Tác giả: Rim Niê

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ 08.09.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ 08.09.2019

in PHỤ NỮ on 3 Tháng Chín, 2019

Chúa nhật 08.09.2019

  1. Đề tài: SINH NHẬT QUÝ III.
  2. Kinh Thánh: Thi thiên 8.
  3. Câu gốc: “Hỡi Đức Giê-hô-va là Chúa chúng tôi, Danh Chúa được sang cả trên khắp trái đất biết bao; sự oai nghi Chúa hiện ra trên các từng trời!” (Thi thiên 8:1).
  4. Đố Kinh Thánh: Sáng thế ký 22-28.
  5. Thể loại: Sinh nhật (Ca ngợi – Cảm tạ).

* CHỈ DẪN: Sinh nhật (Ca ngợi & Cảm tạ).

  1. Thông báo danh sách những người có ngày sinh trong Quý 3 (tháng 7,8,9) trước một tuần lễ; bổ sung tên những người còn thiếu.
  2. Thư ký trao danh sách cho thủ quỹ mua quà. Quà tặng sinh nhật nên mua nhiều hơn số cần, phòng khi có khách, thân hữu… đến dự và cũng có ngày sinh trong quý đó.
  3. Những người không nhớ ngày sinh, có thể chọn ngày cưới, ngày tin nhận Chúa, ngày chịu báp-têm… để làm sinh nhật.
  4. Chuẩn bị một chiếc bánh sinh nhật (nếu có thể), kích thước chiếc bánh tùy theo số người tham dự.
  5. Mời những người có tên trong danh sách “sinh nhật” lên phía trên, số người còn lại hát chúc mừng. Tất cả cùng cầm dao cắt bánh. Mời người cầu nguyện đặc biệt cho họ.
  6. Ban hướng dẫn tặng quà cho những người có sinh nhật.
  7. Mời một số người làm chứng, ca ngợi Chúa, chia sẻ những kinh nghiệm thuộc linh… Khi làm chứng nên trình bày thành thật, đừng thổi phồng.
  8. Chơi trò chơi, đố vui và ăn bánh sinh nhật…

* TRÒ CHƠI DÀNH CHO NGƯỜI CÓ SINH NHẬT.

THẮP NẾN SINH NHẬT.

– Chuẩn bị: Dùng giấy bìa cứng làm một số cây nến, ghi lời yêu cầu vui, ngắn gọn lên giấy, cuộn lại nhét vào cây nến, dùng băng keo dán cây nến lên bảng (số nến tương đương với số người có ngày sinh trong quí).

Nếu dùng nến thật thì cũng gắn lời yêu cầu vào như nến bằng giấy rồi bạn đốt nến và sắp lên bàn sao cho đẹp mắt.

Ví dụ về lời yêu cầu: “Chúc bạn sinh nhật vui vẻ! Mời bạn uống một lượt 2 ly nước”, hoặc “Mừng sinh nhật bạn! Bạn có thể mời người hát tặng bạn một bài”…


* TRÒ CHƠI DÀNH CHO TẬP THỂ.

CHÚA CHỮA LÀNH

– Cách chơi: NHD chỉ vào đầu mình và nói: “Chúa chữa đầu tôi” mọi người lập lại và xoa vào đầu. NHD chỉ vào bụng: “Chúa chữa bụng tôi” mọi người xoa bụng và lập lại.

Sau đó NHD có thể chỉ vào bụng mà nói: “Chúa chữa đầu tôi”. Mọi người phải xoa bụng và nói: “Chúa chữa bụng tôi”. Ai làm hoặc nói sai sẽ bị phạt.

DÂNG HIẾN.

– Cách chơi: chia số người thành nhiều nhóm.

NHD thông báo một thiên tai vừa xảy ra hoặc một người hoạn nạn cần sự cứu trợ. Ban cứu trợ cần một số vật dụng như: giầy, dép, sổ, viết, hoa, lá… Sau tiếng còi xuất phát quyên góp, nhóm nào về trước và mang nộp đủ số lượng là nhóm ấy thắng cuộc.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Để cá hấp, thịt hấp được tươi ngon: Khi hấp cá thịt, nên chờ nước sôi mới cho cá, thịt vào. Tránh thêm nước trong quá trình hấp.

– Để cá chiên rán thơm, bùi: Trước khi rán nên xóc cá với chút giấm, để 5 phút mới cho vào chảo dầu.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ 01.09.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ 01.09.2019

in PHỤ NỮ on 26 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 01.09.2019

  1. Đề tài: ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHỮNG KHỦNG HOẢNG.
  2. Kinh Thánh: Công vụ 21:17-40; 22:25; 23:11,37-39a.
  3. Câu gốc: “Hãy giục lòng mạnh mẽ, ngươi đã làm chứng cho Ta tại thành Giê-ru-sa-lem thế nào, thì cũng phải làm chứng cho Ta tại thành Rô-ma thế ấy” (Công vụ 23:11).
  4. Đố Kinh Thánh: Sáng thế ký 19-21.

5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: PHỎNG VẤN.

  1. Chọn một người đóng vai Phao-lô, và một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo, phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra những câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và trả lời đều phải ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Trong phần đúc kết, “Phao-lô” sẽ tóm tắt nội dung bài học và đưa ra lời khuyên ban viên áp dụng sự dạy dỗ của Lời Chúa vào đời sống hằng ngày. Sau đó, tất cả đứng lên và mời một người thay mặt các bạn cầu nguyện.

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

(Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới đi lên và Phao-lô bước ra).

– Phóng viên: Dạ xin kính chào cụ Phao-lô!

– Phao-lô: Chào các cháu!

– Pv: Chúng cháu rất vui vì được cụ đến thăm hôm nay. Thay cho ban phụ nữ trong Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Cháu xin phép hỏi cụ về những điều cụ phải đương đầu với những người đã chống đối cụ?        

– Phao-lô: Được, cháu cứ hỏi.

– Pv: Xin cụ cho chúng cháu biết sau khi rời thành Sê-sa-rê cụ tới thành Giê-ru-sa-lem thì có điều gì xảy ra?

   – Phao-lô: Khi ta tới Giê-ru-sa-lem điều đầu tiên ta nhận được đó là tấm lòng của anh em, họ vui mừng tiếp rước ta. Ta thuật lại cho anh em tại đó những công việc Chúa làm trên các xứ thuộc dân ngoại thì họ hết sức vui mừng cảm tạ Chúa.

– Pv: Cám ơn Chúa, thật Ngài đã làm những công việc tuyệt vời trên các xứ Ê-phê-sô, Trô-ách… và cho tới ngày nay cánh tay quyền năng của Ngài cũng đang tiếp tục làm những công việc tuyệt vời và vĩ đại cho chúng ta.

– Thưa cụ, ngoài sự vui mừng của dân thành Giê-ru-sa-lem thì còn điều gì nữa không?

– Phao-lô: Các nhà lãnh đạo Hội Thánh lo lắng cho ta vì có một số lời đồn đại rằng: Phao-lô dạy người tin từ bỏ luật Môi-se, không làm phép cắt bì cho con mình, và không ăn ở theo thói tục Giu-đa nữa… Họ cho biết ta sẽ gặp khó khăn với nhóm người quá khích chống đối.

– Pv: Trong hoàn cảnh đó, các vị lãnh đạo Hội Thánh tại
Giê-ru-sa-lem và cụ đã phải làm gì thưa cụ?

– Phao-lô: Để tránh xung đột nầy, các lãnh đạo Hội Thánh khuyên ta đưa bốn người Gờ-réc có mắc lời thề nguyện đến đền thờ để chịu cạo đầu, may ra nhờ việc ấy có thể đánh tan những thành kiến và sự hiểu lầm về ta.

– Pv: Lúc đó, cụ có ngần ngại gì không và cụ thực hiện lời yêu cầu đó như thế nào?

– Phao-lô: Đứng trước một số anh em còn nặng gánh cổ truyền và các thói tục Giu-đa, ta vui lòng chấp thuận họ cùng những dị biệt đó. Ta chấp nhận lời đề nghị của Gia-cơ và các trưởng lão đưa bốn người bạn có mắc lời thề nguyện đến đền thờ chịu lễ tinh sạch theo luật pháp Môi-se.

– Pv: Việc làm đó chắc là các người Giu-đa quá khích sẽ chấp nhận và vui vẻ với cụ lắm, phải không thưa cụ?

– Phao-lô: Không hề như các cháu nghĩ. Họ không những không chấp nhận mà còn tệ hại hơn thế nữa. Khi một người Giu-đa quá khích thấy ta trong đền thờ thì liền xui dân chúng dấy loạn và bắt ta.

– Pv: Thật là vô lý. Họ lấy lý do gì mà hành động như vậy thưa cụ?

– Phao-lô: Họ cho rằng ta nghịch cùng dân sự, nghịch cùng luật pháp Đức Chúa Trời. Và làm ô uế nơi thánh khi ta dẫn mấy người Gờ-réc vào đền thờ.

– Pv: Sau đó họ có làm gì tiếp theo không thưa cụ?

– Phao-lô: Họ hiệp lại và bắt ta, kéo ra khỏi đền thờ, và họ đóng cửa đền thờ lại.

– Pv: Thưa cụ, khi việc đó xảy ra, cụ đã nghĩ gì và làm gì?

– Phao-lô: Trong thời điểm khủng hoảng đó, ta không thể làm gì, vì ta biết rằng, Đức Chúa Trời biết hết mọi sự và Ngài sẽ bảo vệ con cái Chúa theo cách của Ngài.

– Pv: Vâng thưa cụ, chúng cháu được nghe rất nhiều về cuộc đời hầu việc của cụ, trong thời điểm lúc bấy giờ đã có nhiều sự bách hại xảy ra cho cụ vì cớ công việc Chúa. Cụ có thể mô tả cho chúng cháu biết cụ thể những sự việc đã xảy ra sau khi cụ bị bắt không ạ?

– Phao-lô: Lúc đó chúng bắt được ta và đang kiếm cớ để giết ta nhưng chính Chúa đã có cách để giải cứu ta.

– Pv: Thưa cụ, Chúa đã giải cứu cụ bằng cách nào ạ?

– Phao-lô: Lúc chúng đang tìm cách giết ta thì liền có quan quản cơ đến, khi họ đang đòi giết ta thì viên quan nầy đã cho trói ta lại và khiêng ta ra khỏi đám đông đang la ó đó.

– Pv: Thế họ đã khiêng cụ đi đâu?

– Phao-lô: Họ đã khiêng ta vào đồn và ta đã xin quan quản cơ cho ta được nói.

– Pv: Cụ đã nói gì với họ.

– Phao-lô: Ta kể lại điều Chúa đã hiện diện với ta như thế nào và Ngài đã cứu ta ra làm sao? Ta giảng về Chúa Giê-xu cho họ.

– Pv: Sau lời giảng của cụ thì tình hình lúc đó ra làm sao?

– Phao-lô: Chúng chịu nghe ta nói đến đó, thì vùng kêu lên rằng: Hãy cất người ấy khỏi thế gian! Nó chẳng đáng sống đâu! Chúng kêu la, cởi áo, hất bụi bay lên giữa khoảng không. Và quan quản cơ đã truyền đem ta vào nhà. Chúa dùng quan quản cơ bảo vệ mạng sống ta.

– Pv: Quả thật Chúa luôn luôn bên cạnh chúng ta và Ngài giúp đỡ chúng ta đúng thời điểm của Ngài. Sau những lần bách hại như thế, Chúa muốn cho con cái Ngài kinh nghiệm Ngài rõ ràng hơn đúng không thưa cụ?

– Phao-lô: Đúng như thế đấy các cháu ạ. Trong sự hầu việc Chúa, chúng ta có thể gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà nản lòng… chính Đức Thánh Linh vùa giúp chúng ta, thêm sức lực cho chúng ta mạnh mẽ tiếp tục làm chứng cho Chúa ở những nơi Chúa muốn.

– Pv: Xin cụ cho chúng cháu một số lời khuyên qua bài học Kinh Thánh hôm nay!

– Phao-lô: Cơ hội ta gặp được các cháu tại đây hôm nay, ta cũng muốn cho các cháu biết kinh nghiệm của ta trong cuộc đời hầu việc Chúa… Không phước hạnh thiên thượng nào lớn hơn là được hầu việc Đấng yêu thương, năng quyền… là Cha của chúng ta. Và trong bước đường hầu việc Ngài, thì không thể tránh khỏi được những khó khăn, thử thách… Nhưng chúng ta tin rằng, Đức Chúa Trời có chương trình tốt lành cho chúng ta, Ngài luôn đi bên cạnh chúng ta, gìn giữ, giúp đỡ chúng ta. Đức Chúa Trời yên ủi chúng ta, luôn giúp chúng ta có đủ sức lực đương đầu với khủng hoảng và giục lòng chúng ta tiếp tục ham thích làm chứng cho Chúa.

– Pv: Cám ơn cụ đã dành thì giờ trò chuyện với chúng cháu, và cho chúng cháu biết thêm những kinh nghiệm quý báu trong cuộc đời hầu việc Chúa của cụ. Nguyện Chúa ở cùng cụ luôn!

– Phao-lô: Cảm ơn các cháu.

NGƯỜI HƯỚNG DẪN: Thưa các bạn!

Chúng ta vừa nghe cụ Phao-lô nói về đề tài “Đương đầu với khủng hoảng” và những lời khuyên quý báu của cụ. Nguyện Chúa Thánh Linh giúp các bạn năng lực để làm theo những sự dạy dỗ qua bài học hôm nay. Mời các bạn đứng lên và mời cụ Phao-lô cầu nguyện cho chúng cháu.


* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong Phi-líp 2:8, Phao-lô có viết về Đấng Christ như sau: “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”. Ngay sau đó, Phao-lô diễn tả ảnh hưởng của Chúa trên đời sống của mình trong thư Phi-líp: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và lập lên trên đức tin; cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong cõi chết” (Phi 3:8-11).

Trong tinh thần đó, Phao-lô trở lại Giê-ru-sa-lem. Ông vừa mới hoàn tất chuyến du hành truyền giáo lần thứ ba. Bây giờ Chúa hiện đến cùng ông mà phán rằng: “Hãy giục lòng mạnh mẽ, ngươi đã làm chứng cho ta tại thành Giê-ru-sa-lem thể nào, thì cũng phải làm chứng cho ta tại thành Rô-ma thể ấy” (Công vụ 23:11). Dầu biết rằng có bao nhiêu nguy hiểm đang chờ đón, hoạn nạn đang bủa vây, Phao-lô vẫn can đảm dấn thân. Biết là nguy hiểm mà vẫn tiến đến chỗ nguy hiểm để xả thân phục vụ! Không mấy ai có thể làm được như vậy.

I. CHẤP NHẬN NHỮNG DỊ BIỆT (Công vụ 21:26).

Khi đến Giê-ru-sa-lem, Phao-lô và đoàn truyền giáo được Hội Thánh tiếp đón rất nồng hậu. Họ nức lòng ngợi khen Chúa qua những lời chứng của Phao-lô, thế nào Chúa đã dùng ông trong việc rao giảng Tin lành. Giây phút vui mừng qua nhanh khi Gia-cơ và các trưởng lão lại nghe có lời cảnh cáo về một số tin đồn sai lầm của người Giu-đa đối với sự dạy dỗ của ông. Họ có nghe rằng
Phao-lô đã dạy dân Giu-đa ở khắp nơi bỏ luật pháp Môi-se, và phép cắt bì theo thói tục của người Giu-đa. Để đánh tan những hiểu lầm ấy trong dân sự, họ khuyên ông đưa bốn người Gờ-réc có mắc lời thề nguyện đến đền thờ để chịu cạo đầu, may ra nhờ việc ấy có thể đánh tan những thành kiến và sự hiểu lầm về Phao-lô.

Đứng trước một số anh em còn nặng gánh cổ truyền và các thói tục Giu-đa, Phao-lô vui lòng chấp thuận họ cùng những dị biệt đó. Ông chấp nhận lời đề nghị của Gia-cơ và các trưởng lão đưa bốn người bạn có mắc lời thề nguyện đến đền thờ chịu lễ tinh sạch theo luật pháp Môi-se. Hành động của ông chứng tỏ ông cũng là người tôn trọng luật pháp.

Trong Hội Thánh việc đồng ý hay bất đồng quan điểm hoặc suy nghĩ của các hội viên là việc không tránh được. Chúa tạo mỗi chúng ta có những đặc tính khác nhau, đến từ những hoàn cảnh khác nhau. Những khác nhau được gọi chung là “những dị biệt”. Những dị biệt trong vòng các tín hữu trong Hội Thánh, có thể đưa đến tình trạng bất đồng và xung đột.

Phao-lô đã giúp mỗi chúng ta trong cách cư xử trước những dị biệt của anh em mình. Phao-lô đã tự quên mình để tìm xem ý Chúa muốn ông phải làm gì hơn là tranh cãi để chứng minh ý kiến của mình là đúng. Phao-lô nghĩ đến anh em mình hơn là những dị biệt của họ.


II. ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHỮNG LỜI VU KHỐNG (Công vụ 21:27-30).

Sau bảy ngày trong hạn kỳ của lễ tinh sạch gần mãn, thì một biến động đã xảy đến cho Phao-lô. Khi một số người Giu-đa quá khích ở A-si đến thủ đô, thấy Phao-lô trong đền thờ bèn xúi cả dân trong thành dấy loạn nghịch cùng Phao-lô. Họ buộc tội ông đã giảng dạy khắp thiên hạ nghịch cùng luật pháp và tục lệ Do-thái, buộc tội ông dẫn người ngoại vào đền thờ làm ô uế nơi thánh của họ.

Người Giu-đa muốn lấy cớ ấy để nhờ người Rô-ma cất lấy mạng sống của Phao-lô. Đứng trước động lực độc ác của một số người quá khích, có thể làm cho chúng ta giật mình, và hỏi tại sao những việc như thế có thể xảy ra cho một nhà truyền giáo đầy nhiệt tâm và tận tụy như Phao-lô. Nếu xét về bối cảnh và lịch sử Do-thái thời bấy giờ, hy vọng chúng ta tìm được câu trả lời cho câu hỏi vừa đặt ra. Người Do-thái rất bảo thủ và kiêu hãnh về tôn giáo Giu-đa của họ. Họ bảo thủ vì không muốn ai thay đổi bất cứ những gì mà ông cha họ để lại. Họ kiêu hãnh vì họ là dân tộc được Chúa chọn đặc biệt mang sứ điệp cứu rỗi của Ngài đến cho mọi dân tộc. Vì quá bảo thủ, họ đánh mất sự cảm thông, bởi kiêu hãnh, họ quên mất nhiệm vụ truyền giáo. Chẳng những thế, họ còn ganh cả những ai có lòng muốn đưa người khác đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Là nạn nhân những ganh ghét, ác cảm và kiêu hãnh tôn giáo đó, Phao-lô thấy trách nhiệm yêu thương của ông nặng nề hơn đối với dân tộc ông. Đứng trước những lời vu khống vô cớ, ông yên lặng và phó mình cho Đức Chúa Trời, Đấng thành tín đã gọi ông.

III. ĐỐI DIỆN VỚI BẮT BỚ VÀ ĐÁNH ĐẬP (Công vụ 21:31-35).

Trong lúc toàn dân như điên cuồng trước lời xui giục của nhóm người quá khích để hại Phao-lô. Tiếng đồn đến tai quan quản cơ, người lập tức bắt quân lính và cai đội kéo đến để xem chuyện gì xảy ra. Viên quản cơ nghi Phao-lô là duyên cớ của cuộc bạo loạn ấy nên quan truyền xích Phao-lô lại, trong khi những kẻ vu khống đánh đập ông một cách tàn nhẫn thì cứ ngang nhiên đi đứng tự do.

Đứng trong cơn khủng hoảng của Phao-lô, nhiều người trong chúng ta có thể hỏi “Chúa ở đâu?”, “Ngài đang ở đâu?”, “Tại sao Ngài không có mặt trong những khó khăn của đời con?”. Không chỉ riêng những ai trong cảnh bắt bớ, tù đày, áp bức, đòn vọt nghi ngờ sự hiện diện của Đức Chúa Trời, đôi khi đêm dài trằn trọc hoặc trước những quặn thắt nhức nhối không rời khỏi ta, hay những lúc gia đình đổ vỡ hoặc ly tan chúng ta thường hỏi “Chúa ở đâu?” Nhưng đứng trước những cơn khủng hoảng này, Phao-lô biết và thấy rõ được bàn tay của Đức Chúa Trời đang ôm trọn ông trong lúc Ngài yên lặng nhất. Dù phải qua những kinh nghiệm khổ đau trên thể xác, ông biết Chúa đang ở cùng ông để làm trọn mục đích của Ngài.

IV. BIỆN MINH CHO SỰ THẬT (Công vụ 21:37-39).

Khi được quân lính Rô-ma đưa đến trước quan quản cơ, Phao-lô dùng tiếng Hy-lạp (Gờ-réc) nói với quan, vì đó là ngôn ngữ của giới trí thức thời bấy giờ. Quan quản cơ ngạc nhiên bởi thoạt đầu ông cứ ngỡ Phao-lô là một loạn tướng hung dữ có bốn ngàn thuộc hạ người Ai-cập (câu 38). Phao-lô xin phép quan quản cơ để biện minh cho chính mình. Khi được phép, Phao-lô bình tĩnh đưa ra những sự thật về mình. Mặc dầu có những đe dọa, khủng hoảng nguy hiểm đến tính mạng, ông luôn chân thật, lịch sự bày tỏ về mình.

Qua bài học vui lòng chấp nhận những dị biệt, Phao-lô giúp mỗi người chúng ta thấy được mình cần có một thái độ ôn hòa như ông, trước những khủng hoảng tương tự. Khi rao giảng về Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều chống đối, không tin, đôi lúc còn làm khó dễ. Khi Chúa Giê-xu làm chứng với mọi người Ngài là ai, từ đâu đến và đến với mục đích gì. Nhiều người nghe đã không tin chính Ngài là Thượng Đế từ trời đến để giải bày chương trình cứu rỗi của Thượng Đế cho nhân loại. Chúng ta nghĩ những khủng hoảng ấy đã đến với Chúa thế nào. Dù vậy Ngài vẫn tiếp tục rao truyền lẽ thật cho đến giờ phút cuối cùng trên thập tự. Nhìn về bàn tay giải cứu của Chúa trên mạng sống Phao-lô, nhắc chúng ta về quyền năng của Chúa, giúp chúng ta hầu việc Chúa cách mạnh mẽ và hết lòng. Ngài sẽ hành động qua mọi hoàn cảnh của cuộc đời để làm trọn ý Ngài trên đời sống của chúng ta.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Muốn thịt luộc thơm ngon: Khi luộc thịt, hãy cho vào nồi chút bột ngọt, chút đường, chút muối và vài lát hành xắt mỏng, thịt sẽ rất thơm và ngon.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 25.08.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 25.08.2019

in PHỤ NỮ on 19 Tháng Tám, 2019

  1. Đề tài: NGƯỜI NỮ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI SỬ DỤNG.
  2. Kinh Thánh: Công vụ 9:36-39.
  3. Câu gốc: “Tại thành Giốp-bê, trong đám môn đồ, có một người đàn bà tên là Ta-bi-tha, nghĩa là Đô-ca; người làm nhiều việc lành và hay bố thí” (Công vụ 9:36).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Họp bạn

* CHỈ DẪN: Họp bạn.

  1. Tham dự: Mời một hay nhiều ban phụ nữ của các Hội Thánh khác tham dự họp bạn.
  2. Chương trình: Nhiều tuần trước ngày họp bạn, mời đại diện các ban phụ nữ họp lại để cùng hoạch định chương trình và phân chia công tác:

– Thời gian, địa điểm, chủ đề, câu gốc, thể loại thực hiện…

– Phân chia trách nhiệm cho từng ban: Tập hát, làm chứng, đố Kinh Thánh, phần thưởng, sinh hoạt, hướng dẫn chương trình, ẩm thực… Mỗi ban chịu một số tiết mục.

  1. Tiết mục: Các tiết mục nên có trong ngày họp bạn là: Bài ca mới, ca ngợi và cảm tạ, đố vui, đố Kinh Thánh, kịch, trò chơi lớn…
  2. Bảng tên: Dự kiến số người tham dự và số người cho mỗi nhóm để chuẩn bị các màu giấy thích hợp cho việc chia nhóm, mỗi màu là một nhóm. Bảng tên phải ghi rõ tên và Hội Thánh, để mọi người dễ làm quen. Sau đó mỗi nhóm cử một trưởng nhóm, một thư ký nhóm điều khiển nhóm mình tham gia trò chơi và sinh hoạt.
  3. Phần thưởng: Phần thưởng cho sinh hoạt nhóm phải sử dụng phù hợp cho giờ thông công sau đó.

    A. ĐỐ KINH THÁNH.

+ Mỗi ban phụ nữ nên cử ra một đại diện tham gia ban giám khảo. Các giám khảo phải có đáp án trước để việc chấm điểm được chính xác và công bằng.

+ Mỗi câu trả lời đúng được 10 điểm, sai bị trừ 5 điểm. Sau đó tổng kết và phát thưởng.

+ Người đố Kinh Thánh nên soạn khoảng 5-10 câu đố theo chủ đề ngày họp bạn. Có thể soạn theo phương cách sau đây:

  1. Đố lật mau: Nêu tên sách, đoạn, câu Kinh Thánh. Ai đọc lên trước sẽ được điểm.
  2. Đố tìm: Nêu lên sự kiện hoặc đọc lên câu Kinh Thánh, rồi yêu cầu các bạn tìm địa chỉ (sách, đoạn, câu)
  3. Đố đối chiếu: Đọc lên câu Kinh Thánh trong các đoạn đang đố và yêu cầu tìm câu có ý tương tự trong một nơi khác của Kinh Thánh. Hoặc đọc một câu Kinh Thánh – ngoài các đoạn đang đố – và yêu cầu tìm câu có ý tương tự trong các đoạn đang đố.
  4. Đố cử điệu: Ra cử điệu (kịch câm) theo ý nghĩa của câu Kinh Thánh và yêu cầu các bạn tìm câu Kinh Thánh.
  5. Đố hình vẽ: Vẽ lên bảng ý nghĩa câu Kinh Thánh và yêu cầu các bạn tìm câu Kinh Thánh.
  6. Đố con số: Ghi lên bảng hay tờ giấy các con số muốn đố. Ví dụ: 5, 2, 5.000, 12 – Trả lời: Mác 6:38-40.
  7. Đố liên hệ: Ví dụ:

Tôi là vợ của Y-sác (Trả lời: Tôi tên là Rê-bê-ca).

Gia-cốp là chồng của chúng tôi (Chúng tôi là Lê-A, Ra-chên, Bi-la và Xinh-ba).

Gô-li-át đã chết bởi tay tôi (Tôi là Đa-vít).

  1. Đố ca dao, tục ngữ: Ví dụ: “Thương cho roi cho vọt” – (Hê-bơ-rơ 12:6).
  2. Đố mẫu tự: Ví dụ: A. Trả lời: A-đam – B. Trả lời: Bê-tên.
  3. Đố Thánh ca: Nêu lên địa chỉ câu Kinh Thánh (Thi-thiên 119:105) và yêu cầu tìm ý nghĩa đó trong một bài Thánh ca (TC 432). Người tìm được phải hát một câu trong bài Thánh ca đó.

Hoặc đàn một bài Thánh ca (TC 362) và yêu cầu các bạn tìm ra câu Kinh Thánh có ý tương tự (Ê-sai 6:8).

  1. Đố chữ: Viết câu Kinh Thánh lên bảng, nhưng không theo thứ tự hoặc bỏ sót nhiều chữ.
  2. Đố trí nhớ: Nêu lên sự kiện hoặc đọc lên địa chỉ câu Kinh Thánh. Yêu cầu các bạn trả lời (không được lật Kinh Thánh).
  3. Đố vui (đố mẹo): Để tạo không khí vui tươi ở cuối giờ đố Kinh Thánh.

Vd 1: Trong Kinh Thánh ông nào nhiều thẹo nhất? – Đa-vít.

Vd 2: Tiên tri nào làm bột ngọt? – A-mốt (Bột ngọt A- One).

Vd 3: Ai hát dở nhất trong Kinh Thánh? – Ca-lép.


B. SINH HOẠT.

TAM SAO THẤT BẢN.

– Cách chơi: NHD cho các bạn chơi ngồi thành vòng tròn. NHD trao cho một trong các bạn một câu Kinh Thánh nào đó để truyền thông với nhau. Khoảng 3 phút sau, NHD thổi một tiếng còi kết thúc. Người nào vẫn còn đang nói cho bạn mình thì người đó phải bị loại; trường hợp đã nói xong, thì người vừa mới được nghe phải trình bày lại câu Kinh Thánh đó thật đúng. Nếu sai thì người đó phải bị loại. Trò chơi được lặp lại nhiều lần sau đó.

* Lưu ý: NHD nên chọn câu Kinh Thánh đơn giản, không quá dài.

HÃY NHÌN XEM!

– Cách chơi: Cho các bạn tham gia đứng thành vòng tròn. NHD chọn một người ra trước vòng tròn để quan sát vị trí các bạn thật kỹ, sau đó bịt mắt người này lại khoảng 1 – 2 phút. Sau đó mở khăn bịt mắt cho người này và yêu cầu tìm xem bạn nào đã thay đổi vị trí đứng trong vòng tròn. Nếu bạn nào bị phát hiện, phải ra thay thế làm người quan sát.  

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Để trái cây không bị thâm đen sau khi gọt vỏ: Trước khi gọt, cần chuẩn bị một tô nước muối nhạt, sau khi gọt xong cho trái cây vào trong nước muối, ngâm vài phút rồi vớt ra để ráo, xếp ra đĩa. Trái cây sẽ giữ độ trắng như ban đầu.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 18.08.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 18.08.2019

in PHỤ NỮ on 19 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 18.08.2019

  1. Đề tài: ĐIỀU LÀM THỎA LÒNG.
  2. Kinh Thánh: Ê-sai 55:1,3,6-11.
  3. Câu gốc “Sao các ngươi trả tiền mua đồ không phải là bánh? Sao các ngươi đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no?” (Ê-sai 55:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Câu gốc, bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng hiến, cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Tư tưởng gia Oscar Wilde có lần đã nói “Người sống trong thế gian phải đối diện với hai thảm kịch: Một là không có được điều mình muốn có, và điều còn lại là muốn có được điều mình muốn có”. Chúng ta nghĩ như thế nào về câu nói có tính cách nghịch lý nầy? Riêng tôi, tôi thấy Oscar Wilde đã nói hoàn toàn đúng. Nhận xét của ông là một từng trải khi ông quan sát kỹ đời sống con người. Lão Tử cũng có lần nói: “Con người đau khổ vì bắt cái hữu hạn chứa đựng cái vô hạn”. Người Việt của mình cũng có nhiều câu rất hay, đơn giản, nhưng ý rất thâm sâu. Thí dụ như câu: “đứng núi nầy trông núi nọ”, hoặc câu: “được đó quên đăng, được trăng quên đèn”. Những câu nói nầy nói lên điều gì? Phải chăng là ám chỉ việc không thỏa lòng trong đời sống con người. Tệ hại hơn là câu “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Tình bạn là mối liên hệ thâm tình, thế mà khi giàu họ cũng đổi để cho thích hợp với địa vị, cuộc sống phú quý của họ. Vợ chồng là tình sâu, nghĩa nặng mà cũng vì giàu sang nhiều người bỏ chồng, đổi vợ để thỏa mãn sự khát khao phát xuất từ lòng ích kỷ của mình. Từ đó, tranh chấp, hận thù, đổ vỡ, chia ly xảy ra, làm tan nát không biết bao nhiêu gia đình. Đức Chúa Trời từ trên cao, nhìn thấy suốt sự đau khổ đầy tính chất phi lý nên Ngài đã đặt câu hỏi nầy: “Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh? Sao đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no?” (Ê-sai 55:2). Một số người làm việc đầu tắt mặt tối mà quên cả bổn phận trong gia đình. Lời Chúa trong phần Kinh Thánh hôm nay thật là quý báu cho mỗi chúng ta. Đó là lời mời gọi vô cùng quý báu xuất phát từ tình yêu vô bờ bến của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy suy gẫm đoạn Kinh Thánh nầy để rút ra những bài học hữu ích cho đời sống tâm linh của chúng ta.


I. HÃY MUA ĐIỀU TỐT NHẤT (Ê-sai 55:1).

Thế nào là điều tốt nhất? Để trả lời câu hỏi nầy chúng ta cần biết một điều: Đó là sự khác biệt giữa điều mình muốn và điều mình cần. Có nhiều người đã điên cuồng tìm mọi cách, kể cả bất chính để thỏa mãn điều mình muốn. Than ôi! “Túi tham không đáy”, ai có thể làm cho nó đầy được? Bởi đó mà có câu chuyện “Ăn Khế Trả Vàng”. Qua câu 1, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đến với Ngài; đến với nguồn nước sống để được thỏa mãn điều mình cần. Thật sự cần, mãi mãi cần. Tiên tri đã diễn đạt lời mời ân cần của Chúa qua cách dùng ngôn ngữ trong giới thương mại để giúp người nghe hiểu rõ được sứ điệp vô cùng quan trọng nầy. Chữ “mua” phản nghĩa với chữ “bán”, như vậy thế nào là “Mua mà không cần tiền?” Đây là điều khó cho người mua hiểu được. Nhưng nếu ai hiểu được thì đó là một phước hạnh vô cùng cho họ, vì họ sẽ nhận thức ra rằng Đức Chúa Trời đã yêu thương họ, thương xót họ khi Ngài đã ban Con Một của Ngài là Cứu Chúa Giê-xu, Đấng đã trở nên nguồn nước sống, đời đời, sung mãn cho những ai tìm đến với Ngài (Giăng 7:37-38). Tại sao? Vì tiền không thể nào mua được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Thế tại sao không dùng chữ “cho” để thế chữ “mua”? Ê-sai đã không dùng chữ “cho” để thế chữ “mua” vì một lý do hết sức là thâm thúy. Con người có thể đến với Đức Chúa Trời để nhận được sự cứu rỗi. Bởi vì chính Chúa Giê-xu đã trả giá cho linh hồn của chúng ta bằng huyết của Ngài rồi, nên chúng ta không cần phải trả cho Đức Chúa Trời điều gì cả. Chỉ cần lấy đức tin để tiếp nhận. Giăng 3:16 chép rằng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài; hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.


II. ĐỂ CÓ SỰ BẢO ĐẢM ĐỜI ĐỜI (Ê-sai 55:3).

Để con người có được một đời sống sung mãn, tràn đầy hạnh phúc, hy vọng và niềm vui, con người phải từ bỏ những điều ham muốn quá đáng và phi lý của mắt mình, của tai mình. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta ba điều:

(1) Hãy nghe bằng tai thuộc linh.

(2) Hãy nghe bằng thái độ ân cần, chăm chú (nghiêng tai).

(3) Hãy đến thật gần Đức Chúa Trời để nghe (vì Ngài không nói với mọi người nhưng nói với mỗi tấm lòng, với từng cá nhân).

Tóm lại, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải có ý thức để nhận biết mình sai lầm, từ đó sẽ dẫn đến sự ăn năn, hối cải, cuối cùng lấy đức tin tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Đó là phương cách duy nhất và không có một cách nào khác để con người có sự đảm bảo đời đời.

III. ĐƯỢC SỰ CHỈ DẪN TRỌN VẸN (Ê-sai 55:6-7).

Đã nêu lên ví dụ để chúng ta biết muốn thay đổi đời sống, tín ngưỡng để có sự cứu rỗi đời đời là một điều khó. Đó là thí dụ về yến tiệc lớn (Lu-ca 14:17-18). Ê-sai đã đưa ra những sự chỉ dẫn hết sức thiết thực nhằm giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Thứ nhất người đó phải “tìm kiếm”. Vì sao? Vì “Nước Thiên đàng giống như của báu chôn trong đám ruộng kia” (Mat 13:44). Không thấy giá trị nước trời, con người sẽ không hết lòng tìm kiếm. Thứ hai, người đó phải “kêu cầu”. Vì sao? Vì “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ cửa sẽ mở cho” (Mat 7:7). Lý do là Chúa không ép buộc một ai nhận ơn cứu rỗi, mà Ngài chỉ cho những ai hết lòng cầu xin mà thôi.


1. BIẾT MỘT KẾ HOẠCH TỐT HƠN (Ê-sai 55:8-9).

Có nhiều người do dự không chịu đến với Chúa một cách mạnh dạn, dứt khoát là vì họ không am tường chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Và họ không biết chắc hiệu năng của sự cứu rỗi mà Chúa đã hứa ban cho họ. Theo quan niệm thông thường thì cái gì càng quý thì phải mua càng đắt. Không có cái gì quý mà người ta cho không cả. Vì vậy họ tìm mọi cách, hy sinh, chịu khổ, tu hành, làm công đức, lần chuỗi, tụng niệm với hy vọng rằng mình sẽ đạt được điều mình muốn để bước vào Thiên đàng hoặc Niết bàn hoặc Bồng lai tiên cảnh khi mình lìa bỏ cuộc sống phàm tục. Hiểu rõ những cố gắng vô vọng của con người, Đức Chúa Trời khuyên họ nên nhận thức rằng nếu họ không thể đo lường sự cao xa của đất trời, sự rộng lớn của vũ trụ thì cũng đừng đoán định đường lối Chúa, chỉ nên lấy đức tin chấp nhận mà thôi.

2. MỘT SỰ BẢO ĐẢM THỎA LÒNG (Ê-sai 55:10-11).

Dùng hai thí dụ rất tượng hình, Ê-sai cho chúng ta thấy giá trị sự tin quyết trong Lời của Chúa, “mưa” và “tuyết” mà Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại để bảo tồn thiên nhiên, và Lời Chúa cũng sẽ được ban cho để bảo tồn đời sống tâm linh con người. Lời Chúa sẽ đem đến những hiệu năng siêu việt, những thành quả muôn đời.

a. Đức Chúa Trời đã ban cho ta nhu cầu tâm linh quý báu và chân thật. Hãy khuyến khích người chưa tin tìm đến Ngài để được một đời sống thỏa lòng (Ê-sai 55:1).

b. Lời hứa về một đời sống thiêng liêng trong Chúa Cứu Thế sẽ giúp mỗi người hết lòng tìm kiếm Ngài.

c. Lời hướng dẫn tường tận về chương trình (Ê-sai 55:3) cứu rỗi sẽ nâng đỡ người chưa tiếp nhận Chúa thêm mạnh dạn tin nhận Ngài.

d. Sự nhận thức về sự khôn ngoan kỳ diệu của Đức Chúa Trời giúp người nghe biết hạ mình để nghe lời chỉ dạy của Chúa hầu cho họ có được đời sống sung mãn.

e. Nhận thức giá trị quyền năng của lời chia sẻ Tin lành cho mọi người, đặc biệt là những linh hồn chưa có sự cứu rỗi.


* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Bảo quản thịt: Nếu bạn không có tủ lạnh, muốn giữ thịt tươi
3-4 ngày. Khi mua thịt về, bạn ngâm thịt vào nước phèn chua (10g phèn/1 lít nước chín để nguội). Sau một giờ lấy ra xát muối rang, tán nhỏ vào khắp miếng thịt, đem treo chỗ thoáng. Hoặc gói thịt vào khăn vải nhúng giấm, để qua đêm thịt vẫn tươi ngon.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 11.08.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 11.08.2019

in PHỤ NỮ on 6 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 11.08.2019

  1. Đề tài: HỌC HỎI LẪN NHAU.
  2. Kinh Thánh: Công vụ 18:1-24; 19:6.
  3. Câu gốc: “Vậy, người khởi sự giảng cách dạn dĩ trong nhà hội. Bê-rít-sin và A-qui-la nghe giảng, bèn đem người về với mình, giãi bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ lưỡng hơn nữa” (Công vụ 18:26).
  4. Đố Kinh Thánh: Sáng thế ký 16-18.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (Nêu sự việc đã xảy ra).

– Câu hỏi suy luận (Tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (Ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

  1. Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước để nắm vững nội dung của buổi học, nhờ đó các nhóm trưởng sẽ tự tin khi hướng dẫn nhóm mình và không lệch mục tiêu ban đầu.
  2. Thời gian học Kinh Thánh.
  3. 5 phút giải thích và chia nhóm.
  4. 20 phút thảo luận.
  5. 10 phút tường trình.
  6. 5 phút đúc kết.
  7. Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền, giải thích phương pháp học, đọc câu hỏi rồi tiến hành chia nhóm.
  8. Chia nhóm: Tùy theo số ban viên, có thể chia thành nhiều nhóm từ 5 đến 10 người.
  9. Vị trí: Ủy viên linh vụ sắp xếp chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
  10. Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho các trưởng nhóm.
  11. Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Trưởng nhóm phải được chọn trước để cùng học với Ủy viên linh vụ, nhiệm vụ chính của trưởng nhóm là đưa ra câu hỏi và gợi ý để các bạn trả lời, hướng dẫn buổi thảo luận đi đúng mục tiêu. Thư ký nhóm được cử ra để ghi lại kết quả của buổi thảo luận và tường trình trong giờ đúc kết.
  12. Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, Ủy viên linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa lại những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kêu gọi ban viên làm theo sự dạy dỗ nhận được qua buổi thảo luận.

* Câu hỏi học Kinh Thánh:

  1. Xem Công vụ 18:1-17 cho biết:

(1.1) Xin bạn cho biết A-bô-lô là người như thế nào?

(1.2) Theo Kinh Thánh mô tả sự “khéo nói và hiểu Kinh Thánh” của A-bô-lô có nghĩa gì?  

 (1.3) Bạn học được điều gì qua tinh thần rao giảng đạo Chúa của A-bô-lô?

  1. Xem Công vụ 18:26 cho biết:

(2.1) Khi nghe A-bô-lô giảng dạy về đạo Chúa, A-qui-la và
Bê-rít-sin đã làm gì với A-bô-lô?

(2.2) Vì sao A-qui-la và Bê-rít-sin phải làm vậy với A-bô-lô? Xin cho biết thái độ của A-bô-lô khi được A-qui-la và Bê-rít-sin giúp đỡ?

(2.3) Bạn học được gì qua tinh thần hầu việc Chúa của A-qui-la, Bê-rít-sin và của A-bô-lô?

III. Xem Công vụ 19:8-12 cho biết:

(3.1) Khi Phao-lô đi đến nơi nào giảng đạo thì ông thường lưu lại nơi đó rất lâu để làm gì?

(3.2) Việc nầy sẽ đem lại ích lợi gì cho người mới tin?

(3.3) Theo bạn, muốn cho người khác hiểu biết lẽ đạo cách rõ ràng thì bạn phải giúp đỡ cho họ bằng cách nào?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Hôm nay chúng ta học chuyện Bê-rít-sin và A-qui-la. Sau khi nghe A-bô-lô giảng họ đã đưa A-bô-lô về nhà mình để giãi bày đạo Chúa cách kỹ càng. Tinh thần hiếu học là tinh thần rất tốt. Là anh chị em trong Chúa, chúng ta cần học tập lẫn nhau. Nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy, nghe được những điều hay của người khác để dùng làm bài học cho mình.

  1. NHU CẦU HỌC HỎI (Công vụ 18:24-25).

Sau khi truyền giáo tại A-thên, Phao-lô đi đến Cô-rinh-tô và ở lại một năm rưỡi (Công vụ 18:1-17). Từ đó ông đi thuyền đến Ê-phê-sô với A-qui-la và Bê-rít-sin là những người mà ông đã có dịp ở chung tại Cô-rinh-tô. Ông để hai người ở lại Ê-phê-sô còn ông đi thăm viếng các Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem và An-ti-ốt.

Ê-phê-sô là một thành phố rộng lớn với 300.000 dân ở bờ biển phía Tây thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ê-phê-sô là thủ đô của Tiểu Á thuộc đế quốc La-mã. Trong khi Phao-lô vắng mặt, có một người tên là A-bô-lô đến viếng Ê-phê-sô.

A-bô-lô là một người Do-thái được sinh trưởng tại A-léc-xan-tri là một thành phố rộng lớn với hơn sáu trăm ngàn dân thuộc đủ mọi chủng tộc bao gồm người Ai-cập, La-mã, Hy-lạp, Do-thái và là một trung tâm văn học đương thời.

A-bô-lô là một tay “khéo nói và hiểu Kinh Thánh… Người đã học đạo Chúa; nên lấy lòng rất sốt sắng mà giảng và dạy kỹ càng những điều về Đức Chúa Giê-xu, dẫu người chỉ biết phép báp-têm của Giăng mà thôi” (Công vụ 18:24).

Nguyên văn của “khéo nói” cũng có nghĩa là uyên bác và hùng biện. A-bô-lô được học tập từ trường đại học danh tiếng A-léc-xan-tri và cũng có thể là nơi đó ông đã tập luyện tài diễn thuyết và hùng biện của mình. Ông cũng là người “hiểu” Kinh Thánh. Có thể ông đã học tập Cựu Ước từ lúc còn thơ ấu và cứ tiếp tục học cho đến trưởng thành. Quá khứ và sự hiểu biết của ông đã giúp ông trở nên một nhân vật đáng kể trong việc mở mang Nước Trời.

Ngày nay, có thể chúng ta không biết tương lai sẽ đem lại cho mình điều gì, tuy nhiên nếu chúng ta cứ nắm lấy mọi cơ hội để học tập và trau dồi tài khéo chắc Chúa sẽ dự bị cho chúng ta những công tác thích hợp với khả năng mình. Mỗi một người trong chúng ta nên có một nền học vấn như A-bô-lô, hiểu biết Kinh Thánh, uyên bác trong sự học tập và sốt sắng nói về Chúa cho người khác. Chúng ta không biết A-bô-lô tin Chúa ở đâu lúc nào, dẫu sao A-léc-xan-tri là một thành phố rộng lớn có đông người Do-thái, có thể một tín hữu nào đó từ Pha-lê-tin đến để truyền đạo Chúa cho ông. Trong lúc nầy ông chỉ biết có báp têm của Giăng mà thôi, A-bô-lô cần học hỏi nhiều hơn nữa về Đấng Christ hầu cho sự hiểu biết của ông được trọn vẹn. Tuy là ông chỉ biết Chúa qua sự học hỏi, chưa hiểu gì về Đấng Christ, nhưng điều mà chúng ta có thể học hỏi nơi ông là lòng sốt sắng rao truyền đạo Đức Chúa Trời của ông.

   2. GIÚP NGƯỜI KHÁC HỌC (Công vụ 18:26).

Tôi có nghe chuyện của một ông cụ kia khi được hỏi rằng có việc gì cụ đã làm khiến cụ ghi nhớ lâu nhất? Cụ trả lời rằng cụ nhớ nhất là lúc có một cậu bé đến hỏi cụ chỉ đường cho cậu, và khi cậu bé vừa đi vừa hát trên con đường mà ông cụ chỉ cho, cụ cảm thấy trong lòng lâng lâng sung sướng. Mỗi người trong chúng ta đều có một cơ hội nào đó để giúp những người khác trên chặng đường đời của họ. A-qui-la và Bê-rít-sin đã có cơ hội để ghi lại một phần kinh nghiệm lâu dài trong cuộc đời của A-bô-lô. Mặc dầu A-bô-lô là một người trí thức còn A-qui-la và Bê-rít-sin chỉ là hai người may lều, nhưng họ đã khôn ngoan giúp đỡ A-bô-lô hiểu biết về Chúa và tiếp nhận Ngài. A-bô-lô dầu là trí thức, ông vẫn có tinh thần chịu học hỏi, không tự cao, kiêu ngạo nên Tin lành của Chúa đã thấm nhuần vào ông và ông trở nên một người kết quả cho Chúa.

III. KẾT QUẢ CỦA SỰ HỌC HỎI (Công vụ 18:27-28).

Sau khi A-bô-lô hiểu rõ sứ điệp của Cơ Đốc giáo, ông đi đến
A-chai. Có thể A-bô-lô đã nghe nhiều lần về vùng đất này, nên ông quyết định đến đó để giảng dạy. Khi đến A-chai, việc đầu tiên mà ông làm là giúp anh em tín hữu tại đó. Ông đã nhờ Chúa mà “bổ ích cho kẻ đã tin theo” (c.27).

Từ thư thứ nhất của Phao-lô cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, chúng ta được biết A-bô-lô đã ở lại Cô-rinh-tô một thời gian. Phao-lô nhắc lại công tác của A-bô-lô như sau: “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới…” (1Cô-rinh-tô 3:6). Một công tác quan trọng khác của A-bô-lô tại Cô-rinh-tô là hầu việc Chúa giữa những người chưa biết Ngài. Cũng như tại Ê-phê-sô, A-bô-lô đến nhà hội của người Do-thái và “bẻ bác” người Do-thái về sự cứng lòng của họ.

Một trong những ân tứ Chúa ban cho A-bô-lô là tài hùng biện trước công chúng. Ông đã dạn dĩ trình bày minh bạch Tin lành của Chúa trong các nhà hội Do-thái. Ông hiểu rõ Kinh Thánh nên ông đã “bày tỏ” cho người ta thấy rằng: Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ. Có thể ông đã căn cứ vào những lời tiên tri của Cựu Ước để chứng tỏ cho người ta thấy rằng chính Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a mà Cựu ước đã đề cập đến.

  1. TÌM KIẾM NHỮNG NGƯỜI NÀO CẦN HỌC HỎI (Công 19:1-6).

Trong lúc A-bô-lô hầu việc Chúa tại Cô-rinh-tô, Phao-lô đi trở lên phương Bắc rồi trở xuống thành Ê-phê-sô, nơi ông đã từng đến trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Lần nầy Phao-lô quyết định ở lại lâu hơn. Trong những ngày đầu tiên Phao-lô giúp cho các môn đồ của Giăng chịu báp têm nhân danh Đức Chúa Giê-xu. Sau khi
Phao-lô đặt tay trên họ, họ được đầy dẫy Thánh Linh, họ nói tiếng ngoại quốc và nói tiên tri.

Nhờ có tinh thần khiêm nhường học hỏi, các môn đồ của Giăng đã nhận được những ân tứ vô cùng đặc biệt từ Đức Thánh Linh.

Trong hai năm Phao-lô và những bạn đồng lao làm việc ròng rã, siêng năng đến nỗi “Mọi người ở trong cõi A-si, hoặc người Giu-đa hay là người Gờ-réc đều nghe đạo Chúa”. Chúng ta không rõ
Phao-lô đã dùng phương pháp nào trong việc quảng bá Lời Chúa cho dân chúng; nhưng điều chúng ta đọc thấy ở đây là ông đã “dạy dỗ hằng ngày” (Công vụ 19:9). Nhóm lại ở nhà thờ để học Lời Chúa mỗi ngày là điều khó thực hiện đối với những gia đình tín hữu phải làm lụng suốt cả tuần lễ. Tuy nhiên nếu Hội Thánh có nhiều gia đình tín hữu ở rải rác trong thành phố, mỗi gia đình có thể luân phiên tiếp đón bạn hữu đến học Lời Chúa tại nhà riêng của mình. Như vậy, việc học Lời Chúa hằng ngày có thể thực hiện được. Bạn cũng hãy xét xem gia đình bạn có thể mở rộng để đón lớp Kinh Thánh tư gia một tháng một lần hoặc hai tuần lễ một lần chưa? Chắc chắn bạn sẽ được phước lớn từ nơi Chúa và là nguồn phước cho nhiều người khác nữa.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Bảo quản trà: Trà gói kỹ, cất vào tủ lạnh, trà sẽ giữ được mùi trong một thời gian dài. Hoặc cho trà vào lọ thiếc có lót bằng sành sứ, không nên cho vào lọ thủy tinh, để nơi thoáng.

 

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 10.02.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 10.02.2019

in PHỤ NỮ on 2 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 10.02.2019

  1. Đề tài: THAM GIA PHỤC VỤ.
  2. Kinh Thánh: Công-vụ 2:37-47.
  3. Câu gốc: “…Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu chịu báp-têm, để được tha tội mình; rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh” (Công-vụ 2:38).
  4. Đố Kinh Thánh: Phi-lê-môn – Hê-bơ-rơ 1-2.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “THAM GIA PHỤC VỤ”.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài cùng nhau trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Giả sử bạn là người nộp đơn xin việc làm tại một cơ quan, công ty hoặc xí nghiệp nào đó, có lẽ bạn phải chờ người ta duyệt xét đơn từ của mình. Nếu bạn hội đủ điều kiện tuyển dụng, người ta sẽ mời bạn vào phỏng vấn. Khi được phỏng vấn dĩ nhiên bạn sẽ muốn kể ra học vấn, khả năng, kinh nghiệm của mình cách đầy đủ, tốt đẹp. Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem nếu những người sau đây được Chúa phỏng vấn cách kỹ lưỡng và được tuyển chọn theo tiêu chuẩn thông thường thì họ có thể nhận được việc Chúa giao cho không?

– Nô-ê, người say sưa sau biến động kinh hoàng.

– Môi-se, người cà lăm, lại phạm tội sát nhân.

– Áp-ra-ham, người già quá.

– Gia-cốp, người nói láo, kẻ tranh giành quyền lợi, địa vị.

– Na-ô-mi, người góa bụa cay đắng.

– Đa-vít, khi còn là thiếu niên dáng người nhỏ quá, mặc áo giáp không vừa, chẳng có kinh nghiệm chiến trường.

– Đa-vít, khi lớn tuổi lại phạm tội tà dâm.

– Sa-lô-môn, khi còn trẻ thì tài hoa, giàu có quá còn lúc về già lại đâm ra hư hỏng, hoang đàng.

– Ê-li, người kiệt lực, nản chí và chỉ muốn chết.

– Ô-sê, người kết hôn với một người nữ trắc nết.

– A-mốt, người trồng tỉa cây vả, ngoài ra chẳng biết gì khác.

– Giô-na, người trốn chạy, tránh né Chúa.

– Phi-e-rơ, người nóng nảy, bộp chộp.

– Ma-thê, người lo lắng những chuyện vu vơ, vớ vẩn, vụn vặt.

– Ma-ri, người lười biếng, chẳng muốn phụ việc nhà.

– Giăng Mác, người bỏ cuộc khi gặp thách thức, khó khăn.

– Phao-lô, kẻ bắt bớ cố làm tàn hại Hội Thánh của Chúa.

– Ti-mô-thê, người đau bệnh kinh niên trong đường tiêu hóa.

Bạn hãy yên tâm, Đức Chúa Trời không đòi chúng ta phải là người hội đủ những điều kiện về học vấn, khả năng và kinh nghiệm trước khi Ngài có thể sử dụng chúng ta. Ngài cũng không căn cứ vào khiếm khuyết hoặc lỗi lầm của chúng ta để khước từ chúng ta. Điều quan trọng trong sự hầu việc Chúa là sự thay đổi nhân cách để thích ứng với công tác thiêng liêng. Người hầu việc Chúa có thể là người có tài hoặc chẳng có tài nào đáng kể nhưng phải là người có đức và sẵn sàng để Chúa uốn nắn mình, tôi luyện mình, sử dụng mình cho mục đích tốt lành, xứng đáng và trọn vẹn của Ngài.


  1. ĐƯỢC ĐỨC THÁNH LINH CẢM THÚC (Công-vụ 2:37).

Lời Chúa có dạy rằng nếu chẳng phải bởi Đức Thánh Linh cảm động thì không ai có thể xưng nhận Đấng Christ. Cũng vậy, nếu chẳng phải bởi Đức Thánh Linh cảm động thì không ai có thể hầu việc Chúa cách hết lòng và đầy ý nghĩa. Khi ý thức rõ tình thương và sự hi sinh Chúa dành cho chính mình, chúng ta đáp ứng lại tình thương và sự hi sinh đó bằng niềm tin đơn sơ, chân thành. Khi nhận biết rõ cần rao giảng Tin Lành, truyền Phúc Âm của Chúa, chúng ta dâng mình hầu việc Chúa. Sự đáp ứng của chúng ta, sự dâng mình của chúng ta cần phải do Đức Thánh Linh cảm thúc. Không phải vì chúng ta muốn mà được. Nếu chẳng phải bởi ý Chúa, nếu chẳng do quyền của Chúa thì việc chúng ta làm có hay đến mấy hoặc tốt đến mấy cũng chỉ là việc gượng ép luống công.

Sau khi dân chúng nghe Phi-e-rơ rao giảng Lời Chúa, lòng họ cảm động và hỏi Phi-e-rơ cùng những sứ đồ khác “Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi?”. Có thể là lúc đó Phi-e-rơ rao giảng mà quên khuyên mời chăng? Chúng ta không biết có thật như vậy hay không, nhưng phản ứng của dân chúng quả là phản ứng đầy khích lệ. Khi đã được chính Đức Thánh Linh cảm thúc thì chẳng cần được nhắc nhở hoặc mời gọi, người nghe cũng sẵn sàng đáp ứng.

2. ĂN NĂN TỘI LỖI TRƯỚC MẶT CHÚA (Công-vụ 2:38-41).

Ăn năn tội lỗi bao gồm ít nhất bốn điều: Buồn rầu, bức rức, bối rối, buông rơi. Người có lòng ăn năn thật không phải chỉ hối tiếc một chút về sự vấp phạm của mình nhưng còn khổ sở, đau đớn, buồn rầu vì nó nữa. Khi nhận biết tội lỗi của mình, vua Đa-vít nói:

“Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy thương xót tôi, tùy lòng nhân từ của Chúa; xin hãy xóa các sự vi phạm tôi, theo sự từ bi rất lớn của Chúa. Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác, và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi. Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi, tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi. Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, và làm điều ác trước mặt Chúa; hầu cho Chúa được xưng công bình khi Chúa phán, và được thanh sạch khi Chúa xét đoán” (Thi-thiên 51:1-4).

Sự buồn rầu của Đa-vít là sự buồn rầu hết sức chân thành.

Cũng vậy, khi nhận biết tội lỗi của mình, người con trai hoang đàng nói: “Thưa cha, tôi đã đặng tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa, xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy” (Lu-ca 15:18b-19). Lương tâm của đứa con trai hoang đàng đó có bị giày vò, dằn vặt từ ngày nay sang ngày khác khiến nó cứ phải bức rức, khó chịu mãi. Nó bối rối vì cớ tội lỗi nó đã vấp phạm. Và cuối cùng nó phải quyết định từ bỏ tội lỗi, dứt khoát buông rơi tội lỗi.

Ăn năn tội lỗi liên hệ đến ba phương diện: Lý trí, cảm xúc và ý chí. Người có lòng ăn năn chân thành là người nhận biết cách rõ ràng tội của mình. Lý trí của người đó cho thấy rõ người đó đã vấp phạm. Người nhận biết tội của mình, không che đậy, không biện bạch, không bào chữa. Lòng người đó ghê tởm tư tưởng bất chính, việc làm sai quấy của mình. Ý chí người đó dứt khoát chuyển hướng, quăng hết gánh nặng tội lỗi và hướng đến Chúa để nài xin Chúa tha thứ.

Người ăn năn tội lỗi và được Chúa tha thứ là người có đời sống đổi mới, một đời sống hiến dâng, một đời sống phục vụ. Có người nói Đức Chúa Trời gớm ghét tội lỗi nhưng Ngài yêu thương tội nhân. Điều đó đúng nhưng không được lạm dụng. Người đã được Chúa tha thứ phải lấy lòng kỉnh kiền mà bước đi theo Chúa, phải thận trọng trong cách ăn nết ở của mình, không còn để mình bị buộc trói dưới ách tôi mọi của tội lỗi nữa.

Xét về thời gian, sự ăn năn tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời có ảnh hưởng trên quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Về quá khứ người có lòng ăn năn thống hối trước mặt Đức Chúa Trời biết rõ tội lỗi của mình đã được tẩy xóa và mình hoàn toàn được buông tha khỏi hình phạt do tội lỗi gây nên. Về hiện tại, người có lòng ăn năn thống hối trước mặt Đức Chúa Trời ý thức rằng mình đã được Chúa mua chuộc bằng giá rất cao, bởi đó người không dám tái phạm, không dám lầm lẫn, liều lĩnh, hoặc để cho ma quỉ lung lạc mình nữa. Về tương lai, người có lòng ăn năn thống hối trước mặt Đức Chúa Trời biết rõ sự cứu rỗi mình nhận được là sự cứu rỗi chắc chắn và mình sẽ được dự phần trong nước Thiên đàng của Chúa. Chúa đã tha tội một lần đủ cả. Sự cứu rỗi của người đó được bảo đảm bởi chính Đức Chúa Giê-xu Christ chớ chẳng phải bởi việc lành hoặc sự công bình của chính mình.

III. HẦU VIỆC CHÚA TRONG HỘI THÁNH (Công-vụ 2:42-47).

Sau khi ăn năn tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời và tin nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa, các môn đồ trong Hội Thánh ban đầu đã làm gì? Họ học hỏi lời Đức Chúa Trời cách hào hứng. Họ thông công cách hớn hở. Họ đến cùng Chúa để cầu nguyện cách hân hoan. Họ hô hào, cổ động lòng kính sợ Chúa. Họ cứ hội hiệp lại với nhau và chuyên tâm thờ phượng Chúa và gìn giữ sự hòa thuận, hiệp một. Họ biết rằng khi hoàng hôn của đời này buông xuống, họ sẽ ra khỏi hình hài trần thế để hồi hương trong nước huy hoàng của Chúa. Bởi vậy, cho nên họ cứ làm chứng cho Chúa cách hăng hái, họ cứ hầu việc Chúa cách trung tín. Kết quả thật tốt lành: Chúa ban phước khiến cho Hội Thánh ngày càng đông người hơn.

Theo học giả William Barclay thì Hội Thánh ban đầu có chín đặc điểm.

(1) Đó là một Hội Thánh chịu học hỏi.

(2) Đó là một Hội Thánh của sự thông công.

(3) Đó là một Hội Thánh cầu nguyện.

(4) Đó là một Hội Thánh kính sợ Đức Chúa Trời.

(5) Đó là một Hội Thánh có nhiều dấu kỳ, phép lạ.

(6) Đó là một Hội Thánh biết chia sẻ.

(7) Đó là một Hội Thánh thờ phượng.

(8) Đó là một Hội Thánh đầy đủ hạnh phúc.

(9) Đó là một Hội Thánh mà người khác không thể nào bắt chước để trở nên giống như vậy được.

Hội Thánh ban đầu của Chúa là Hội Thánh có tinh thần vị tha rất cao. Khuynh hướng thông thường của con người là khuynh hướng vị kỷ. Tuy nhiên, khi được Chúa đổi mới, tôi luyện người tin có thể suy nghĩ đến Chúa và tha nhân hơn là chỉ nghĩ đến chính mình. Đó là lý do khiến họ dám tình nguyện san sẻ hết những gì mình có thể san sẻ, đóng góp hết những gì mình có thể đóng góp mà không hề sợ bị thiệt thòi.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC

Trị mụn cám.

Mụn cám không có ngòi, da vẫn nhẵn vì mụn là những hột nhỏ lấm tấm, nổi lên ở dưới da như có chất màu trắng trong.

Cách trị: Dùng bột ngô trộn lòng trắng trứng gà đắp lên da, dần sẽ hết.

 

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 03.02.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 03.02.2019

in PHỤ NỮ on 2 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 03.02.2019

  1. Đề tài: SINH NHẬT QUÝ I.

  2. Kinh Thánh: Thi-thiên 139:13-16.
  3. Câu gốc: Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm” (Thi thiên 139:14).
    1. Đố Kinh Thánh: Tít 1-3.
    2. Thể loại: Ca ngợi – Cảm tạ.

    * CHỈ DẪN: Sinh nhật (Ca ngợi – Cảm tạ).

    1. Mỗi quí, tổ chức một buổi sinh nhật cho các bạn sinh trong quí đó. Sinh nhật của quí 1 dành cho các bạn sinh trong tháng 1, 2, 3, quí 2 (tháng 4, 5, 6), quí 3 (tháng 7, 8, 9), quí 4 (tháng 10, 11, 12).
    2. Với những người không nhớ ngày sinh, xin lấy ngày tin Chúa, hoặc bất kỳ ngày tháng nào có nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ để làm sinh nhật.
    3. Thư ký ghi vào sổ và giao danh sách các ban viên có ngày sinh nhật trong quí cho thủ quỹ để mua quà. Thủ quỹ mua quà nhiều hơn số cần phòng khi có khách, thân hữu… đến dự và cũng có ngày sinh trong quí đó. Món quà nho nhỏ và có thể để dành lâu ngày (cây viết bi…).
    4. Mời những người “sinh nhật” lên phía trên. Toàn ban Phụ nữ hát chúc mừng và cầu nguyện đặc biệt cho họ. Nếu có bánh sinh nhật thì tất cả những người sinh nhật cùng cầm dao và cắt bánh trước khi cầu nguyện.
    5. Tặng quà cho mỗi người sinh nhật.
    6. Mời từng người “sinh nhật” có lời cảm tạ Chúa hoặc hát tôn vinh Ngài – Có thể mời các bạn cùng hát bài thánh ca mà mình thích.
    7. Trò chơi và ăn bánh sinh nhật.

    * TRÒ CHƠI DÀNH CHO NGƯỜI CÓ SINH NHẬT.

    THẮP NẾN SINH NHẬT.

                – Chuẩn bị: Dùng giấy bìa cứng làm một số cây nến, ghi lời yêu cầu vui, ngắn gọn lên giấy, cuộn lại nhét vào cây nến, dùng băng keo dán cây nến lên bảng (số nến tương đương với số người có ngày sinh trong quí).

    Nếu dùng nến thật thì cũng gắn lời yêu cầu vào như nến bằng giấy rồi bạn đốt nến và sắp lên bàn sao cho đẹp mắt.

    Ví dụ: Về lời yêu cầu: “Chúc bạn sinh nhật vui vẻ! Mời bạn uống một lượt 2 ly nước”, hoặc “Mừng sinh nhật bạn! Bạn có thể mời người hát tặng bạn một bài”…

    – Cách chơi: NHD mời từng người có ngày sinh trong quí lên và chọn cho mình một cây nến. Tìm xem cây nến có chứa điều gì bí ẩn và khi tìm ra được hãy đọc lớn điều bí ẩn đó lên và thực hiện.

    * TRÒ CHƠI TẬP THỂ.

    LỤT ĐẠI HỒNG THỦY

    Cách chơi: Vẽ 2 vòng tròn đồng tâm (lớn hoặc nhỏ tùy theo số lượng người chơi). Vòng này cách vòng kia khoảng 0,6m. Chia làm 3 khu vực. Vòng trong cùng là “con tàu”; khoảng cách từ vòng trong ra vòng ngoài là “núi”; và khoảng cách bên ngoài 2 vòng tròn là “mặt đất”. NHD bắt đầu kể chuyện nước lụt thời Nô-ê. Đang khi kể, NHD bất chợt hô lên chữ “nước dâng lên”, thì tất cả mọi người tham gia đứng bên ngoài phải nhảy lên “núi” hoặc NHD hô chữ “ngập lụt” thì tất cả phải nhảy vào trong “tàu”; tương tự “nước cạn” thì mọi người phải nhảy xuống “mặt đất” (nhảy ra ngoài hai vòng tròn). Ai không nhảy vào kịp hoặc nhảy lộn là người thua cuộc.

    * Lưu ý: Để giúp cho trò chơi thêm sinh động hơn, thì NHD nên vẽ vòng tròn nhỏ hơn một tí so với lượng người tham gia; đồng thời thường xuyên hô lớn những chữ như “dâng lên”, “ngập lụt”, hay “nước cạn” một cách bất thình lình trong lúc kể chuyện.

    * HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC

    Trị mụn trứng cá.

    Đừng nên nặn khi mụn còn non, sẽ để lại vết thâm trên da. Hãy để mụn già, lấy móng tay khẽ ấn vào chân mụn sẽ lôi ra được một ngòi cứng và trắng. Sau đó lấy alcol 90o mà thoa lên.


CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 27.01.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 27.01.2019

in PHỤ NỮ on 2 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 27.01.2019

  1. Đề tài: CA NGỢI CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Thi-thiên 90:12-17.
  3. Câu gốc: “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi-thiên 90:12).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Đố Kinh Thánh – Sinh hoạt.

* CHỈ DẪN: Đố Kinh Thánh – Sinh hoạt.

  1. ĐỐ KINH THÁNH

Người đố Kinh Thánh: Soạn khoảng 5-10 câu đố. Có thể soạn câu đố Kinh Thánh theo phương cách sau đây:

  1. Đố lật mau: Nêu tên sách, đoạn, câu Kinh Thánh. Ai đọc lên trước sẽ được điểm.
  2. Đố tìm: Nêu lên sự kiện hoặc đọc lên câu Kinh Thánh, rồi yêu cầu các bạn tìm địa chỉ (sách, đoạn, câu.)
  3. Đố đối chiếu: Đọc lên câu Kinh Thánh trong các đoạn đang đố và yêu cầu tìm câu có ý tương tự trong một nơi khác của Kinh Thánh. Hoặc đọc một câu Kinh Thánh – ngoài các đoạn đang đố – và yêu cầu tìm câu có ý tương tự trong các đoạn đang đố.
  4. Đố cử điệu: Ra cử điệu (kịch câm) theo ý nghĩa của câu Kinh Thánh và yêu cầu các bạn tìm câu Kinh Thánh.
  5. Đố hình vẽ: Vẽ lên bảng ý nghĩa câu Kinh Thánh và yêu cầu các bạn tìm câu Kinh Thánh.
  6. Đố con số: Ghi lên bảng hay tờ giấy các con số muốn đố. Ví dụ: 5, 2, 5.000, 12 – Trả lời: Mác 6:38-40.
  7. Đố liên hệ: Ví dụ:

Tôi là vợ của Y-sác (Trả lời: Tôi tên là Rê-bê-ca).

Gia-cốp là chồng của chúng tôi (Chúng tôi là Lê-A, Ra-chên, Bi-la và Xinh-ba).

Gô-li-át đã chết bởi tay tôi (Tôi là Đa-vít).

  1. Đố ca dao, tục ngữ: Ví dụ: “Thương cho roi cho vọt” – Hê-bê-rơ 12:6.
  2. Đố mẫu tự: Ví dụ: A. Trả lời: A-đam – B. Trả lời: Bê-tên.
  3. Đố Thánh ca: Nêu lên địa chỉ câu Kinh Thánh (Thi-thiên 119:105) và yêu cầu tìm ý nghĩa đó trong một bài Thánh ca (TC 432). Người tìm được phải hát 1 câu trong bài Thánh ca đó. Hoặc đàn một bài Thánh ca (TC 362) và yêu cầu các bạn tìm ra câu Kinh Thánh có ý tương tự (Ê-sai 6:8).
  4. Đố chữ: Viết câu Kinh Thánh lên bảng, nhưng không theo thứ tự hoặc bỏ sót nhiều chữ.
  5. Đố trí nhớ: Nêu lên sự kiện hoặc đọc lên địa chỉ câu Kinh Thánh. Yêu cầu các bạn trả lời (không được lật Kinh Thánh).
  6. Đố vui (đố mẹo): Để tạo không khí vui tươi ở cuối giờ đố Kinh Thánh.

Vd 1: Trong Kinh Thánh ông nào nhiều thẹo nhất? – Đa-vít.

Vd 2: Tiên tri nào làm bột ngọt? – A-mốt (Bột ngọt A-One).

Vd 3: Ai hát dở nhất trong Kinh Thánh? – Ca-lép.

  1. SINH HOẠT.

Người lo sinh hoạt có thể soạn ra một số trò chơi hoặc tham khảo các trò chơi sau đây:


ĐOÁN BẠN

* Cách chơi: Một người được chọn ra giữa vòng, bịt mắt. Tất cả còn lại vừa hát vừa đi về bên phải. NHD ra lệnh ngưng bài hát và dẫn người bịt mắt đến một người nào đó, để hai người nói chuyện, hỏi thăm… Người không bịt mắt (con dê) phải giả giọng để người bịt mắt không nhận ra. Sau vài ba câu hỏi, người bịt mắt phải đoán xem người nào đã tiếp chuyện với mình.

TÌM CHIÊN ĐẦU ĐÀN

* Cách chơi: Một người được cử ra khỏi khu vực chơi làm chủ chiên, người điều khiển chỉ định một người làm chiên đầu đàn và tất cả cùng hát đồng thời làm các động tác của chiên đầu đàn. Trong vòng 2 hoặc 3 bài hát, chủ chiên phải chỉ đúng con chiên đầu đàn. Khi chỉ đúng chiên đầu đàn, người điều khiển sẽ thổi một tiếng còi và chiên đầu đàn phải chạy quanh vòng tròn để tránh chủ chiên đang rượt bắt. Tất cả các con chiên khác vẫn tiếp tục hát.

THẬT THÀ

– Cách chơi: Chia thành hai nhóm bằng nhau, đứng thành hàng ngang đối diện nhau, cách khoảng 6 hoặc 7m. Mỗi người góp vào giữa một chiếc dép. NHD thổi còi, người đứng đầu chạy nhanh về đống dép, dùng chân tìm đúng chiếc dép của mình (không được lấy dép người khác), kẹp vào hai đầu gối nhảy về đập vào vai người thứ hai. Người thứ hai tiếp tục cho đến hết. Nhóm nào xong trước là thắng cuộc.

* Lưu ý:

– Tất cả các động tác chỉ được dùng chân, cấm dùng tay.

– Khi kẹp được dép vào đầu gối, nhảy về chỗ, nếu bị rớt, tự động dùng đầu gối kẹp dép lại rồi tiếp tục nhảy.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC

Tự làm mặt nạ không cần tốn nhiều tiền.

Lòng trắng trứng gà: Khi dùng trứng gà, lấy tay quẹt lòng trắng còn xót nằm trong vỏ trứng là đủ làm mặt nạ chống vết nhăn rồi.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 20.01.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 20.01.2019

in PHỤ NỮ on 2 Tháng Tám, 2019

in PHỤ NỮ on 2 Tháng Tám, 2019

 Chúa nhật 20.01.2019

  1. Đề tài: NĂNG LỰC PHỤC VỤ.
  2. Kinh Thánh: Công-vụ 2:1-36.
  3. Câu gốc: “Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói” (Công-vụ 2:4).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Ti-mô-thê 1-4.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh Nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (Nêu sự việc đã xảy ra).

– Câu hỏi suy luận (Tìm sự dạy dỗ của lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (Ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

  1. Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước để nắm vững nội dung của buổi học, nhờ đó các nhóm trưởng sẽ tự tin khi hướng dẫn nhóm mình và không lệch mục tiêu ban đầu.
  2. Thời gian học Kinh Thánh.
  3. 5 phút giải thích và chia nhóm.
  4. 20 phút thảo luận.
  5. 10 phút tường trình.
  6. 5 phút đúc kết.
  7. Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền, giải thích phương pháp học, đọc câu hỏi rồi tiến hành chia nhóm.
  8. Chia nhóm: Tùy theo số ban viên, có thể chia thành nhiều nhóm từ 5 đến 10 người.
  9. Vị trí: Ủy viên linh vụ sắp xếp chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
  10. Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho các trưởng nhóm.
  11. Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Trưởng nhóm phải được chọn trước để cùng học với ủy viên linh vụ, nhiệm vụ chính của trưởng nhóm là đưa ra câu hỏi và gợi ý để các bạn trả lời, hướng dẫn buổi thảo luận đi đúng mục tiêu. Thư ký nhóm được cử ra để ghi lại kết quả của buổi thảo luận và tường trình trong giờ đúc kết.
  12. Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh viên làm theo sự dạy dỗ nhận được qua buổi thảo luận.
  13. Xem Công-vụ 1:1-3 cho biết:

(1) Thánh Linh giáng lâm vào ngày nào? Lúc đó môn đồ đang làm gì?

(2) Việc các môn đồ đầy dẫy Đức Thánh Linh minh chứng điều gì về lời hứa của Chúa Giê-xu?

(3) Bạn đã kinh nghiệm những điều Chúa hứa ban chưa? Xin chia sẻ điều bạn nhận được khi đặt đức tin trên lời Chúa hứa.

  1. Xem Công-vụ 2:4-6 cho biết:

(1) Cho biết các sứ đồ khởi sự nói các thứ tiếng khác, đó là tiếng gì? Người nghe có hiểu được không?

(2) Đức Thánh Linh ban cho môn đồ nói các thứ tiếng khác để làm gì? Điều nầy cần thiết như thế nào?

(3) Bạn có khao khát nói được các thứ tiếng không? Mục đích để làm gì?

III. Xem Công-vụ 2:7-36 cho biết:

            (1) Khi nhận Đức Thánh Linh Phi-e-rơ đã mạnh dạn làm điều gì?

            (2) Bài giảng của Phi-e-rơ nhấn mạnh về điều gì và đem lại kết quả như thế nào trong ngày lễ Ngũ-tuần?

(3) Xin cho biết đời sống bạn có phải là bài giảng sống cho mọi người chung quanh nhìn biết Đức Chúa Trời chưa?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Vào cuối năm 1999, tại nơi tôi làm việc có một cái máy in đột nhiên ngừng hoạt động. Ông bạn già của tôi đến bên máy in rút sợi dây điện ra rồi bước sang nơi gần đó pha cà phê uống. Mấy phút sau, ông trở lại bên máy in, cắm đầu dây diện vào một chỗ trống của “powerge protector” thay vì cắm vào ổ điện trong vách tường. Ông cứ đứng ngắm nghía mãi mà không thấy máy in khởi động gì cả. Sau đó có người nhắc ông là sắp đến tuổi hưu trí thật rồi.

Giả sử bạn có sử dụng dụng cụ cắt tóc bằng điện thật tốt, còn mới tinh nhưng không có điện sử dụng, thì bạn không thể dùng dụng cụ cắt tóc đó được. Trường hợp khác, xe của bạn có thể là xe rất tốt nhưng xe lại hết xăng hoặc ống dẫn xăng bị nghẹt, hoặc bơm xăng hư, bạn cũng không thể sử dụng chiếc xe đó được.

Nguồn năng lực của môn đồ chính là Đức Thánh Linh. Môn đồ của Chúa sống động và hiện hữu cách ý nghĩa là nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh.


  1. ĐỨC THÁNH LINH GIÁNG LÂM (Công-vụ 2:1-3).

Trước khi lìa trần gian, Chúa Giê-xu gọi các môn đồ đến bên Ngài để phán dặn cách rõ ràng: “Nhưng vì Ta đã nói những điều đó cho các ngươi, thì lòng các ngươi chứa chan sự phiền não. Dầu vậy, Ta nói thật cùng các ngươi: Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu Ta không đi, Đấng Yên ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu Ta đi, thì Ta sẽ sai Ngài đến. Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. Về tội lỗi, vì họ không tin Ta; về sự công bình, vì Ta đi đến cùng Cha và các ngươi chẳng thấy Ta nữa;  về sự phán xét, vì vua chúa thế gian này đã bị đoán xét. Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến. Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh Ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về Ta mà rao bảo cho các ngươi” (Giăng 16:6-14).

Lời hứa này của Chúa Giê-xu được ứng nghiệm vào ngày lễ Ngũ tuần. Trong khi các môn đồ đang nhóm lại, thình lình có tiếng từ trời vang lên như tiếng gió thổi ào ào khắp cả nhà. Kinh Thánh không cho biết cảnh trạng đó xảy ra trong bao lâu, nhưng có lẽ đủ lâu để các môn đồ nhận biết quyền năng phi thường của Đức Thánh Linh. Sức mạnh của Chúa là sức mạnh vô song. Sự hiện diện của Chúa là sự hiện diện lạ lùng, trước chưa từng có, sau cũng không có y như ngày hôm đó. Khi Đức Thánh Linh giáng xuống cùng các môn đồ, họ không còn có thể tự mình làm gì hoặc nói gì. Họ được Thánh Linh cai quản, cảm thúc. Họ cảm thấy giống như có lửa trên lưỡi của mình. Rồi sau đó họ mở miệng ra nói tiếng lạ, một thứ tiếng khác với ngôn ngữ họ thường dùng mỗi ngày.

Kinh nghiệm của các môn đồ trải qua là kinh nghiệm hết sức đặc biệt. Kinh nghiệm đó đánh giá sự khởi đầu một chuyển biến quan trọng, một kỷ nguyên mới trong lịch sử Hội Thánh Chúa. Trong kỷ nguyên mới đó Đức Thánh Linh bắt đầu thi hành công tác của Ngài để tiếp nối công việc của Đấng Christ trong các Hội Thánh của Ngài, khởi đầu từ thành Giê-ru-sa-lem cho đến khắp cả toàn cầu.

  1. QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA (Công-vụ 2:4-6).

Như chúng ta đã biết, khi Đức Thánh Linh bắt đầu ngự trị trong đời sống của các môn đồ, Ngài không ngừng ban phước cho họ. Đức Thánh Linh cảm động lòng của nhiều người đến nỗi họ cứ vui mừng, hớn hở, muốn nhóm hiệp lại với nhau luôn luôn. Có thật nhiều người Giu-đa và những kẻ mộ đạo từ khắp các nơi cùng đến Giê-ru-sa-lem. Điều làm họ ngạc nhiên nhiều hơn cả là họ được nghe các sứ đồ làm chứng, giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ của họ, không phải tiếng nói các sứ đồ vẫn dùng thường ngày. Thật là lạ lùng. Các sứ đồ có vào trường ngoại ngữ để học tiếng bao giờ đâu, nhưng khi họ mở miệng cắt nghĩa về lẽ đạo của Đức Chúa Trời, thì lời họ nói ra thật là rõ ràng, bày tỏ được những sự cao trọng của Đức Chúa Trời.

Công-vụ 2:4 cho biết các sứ đồ khởi sự nói các thứ tiếng khác. Công-vụ 2:6-12 nhận định các thứ tiếng khác đó là tiếng của những dân tộc sống rải rác quanh vùng Giê-ru-sa-lem: Bạt-thê, Mê-đi, Ê-la-mít, Mê-sô-bô-ta-ni, Giu-đê, Cáp-ra-đốc, Bông, A-si, Phi-ri-gi, Bam-phi-ly, Ê-díp-tô, Ly-by, Rô-ma, Cơ-rết, Ả-rập. Như vậy, tiếng khác hoặc tiếng lạ cũng là tiếng nói phổ thông của một dân tộc nào đó.

Khi giảng dạy Lời Chúa bằng tiếng nước ngoài cần phải có người thông dịch hoặc cắt nghĩa, ngoại trừ trường hợp người rao giảng có thể giảng trực tiếp bằng tiếng nước ngoài. Đức Thánh Linh chẳng hề ban phước cho môn đồ của Ngài để họ “chạy bá vơ, đánh gió” bao giờ. Thà rằng nói chỉ có đôi lời mà ích lợi cho người nghe còn hơn là nói thật nhiều lời mà chẳng có ai hiểu, cũng chẳng gây dựng được điều gì cả.

III. LÀM CHỨNG QUA ĐỨC THÁNH LINH (Công-vụ 2:7,8,11b,13).

Lời chứng của các môn đồ nhân ngày Lễ Ngũ tuần là lời chứng ý nghĩa đối với người nghe. Chúng ta không rõ các môn đồ đã chuẩn bị bài học, bài giảng hoặc bài làm chứng như thế nào nhưng chúng ta biết họ là những người đã từng đi với Đức Chúa Giê-xu Christ, họ đã từng sống với Ngài. Điều đó quan trọng hơn tất cả mọi kỹ thuật, mọi phương pháp. Họ không tự nói ra sự hiểu biết của mình, nhưng họ được Đức Thánh Linh cảm động để nói ra Lời của Ngài. Công-vụ 2:11 nói rõ là các môn đồ đã bày tỏ được sự cao trọng của Đức Chúa Trời.

Ngày nay, khi chúng ta giảng dạy, huấn luyện hoặc chứng đạo chúng ta có để ý đến mục tiêu bày tỏ được sự cao trọng của Đức Chúa Trời chăng? Chúng ta yêu thương nhau, nhờ đó mà thế nhân nhận biết chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Chúng ta làm việc lành, nhờ đó mà thiên hạ ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời. Chúng ta nói lời tốt đẹp hoặc lời ân hậu để làm sáng danh Cha chúng ta trên trời cao.

  1. NHẬN BIẾT ĐỨC THÁNH LINH (Công-vụ 2:14-17a,33).

Trong số những môn đồ thân tín của Chúa Giê-xu, Phi-e-rơ là người nhanh nhẹn, bạo dạn hơn cả. Ngay sau khi nhận lãnh quyền năng của Đức Thánh Linh, ông lập tức đứng lên kêu gọi dân chúng cẩn thận lắng nghe lời ông rao giảng về Đức Chúa Giê-xu Christ. Trước hết, ông cho biết kinh nghiệm lạ lùng mà họ chứng kiến trong ngày Lễ Ngũ tuần là kinh nghiệm thật. Các môn đồ của Chúa chẳng phải vì say rượu mà nói ra lời bậy bạ, nhưng họ là những người được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Họ làm được những việc lạ lùng kỳ diệu, chẳng hạn như nói tiếng của người xứ khác, vì cớ Đức Thánh Linh ở cùng họ. Họ nhận biết Đức Thánh Linh ở cùng mình và họ muốn người chưa tin Chúa cũng hiểu rõ điều đó.

Phi-e-rơ sau đó nói tiếp rằng Đức Thánh Linh giáng xuống như thế là để ứng nghiệm lời tiên tri Giô-ên đã nói từ trước. Người ta thường nói: “Nói có sách, mách có chứng”. Lời nói có nguồn gốc hẳn hoi, có xuất xứ minh bạch là lời có giá trị. Kinh nghiệm thuộc linh của các môn đồ không tự nhiên mà xảy ra. Đức Chúa Trời khiến điều đó xảy ra theo ý định Ngài đã từng có trước.

Tại đây, chúng ta học thêm được một điều nữa là Phi-e-rơ thường trưng dẫn Cựu ước vì đó là căn bản niềm tin của người Do-thái. Đối với họ, Cựu ước mang tính cách thiêng liêng, cao quí, cần thiết cho đời sống mỗi ngày. Ngoài những sự dạy dỗ nhằm xây dựng đời sống tin kính, trong Cựu ước còn có những lời tiên tri về sự giáng sinh, về đời sống, về chức vụ, sự chết, và sự sống lại của Chúa Giê-xu. Hơn thế nữa, trong Cựu ước còn có lời dự ngôn về sự quang lâm của Đức Thánh Linh.

Lập luận của Phi-e-rơ thật là vững vàng, chứng cớ ông trưng dẫn hết sức rõ ràng. Bao nhiêu hồ nghi phải tiêu tán. Cũng không nên ngờ vực, hoang mang, trái lại cần phải vững lòng tin cậy Đức Chúa Giê-xu người làng Na-xa-rét, Đấng công bình, thánh khiết trọn vẹn nhưng lại bị vu oan và đã chết thay cho nhiều người. Sau khi Chúa sống lại và về trời, Ngài ban Đức Thánh Linh cho các môn đồ hầu cho họ có thể hầu việc Chúa cách đắc thắng.

HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC

Tự làm mặt nạ không cần tốn nhiều tiền.

Sữa bò tươi: Khi uống sữa bò tươi còn lại một ít, thoa lên mặt, có hiệu quả rất tốt trong việc làm da mặt nõn nà.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 13.01.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 13.01.2019

in PHỤ NỮ on 2 Tháng Tám, 2019

in PHỤ NỮ on 2 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 13.01.2019

  1. Đề tài: CHUẨN BỊ PHỤC VỤ.
  2. Kinh Thánh: Công-vụ 1:1-26.
  3. Câu gốc: “Lúc ở với các sứ đồ, Ngài dặn rằng đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa” (Công-vụ 1:4).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Ti-mô-thê 4-6.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời người chia sẻ từ hai tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của Ban Phụ nữ. Nếu người chia sẻ cần, xin cho mượn cả phần tài liệu tham khảo. Yêu cầu diễn giả dựa trên đề tài, phần Kinh Thánh, câu gốc, phần bố cục gợi ý trong tài liệu để soạn bài chia sẻ.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Người ta thường nói vạn sự khởi đầu nan. Hầu như bất kỳ việc gì bắt đầu cũng đều khó. Việc càng quan trọng bắt đầu càng khó khăn. Bởi vậy, cho nên muốn thực hiện một công tác mới cách thành công, ai nấy đều cần phải chuẩn bị cách chu đáo. Công tác quan trọng của Hội Thánh ban đầu là công tác truyền giáo. Công tác này đòi hỏi sự vâng phục, tin cậy, dấn thân và thường xuyên tương giao với Chúa qua sự cầu nguyện, học Kinh Thánh, thờ phượng, chứng đạo.

Để chuẩn bị cho sự hầu việc Chúa cách ý nghĩa và kết quả, môn đồ của Chúa cần siêng năng học Lời Chúa để hiểu rõ lời hứa cùng công tác Chúa trao phó. Khi đã hiểu rõ thánh ý và đường lối của Chúa, môn đồ của Chúa cần sống theo Lời Chúa hầu có thể làm trọn công tác Chúa trao phó.

  1. Lời Hứa (Công-vụ 1:4-5).

Công vụ các sứ đồ là sách viết về lịch sử Hội Thánh trong thế kỷ ban đầu. Trong lịch sử Hội Thánh, công tác truyền giáo là công tác quan trọng hơn hết. Để khởi đầu công tác này, Chúa Giê-xu cẩn thận căn dặn môn đồ đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem. Họ cần ở lại trong thành, chờ đợi điều Chúa hứa cùng họ. Chúa hứa rằng Ngài sẽ làm lễ báp-têm cho họ bằng Đức Thánh Linh.

Trước đó, Giăng đã từng làm lễ báp-têm cho môn đồ của mình về sự ăn năn để được tha tội. Khi Chúa Giê-xu đi khắp các thành, các làng, giảng dạy trong các nhà hội, chữa lành các thứ tật bệnh cho họ. Phép báp-têm của Chúa Giê-xu khác với lễ báp-têm của Giăng ở điều này: Trong khi lễ báp-têm của Giăng chỉ tượng trưng cho sự ăn năn để được tha tội thì phép báp-têm của Chúa Giê-xu còn tượng trưng cho sự sống mới đầy ý nghĩa và phong phú.

Đang khi Chúa Giê-xu còn tại thế Ngài đã từng hứa ban Đức Thánh Linh cho những người tin nhận Ngài. Đến lúc Chúa Giê-xu lên trời, Đức Thánh Linh là Đấng tiếp nối công việc của Chúa Giê-xu trên dương thế trong đời sống của những người tin theo Chúa. Đức Thánh Linh là Đấng Yên ủi, dạy dỗ, dẫn dắt, thêm sức. Không có Đức Thánh Linh trong đời sống, con cái Chúa chẳng làm chi được. Khi được Đức Thánh Linh ngự trị, con cái Chúa có thể làm được những sự tốt lành nhờ Đấng ban thêm sức cho mình. Đó là lý do Chúa căn dặn các môn đồ ngày xưa phải kiên nhẫn chờ đợi Đức Thánh Linh.

Nếu môn đồ của Chúa bắt đầu sớm, không ở dưới sự dạy dỗ, dẫn dắt, thêm sức của Đức Thánh Linh thì cho dù họ có nhọc nhằn, lao khổ đến mấy cũng khó có thể thành công. Trong khi họ gặp hoạn nạn, nếu không có Đức Thánh Linh an ủi, rất có thể họ dễ ngã lòng. Chúa muốn con cái Chúa bắt đầu cách vững vàng, chắc chắn.

  1. Công Tác (Công-vụ 1:6-8).

Công tác Chúa trao phó cho các môn đồ rất rõ ràng. Các môn đồ có bổn phận đi ra truyền giáo khắp nơi, khởi sự ở nơi gần, rồi đến những nơi xa hơn, cho đến khi chu toàn trách nhiệm. Từ gần đến xa, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp là tiến trình tự nhiên và hợp lý.

Trẻ sơ sinh bú sữa, ăn cháo, ăn thức ăn tán nhuyễn trước khi có thể ăn cơm. Chúng nó tập lật, tập bò, đứng chựng, tập giữ thăng bằng trước khi có thể bước đi cách tự nhiên. Học sinh đến trường tập nhận diện phụ âm, nguyên âm trước khi ráp chữ và tập đọc từng chữ. Cũng vậy, môn đồ của Chúa thường được Chúa trao phó bổn phận nho nhỏ trước khi Ngài ủy thác cho họ những nhiệm vụ lớn lao hơn hết.

Phi-e-rơ là môn đồ có lòng sốt sắng, nhiệt thành hơn hết trong số các môn đồ của Chúa ngày xưa. Khi nghe Chúa phán bảo trước về sự chết của Ngài, ông nói ngay: “Dầu mọi người vấp phạm vì cớ thầy, song tôi chắc không bao giờ vấp phạm vậy. Đức Chúa Giê-xu phán rằng: “Quả thật, ta nói cùng ngươi, chính đêm nay, trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần” (Ma-thi-ơ 26:33-34).

Chúa Giê-xu biết sức lực của các môn đồ. Chúa biết khả năng của họ. Ngài muốn trao cho họ cái ách dễ chịu và cái gánh nhẹ nhàng. Khi môn đồ của Chúa dâng mình hầu việc Ngài, Chúa muốn công việc họ làm được đầy vui thỏa. Khi họ đi ra để làm chứng về Ngài, Chúa muốn họ đi ra với tấm lòng tràn ngập bình an và nét mặt rạng rỡ niềm vui. Khi họ mở miệng thuật lại ơn lành Chúa ban cho họ, Chúa muốn họ nói ra lời ân hậu, có ích cho người nghe. Khi có người nào hoặc gia đình nào tiếp đón họ cách niềm nở, họ nên dâng vinh hiển lên Chúa. Nếu có hất hủi, xua đuổi họ, họ cũng chẳng nên buồn. Khi họ cầu chúc lời bình an mà người ta đón nhận, đó là điều tốt; song nếu người ta không nhận thì lời cầu chúc đó lại thuộc về họ. Như vậy, dù gặp nghịch cảnh hay thuận cảnh, họ vẫn cứ trung tín hầu việc Chúa hầu có thể mang đạo sự sống đến cho nhiều người.

  1. Vâng phục (Công-vụ 1:9-11).

Tin cậy và vâng phục Chúa là bổn phận tất yếu của môn đồ Đấng Christ. Chúa có thể chọn người có ảnh hưởng thật lớn trong xã hội. Chúa có thể chọn người có kiến thức uyên bác. Chúa cũng có thể chọn người có tài năng đặc biệt. Tuy nhiên, đặc tính chung của những người được Chúa tuyển chọn ngày xưa là tin cậy và vâng phục.

Có ảnh hưởng lớn trong xã hội là điều tốt. Có kiến thức uyên bác cần thiết cho việc học tập Lời Chúa và giải bày Lời Chúa cách mạch lạc dễ hiểu là điều tốt hơn. Có tài năng đặc biệt thường dễ trở nên hữu dụng cho công việc nhà Chúa là điều càng tốt hơn nữa. Tuy nhiên, có hết thảy những điều này mà thiếu sự tin cậy và vâng phục  thì quả là thiếu sót vô cùng lớn lao.

Chúa truyền phán cho các môn đồ ngày xưa nhờ Đức Thánh Linh giáng trên họ. Họ tin Lời Chúa. Họ vâng theo lời ấy và Chúa đã thưởng họ bằng sự vinh hiển chói lòa của Ngài khi Ngài thăng thiên. Những môn đồ được phước nhiều hơn cả là những môn đồ tin Chúa, theo Chúa cách trung tín và thấy rõ quyền năng của Ngài.

Khi các môn đồ đang đứng ngó chăm lên trời thì có một đám mây tiếp Ngài khuất đi. Trong khi các môn đồ còn đang sững sờ thì lại có tiếng từ trời phán cùng họ: “Hỡi người Ga-li-lê, sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi? Giê-xu này đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy”.

  1. Cầu nguyện (Công-vụ 1:12-14).

Sau khi các môn đồ chứng kiến tận mắt sự thăng thiên vinh hiển của Chúa, họ đã làm gì? Họ nhóm hiệp lại để cầu nguyện trong phòng cao ở Giê-ru-sa-lem. Bác sĩ Lu-ca thuật rõ chi tiết là họ đồng lòng, hiệp ý với nhau mà cầu nguyện. Họ tiếp tục tương giao với Đức Chúa Trời qua sự tôn vinh, cảm tạ, cầu thay, nài xin, khẩn nguyện. Đối với họ, cầu nguyện là điều vô cùng quan trọng và thiết yếu. Cầu nguyện chẳng khác nào hơi thở của họ.

Trong phòng cao hôm đó có Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ, Anh-rê, Phi-líp, Thô-ma, Ba-thê-lê-my, Si-môn Xê-lốt, và Giu-đa con của Gia-cơ. Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện với các phụ nữ và Ma-ri là mẹ Đức Chúa Giê-xu cùng anh em Ngài. Ngoại trừ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là kẻ phản Chúa, tất cả các môn đồ thân tín của Chúa đều có mặt trên phòng cao.

Có người nghĩ rằng vì sợ dòm ngó hoặc lùng bắt nên các môn đồ đã lên phòng cao. Thật ra, sự can đảm trong lòng các môn đồ mạnh hơn sự sợ hãi. Sự bình an của họ lớn hơn nỗi âu lo. Hơn nữa, các môn đồ vừa thấy Chúa yêu dấu của họ được cất lên trời. Tự nhiên họ muốn gần gũi với Chúa. Vừa được biệt riêng, lại vừa được gần Chúa hơn một chút dù sao vẫn thích hợp hơn, tốt hơn bất cứ nơi nào khác. Làm môn đồ của Chúa thì phải nhớ làm chứng tốt cho Chúa. Dù gần hay xa, ai nấy trong chúng ta đều phải nhớ tìm dịp tiện làm chứng cho Chúa mỗi ngày. Hội Thánh phát triển mạnh là Hội Thánh trung tín trong việc chứng đạo. Môn đồ hữu dụng của Chúa là môn đồ siêng năng trong việc chứng đạo.

Khi chứng đạo cá nhân, hoặc khi truyền giáo, chúng ta cần được Đức Thánh Linh hướng dẫn, ban cho sự khôn ngoan. Bổn phận của mỗi chúng ta là phải tin cậy Chúa, vâng phục Chúa và gần gũi với Chúa luôn luôn. Khi chúng ta đồng lòng, hiệp ý với nhau, thế nhân dễ thấy rõ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời và bởi đó họ dễ tin Chúa hơn.

HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC

Tự làm mặt nạ không cần tốn nhiều tiền.

Dưa leo xắt miếng: Khi ăn dưa leo dư lại một khúc, xắt miếng mỏng dán lên mặt, đó là mặt nạ dưỡng trắng da rất tốt. Dưa leo để tủ lạnh, hiệu quả càng tốt.