Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DANH CHO BAN NAM GIỚI. 15.11.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DANH CHO BAN NAM GIỚI. 15.11.2020

By Lee Vi in NAM GIỚI on 9 Tháng Mười Một, 2020

Chúa nhật 15.11.2020

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ PHE ĐẢNG.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 3:1-11.
  3. Câu gốc: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có…” (Phi-líp 2:5).
  4. Đố Kinh Thánh: Phục truyền 29-31.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 09.08.2020).

* CÂU HỎI GỢI Ý.

(1.1) Hội Thánh Cô-rinh-tô đang ở trong tình trạng nào? Ai đã gây nên tình trạng đó?

(1.2) Nguyên nhân nào đưa Hội Thánh Cô-rinh-tô đến sự chia rẽ?

(1.3) Bạn nên có thái độ nào nếu Hội Thánh của bạn gặp phải tình trạng chia rẽ? Làm thế nào tránh được tình trạng đó?

(2.1) Có ít nhất bao nhiêu “phe nhóm” tại Hội Thánh Cô-rinh-tô? Xin cho biết tên của các nhóm đó? Theo bạn, nhóm nào đáng bị lên án nhất?

(2.2) Những người gây nên phe nhóm khác với Phao-lô đã hầu việc Chúa như thế nào? Người hầu việc Chúa cần biết những nguyên tắc căn bản nào?

(2.3) Bạn có cảm thấy khó chịu khi người khác hầu việc Chúa kết quả hơn mình không? Vì sao như thế? Cách cư xử của bạn đem lại sự hiệp nhất hay phân rẽ? Chứng minh.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Trong sự mở rộng nước trời, Hội Thánh phải đương đầu với hai thách thức lớn: Sự phá hại của quyền lực Sa-tan bên ngoài, và sự quấy phá của các tiên tri giả bên trong, gây chia rẽ, cạnh tranh giữa vòng tín hữu, làm ngăn trở sự phát triển của Hội Thánh. Sứ đồ Phao-lô đã đối phó với sự chia phe đảng trong Hội Thánh, sự tranh cạnh, giẫm chân giữa những người bạn đồng lao. Đây là những điều chúng ta thường gặp trong sự hầu việc Chúa.

A. VẤN ĐỀ CỦA SỨ ĐỒ PHAO-LÔ.  

  1. Sự chia rẽ trong Hội Thánh.

Một trong những thách thức lớn nhất trong chức vụ Phao-lô là sự chống đối. Không phải chỉ có kẻ chống đối bên ngoài, nhưng nguy hiểm là kẻ đồng lao bên trong. Phao-lô không nêu đích danh những kẻ ấy, nhưng theo 2Cô-rinh-tô 11:22-23, chúng ta có thể biết kẻ chống đối là đồng bào Do-thái của Phao-lô, và cũng hầu việc Chúa như Phao-lô. Họ hầu việc Chúa khác với Phao-lô trong hai điểm: Hầu việc Chúa theo ý riêng và với sự khôn ngoan của xác thịt – Phao-lô hầu việc với tài năng, ân tứ của Thánh Linh và theo ý muốn của Đức Chúa Trời (2Cô-rinh-tô 3:5-6). Họ giảng một Tin lành khác, tức là Tin Lành theo khôn ngoan của loài người; còn Phao-lô giảng Tin lành về thập tự giá của Chúa Giê-xu, là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin mà người đời cho đó là sự rồ dại (1Cô-rinh-tô 1:22-24; 2:1-4; Rô-ma 1:16). Dầu xưng mình là kẻ hầu việc Chúa, nhưng thật ra họ chỉ làm điều họ ưa thích mà thôi (Rô-ma 16:18).

Qua chức vụ của Phao-lô, Hội Thánh Cô-rinh-tô được thành lập. Sau thời gian gây dựng Hội Thánh, Phao-lô tiếp tục công việc Chúa ở nơi khác. Trong lúc đó, những kẻ nầy đến Hội Thánh Cô-rinh-tô rao giảng “Tin Lành” của họ, làm đảo lộn niềm tin của các tín hữu là những người đã được sứ đồ Phao-lô hướng dẫn trên Lời của Đức Chúa Trời. Rốt lại, họ đưa Hội Thánh đến sự chia rẽ. Số tín hữu chuộng tri thức xưng mình là môn đồ của A-bô-lô; số tín hữu trung thành với sự giảng dạy của Phao-lô, xưng mình là của Phao-lô. Lại có số người ra vẻ thiêng liêng tự xưng mình là của Đấng Christ. Mỗi nhóm hầu việc Chúa theo cách riêng của mình, với sự tranh cạnh, cãi lẫy, ganh ghét lẫn nhau, khiến Hội Thánh Cô-rinh-tô rơi vào tình trạng xáo trộn vô cùng buồn thảm (1Cô-rinh-tô 3:5-6).

  1. Sự đáp ứng vấn đề.

Theo 1Cô-rinh-tô 3:1-3,18 cho biết ít nhất hai nguyên nhân gây nên sự bè phái trong vòng các tín hữu Cô-rinh-tô:

  1. Sống theo bản tánh xác thịt.
  2. Cho mình là người khôn ngoan.

Hai điểm nầy là dấu hiệu của người tin Chúa còn ở trong tình trạng con đỏ thuộc linh. Cho nên, trong sự hầu việc Chúa, dù người có học rộng tài cao, nhưng còn sống theo xác thịt thì chỉ đem lại sự chia rẽ, tranh cạnh nhau, phá hại việc nhà Chúa thay vì gây dựng công việc Ngài.

Trước vấn đề bè phái, Phao-lô dạy tín hữu học biết ba nguyên tắc căn bản trong sự hầu việc Chúa như sau:

(1) Hầu việc trong sự đồng công (1Cô-rinh-tô 3:6-7).

 Làm việc của đời có tính cách đảng phái, đả phá, công kích lẫn nhau. Nhưng những người cùng phục vụ Chúa là những bạn đồng công với nhau. Trong khi các tín hữu Cô-rinh-tô lầm tưởng Phao-lô và A-bô-lô là hai đối thủ, Phao-lô đã làm sáng tỏ cho họ thấy cả hai đều là bạn đồng công. Mặc dầu trong sự mở rộng vương quốc của Đấng Christ, Phao-lô làm công việc của người trồng cây, tức việc rao giảng; A-bô-lô làm công việc tưới cây, tức việc dạy dỗ gây dựng đức tin, nhưng cả hai công việc đều bổ túc nhau và có cùng mục đích chung mà kết quả cuối cùng thuộc quyền Đức Chúa Trời. Như vậy, trong sự đồng công hầu việc Chúa có sự khiêm nhường nâng đỡ nhau, thay vì khoe mình, chia rẽ.

(2) Hầu việc trong sự hiệp nhất.

Phao-lô dùng hình ảnh thân thể để mô tả mối liên hệ của các tín hữu với nhau và với Đấng Christ (Rô-ma 12:4-5). Phao-lô cũng dùng hình ảnh xây nhà để mỗi chi thể tín hữu nhìn biết sự cần thiết hiệp nhất với nhau trong công việc Chúa (1Cô-rinh-tô 3:9-12). Trong sự xây nhà Chúa, Phao-lô ví ông như người thợ dựng nền, còn các tín hữu khác như kẻ cất nhà. Tất cả đều cùng ở trong ban hầu việc, mà Đức Chúa Trời là Chủ. Mặc dầu mỗi người có phần việc khác nhau theo ân tứ Thánh Linh ban cho, nhưng với mục đích duy nhất là gây dựng Hội Thánh Đấng Christ (Rô-ma 12:6-8). Cho nên tiến đến mục đích ấy không phải là việc của vài cá nhân riêng lẻ, nhưng là việc do sự đồng công của toàn ban. Vì thế, bè phái hoặc dùng sự khôn ngoan theo xác thịt để xây dựng nhà Chúa là điều trái nguyên tắc hiệp nhất trong sự hầu việc Chúa.

(3) Hầu việc trong chỗ Chúa gọi.

Trong sự hầu việc Chúa, Phao-lô đã đặt cho mình qui tắc nầy: Không vượt quá giới hạn của mình, nhưng ở trong chỗ Chúa chỉ định và với khải tượng vỡ đất mới, để tránh giẫm chân trên công việc của bạn đồng công (2Cô-rinh-tô 10:13-17).

  1. TỪ VẤN ĐỀ CỦA PHAO-LÔ ĐẾN BÀI HỌC CHO CHÚNG TA.
  2. Làm thế nào để giữ mình khỏi phe phái trong công việc Chúa? Một điều nhắc nhở chúng ta là trong sự hầu việc Chúa chắc không tránh khỏi những kẻ gây rối, gieo rắc sự chia rẽ như Phao-lô đã gặp. Vì vậy, chúng ta cần học ba nguyên tắc hầu việc Chúa nêu trên và áp dụng cho chính mình.
  3. Nếu ở trong tình trạng Hội Thánh bị chia rẽ, chúng ta nên có thái độ nào? Hãy nhờ ơn Chúa, với lòng yêu thương và sự ngay thẳng mà khuyên bảo anh em trong Lời Chúa, hầu nhờ đó được lớn lên trong sự nhận biết Chúa, và sống theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, dứt bỏ mọi việc làm theo xác thịt.
  4. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  5. Kẻ chống đối sứ đồ Phao-lô là ai? Sự hầu việc Chúa của họ khác Phao-lô như thế nào? (1Cô-rinh-tô 2:1-2; 2Cô-rinh-tô 3:5-6; 10:18; 11: 4,22-23).
  6. Kẻ chống đối nầy gây rắc rối gì đối với chức vụ sứ đồ của Phao-lô và Hội Thánh tại Cô-rinh-tô? (1Cô-rinh-tô 3:1-5; 11:4).
  7. Tìm hiểu nguyên nhân của những vấn đề trên? (1Cô-rinh-tô 3:1-3,18).
  8. Những nguyên tắc nào cần thiết cho người hầu việc Chúa? (1Cô-rinh-tô 3:6-7,9-14; 2Cô-rinh-tô 3:14-17).
  9. Trong công việc Chúa, bạn là người đem sự hiệp nhất hay gây chia rẽ? Bằng chứng.

Post CommentLeave a reply