Tác giả: Mai Hdenayun

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 10. NHỮNG NGƯỜI TRỢ GIÚP TỐT

I. KINH THÁNH: Giăng 1:35-51; Lu-ca 6:12-16; Mác 3:13-19.

II. CÂU GỐC: “Vì Đấng Christ không sai tôi đến để làm báp-têm nhưng để rao giảng Tin Lành” (1Cô-rinh-tô 1:17a).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Jêsus chọn mười hai môn đồ để lo việc Chúa.

– Cảm nhận: Mỗi người đều có thể góp phần vào công việc Chúa.

– Hành động: Sẵn lòng nói về Chúa cho người khác.

* GIÁO VIÊN SUY GẪM.

Tin Lành Giăng 1:35-51, Lu-ca 6:12-16, Mác 3:13-19, ba đoạn Kinh Thánh nầy đều ghi lại sự việc Chúa Jêsus chọn các môn đồ. Trong Mác 3:14 đã cho thấy Chúa Jêsus chọn 12 môn đồ là để sai họ đi giảng đạo, đó cũng là điều Chúa làm: Rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Trời, kêu gọi người ta ăn năn, tin đạo Tin Lành để được cứu (tham khảo Mác 1:14-15). Đó cũng là mục đích Đức Chúa Trời sai Chúa Jêsus đến thế gian: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Như vậy, qua việc Chúa Jêsus chọn môn đồ, để môn đồ gia nhập vào công tác rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Trời, cho chúng ta nhận thấy một lẽ phải: Khi Chúa Jêsus đối diện với công tác trọng đại – truyền Tin Lành khắp thế giới – Ngài mời người khác cùng cộng tác. Hôm nay, nếu chúng ta đối diện với một việc không đủ khả năng đảm trách, cũng có thể suy nghĩ xem có nên mời người khác trợ giúp không.

Có bao giờ chúng ta gặp khó khăn, đối diện với sự việc mình không thể gánh vác, mà cảm thấy cô đơn, không phải là không muốn người khác giúp đỡ, mà là không muốn làm phiền người khác và sợ bị từ chối. Qua việc Chúa Jêsus chọn môn đồ, chúng ta nhận được một khải thị mới. Khi Chúa Jêsus kêu gọi họ, các môn đồ lập tức bỏ công việc mình, bằng lòng theo Chúa, tham gia vào công việc truyền Tin Lành. Như vậy sự đáp ứng của từng người không thể nào đoán trước được. Điều quan trọng là chúng ta có thể trừ bỏ trở ngại trong lòng, chịu mời người khác dù bị từ chối, nhưng cũng có khi lại được đáp ứng.

Còn nữa, nếu chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn cho chúng ta những gì cần thiết, thì phải tin rằng, Ngài đã chuẩn bị người giúp đỡ chúng ta. Do đó, chúng ta phải tích cực giúp các em hiểu rõ, khi nào các em có nhu cầu, các em có thể mời bạn bè hoặc người khác giúp đỡ, bởi vì Chúa Jêsus cũng mời người khác giúp đỡ. 

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Trò chơi: NHẶT GIÚP.

– Số lượng: Tất cả học viên trong lớp.

– Chuẩn bị: Một số vật dụng nhỏ như cây bút, cái mũ, chìa khoá, dép, khăn tay… (số lượng bằng gấp đôi số học viên trừ đi 1, ví dụ: 6 học viên thì có 6×2-1=11 vật dụng).

– Cách chơi: Cho các em đứng thành vòng tròn, nắm tay nhau, phía sau lưng các em cách khoảng 3m, đặt các vật dụng nằm rải rác. Khi nghe hiệu lịnh, các em bỏ tay ra, xoay một vòng từ phải qua trái thật nhanh. Nghe hiệu lịnh lần hai, bỏ tay ra, chạy về phía sau nhặt thật nhanh hai đồ vật, chạy đến đưa cho người hướng dẫn. Em nào chỉ nhặt được một đồ vật thì bị đứng ra ngoài. Người hướng dẫn bỏ bớt hai vật dụng và trò chơi lại tiếp tục cho đến khi còn một người chiến thắng.

* Chú ý: Mỗi lượt chơi, số lượng đồ vật phải gấp đôi số lượng người chơi trừ đi 1.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, các em đã là người giúp đỡ cô (thầy) rất tốt trong trò chơi vừa rồi. Để cô (thầy) xem, có bao nhiêu người giúp mình tất cả (dùng ngón tay trỏ đếm từng em trong lớp). À, như vậy là cô (thầy) có tất cả là (số em có trong lớp)… em, sẵn lòng giúp đỡ cô (thầy) trong công việc. Thật là tốt biết bao nhiêu! Các em biết không, Chúa Jêsus cũng có những người bạn giúp Ngài trong công việc nữa đó. Trong câu chuyện hôm nay, các em xem thử Chúa Jêsus có bao nhiêu người giúp đỡ nhé.

  1. Bài học.

Các em có thấy lạ không khi mà Chúa Jêsus là Đấng có quyền năng, làm tất cả mọi sự đều được, mà cũng cần có người giúp đỡ? (Cho các em trả lời). Thật ra, mỗi người đều cần có những người khác giúp đỡ mình. Chúa Jêsus cần nhiều người đem Lời của Cha trên trời nói cho những người khác biết, dạy dỗ họ trở nên những người tốt. Vì thế, Ngài đã chọn ra những người sẵn lòng để giúp đỡ Ngài trong công việc nầy.

Trước khi chọn người, Chúa Jêsus cũng cầu nguyện nữa đó. Ngài cầu xin Đức Chúa Trời cho Ngài chọn được những người tốt, siêng năng làm việc và yêu mến Ngài. Sau đó, Chúa Jêsus đi từ nơi nầy đến nơi khác để tìm người theo ý muốn của Ngài. Các em có biết Chúa chọn được bao nhiêu người không? (Cho các em đoán thử). Chúa chọn được mười hai người đó các em ạ. (Đi đến từng em, dùng bàn tay đặt nhẹ trên đầu mỗi em khi đếm) Các em đếm từ một đến mười hai đi nhé. Chúng ta bắt đầu… một, hai, ba… mười một, mười hai. Rồi, như vậy mười hai bạn mà cô (thầy) đã chọn đứng lên xem (cho các em đó đứng lên). Các em tưởng tượng xem, Chúa Jêsus đã chọn ra chừng nầy người để giúp Ngài. Họ được ở cùng Chúa Jêsus, đi với Chúa và rao giảng Tin lành cho nhiều người nghe. Ở với Chúa Jêsus mỗi ngày chắc là vui lắm, phải không các em? Đúng vậy, những người nầy rất vui khi được Chúa chọn và được cùng ở, cùng làm việc, cùng nghe Ngài dạy dỗ. Họ đã đi ra làm chứng cho nhiều người tin Chúa. Chúa Jêsus rất yêu thương họ và họ cũng rất kính yêu Ngài. Họ là những người bạn tốt của Ngài.

  1. Ứng dụng.

Các em có kính yêu Chúa không? Có muốn được làm bạn với Ngài không? Ngài rất yêu thương các em cũng như Ngài đã từng yêu thương những môn đồ nầy. Ngài cũng xem các em là những người bạn tốt của Ngài. Vậy các em có sẵn lòng nói về Chúa Jêsus cho những người bạn, những người thân của mình biết không? Nếu được như vậy, các em đã là những người giúp đỡ rất tốt của Chúa Jêsus đó.

C. BÀI TẬP.

* Chuẩn bị:

– Cho các em cắt hình của bài 10 trong trang cắt dán, tập học viên.

* Thực hiện:

– Làm bài tập “Họ là những người giúp đỡ của ai?”, cho các em tô màu lên hình Chúa Jêsus.

– Làm bài tập “Ai là người giúp đỡ tốt?” Cho các em xem kỹ hình vẽ, giáo viên gợi ý cho các em chỉ ra ai là người giúp đỡ tốt, dán cái nón lên đầu của người đó, rồi tô màu.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 9. GIÚP NGƯỜI BỊ NẠN                   

 I. KINH THÁNH: Lu-ca 10:30-35.

II. CÂU GỐC: “Hãy yêu thương nhau thân thiết như anh em; hãy hết lòng kính nhường nhau.” (Rô-ma 12:10).

Người Sa-ma-ri yêu thương, giúp đỡ người bị nạn.

* Ai làm đúng?

Em vẽ hình mặt vui vẻ bên cạnh hình nào mà em cho là làm đúng nhé.

* Làm thế nào?

Em băng vết thương lại cho bạn ấy.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 9. GIÚP NGƯỜI BỊ NẠN                   

I. KINH THÁNH: Lu-ca 10:30-35.

II. CÂU GỐC: “Hãy yêu thương nhau thân thiết như anh em; hãy hết lòng kính nhường nhau.” (Rô-ma 12:10).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Người Sa-ma-ri tỏ lòng yêu thương người bị nạn.

– Cảm nhận: Chúa muốn chúng ta yêu mến lẫn nhau.

– Hành động: Sẵn lòng yêu thương người khác như lời Chúa dạy.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Chuẩn bị:

– Photo lớn hình vẽ bài 9 trong sách giáo viên: Người đi đường bị cướp, thầy tế lễ đi qua, người Lê-vi đi qua, người Sa-ma-ri giúp người bị nạn. Đựng hình trong một hộp lớn.

* Thực hiện:

Khi các em vào lớp, cho các em giúp giáo viên chuẩn bị lớp học, như dán hình lên bảng, quét lớp, bày bàn ghế, lau bàn… để các em biết giáo viên cần được các em giúp đỡ.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, cô (thầy) rất vui vì được các em giúp đỡ sắp xếp lớp học, rất sạch sẽ và gọn gàng. Ai trong chúng ta cũng có lúc cần được người khác giúp đỡ và nếu được giúp, chắc chắn chúng ta sẽ vui lắm, phải không? Trong câu chuyện hôm nay, có một người cần được giúp đỡ, nhưng những người chung quanh người đó thì thế nào, chúng ta theo dõi câu chuyện sẽ rõ nhé!

  1. Bài học.

(Chỉ vào hình đầu tiên) Các em thấy gì trong hình nầy? Đây là một người đang đi đến thành Giê-ri-cô. Đến một chỗ vắng vẻ, ít người qua lại, người nầy bị bọn cướp chặn lại, đánh và làm cho bị thương rất nặng. Chúng cướp hết tiền bạc, đồ dùng của người ấy rồi bỏ đi. Người bị nạn nằm trên đường, rên la đau đớn lắm. Người đó không thể đứng dậy, không thể đi được để về nhà, không có ai quen để báo cho người nhà của ông biết hết, làm sao đây?

Ông chỉ biết nằm yên và chờ đợi. (Chỉ vào hình thứ hai) Một lúc lâu, ông nghe có tiếng bước chân người đang đi tới. À, có một người sắp đi qua. Người nầy là thầy tế lễ, là một người lo việc trong đền thờ của Chúa. Ông đến gần, thấy người bị thương chảy máu rất nhiều, nhưng nếu đụng đến sợ bị ô uế, không lo việc đền thờ được, nên chỉ nhìn, rồi bỏ đi luôn. Người bị nạn buồn lắm vì không được giúp đỡ. Ông lại phải tiếp tục nằm chờ đợi. (Chỉ vào hình thứ ba) Một lúc sau nữa, lại có một người khác đi tới, đó là một người Lê-vi. Người Lê-vi cũng là người giúp việc trong đền thờ, nhưng người nầy cũng nhìn rồi lại bỏ đi, không giúp gì cho người bị nạn cả.

(Chỉ vào hình thứ tư) Người bị nạn bây giờ buồn bã, không còn trông mong gì nữa, vết thương làm người nầy đau nhức và gần như mê man. Bỗng lúc đó có tiếng chân người lẫn tiếng chân lừa đi tới. Không biết người nầy sẽ thế nào đây?!! Người nầy là một người Sa-ma-ri. Các em biết không, người Sa-ma-ri là người lúc đó bị người ta ghét và không thích nói chuyện, gặp gỡ. Như vậy, có thể lắm người nầy cũng sẽ đi luôn. Nhưng không đâu, các em ạ, người nầy đã bước đến, xem xét người bị nạn, rồi lấy dầu xoa lên vết thương, lấy vải băng bó vết thương lại, đỡ người bị nạn lên lưng lừa của mình, rồi chở đi. Các em có biết ông đưa nạn nhân đi đâu không? (Cho các em trả lời) Đưa đến một quán trọ để chăm sóc cho đến khi có thể trở về nhà được. Người Sa-ma-ri nầy thật tốt phải không các em? Biết giúp đỡ bằng cách xoa dầu, băng bó vết thương, chăm sóc người bị nạn… Đó là những việc làm tốt mà Chúa dạy chúng ta phải biết làm cho người khác khi cần.

  1. Ứng dụng.

Các em ơi, Chúa Jêsus là Đấng sẵn lòng yêu thương giúp đỡ người khác. Chúa cũng muốn chúng ta noi gương Ngài, làm những việc tốt cho người khác. Ví dụ như ở nhà, các em giúp ba mẹ dọn cơm, rót nước mời khách, ẵm em…; khi vào lớp giúp thầy cô dọn dẹp, sắp xếp lớp học… Làm được việc tốt cho người khác, các em sẽ thấy vui và người được giúp cũng vui lắm.

C. BÀI TẬP.

* Chuẩn bị:

– Cắt hình khuôn mặt cười của bài 9 ở trang cắt dán tập học viên, băng keo băng vết thương (có thể thay thế bằng giấy trắng cắt nhỏ), hồ dán.

* Thực hiện:

– Cho các em nhìn vào trang đầu của bài tập bài 9, và dán hình mặt cười vào bên cạnh hình nào mà các em cho là làm đúng.

– Mở phần bài tập “Làm thế nào?”, hỏi các em: “Người bạn nầy bị thương, các em có giúp đỡ bạn ấy không?” Sau đó cho các em lấy băng keo dán lên vết thương của bạn trong hình vẽ. Khi đã xong, khen các em giống người Sa-ma-ri, biết giúp đỡ người khác.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 8. BÀN TAY QUYỀN NĂNG

I. KINH THÁNH: Mác 1:29-31; Ma-thi-ơ 8:14-15.

II. CÂU GỐC: “Ta cảm tạ Đấng ban năng lực cho ta là Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta, vì Ngài đã xét ta là trung tín và chỉ định ta phục vụ Ngà.” (1Ti-mô-thê 1:12).

III. BÀI HỌC.

Chúa Jêsus chữa lành cho bà cụ bị sốt.

* Tô màu hình vẽ.

* Họ là ai? Em hãy nối các dấu chấm lại để biết nhé.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 8. BÀN TAY QUYỀN NĂNG

I. KINH THÁNH: Mác 1:29-31; Ma-thi-ơ 8:14-15.

II. CÂU GỐC: “Ta cảm tạ Đấng ban năng lực cho ta là Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta, vì Ngài đã xét ta là trung tín và chỉ định ta phục vụ Ngà.” (1Ti-mô-thê 1:12).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Jêsus chữa lành cho bà cụ bị sốt.

– Cảm nhận: Chúa là Đấng chăm sóc chúng ta.

– Hành động: Cảm tạ Chúa về sự chăm nom của Ngài.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

Giáo viên giả làm người mắc một căn bệnh nào đó và nêu câu hỏi để giúp cho các em tìm hiểu và biết cách giữ gìn, phòng bệnh, hoặc chữa bệnh. Ví dụ như giáo viên giả vờ ho và lấy khăn lau mũi, rồi hỏi các em là bệnh gì (bệnh ho, sổ mũi), ngừa bệnh thế nào (nên mặc đồ ấm khi trời lạnh), khi bệnh phải làm sao (cầu nguyện, uống thuốc đúng theo toa bác sĩ cho, nghỉ ngơi cho mau lành)… Giáo viên lại tiếp tục bệnh khác…

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, những bệnh mà chúng ta thử làm khi nãy, các em có thường mắc phải không? (Cho các em trả lời). Khi bệnh, các em sẽ làm gì? (Mời một em trả lời – giáo viên gợi ý: Đi khám bệnh, uống thuốc, nghỉ ngơi dưỡng bệnh). Hôm nay, chúng ta cũng sẽ nghe kể về một người bệnh, và người bệnh nầy có làm giống như chúng ta không nhé!

  1. Bài học.

Hôm ấy là ngày Chúa nhật, khi nhóm xong, Chúa Jêsus rời khỏi nhà hội để đến thăm nhà của ông Phi-e-rơ. Các em có nhớ ông Phi-e-rơ không? Phi-e-rơ là người đi đánh cá đó các em, bây giờ ông theo Chúa, làm bạn của Chúa Jêsus rồi.

Chúa Jêsus và các môn đồ được báo tin là bà mẹ vợ của ông Phi-e-rơ đang bị bệnh sốt, nằm trên giường. Các em có bị sốt lần nào chưa? Sốt là cơ thể mình bị nóng lên, rất nóng. Khi bị sốt, các em cảm thấy rất mệt, khát nước, nằm mê man, không biết gì và phải nằm một chỗ mà thôi, không đi học, chạy nhảy, hay chơi đùa gì được cả. Nghe tin bà bị bệnh như vậy, Chúa Jêsus vừa đến nơi, liền vào thăm bà ngay. Chúa bước đến gần, cầm tay của bà, đỡ bà dậy. Các em biết không, ngay lúc đó, bệnh của bà đã được lành! Bà không còn bị sốt nữa, cơ thể của bà đã mát rồi. Bà cảm thấy thật là khoẻ khoắn. Khi được hết bệnh, các em có thích nằm trên giường nữa không? Các em sẽ làm gì? (Cho các em trả lời – gợi ý: Chạy nhảy, chơi đùa với các bạn, làm việc nhà giúp ba mẹ, đi học…). À, vậy thì bà mẹ vợ của ông Phi-e-rơ cũng như thế đó, các em. Bà bước xuống khỏi giường, cảm ơn Chúa Jêsus rồi đi lại, nói cười vui vẻ. Bà rót nước mời Chúa Jêsus và các bạn của Chúa uống, rồi bà xuống bếp chuẩn bị nấu một bữa ăn thật ngon để đãi khách.

Chúa Jêsus có đôi bàn tay quyền năng. Ngài sẵn lòng cứu giúp mọi người, nhất là những người cần đến Ngài, phải không các em? Trong câu chuyện nầy, Chúa Jêsus giống như một vị bác sĩ giỏi, đã chữa cho bà cụ được lành bệnh ngay.   

  1. Ứng dụng.

Qua những câu chuyện trước, các em đã biết Chúa Jêsus chữa lành cho người đàn bà bị cong lưng, một bé trai bị bệnh nặng, giúp đỡ người đánh cá đánh được nhiều cá và giúp các bạn Ngài bình yên trong cơn bão. Hôm nay, các em lại biết được Chúa chữa lành cho bà cụ bị sốt. Như vậy, trong bất cứ lúc nào, bất cứ việc gì, các em cần sự giúp đỡ thì nên nhớ đến Chúa nhé. Ngài là Đấng luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Các em cũng nhớ cảm tạ Chúa vì Chúa luôn yêu thương và chăm sóc chúng ta mỗi ngày.

C. BÀI TẬP.

– Cho các em làm phần bài tập “Họ là ai?” trong bài 8, tập học viên: Các em nối liền những dấu chấm trong hình, rồi hỏi các em: “Đó là ai?” “Vì sao có thể dậy làm việc được?” “Ai đã chữa lành cho bà?”

– Tô màu hình vẽ trong tập học viên.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 7. CƠN BÃO BAN ĐÊM                                            

I. KINH THÁNH: Mác 4:35-39.

II. CÂU GỐC: “Vì Chúa đã giúp đỡ tôi” (Thi thiên 63:7a).

III. BÀI HỌC.

Chúa Jêsus dẹp tan cơn bão, cứu các môn đồ khỏi sự nguy hiểm.

* Tô màu hình vẽ.

* Làm thế nào vượt qua cơn bão lớn? Em hãy dán hình Chúa Jêsus vào đúng vị trí.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 7. CƠN BÃO ĐÊM                             

 I. KINH THÁNH: Mác 4:35-39.

II. CÂU GỐC: “Vì Chúa đã giúp đỡ con” (Thi thiên 63:7a).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa giúp cho môn đồ được bình an khi họ gặp nguy hiểm.

– Cảm nhận: Chúa luôn giúp đỡ đúng lúc.

– Hành động: Tin và nhờ cậy Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Chuẩn bị:

– Một thau nhựa lớn có chứa nước.

– Một chiếc thuyền hơi lớn bằng đồ chơi hoặc làm bằng giấy.

– Cái quạt giấy, hình người bằng giấy, vài đồ vật nhẹ như nút chai, khăn tay, chìa khóa (làm hàng hoá).

* Thực hiện:

– Tạo cơn bão: Cho các em ngồi thành vòng tròn, đem thau nước để giữa vòng tròn, đặt chiếc thuyền vào trong thau nước, để hình người, các vật dụng nhẹ lên chiếc thuyền. Cho các em đến gần, thổi mạnh vào xem khi nào thì người và hàng hoá bị rơi xuống biển. Cuối cùng giáo viên lấy quạt, quạt mạnh vào, tạo áp lực của gió, để các em thấy cảnh bão lớn, thuyền chao nghiêng và sắp chìm như thế nào.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, các em có thích trò chơi lúc nãy không? (Cho các em trả lời). Trò chơi thì rất vui, nhưng trong thực tế, thuyền thật sự gặp bão thì lại kinh khiếp vô cùng. Các em yên lặng nghe cô kể lại câu chuyện nầy nhé.

  1. Bài học.

Một đêm kia, Chúa Jêsus cùng các bạn của Ngài chèo thuyền đi sang một nơi khác, Chúa Jêsus vì rất mệt nên đã ngủ say trên thuyền. Thình lình có một cơn gió mạnh thổi đến, làm sóng càng lúc càng to, cũng như lúc nãy các em thổi mạnh vào chiếc thuyền vậy. Chiếc thuyền bị đảo qua đảo lại, sóng lớn ập tới, thuyền sắp bị chìm. Lúc ấy, Chúa Jêsus vẫn còn ngủ.

Những người bạn của Chúa Jêsus chưa từng thấy cơn bão lớn như vậy, nên họ rất sợ hãi. Nếu chính các em là người đang ngồi trên chiếc thuyền đó, các em có sợ không? (Cho các em trả lời). Lúc ấy, những người bạn của Chúa nghĩ đến Ngài. Họ lập tức đi tìm Ngài.

Họ kêu lớn: “Thầy ơi, mau dậy đi, cứu chúng tôi, thuyền chúng ta sắp chìm rồi, thầy ơi!” Chúa Jêsus thức dậy, Ngài ra phía trước thuyền, giơ tay ra và phán: “Sóng, gió hãy yên lặng đi!” Thật là lạ lùng, sóng và gió bão ngưng ngay, biển thật êm đềm! Lúc ấy, Chúa Jêsus mới quay sang nói với họ: “Sao các ngươi sợ hãi? Các ngươi không có đức tin sao?” Các em có biết vì sao Chúa quở trách họ không? Đó là vì họ từng ở gần Chúa rất lâu mà họ không nhìn biết Chúa là Con của Đức Chúa Trời, là Đấng có quyền phép, làm được tất cả mọi sự. Họ không có đức tin nơi Chúa, nên Chúa rất buồn.

  1. Ứng dụng.

Chúa cũng yêu thương các em và sẵn lòng giúp đỡ các em, khi các em tin và nhờ cậy Chúa. Nếu các em không có lòng tin nơi Chúa, không nhờ cậy Chúa, thì Chúa sẽ buồn lắm đó.

C. BÀI TẬP.

* Chuẩn bị:

– Viết chì màu, kéo, hồ dán.

– Cắt hình Chúa Jêsus trong trang cắt dán.

* Thực hiện:

– Các em dán hình Chúa Jêsus vào chiếc thuyền trong bài tập “Làm thế nào vượt qua cơn bão lớn?” Và cho biết cách các môn đồ thoát được nguy hiểm của cơn bão (nhờ Chúa Jêsus dẹp tan cơn bão).

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 6. LÒNG TIN CỦA MỘT VỊ QUAN  

 I. KINH THÁNH: Giăng 4:46-54.

II. CÂU GỐC: “Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, Chúa sẽ đỡ người ấy dậy; nếu người bệnh có phạm tội, cũng sẽ được tha.” (Gia-cơ 5:15).

III. BÀI HỌC.

Chúa chữa lành bịnh cho bé trai bởi đức tin của người cha.

* Tô màu hình vẽ.

* Em hãy dán hình bé trai vào vị trí thích hợp.

 

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 6. LÒNG TIN CỦA MỘT VỊ QUAN  

I. KINH THÁNH: Giăng 4:46-54.

II. CÂU GỐC: “Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, Chúa sẽ đỡ người ấy dậy; nếu người bệnh có phạm tội, cũng sẽ được tha.” (Gia-cơ 5:15).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Chúa chữa lành bịnh cho bé trai bởi đức tin của người cha.

– Cảm nhận: Tin nơi Chúa là điều Chúa đẹp lòng hơn hết.

– Hành động: Tin và nhờ cậy Chúa trong mọi việc.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Chuẩn bị:

– Cây que thử nhiệt.

* Thực hiện:

Cho các em đo nhiệt bằng que thử nhiệt, rồi gợi ý cho các em chia sẻ kinh nghiệm những lúc mắc bệnh như bị cảm, sốt, ho…

– Nếu không mua được cây thử nhiệt, thì cho các em chơi trò chơi “Bác sĩ với bệnh nhân”. Giáo viên đóng vai bác sĩ, các em làm bệnh nhân. Bác sĩ khám bệnh cho từng em, đoán bệnh, cho thuốc…

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, chúng ta vừa mới được đo nhiệt, khám bệnh xong, trong các em, em nào bị sốt? Em nào bị cảm? Nhức đầu? Ho? (Cho các em trả lời). Mỗi khi bị bệnh, các em uống thuốc rồi, thì được lành bệnh, đúng không? Nhưng có một bé trai kia, cũng nhỏ như các em, bị bệnh rất lâu, cha mẹ chạy chữa, mà vẫn không khỏi bệnh. Em bé đó rồi sẽ thế nào đây, các em theo dõi câu chuyện sẽ rõ nhé!

  1. Bài học.

Gia đình của cậu bé nghe tin Chúa Jêsus là người hay giúp đỡ và có thể chữa lành được mọi bệnh tật. Cha của cậu không ngại đường xa, đi tìm cho được Chúa Jêsus để mời đến nhà chữa bệnh cho con mình.

Người cha đi xa thật xa, chắc là cũng mỏi mệt lắm, nhưng cuối cùng cũng đã tìm được Chúa Jêsus. Ông vui mừng lắm cầu xin Chúa rất tha thiết: “Xin Ngài mau đến nhà tôi, con tôi mắc bệnh rất nặng, được Ngài chữa cho, chắc con tôi sẽ được lành”. Các em đoán xem Chúa Jêsus có đi không? (Cho các em trả lời). Chúa Jêsus từ chối không đi, các em ạ. Có phải là Chúa Jêsus không thích chữa bệnh cho em bé đó không? Người cha ấy không nản lòng, cứ tiếp tục cầu xin Chúa Jêsus rất thiết tha: “Chúa Jêsus, xin Ngài đến nhà tôi trước khi con tôi chết, xin Ngài đi với tôi ngay bây giờ!”

Chúa Jêsus cảm động vì lòng thương con của ông và Chúa cũng thấy ông có lòng tin vào Chúa rất lớn, Ngài liền nói với ông: “Hãy đi, con của ngươi đã lành bệnh!” Như vậy, Chúa Jêsus không về nhà ông như lời ông cầu xin là vì Ngài muốn ông tỏ lòng tin mạnh mẽ nơi Ngài đó các em ạ. Người cha nầy tin lời của Chúa Jêsus, trở về nhà ngay. Các em biết không, chưa về đến nhà, đầy tớ của ông đã tìm và báo cho biết con ông đã được lành bệnh. Ông vui mừng lắm và biết chắc rằng chính Chúa Jêsus đã chữa lành cho con mình. Ông tưởng tượng ra cảnh khi trở về nhà, cậu con trai sẽ ra mừng đón ông, ông vô cùng sung sướng!

Chúa Jêsus là Đấng luôn muốn giúp đỡ mọi người. Dù Ngài chưa gặp người cha nầy lần nào, nhưng khi ông có lòng tin nơi Chúa, Chúa cũng sẵn lòng giúp đỡ ông.

  1. Ứng dụng.

Các em cũng vậy, khi gặp những sự khó khăn, nguy hiểm nào, ví dụ như bị bệnh, bị lạc đường, ở một mình trong bóng tối… cứ tin cậy nơi Chúa, cầu nguyện với Ngài, Chúa sẽ giúp đỡ các em.

C. BÀI TẬP.

Tô màu hình vẽ.

– Cắt hình bé trai trong tập học viên bài 6, dán vào chỗ thích hợp.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 25.08.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 25.08.2024

in Thanh niên on 20 Tháng Tám, 2024

Chúa nhật 25.08.2024.

  1. Đề tài: BÀI CA CỦA SỰ GIẢI CỨU.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 14:19 – 15:21.
  3. Câu gốc: “Đức Giê-hô-va là sức mạnh và sự ca tụng của tôi. Ngài đã trở nên Đấng cứu tôi. Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi ngợi khen Ngài” (Xuất Ê-díp-tô ký 15:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi thiên 21-30.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Chỉ dẫn giải đáp thắc mắc.  

  1. Thông báo đề tài “BÀI CA CỦA SỰ GIẢI CỨU” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ.
  2. Ủy viên linh vụ nhờ người có hiểu biết sâu về Kinh Thánh, có kinh nghiệm thuộc linh về sự giải cứu của Chúa để giải đáp thắc mắc.
  3. Các câu hỏi phải đúng chủ đề và những tình huống thực tế liên quan. Các câu hỏi phải được sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau mỗi câu trả lời, cần dành ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
  4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Những bài ca để ăn mừng chiến thắng là một trong những cách thức tự nhiên của con người. Khi Đức Chúa Trời giúp dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng Ê-díp-tô, họ đã làm những bài ca chúc tụng Ngài. Môi-se và Mi-ri-am đã hướng dẫn dân sự hát mừng vì Đức Chúa Trời đã giải cứu họ khỏi cảnh đời nô lệ cho người Ê-díp-tô. Khi chúng ta học bài này, chúng ta cũng sẽ chia sẻ cùng họ niềm vui của sự chiến thắng.

I. CHÚA CỦA SỰ CHIẾN THẮNG (15:1).

Xuất Ê-díp-tô Ký 15 viết theo thể thơ ca, mô tả lại cảnh đánh chìm đạo binh hùng mạnh Ê-díp-tô. Môi-se và dân sự ăn mừng sự chiến thắng vinh quang này bằng bài hát ca ngợi Chúa (15:1). Ông bắt đầu bài thơ bằng câu: “Tôi ca tụng Đức Giê-hô-va”. Những câu tiếp theo ca tụng những chiến công của Chúa. Ca hát là một phần rất quan trọng trong việc thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên xưa. Môi-se và Mi-ri-am đã hướng dẫn dân sự trong việc ngợi ca Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban cho họ sự tự do. Trong những ngày nô lệ tại xứ Ê-díp-tô họ hằng mơ ước sự tự do này, và nay đã trở thành sự thật. Về sau, con cháu họ đã ca lại bài thơ chiến thắng này trong các dịp lễ và trong sự thờ phượng Chúa. Bạn không cần phải làm một người nô lệ để kinh nghiệm sự giải cứu của Thượng Đế. Ngài sẵn sàng và vui lòng để giải cứu bạn thoát khỏi sự nô lệ của vật chất, tiền bạc, vui thú quá độ.

II. CHÚA CỦA SỰ GIẢI CỨU (15:2).

Khi Môi-se suy gẫm về sự nhân từ của Đức Chúa Trời, ông đã ngợi ca Ngài về những cá tính và mỹ đức của Ngài. Môi-se thờ phượng Ngài vì Ngài là Đức Chúa Trời của cá nhân ông, của sức mạnh ông và sự cứu rỗi ông.

Đức Chúa Trời là Đấng đời đời. Ngài trường tồn trong suốt mọi thời đại, nhưng cá nhân của mỗi thời đại phải lập lại sự tương giao với Ngài. Sự tương giao với Đức Chúa Trời có thể được chia sẻ, nhưng không phải được thừa hưởng từ người khác. Mỗi một người phải bước vào sự liên hệ cách cá nhân với Ngài.

Người Y-sơ-ra-ên ngày xưa đã không thể tự giải cứu mình khỏi nô lệ ở Ê-díp-tô thế nào, chúng ta ngày nay cũng không thể tự mình giải thoát ra khỏi bản tính tội lỗi của chúng ta thể ấy. Càng cố vùng vẫy để thoát ra khỏi vùng sình lầy, chúng ta lại càng bị lún sâu hơn. Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng tha thứ tội lỗi của chúng ta và chỉ có Ngài mới giải cứu chúng ta được. Mà muốn có được sự giải cứu ấy thì mối liên hệ cá nhân của chúng ta với Chúa là hết sức quan trọng.

III. CHÚA CỦA LỊCH SỬ (15:3-10).

Một số tín hữu ngày nay tin vào Đức Chúa Trời, nhưng họ không tin rằng Ngài đang hành động tích cực trong thế giới này. Họ cho rằng Đức Chúa Trời tạo nên thế giới rồi Ngài để cho thế giới độc lập khỏi sự hướng dẫn của Ngài. Họ cho rằng Ngài không tham dự và can thiệp gì vào những biến cố của thế giới. Họ không tin rằng Ngài trả lời cầu nguyện hay làm phép lạ cho họ.

Môi-se ngày xưa nhất định là không tin như những người nói trên đây. Nhưng dần dần ông đã chứng kiến sự hướng dẫn, cai trị của Đức Chúa Trời trên lịch sử dân tộc ông, nhất là trên cuộc hành trình ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Dân Y-sơ-ra-ên là một đoàn dân tị nạn chống lại một đoàn quân đông đảo, trang bị vũ khí tối tân. Người Ê-díp-tô nghĩ rằng họ có thể đuổi theo dân tị nạn, tịch thu hết tài sản và rút gươm chém, không để sót người nào (c.9). Không ai, ngoại trừ Đức Chúa Trời mới có thể giải cứu họ và Ngài đã can thiệp vào lịch sử của người Y-sơ-ra-ên, gìn giữ, bảo toàn và chiến thắng cho họ. Quân đội hùng mạnh Ê-díp-tô bị chôn vùi dưới đáy biển sâu là một sự giải cứu kỳ lạ của Chúa.

  1. CHÚA CỦA SỰ THƯƠNG XÓT (15:13).

Trong câu 13 có hai danh từ diễn tả tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Thứ nhất, từ ngữ được dịch là “thương xót” có nghĩa là tình yêu không đổi thay, tình yêu thương nhân từ. Đây là từ ngữ được dùng trong Cựu ước để chỉ về sự yêu thương thành tín của Đức Chúa Trời dành cho dân sự Ngài.

Ngày nay Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta vì Ngài là Đấng yêu thương chứ không phải chúng ta đáng yêu. Ngài yêu thương chúng ta vô điều kiện và không đòi hỏi, thế nên chúng ta cần đáp ứng lại tình yêu thương Ngài bằng tấm lòng biết ơn. Thứ hai, từ ngữ “chuộc lại” cũng diễn tả sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Khi có một người thân rơi vào tình trạng khó khăn, bổn phận của chúng ta là đem tiền bạc, gia sản giải cứu người ấy ra khỏi hoàn cảnh khốn khó. Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Chuộc đối với chúng ta, với danh hiệu này Ngài muốn chúng ta biết Ngài sẽ đến với chúng ta trong cơn khốn khó để giải cứu chúng ta. Cái giá mà Đức Chúa Trời đã trả cho sự cứu chuộc chúng ta chính là mạng sống của con yêu dấu Ngài, Đức Chúa Giê-xu Christ. Sự thương xót và cứu chuộc của Ngài có giá trị cho bạn và tôi ngày nay, cũng như cho người Y-sơ-ra-ên ngày xưa. Tình yêu của Ngài lâu bền và vô điều kiện. Ngài sẵn sàng cứu chuộc bạn khỏi sự nô lệ của tội lỗi. Ngài sẽ tha thứ quá khứ của bạn và ban cho bạn một tương lai đầy hy vọng. Bạn có sẵn sàng để cho Ngài yêu thương bạn không?