CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 17.01.2021
By Lee Vi in PHỤ NỮ on 13 Tháng Một, 2021
Chúa nhật 17.01.2021
1. Đề tài: KHÍCH LỆ LẪN NHAU.
2. Kinh Thánh: Phi-líp 1:18-30.
3. Câu gốc: “Vì tôi biết rằng nhờ anh em cầu nguyện, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Giê-xu Christ giúp đỡ, thì điều này sẽ trở làm ích cho sự rỗi tôi” (Phi-líp 1:19).
4. Đố Kinh Thánh: Giô-suê 19-21.
5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
- Tài liệu: Ủy viên Linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
- Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:
– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).
– Câu hỏi giải thích (tìm sự dạy dỗ của lời Chúa).
– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
Dưới đây là một số câu hỏi đề nghị, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo:
Đọc Phi-líp 1:18-20
(1.1) Phao-lô đã nói gì khi thấy có người khác rao giảng lời Chúa?
(1.2) Hành động của Phao-lô tỏ cho chúng ta thấy ông là con người như thế nào?
(1.3) Bạn học được gì qua đời sống của Phao-lô khi có người khác cũng rao giảng về Chúa?
(2.1) Dầu bị lao tù nhưng tinh thần của Phao-lô như thế nào?
(2.2) Bởi sự lạc quan của ông thì đã giúp gì cho Hội Thánh Chúa?
(2.3) Bạn học được gì qua tinh thần của Phao-lô khi ông để lòng trông cậy nơi Ngài?
Phi-líp 1:27-30.
(3.1) Phao-lô kêu gọi các tín hữu Phi-líp điều gì?
(3.2) Theo bạn, sống xứng đáng cho Tin Lành là sống như thế nào? Nêu một vài cách sống xứng đáng?
(3.3) Theo Chúa có phải là tìm cầu sự sung sướng vật chất đời này? Chúng ta còn phải chấp nhận điều gì? Chấp nhận như thế nào?
- Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
- Thời gian học Kinh Thánh nhóm:
- 5 phút giải thích và chia nhóm.
- 20 phút học Kinh Thánh.
- 10 phút tường trình.
- 5 phút đúc kết.
- Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền. Giải thích phương pháp học. Đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên dễ thảo luận.
- Chia nhóm: Chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 3-6 người.
- Vị trí: Ủy viên Linh vụ chỉ định chỗ học cho các nhóm.
- Bài học: Giao tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho mỗi nhóm.
- Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Mỗi nhóm có thể cử người làm trưởng nhóm và thư ký nhóm (nếu chưa có). Trưởng nhóm hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính trong giờ học Kinh Thánh và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
- Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, Ủy viên Linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Khích lệ anh em bằng cách cầu nguyện cho họ, tìm kiếm sự tăng trưởng thuộc linh, hướng dẫn đời sống bằng Tin Lành của Chúa, giúp họ đứng vững trong Chúa.
Một người cha bị mù, nhưng luôn luôn có mặt trong các buổi tập đá banh của con trai tại trường. Ông luôn hò hét cổ vũ con một cách nồng nhiệt như thể cậu con đang chơi rất tốt vậy – dù cậu chơi dở và không được vào đội của trường. Một hôm, huấn luyện viên nghe tin cha của cậu qua đời nên đến chia buồn với cậu. Cậu xin một đặc ân là được phép vào chơi cho đội trong trận cầu sau. Hôm ấy cậu chơi rất xuất sắc, góp phần đem lại sự thắng lợi cho trường. Huấn luyện viên đến chúc mừng cậu và hỏi cậu lý do? Cậu trả lời: Bao nhiêu năm qua cha tôi luôn có mặt ở đây để khích lệ tôi mà tôi không thể chơi tốt hơn để ông được vui. Dù ông đã qua đời, nhưng tôi tin rằng ông luôn có mặt với tôi trong tất cả các trận đấu và sẽ rất vui mừng nếu thấy tôi thành công.
Sự khích lệ là một việc làm rất cần thiết để nâng đỡ người khác. Đây là điều mà chúng ta sẽ học chung với nhau hôm nay.
- CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI KHÁC (Phi-líp 1:18-20).
Một trong những cách khích lệ người khác hữu hiệu nhất là cầu nguyện cho họ. Phao-lô nói rằng ông rất cần sự cầu nguyện của các tín hữu Phi-líp và chính sự cầu nguyện đó đã nâng đỡ chức vụ ông. Phao-lô đã có một thái độ bao dung. Ông biết có một số người đang giảng đạo nhằm gây danh tiếng cho riêng họ, lợi dụng việc Phao-lô bị cầm tù để tự làm cho mình nổi tiếng, nhưng bất chấp động cơ của các nhà giảng đạo ấy, Phao-lô vui mừng vì Phúc Âm được truyền giảng.
Trong c.17, Phao-lô nói rằng có một số người đã rao giảng lời Chúa cách không ngay thật, tưởng sẽ làm cho ông đau khổ, nhưng qua đến c.18 ông nói thêm rằng ông không đau khổ vì dù họ có rao giảng thế nào thì danh Chúa cũng được rao truyền và qua c.19 Phao-lô nhấn mạnh: Nhờ anh em cầu nguyện, thì việc ông bị bắt bớ trở nên ích lợi cho ông.
Phao-lô có ít nhất hai lần kêu gọi các tín hữu hãy cầu nguyện cho ông (Ê-phê-sô 6:19, Phi-líp 1:19).
Một vị giáo sĩ người Mỹ đã làm chứng lại rằng khi ông tình nguyện dâng mình đi truyền giáo tại một quốc gia nghèo khổ ở Phi Châu, Hội Thánh hứa sẽ cầu nguyện cho chức vụ của ông trong giờ thờ phượng mỗi Chúa Nhật. Trong hai năm hầu việc Chúa đầy khó khăn, gian khổ và ngã lòng, nhiều lúc ông cảm thấy nghi ngờ về những lời mà Hội Thánh hứa cầu nguyện cho mình. Một ngày kia, ông bí mật tìm cách trở về Hội Thánh cũ và cải trang thành một người khác. Ông đến trễ hơn mọi người, và ngồi vào hàng ghế cuối cùng để không ai nhận ra mình. Hội Thánh thờ phượng Chúa một cách vui vẻ, nhưng đến giờ cầu nguyện, họ cầu nguyện cho nhiều vấn đề trong Hội Thánh, cho những tín hữu đau yếu, cho những nhu cầu khác, và không có một lời nào nhắc đến ông. Sau khi giảng xong, Mục sư mời một người cầu nguyện, lập tức ông giáo sĩ đứng lên cầu nguyện thì lúc đó mọi người mới nhận ra ông. Lời cầu nguyện của ông tuy giản dị nhưng sâu sắc, hàm chứa một nỗi đau bị lãng quên. Và lời cầu nguyện đó đã thức tỉnh nhiều người, kể cả vị Mục sư quản nhiệm. Họ thú nhận rằng họ đã quên và không giữ lời hứa cầu nguyện cho ông trong nhiều năm tháng sau khi ông đi. Họ bày tỏ sự ăn năn và sau đó tái xác quyết lời hứa cầu thay cho ông. Vị giáo sĩ lại ra đi và lần này chức vụ của ông thành công, ông được Chúa ban phước. Qua đời sống của ông đã mang lại nhiều phước hạnh cho vùng đất nghèo khổ.
Có bao giờ chúng ta hứa cầu thay cho người khác chưa và chúng ta có trung tín với lời hứa ấy không?
- TÌM SỰ TỐT NHẤT CHO NGƯỜI KHÁC (21-26).
Chúng ta biết rằng Phao-lô viết bức thư này khi đang ở trong tù. Hãy tưởng tượng những nhọc nhằn mà ông phải gánh chịu khi ở trong tù, chân tay bị xiềng xích, mọi di chuyển đi lại hạn chế, khó khăn và đau đớn. Không chỉ về thể xác, tâm hồn của ông cũng hao mòn. Phao-lô cũng chỉ là một con người giới hạn, chắc rằng có nhiều lúc ông đã cảm thấy rất mệt mỏi và không thể chịu đựng thêm nữa, cho nên ông đã cầu nguyện với Chúa: “Chúa ơi con cảm thấy mệt mỏi quá, xin cho con về với Ngài, con không muốn sống trong cảnh tù đày gian khổ này nữa”. Đối với ông lúc đó việc rời bỏ trần gian này để trở về bên chân Chúa là điều tốt hơn. Ông tưởng tượng đến ngày ông được mặt đối mặt với Chúa Giê-xu yêu mến, Ngài sẽ lau ráo những giọt nước mắt cay đắng cho ông, chữa lành những vết thương về thể xác và xoa dịu linh hồn đớn đau của ông, đưa ông vào sự yên nghỉ ngàn đời. Thật là tuyệt vời biết bao.
Nhưng trong c.24, Phao-lô lại viết: “nhưng tôi cứ ở trong xác thịt, ấy là sự cần hơn cho anh em”, ông nói tiếp: “tôi biết rằng tôi sẽ cứ còn lại và ở với hết thảy anh em, để giúp đức tin anh em được tấn tới và vui vẻ”. Còn lời nào vĩ đại hơn từ một con người? Đây là những lời Phao-lô muốn nói: “Anh em có thấy tôi bị đày đọa, cực khổ quá không? Tôi muốn được về ở với Chúa để thể xác và linh hồn được yên nghỉ, điều đó tốt hơn cho tôi, nhưng nếu sự sống của tôi trên trần gian này còn có thể đem lại ích lợi và giúp đỡ cho đức tin anh em, thì tôi sẽ ở lại, dù biết rằng sẽ chịu thêm nhiều đau khổ nữa”.
Giăng 15:13 viết: “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình”. Phao-lô đã thể hiện hoàn toàn ý nghĩa của câu Kinh Thánh vĩ đại này. Chúng ta có thể yêu thương anh em mình trong Chúa và sẵn sàng hy sinh chính mình để đem lại ích lợi thuộc linh cho họ như thế nào?
III. SỐNG XỨNG ĐÁNG VỚI TIN LÀNH (Phi-líp 1:27).
Có thể thấy từ đầu bức thư cho đến bây giờ, Phao-lô đã đem chính cuộc sống của ông ra để làm một ví dụ cụ thể. Và bây giờ ông nói với các tín hữu Phi-líp: “anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với đạo Tin Lành của Đấng Christ”.
Phao-lô dùng một từ rất cụ thể để mô tả điều quan trọng này, chữ politeuesthai có nghĩa là trở nên một công dân (từ Hy-lạp politèe là công dân). Nếu chúng ta đặt chữ này vào thay thế chữ xứng đáng trong câu trên thì sẽ có câu: “dù thế nào anh em cũng phải ăn ở giống như một công dân với đạo Tin Lành của Đấng Christ”.
Vào thời kỳ đó, La-mã là một đế quốc có nhiều thuộc địa, và Phi-líp là một trong những thuộc địa của La-mã, những công dân La-mã được gửi đến hoặc đi đến sống ở những thuộc địa đó, có khi là những thuộc địa rất xa nhưng họ không bao giờ quên họ là công dân La-mã, họ nói tiếng La-mã, mặc y phục La-mã và sống theo cung cách sống, truyền thống La-mã. Dù bất cứ điều gì xảy ra, họ vẫn hãnh diện là một công dân La-mã, mang quốc tịch La-mã. Có một thời gian khoảng gần 2000 năm dân Do Thái bị mất nước, lưu lạc khắp nơi trên thế giới, nhưng bất cứ nơi nào họ đến để tạm trú, họ tụ tập lại thành từng khu vực, có trường học, có chợ búa, có đền thờ riêng, họ cố gắng bằng đủ mọi cách để tồn tại, giữ vững truyền thống Do Thái ngay trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất (thời kỳ Hitler tàn sát Do Thái).
Phao-lô dùng chữ này để nhắc nhở các tín hữu Phi-líp một điều quan trọng: Những công dân La-mã còn có thể sống xứng đáng với quốc tịch của họ, chúng ta là những công dân thiên quốc, có quốc tịch thiên đàng cao quý bội phần hơn, chúng ta sống như thế nào xứng đáng với địa vị đó?
- ĐỨNG VỮNG TRÊN TIN LÀNH (Phi-líp 1:27-30).
Điều mà Phao-lô mong đợi các tín hữu Phi-líp sống xứng đáng với đạo Tin Lành của Đấng Christ là: “để hoặc khi đến thăm anh em, hoặc khi vắng mặt, tôi cũng biết rằng anh em một lòng đứng vững”.
Để biết một thân cây có đứng vững hay không cần phải có một cơn gió, nhiều cơn gió hoặc ngay cả một cơn bão để thử nghiệm nó. Trong bất cứ thời kỳ nào chân lý của Tin Lành cũng bị tấn công dưới nhiều hình thức khác nhau, cụ thể là trong thời kỳ Phao-lô viết bức thư này cho Hội Thánh Phi-líp, nhiều người đã đi vào Hội Thánh giảng dạy những điều sai lạc, lung lạc và có khi làm mất đức tin của một số người, gieo hoang mang lo lắng trong vòng Hội Thánh. Thời kỳ này cũng là thời kỳ bạo chúa Nero cai trị đế quốc La-mã và gieo rắc kinh hoàng cho Cơ Đốc nhân trong toàn đế quốc, họ bị bắt, bị giết bằng nhiều cách dã man tàn bạo không kể xiết, sự nguy hiểm đã làm cho một số Cơ Đốc nhân sợ hãi lui đi trong đức tin, nhiều người đã công khai bỏ Chúa hoặc âm thầm chối Chúa. Nhưng rất nhiều người khác đã đứng vững, không có chỗ để thờ phượng cách công khai trên đất, họ lẩn trốn dưới những hầm mộ để thờ phượng (có một thời kỳ các Hội Thánh này được gọi là Hội Thánh hầm mộ), dùng những ký hiệu riêng (hình con cá) để nhận ra nhau trên các đường phố, nơi công cộng, khi bị bắt họ vẫn can đảm tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-xu cách công khai dù sau đó bị treo lên những cây thập tự tưới xăng để đốt hoặc quăng vào các đấu trường cho thú dữ xé xác. Tại sao họ có thể đứng vững cách diệu kỳ như vậy?
Phao-lô nhấn mạnh ở c.29 “không những tin Đấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa”. Tìm kiếm và tìm được một báu vật không phải là điều dễ dàng, phải trả giá, nhiều khi là một giá rất đắt. Những Cơ Đốc nhân thời kỳ đó ý thức được rằng Chúa Giê-xu Christ là một báu vật vô giá, là một điều quý báu nhất trong đời sống họ, họ phải tìm kiếm Ngài và đoạt được Ngài bằng mọi giá, ngay cả khi phải đối diện với cái chết. Cái mà họ thấy chính là tấm gương chịu khổ của Ngài và chính sự chết của Ngài, ngay cả những tấm gương của các sứ đồ đã chấp nhận bỏ mình cho công việc Chúa. Họ biết rằng sự khổ sở mà họ đang chịu là một giá để mua cho được Đấng Christ. Chúa Giê-xu nói trong Mat 7:13-14: “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít”. Đó cũng là điều mà Cơ Đốc nhân ngày nay cần phải nhớ nhiều hơn hết, và giữa một thế gian đường khoảng khoát thênh thang với những cửa thật rộng với muôn vàn cám dỗ lúc nào cũng muốn thu hút chúng ta đi vào sự hư mất đời đời.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Để gà, vịt được mau mềm, có hai cách: Trước khi nấu, bạn nên ngâm thịt vào nước pha một ít giấm, khoảng 2 giờ, vớt ra để ráo rồi mới chế biến. Hoặc khi nấu cho thêm vào nồi một miếng thịt heo băm nhỏ.