Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 26 Tháng Tám, 2024

BÀI 6. GIÔ-SÉP TRONG TÙ

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 39:1-23.

II. CÂU GỐC: “Đừng sợ vì Ta ở với con, chớ kinh khiếp vì Ta là Đức Chúa Trời của con! Ta sẽ làm cho con mạnh mẽ; phải, Ta sẽ giúp đỡ con, dùng tay phải công chính của Ta mà nắm giữ con. (Ê-sai 41:10).

III. BÀI TẬP.

A. CÙNG SUY NGHĨ.

Em xem hình rồi trả lời các câu hỏi.

  1. Vì sao Giô-sép bị bắt giam vào ngục?

…………………………………………………………………………………………………………..

  1. Theo em, Giô-sép sẽ ra sao nếu ông oán trách Chúa?

…………………………………………………………………………………………………………..

  1. Tại sao ai cũng giao hết mọi việc quan trọng cho Giô-sép làm?

……………………………………………………..

……………………………………………………..

B. NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 26 Tháng Tám, 2024

BÀI 6. GIÔ-SÉP TRONG TÙ

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 39.

II. CÂU GỐC: “Đừng sợ vì Ta ở với con, chớ kinh khiếp vì Ta là Đức Chúa Trời của con! Ta sẽ làm cho con mạnh mẽ; phải, Ta sẽ giúp đỡ con, dùng tay phải công chính của Ta mà nắm giữ con. (Ê-sai 41:10).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Giô-sép bị vu oan phải ở tù, nhưng Đức Chúa Trời vẫn bảo vệ, giúp đỡ Giô-sép đối xử tốt với người khác.

– Cảm nhận: Dù người ta đối xử không tốt đối với Giô-sép, nhưng ông luôn đối xử với họ bằng tình yêu thương.

– Hành động: Xin Chúa giúp các em dù ở trong hoàn cảnh nào cũng luôn đối xử với người khác bằng tình yêu thương.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

     * Lời Hứa.

  1. Mục đích: Giúp các em điền tên mình vào lời hứa của Đức Chúa Trời. Cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ.
  2. Học cụ: Kinh Thánh, giấy bìa trắng, viết chì màu, kéo.
  3. Thực hiện: Giáo viên viết sẵn câu gốc Ê-sai 41:10 lên giấy bìa. Cắt ra thành nhiều tấm nhỏ, hình dạng khác nhau.

Phát cho mỗi em hai tấm bìa có hình dạng như tấm bìa có chữ “ngươi”. Các em sẽ ghi tên mình lên hai tấm bìa đó. Cho các em luân phiên ghép các tấm kia lại và đọc câu gốc có tên mình trong đó.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   Tuần trước các em đã được biết câu chuyện Giô-sép bị các anh bán cho các lái buôn đem sang Ai-cập. Tuần nầy các em sẽ được nghe tiếp tục về câu chuyện của Giô-sép.

  1. Bài học.

   (Trong khi kể chuyện, mở Kinh Thánh và đưa thị cụ ra khi thích hợp). Nếu các em là Giô-sép, bị các anh mình quăng xuống hố, rồi bị bán làm nô lệ, các em cảm thấy thế nào? Chắc chắn sẽ rất buồn vì không được trở về nhà mà lại phải sống với những người hoàn toàn xa lạ.

Trên đường đi, Giô-sép cảm thấy cô đơn và lo lắng lắm. Ông cầu nguyện rất nhiều với Chúa. Đến Ai-cập, đoàn lái buôn bán Giô-sép cho Phô-ti-pha, quan thị vệ của Pha-ra-ôn. Phô-ti-pha đem Giô-sép về nhà để giúp việc. Ngày xưa, Giô-sép sống trong lều trại, còn bây giờ chàng sống trong một tòa nhà đẹp lộng lẫy. Giô-sép có làm được những việc chủ giao không?

Giô-sép học tập rất nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, Giô-sép đã làm được mọi công việc Phô-ti-pha giao cho. Cậu luôn siêng năng cần mẫn trong công việc. Phô-ti-pha thấy Giô-sép thành thật và chịu khó nên giao những việc quan trọng như cai quản nhà cửa, của cải, ruộng vườn và gia nhân cho Giô-sép.

Một ngày kia, khi Giô-sép vào nhà làm việc thì có điều rắc rối đã xảy ra! Bà Phô-ti-pha nói dối để làm hại Giô-sép. Phô-ti-pha tin vợ nên nổi giận bắt giam Giô-sép vào ngục, dùng xiềng xích lại.

Trước tình cảnh đó, Giô-sép phải làm gì? Thật ra Giô-sép không làm điều gì sai, chàng không phải bị phạt một cách bất công như vậy. Lẽ ra Giô-sép phải hết sức tức giận và tìm cách trả thù. Nhưng Giô-sép không làm vậy.

Trong tù, Giô-sép dành nhiều thời gian trò chuyện với Đức Chúa Trời. Ngài giúp Giô-sép đối xử với người khác bằng tình yêu thương. Giô-sép được người cai ngục quí mến và mọi việc cậu làm đều được tốt đẹp.

Thấy nếp sống của Giô-sép, người cai ngục thương mến nên giao cho những công việc đặc biệt. Chẳng bao lâu sau, Giô-sép trông coi hết tất cả tù nhân! Đức Chúa Trời giúp Giô-sép làm tốt công việc được giao. Giô-sép biết rằng dù ở bất cứ nơi đâu, Đức Chúa Trời luôn ở cùng, bảo vệ và ban phước cho mình trong mọi công việc.

  1. Ứng dụng.

Cho các em mở sách học viên, dùng các câu hỏi trong phần “Cùng suy nghĩ” giúp các em ôn bài.

Hướng dẫn các em học câu gốc, nói với các em: Đức Chúa Trời ở cùng Giô-sép, và giúp đỡ ông trong mọi việc. Nhắc các em đọc câu gốc có tên mình trong đó như phần “Sinh hoạt đầu giờ”. Sau đó hỏi: Theo em, Chúa có thể giúp em làm tốt mọi việc không? Ngài sẽ giúp em như đã giúp Giô-sép không? Đức Chúa Trời có giúp em đối xử tốt với những người thường đối xử xấu với em không? Làm sao em biết Chúa giúp em? Sau cùng, giáo viên kết luận: Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời luôn luôn giúp đỡ chúng ta. Những lời trong Kinh Thánh đều đúng.

Hướng dẫn các em đọc câu chuyện của Tâm và Vỹ. Hỏi các em: Nếu em là Vỹ, em sẽ làm gì? Vẽ một bức hình hoặc viết ra cho thấy việc làm của Vỹ.

Lúc các em làm bài tập, hỏi các em: Có khi nào các em muốn làm việc tốt nhưng thấy khó không? Chẳng hạn như khó đối xử tốt với người khác khi người đó đối xử không tốt với em? Lúc đó, Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm gì? Chúng ta phải nhờ cậy Chúa giúp đỡ để có thể đối xử tốt với những người không tốt với mình. Cuối cùng, hướng dẫn các em cầu nguyện, xin Chúa giúp các em đối xử tốt với mọi người.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in ẤU NHI on 26 Tháng Tám, 2024

BÀI 9. CHÚA JÊSUS CHỮA LÀNH NGƯỜI BẠI

I. KINH THÁNH: Giăng 5:1-15.

II. CÂU GỐC:Người nầy đi nói với những người Do Thái rằng Đức Chúa Jêsus là người đã chữa bệnh cho mình.” (Giăng 5:15).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Jêsus đã chữa lành cho người đau bại.

– Cảm nhận: Chúa Jêsus là Đấng yêu thương, luôn quan tâm, giúp đỡ người khác.

– Hành động: Giúp đỡ những người chung quanh mình.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ: Quan Sát Thiên Nhiên.

* Chuẩn bị: Một tờ giấy trắng 20 x 30cm (cỡ lớn hơn bàn chân của các em), bút màu.

* Cách thực hiện: Giáo viên vẽ giúp đôi bàn chân của mỗi em lên tờ giấy, viết họ tên em đó cạnh hình vẽ, cho mỗi em tự tô màu lên hình đôi bàn chân của mình và đem dán vào tập, gợi ý cho các em kể ra công dụng của đôi bàn chân. Nhờ có đôi chân chúng ta mới có thể đi giúp đỡ người khác. Chúa Jêsus dạy chúng ta phải yêu thương nhau. Giúp đỡ người khác là một trong những cách bày tỏ lòng yêu thương nhau.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

            * Chuẩn bị:

– Trợ thị cụ: Hình ảnh người đau bại, người mù, đàn bà, đàn ông, đám đông, Chúa Jêsus, bối cảnh trong đền thờ.

– Một chậu nước, một cây gậy.

 (Giáo viên vừa kể chuyện vừa trình bày thị cụ).

  1. Vào đề.

Các em có thấy người bại chưa? Người bị bại chỉ nằm một chỗ, không thể nào đi lại được. Hôm nay các em sẽ được nghe câu chuyện của một người bại rất đặc biệt. Mời các em theo dõi nhé.

  1. Bài học.

Theo Kinh Thánh ghi chép, ngày xưa, ở thành Giê-ru-sa-lem, có một cái ao rất đặc biệt. Nhiều người bịnh tật vây chung quanh ao này. Họ là những người mù lòa, bại liệt, người què… Những người nầy đều muốn được chữa lành bệnh. Nước trong ao thường thì phẳng lặng, nhưng thỉnh thoảng mặt nước bị động dữ dội do một vị thiên sứ giáng xuống (cho các em xem mặt nước trong chậu, rồi lấy cây khuấy động mặt nước lên). Lúc đó, người bệnh nào nhảy xuống đầu tiên, sẽ được lành bệnh ngay.

Một hôm, Chúa Jêsus đi ngang qua ao này. Ngài dừng chân bên cạnh một người bị bại. Chúa Jêsus biết người này bị bịnh đã lâu, không đi được. Ngài cũng hiểu rằng người này nằm ở đây chờ nước động để nhảy xuống, nhưng đều bị người khác giành trước. Động lòng thương, Chúa Jêsus hỏi người ấy: “Ngươi có muốn lành bệnh không?”

Người đau bại trả lời: “Dạ, tôi rất muốn. Nhưng mỗi lần nước động thì không có ai giúp quăng tôi xuống”.

Người đau bại không biết mình đang nói chuyện với Chúa Jêsus. Người này nghĩ: “Người nhân từ này có thể giúp quăng mình xuống nước”.

Không ngờ Chúa Jêsus phán: “Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi”.

Lập tức người bại đứng dậy được, vác giường mà đi. Bây giờ ông khỏe mạnh, có thể đi, chạy, nhảy bằng đôi chân của mình. Ông vui mừng, biết ơn Chúa và nói cho mọi người biết chính Chúa Jêsus đã chữa lành cho mình.

Chúa dạy chúng ta phải yêu thương, giúp đỡ nhau. Như vậy, các em phải giúp đỡ ai? Bạn bè, người nhà, mọi người chung quanh. Các em làm theo lời Chúa dạy cũng là cách bày tỏ lòng yêu mến Chúa.

  1. Ứng dụng.

Hỏi lại các em: Chúa Jêsus gặp ai ở ao Bê-tết-đa? Chúa hỏi ông điều gì? Ông trả lời ra sao? Chúa có chữa lành cho ông không? Vì sao? Các em cũng phải làm gì đối với người khác?

Cho các em đọc câu gốc nhiều lần cho đến khi thuộc lòng.

C. GIỜ THỦ CÔNG.

* Chuẩn bị:

– Bài tập thủ công số 9 đã làm sẵn.

– Bút màu.

* Cách thực hiện: Tất cả mọi người đều có thể bày tỏ lòng yêu thương bằng hành động giúp đỡ của mình. Mỗi ngày, sau khi em đi giầy dép xong, em để ở đâu? Thay quần áo ra, em bỏ vào nơi nào? Giáo viên cho các em vẽ theo nét đứt đoạn ở bài tập số 9 của tập học viên. Sau đó, các em vẽ hình (bông hoa, thú vật…) và tô màu để trang trí cho đôi dép. Khi làm xong, giáo viên ghi tên của học viên vào đôi dép và cho các em biết mình dùng đôi chân để đi giúp đỡ người khác.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in ẤU NHI on 26 Tháng Tám, 2024

BÀI 8. THEO CHÚA

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 4:18-22; Giăng 1:35-41.

II. CÂU GỐC: “Ngài phán với họ: “Hãy theo Ta, Ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người.” (Ma-thi-ơ 4:19).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Jêsus kêu gọi một số người theo Ngài để giảng đạo.

– Cảm nhận: Được theo Chúa là điều phước hạnh.

– Hành động: Sẵn lòng theo Chúa và làm mọi việc Chúa giao.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ. Trò chơi xếp hình.

* Chuẩn bị:

– Hình bãi biển và thuyền đánh cá.

– Một tờ giấy để xếp thuyền.

            * Cách thực hiện:

Đưa cho các em xem hình bãi biển, thuyền đánh cá và hỏi: “Đây là gì?”, “Tại sao mấy người này cần có thuyền?”, “Các em có nghĩ rằng chúng ta có thể đóng một chiếc thuyền thuyền được không?” Giáo viên xếp hình chiếc thuyền cho các em xem. “Chúng ta cần một người chèo thuyền. Bây giờ chúng ta đóng vai người đánh cá. Trong số bạn của Chúa Jêsus có rất nhiều người làm nghề đánh cá”. Sinh hoạt này giúp các em nhận biết về bối cảnh của câu chuyện Kinh Thánh.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

* Chuẩn bị:

– Thị trợ: Hình bãi biển, Chúa Jêsus, Si-môn và Anh-rê đang thả lưới, Gia-cơ, Giăng, và người cha đang vá lưới trong thuyền.

  1. Vào đề.

(Giáo viên vừa kể chuyện vừa trình bày thị trợ).

Nếu em muốn đi câu cá thì cần mang gì theo? (Cần câu, lưỡi câu, mồi,…). Đi câu cá rất vui và hồi hộp vì phải chờ cho cá cắn câu. Đi đánh cá thì không cần mang theo cần câu mà phải mang theo cái lưới thật lớn để khi cá lọt vào lưới nhiều thì kéo lên dễ dàng.

  1. Bài học.

Một ngày nọ, Chúa Jêsus đi dọc theo bờ biển Ga-li-lê đẹp đẽ, Ngài thấy có hai người đang thả lưới bắt cá. Chúa Jêsus gọi tên: “Si-môn! Anh-rê!” Hai người này nhận ra là Chúa Jêsus, bèn kéo lưới lên, chèo thuyền cập bến để đón tiếp Ngài.

Chúa Jêsus hỏi họ: “Si-môn, Anh-rê, các con có bằng lòng bỏ nghề đánh cá không? Ta cần các con giúp việc cho Ta. Các con hãy theo Ta”. Si-môn và Anh-rê rất vui khi được Chúa gọi. Họ bỏ lưới cá và đi theo Ngài.

 Chúa Jêsus đi tiếp và gặp hai người bạn khác đang ở trong thuyền vá lưới với cha mình. Chúa Jêsus liền gọi: “Gia-cơ, Giăng! Các con có bằng lòng bỏ nghề đánh cá để theo Ta không? Ta cần các con làm việc giúp Ta”.

Gia-cơ và Giăng nghe Chúa Jêsus phán như vậy, họ bằng lòng theo Ngài cách vui vẻ.

Như vậy, Chúa Jêsus tìm được bốn người giúp đỡ Ngài. Đó là Si-môn, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng. Sau đó, Chúa Jêsus tìm thêm một số người nữa. Ngài có tất cả là 12 người bằng lòng theo Ngài để đi giảng đạo.

Họ rất thích nghe Ngài nói về Đức Chúa Trời! Họ biết được nhiều việc lạ lùng của Đức Chúa Trời từ Chúa Jêsus. Họ nhận biết được một việc lạ lùng nhất. Việc đó là gì các em biết không? Là Đức Chúa Trời yêu thương họ và Chúa Jêsus cũng yêu thương họ nữa.

Chúa Jêsus yêu từng em trong lớp nầy. Ngài muốn các em cũng yêu Ngài và hầu việc Ngài cách vui lòng.

      3. Ôn tập.

Hỏi lại các em: Chúa gọi Si-môn và Anh-rê khi họ đang làm gì? Hai người nầy thế nào khi được Chúa gọi? 12 người được Chúa gọi đi theo Ngài để làm gì? Các em có muốn theo Chúa không? Để làm gì?

Giáo viên hướng dẫn các em đọc câu gốc.

C. GIỜ THỦ CÔNG.

* Chuẩn bị:

– Bài tập số 8 đã làm sẵn.

– Kéo, keo, bút màu.

* Cách thực hiện:

Giáo viên đưa cho các em xem bài tập học viên, giáo viên đã làm trước, rồi hướng dẫn các em làm thủ công: Quyển Kinh Thánh. Các em cắt hình Chúa Jêsus và các em bé của tập học viên, dán vào chỗ thích hợp của bài tập số 8.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in ẤU NHI on 26 Tháng Tám, 2024

BÀI 7. CẬU BÉ JÊSUS TRONG GIA ĐÌNH

I. KINH THÁNH: Lu-ca 2:39-40,52.

II. CÂU GỐC: “Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu-ca 2:52).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Cậu bé Jêsus ngoan ngoãn, giúp đỡ cha mẹ.

– Cảm nhận: Chúa Jêsus có đời sống tốt đáng để em noi theo.

– Hành động: Ngoan ngoãn, giúp đỡ cha mẹ giống Chúa Jêsus.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ: Sinh Hoạt Gia Đình.

* Chuẩn bị:

– 10 cái chén, vài cái dĩa, vài cái tô, một chục đũa, muỗng.

            * Cách thực hiện:

Giáo viên hướng dẫn các em chơi trò chơi đãi tiệc; cho các em phụ giúp bày chén, bát, đũa, muỗng… lên bàn. Giữa lúc các em dọn bàn, giáo viên nên chọn những lời có liên quan đến nội dung bài để nói với các em, ví dụ: “Em Trung và em Hiền… vui vẻ phụ giúp bày chén bát lên bàn là tốt lắm, vì các em ngoan ngoãn, biết phụ giúp cha mẹ. Làm như thế rất đẹp lòng Chúa và cũng làm cho cha mẹ vui lòng nữa”.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

            * Chuẩn bị:

– Thị trợ: Hình Con Trẻ Jêsus, Ma-ri, Giô-sép, gỗ, con lừa, cảnh xưởng môc, cảnh trong nhà, cảnh trong đền thờ, giáo viên, vài em nhi đồng.

– Hình em bé 1 hoặc 2 tuổi.

  1. Vào đề.

(Giáo viên vừa kể chuyện vừa trình bày thị trợ).

Năm nay em Trung mấy tuổi? Em có thể tự đi, ngồi, ăn, uống được phải không? Em có thể giúp đỡ người khác điều gì? Lúc còn bé (giáo viên cho các em xem hình em nhỏ), em không làm được việc gì cả, nhưng bây giờ lớn rồi, tự em có thể làm được nhiều việc rồi đấy.

Khi Jêsus còn bé xíu, thì Ngài cần sự giúp đỡ của ông Giô-sép và bà Ma-ri. Cũng vậy, khi em còn là em bé thì cũng cần sự giúp đỡ của cha mẹ. Em bé Jêsus lớn dần lên trong sự chăm sóc của Giô-sép và Ma-ri. Cũng vậy, các em cũng lớn dần lên trong sự chăm sóc của cha mẹ.

Ở trong gia đình, Jêsus là một người con ngoan, biết giúp đỡ cha mẹ. Cậu bé Jêsus đã từng giúp bà Ma-ri đi lượm củi về nấu cơm, cho lừa ăn cỏ… giúp ông Giô-sép làm nghề mộc. Cậu bé Jêsus làm việc nhà rất là vui vẻ, vì yêu thương cha mẹ và kính yêu Đức Chúa Trời.

Hằng ngày, bà Ma-ri thường dành thì giờ nói về Đức Chúa Trời, kể chuyện Kinh Thánh, giúp cậu bé Jêsus học câu gốc và cầu nguyện. Đến tuổi đi học, cậu bé Jêsus cũng đến nhà thờ học Kinh Thánh như các em bây giờ vậy, cũng đến lớp và có các bạn nhỏ học chung giống như các em đang học trong lớp nầy (giáo viên cho các em xem hình cậu bé Jêsus đang ngồi trong lớp).

Các em có muốn được giống như Chúa Jêsus không? Ở nhà các em nhớ ngoan ngoãn, phụ giúp cha mẹ trong việc nhà nhé. Các em cũng siêng năng đi nhà thờ học lời Chúa nữa. Chúa rất yêu thương các em và Ngài rất vui khi các em làm được những điều đó.

  1. Ôn tập.

Hỏi lại các em: Chúa Jêsus là người con thế nào trong gia đình? Chúa Jêsus giúp đỡ cha trong việc gì? Chúa Jêsus đã làm gì khi được đi đến đền thờ? Em thích điều tốt nào của Chúa Jêsus?

Cho các em học thuộc lòng câu gốc.

C. GIỜ THỦ CÔNG.

* Chuẩn bị:

– Bài tập số 7 đã làm sẵn.

– Cắt hình bé Hùng, bé Mai – chó con, bé Lâm, bé Trang.

– Kéo, hồ dán.

* Cách thực hiện:

Cho các em mở bài tập số 7 của tập học viên. Dùng hình đã cắt sẵn cho các em gấp hình theo đường thẳng đứt đoạn. Dán phần gạch xéo.

Gợi ý bằng những câu hỏi đơn sơ giúp các em hiểu ý nghĩa trong hình vẽ.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in ẤU NHI on 22 Tháng Tám, 2024

BÀI 6. ĐỨC CHÚA TRỜI GÌN GIỮ EM BÉ JÊSUS

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 2:13-23.

II. CÂU GỐC: “Đức Giê-hô-va là Đấng gìn giữ ngươi” (Thi Thiên 121:5a).

AI SẼ GIÚP TÔI…

Khi đồ chơi của tôi bị hư?       Khi quần áo của tôi bị bẩn?

________________cảm tạ Đức Chúa Trời đã chăm sóc gia đình của em.

   (tên học viên)

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in ẤU NHI on 22 Tháng Tám, 2024

BÀI 6. ĐỨC CHÚA TRỜI GÌN GIỮ EM BÉ JÊSUS

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 2:13-23.

II. CÂU GỐC: “Đức Giê-hô-va là Đấng gìn giữ ngươi” (Thi thiên 121:5a).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Đức Chúa Trời giúp Ma-ri, Giô-sép gìn giữ Con Trẻ Jêsus khỏi sự chết.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời dùng ba mẹ để săn sóc, gìn giữ em.

– Hành động: Cảm tạ và tin cậy Đức Chúa Trời luôn luôn.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ. Sinh Hoạt Gia Đình.

* Chuẩn bị:

– 1 cái áo mưa, 1 áo ấm, 1 cái nón.

            * Cách thực hiện:

Người mẹ săn sóc và gìn giữ con cái thế nào? (Giặt quần áo, tắm rửa, nấu cơm cho ăn, kể chuyện cho nghe… Khi trời lạnh thì cho con mặc áo ấm; lúc ra mưa thì khoác áo mưa; đi nắng thì đội nón). Ba mẹ cho các em ăn mặc đúng cách như vậy để làm gì? (Để tránh bị đau ốm, để các em luôn khoẻ mạnh). Đức Chúa Trời lập nên gia đình có cha mẹ, ông bà… để chăm sóc, giữ gìn chúng ta luôn luôn. Chúng ta cảm tạ Đức Chúa Trời chăm sóc, giữ gìn mỗi một người trong gia đình mình.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

            * Chuẩn bị:

– Thị trợ: Hình cảnh trong nhà, thiên sứ, Giô-sép, Ma-ri (đứng), Ma-ri (cỡi lừa), hài nhi Jêsus, con lừa, đám đông.

– Hình gia đình chụp chung (của một vài em trong lớp).

  1. Vào đề.

(Giáo viên vừa kể chuyện vừa trình bày thị trợ).

Gia đình em có những người nào? (Giáo viên cho các em xem hình; cho các em tự giới thiệu từng người trong gia đình mình. Giáo viên cần có thái độ thân mật, quan tâm đến hoàn cảnh của các em).

Có một gia đình rất vui vẻ, đầm ấm. Đó là gia đình của ông Giô-sép. Giô-sép và Ma-ri hết lòng nuôi nấng, chăm sóc em bé Jêsus.

Một đêm kia, khi cả nhà Giô-sép đang ngủ, Đức Chúa Trời sai thiên sứ đến báo tin cho Giô-sép: “Giô-sép, dậy mau! Vua muốn giết hại Con Trẻ Jêsus. Ngươi mau đem Ma-ri và Con Trẻ Jêsus chạy trốn sang nước Ai-cập”.

Giô-sép thức dậy thuật lại điều đó cho Ma-ri nghe. Hai vợ chồng nhanh chóng thu xếp đồ đạc. Giô-sép cho Ma-ri ẵm em bé, ngồi trên lưng lừa, đương ban đêm, họ vội vàng chạy trốn. Đức Chúa Trời đã gìn giữ Chúa Jêsus bình yên ở tại nước Ai-cập.

Họ đã sống ở đó nhiều ngày… Rồi lại có một đêm, Đức Chúa Trời sai thiên sứ báo tin cho Giô-sép rằng: “Ông vua định làm hại em bé Jêsus đã chết. Ngươi hãy đem Ma-ri và em bé Jêsus trở về quê”.

Giô-sép, Ma-ri, cùng Con Trẻ vâng lời Chúa, trở về quê nhà.

Họ về đến nơi, gặp lại bà con, bạn bè thật là vui. Giô-sép và Ma-ri vui mừng hơn ai hết. Họ cảm tạ Đức Chúa Trời đã yêu thương, gìn giữ họ ngày đêm.

      2. Ứng dụng.

Hỏi những câu đơn giản, gợi ý giúp các em suy nghĩ cách Đức Chúa Trời giữ gìn các em qua gia đình như: Chuẩn bị thức ăn đầy đủ hằng ngày, chăm sóc khi em đau ốm,… Giáo viên có thể mời một hoặc hai em cầu nguyện cảm tạ Chúa.

Sau đó, cho các em học thuộc lòng câu gốc.

C. GIỜ THỦ CÔNG.

* Chuẩn bị:

– Bài tập số 6 đã hoàn tất.

– Cắt hình người đàn ông và đàn bà (của tập học viên).

– Kéo cắt, hồ dán, bút chì và bút màu.

* Cách thực hiện:

Cho các em mở bài tập số 6, hướng dẫn các em dán hình người đàn ông và người đàn bà vào chỗ thích hợp, rồi cắt theo đường kẻ đứt đoạn và gấp theo đường kẻ giống như hình mẫu.

Dựa vào hình vẽ để nói lên sự sự giúp đỡ của những người trong gia đình.