CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 03.07.2022
By Lee Vi in Thanh niên on 1 Tháng Bảy, 2022
Chúa nhật 03.07.2022.
- Đề tài: TẦM QUAN TRỌNG CỦA CỰU ƯỚC.
- Kinh Thánh: Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:1-25.
- Câu gốc: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:6-7).
- Đố Kinh Thánh: Giô-suê 6-10.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia sẻ.
- Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước. Người chia sẻ phải là Mục sư, Truyền đạo.
- Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Thanh Niên. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Có bao giờ bạn đọc xuyên suốt Cựu ước chưa? Chắc sẽ có nhiều điều khiến các bạn không hiểu được? Nhưng có điều chắc chắn là chúng ta không thể nào hiểu được ý nghĩa sâu nhiệm của Tân ước nếu chưa biết kế hoạch của Đức Chúa Trời ngay từ ban đầu như đã được mặc khải trong Cựu ước. Kinh Thánh được chép ra là để dạy dỗ chúng ta. Sứ đồ Phao-lô đã nói với các tín đồ tại La-mã rằng: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta” (Rô-ma 15:4). Các bạn có thể kể ra vài chân lý trong Cựu ước mà chúng ta đã học.
- KHAI TRIỂN BÀI HỌC.
- Công Cuộc Sáng Tạo.
Tại sao Đức Chúa Trời tạo dựng nên loài người? Sở dĩ Ngài tạo nên con người theo hình ảnh Ngài là để con người có thể thông công với Ngài (Sáng Thế Ký 1:26,27). Các bạn được sinh ra trên đời nầy và sống ở đây là để tôn vinh Đức Chúa Trời (1Sử Ký 16:29). Đức Chúa Trời đã lấy bụi đất nắn nên thân xác con người (Sáng Thế Ký 2:7). Sau đó, Ngài hà hơi vào thân xác ấy thì con người trở thành một loài sinh linh (hồn sống). Con người sống đây là nhờ được Đức Chúa Trời tạo dựng. Con người là sản phẩm từ tài khéo léo của Đức Chúa Trời.
Cựu ước cũng trả lời câu hỏi: “Tội lỗi từ đâu mà ra?” Vì A-đam đã không vâng lời Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã cảnh cáo rằng nếu ông không vâng lời Ngài, ông sẽ phải nhận lấy những hậu quả do sự chết đem đến (Sáng Thế Ký 2:17). Nhưng ông A-đam đã không chịu vâng lời Đức Chúa Trời và kết quả là ông phải chết.
Xuyên suốt Cựu ước luôn có lời hứa và lời bảo đảm của Đức Chúa Trời là Ngài sẽ ban một Đấng Cứu chuộc đến để giải phóng chúng ta khỏi xiềng xích của tội lỗi. Bây giờ chúng ta cùng tham khảo Ê-sai 53. Đây là một đoạn sách chép về một lời tiên tri quan trọng báo trước sự Giáng sinh của Cứu Chúa và Ngài sẽ chịu thống khổ đủ điều.
Thông điệp của đoạn Kinh Thánh nầy đã gây ngạc nhiên cho dân Do-thái, cho nên tiên tri Ê-sai đã phải tuyên bố: “Ai tin điều đã rao truyền cho chúng ta, và cánh tay Đức Giê-hô-va đã được tỏ ra cho ai?” (Ê-sai 53:1). Tiếp theo là phần mô tả sự hy sinh của Đấng Christ và lý do Ngài phải chịu chết (câu 3-6).
- Chân Lý Tiên Tri.
Các thư trong Tân ước vốn đầy dẫy những câu mà chúng ta chỉ có thể hiểu được khi chúng ta đọc Cựu ước. Sứ đồ Phao-lô tuyên bố rằng “Đấng Christ là Con sinh Lễ Vượt Qua” của chúng ta (1Cô-rinh-tô 5:7). Chúng ta chỉ có thể hiểu được điều nầy nếu chúng ta biết Đức Chúa Trời đã đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập như thế nào? (Xuất Ê-díp-tô Ký 12).
Trong 1Cô-rinh-tô 10:4, sứ đồ Phao-lô bảo rằng dân Y-sơ-ra-ên “uống một thứ uống thiêng liêng… (là) hòn đá thiêng liêng theo mình, và đá ấy tức là Đấng Christ”. Đối với những ai không biết việc Đức Chúa Trời đã cung cấp nước cho người Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng, thì những lời lẽ trên đây thật là lạ lùng (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:6).
Thư tín Hê-bơ-rơ luôn luôn nói về các sinh tế trong Cựu ước và sự hy sinh của Đấng Christ. Sách ấy mô tả thầy tế lễ thượng phẩm của Cựu ước, rồi đề cập đến thầy tế lễ thượng phẩm lớn, là Chúa Giê-xu Christ. Những điểm so sánh đó sẽ vô nghĩa nếu chúng ta chưa đọc sách Lê-vi Ký.
Các nhà thông thái đã đi tìm Ấu vương của dân Do-thái tại Giê-ru-sa-lem. Đó là địa điểm hợp lý. Cung điện của vua Hê-rốt vốn tọa lạc tại đây. Nhưng Mi-chê 5:2 dự ngôn rằng Đấng Mê-si sẽ ra đời tại Bết-lê-hem.
Chính Đấng Christ đã trích dẫn trực tiếp mười bốn sách của Cựu ước. Ngài dạy Ni-cô-đem (Giăng 3:14) hãy nhớ lại câu chuyện Môi-se và con rắn bằng đồng (Dân Số Ký 21:5-9). Ngài nói về bánh Ma-na và bảo với người Do-thái rằng Ngài là bánh từ trời xuống (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:1-22 và Giăng 6). Ngài đứng trong nhà hội tại Na-xa-rét và đọc sách Ê-sai (Ê-sai 61:1,2). Đọc xong rồi, Ngài phán: “Hôm nay, lời Kinh Thánh các ngươi vừa nghe đó (Cựu ước) đã được ứng nghiệm” (Lu-ca 4:21).
Phần lớn những lời tiên tri tìm thấy trong Cựu ước đã được ứng nghiệm rồi. Một số những lời tiên tri khác đang được ứng nghiệm và một số khác nữa sẽ ứng nghiệm khi Đấng Christ tái lâm.
- Được chép ra là để khuyên bảo chúng ta.
Ngoài việc dạy dỗ chúng ta, Kinh Thánh Cựu ước còn nhiệm vụ quan trọng hơn nữa là được dùng để khuyên bảo (bản nhuận chánh dùng động từ mạnh hơn là khuyên răn) chúng ta nữa (1Cô-rinh-tô 10:11). Một mục đích chủ yếu của năm sách đầu tiên trong Cựu ước là nhằm ghi khắc vào tâm trí người ta ấn tượng về sự thánh khiết và công nghĩa của Đức Chúa Trời. Lúc Môi-se thấy Đức Chúa Trời mở đường cho dân Y-sơ-ra-ên vượt biển đỏ, ông đã nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va! Trong vòng các thần, ai giống như Ngài? Trong sự thánh khiết, ai được vinh hiển như Ngài, đáng sợ, đáng khen, hay làm các phép lạ?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:11).
Môi-se được Chúa bảo hãy cởi giày ra vì đất chỗ người đứng là đất thánh, khi có Đức Chúa Trời hiện diện tại đó (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:5). Dân sự không dám đến gần núi Si-nai lúc Đức Chúa Trời ban luật pháp (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:5,24-25). Càng ý thức về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, chúng ta càng thấy rõ tội lỗi của chúng ta.
- Được chép ra là để công bố sự đoán phạt tội lỗi.
Cựu ước dạy chúng ta về tính cách đáng sợ của tội lỗi. Chỉ nhờ cái chết của con sinh tế, mà người ta mới có thể đến với Đức Chúa Trời để cầu xin Ngài tha tội. Lẽ dĩ nhiên là cảnh tượng khủng khiếp, mùi hôi tanh của con sinh tế khi được dâng lên, là điều không ai thích nhìn vào cả. Nhưng tội lỗi còn nguy hại hơn nhiều, cho nên Đức Chúa Trời muốn ghi khắc chân lý ấy vào tâm trí dân sự. Ngài đã chuẩn bị để họ nhận lấy sự tha tội bởi Chúa Giê-xu Christ, là của lễ hy sinh cho chúng ta.
Khi dân chúng thời Cựu ước không vâng lời Đức Chúa Trời, Ngài đã hình phạt họ, gương của họ là những lời cảnh cáo đối với chúng ta ngày nay. Khi chúng ta không vâng lời Đức Chúa Trời, thì sự thông công giữa Ngài với chúng ta bị gián đoạn. Chúng ta sẽ chịu khổ cho đến khi nào chúng ta đến với Ngài để xưng nhận tội của chúng ta ra, Ngài sẽ tẩy sạch và tha thứ cho chúng ta (1Giăng 1:9). Tuy nhiên, chúng ta phải thật sự ăn năn về tội ấy. Chúng ta không thể cứ tái phạm mãi được.
Khi nghiên cứu Cựu ước, chúng ta sẽ học hỏi rất nhiều về đời sống của nhiều người, và sẽ được cảnh cáo về những lỗi lầm của họ.
- Được chép ra cho chúng ta học hỏi.
Một lý do thúc đẩy chúng ta nghiên cứu Cựu ước là Đức Chúa Trời đã truyền dạy như vậy (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:1,6,17). Chúng ta phải vâng phục mọi mạng lệnh của Ngài. Chúng ta nghiên cứu Cựu ước để học hỏi về các mạng lệnh ấy để có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời trong mọi sự. Câu 24 dạy rằng sự vâng lời bao giờ cũng “được phước”.
Câu 6-9 dạy rằng chúng ta phải học hỏi các mạng lệnh của Chúa rồi dạy và nói lại các mạng lệnh ấy cho người khác nữa. Công việc này phải là những việc làm hằng ngày của chúng ta. Chúng ta sống để làm theo ý muốn Chúa. Ê-sai 34:16 chép: “Hãy tìm trong sách Đức Giê-hô-va và đọc lấy”. Các bạn phải dành thì giờ để đọc và nghiên cứu lời Đức Chúa Trời.
Đây là một thì giờ rất thuận tiện để các bạn tự nhìn vào đời sống của mình. Các bạn có thông suốt lời Đức Chúa Trời không? Lời nói, hành vi, cử chỉ của các bạn có được lời ấy kiểm soát không? Vua Đa-vít bảo rằng: “Phước cho người nào… vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (Thi Thiên 1:1,2).
- BÀI HỌC ÁP DỤNG.
Hãy suy nghĩ về tất cả những lời hứa kỳ diệu cho nếp sống hằng ngày mà Đức Chúa Trời đã nêu ra trong Cựu ước (Giô-suê 1:9; Giê-rê-mi 33:3…).
Lời của Đức Chúa Trời gồm Cựu ước và Tân ước hợp lại là sự mặc khải trọn vẹn. Nhờ đó, chúng ta có thể học hỏi được rằng tất cả từng trải trong đời ta đều được Đức Chúa Trời xem là quan trọng. Chúng ta cần được toàn bộ Kinh Thánh dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị và huấn luyện để sống như Chúa muốn (2Ti-mô-thê 3:16).
Đức Thánh Linh giúp chúng ta lãnh hội các chân lý của Kinh Thánh. Ngài dùng lời Kinh Thánh để đưa chúng ta đối diện với những yếu đuối, tội lỗi và những cách sống mà Ngài muốn chúng ta phải thay đổi.
Hãy dành thì giờ mỗi ngày để nghiên cứu và suy gẫm lời Đức Chúa Trời. Hãy cầu xin Đức Thánh Linh dạy dỗ các bạn mỗi ngày. Trước khi ra đi làm công việc hằng ngày, đừng gạt lời Kinh Thánh ra khỏi tâm trí bạn. Hãy để cho lời Đức Chúa Trời sống trong tư tưởng, trong các hành vi cử chỉ của các bạn suốt ngày.
III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.
- Hãy kể ra ba lý do khiến chúng ta phải nghiên cứu Cựu ước?
- Các bạn học được những bài học gì trong Cựu ước?