trời xem con người có khả năng chấp nhận một thể chế tương lai như thế trong Nước vĩnh hằng của Ngài không.
2. Đường lối trị vì.
Sự cai trị của Đấng Christ được đặt trên sự công bình, chánh trực, là hai yếu tố phản chiếu bản tánh công nghĩa, thánh khiết của Ngài, để trở thành nền tảng xây dựng vương quốc hoa bình (Ê-sai 9:6; 11:4-5). Trong thời trị vì của Đấng Christ “sự công bình và sự bình an đã hôn nhau” (Thi 85:10). Vì nếu không có công bình, cũng không có hòa bình, và hòa bình nếu không đặt nền trên sự công bình thì sẽ trở thành vô nghĩa. Sở dĩ thế giới hôm nay vắng bóng hòa bình, vì công lý bị quyền lực kẻ ác bách hại. Nhưng khi Đấng Christ đến, quyền lực kẻ ác bị diệt trừ, và “mặt trời công bình sẽ mọc lên”, tất nhiên hòa bình sẽ xuất hiện (Ma-la-chi 4:2). Vì lẽ cần nầy, sự trị vì của Đấng Christ mang hai sắc thái đặc thù như sau:
(1) Sự công nghĩa đầy dẫy (Ê-sai 11:2-3). Hòa bình sẽ trở thành vô hiệu khi sự công nghĩa không có đủ quyền năng thực thi đúng mức.
(2) Chính sách công nghĩa bất di bất dịch: Khải Huyền 19:15 bày tỏ Đấng Christ sẽ cai trị thế gian bằng cây gậy sắt. “Cây gậy sắt” tiêu biểu cho đường lối trị vì của Đấng Christ là đường lối cứng rắn (chánh trực và ngay thẳng), bất di bất dịch của Ngài về sự công nghĩa. Quyết không có sự nhượng bộ của công lý cho sự bất công. Người ác chắc sẽ bị tiêu diệt trước “cây gậy sắt” của Ngài.
Dưới sự trị vì của vua hòa bình, sẽ không còn có những nạn nhân của những bất công xã hội, của người có thế lực trên người yếu thế!
3. Những điều xảy ra trong sự thành lập nước ngàn năm.
Khi Đấng Christ đến lần hai, sẽ có những điều xảy ra như sau:
(1) Quốc gia Do Thái hoàn toàn được phục hồi (Ê-sai 35, 60).
(2) Dân Do Thái được sự cứu rỗi của Chúa, được sự tẩy sạch và được ban cho lòng mới với sự ngự trị của Đức Thánh Linh (Ê-xê 36:24-28; Gio-ên 2:32; Giê-rê-mi 31:33-34). Họ sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc rao truyền sự công nghĩa của Đức Chúa Trời cho thế giới, và đem sự cứu rỗi cho các dân (Xa-cha-ri 8:23; Ê-sai 44:8, 21; 61:6, 21). Giê-ru-sa-lem trở thành thủ đô hòa bình của thế giới, cũng là trung tâm thờ phượng Đức Chúa Trời, nơi qui tụ các dân đến ra mắt Chúa và tìm kiếm Ngài (Ê-sai 2:3-4; Xa-cha-ri 8:2-3, 20-23). Hình ảnh nầy sẽ làm ứng nghiệm lời hứa của Chúa với Áp-ra-ham trong Sáng Thế Ký 12:1-3 “Các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”.
(3) Muôn dân đầu phục Đấng Christ (Xa-cha-ri 14:9; Ê-sai 9:6). Sau khi mọi chấp chánh của thế gian bị diệt trừ, các dân sẽ thuận phục Đấng Christ là Vua của các vua, Chúa của các chúa.
4. Cảnh trạng của Nước Thiên hi niên.
Dưới sự trị vì của Đấng Christ, thế giới trong thời Thiên hi niên được mô tả trong những điểm sau:
(1) Thế giới hòa bình (Mi-chê 4:3; Ê-sai 2:4): Khí giới chiến tranh được biến thành công cụ hữu ích.
(2) Đạo Chúa được rao truyền và khắp đất đầy dẫy sự hiểu biết Đức Chúa Trời (Phi-líp 2:11; Ê-sai 45:23; 11:9; 52:7).
(3) Muôn vật được giải cứu khỏi sự rủa sả (Rô-ma 8:20-21).
(4) Về thuộc linh, con người được tương giao với Chúa, được sự hiện diện của Đức Thánh Linh và sự thông biết Ngài. Về tinh thần, được vui vẻ, tự do, không còn bị kẻ ác áp bức. Về vật chất, được an cư lạc nghiệp, và sống lâu, hạnh phúc (Ê-sai 2:4; 11:1-9; 35:5-6; 61:1-3; Xa-cha-ri 8:4-8).
Những điểm mô tả trên cho chúng ta thấy một bức tranh tuyệt vời về nước ngàn năm bình an mà chỉ có Đức Chúa Trời mới thực hiện được, và đây là điều mà nhân loại đang mong mỏi đợi chờ.
Tóm lược.
1. Nước ngàn năm bình an là giáo lý được Kinh Thánh bày tỏ và được thấy trong niềm tin của Cơ Đốc nhân.
2. Nước Thiên hi niên được bắt đầu sau khi Đấng Christ tái lâm, chiến thắng An-ti-christ và các vua thế gian, hình phạt An-ti-christ và tiên tri giả trong hồ lửa, giam giữ sa-tan trong vực sâu.
3. Trong nước Thiên hi niên, Hội Thánh được đồng trị với Đấng Christ.
4. Chánh thể trong nước ngàn năm bình an là chánh thể thần quyền và đường lối cai trị là công bình và chánh trực.
5. Trong thời Thiên hi niên, quốc gia Do Thái được phục hồi hoàn toàn, dân Do Thái được cứu và trở thành những người đem tin mừng cho thế giới. Giê-ru-sa-lem sẽ trở thành thủ đô của nước Thiên hi niên và trung tâm thờ phượng của thế giới.
6. Các dân trên đất đầu phục sự trị vì của Chúa. Trong thời đại Thiên hi niên, muôn vật được giải cứu, thế giới hòa bình, dân cư sống tự do, hạnh phúc, vui vẻ, sống lâu, và đầy dẫy sự hiểu biết Chúa.
7. Mục đích của nước thời Thiên hi niên là chuẩn bị cho Nước vinh hiển sau đó.
II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
1. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
a. Ê-sai 53: Vị tiên tri nói về sự hiện đến của Đấng Mê-si trong tư cách nào?
b. Ê-sai 2:2-4; 9:5-6; 11:1-6: Vị tiên tri nói về sự hiện đến lần hai trong tư cách nào? Với mục đích gì?
c. Mi-chê 4:1-4; Xa-cha-ri 14:8-11: Lời tiên tri nói gì về sự hiện đến lần thứ hai của Chúa Giê-xu?
d. Công Vụ 3:19-21: Lời tiên tri của sứ đồ Phi-e-rơ chỉ về điều gì?
e. Khải Huyền 19:11-20:1-4: Sự hiện thấy của Giăng về Đấng Christ tái lâm, và cai trị ngàn năm trên đất có liên quan thế nào với các lời tiên tri trong Cựu Ước?
2. Sự liên quan trên chứng tỏ cho chúng ta về lẽ thật nào?
3. Xin ghi nhận các sự kiện xảy ra qua những câu Kinh Thánh sau đây: (a) Khải Huyền 1:7; Ma-thi-ơ 24:30. (b) Khải Huyền 19:11-21. (c) Khải Huyền 30:1-3. (d) Khải Huyền 20:4-6. (e) Ma-thi-ơ 25:31-32.
4. Diễn tiến của các sự kiện xảy ra có ý nghĩa gì trong sự thiết lập nước ngàn năm bình an?
5. Xin đọc những câu Kinh Thánh Ê-sai 9:5-6; 11:1-6; Khải Huyền 11:15 và tìm hiểu:
a. Đấng cai trị nước ngàn năm là ai?
b. Chính thể và chính sách hay đường lối cai trị của Đấng Christ như thế nào?
c. Hai điều trên có liên hệ gì đến nền hòa bình trong thời đại Thiên hi niên? Xin giải thích.
6. Xin tìm hiểu:
a. Khải Huyền 11:15: Nước của Đấng Christ bao gồm trong phạm vi nào?
b. Khải Huyền 20:4-6: Ai sẽ được dự phần với Đấng Christ trong sự cai trị nước ngàn năm bình an?
c. Ê-sai 54:1-3; A-mốt 9:11-15; Ê-xê-chi-ên 36:24-28: Theo tiên tri, hai điều gì sẽ được ứng nghiệm cho dân Do Thái khi Đấng Christ trị vì (về quốc gia Y-sơ-ra-ên và về đời sống thuộc linh của họ).
d. Xa-cha-ri 8:3, 22-23; 14:16-17; Ê-sai 2:2-3: Trong Nước ngàn năm bình an, thành Giê-ru-sa-lem, và tuyển dân Do Thái giữ vai trò quan trọng như thế nào? Vai trò nầy có nghĩa gì đối với Lời Đức Chúa Trời hứa cùng Áp-ra-ham trong Sáng Thế Ký 12:1-3?
e. Ê-sai 2:4; 11:6-11; Xa-cha-ri 8:4-8, 20-22; Rô-ma 8:10-20: Xin mô tả cảnh trạng của Nước ngàn năm bình an, về muôn vật, về loài người trong đời sống tâm linh (tôn giáo), tinh thần và vật chất.
7. Xin tóm lược những đặc điểm của Nước ngàn năm bình an. Những đặc điểm nầy của Nước ngàn năm có liên quan thế nào với nước vĩnh viễn sau đó?