Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

By Mai Hdenayun in NHI ĐỒNG on 12 Tháng Tám, 2024

BÀI 12. SỐNG HÒA THUẬN

I. INH THÁNH: Giô-suê 22:1-34.

II. CÂU GỐC: “Hãy hết sức hòa thuận với mọi người” (Rô-ma 12:18).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Dân Y-sơ-ra-ên giải quyết sự hiểu lầm với nhau cách hòa thuận.

– Cảm nhận: Chúa vui lòng khi các em sống hoà thuận với nhau.

– Hành động: Em quyết tâm sống hòa thuận với mọi người.

IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.

Sau khi vào đất hứa, dân Y-sơ-ra-ên ở bên nầy và bên kia sông Giô-đanh có sự hiểu lầm nhau. Trong cơn tức giận, mười chi phái ở bên nầy sông định đem quân đánh hai chi phái ở bên kia sông! Nếu họ không tìm hiểu vấn đề cách ôn hòa và giải quyết sự hiểu lầm với nhau cách hòa thuận, thì trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên đã xảy ra cảnh huynh đệ tương tàn.

Hòa thuận với mọi người là điều Chúa muốn chúng ta thực hiện và đó cũng là mong muốn của tất cả những người theo Chúa. Nhưng đôi khi trong cuộc sống lại xảy ra những hiểu lầm, gây ra sự tranh cãi không đáng có. Kinh nghiệm của dân Y-sơ-ra-ên là bài học cho chúng ta. Trước khi quyết định bất cứ việc gì, chúng ta phải tìm hiểu cặn kẽ, giải quyết vấn đề trong sự ôn hòa. Kinh Thánh nhiều lần đề cao sự hòa thuận, coi sự hòa thuận như mật ngọt của tàng ong. Hòa thuận với mọi người có nghĩa là gì? (Không để những hận thù trong lòng, quan tâm đến người khác v.v… Từ “hoà thuận” trong Kinh Thánh có nhiều nghĩa: Bỏ đi sự tranh chấp, tranh cãi và ẩu đả). Trước khi dạy bài học nầy, bạn suy gẫm lại chính đời sống mình. Có thể chia sẻ lại từng trải, khi bất hòa với một người nào đó, bạn cảm thấy như thế nào? Bạn có hết sức hòa thuận với mọi người không? Xin Chúa cho bạn biết sống hòa thuận với mọi người để làm sáng danh Chúa và làm gương cho các em noi theo.

V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Vị Trí Trên Bản Đồ.

  1. Vật liệu: Trang tư liệu trong sách học viên, bút màu, kéo.
  2. Thực hiện: Giáo viên cho các em đọc những chữ trên bản đồ. Sau đó, hướng dẫn các em tô màu vào các hình vẽ phía dưới rồi cắt ra, dán vào bản đồ. Trong giờ học Kinh Thánh, chúng ta sẽ sử dụng bản đồ nầy. Sau khi học bài nầy xong, hỏi các em: Đa số dân Y-sơ-ra-ên sống ở đâu? Còn một số ít dân Y-sơ-ra-ên sống chỗ nào? Đức Chúa Trời dặn bảo dân Y-sơ-ra-ên phải thờ lạy Ngài tại đâu? Vì sao một số người Y-sơ-ra-ên lập bàn thờ? Chuyện gì đã xảy ra?

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị cụ: Hình phụ trợ 1-4 trong phần phụ lục).

  1. Vào đề.

Có khi nào các em tức giận vì tranh cãi một việc gì đó không? Trong tình huống đó em sẽ làm gì? (Cho các em chia sẻ). Theo em, tranh cãi tốt hay xấu? Chúa muốn em sống như thế nào? Mời các em cùng nghe câu chuyện Kinh Thánh hôm nay để biết dân Y-sơ-ra-ên làm thế nào trước sự tức giận nhé.

  1. Bài học.

(Lần lượt cho các em xem hình vẽ theo nội dung câu chuyện).

Trong vòng bảy năm, người Y-sơ-ra-ên đã chiếm được tất cả các thành trong vùng đất hứa. Giờ đây họ có thể xây cất nhà cửa, sống ổn định cùng gia đình rồi.

Có một số quân lính Y-sơ-ra-ên sống cùng gia đình bên kia sông Giô-đanh. (Cho các em chỉ vào bản đồ, chỗ dân Y-sơ-ra-ên có vẽ hình tam giác). Con sông nầy chia cách họ với những người Y-sơ-ra-ên khác (cho các em chỉ ra chỗ dân Y-sơ-ra-ên có vẽ hình ngôi sao). Sau khi chào tạm biệt nhau, quân lính Y-sơ-ra-ên ai về nhà nấy. Những người lính ở bên kia sông Giô-đanh vừa đi vừa bàn với nhau: “Chúng ta hãy lập một bàn thờ tại đây trước khi qua sông đi. Bàn thờ nầy có lẽ sẽ giúp dân Y-sơ-ra-ên ở bên nầy nhớ đến chúng ta. Tuy sống bên kia sông, nhưng chúng ta vẫn là dân Y-sơ-ra-ên, cùng thờ lạy Đức Chúa Trời. Và cả chúng ta, khi nhìn thấy bàn thờ nầy, chúng ta cũng nhớ đến họ”. Thế là họ tìm những hòn đá to, dựng lên một bàn thờ vừa cao vừa lớn. Xong rồi họ vượt qua sông về nhà.

Khi người Y-sơ-ra-ên sống ở bên nầy sông (chỉ vào bản đồ chỗ dân Y-sơ-ra-ên ở bên cạnh ngôi sao) nhìn thấy bàn thờ đó, thì rất tức giận. Họ hỏi nhau: “Tại sao họ lại lập bàn thờ? Chắc họ muốn thờ lạy Đức Chúa Trời tại bàn thờ nầy! Họ có biết, Đức Chúa Trời đã phán dặn rằng, chỉ có thể thờ lạy Ngài tại một bàn thờ duy nhất, đó là Đền Tạm tại Si-lô hay sao?” Có người nói trong lo âu: “Có lẽ những người Y-sơ-ra-ên dựng bàn thờ nầy không còn yêu mến và vâng phục Đức Chúa Trời nữa!” Một số người Y-sơ-ra-ên ở bên nầy sông muốn kéo sang đánh người Y-sơ-ra-ên ở bên kia sông Giô-đanh một trận để dạy họ một bài học. Nhưng cuối cùng, họ quyết định phái người qua sông để hỏi mọi việc cho rõ ràng.

Phi-nê-a dẫn đầu một đoàn mười người qua sông. Có lẽ trên đường đi, ông suy nghĩ làm thế nào để thảo luận với người Y-sơ-ra-ên bên kia sông một cách hòa bình để cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài. Khi đến nơi, họ trực tiếp hỏi dân Y-sơ-ra-ên tại đó: “Tại sao anh em không vâng phục Đức Chúa Trời? Sao anh em dám lập bàn thờ riêng để thờ lạy? Chẳng lẽ anh em không biết rằng làm như thế là phạm tội với Đức Chúa Trời sao?” Tiếp đó, Phi-nê-a nói: “Chúng tôi mong muốn anh em yêu mến Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài biết bao. Nếu anh em cho rằng sống gần chúng tôi sẽ giúp anh em được điều đó thì anh em hãy dọn sang, chúng tôi sẽ chia sẻ mảnh đất của chúng tôi cho anh em”.

“Xin lỗi, anh em hiểu lầm rồi”, những người Y-sơ-ra-ên đã dựng bàn thờ lên tiếng: “Chúng tôi vẫn hết lòng yêu mến Chúa và vâng lời Ngài. Sở dĩ chúng tôi lập bàn thờ là muốn cho mọi người nhớ rằng, chúng ta là dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta đều yêu mến Đức Chúa Trời. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục thờ lạy Đức Chúa Trời với anh em tại Đền Tạm”. Phi-nê-a rất vui khi nghe xong những lời nầy. Ông biết rằng, vâng theo lời Đức Chúa Trời phán dặn là quan trọng vô cùng.

Sau đó, Phi-nê-a và mười người kia trở về thuật lại cho mọi người rằng: “Dân chúng bên kia sông vẫn yêu mến và vâng phục Đức Chúa Trời”. Dân Y-sơ-ra-ên bên nầy sông vui mừng cảm tạ Đức Chúa Trời vì tin tức tốt lành nầy.

  1. Ứng dụng.

Nếu trong cơn tức giận, người Y-sơ-ra-ên ở bên nầy sông kéo sang đánh người Y-sơ-ra-ên ở bên kia sông Giô-đanh thì hậu quả sẽ như thế nào? Nhờ tìm hiểu tường tận mà họ đã giải quyết được sự hiểu lầm một cách thuận hòa. Đây là bài học cho các em để có thể sống hòa thuận với nhau.

Giáo viên hướng dẫn các em xem và kể lại chuyện xảy ra của mỗi hình vẽ. Sau đó cho các em tìm ra câu chuyện xảy ra.

VI. PHỤ LỤC.

* Hình 1-4.

Post CommentLeave a reply