CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 11.10.2020
By Lee Vi in NAM GIỚI on 5 Tháng Mười, 2020
Chúa nhật 11.10.2020.
- Đề tài: CHÚA NHẬT THANH THIẾU NIÊN TIN LÀNH.
- Kinh Thánh: Sáng 26:12-33; 24:1-26:33, Thi thiên 119:9.
- Câu gốc: “Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận theo Lời Chúa” (Thi thiên 119:9).
- Đố Kinh Thánh: (Theo chủ đề).
- Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 12.07.2020).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Là các Thanh Thiếu niên Cơ Đốc, chúng ta phải có một đời sống như thế nào để làm vinh hiển Danh Chúa và là gương sáng cho mọi người xung quanh như Lời Chúa dạy: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi, nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ” (1Ti-mô-thê 4:12). Trong Kinh Thánh có rất nhiều tấm gương còn trong độ tuổi thiếu niên nhưng hết lòng vâng phục và yêu mến Chúa. Điển hình như Y-sác được xem là một vị anh hùng trong đời sống thuận phục và nhu mì. Chúng ta hãy cùng tham khảo để rút ra bài học cho đời sống của chính mình mỗi ngày đồng bước đi với Chúa.
Y-SÁC VỊ ANH HÙNG THUẬN PHỤC, NHU MÌ.
- Giới thiệu.
Y-sác, người con của “Lời hứa và phép lạ” mà Áp-ra-ham nhận từ Đức Chúa Trời. Tên Y-sác có nghĩa là “cười” hoặc “người cười”. Khi được báo tin về sự ra đời của Y-sác, Áp-ra-ham đã cười, và sau đó chính Sa-ra cũng đã cười vì nghĩ rằng mình đã quá tuổi sinh con (Sáng 18:12-15). Vào lúc Y-sác ra đời, Áp-ra-ham đã được 100 tuổi, Sa-ra công nhận rằng Đức Chúa Trời đã làm cho bà một việc vui cười (Sáng 21:6).
Kinh Thánh giới thiệu Y-sác trong hình ảnh một cậu thiếu nhi thuận phục cha dâng mình làm của lễ thiêu cho Đức Chúa Trời, một thanh niên thuận phục cha chọn người bạn trăm năm mà mình không hề biết, người nhu mì trong cách xử thế với mọi người.
Mặc dầu không nổi bật như cha, nhưng Y-sác là người quan trọng, nối tiếp Áp-ra-ham, nhận lấy lời hứa của Đức Chúa Trời về dòng dõi và sản nghiệp xứ Ca-na-an. Y-sác sống thỏa lòng, thuận phục cha, nhường nhịn mọi người. Đến nỗi Gia-cốp, công nhận: “Những năm tôi sống ở đời phiêu lưu hết thảy là một trăm ba mươi năm; các năm của đời tôi lấy làm ngắn ngủi và lại nhọc nhằn, chẳng bằng những năm bình sanh của tổ phụ tôi khi người ở phiêu lưu đó” (Sáng 47:9).
Trong Tân Ước sự ra đời của Y-sác, con trai của lời hứa được đề cập trong (Rô-ma 4:16-21; 9:7-9), sự kiện Y-sác bị cha dâng làm của lễ thiêu được nhắc lại trong (Hê-bơ-rơ 11:17-19, Gia-cơ 2:21-23). Cha của Ê-sau và Gia-cốp được nói đến trong (Rô-ma 9:10-13) việc Y-sác chúc phước cho hai con trai này được đề cập trong (Hê-bơ-rơ 11:20) như bằng chứng về đức tin của ông.
- Suy gẫm.
- Đời Sống Tin Kính Chúa Của Y-sác.
Ba đặc điểm nổi bật của đời sống Y-sác: Sự ra đời. Thuận phục. Hôn nhân. Sự ra đời và hôn nhân Y-sác là hạt giống mà qua ông dòng dõi của lời hứa sẽ được tiếp tục. Áp-ra-ham đã chịu thử thách rất nhiều trước lời hứa về một dòng dõi này, và giờ đây khi ông sắp qua đời, thì dòng dõi đó đã xuất hiện. Như vậy, chúng ta thấy Đức Chúa Trời thực hiện chương trình của Ngài để làm trọn lời hứa Ngài, dù đối với con người thì những lời hứa đó dường như không thể được.
Trong sự tin kính Chúa của Y-sác chúng ta thấy 2 giai đoạn nổi bật:
- Thuận phục cha trong tuổi thiếu nhi (Sáng 22:9-10). Đức Chúa Trời thấy tấm lòng vâng lời, thuận phục của Y-sác, nên Ngài đã can thiệp, và dành sẵn một con chiên đực để làm của lễ. Nếu Y-sác không vâng lời, Đức Chúa Trời vẫn thực hiện chương trình của Ngài, nhưng sự thuận phục của Y-sác là tấm gương sáng cho tuyển dân Chúa và chúng ta.
- Thuận phục Chúa trong tuổi trưởng thành (hôn nhân):
Rê-bê-ca son sẻ trong 20 năm sau đó. Sự son sẻ của Rê-bê-ca khiến Y-sác phải khẩn nài Đức Giê-hô-va, và im lặng chờ đợi cho đến khi Rê-bê-ca được cho biết là có hai con trẻ đang đánh nhau trong bụng nàng (Sáng 25:22-26).
Còn các bạn có chọn người yêu, người bạn đời của mình chưa? Người các bạn chọn có phải là ý Chúa không?
Việc Rê-bê-ca son sẻ trong 20 năm, một lần nữa chúng ta thấy rằng dòng dõi được hứa đó không chỉ đến qua phương cách tự nhiên của con người mà qua quyền năng sáng tạo siêu nhiên của Đức Chúa Trời.
- Cách xử thế hòa bình của Y-sác (Sáng 26:12-33).
- Đối với gia đình:
Giữa Y-sác và Rê-bê-ca có một sự đối lập, nguyên nhân là do những việc làm của Gia-cốp. Gia-cốp cùng mẹ lừa Y-sác dâng bàn ăn (thịt rừng) cho cha. Nếu một người cha bình thường khác, có lẽ đã la rầy vợ, nhưng Y-sác vì bản tánh nhu mì và biết Gia-cốp là đứa được Đức Chúa trời chọn lựa, nên ông vẫn im lặng nói lời tiên tri chân thành với Ê-sau, đứa con ông yêu thương.
- Với những người chung quanh:
Khi Y-sác ở lại Ghê-ra, Đức Chúa Trời làm cho Y-sác trở nên hưng thạnh, khiến người Phi-li-tin ghen ghét, rồi tìm cách gây sự. Trước hết họ lấp mấy cái giếng trước kia Áp-ra-ham đã đào. Kế đến, A-bi-mê-léc, vua Phi-li-tin nói thẳng với Y-sác: “Hãy ra khỏi nơi Ta, vì ngươi thạnh vượng hơn chúng ta bội phần” (c.16). Với những kẻ khiêu khích ấy, Y-sác đáp lại bằng thái độ im lặng rút lui. Y-sác rời thành Ghê-ra đến đóng trại trong trũng Ghê-ra. Với lòng tin cậy Chúa và làm điều lành, không lấy ác trả ác, nên Y-sác càng được Đức Chúa Trời ban phước đến nỗi vua Phi-li-tin nhìn biết rõ điều ấy, cuối cùng phải đến xin lập ước hòa bình với Y-sác. Hòa ước này có thể xem là một chiến thắng của Y-sác trong cách xử thế hòa bình đối với kẻ hay gây hấn.
III. Ứng Dụng Cho Đời Sống.
Y-sác đã sống một cuộc sống đầy đủ và sung mãn với tấm gương sáng chói về phép xử thế hòa bình, nhường nhịn, thuận phục. Vì vậy, buổi cuối cùng của Y-sác được Kinh Thánh ghi chép như sau: “Người tuổi cao tác lớn, thỏa mãn về đời mình” (Sáng 35:29). Những giếng Y-sác đào là những giếng có mạch nước tốt, đem lại sự thạnh vượng cho ông và người chung quanh. Giếng có thể chỉ về đời sống thuộc linh của chúng ta. Trong Giăng 4:14, Chúa Giê-xu hứa rằng kẻ nào tin Ngài thì Ngài sẽ ban Nước Hằng Sống chảy vào lòng và sẽ trở thành mạch Nước Sống văng ra cho đến sự sống đời đời. Đời sống chúng ta hôm nay như cái giếng khô cạn, bị lấp lại bởi lòng ghen ghét và tính ích kỷ, hay như giếng tràn đầy nước nhu mì, thuận phục đem niềm vui và phước hạnh cho mọi người? Sự nhu mì, thuận phục chịu thua thiệt của vị anh hùng Y-sác, có thể bị người khác cho là ngu dại, nhưng qua đó chúng ta thấy thua, hay ngu dại theo cách nhìn của người đời đôi khi là chiến thắng trong cái nhìn thuộc linh. Vì thế, sự nhân nhượng của người hòa bình không phải bước lùi, mà là bước tiến chinh phục kẻ gây hấn, người anh hùng không phải lúc nào cũng thắng người khác bằng sự tấn công và sức mạnh, mà ngay cả sự nhịn nhục, nhân từ.
* CÂU HỎI THẢO LUẬN.
- Ba đặc điểm nổi bật của đời sống Y-sác là gì?
- Tuổi thiếu nhi Y-sác đã thuận phục cha và Đức Chúa Trời như thế nào?
- Y sác thuận phục trong hôn nhân như thế nào?
- Cách xử thế của Y-sác với gia đình và những người chung quanh ra sao?
- Bạn học được điều gì từ đời sống của Y-sác?