CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 03.07.2022
By Lee Vi in PHỤ NỮ on 1 Tháng Bảy, 2022
Chúa nhật 03/7/2022.
- Đề tài: SỐNG GIÚP ÍCH NGƯỜI KHÁC.
- Kinh Thánh: Tít 3:1-11 – BHĐ.
- Câu gốc: “Đây là lời chắc chắn. Ta muốn con nhấn mạnh những điều đó, để những ai đã tin Đức Chúa Trời sẽ chú tâm vào việc lành. Đó là điều tốt đẹp và ích lợi cho mọi người” (Tít 3:8 – BHĐ).
- Đố Kinh Thánh: 2Sử Ký 31-33.
- Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: Thuyết trình.
- Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
- Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “SỐNG GIÚP ÍCH NGƯỜI KHÁC.”
- Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
- Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
- Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Một tín đồ đang ở trong một địa vị lãnh đạo. Ông ta rất nhân hậu, luôn cứu giúp những cá nhân thiếu thốn khó khăn. Khi được hỏi tại sao ông lại bỏ thì giờ làm những chuyện như vậy? Ông trả lời khi trước tôi làm việc trong một tiệm tạp hoá, tôi được hướng dẫn rằng đừng bao giờ hỏi khách hàng “đủ chưa?” Nhưng phải hỏi: “Còn cần gì khác nữa không?” và hiện nay tôi đem điều này thực hành trong đời sống đạo của tôi. Ông đã đầy lòng yêu mến, giúp đỡ kẻ khác đến nỗi ông muốn giúp đỡ để phát triển tất cả những điều gì trong đời sống của họ. Trong Tít 3:1-11, Phao-lô đã nhắn nhủ điều này. Khi chúng ta kinh nghiệm Phúc âm của Chúa, lòng chúng ta tràn đầy sự cảm thương đối với mọi người. Bằng cách đưa bàn tay tiếp trợ và giúp họ theo khả năng của mình. Trong bài học tuần này chúng ta thấy được sự nhắc nhở của Phao-lô trong đời sống giúp ích người khác. Bài học chia làm 5 phần:
- Tôn trọng luật pháp (Tít 3:1).
- Tử tế và thông cảm (Tít 3:2-3).
- Lòng biết ơn (Tít 3:4-7).
- Những hành động giúp ích (Tít 3:8-9).
- Đối với những ai sai lạc (Tít 3:10-11).
- TÔN TRỌNG LUẬT PHÁP (Tít 3:1).
Điểm chính mà Phao-lô muốn bày tỏ là người tín đồ phải là một công dân tốt và trung thành trong quốc gia mình sống. Chính quyền có trách nhiệm do Chúa giao cho, và Hội Thánh phải thừa nhận điều đó. Chúng ta là một thành viên trong cộng đồng xã hội, và Hội Thánh cũng vậy, đều ở dưới sự cai trị và hướng dẫn của quốc gia. Chúng ta là một thành phần của quốc gia vì đó là mục đích và ý định của Chúa trong sự thành lập và cho phép đối với các bậc cầm quyền, vua chúa của thế gian này (Rô-ma 13), (1Phi-e-rơ 2:13-17), nếu người tín đồ vâng phục bậc cầm quyền, thì họ sẽ không được chống lại thẩm quyền của quốc gia và chống lại những gì mà Chúa đã đặt để trong ý muốn của Chúa. Và người tín hữu cũng được kêu gọi sẵn sàng làm mọi việc lành. Đây là trách nhiệm và cũng phát xuất từ sự vâng phục bậc cầm quyền qua những hoạt động tích cực của mình. Đây cũng là điều bày tỏ đời sống đạo thực tế cho thế gian như Chúa đã phán trong Ma-thi-ơ 5:13-16 – BHĐ: “Các con là muối của đất… Các con là ánh sáng cho thế gian… Để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con ở trên trời”. Chúng ta là công dân trên trời (Phi-líp 3:20). Điều đó không có nghĩa là chúng ta được miễn trách nhiệm của bổn phận công dân trên trần thế này.
- PHẢI TỬ TẾ VÀ THÔNG CẢM (Tít 3:2-3).
Người tín hữu không được có những thái độ không tốt đối với bậc cầm quyền như nói xấu và tranh chấp. Chữ nhã nhặn trong Tít 3:2 nói lên một thái độ tự chế, một tinh thần yêu thương. Ba ngôi Đức Chúa Trời đều lên án những lời lẽ chống lại Chúa và con người (Ma-thi-ơ 12:31, Lu-ca 22:65, Công Vụ 23:4-5, 1Phi-e-rơ 4:14, Giu-đe 8). Cơ đốc nhân phải cẩn thận, đừng buông những lời nói xấu chỉ trích người khác, vì họ cũng là những vật thọ tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời (Gia-cơ 3:9).
Do đó, người tín hữu không nên tranh cạnh, cãi vả, gây gổ. Nhưng phải dung thứ, bày tỏ thái độ hòa nhã, tử tế. Người tín hữu phải bày tỏ tinh thần khiêm nhường đối với mọi người. Đây là hình ảnh và tiêu chuẩn mà chính Chúa Giê-xu đã bày tỏ về sự liên hệ của người Cơ đốc đối với các bậc cầm quyền và người xung quanh.
Trong câu 3, Phao-lô nêu rõ hai nguyên do tại sao phải có thái độ khoan dung và mềm mại đối với người ngoại đạo? Thứ nhất, cách ăn, nết ở của họ trước khi tin Chúa cũng không hơn gì người thế gian. Thứ hai, để tỏ cho người thế gian tình yêu thương và sự nhân từ của Đức Chúa Trời.
III. LÒNG BIẾT ƠN (Tít 3:4-7).
Sự khác biệt gì về lòng nhân từ của Đức Chúa Trời và tình yêu thương của Ngài đã thể hiện cho chúng ta. Nếu chúng ta muốn nhận ra được một bức minh họa đẹp nhất về lòng nhân từ của Chúa hãy đọc trong 2Sa-mu-ên 9, sẽ thấy được sự đối xử của Đa-vít đối với Mê-phi-bô-sết, một hoàng tử tật nguyền. Mê-phi-bô-sết là đứa con còn lại của vua Sau-lơ, đáng lý phải bị giết. Nhưng vua Đa-vít với lòng nhân từ đã đối xử với Mê-phi-bô-sết như chính con mình.
Chúa cứu chúng ta là do tình yêu, lòng nhân từ và sự thương xót của Đức Chúa Trời (Tít 3:5). Chúng ta không thể tự cứu mình. Nhưng chính Ngài đã cứu chúng ta. Làm thế nào Ngài thực hiện? Đó chính là bởi sự rửa tội về sự lại sanh và đổi mới của Đức Thánh Linh.
Phao-lô đã liên hệ điều này với những kinh nghiệm qua lời của Chúa trong Ê-phê-sô 5:26. Sự cứu rỗi đến với tội nhân khi họ tin nhận Đức Chúa Giê-xu Christ và khi Thánh Linh dùng lời của Ngài đưa đến cho họ một đời sống mới. Chúng ta được tái sinh trong Chúa Thánh Linh (Giăng 3:5-6) và bởi lời của Chúa (1Phi-e-rơ 1:23-25, Công Vụ 2:38, Rô-ma 8:9, 5:5).
Không những chúng ta được rửa sạch và đổi mới trong Đấng Christ nhưng chúng ta được xưng công bình (Tít 3:7). Đây là giáo lý kỳ diệu nói đến trong Rô-ma 3:21-8:39. Sự xưng công bình là một hành động vô giá để mua chuộc chúng ta.
Kết quả của lòng nhân từ, tình yêu thương, sự thương xót và ân điển là gì: Niềm hy vọng, sự trông cậy. Chúng ta là kẻ kế tự của Đức Chúa Trời. Đến ngày Chúa trở lại chúng ta sẽ cùng chia sẻ với Ngài sự vinh hiển, giàu sang của vương quốc đời đời. Sự trông cậy này liên hệ đến Tít 2:13 – sự trông cậy hạnh phước.
- NHỮNG HÀNH ĐỘNG GIÚP ÍCH (Tít 3:8-9).
Người tín đồ không những sống bày tỏ lòng nhân từ, tình yêu thương, sự thương xót nhưng còn phải cần có đời sống tin kính tốt nữa và chăm chỉ trong công việc lành (Tít 3:8).
Một bằng chứng hùng hồn mà người Cơ đốc có thể bày tỏ cho một thế giới vô đạo về sự theo Chúa của chúng ta là đời sống tin kính. Làm việc lành không có nghĩa là công việc tôn giáo hay là công việc nhà thờ. Nó có thể là những công việc chúng ta giúp đỡ cho nhà thờ, tham gia ban hát trong Hội Thánh, phụ giúp công việc tại văn phòng Hội Thánh. Nhưng nó còn là những công việc giúp đỡ cho những người chưa biết đến Chúa, giúp đỡ cho cộng đồng mình đang sống. Giúp đỡ những công việc có cần. Đường lối tốt nhất của Hội Thánh địa phương để có thể làm chứng cho những người chưa biết đến Chúa. Đó là sự hy sinh phục vụ của các con cái Chúa trong Hội Thánh.
Một trong những điều tệ hại xảy ra đó là vấn đề tranh cãi trong Hội Thánh, nó không đem đến sự xây dựng nhưng đưa đến sự đổ vỡ (1Ti-mô-thê 1:4, 6:4, Tít 1:10-16), điều này bắt nguồn từ giáo sư giả, hay tranh cãi về giáo lý và luật pháp. Tít được khuyên tránh cãi lẩy nhưng phải bày tỏ mọi việc trong lời nói tích cực, khích lệ. Từ đó Tít có thể được đa số trong Hội Thánh ủng hộ qua sự giảng dạy khích lệ tích cực và như thế đã khiến cho những giáo sư giả, những kẻ hay tranh cãi mất đi chỗ đứng của họ không còn ai muốn nghe và theo họ. Và rồi họ phải yên lặng.
- ĐỐI VỚI NHỮNG AI SAI LẠC (Tít 3:10-11).
Ngoài những khó khăn trên, còn có một nan đề khác nữa đó là vấn đề tà giáo. Nghĩa là họ tự do quyết định, chọn lựa và gây dựng chia rẽ trong Hội Thánh. Đây là lòng ước muốn cá nhân, nghĩ rằng mình đúng và rồi đi từ người này đến người khác. Xúi giục sự tự do. Lôi kéo tín hữu theo họ chống lại người lãnh đạo trong Hội Thánh. Và đây là việc làm của xác thịt (Ga-la-ti 5:20). Do đó họ phải được khuyên bảo và Phao-lô đã nhiều lần để khuyên bảo, cảnh cáo họ. Sau đó nếu họ không ăn năn thì phải lánh xa. Điều cần nhắc nhở là những kẻ yếu, sai lạc cần được khích lệ nâng đỡ (Rô-ma 16:17-20, 1Ti-mô-thê 1:20)
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC:
Ích lợi từ khoai tây
Chú ý: Không dùng loại khoai tây đã biến chất, ngoài vỏ xanh, trong ruột thâm, khoai đã mọc mầm dễ bị ngộ độc.
Để chữa bỏng nhẹ, vết thương hay eczema, lấy khoai tây rửa sạch, có thể để cả vỏ, thái lát mỏng, dán lên vết thương hoặc giã nát đắp bỏng. Nếu bỏng nhẹ, có thể bóc lấy vỏ từ củ khoai tây đã luộc, giã nát rồi đắp.