Tác giả: Mai Hdenayun

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in THIẾU NHI on 21 Tháng Tám, 2024

BÀI 10. YÊU THƯƠNG NGƯỜI KHÁC

I. KINH THÁNH: Giô-na 1-4.

II. CÂU GỐC: “Hãy yêu thương nhau thân thiết như anh em; hãy hết lòng kính nhường nhau.” (Rô-ma 12:10).

III. BÀI TẬP.

  1. Thuốc giải độc.

Em đọc các tình huống sau đây, và viết ra em sẽ hành động như thế nào để bày tỏ em sẵn lòng chia sẻ tình yêu thương của Đức Chúa Trời với người khác.

  1. Hành động của Giô-na.

Em chọn những từ thích hợp trên mình cá và điền vào chỗ trống trong các câu sau.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in THIẾU NHI on 21 Tháng Tám, 2024

BÀI 10. YÊU THƯƠNG NGƯỜI KHÁC

I. KINH THÁNH: Giô-na 1-4.

II. CÂU GỐC: “Hãy yêu thương nhau thân thiết như anh em; hãy hết lòng kính nhường nhau.” (Rô-ma 12:10).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Đức Chúa Trời dạy Giô-na một bài học, để ông biết phải vâng theo lời Đức Chúa Trời, yêu thương mọi người. 

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời muốn em làm theo ý muốn của Chúa yêu thương mọi người.

– Hành động: Vâng theo lời Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài đối với mọi người.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

  1. Sinh hoạt thứ nhất: Thành Ni-ni-ve.

     a. Mục đích: Giúp các em nhận biết về thành Ni-ni-ve.

     b. Tài liệu: Trang tư liệu H sách học viên.

     c. Thực hiện: Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay xảy ra tại thành Ni-ni-ve. Cho các em mở sách học viên trang tư liệu H và theo gợi ý hoàn thành bài tập.

     2. Sinh hoạt thứ hai: Thành phố của em.

     a. Mục đích: Khơi dậy trong các em sự thích thú học tập.

     b. Chuẩn bị: Giấy, bút.

     c. Thực hiện: Phát cho mỗi em 1 tờ giấy vẽ. Cho các em vẽ ra 1 vật có thể giới thiệu về thành phố (nơi) em đang sinh sống. Sau đó, mỗi em chia sẻ tác phẩm của mình.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

Có khi nào em không thích ở với một ai đó không? Vì sao? (Cho các em trả lời). Đúng vậy, có không ít nguyên nhân khiến mọi người không thích lẫn nhau.

Các em biết không, Giô-na là tiên tri của Đức Chúa Trời. Các em biết chức vụ tiên tri là gì không? (Truyền lại lời Đức Chúa Trời và khích lệ dân sự vâng theo lời Ngài). Vậy mà có một lần, tiên tri Giô-na đã không vâng lời Đức Chúa Trời truyền bảo. Chúng ta cùng tìm hiểu xem tại sao Giô-na lại có hành động như vậy nhé!

  1. Bài học.

Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời phán bảo Giô-na đến thành Ni-ni-ve truyền lại lời của Ngài. Thành Ni-ni-ve là một thành phố lớn, nhưng dân cư nơi đó làm điều ác. Các em biết gì về thành Ni-ni-ve?” (Cho các em thực hiện xong phần “Sinh hoạt thứ nhất” trả lời).

Thành Ni-ni-ve là một thành phố đầy dẫy tội ác, thì tại sao Đức Chúa Trời không hủy diệt, mà còn bảo tiên tri Giô-na đi truyền lời của Ngài cho họ? Có lẽ Giô-na cũng nghĩ như vậy, nên ông không muốn vâng phục Đức Chúa Trời. Nếu lời Chúa được rao ra, có lẽ họ sẽ ăn năn và không bị Đức Chúa Trời đoán phạt. Ông nghĩ, họ xứng đáng bị đoán phạt hơn là được thương xót. Ông cũng không hiểu vì sao Đức Chúa Trời phải quan tâm đến các dân tộc khác.

Nhưng đây là ý chỉ của Đức Chúa Trời, Giô-na nên làm theo. Nhưng thay vì đi đến Ni-ni-ve như lời Chúa bảo, Giô-na đến bến tàu và đi hướng ngược lại, trốn đến một nơi rất xa.

Con tàu bắt đầu khỏi hành. Giô-na cảm thấy buồn ngủ nên tìm một chỗ kín đáo để ngủ. Xem ra, ông muốn quên đi mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Các em đọc Giô-na 1:4 xem Đức Chúa Trời dùng cách gì để nhắc nhở Giô-na?

Đúng vậy, Đức Chúa Trời khiến bão nổi lên, mặt biển nổi sóng cuồn cuộn. Từng đợt sóng lớn đánh vào tàu khiến các thủy thủ rất sợ hãi, vì có nguy cơ đắm tàu. Một mặt, họ cầu xin thần của mình giúp đỡ, một mặt họ quăng những hàng hóa trên tàu xuống để giảm trọng lượng của tàu. Trong khi đó, Giô-na vẫn nằm ngủ ngon lành.

Chủ tàu phát hiện Giô-na đang ngủ liền lay ông dậy. “Vì sao ông còn ngủ? Hãy dậy cầu cứu thần của ông! Không chừng Ngài sẽ cứu lấy mạng sống của chúng ta”.

Giô-na đi lên trên boong tàu và nhìn thấy mọi người đang bàn bạc với nhau. Họ nói: “Chúng ta hãy bắt thăm, xem ai đã làm việc sai trái dẫn đến tại vạ này?” Vào thời đó, mọi người thường hay dùng cách bắt thăm để tìm ra sự thật. Họ bắt thăm thì trúng Giô-na. Mọi người hỏi Giô-na: “Ông là ai? Từ đâu đến? Làm nghề gì?”

“Tôi là người Hê-bơ-rơ”, Giô-na trả lời. “Đức Chúa Trời mà tôi thờ phượng là Đấng đã dựng nên đất và biển. Tôi đang đi trốn khỏi Đức Chúa Trời”.

Bão càng lúc càng lớn hơn. Con tàu lắc lư dữ dội. Mọi người nghe Giô-na nói thì đều sợ hãi, vội hỏi: “Chúng tôi nên làm thế nào đây?”

Giô-na bảo họ ném ông xuống biển thì sóng gió nhất định sẽ yên lặng. Giô-na biết rằng vì tội lỗi của ông nên mọi người mới gặp tai họa này.

Ban đầu, không ai muốn ném Giô-na xuống biển. Họ ráng sức giữ cho con tàu không bị lật và cố đưa tàu vào bờ, nhưng không thể được. Cuối cùng, không còn cách nào khác, họ buộc phải ném Giô-na xuống biển. Lập tức, sóng gió yên lặng. Mọi người trên tàu đều nhận biết Đức Chúa Trời của Giô-na là Đức Chúa Trời chân thật, và thờ lạy Ngài.

Giô-na sẽ ra sao khi bị ném xuống biển? Các em đọc Giô-na 1:17 để tìm câu trả lời. Các em nghĩ xem, nếu Đức Chúa Trời không sắm sẵn con cá để nuốt Giô-na, thì ông sẽ ra sao? Chúng ta không biết đó là con cá gì, nhưng chúng ta biết trong bụng của con cá đó có đủ không khí để duy trì sự sống cho Giô-na. Các em nghĩ ở trong bụng cá có dễ chịu không? Chắc chắn là không! Trong hoàn cảnh đó, Giô-na đã làm một việc khôn ngoan. Ông cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời để ông ở trong bụng cá 3 ngày 3 đêm, và đến lúc này, ông đã học được bài học vâng lời. Đức Chúa Trời khiến con cá nhả Giô-na trên bờ biển.

Sau đó, Đức Chúa Trời lại phán với Giô-na một lần nữa: “Hãy đi đến thành Ni-ni-ve, và rao báo những lời mà ta đã truyền cho ngươi”. Lần này, Giô-na lập tức vâng theo lời Đức Chúa Trời. Khi đến nơi, ông rao giảng: “Còn 40 ngày nữa, thành Ni-ni-ve sẽ bị hủy diệt!”

Thông điệp này nhanh chóng lan truyền đi khắp thành phố. Mọi người đều tin vào lời Đức Chúa Trời, nên họ kiêng ăn, mặc bao gai bày tỏ lòng ăn năn về những việc làm sai trái của mình. Thông điệp này cũng truyền đến cung vua. Các em đọc Giô-na 3:7-9 xem vua Ni-ni-ve đáp ứng như thế nào trước thông điệp của Đức Chúa Trời?  (Dân chúng và thú vật không được ăn uống, phải mặc áo gai, mỗi người cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ, từ bỏ việc làm xấu xa của mình). Dân thành Ni-ni-ve ăn năn và mong Đức Chúa Trời tha thứ. Các em nghĩ Đức Chúa Trời cảm thấy như thế nào trước thái độ ăn năn của dân thành Ni-ni-ve?

Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương và sự tha thứ của Ngài. Ngài rất vui lòng vì dân thành Ni-ni-ve đã ăn năn. Tất cả mọi người đều vui mừng, trừ một người. Người đó là Giô-na. Giô-na không hề vui mừng chút nào. Ngược lại, ông giận đến nỗi muốn chết đi cho rồi!  Ông phàn nàn với Chúa: “Con đoán trước mọi việc sẽ xảy ra như thế này mà. Vì vậy, con đã trốn đi, không muốn rao truyền sứ điệp, vì con biết Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, sẽ đổi ý không giáng tai họa. Bây giờ, xin để con chết đi!”. Đức Chúa Trời hỏi Giô-na: “Con giận như vậy có nên không?” Giô-na không trả lời và đi đến phía Đông thành phố, dựng một cái lều nhỏ rồi ngồi đó chờ xem số phận của thành Ni-ni-ve sẽ như thế nào.

Đức Chúa Trời muốn dạy Giô-na một bài học về tình yêu thương, nên Ngài khiến một dây leo mọc lên, và nhanh chóng phủ bóng mát trên đầu Giô-na làm ông rất dễ chịu. Giô-na rất thích dây leo này. Nhưng sáng sớm hôm sau, Đức Chúa Trời sai một con sâu đến chích dây leo khiến nó khô héo và chết đi. Mặt trời mọc lên chiếu ánh nắng gay gắt xuống đầu Giô-na. Đức Chúa Trời còn khiến gió nóng thổi đến nữa. Giô-na rất tức giận vì dây leo đã chết và muốn ngất đi! Các em đọc Giô-na 4:9 xem thái độ của Giô-na như thế nào?

Lúc này, Đức Chúa Trời dùng hình ảnh dây leo để dạy dỗ ông. Ngài phán: “Con không hề tốn công sức để trồng dây leo này. Vậy mà khi nó chết, con còn tiếc nó. Còn Ta, Ta không nên thương xót dân thành này sao? Trong đó, có hơn 120 ngàn trẻ em!”

Chắc Giô-na đã học được một bài học rất thấm thía từ Đức Chúa Trời. Ngài không chỉ yêu thương dân Y-sơ-ra-ên, mà yêu thương tất cả mọi người trên thế gian, dầu họ có xấu xa như thế nào đi nữa, nhưng khi ăn năn, thì Ngài sẵn sàng tha thứ họ. Qua đó, Ngài muốn Giô-na, cũng như tất cả chúng ta phải yêu thương mọi người, và mong muốn họ được cứu.  

  1. Ứng dụng.

     a. Ôn lại câu chuyện.

Cho các em mở sách học viên bài 10, và theo gợi ý làm bài tập “Hành động của Giô-na”. Sau đó hỏi các em: “Đức Chúa Trời muốn Giô-na rao thông điệp gì cho dân thành Ni-ni-ve? (Từ bỏ việc làm gian ác, xấu xa và ăn năn với Chúa. Nếu không, họ sẽ bị Đức Chúa Trời hủy diệt). Vì sao Giô-na không muốn vâng theo lời phán dặn của Đức Chúa Trời? (Ông không muốn dân thành Ni-ni-ve được cứu, vì ông cho rằng họ gian ác, đáng bị đoán phạt). Đức Chúa Trời dạy Giô-na bài học gì? (Phải yêu thương mọi người, ngay cả những người không đáng được yêu thương).

Giáo viên chia sẻ: “Bởi vì Đức Chúa Trời yêu thương mọi người trên thế gian này, nên Ngài muốn mỗi người đều trở thành một thành viên trong nhà Chúa. Nếu em muốn biết rõ hơn Đức Chúa Trời yêu thương em như thế nào, và muốn trở thành một thành viên trong nhà Chúa, cô (thầy) sẽ hướng dẫn thêm và cầu nguyện cho các em sau giờ nầy. Đối với những em đã là thành viên trong nhà Chúa, Đức Chúa Trời muốn các em bày tỏ tình yêu thương bằng cách nói về Chúa cho bạn bè của mình”.

      b. Học câu gốc.

Cho các em đọc câu gốc, rồi cùng thảo luận cụm từ: “yêu nhau như anh em”, “kính nhường nhau”. Giô-na có thái độ như thế nào đối với dân thành Ni-ni-ve? (Không muốn điều tốt cho người xấu và không cùng dân tộc với mình). Thái độ của Giô-na có phải là yêu thương không? Câu Kinh Thánh này dạy các em điều gì? (Sống nhường nhịn, yêu thương, hòa nhã với tất cả mọi người). 

      c. Áp dụng vào đời sống.

Khi các em có thái độ kiêu ngạo, cho rằng mình tốt hơn các bạn khác, hoặc không thích các bạn khác vì các bạn ấy nghèo, dơ bẩn, không hợp tính… thì các em phải vâng phục lời dạy của Chúa để thay đổi thái độ của mình đối với người khác. Cho các em theo gợi ý làm bài tập “Thuốc giải độc”, rồi sau đó chia sẻ những gì viết ra.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in THIẾU NHI on 21 Tháng Tám, 2024

BÀI 9. ĐÊ-BÔ-RA KHÍCH LỆ BA-RÁC

I. KINH THÁNH: Các quan xét 1:19,27,28; 2:10-16; 4:1-16; 5:1-23.

II. CÂU GỐC: “Mỗi người hãy dùng ân tứ mình đã nhận mà phục vụ nhau, như người quản lý trung tín khéo sử dụng ân điển của Đức Chúa Trời nhiều cách khác nhau.” (1Phi-e-rơ 4:10).

III. BÀI TẬP.

  1. Giúp đỡ bạn bè.

Em đọc các câu “Bạn em nói” và “Câu trả lời của em”. Sau đó ghép chúng lại, sao cho em có thể giúp đỡ các bạn ấy vâng phục Đức Chúa Trời.  

     2. Phân biệt đúng sai.

Em đọc những câu sau rồi điền chữ Đ vào câu đúng, và chữ S vào câu sai.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in THIẾU NHI on 21 Tháng Tám, 2024

BÀI 9. ĐÊ-BÔ-RA KHÍCH LỆ BA-RÁC

I. KINH THÁNH: Các quan xét 1:19,27,28; 2:10-16; 4:1-16; 5:1-23.

II. CÂU GỐC: “Mỗi người hãy dùng ân tứ mình đã nhận mà phục vụ nhau, như người quản lý trung tín khéo sử dụng ân điển của Đức Chúa Trời nhiều cách khác nhau.” (1Phi-e-rơ 4:10).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Đê-bô-ra giúp Ba-rác vâng phục Đức Chúa Trời, đánh bại đội quân của tướng Si-sê-ra.

– Cảm nhận: Sự khích lệ giúp người yếu đuối có thể tin cậy và vâng phục Đức Chúa Trời. 

– Hành động: Thảo luận những cách để các em có thể khích lệ chính mình và người khác vâng phục Đức Chúa Trời, rồi thực hiện trong tuần này.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Làm theo tôi.

  1. Mục đích: Thông qua trò chơi, giúp các em cảm nhận được ý nghĩa của sự vâng phục.
  2. Chuẩn bị: Bài hát vui (tham khảo bài hát phía dưới).
  3. Thực hiện: Giáo viên cho các em đi vòng tròn, vừa đi vừa hát, đồng thời làm theo những cử điệu của giáo viên. Ví dụ: Đặt hai tay lên đùi, đi như vịt, ngoáy mông… Cử điệu càng khó bắt chước thì càng thú vị. Sau khi chơi xong, hỏi các em: “Vâng phục” có nghĩa là gì? (Làm theo mạng lệnh).

* Lời bài hát như sau: Cap, cạp, cạp! Cap, cạp, cạp! Vịt con làm theo vịt lớn, lắc đầu vẫy đuôi mà cười, ha ha ha, ha ha ha!

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

Nếu một người chẳng may bị trượt chân và rơi từ trên vách núi cao xuống giòng sông sâu thẳm, em nghĩ người đó có thể ngừng lại nửa chừng rồi leo lên không? Ồ! Chuyện đó không bao giờ hoặc rất khó xảy ra! Khi bắt đầu trượt từ trên núi cao xuống, nhất định người đó sẽ tiếp tục rơi xuống… rơi xuống… cho đến khi chạm đất.

Các em thân mến! Nếu các em không vâng phục Đức Chúa Trời, thì cũng giống như người trượt chân từ trên núi xuống. Tình trạng này cũng đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên từ khi lãnh đạo của họ là Giô-suê qua đời. Sự không vâng phục của dân Y-sơ-ra-ên dẫn đến hậu quả thật đáng buồn. Chúng ta cùng xem nhé!

  1. Bài học.

Sau khi Đức Chúa Trời đưa dân Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an rồi, thì Ngài phán dặn họ phải đuổi hết dân xứ đó đi, vì dân đó có thể khiến họ bị cám dỗ phạm tội với Đức Chúa Trời. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên không vâng lời Chúa. Các em biết chuyện gì xảy ra khi họ không vâng lời Chúa không? Chẳng bao lâu, dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu thờ lạy thần tượng của người Ca-na-an.

Các em nghĩ Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào? Ngài muốn dạy dỗ họ nên cho kẻ thù tấn công, khiến họ phải sống trong cảnh khốn khổ để nhận biết tội lỗi của mình, và quay trở lại với Ngài. Dầu vậy, dân Y-sơ-ra-ên không học thuộc bài học này, họ cứ phạm tội, ăn năn, cầu xin, được Chúa giải cứu, rồi lại phạm tội. Cứ mỗi lần họ ăn năn, Đức Chúa Trời sai một người lãnh đạo giúp họ thoát khỏi bàn tay của kẻ thù. Những người lãnh đạo này được gọi là quan xét.

Hôm nay, chúng ta sẽ học về quan xét Đê-bô-ra. Đê-bô-ra là một phụ nữ. Hai mươi năm nay, vua Ca-na-an là Gia-bin luôn phái tướng Si-sê-ra tấn công và hà hiếp dân Ysơ-ra-ên. Vua Gia-bin có 900 chiếc xe bằng sắt và quân đội hùng mạnh, còn dân Y-sơ-ra-ên thì không một tấc sắt trong tay.

Trong hoàn cảnh đó, Đức Chúa Trời sử dụng Đê-bô-ra để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi bàn tay của vua Ca-na-an. Đê-bô-ra không những là quan xét mà còn là tiên tri của Đức Chúa Trời. (Quan xét là người xét xử những cuộc tranh chấp của dân sự). Một ngày kia, Đê-bô-ra nhận được một mạng lệnh rất quan trọng từ Đức Chúa Trời. Bà vội vàng cho mời một người tên là Ba-rác đến. Hóa ra, Đức Chúa Trời muốn giao cho Ba-rác một nhiệm vụ. Các em đọc Các quan xét 4:6,7 xem Đức Chúa Trời phán bảo Ba-rác làm gì?

Đức Chúa Trời muốn Ba-rác lãnh đạo 10.000 quân đến núi Tha-bô, chuẩn bị chiến đấu với tướng Si-sê-ra. Ngài sẽ giúp Ba-rác chiến thắng. Các em đoán xem Ba-rác nhận mạng lệnh này kèm theo lời hứa của Đức Chúa Trời, thì thái độ của ông sẽ như thế nào? Các em đọc Các quan xét 4:8 xem Ba-rác trả lời như thế nào?

Vì sao Ba-rác đề nghị Đê-bô-ra cùng đi với ông? Có lẽ Ba-rác nghĩ rằng, nếu tiên tri Đê-bô-ra đi cùng ông thì chứng tỏ lời bà nói với ông là từ Đức Chúa Trời. Đương nhiên, Đê-bô-ra tin cậy Đức Chúa Trời và biết mạng lệnh trên là từ Ngài, nên bà không chút sợ hãi. Bà hy vọng Ba-rác cũng tin cậy và vâng lời Ngài.

“Thôi được, ta sẽ đi với ngươi!”. Đê-bô-ra đồng ý với lời yêu cầu của Ba-rác. Ba-rác chiêu mộ những người Y-sơ-ra-ên sống gần núi Tha-bô, và có mười ngàn người gia nhập quân đội. Đội quân Y-sơ-ra-ên kéo lên núi và chuẩn bị chiến đấu.

Trong khi đó, vua Ca-na-an biết được dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị tác chiến, thì ra lệnh cho tướng Si-sê-ra nghênh chiến. Si-sê-ra liền điều động 900 xe sắt, cùng toàn thể quân lính kéo đến khe Ki-sôn. Có lẽ những người Ca-na-an cười thầm, vì làm sao dân Y-sơ-ra-ên có thể chiến thắng được đội quân hùng mạnh như thế này?!

Nhưng Đê-bô-ra và Ba-rác đã biết trước đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ ở cùng họ và nhất định họ sẽ chiến thắng.

Cuộc chiến sắp bắt đầu. Các em đọc Các quan xét 4:14 xem Đê-bô-ra nói gì với Ba-rác? Đê-bô-ra khích lệ Ba-rác tin cậy Đức Chúa Trời. Ngài đang đi trước ông. Lời khích lệ của Đê-bô-ra khiến Ba-rác thêm lòng tin vào Đức Chúa Trời, mạnh mẽ dẫn đoàn quân từ núi Tha-bô tràn xuống. Chúng ta nhìn xem, Đức Chúa Trời bắt đầu thực hiện điều Ngài đã hứa.

Với kinh nghiệm của mình, tướng Si-sê-ra chọn khe Ki-sôn để dàn trận, nhưng ông không thể biết chiến thuật của Đức Chúa Trời. Khi đội quân của Si-sê-ra sắp tấn công quân Y-sơ-ra-ên, bỗng nhiên trời đổ mưa như trút nước. Khe Ki-sôn trong phút chốc biến thành giòng sông. Nước dâng lên càng lúc càng cao. Tướng Si-sê-ra và quân của ông vội vàng nhảy xuống xe tháo chạy tán loạn. Đội quân của Ba-rác đuổi theo và giết chết toàn bộ quân lính của Si-sê-ra, không sót một tên.

Dân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn chiến thắng. Chiến thắng này có phải do dân Y-sơ-ra-ên có một đội quân hùng mạnh, can đảm và một người lãnh đạo tài giỏi không? Không! Hoàn toàn là do sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Họ chỉ là những người tin cậy và vâng lời Đức Chúa Trời.

Sau đó, Đê-bô-ra và Ba-rác đã sáng tác một bài hát để ca ngợi Đức Chúa Trời. Đất nước của họ được hòa bình trong 40 năm.

  1. Ứng dụng.

      a. Ôn lại câu chuyện.

Cho các em mở sách học viên bài 9 và theo gợi ý làm bài tập “Phân biệt đúng sai”, để ôn lại trọng điểm của câu chuyện Kinh Thánh hôm nay. Sau đó hỏi các em: “Có chỉ thị gì dành cho Ba-rác?”, “Ba-rác gặp khó khăn gì?”, “Nếu em là Ba-rác, em sẽ làm gì?”, “Đê-bô-ra đã làm gì để giúp Ba-rác?” (Khích lệ ông vâng phục Đức Chúa Trời, đi cùng với ông ra trận).

     b. Học câu gốc.

Sau khi đọc câu gốc, cho các em thảo luận: “Ý nghĩa của câu Kinh Thánh này là gì?” (Đức Chúa Trời ban cho mỗi người mỗi ơn khác nhau. Người mạnh phải giúp đỡ, khích lệ người yếu tin cậy và vâng phục Đức Chúa Trời). “Em cảm thấy giúp người khác vâng phục Đức Chúa Trời, hoặc chính bản thân các em phải vâng phục Đức Chúa Trời có khó không? Vì sao?” (Cho các em trả lời).

     c. Áp dụng vào đời sống.

Trong cuộc sống hằng ngày, bạn bè của các em đôi khi gặp khó khăn trong đời sống đức tin, cần các em giúp đỡ. Các em có thể dùng lời nói hoặc hành động để khích lệ, giúp đỡ các bạn ấy. Cho các em theo gợi ý làm bài tập “Giúp đỡ bạn bè”, rồi chia sẻ những vấn đề mà bạn em gặp phải, và em đã dùng lời nói hoặc hành động gì để giúp đỡ bạn mình.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in THIẾU NHI on 21 Tháng Tám, 2024

BÀI 8. VÂNG PHỤC CHA MẸ

I. KINH THÁNH: 1Các vua 1:5-53.

II. CÂU GỐC: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm” (Ê-phê-sô 6:1).

III. BÀI TẬP.

  1. Vâng phục hay không vâng phục?

Em đọc các tình huống dưới đây, rồi viết chuyện gì sẽ xảy ra nếu vâng phục hay không vâng phục.

  1. Chuyện trong hoàng cung.

 Em chọn từ thích hợp trên chiếc áo của nhân vật dưới đây, rồi điền vào chỗ trống để hoàn thành bản thông cáo của hoàng cung.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in THIẾU NHI on 21 Tháng Tám, 2024

BÀI 8. VÂNG PHỤC CHA MẸ

I. KINH THÁNH: 1Các vua 1:5-53.

II. CÂU GỐC: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm” (Ê-phê-sô 6:1).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: A-đô-ni-gia không có lòng vâng phục và yêu thương cha mình, nên chống lại ý muốn của cha và tự xưng làm vua.

– Cảm nhận: Con cái không vâng lời cha mẹ sẽ không đẹp lòng Chúa. 

– Hành động: Em vâng lời cha mẹ trong mọi sự.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

  1. Sinh hoạt thứ nhất: Vị vua này là ai?

     a. Mục đích: Cho các em nhận biết bối cảnh của câu chuyện Kinh Thánh này.

     b. Tài liệu: Sách học viên trang tư liệu G.

     c. Thực hiện: Cho các em mở sách học viên trang tư liệu G, và theo gợi ý tìm ra tư liệu về vị vua đó.

     2. Sinh hoạt thứ hai: Ý nghĩa của từ “chống lại”.

     a. Mục đích: Cho các em nói về ý nghĩa của từ “chống lại”.

     b. Chuẩn bị: Tư liệu (tình huống phía dưới), giấy, viết.

     c. Thực hiện: Giáo viên viết tư liệu vào 3 tờ giấy. Khi thực hiện, cho các em thảo luận: “Thế nào là chống lại?” (Làm những gì trái với ý của người khác). Sau đó, cho các em bốc thăm tờ giấy tư liệu và trả lời.

* Tư liệu: Một đứa con 10 tuổi sẽ chống lại cha mẹ mình như thế nào? Một đứa con 5 tuổi sẽ chống lại cha mẹ mình như thế nào? Một đứa con 18 tuổi sẽ chống lại cha mẹ mình như thế nào? (Cho các em nói ra nhận định của mình).  

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

Giả sử các em làm bất cứ chuyện gì mình thích mà không bị ba mẹ ngăn cản, la rầy, thì sẽ như thế nào? (Cho các em thảo luận). Nếu trong gia đình, con cái được nuông chiều quá mức sẽ trở nên hư hỏng. Các em có thích chơi với những đứa trẻ hư hỏng không?

Bài học Kinh Thánh hôm nay nói về một gia đình cũng đang ở trong tình trạng như vậy. Gia đình này là ai? Các em biết gì về họ? (Cho các em đã hoàn thành phần sinh hoạt thứ nhất chia sẻ).

Đúng vậy, Đa-vít là một vị vua tài giỏi. Ông cai trị trên cả Y-sơ-ra-ên, nhưng trong gia đình của ông lại có một người con hư hỏng, luôn thích làm theo ý mình. Đa-vít rất đau khổ về người con này. Chúng ta xem người con này đã làm gì khiến cha mình phải đau khổ nhé!

  1. Bài học.

Lúc vua Đa-vít đã già, sức khỏe rất yếu, thì Đức Chúa Trời muốn vua truyền ngôi cho Sa-lô-môn, nhưng chưa thực hiện được thì có một việc xảy ra.

Hoàng tử A-đô-ni-gia là con thứ tư trong sáu người con trai do sáu người vợ sinh ra (tham khảo 2Sa-mu-ên 3:2-5). Thấy vua cha đã già, A-đô-ni-gia ngắm nghé ngai vàng. Một hôm, A-đô-ni-gia ra lệnh cho đầy tớ chuẩn bị xe ngựa, và chọn 50 người chạy trước mặt mình để mở đường. Đa-vít biết chuyện này nhưng vua không nói gì hết.

Không những thế, A-đô-ni-gia còn âm thầm mua chuộc các quan cận thần và thầy tế lễ để họ ủng hộ anh ta. Một hôm, A-đô-ni-gia mở đại tiệc ở bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, và cho mời tất cả các anh em mình, cùng các quan trong triều đến dự, trừ Sa-lô-môn và tiên tri Na-than. (A-đô-ni-gia biết Sa-lô-môn sẽ là người nối ngôi vua, còn tiên tri Na-than là bạn tốt của vua Đa-vít, không ủng hộ việc làm sai trái của A-đô-ni-gia).

Trong lúc A-đô-ni-gia và những người theo phe anh ta đang ăn mừng và tung hô: “Vua A-đô-ni-gia vạn tuế!”, thì trong hoàng cung xảy ra một việc. Tiên tri Na-than đến gặp hoàng hậu Bát-sê-ba và nói: “Bà có biết chuyện gì xảy ra không? A-đô-ni-gia tuyên bố mình làm vua, trong khi hoàng thượng không hề biết chuyện này. Nếu bà muốn cứu mình và hoàng tử Sa-lô-môn thì hãy làm theo cách này”. Các em đọc 1Các vua 1:13-14 xem Na-than bảo Bát-sê-ba làm gì?

Hoàng hậu Bát-sê-ba lập tức làm theo lời Na-than dặn, vì chuyện này rất quan trọng. Nếu A-đô-ni-gia thành công thì mạng sống của hai người sẽ bị đe dọa. Vì thế, Bát-sê-ba vào xin vua Đa-vít làm lễ đăng quang cho Sa-lô-môn trước mặt toàn thể dân Y-sơ-ra-ên. Trong lúc Bát-sê-ba còn đang nói, thì tiên tri Na-than vào tâu với vua việc làm của A-đô-ni-gia.              

Các em đọc 1Các vua 1:30 xem vua Đa-vít nói gì? Sau đó, vua ra chỉ thị cho các thầy tế lễ lập tức làm lễ xức dầu cho Sa-lô-môn làm vua. Họ đỡ Sa-lô-môn lên con la của vua Đa-vít rồi rước xuống Ghi-hôn. Thầy tế lễ Xa-đốc xức dầu cho Sa-lô-môn rồi dân chúng tung hô: “Vua Sa-lô-môn vạn tuế!”

A-đô-ni-gia và những người dự tiệc nghe tiếng kèn lẫn tiếng tung hô vang trời nhưng không biết việc gì xảy ra. Họ còn đang nhìn nhau ngơ ngác, thì một thanh niên chạy đến báo: “Vua Đa-vít đã lập Sa-lô-môn lên làm vua rồi! Các quan trong triều đều đến chúc mừng!”

Nghe vậy, A-đô-ni-gia và những người theo ông đều bàng hoàng và vội vã giải tán vì sợ liên lụy. A-đô-ni-gia biết mình đang gặp nguy hiểm liền vội vã chạy đến đền thờ Đức Chúa Trời và nắm lấy các sừng của bàn thờ. (Ngày xưa, theo luật của người Do thái, người bị truy sát nắm lấy các sừng của bàn thờ thì tính mạng được bảo toàn). A-đô-ni-gia còn yêu cầu vua Sa-lô-môn hứa sẽ không giết mình. Các em đọc 1Các vua 1:52-53 xem Sa-lô-môn đối xử với A-đô-ni-gia như thế nào?

A-đô-ni-gia lặng lẽ rời khỏi cung vua. Anh ta được cưng chiều quá nên luôn muốn làm theo ý mình thích. Sa-lô-môn đã tha thứ cho A-đô-ni-gia lần này, tưởng rằng anh ta sẽ sửa đổi, nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết, A-đô-ni-gia tiếp tục làm theo ý thích của mình, muốn cưới vợ của cha mình, nên cuối cùng phải bị xử tử (1Các vua 2:13-17, 23-25).

  1. Ứng dụng.

     a. Ôn lại câu chuyện.

Cho các em mở sách học viên bài số 8 và theo gợi ý làm bài tập “Chuyện trong hoàng cung”, rồi hỏi các em: “A-đô-ni-gia đã có hành động chống lại cha mình như thế nào?”, “Em nghĩ xem vua Đa-vít cảm thấy như thế nào trước hành động của con mình?”, “Người con không vâng phục cha phải nhận hậu quả như thế nào?”

     b. Học câu gốc.

Cho các em đọc câu gốc bài này, sau đó thảo luận: “Vì sao các em phải vâng lời ba mẹ?” (Vì đó là điều răn của Đức Chúa Trời). “Nếu con cái không vâng lời ba mẹ thì sẽ như thế nào?”

     c. Áp dụng vào đời sống.

Các em thân mến! Trong cuộc sống mỗi ngày, ba mẹ luôn dạy bảo các em điều nên làm và không nên làm. Các em có thái độ nào trước lời khuyên bảo của ba mẹ? Sau đó, cho các em theo gợi ý làm bài tập “Vâng phục hay không vâng phục!” rồi chia sẻ hành động vâng phục ba mẹ trong tuần này.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in THIẾU NHI on 21 Tháng Tám, 2024

BÀI 7. CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

I. KINH THÁNH: 1Sa-mu-ên 1, 2:1-11,18-21.

II. CÂU GỐC: “Lạy Đức Chúa Trời, con kêu cầu với Ngài vì Ngài sẽ nhậm lời con. Xin Chúa nghiêng tai nghe lời cầu nguyện của con.” (Thi thiên 17:6).

III. BÀI TẬP.

     1. Nặng quá!

Viết ra hai nan đề gia đình của hai người bạn mà em biết, rồi viết ra nan đề mà gia đình em gặp phải gần đây nhất. Sau đó cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giúp đỡ.

  1. Trước và sau khi cầu nguyện.

Em tô màu đỏ lên những ô có hình         , rồi lấy các chữ trong ô đó điền vào chỗ trống trong phần “Trước khi cầu nguyện”. Tô màu xanh lên các ô có hình           , rồi lấy các chữ trong ô đó điền vào chỗ trống trong phần “Sau khi cầu nguyện”. Sau đó trả lời câu hỏi.   

Một cái. Gia đình. Con trai. Vào. Ban cho. Nói cho. Bình an. Lấy đi. Có được. Dịu dàng. Lên. Cầu nguyện. Vui mừng. Hoà bình. Hy vọng. Dài. Vuông. An uống. Sầu khổ. Tròn. Tin tưởng. Đừng quên. Trả lời. Yêu.

 

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in THIẾU NHI on 21 Tháng Tám, 2024

BÀI 7. CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

I. KINH THÁNH: 1Sa-mu-ên 1, 2:1-11,18-21.

II. CÂU GỐC: “Lạy Đức Chúa Trời, con kêu cầu với Ngài vì Ngài sẽ nhậm lời con. Xin Chúa nghiêng tai nghe lời cầu nguyện của con.” (Thi thiên 17:6).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: An-ne có sự buồn khổ trong lòng, nên đến đền thờ cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện khi em hết lòng cầu nguyện với Ngài. 

– Hành động: Cầu nguyện cho những người thân trong gia đình.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Tìm ra đường đi.

  1. Mục đích: Cho các em tự tìm ra hành động quan trọng của nhân vật chính trong câu chuyện Kinh Thánh này.
  2. Tài liệu: Sách học viên trang tư liệu E.
  3. Thực hiện: Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay kể về người phụ nữ tên là An-ne. Bà gặp một khó khăn rất lớn, cần phải được giải quyết. Cho các em mở sách học viên trang tư liệu E, và theo hướng dẫn hoàn thành bài tập.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

Khi sống chung trong một mái nhà, chắc chắn gia đình nào cũng gặp rắc rối. Trong bài học tuần trước, các em còn nhớ gia đình của ai đã gặp rắc rối giữa con cái trong nhà không? (Cho các em nhắc lại bài cũ). Hôm nay, các em sẽ thấy một người vợ trong gia đình đang gặp nỗi buồn khổ rất lớn. Bà rất cần được giúp đỡ. Nỗi buồn khổ của bà có được giải quyết không? Các em cùng nghe câu chuyện này nhé!

  1. Bài học.

Bà An-ne là vợ của ông Ên-ca-na. Đáng lẽ bà An-ne sống rất hạnh phúc, nhưng vì bà không có con nên bà rất buồn. Vào thời đó, người phụ nữ có chồng mà không có con là một sự sỉ nhục. Vì vậy, An-ne rất đau khổ.  

Nỗi đau khổ của bà càng lớn hơn khi người vợ thứ hai của ông Ên-ca-na là Phê-ni-na thường hay châm chọc chuyện không có con của bà (vào thời đó, một người đàn ông có hai vợ là chuyện bình thường). Bà Phê-ni-na có nhiều con, nên mỗi dịp cả gia đình đi thờ phượng Đức Chúa Trời, bà Phê-ni-na đều châm chọc An-ne. Các em nghĩ xem An-ne cảm thấy thế nào trước lời châm chọc của Phê-ni-na?

An-ne đau khổ đến phát khóc. Dù ông Ên-ca-na rất yêu thương bà, nhưng tình yêu của ông cũng không thể nào bù đắp nỗi đau khổ của bà. Bà đau buồn đến nỗi không muốn ăn uống gì hết.

Sau khi mọi người ăn uống xong, An-ne lẳng lặng đi vào đền thờ. Bà đến đó làm gì? (Cho các em đã hoàn thành phần sinh hoạt đầu giờ chia sẻ).

An-ne vừa thì thầm cầu nguyện vừa khóc. “Đức Chúa Trời ôi! Xin Ngài đoái xem nỗi sầu khổ của con! Xin Ngài đừng quên con! Nếu Ngài ban cho con một đứa con trai, con sẽ dâng nó cho Ngài. Trọn đời nó sẽ hầu việc Ngài”.

Lúc ấy, thầy tế lễ Hê-li ngồi gần đó thấy dáng điệu của An-ne thì tưởng bà say rượu. Các em đọc 1Sa-mu-ên 1:14 xem Hê-li nói gì với An-ne?

Hê-li quở trách vì ông không biết An-ne đang cầu nguyện, bà chỉ nói thầm thì trong miệng thôi. Vì thế, khi Hê-li hiểu ra, ông đã chúc phước cho bà.

Sau khi cầu nguyện xong, An-ne cảm thấy lòng nhẹ nhàng. Các em đọc 1:18 xem tâm trạng của An-ne lúc này như thế nào? (Vui vẻ, bình an, và muốn ăn uống). Trong lòng bà tràn ngập hy vọng, vì bà tin Đức Chúa Trời nghe và nhậm lời cầu nguyện của bà.

Sáng hôm sau, cả gia đình trở về nhà. Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời thực sự nghe lời cầu nguyện của An-ne. Không bao lâu sau đó, An-ne có thai và sanh một con trai. Bà đặt tên con là Sa-mu-ên, có nghĩa là “Đức Chúa Trời nhậm”.

Dĩ nhiên An-ne rất yêu thương Sa-mu-ên, không muốn rời xa con một giây phút nào. Nhưng các em còn nhớ bà đã hứa gì khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời trong đền thờ không? (Dâng con cho Đức Chúa Trời). An-ne nhất định thực hiện lời hứa của mình. Đợi khi Sa-mu-ên dứt sữa, bà đem con đến đền thờ và dâng cho Đức Chúa Trời. Bé Sa-mu-ên ở lại với thầy tế lễ Hê-li trong đền thờ. Kinh Thánh không cho chúng ta biết chính xác lúc đó Sa-mu-ên bao nhiêu tuổi, chỉ cho biết “đứa trẻ hãy còn nhỏ lắm” (1Sa-mu-ên 1:24b). Sau khi thờ phượng Đức Chúa Trời xong, An-ne và Ên-ca-na trở về nhà, với lòng tin Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc con mình.

Sa-mu-ên thơ ấu phục sự Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời đã ban thưởng cho An-ne, bà có thêm 3 con trai và 2 con gái, còn Sa-mu-ên cứ phục sự Đức Giê-hô-va, trở thành quan xét của dân Y-sơ-ra-ên, và là tiên tri của Đức Chúa Trời.

  1. Ứng dụng.

         a. Ôn lại câu chuyện.

Cho các em mở sách học viên bài số 7 và theo gợi ý làm bài tập: “Trước và sau khi cầu nguyện”. Sau đó hỏi các em: “Nguyên nhân nào khiến bà An-ne trút đổ tâm sự của mình với Đức Chúa Trời?” “Bà An-ne bày tỏ sự yêu thương đối với Sa-mu-ên như thế nào?” (May áo cho con). Đối với những người thân sống xa nhà, em nên làm thế nào để bày tỏ tình yêu thương?  

         b. Học câu gốc.

Cho các em đọc câu gốc bài này, rồi hỏi các em: “Vì sao các em bày tỏ nỗi lòng của mình với Đức Chúa Trời?” (Đức Chúa Trời sẽ nghe và giúp đỡ). “Các em nghĩ sau khi Đức Chúa Trời ban Sa-mu-ên cho An-ne, bà sẽ còn cầu nguyện với Đức Chúa Trời điều gì nữa?”

          c. Áp dụng vào đời sống.

Giáo viên chia sẻ: “Mỗi gia đình đều có những khó khăn riêng. Người thân hoặc bản thân em gặp khó khăn gì trong gia đình? (Cho các em tự do chia sẻ, có thể có những vấn đề phức tạp như: Ba mẹ thường xuyên gây gỗ nhau, ba mẹ ly dị, không phải ba mẹ ruột…). Sau đó, cho các em theo gợi ý làm bài tập: “Nặng quá!” và khuyến khích các em đem tất cả mọi khó khăn, cùng niềm vui lẫn nỗi buồn kể cho Đức Chúa Trời nghe. Chắc chắn, Ngài sẽ an ủi và giúp đỡ các em.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in THIẾU NHI on 21 Tháng Tám, 2024

BÀI 6. SỐNG THA THỨ

I. KINH THÁNH: Sáng thế ký 32:3-23, 33:1-16.

II. CÂU GỐC: “Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:13).

III. BÀI TẬP.

  1. Hành động hạ nhiệt.

Em đọc các tình huống sau đây và tô màu lên nhiệt kế bày tỏ cảm nhận của em. Màu đỏ: Rất tức giận. Màu vàng: Không vui. Màu xanh: Không có vấn đề gì. Sau đó viết ra lời cầu nguyện của em xin Chúa giúp em tha thứ.

  1. Trên đường về nhà.

Em theo số thứ tự xem câu đó đúng hay sai, rồi chọn hướng đi. Nếu câu đúng thì đi theo hướng phải, còn nếu câu sai thì đi theo hướng trái.

Khởi hành

 

  • Đúng Hoặc Sai.
  1. Gia-cốp rời khỏi nhà nên mãi mãi nghèo khổ.
  2. Gia-cốp lo sợ Ê-sau sẽ giết mình.
  3. Gia-cốp cầu xin Chúa giúp đỡ.
  4. Gi-cốp tặng lễ vật của Ê-sau.
  5. Cuối cùng, Ê-sau nhất định không nhận lễ vật.
  6. Ê-sau tha thứ cho Gia-cốp.
BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in THIẾU NHI on 21 Tháng Tám, 2024

BÀI 6. SỐNG THA THỨ

I. KINH THÁNH: Sáng thế ký 32:3-23, 33:1-16.

II. CÂU GỐC: “Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:13).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Ê-sau đã tha thứ cho Gia-cốp.

– Cảm nhận: Tha thứ cho người khác là bày tỏ tình yêu thương. 

– Hành động: Nhường nhịn và tha thứ cho anh chị em trong gia đình.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Chuyện hai anh em.

  1. Mục đích: Khơi cho các em sự thích thú để học tập câu chuyện Kinh Thánh này.
  2. Tài liệu: Sách học viên trang tư liệu D.
  3. Thực hiện: Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay tiếp tục nói về hai anh em Ê-sau và Gia-cốp. Giáo viên cùng các em ôn lại trọng tâm câu chuyện Kinh Thánh bài trước. Sau đó, cho các em theo chỉ dẫn hoàn thành bài tập trong trang tư liệu D.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

Có những lúc chúng ta làm một việc gì đó nhưng không nghĩ đến hậu quả, nên đôi lúc cảm thấy hối tiếc (Giáo viên chia sẻ kinh nghiệm của mình). Tình trạng của Gia-cốp bây giờ cũng như vậy. Có lẽ Gia-cốp rất nhớ nhà, nhất là mẹ, nhưng chàng không dám trở về. Hai mươi năm đã trôi qua. Gia-cốp đã có vợ và con cái.

Một ngày nọ, Đức Chúa Trời phán với Gia-cốp đã đến lúc trở về quê nhà. Các em đoán xem Gia-cốp suy nghĩ như thế nào? Nếu Ê-sau biết Gia-cốp trở về, thì anh ta cảm thấy thế nào? (Cho các em đã thực hiện xong phần sinh hoạt đầu giờ chia sẻ). Bây giờ, các em xem Kinh Thánh kể về câu chuyện này như thế nào nhé!

  1. Bài học.

Có một đoàn người đang đi trên đường, đàn súc vật đi theo sau. Đó là gia đình của Gia-cốp và những tôi tớ đang trên đường trở về nhà. Bây giờ, Gia-cốp đã trở nên giàu có. 20 năm qua, Gia-cốp sống trong gia đình của cậu mình, và ông vẫn luôn tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, sẽ có một ngày ông được trở về quê hương. Bây giờ, lời hứa đó đã thành hiện thực. Dầu vậy, Gia-cốp vẫn cảm thấy lo lắng và sợ hãi.

Gia-cốp cho một vài người đi trước gặp Ê-sau. Các em đọc Sáng thế ký 32:4-5 xem Gia-cốp dặn các đầy tớ mình nói gì?

Gia-cốp hy vọng những lời chào hỏi trước sẽ khiến anh trai mình nguôi giận và tha thứ cho. Nhưng khi các tôi tớ về thuật lại là Ê-sau sẽ đem 400 người đi đón, thì Gia-cốp rất sợ hãi. Các em thấy 400 người giống một đội quân không? Ê-sau có ý định gì đây? Gia-cốp rất lo lắng! Ông nghĩ cách làm thế nào để tránh bị thiệt hại nếu Ê-sau tấn công. Vì vậy, ông chia những người đi theo làm hai đội, súc vật cũng chia làm hai. Nếu Ê-sau tấn công 1 trong 2 đội thì đội còn lại có thể chạy thoát. Tiếp đến, Gia-cốp làm một việc khôn ngoan hơn, đó là cầu xin Đức Chúa Trời bảo vệ gia đình của mình.

Đến tối, Gia-cốp chọn những súc vật mập nhất và chia ra ba bầy để làm quà cho Ê-sau. Các em đọc Sáng 32:17,18 xem lần này Gia-cốp dặn các đầy tớ mình nói gì? Gia-cốp nghĩ rằng gởi quà đi trước sẽ khiến Ê-sau vui lòng, không tấn công mình nữa.

Sáng hôm sau, Gia-cốp nhìn thấy từ xa có rất nhiều người đi về phía mình. Đúng là đoàn người của Ê-sau rồi! Gia-cốp lập tức bảo phụ nữ và trẻ em đi ra phía sau, còn chính ông đi trước. Khi đến gần anh trai, Gia-cốp cúi mình xuống liên tiếp 7 lần, bày tỏ sự hạ mình. Các em nghĩ Ê-sau có thấy tấm lòng của Gia-cốp không?

Kinh Thánh cho chúng ta biết, Ê-sau chạy đến ôm choàng lấy em mà hôn. Một hình ảnh rất cảm động, phải không? Chắc nhiều người chứng kiến cảnh đó đã khóc, nhất là phụ nữ. Không những các bà thôi đâu, mà chính Ê-sau và Gia-cốp cũng khóc. Các em thấy hình ảnh hai anh em ôm nhau khóc nói lên điều gì? (Cho các em nói ra suy nghĩ của mình). Gia-cốp biết Ê-sau đã thực sự tha thứ cho mình.

Gia-cốp giới thiệu vợ con của mình cho Ê-sau biết, và nài xin Ê-sau vui lòng nhận lễ vật của mình. Vậy là sau 20 năm xa cách, tình yêu thương và sự tha thứ đã nối họ lại với nhau. Nếu không có sự tha thứ, chắc chắn sẽ không có cuộc gặp mặt cảm động ngày hôm nay, và mãi mãi họ sống trong hận thù.

  1. Ứng dụng.

      a. Ôn lại bài học.

Cho các em mở sách học viên bài số 6 và theo chỉ dẫn làm bài tập “Trên đường về nhà”. Sau đó cho các em thảo luận: “Gia-cốp đã có những hành động gì chứng tỏ ông rất muốn làm hòa với Ê-sau?” “Ê-sau đã bày tỏ tình yêu thương và sự tha thứ đối với Gia-cốp như thế nào?” “Nếu Ê-sau không chịu tha thứ thì sẽ ra sao?” (Cho các em trả lời).

      b. Học câu gốc.

Cho các em đọc câu gốc rồi thảo luận: “Thế nào là phàn nàn?” “Có từ nào đồng nghĩa với nó không?”, “Thế nào là sự nhịn nhục?” (Chịu đựng sự quấy phá của người khác với tinh thần cảm thông, cho người đó có cơ hội sửa đổi). “Thế nào là tha thứ?” (Không nhớ đến lỗi lầm của người khác, trở lại mối quan hệ như trước). Vì sao chúng ta phải tha thứ cho người khác? (Vì Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta).

     c. Áp dụng vào đời sống.

Giáo viên: “Có lúc người khác không cố ý làm những việc khiến cho các em buồn. Vì vậy, các em cần phải học tập tha thứ, cho dù người đó có cố ý làm cho các em buồn đi nữa, thì cũng phải tha thứ. Các em nên ghi nhớ: Chúa đã và luôn luôn tha thứ cho các em. Ngài muốn các em tha thứ cho người khác. Việc làm đó bày tỏ các em có tình yêu thương, và là con cái của Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, tha thứ không phải là việc dễ làm, nhất là người khác làm cho em bị tổn thương quá nhiều. Phải mất 20 năm, Ê-sau mới có thể tha thứ cho Gia-cốp. Các em có thể tha thứ được không? Nếu các em thật lòng muốn tha thứ, Đức Chúa Trời sẽ giúp các em”.

Sau đó cho các em theo gợi ý làm bài tập: “Hành động hạ nhiệt” rồi thảo luận: “Trong tình huống nào, người thân của các em làm cho các em rất tức giận?” “Em đã làm gì?” (Cho các em chia sẻ những gì đã viết).