
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 16.02.2025
By Mai Hdenayun in NAM GIỚI on 11 Tháng Hai, 2025
Chúa nhật 16.02.2025
- Đề tài: VẤN ĐỀ CÚNG GIỖ.
- Kinh Thánh: Xuất 20:12; Ê-phê-sô 6:1-3; 1Ti 5:4-8.
- Câu gốc: “Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất 20:3).
- Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 25-27.
- Thể loại: Giải đáp thắc mắc.
* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.
- Thông báo đề tài “Vấn Đề Cúng Giỗ” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ.
- Ủy viên linh vụ mời người có kinh nghiệm thuộc linh và hiểu biết giáo lý giải đáp thắc mắc.
- Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau mỗi câu trả lời, cần dành ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
- Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- NGƯỜI CƠ ĐỐC VIỆT NAM VỚI SỰ CÚNG GIỖ ÔNG BÀ.
Chữ cúng có nghĩa là dâng lên thức ăn hay lễ vật trong hình thức nhang đèn để tiếp xúc với người trong cõi vô hình. Còn giỗ là ngày kỷ niệm của người chết. Trong sự thờ cúng ông bà, ngày giỗ là ngày cúng tế rất linh đình! Chẳng những để bày tỏ lòng hiếu thảo, nhưng cũng để ông bà vui lòng phù hộ con cháu!
Đặt niềm tin nơi Kinh Thánh, người Cơ Đốc không thể chấp nhận, hay dung hòa sự thờ cúng tổ tiên trong bất cứ hình thức nào, vì những lý do sau đây:
- Loài người chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời.
Dùng câu “Cây có cội, nước có nguồn” để chỉ về tổ tiên là sai. Tổ tiên không phải là nguồn gốc để thờ lạy. Trong bài vị thờ tổ tiên chỉ ghi đến năm đời hay nhiều lắm là mười đời mà thôi (Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Hiển). Nếu quá năm đời thì phải xóa bớt. Như vậy, thờ tổ tiên với sự xóa bớt dần thì đâu phải là nguồn gốc! Chỉ có Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của loài người mới là nguồn gốc thật cho mọi người tôn thờ. Trong mười điều răn, Đức Chúa Trời đã qui định rõ bổn phận của con người là tôn thờ Đức Chúa Trời, nhưng hiếu kính cha mẹ. Nghĩa là Đức Chúa Trời phải ở ngôi vị trên hết, sự thờ phượng Ngài phải chiếm chỗ ưu tiên trong đời sống con người, không có bàn thờ nào khác chiếm chỗ của Chúa, hoặc đặt bên cạnh “bàn thờ” của Chúa (Xuất 20:1-11; Ma-thi-ơ 10:37). Nếu người Việt chúng ta đặt chữ hiếu làm đầu và cho việc không thờ cúng tổ tiên là bất hiếu, thì sự hiếu thảo trong việc thờ cúng tổ tiên, đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời và phạm tội bội nghịch Ngài, vong ơn Trời là tội lớn dường nào!
- Không có sự trở về của người chết, không có sự phù hộ của người chết.
Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, chúng ta biết rằng việc cúng giỗ cho người chết là điều vô ích, hoặc cầu nguyện cho người chết là điều sai lầm. Vì khi qua đời, người ta hoặc được lên thiên đàng hay đi địa ngục, không có cơ hội thứ hai, không có ngục luyện tội như một số người tưởng!
- VẤN ĐỀ ĂN ĐỒ CÚNG.
- Người Cơ Đốc có nên ăn đồ cúng không?
Với vấn đề đồ cúng, trong vòng tín hữu Cô-rinh-tô có người cho rằng thần tượng là hư không, nên ăn đồ cúng không có gì là sai! Trong sự giải đáp của Phao-lô, chúng ta phân biệt những điểm sau đây (1Cô 10:17-31).
- Không nên ăn đồ cúng – trường hợp biết đó là đồ cúng – vì thần tượng là hư không, nhưng phía sau thần tượng là ma quỉ. Như vậy không phải người ta cúng cho thần tượng mà cúng cho ma quỉ. Do đó người Cơ Đốc không thể vừa thông công với Chúa qua Tiệc Thánh, mà lại thông đồng với ma quỉ qua đồ cúng!
- Không nên ăn đồ cúng – trường hợp biết đó là đồ cúng – vì biết rằng thần tượng là hư không, nhưng ăn đồ cúng như thế là làm cớ gây vấp phạm cho anh em yếu đuối.
- Trường hợp đến nhà ai mời dùng bữa, thì đừng vì lương tâm đặt vấn đề đồ cúng hay không. Cứ ăn chớ nghi ngại chi! Nhưng nếu nghi ngại, hoặc vì lương tâm của người khác, tốt hơn là đừng ăn!
Tóm lại, Phao-lô đặt nguyên tắc này cho các tín hữu “… hoặc ăn hoặc uống… hãy vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (c.31). Như vậy con cái Chúa ngồi dự tiệc cúng giỗ có làm vinh hiển Danh Chúa không? Cho dù không ăn đồ cúng trên bàn thờ, thì đồ ăn nấu dọn cũng đã mang tên của bữa ăn cúng giỗ rồi!
- Vài câu hỏi về vấn đề cúng giỗ.
- Người Cơ Đốc không thờ cúng ông bà, nhưng có thể giữ ngày “giỗ”, tức là kỷ niệm ngày ông bà chết không? Sự kỷ niệm ngày qua đời của cha mẹ, để nhắc lại công ơn của cha mẹ và gương sáng về đức tin của ông bà cho con cháu là điều tốt. Nhưng nếu điều này trở thành thông lệ, thì đó là thông lệ chẳng được hay, vì có thể tạo gánh nặng cho người này người kia. Hơn nữa tạo cho chúng ta cảm giác như có liên hệ với người chết! Gương sáng của ông bà cho con cái có thể nhắc lại cho con cháu trong bất cứ lúc nào có dịp chớ đâu phải đợi đến kỷ niệm ngày chết!
- Trong bối cảnh của gia đình thờ phượng tổ tiên là cả một thách thức đức tin của người tin Chúa. Làm thế nào để đối xử với gia đình lên án chúng ta là con bất hiếu? Vài gợi ý sau đây:
– Hãy bày tỏ sự hiếu kính cha mẹ như Lời Chúa dạy.
– Hãy kiên nhẫn cầu nguyện cho cha mẹ sớm biết Chúa.
– Hãy giải thích cho cha mẹ biết lý do tại sao bạn không dự cúng giỗ.
– Biết rằng không có sự hiện diện của vong hồn tổ tiên, nhưng sự khấn vái trước bàn thờ gia tiên là điều trái niềm tin của mình.
Tóm lại, chúng ta cần đối xử với gia đình trong đường lối hòa bình, trường hợp không giải quyết được sự xung khắc, chúng ta buộc phải trả giá cho niềm tin của mình! Hoặc chúng ta phải chịu mất mát điều nào đó, hoặc đôi lúc phải “tạm rời” gia đình một lúc nào đó! Nếu chúng ta trung thành với Chúa giữ đức tin mình, vấn đề chắc sẽ được Chúa giải quyết cách tốt đẹp.
Tóm lược
- Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, hiếu kính cha mẹ có nghĩa là tôn kính cha mẹ và hiếu thảo với cha mẹ trọn lúc cha mẹ còn sống.
- Hai điều sai lầm trong sự thờ phượng tổ tiên là: (1) Tổ tiên không phải là nguồn cội để thờ, mà chính là Đức Chúa Trời. (2) Không có sự trở về của người chết.
- Hai lý do không nên ăn đồ cúng là: Để không thông đồng với ma quỉ và để không làm cớ gây vấp phạm cho anh em yếu đuối.
CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.
- Xin tìm hiểu:
- Ý nghĩa của chữ giỗ và cúng?
- Trong sự thờ phụng ông bà của người Việt, tại sao phải có sự cúng giỗ?
- Có phải thờ cúng tổ tiên mới là hiếu thảo không?
- Tìm hiểu ý nghĩa khác nhau của chữ “tôn thờ” và “tôn kính”.
- Lời Chúa Giê-xu phán dạy trong Ma-thi-ơ 10:37 có nghĩa gì?
- Qua sự tìm hiểu trên, chúng ta nhận thấy, sự thờ cúng ông bà có phải là điều hợp lẽ với sự dạy dỗ của Kinh Thánh không? Tại sao?
- Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
- 1Cô-rinh-tô 10:17-22: Theo sự dạy dỗ của sứ đồ Phao-lô, người tin Chúa có nên ăn đồ cúng không? Tại sao?
- 1Cô-rinh-tô 10:23-31: Người tín hữu nên có thái độ như thế nào với đồ cúng? Tại sao?
- Có thần tượng nào chiếm chỗ của Đức Chúa Trời trong đời sống bạn không? Bạn có trọn bổn phận làm con theo như Lời Chúa dạy dỗ không?