Tác giả: Mai Hdenayun

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 15.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 15.09.2024

in NAM GIỚI on 10 Tháng Chín, 2024

Chúa nhật 15.09.2024

  1. Đề tài: KHẮC PHỤC CHÍNH MÌNH.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 9:24-27.
  3. Câu gốc: “Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (1Cô-rinh-tô 9:27).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 34-36.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

– Chủ đề: KHẮC PHỤC CHÍNH MÌNH.

– Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ.

– Thời gian: 1h30’.

I. CHUẨN BỊ.

Ban tổ chức cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu đố Kinh Thánh và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và dựa vào điều đó để tìm đến trạm. Sau khi thực hiện xong các yêu cầu của ban tổ chức, cả nhóm theo chỉ dẫn của mật thư thứ hai để đến trạm kế tiếp…

– Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.

                         Ôn chữ.                        Các dấu.

     Â = AA                    Ê = EE                          – Sắc = S

     Ă = AW                   Ư = UW = W                – Huyền = F

     Ô = OO                    Đ = DD                         – Hỏi = R

     Ơ = OW                   ƯƠ = UOW                  – Ngã = X

                                                                            – Nặng = J

– Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… mà ban viên đã quen thuộc, đồng thời phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật thư được giấu tại điểm đặt trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.

– Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường tùy theo địa điểm mỗi nơi.

– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.

– Kinh Thánh: Thông báo cho ban viên học thuộc lòng câu gốc tuần nầy và đọc trước 1Cô-rinh-tô 9:24-27; Hê-bơ-rơ 12.

II. THỰC HIỆN.

  1. Thể lệ cuộc thi và cách chấm điểm.
  1. Thể lệ cuộc thi.

– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.

– Đến trạm, phải xếp hàng ngay ngắn và báo cáo kết quả của trạm trước.

– Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.

     b. Cách chấm điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ………….. 10 điểm.

– Giải chính xác mật thư………………………………….. 10 điểm.

– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm……………………….. 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất……………………………………….. 10 điểm.

– Nội dung thảo luận thực hiện tốt…………………….. 10 điểm.

     2. Diễn tiến trò chơi.

  1. Mở đầu.

Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người, xếp hàng dọc theo mỗi nhóm, cử nhóm trưởng và thư ký nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: “Khắc Phục Chính Mình”.

Thưa các bạn! Trong xã hội hiện đại, làm việc gì cũng phải thật nhanh và hiệu quả, chậm một chút thì trở nên thua kém, đó là cuộc chạy đua của thế giới bên ngoài. Còn ở trong Chúa thì sao? Cuộc chạy đua ở trong Chúa quan trọng hơn nhiều vì đến cuối cùng chúng ta nhận được phần thưởng Chúa ban cho. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải chạy thật nhanh và có kết quả cho công việc nhà Chúa. Nhưng trong cuộc chạy đua nầy, chúng ta cần khắc phục chính mình như Phao-lô đã nói: “E rằng sau khi tôi giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng”. Hôm nay chúng ta cùng tham gia chương trình sinh hoạt này, để thấy được sự “khắc phục chính mình” là cần thiết trong cuộc chạy đua là thế nào!

    b. Xuất phát.

Tất cả các nhóm phải tập trung tại điểm xuất phát. Ban tổ chức phổ biến thể lệ cuộc thi và mỗi nhóm cử ra một người, đại diện nhóm để “Vượt chướng ngại vật”.

(“Chướng ngại vật” có thể là những câu hỏi hoặc những động tác do ban tổ chức đưa ra như: Vì sao sự khắc phục chính mình là cần thiết? Bạn có thái độ nào đối với chính mình?… Tuỳ chỗ chúng ta chơi hoặc có thể yêu cầu các bạn tìm cho 10 con kiến vàng cột thành xâu, có thể yêu cầu lột một trái dừa còn nguyên vỏ cho BTC…).

Đại diện nhóm nào vượt qua được “chướng ngại vật” mới được nhận mật thư.

* Mật thư 1: 20 9 13 6  14 7 21 15 23 9 6  20 23 6  

2 15 18  17 21 25 5 5 14 6  12 15 23 9 10  18 9 55 14 7.

A-đam là người Chúa tạo dựng đầu tiên.

(Dùng mật mã thế chữ bằng số: A=1; B=2; C=3; D=4...).

Trạm 1.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

  1. Khi khuyến khích cuộc sống tự chế ngự, Phao-lô ví sánh Cơ Đốc nhân với hình ảnh nào?
  2. Tại sao cần có sự tự chế ngự trong đời sống người Cơ Đốc? (c.24-25).
  3. Muốn thắng cuộc chạy đua thuộc linh, người Cơ Đốc cần kiêng cữ điều gì? Và đặt mình trong lề lối nào? (1Giăng 2:15-17).

* Mật thư 2: BIS CUAR TUWJ CHEES SUWJ QUYEETS TIMF.

Rắn ăn đuôi ăn đầu.

Trạm 2.

Yêu cầu

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát trò chơi: Ai là Đa-vít?

Nhóm trưởng nhận các lá thăm đã được viết sẵn và phát lá thăm cho các bạn trong nhóm. Trong số lá thăm có 2 hoặc 3 lá mang chữ “Đa-vít”, 2 hoặc 3 lá mang chữ “Gô-li-át”, số còn lại để trống.

Sau khi nhận lá thăm, mỗi người sẽ im lặng không để cho ai biết vai trò của mình được ghi trong lá thăm. Mỗi người sẽ lặng lẽ quan sát nhau và người mang thăm “Gô-li-át” sẽ nhìn một người nào bất kỳ và nheo mắt cho người đó, nếu người đó mang thăm trắng sẽ “Á” lên một tiếng và thế là chết. Còn nếu người mang thăm Gô-li-át nheo mắt nhằm người mang thăm “Đa-vít” thì “Đa-vít” sẽ giơ tay ra và bắn “Gô-li-át” lúc đó người mang thăm “Gô-li-át” sẽ chết.

Người nào đã xuất hiện rồi thì không được tham gia nữa. Trò chơi sẽ kết thúc khi Đa-vít và Gô-li-át đều đã xuất hiện.

Nhóm nào sau khi Đa-vít đã tiêu diệt Gô-li-át rồi thì được nhận mật thư trước.

* Mật thư 3:

AB CD EF
GH IJ KL
MN OP QR

 

Trạm 3.

Yêu cầu

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời:

  1. Sự Phao-lô “đãi thân thể mình cách nghiêm khắc” có nghĩa gì? (c.27).
  2. Tại sao Cơ Đốc nhân phải có thái độ nghiêm khắc đối với chính mình?
  3. Qua đời sống tự chế ngự của Phao-lô, cho chúng ta tìm thấy bí quyết nào trong sự khắc phục chính mình? (c.26-27).

     3. Kết thúc.

Thưa các bạn! Khắc phục được chính mình là một điều rất khó. Xin Chúa cho chúng ta biết nương nhờ sức Chúa để khắc phục chính mình, hầu cho đến ngày gặp Chúa chúng ta không hổ thẹn mà vui mừng nhận lãnh mão triều thiên không hay hư nát.

– Cầu nguyện theo sự dạy dỗ.

– Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong cuộc sống con người thường có những trái ngược nhau. Có người thành công bên ngoài, nhưng thất bại bên trong. Có những bậc vua chúa quyền hành lớn chinh phục cả thiên hạ, nhưng lại không thắng được chính mình!

Trong đoạn 9, Phao-lô đã nêu cao ba gương sáng qua đời sống của mình trước mặt tín hữu Cô-rinh-tô:

– 9:1-18: Gương sáng về sự từ bỏ quyền lợi riêng.

– 9:19-23: Gương sáng về sự từ bỏ tự do cá nhân.

– 9:24-27: Gương sáng về sự tự tiết chế.

Tại sao Phao-lô rất quan tâm đến sự tự chế, và thách thức Cơ Đốc nhân một đời sống tự chế?

I. DẪN GIẢI.

  1. Sự tự chế cần thiết.

Tự chế là sự tự giữ mình khỏi những ham muốn của tư dục. Với vấn đề tự do, điều Phao-lô lo ngại là nếu người Cơ Đốc không biết tự chế thì sẽ rơi vào ách nô lệ tội lỗi! Cho nên sau khi nêu lên gương sáng về sự từ bỏ quyền lợi và tự do của mình vì Tin Lành, Phao-lô thách thức tín hữu Cô-rinh-tô một đời sống tự chế.

Trong bối cảnh của một thành phố mà dân chúng Hy-lạp ưa chuộng thể thao, với những cuộc tranh tài của những lực sĩ trong vận động trường to lớn, nổi tiếng, Phao-lô ví sánh người Cơ Đốc trong hình ảnh của người chạy đua để làm sáng tỏ lẽ cần của sự tự chế.

Như lực sĩ muốn thắng cách vinh dự thì phải chịu kiêng cử, chịu khó nhọc luyện tập thân mình. Cũng vậy, trong cuộc chạy đua thuộc linh, người Cơ Đốc cần kiêng cử. Đó là sự khắc phục bản ngã, tự chế đối với những ham muốn của xác thịt (Rô-ma 13:13-14). Vì:

– Để đạt đến mục đích Chúa gọi.

– Để nhận được mão triều thiên không hay hư nát.

  1. Bí quyết tự chế (c.26-27).

Phao-lô chẳng những kêu gọi tín hữu tự chế, nhưng chính đời sống Phao-lô cũng là gương mẫu của sự tự chế. Qua gương tự chế của Phao-lô cho chúng ta học biết thế nào tự chế chính mình.

  1. Nhắm mục đích: “Tôi chạy, chẳng phải chạy bá vơ…” như lực sĩ nhắm vào lằn mức cuối cùng của cuộc chạy đua để thắng cuộc, người Cơ Đốc cần hướng về mục đích của Chúa gọi, không để cho sự ham muốn của tư dục chi phối đôi mắt, chi phối tấm lòng của mình.
  2. Ý thức mình đang ở trong cuộc chạy đua cam go: “…Tôi đánh, chẳng phải là đánh gió…” Phao-lô nói trong ý nghĩa của người đấu võ, mỗi cú đánh phải trúng địch thủ. Cũng vậy, người Cơ Đốc phải biết tính chất quan trọng trong cuộc chạy đua của mình, từ chối mọi cám dỗ của tư dục, hầu chạy cách nào để được thưởng.
  3. Đãi thân thể nghiêm khắc: “…Tôi đãi thân thể cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục…”

Những chữ “đãi thân thể nghiêm khắc” không có nghĩa Phao-lô kêu gọi người tín hữu phải ép xác, khổ tu để diệt dục như một số tôn giáo loài người chủ trương. Nhưng chỉ thái độ cứng rắn, nghiêm chỉnh trước sự luông tuồng của tư dục, với ý chí quyết định đặt mình dưới qui luật của Đấng Christ. Như người võ sĩ quyền anh phải luyện tập thân mình cứng rắn, để đối phó với địch thủ mang găng tay sắt nhọn theo cách đấu võ thời đó.

  1. Bài học cho đời sống.

Sau lời kêu gọi tự chế, Phao-lô kết thúc với lời cảnh cáo chính mình “…e rằng tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng?”

Chữ “bị bỏ” không có nghĩa bị mất sự cứu rỗi nhưng chỉ về sự thất bại trong công tác Chúa gọi. Như người không đủ tiêu chuẩn, bị loại ra khỏi cuộc chạy, mất phần thưởng của mình. Thật là bi thảm cho người không tự chế được chính mình, tự chế được tham dục.

Alexander đại đế, người có lần chinh phục gần cả thế giới, nhưng lại không thắng được chính mình, không thắng được ma lực của rượu. Theo sử sách ghi lại, Alexander đã kết thúc cuộc đời cách buồn thảm trong buổi ăn sáng với gần lít rượu, và ngã chết với tuổi mới vừa 33, để lại sự nghiệp dở dang với dòng chữ lịch sử ghi lại vua chết vì rượu!

Hãy trở về với chính mình. Có thể chúng ta lạc quan với những thành công nào đó, nhưng có những câu hỏi giúp chúng ta tự kiểm điểm: Tôi đang sống chìu theo tư dục hay khắc phục tư dục?

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.

  1. Khi khuyến khích về sự tự chế, Phao-lô khuyến khích Cơ Đốc nhân trong hình ảnh nào?
  2. Tại sao cần có sự tự chế trong đời sống Cơ Đốc nhân? (c.24-25).
  3. Muốn thắng cuộc đua, người lực sĩ phải kiêng cữ những gì? Muốn thắng cuộc chạy đua thuộc linh, người Cơ Đốc cần kiêng cữ điều gì? Và đặt mình trong lề lối nào? (1Giăng 2:15-17).
  4. Sự Phao-lô “đãi thân thể mình cách nghiêm khắc” có nghĩa gì? (c.27).
  5. Tại sao có thái độ nghiêm khắc ấy đối với chính mình?
  6. Qua đời sống tự chế của Phao-lô cho chúng ta tìm thấy bí quyết nào trong sự khắc phục chính mình? (c.26-27).
BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in THIẾU NHI on 9 Tháng Chín, 2024

BÀI 10. TIẾT ĐỘ

I. KINH THÁNH: Ga-la-ti 5:22-23 (tham khảo 1 Cô-rinh-tô 9:24-27; Tít 1:7-8).

II. CÂU GỐC: “Thêm cho tri thức tính tiết chế, thêm cho tiết chế tính kiên nhẫn, thêm cho kiên nhẫn lòng tin kính” (2 Phi-e-rơ 1:6).

III. BÀI TẬP.

  1. Tiết độ chính là…

   Trong những câu sau đây, câu nào miêu tả sự tiết độ? Em vẽ mặt cười trước câu có biểu hiện tiết độ, và mặt buồn trước câu không có biểu hiện tiết độ.

  1. Có sự tiết độ.

   Em đọc câu chuyện sau đây, và tìm xem câu Kinh Thánh nào giúp bạn Cường có sự tiết độ? (Ghi câu Kinh Thánh đó vào chỗ trống).

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in THIẾU NHI on 9 Tháng Chín, 2024

BÀI 10. TIẾT ĐỘ

I. KINH THÁNH: Ga-la-ti 5:22-23 (tham khảo 1 Cô-rinh-tô 9:24-27; Tít 1:7-8).

II. CÂU GỐC: “Thêm cho tri thức tính tiết chế, thêm cho tiết chế tính kiên nhẫn, thêm cho kiên nhẫn lòng tin kính” (2 Phi-e-rơ 1:6).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

   – Biết: Tiết độ là tự hạn chế bản thân, bao gồm những việc nên làm và không nên làm.

   – Cảm nhận: Người không biết tiết độ sẽ dễ bị cám dỗ phạm tội.

   – Hành động: Sẵn lòng rèn luyện sự tiết độ trong ba phương diện: Ăn uống, công việc và cảm xúc.

IV. GIÁO VIÊN SUY GẪM.

   Tiết độ là đặc tính cuối cùng mà Phao-lô nêu ra trong trái Thánh Linh. Phẩm đức tốt đẹp nầy chỉ về cách đối xử với bản thân. Tiết độ có nghĩa là tự kiềm chế những ham muốn, và cảm xúc của mình.

   Vận động viên là hình ảnh rõ ràng nhất để nói về sự tiết độ. Họ bắt buộc phải ở dưới kỷ luật. Vận động viên trước khi tham dự trận đấu phải nghiêm khắc tuân giữ mọi quy định về ăn uống, giờ giấc, tập luyện…để đạt kết quả cao nhất.

   Tiết độ cũng là một trong những điều kiện mà các mục sư và các trưởng lão trong Hội Thánh phải có (Tít 1:7-8). Theo 1Cô rinh-tô 7:5-9, tiết độ nói đến việc kiềm chế tình dục, nhưng trong Ga-la-ti 5:21 thì từ tiết độ không chỉ về mặt đạo đức, mà còn bao gồm việc ăn uống, giải trí, và mọi hoạt động của đời sống. Trái ngược với tiết độ là buông thả, tức là không kiềm chế, không tự kỷ luật bản thân. Phán đoán sáng suốt và nhận biết bản thân có thể giúp rèn luyện sự tiết độ. Vì vậy, mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta phải phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời. Tiết độ mà Phao-lô nói đến là vâng theoý muốn của Chúa, hạn chế ý muốn của bản thân. Tuy nhiên, khi xác thịt làm chủ thì con người không cách nào tiết độ. “Vậy tôi nói, hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng thỏa mãn những dục vọng xác thịt. Vì xác thịt có những dục vọng trái ngược với Thánh Linh, và Thánh Linh có những ước muốn trái ngược với xác thịt; hai bên đối nghịch nhau như vậy, nên anh em không làm được điều mình muốn” (Ga-la-ti 5:16-17).

   Đối với các em thiếu nhi, nên cho các em học tiết độ trong ba phương diện: Ăn uống (tham ăn), công việc (lười biếng), và cảm xúc (nóng giận).

  1. Tham ăn.

    a. Cách đối phó.

   Giáo viên giúp các em nhận biết: Mọi sự đều có quy tắc của nó. Xã hội có luật pháp, trường học có nội quy, gia đình có gia quy. Những quy tắc nầy giúp con người sống tiết độ.

    b. Hành động tích cực.

   Giáo viên bảo các em ăn bất cứ vật gì phải được ba mẹ cho phép, và ăn vừa đủ. Khi ba mẹ không ở bên cạnh, cũng phải ghi nhớ và vâng giữ quy tắc mà ba mẹ đã đưa ra. Tiết độ là không ăn quá mức, không tùy tiện ăn bất cứ lúc nào. Ví dụ: Mẹ dặn là không nên ăn vặt trước khi ăn cơm, vì như thế sẽ bỏ bữa. Thói quen này sẽ không tốt cho sức khỏe.

  1. Lười biếng.

    a. Cách đối phó.

   Tội lỗi xuất phát từ trong lòng, khiến con người sống theo ý mình, làm thỏa mãn mình. Điều đó dẫn đến phạm tội với Đức Chúa Trời. Vì vậy, các em phải có thói quen cầu nguyện với Đức Chúa Trời mỗi ngày, xưng nhận tội lỗi, mời Đức Thánh Linh làm chủ đời sống để cai quản tâm tư ý tưởng, và giúp các em biết kỷ luật bản thân.

   b. Hành động tích cực.

   Mỗi ngày phải làm xong bài tập, việc nhà, rồi mới được đi chơi, xem ti-vi…Tham khảo ý kiến ba mẹ để lập thời khóa biểu, và thực hiện “giờ nào việc đó” (bao gồm cả việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện mỗi ngày).

  1. Nóng giận.

    a. Cách đối phó.

   Giúp các em nhận biết: Hành vi và sự chọn lựa của chúng ta đều có một kết quả tương xứng. Không tiết độ trong hành vi và thái độ sẽ đem lại hậu quả đáng tiếc. Vậy nên, trong mọi việc phải bình tĩnh, suy nghĩ kỹ mới làm, mới nói.

   b. Hành động tích cực.

   Khi cảm thấy bực mình, thì nhắm mắt lại 1phút. Khi sắp nổi giận thì nhanh chóng thở sâu 3 lần. Khi có ai muốn chọc tứ choặc khiêu khích, thì lập tức rời khỏi đó, thở sâu, và cầu nguyện thầm trong lòng xin Đức Thánh Linh giúp đỡ.

V.  PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

   *Trò chơi: AI TIẾT ĐỘ.

  1. Chuẩn bị: 6 cái bong bóng được thổi hơi, 6 cây bút chì, tư liệu (phía dưới).
  2. Thực hiện: Vẽ mặt lên 6 bong bóng. Mỗi quả bóng được cột vào một miếng giấy (ghi nội dung trong cột thứ hai). Dùng dây thun cột 6 miếng giấy trong cột thứ nhất vào 6 cây bút chì.

   – Chia các em làm hai đội, mỗi đội cử hai em lên lấy bút chì và xem nội dung trên cây bút là gì. Sau đó, dựa vào nội dung tìm ra quả bóng có nội dung phù hợp. Sau khi tìm ra thì kết luận xem người đó có tiết độ không. Nếu khôngthì dùngbút chì đâm (hoặc ngồi lên) quả bóng để cho nổ, nếu có thì giữ nguyên. Đội nào thực hiện nhanh và có nhiều quả bóng không nổ hơn thì sẽ thắng.

 

CỘT SỐ 1 CỘT SỐ 2
Bạn của mẹ đến chơi và biểu một bịch trái vải lớn. Phong thích nhất là trái vải… Một mình Phong ăn hết nửa bịch. Hai ngày sau, Phong bị đau lưỡi, lỡ miệng và có nhiều mụn nổi lên trên mặt.
Chí rất thích ăn khoai tây chiên… Bạn ấy ghi nhớ lời mẹ dặn, mỗi lần chỉ ăn nửa gói, vì ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Vì thế Chí luôn được thương thức món khoái khẩu nầy.
Ngày mai thi kiểm tra nên Nhi phải ôn bài… Ba mẹ có việc phải ra ngoài. Nhi nhảy tót lên giường bật tivi lên xem. Khi Ba mẹ về thì đã gần đến giờ đi ngủ rồi.
Nhà trường cho phép nghỉ 3 ngày, nên giáo viên cho bài tập về nhà làm, hết nghỉ phép sẽ thi kiểm tra. Lực… Về thăm bà ngoại. Lực quyết định sẽ làm xong bài tập trước khi đi, và đem vở  theo để tiếp tục ôn trong thời gian rảnh.
Hoa đem đồ chơi yêu thích nhất của mình đến trường. Các bạn trong lớp đến mượn chơi… Hoa không muốn, nhưng vì các bạn nói là “ đồ ích kỷ” nên phải cho mượn. Kết quả là đồ chơi bị hư. Hoa rất tức giận, chửi các bạn một trận khiến ai nấy đều buồn bã.
Cuối tuần, Kiệt cùng ba mẹ và gian đình của dì đến  nhà hàng để ăn tối. Con của dì nhìn thấy Kiệt có đồ chời điện tử nên đòi chơi… Kiệt nhường cho em chơi và dặt em chơi cẩn thận, nhưng em ấy không biết sử dụng nên đã vặn gãy. Kiệt rất bực mình. Em rời khỏi bàn thở sâu 3 lần để lấy bình tĩnh, và cầu xin Chúa cho mình đừng nổi nóng. Khi em trở về chỗ ngồi, thì dì bảo em họ xin lỗi và còn cho tiền để Kiệt mua cái mới.

 

 

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   Các em thân mến! Trong những tuần qua, chúng ta đã học rất nhiều về những “hương vị” của trái Thánh Linh. Các em còn nhớ chúnglà gì không? (Cho các em theo thứ tự kể ra). Hôm nay, chúng ta sẽ biết một “hương vị” mới, cũng là hương vị cuối cùng. Đó là tiết độ.

  1. Bài học.

   Chúng ta vừa chơi trò chơi “Ai tiết độ?” Qua đó, các em có thể định nghĩa tiết độ là gì không? Bài học nầy, các em sẽ được nhắc nhở để tiết độ trong 3 phương diện: Ăn uống, cảm xúc, hành động.

  1. Ăn uống.

  (Giáo viên cho các em xem hình tiết độ trong trang tài liệu 13 sách giáo viên).

   Các em ơi, các em quan sát kỹ hình nầy rồi mô tả nó được không? Các em xem “tiết độ” mặc quần áo như thế nào? Anh (chị) sẽ giải thích ý nghĩa tượng trưng của bộ trang phục nầy nhé! Tiết độ là một phẩm đức tốt. Nó có nghĩa là tự kiềm chế, tự kỷ luật bản thân mình. Chân nó mang giầy thể thao tượng trưng cho một vận động viên. Một cầu thủ bóng đá hay vận động viên của bất cứ môn thể thao nào cũng đều phải trải qua sự huấn luyện nghiêm khắc. Ngoài việc nỗ lực tập luyện ra, họ còn phải tuân thủ chặt chẽ một số quy tắc được đề ra trong vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ. Họ không được phép buông thả bản thân. Họ phải tiết độ trong ăn uống. Những vận động không thể muố ăn gì thì ăn, mà phải ăn theo chế độ dinh dưỡng mà huấn luyện viên đưa ra. Ví dụ: Họ không thể ăn tuỳ thích khoai tây chiên, thịt mỡ, bánh ngọt…, mà phải ăn có mức độ và không được bỏ bữa ăn chính. Các em tưởng tượng xem, nếu họ ăn uống tùy thích thì chuyện gì sẽ xảy ra? (Cho các em trả lời). Cùng với việc ăn uống, ngủ nghỉ tiết độ là sự rèn tập chăm chỉ, họ mới có thể đoạt chiếc huy chương vàng. Vì vậy, một vận động viên thành công phải là một người có tiết độ trong ăn uống. Nếu họ không tiết độ thì sẽ thế nào? (Bị đuổi ra khỏi đội).

    b. Cảm xúc.

   Bây giờ, các em cùng nhìn lại hình. Tiết độ mặc một bộ quần áo của người đánh võ. Các em đã biết những môn võ nào? (Cho các em kể ra). Ngoài thể thao, học võ là để rèn luyện sức khỏe và phòngvệ bảnthân. Điều đầu tiênngười học võ học không phải là những bí quyết đánh gục đối phương, mà là “đánh gục”chính bản thân mình, có nghĩa là biết kềm chế cảm xúc của mình. Mục đích của học võ không phải để có sức mạnh sát hại đối phương, mà để bảo vệ mình, và tránh cho đối phương bị tổn hại. Vì thế, khi đánh võ, người đó phải biết kềm chế cảm xúc của mình, tránh tức giận mà ra tay quá mạnh. Các em nghĩ xem nếu một người đánh võ không biết kềm chế cảm xúc sẽ như thế nào? Vì vậy, người đánh võ thành công nhất thiết phải tiết độ trong cảm xúc của mình.

    c. Hành động.

   Các em nhìn lại hình một lần nữa. Đầu đội mũ, tay cầm đồng hồ và sách. Các em đoán xem hình ảnh nầy chỉ về ai? (Học sinh). Các em thấy học sinh cần phải tiết độ trong học tập như thế nào? (Cho các em trả lời). Nếu học quá sức mà không chú ý đến sức khoẻ thì cũng không được, còn nếu chơi bời lêu lỏng, không chú tâm học hành thì càng không được. Vì vậy, các em học sinh cần phải tiết độ. Điều đó có nghĩa là phải tuân theo thời khoá biểu của thầy cô và ba mẹ đặt ra, và thực hiện “giờ nào việc nấy” như: Đến giờ học bài là phải học bài chứ không xem tivi, tới giờ ăn cơm thì ăn cơm chứ không ngủ… Cũng phải tập thói quen cầu nguyện, đọc Kinh Thánh mỗi ngày, không bê trễ. Một học sinh có kỷ luật, có tiết độ nhất định sẽ học tốt.

   Tóm lại, một Cơ đốc nhân cần phải tiết độ trong mọi sự, nhất là trong: Ăn uống, cảm xúc và hành động. Nếu các em không rèn luyện sự tiết độ, mặc sức ăn ngốn ngấu mọi thứcăn mình thích, tức giận khóc lóc gào thét, và lười biếng thì rõ ràng không phải là một thiếu nhi ngoan, không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Vì vậy, những người theo Chúa Jêsus, yêu mến Ngài phải rèn luyện sự tiết độ, vì tiết độ là bông trái của Đức Thánh Linh.

     3. Ứng dụng.

  1. Hướng dẫn các em làm bài tập “Tiết độ chính là…”, sau đó cho các em thảo luận đáp án.
  2. Cho các em làm bài tập “Có sự tiết độ”, bảo các em tìm câu Kinh Thánh điền vào chỗ trống, và cho các em chia sẻ vì sao chọn câu Kinh Thánh nầy?
  3. Giáo viên giải thích câu gốc: “Chế trị lòng mình” chính là tiết độ. Các em nên cầu xin Đức Thánh Linh chế ngự lòng các em, cai quản tâm tư ý tưởng, nhắc nhở, dạy dỗ để các em có đời sống tiết độ. Tiết độ giống như một bức tường vững chắc bảo vệ chúng ta khỏi cám dỗ phạm tội. Cho các em đọc câu gốc và kết thúc bằng lời cầu nguyện.
  4. Luyện tập khống chế cảm xúc: Khi các em cảm thấy bực mình, những cách sau đây giúp các em lấy lại bình tĩnh (có thể chọn lựa):

   – Nhắm mắt lại 1 phút, thả lỏng cơ thể (Giáo viên hướng dẫn các em cùng làm).

   – Hít thở sâu ba lần (Giáo viên cho các em đứng lên, nhắm mắt, hít thở sâu ba lần).

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 9 Tháng Chín, 2024

BÀI 10.  MÔI-SE HỌC TẬP TIN CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI

I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô 3:1-14.

II. CÂU GỐC: “Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va và làm điều lành, hãy ở trong xứ và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài.” (Thi Thiên 37:3).

III. BÀI TẬP.

A. CÙNG SUY NGHĨ.

Em xem hình và trả lời các câu hỏi.

  1. Kể lại việc gì xảy ra trong mỗi hình dưới đây?
  2. Trong hình thứ nhất, tại sao Môi-se sợ hãi?

………………………………………………………………………………………………

    3. Đức Chúa Trời hứa với Môi-se điều gì?

………………………………………………………………………………………………

   4. Khi Môi-se tin cậy Đức Chúa Trời, ông đã làm gì?

………………………………………………………………………………………………

B. NẾU LÀ EM, EM SẼ LÀM SAO?

    Em quan sát sơ đồ dưới đây, rồi dùng bút chì màu kẻ từ chỗ bắt đầu đi đến chỗ kết thúc sao cho câu chuyện trở nên thích hợp. Nào! Em bắt đầu trổ tài quan sát nhé!

Lệ và Mỹ đang làm gì?

Lệ nhớ lại điều gì?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Em phải làm thế nào để đẹp lòng Chúa?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 9 Tháng Chín, 2024

BÀI 10. MÔI-SE HỌC TẬP TIN CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI

I. KINH THÁNH: Xuất Ê díp tô 3-14.

II. CÂU GỐC: “Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va và làm điều lành, hãy ở trong xứ và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài.” (Thi thiên 37:3).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Môi-se tin cậy vâng lời Đức Chúa Trời, dẫn dắt dân sự ra khỏi Ai-cập.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời là Đấng đáng cho các em tin cậy vâng lời.

– Hành động: Em noi gương Môi-se, tin cậy và vâng lời Chúa trong mọi hoàn cảnh.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Người mù bước đi.

  1. Mục đích: Để các em hiểu tâm trạng người mù và nói lên cảm nhận của người mù khi tin cậy người khác.
  2. Vật liệu: Vài cặp mắt kính đen hoặc vài cái khăn tay.
  3. Thực hiện.

* Giúp một em bịt mắt lại rồi giáo viên dắt tay em đi khắp lớp học, giữa bàn ghế và các bạn, sau đó trở về chỗ ngồi.

* Tháo khăn ra và hỏi: “Lúc không thấy gì cả, phải có người dắt tay đi, em cảm thấy thế nào? Em có thể đi một mình không? Em có sợ rằng cô dẫn em đi sẽ đụng vào người khác và vấp ngã không? Khi bước theo cô, em phải tin rằng, cô dẫn em đi an toàn. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu xem Môi-se đã học tập tin cậy Đức Chúa Trời như thế nào nhé!

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

Trong phần sinh hoạt đầu giờ.

  1. Bài học.

Môi-se trở nên con của công chúa, được sống trong hoàng cung, ngày càng khôn lớn. Ông vẫn luôn nhớ lời mẹ dạy, mình là người Hê-bơ-rơ chứ không phải người Ai-cập. Môi-se đau lòng khi thấy đồng bào phải làm việc cực khổ, bị dân Ai-cập hành hạ.

Một hôm, Môi-se thấy một người Ai-cập đánh một người Hê-bơ-rơ dã man. Ông liền xông vào bênh vực và lỡ tay đánh chết người Ai-cập. Môi-se sợ chuyện bị lộ, nhà vua sẽ giết ông, nên bỏ trốn. Ông băng qua sa mạc đi về xứ Ma-đi-an.

Môi-se sống tại đó nhiều năm. Hằng ngày ông đi chăn chiên mà lòng cứ nghĩ đến đồng bào của mình đang chịu cực khổ ở Ai-cập.

Một hôm, có một việc lạ lùng đã xảy ra! Khi Môi-se dẫn bầy chiên đi, ông bỗng thấy bụi gai cháy mãi mà không tàn. Môi-se tò mò bước gần lại xem. Thình lình, ông nghe tiếng nói từ bụi gai phát ra: “Môi-se! Môi-se!” Môi-se thưa rằng: “Dạ, con đây”. Lại có tiếng phán: “Con mau cởi giày ra vì con đang đứng trên đất thánh”. Như vậy là Đức Chúa Trời đang hiện diện giữa bụi gai nói với Môi-se! Môi-se vâng lời, vội vàng tháo giày ra.

Đức Chúa Trời phán: “Ta biết người Ai-cập rất tàn bạo đối với người Hê-bơ-rơ. Ta muốn con đến xin vua Ai-cập tha cho dân Hê-bơ-rơ, và con sẽ đưa dân Hê-bơ-rơ ra khỏi xứ Ai-cập”.

Môi-se nói: “Con không dám làm, xin Chúa tìm người khác”. Môi-se sợ vua và cũng sợ người Hê-bơ-rơ không chịu nghe theo ông. Đức Chúa Trời hứa với Môi-se: “Con hãy cùng đi với A-rôn, anh con. Ta sẽ ở cùng con và giúp đỡ con”.

Môi-se không từ chối nữa, ông lên đường trở về Ai-cập. A-rôn đi ra đón Môi-se, hai anh em gặp nhau mừng rỡ lắm! Môi-se kể cho A-rôn nghe mọi điều Đức Chúa Trời muốn họ phải làm. Sau đó, Môi-se và A-rôn đến cung điện yết kiến nhà vua. Môi-se và A-rôn thưa với vua: “Đức Chúa Trời sai chúng tôi đến xin bệ hạ tha cho người Hê-bơ-rơ và cho phép họ rời khỏi Ai-cập”. Vua nghe xong tức giận quát: “Đức Chúa Trời là ai? Tại sao ta phải vâng lời người? Ta sẽ không cho dân Hê-bơ-rơ đi và còn bắt họ làm việc nặng nhọc hơn nữa”. Môi-se và A-rôn hết sức thất vọng rời khỏi hoàng cung.

Theo các em, trước tình cảnh như vậy, Môi-se làm gì? Môi-se cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Ngài phán cùng ông rằng: “Con hãy đến nói với vua, nếu vua không cho dân Hê-bơ-rơ đi, Ta sẽ trừng phạt vua và cả nước Ai-cập”.

Môi-se và A-rôn đến gặp vua nhiều lần. Lần nào họ cũng nói với vua: “Đức Chúa Trời phán, nếu vua không tha cho dân Hê-bơ-rơ, thì Ngài sẽ trừng phạt”.

Nhưng mỗi lần đến gặp vua, vua đều nổi giận, không thèm nghe Môi-se và A-rôn nói. Cuối cùng Đức Chúa Trời đã trừng phạt vua và dân Ai-cập mười tai họa. Vua không chịu nổi nên nói với Môi-se: “Thôi, hãy dẫn dân Hê-bơ-rơ ra khỏi Ai-cập đi!”

            Nghe tin ấy, người Hê-bơ-rơ vội vã thu xếp đồ đạc, hàng ngàn, hàng vạn người đi theo Môi-se. (Mở hình vẽ nối tiếp nhau mà các em đã làm trong phần “Sinh hoạt đầu giờ”, để các em hình dung được số người ra đi đông đảo). Mọi người rất vui mừng. Họ không còn làm nô lệ nữa. Bây giờ họ như một đoàn quân hùng mạnh đang rời khỏi Ai-cập.

Nhưng nhà vua bỗng đổi ý, ra lệnh cho quân lính lập tức đuổi theo bắt người Hê-bơ-rơ lại. Không bao lâu sau, quân lính sắp đuổi kịp người Hê-bơ-rơ. Trước mặt người Hê-bơ-rơ là Biển Đỏ rộng lớn cản trở. Lúc ấy họ ở trong tình trạng thật là khủng khiếp, không thể tiến và cũng không thể lui! Họ nghĩ chắc sẽ không thoát nổi nên bắt đầu sợ hãi, than khóc và nổi giận với Môi-se.

Nhưng Môi-se không hề sợ hãi. Ông cầu nguyện và Đức Chúa Trời bảo Môi-se đưa cây gậy ra trên biển. Ông làm theo y như vậy. Đức Chúa Trời khiến gió thổi mạnh, rẽ nước biển ra tạo thành một đường đi ở giữa. Người Hê-bơ-rơ xuống biển đi như trên đất khô, còn nước làm thành một tấm vách ở hai bên. Họ quay lại nhìn, kìa, quân lính đã đuổi theo tới nơi. Khi người Hê-bơ-rơ đều đã qua hết bờ bên kia, Đức Chúa Trời bảo Môi-se: “Bây giờ, con đưa tay ra trên biển, nước sẽ ập lại vùi lấp tất cả quân Ai-cập”.

Người Hê-bơ-rơ thoát khỏi nguy hiểm. Họ được an toàn và không còn phải làm nô lệ nữa. Đức Chúa Trời giúp Môi-se dẫn họ ra khỏi Ai-cập bình yên. Môi-se và dân sự đều rất vui mừng. Họ cảm tạ sự giải cứu kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Họ hớn hở ca ngợi Đức Chúa Trời: “Chúa là Đức Chúa Trời của chúng con. Chúng con ca ngợi và cảm tạ Ngài”.

  1. Ứng dụng.

Giúp các em ôn lại bài học bằng các câu hỏi trong phần “Cùng suy nghĩ” ở sách học viên.

Giáo viên nói với các em: Chúng ta phải học tập tin cậy Đức Chúa Trời như Môi-se. Một trong những cách học tập tin cậy Chúa là vâng theo lời dạy trong Kinh Thánh. Sau đó, hướng dẫn các em học câu gốc.

Hướng dẫn các em làm mục “Tìm đường”. Giáo viên nói: “Đây là một câu chuyện nhưng các chi tiết lại bị đảo lộn thứ tự, các em phải chọn lựa và tìm ra câu chuyện”.

Hướng dẫn các em lấy viết chì vẽ đường đi của câu chuyện, rồi tô màu thật sinh động. Sau đó, cho các em trả lời các câu hỏi trong bài. Mời các em nêu ra một số cách vâng phục Đức Chúa Trời. Nhắc các em rằng Đức Chúa Trời muốn các em vâng lời cha mẹ, giúp đỡ người khác và đối xử với nhau cách nhân ái. Mời một em cầu nguyện xin Chúa giúp các em học tập tin cậy Ngài.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in ẤU NHI on 9 Tháng Chín, 2024

BÀI 10. NGƯỜI BIẾT ƠN CHÚA

I. KINH THÁNH: Lu-ca 17:11-19.

II. CÂU GỐC: “Tôi sẽ chúc tụng Đức Giê-hô-va luôn luôn” (Thi Thiên 34:1a).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Jêsus chữa lành cho mười người bệnh phung, nhưng chỉ có một người biết ơn và cảm tạ Ngài.

– Cảm nhận: Cảm tạ và ca ngợi Chúa là điều đáng làm luôn luôn.

– Hành động: Em luôn cảm tạ Chúa về mọi điều Ngài ban cho.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ: Sinh Hoạt Xã Hội.

* Chuẩn bị:

– Một bó hoa, một gói quà, một gói bánh hay kẹo.

* Cách thực hiện: Giáo viên hỏi học viên: “Em đã lần nào đi thăm người bệnh chưa? Bây giờ trong lớp chúng ta giả sử có người bệnh” (chọn một em đóng vai bệnh nhân). “Chúa Jêsus dạy chúng ta phải yêu thương nhau. Để bày tỏ lòng yêu thương đối với bạn bị bệnh, chúng ta đi đến nhà thăm bạn”. Giáo viên cho các em đóng vai bạn bè mang quà đến thăm bệnh nhân. “Khi người bệnh được thăm và tặng quà, thì sẽ nói gì?” (Nói lời cảm ơn các bạn). “Nếu hôm nay là sinh nhật của bạn, em mang hoa đến tặng, bạn sẽ nói gì với em?” (Bạn cảm ơn em). “Nếu có khách của ba mẹ đến nhà, cho em một gói bánh hoặc kẹo, em sẽ làm gì?” (Khoanh tay cúi đầu cảm ơn). Như vậy, khi nhận bất cứ món quà nào do người khác tặng cho, chúng ta cũng nên cảm ơn, phải không? Nếu không nói lời cảm ơn, chắc người cho sẽ buồn lắm!

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Chuẩn bị:

– Thị trợ: Hình 10 người bệnh phung đến kêu xin Chúa, 10 người bệnh phung được chữa lành, 1 người cảm ơn Chúa Jêsus.

(Giáo viên vừa kể chuyện vừa trình bày thị trợ).

     2. Vào đề.

Các em có lần nào bị bệnh chưa? Lúc bệnh, em có cần được nằm trên giường nghỉ ngơi không? Ai săn sóc cho em? Lúc em bệnh, có người thân và bạn bè đến thăm viếng, giúp đỡ, em có cảm thấy vui không?

Ngày xưa, tại xứ Do Thái, có một loại bệnh mà người nào mắc phải, thì ai nấy đều tránh xa họ, vì sợ bị lây. Đó là bệnh phung (cùi). Người mắc bệnh phung thì phải ra khỏi nhà, rời khỏi bạn bè, ở một chỗ riêng biệt, không có người thăm viếng, lo lắng cho.

Kinh Thánh ghi lại rằng, có mười người kia bị mắc bệnh phung. Họ rất buồn vì phải xa rời gia đình, người thân. Ngày nầy qua ngày khác, họ thấy lẻ loi, đau khổ.

Một hôm, họ nghe người ta đồn rằng Chúa Jêsus đi đến thành của họ. Những người phung này nghĩ rằng: “Có thể Chúa Jêsus giúp được chúng ta”. Họ vội chạy ra đón tiếp Chúa Jêsus. Khi Chúa Jêsus đến gần, mười người bệnh phung này đồng lớn tiếng kêu xin: “Chúa Jêsus ơi, xin cứu chúng tôi! Xin hãy cứu giúp chúng tôi!”

Chúa Jêsus dừng chân nhìn mười người phung đáng thương này. Ngài yêu thương họ, phán với họ rằng: “Các ngươi hãy đi đến đền thờ để gặp thầy tế lễ”.

Khi họ đang đi thì việc lạ lùng xảy ra: Bệnh phung của họ đã được Chúa Jêsus chữa lành rồi. Họ vui mừng lắm, vội chạy về báo tin cho mọi người rằng họ đã được lành bịnh.

Trong mười người đó, chỉ có một người chợt nhớ đến Chúa Jêsus. Ông tìm đến ca ngợi Chúa, quỳ lạy Ngài: “Chúa Jêsus ôi, tôi cảm tạ Ngài rất nhiều. Cảm tạ Ngài đã chữa lành cho tôi”.

Chúa Jêsus hỏi: “Ta chữa lành cho mười người tất cả mà, còn chín người kia đâu rồi?” Chín người kia vội về nhà. Họ sung sướng vì được chữa lành, nhưng họ đã quên đi một việc quan trọng. Việc đó là việc gì vậy? Cảm tạ Chúa. Đúng vậy. Chúa Jêsus yêu thương họ, giúp đỡ họ, nhưng họ không nghĩ đến Chúa, không biết cảm tạ Chúa đã chữa lành bệnh cho họ.

Hằng ngày, Chúa ban cho các em mọi sự, các em nhớ cảm ơn Chúa. Khi cầu xin Chúa điều gì, được Chúa ban cho, cũng nhớ cảm tạ Chúa nữa nhé.

  1. Ứng dụng.

Hỏi lại các em: Chúa Jêsus đã chữa lành cho mấy người phung? Có mấy người biết ơn và quay lại để cảm tạ Chúa? Mỗi khi được Chúa ban cho điều các em cầu xin, các em phải nhớ làm gì? Khi được ai cho quà, các em phải làm sao?

Các em đọc câu gốc nhiều lần cho đến khi thuộc lòng.

C. GIỜ THỦ CÔNG.

* Chuẩn bị:

– Bài tập thủ công số 10 đã làm sẵn.

– Cắt hình cánh cửa ra vào và cánh cửa tủ, hồ dán, bút màu.

* Cách thực hiện: Cho các em nhìn xem hai bức hình của tập học viên. Cho các em phát hiện bức hình còn thiếu những cái gì? Đúng rồi, thiếu một cánh cửa ra vào và cái tủ không có cửa. Các em làm cánh cửa nhé! (Giáo viên cho các em dán cánh cửa lớn và cửa tủ vào chỗ thích hợp).

(Sau khi các em làm xong, giáo viên hướng dẫn các em gấp lại theo đường kẻ, rồi cả lớp cùng nhau quan sát hình số 1). Ai đứng bên ngoài gõ cửa? Em phải làm sao? Đúng rồi. Em mở cửa cho mẹ (giáo viên cho xem tiếp hình 2). Các em nhìn xem trên tay mẹ đang xách gì? Em phải làm thế nào? Đúng rồi, giúp mẹ xách các túi. (Giáo viên cho các em xem tiếp hình 3). Đồ mẹ mua về nên để ở đâu? Đúng rồi, để vào trong tủ. Bây giờ chúng ta mở tủ ra, xem mẹ đã mua gì về.

 

THÔNG ĐIỆP HẰNG TUẦN 05/09/2024

THÔNG ĐIỆP HẰNG TUẦN 05/09/2024

in THÔNG ĐIỆP on 6 Tháng Chín, 2024

THÔNG ĐIỆP HẰNG TUẦN 05/09/2024

Chủ đề: Đấng Giúp Ta Cầu Nguyện

Kinh Thánh: Rô-ma 8:26-27

Thông điệp:

? Cô đơn là một trong những cảm xúc không thể tránh khỏi của con người. Cảm xúc ấy gây nên sự tổn thương đến chúng ta. Nhưng khi Đức Chúa Trời ban Thánh Linh ngự trong lòng mỗi người, thì ta không còn cô đơn nữa. Đức Thánh Linh, Đấng mà Chúa Giê-xu gọi là Đấng An Ủi, ở cùng chúng ta mỗi phút giây trong cuộc đời. Đây là những cách Đức Thánh Linh giúp đỡ chúng ta.

? Đầu tiên, Ngài thôi thúc chúng ta cầu nguyện. Đã bao giờ bạn cảm nhận rõ ràng rằng bạn cần dành thời gian riêng tư với Chúa nhưng không rõ tại sao không? Đó là do Đức Thánh Linh đang làm việc trong bạn. Ngài có lý do để làm điều này: Ngài biết khi nào chúng ta cần sức lực để chuẩn bị cho một khó khăn sắp xảy đến. Hoặc thỉnh thoảng, Ngài thúc giục chúng ta thú nhận tội lỗi để làm bền chặt mối tương giao với Chúa. ? Thứ hai, Đức Thánh Linh cầu thay cho chúng ta. Có những lúc chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào. Có những khó khăn hoặc bất lực khiến chúng ta không nói nên lời, kể cả không thể nói với Chúa. Trong khi những gì chúng ta có thể làm là than khóc, Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn chúng ta cầu nguyện.

? Thật là một ân điển diệu kỳ khi được Chúa Thánh Linh ngự trong lòng. Bạn có cảm nhận được năng quyền và tình yêu của Ngài đang vận hành trong đời sống hằng ngày của bạn không? Ngài luôn sẵn sàng an ủi, giúp đỡ và dẫn dắt bạn trong mọi phút giây. Nguồn: In Touch Ministries ————————————————————————————— HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM

Kính CHÚA – Yêu Người – Truyền Giảng Phúc Âm – Xây Dựng Hội Thánh

? Địa chỉ: 68 Nguyễn Công Hoan, P7, Phú Nhuận, TP.HCM

? Email: hoithanhphucam2007@gmail.com

? Facebook: https://www.facebook.com/httgpa2007

? Youtube: www.youtube.com/@HoiThanhTruyenGiangPhucAm

? Website: http://maiamviet.org

? Website: http://hoithanhphucam.org #hoithanhtruyengiangphucam #httgpa #LoiChua