CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 15.09.2024
By Mai Hdenayun in NAM GIỚI on 10 Tháng Chín, 2024
Chúa nhật 15.09.2024
- Đề tài: KHẮC PHỤC CHÍNH MÌNH.
- Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 9:24-27.
- Câu gốc: “Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (1Cô-rinh-tô 9:27).
- Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 34-36.
- Thể loại: Trò chơi lớn.
* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.
– Chủ đề: KHẮC PHỤC CHÍNH MÌNH.
– Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ.
– Thời gian: 1h30’.
I. CHUẨN BỊ.
Ban tổ chức cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu đố Kinh Thánh và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và dựa vào điều đó để tìm đến trạm. Sau khi thực hiện xong các yêu cầu của ban tổ chức, cả nhóm theo chỉ dẫn của mật thư thứ hai để đến trạm kế tiếp…
– Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.
Ôn chữ. Các dấu.
 = AA Ê = EE – Sắc = S
Ă = AW Ư = UW = W – Huyền = F
Ô = OO Đ = DD – Hỏi = R
Ơ = OW ƯƠ = UOW – Ngã = X
– Nặng = J
– Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… mà ban viên đã quen thuộc, đồng thời phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật thư được giấu tại điểm đặt trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.
– Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường tùy theo địa điểm mỗi nơi.
– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.
– Kinh Thánh: Thông báo cho ban viên học thuộc lòng câu gốc tuần nầy và đọc trước 1Cô-rinh-tô 9:24-27; Hê-bơ-rơ 12.
II. THỰC HIỆN.
- Thể lệ cuộc thi và cách chấm điểm.
- Thể lệ cuộc thi.
– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.
– Đến trạm, phải xếp hàng ngay ngắn và báo cáo kết quả của trạm trước.
– Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.
b. Cách chấm điểm.
– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ………….. 10 điểm.
– Giải chính xác mật thư………………………………….. 10 điểm.
– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm……………………….. 10 điểm.
– Đến trạm sớm nhất……………………………………….. 10 điểm.
– Nội dung thảo luận thực hiện tốt…………………….. 10 điểm.
2. Diễn tiến trò chơi.
- Mở đầu.
Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người, xếp hàng dọc theo mỗi nhóm, cử nhóm trưởng và thư ký nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: “Khắc Phục Chính Mình”.
Thưa các bạn! Trong xã hội hiện đại, làm việc gì cũng phải thật nhanh và hiệu quả, chậm một chút thì trở nên thua kém, đó là cuộc chạy đua của thế giới bên ngoài. Còn ở trong Chúa thì sao? Cuộc chạy đua ở trong Chúa quan trọng hơn nhiều vì đến cuối cùng chúng ta nhận được phần thưởng Chúa ban cho. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải chạy thật nhanh và có kết quả cho công việc nhà Chúa. Nhưng trong cuộc chạy đua nầy, chúng ta cần khắc phục chính mình như Phao-lô đã nói: “E rằng sau khi tôi giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng”. Hôm nay chúng ta cùng tham gia chương trình sinh hoạt này, để thấy được sự “khắc phục chính mình” là cần thiết trong cuộc chạy đua là thế nào!
b. Xuất phát.
Tất cả các nhóm phải tập trung tại điểm xuất phát. Ban tổ chức phổ biến thể lệ cuộc thi và mỗi nhóm cử ra một người, đại diện nhóm để “Vượt chướng ngại vật”.
(“Chướng ngại vật” có thể là những câu hỏi hoặc những động tác do ban tổ chức đưa ra như: Vì sao sự khắc phục chính mình là cần thiết? Bạn có thái độ nào đối với chính mình?… Tuỳ chỗ chúng ta chơi hoặc có thể yêu cầu các bạn tìm cho 10 con kiến vàng cột thành xâu, có thể yêu cầu lột một trái dừa còn nguyên vỏ cho BTC…).
Đại diện nhóm nào vượt qua được “chướng ngại vật” mới được nhận mật thư.
* Mật thư 1: 20 9 13 6 14 7 21 15 23 9 6 20 23 6
2 15 18 17 21 25 5 5 14 6 12 15 23 9 10 18 9 55 14 7.
A-đam là người Chúa tạo dựng đầu tiên.
(Dùng mật mã thế chữ bằng số: A=1; B=2; C=3; D=4...).
Trạm 1.
Yêu cầu:
– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.
– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.
- Khi khuyến khích cuộc sống tự chế ngự, Phao-lô ví sánh Cơ Đốc nhân với hình ảnh nào?
- Tại sao cần có sự tự chế ngự trong đời sống người Cơ Đốc? (c.24-25).
- Muốn thắng cuộc chạy đua thuộc linh, người Cơ Đốc cần kiêng cữ điều gì? Và đặt mình trong lề lối nào? (1Giăng 2:15-17).
* Mật thư 2: BIS CUAR TUWJ CHEES SUWJ QUYEETS TIMF.
Rắn ăn đuôi ăn đầu.
Trạm 2.
Yêu cầu:
– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.
– Phát trò chơi: Ai là Đa-vít?
Nhóm trưởng nhận các lá thăm đã được viết sẵn và phát lá thăm cho các bạn trong nhóm. Trong số lá thăm có 2 hoặc 3 lá mang chữ “Đa-vít”, 2 hoặc 3 lá mang chữ “Gô-li-át”, số còn lại để trống.
Sau khi nhận lá thăm, mỗi người sẽ im lặng không để cho ai biết vai trò của mình được ghi trong lá thăm. Mỗi người sẽ lặng lẽ quan sát nhau và người mang thăm “Gô-li-át” sẽ nhìn một người nào bất kỳ và nheo mắt cho người đó, nếu người đó mang thăm trắng sẽ “Á” lên một tiếng và thế là chết. Còn nếu người mang thăm Gô-li-át nheo mắt nhằm người mang thăm “Đa-vít” thì “Đa-vít” sẽ giơ tay ra và bắn “Gô-li-át” lúc đó người mang thăm “Gô-li-át” sẽ chết.
Người nào đã xuất hiện rồi thì không được tham gia nữa. Trò chơi sẽ kết thúc khi Đa-vít và Gô-li-át đều đã xuất hiện.
Nhóm nào sau khi Đa-vít đã tiêu diệt Gô-li-át rồi thì được nhận mật thư trước.
* Mật thư 3:
AB | CD | EF |
GH | IJ | KL |
MN | OP | QR |
Trạm 3.
Yêu cầu:
– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.
– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời:
- Sự Phao-lô “đãi thân thể mình cách nghiêm khắc” có nghĩa gì? (c.27).
- Tại sao Cơ Đốc nhân phải có thái độ nghiêm khắc đối với chính mình?
- Qua đời sống tự chế ngự của Phao-lô, cho chúng ta tìm thấy bí quyết nào trong sự khắc phục chính mình? (c.26-27).
3. Kết thúc.
Thưa các bạn! Khắc phục được chính mình là một điều rất khó. Xin Chúa cho chúng ta biết nương nhờ sức Chúa để khắc phục chính mình, hầu cho đến ngày gặp Chúa chúng ta không hổ thẹn mà vui mừng nhận lãnh mão triều thiên không hay hư nát.
– Cầu nguyện theo sự dạy dỗ.
– Công bố kết quả và phát thưởng.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trong cuộc sống con người thường có những trái ngược nhau. Có người thành công bên ngoài, nhưng thất bại bên trong. Có những bậc vua chúa quyền hành lớn chinh phục cả thiên hạ, nhưng lại không thắng được chính mình!
Trong đoạn 9, Phao-lô đã nêu cao ba gương sáng qua đời sống của mình trước mặt tín hữu Cô-rinh-tô:
– 9:1-18: Gương sáng về sự từ bỏ quyền lợi riêng.
– 9:19-23: Gương sáng về sự từ bỏ tự do cá nhân.
– 9:24-27: Gương sáng về sự tự tiết chế.
Tại sao Phao-lô rất quan tâm đến sự tự chế, và thách thức Cơ Đốc nhân một đời sống tự chế?
I. DẪN GIẢI.
- Sự tự chế cần thiết.
Tự chế là sự tự giữ mình khỏi những ham muốn của tư dục. Với vấn đề tự do, điều Phao-lô lo ngại là nếu người Cơ Đốc không biết tự chế thì sẽ rơi vào ách nô lệ tội lỗi! Cho nên sau khi nêu lên gương sáng về sự từ bỏ quyền lợi và tự do của mình vì Tin Lành, Phao-lô thách thức tín hữu Cô-rinh-tô một đời sống tự chế.
Trong bối cảnh của một thành phố mà dân chúng Hy-lạp ưa chuộng thể thao, với những cuộc tranh tài của những lực sĩ trong vận động trường to lớn, nổi tiếng, Phao-lô ví sánh người Cơ Đốc trong hình ảnh của người chạy đua để làm sáng tỏ lẽ cần của sự tự chế.
Như lực sĩ muốn thắng cách vinh dự thì phải chịu kiêng cử, chịu khó nhọc luyện tập thân mình. Cũng vậy, trong cuộc chạy đua thuộc linh, người Cơ Đốc cần kiêng cử. Đó là sự khắc phục bản ngã, tự chế đối với những ham muốn của xác thịt (Rô-ma 13:13-14). Vì:
– Để đạt đến mục đích Chúa gọi.
– Để nhận được mão triều thiên không hay hư nát.
- Bí quyết tự chế (c.26-27).
Phao-lô chẳng những kêu gọi tín hữu tự chế, nhưng chính đời sống Phao-lô cũng là gương mẫu của sự tự chế. Qua gương tự chế của Phao-lô cho chúng ta học biết thế nào tự chế chính mình.
- Nhắm mục đích: “Tôi chạy, chẳng phải chạy bá vơ…” như lực sĩ nhắm vào lằn mức cuối cùng của cuộc chạy đua để thắng cuộc, người Cơ Đốc cần hướng về mục đích của Chúa gọi, không để cho sự ham muốn của tư dục chi phối đôi mắt, chi phối tấm lòng của mình.
- Ý thức mình đang ở trong cuộc chạy đua cam go: “…Tôi đánh, chẳng phải là đánh gió…” Phao-lô nói trong ý nghĩa của người đấu võ, mỗi cú đánh phải trúng địch thủ. Cũng vậy, người Cơ Đốc phải biết tính chất quan trọng trong cuộc chạy đua của mình, từ chối mọi cám dỗ của tư dục, hầu chạy cách nào để được thưởng.
- Đãi thân thể nghiêm khắc: “…Tôi đãi thân thể cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục…”
Những chữ “đãi thân thể nghiêm khắc” không có nghĩa Phao-lô kêu gọi người tín hữu phải ép xác, khổ tu để diệt dục như một số tôn giáo loài người chủ trương. Nhưng chỉ thái độ cứng rắn, nghiêm chỉnh trước sự luông tuồng của tư dục, với ý chí quyết định đặt mình dưới qui luật của Đấng Christ. Như người võ sĩ quyền anh phải luyện tập thân mình cứng rắn, để đối phó với địch thủ mang găng tay sắt nhọn theo cách đấu võ thời đó.
- Bài học cho đời sống.
Sau lời kêu gọi tự chế, Phao-lô kết thúc với lời cảnh cáo chính mình “…e rằng tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng?”
Chữ “bị bỏ” không có nghĩa bị mất sự cứu rỗi nhưng chỉ về sự thất bại trong công tác Chúa gọi. Như người không đủ tiêu chuẩn, bị loại ra khỏi cuộc chạy, mất phần thưởng của mình. Thật là bi thảm cho người không tự chế được chính mình, tự chế được tham dục.
Alexander đại đế, người có lần chinh phục gần cả thế giới, nhưng lại không thắng được chính mình, không thắng được ma lực của rượu. Theo sử sách ghi lại, Alexander đã kết thúc cuộc đời cách buồn thảm trong buổi ăn sáng với gần lít rượu, và ngã chết với tuổi mới vừa 33, để lại sự nghiệp dở dang với dòng chữ lịch sử ghi lại vua chết vì rượu!
Hãy trở về với chính mình. Có thể chúng ta lạc quan với những thành công nào đó, nhưng có những câu hỏi giúp chúng ta tự kiểm điểm: Tôi đang sống chìu theo tư dục hay khắc phục tư dục?
II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.
- Khi khuyến khích về sự tự chế, Phao-lô khuyến khích Cơ Đốc nhân trong hình ảnh nào?
- Tại sao cần có sự tự chế trong đời sống Cơ Đốc nhân? (c.24-25).
- Muốn thắng cuộc đua, người lực sĩ phải kiêng cữ những gì? Muốn thắng cuộc chạy đua thuộc linh, người Cơ Đốc cần kiêng cữ điều gì? Và đặt mình trong lề lối nào? (1Giăng 2:15-17).
- Sự Phao-lô “đãi thân thể mình cách nghiêm khắc” có nghĩa gì? (c.27).
- Tại sao có thái độ nghiêm khắc ấy đối với chính mình?
- Qua đời sống tự chế của Phao-lô cho chúng ta tìm thấy bí quyết nào trong sự khắc phục chính mình? (c.26-27).