CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 20.10.2024
By Mai Hdenayun in Thanh niên on 31 Tháng Mười, 2024
Chúa nhật 20.10.2024
- Đề tài: CHÚA MUỐN LÒNG TIN CẬY.
- Kinh Thánh: Châm ngôn 3.
- Câu gốc: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con. Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con” (Châm ngôn 3:5-6).
- Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 81-90.
- Thể loại: Kịch 5 phút.
* CHỈ DẪN: Xin xem chỉ dẫn Chúa Nhật 14.07.2024.
* CÂU CHUYỆN THAM KHẢO.
CÔ CÓ PHẢI LÀ THƯỢNG ĐẾ KHÔNG?
Vào một buổi tối trong một kỳ nghỉ đông lạnh lẽo, một đứa bé trai khoảng sáu bảy tuổi đang đứng phía ngoài cửa sổ của một nhà kho. Cậu bé không có giày để mang, quần áo của cậu thì rách rưới.
Một cô gái trẻ đi ngang qua, cô nhìn thấy cậu bé và cô đọc được nỗi khao khát trong đôi mắt xanh của cậu bé. Cô nắm lấy tay cậu bé và dẫn cậu vào trong cửa tiệm rồi cô mua cho cậu một đôi giầy mới và một bộ quần áo ấm.
Sau đó cô dắt cậu trở ra và nói với cậu: “Bây giờ cháu có thể trở về nhà và có một kỳ nghỉ đông thật hạnh phúc”.
Cậu bé chăm chú nhìn cô rồi hỏi: “Cô có phải là Thượng đế không?”.
Cô gái trẻ nhìn cậu bé, mỉm cười và trả lời: “Không cháu à, cô chỉ là một trong số đứa con của Thượng đế”. Đứa bé đáp lại: “Cháu biết rồi, cô phải là Thượng đế thôi!”.
VIẾT TRÊN CÁT.
Một đôi bạn thân cùng nhau đi du lịch. Trong một lần tranh luận, họ cãi nhau, một người đã tát người kia. Người bị tát cảm thấy bị xúc phạm, không nói gì mà chỉ viết lên cát: “Hôm nay người bạn thân của tôi đã tát tôi”.
Họ tiếp tục chuyến du lịch đến một vùng hoang vu, người bị tát suýt bị cát vùi, may mắn được bạn cứu. Tỉnh lại, người đó lại khắc lên đá: “Hôm nay người bạn tốt của tôi đã cứu tôi”. Đứng bên cạnh, người bạn hiếu kỳ hỏi: “Tại sao lúc mình tát cậu, cậu lại viết lên cát, bây giờ lại khắc lên đá?” Người bạn này trả lời: “Khi bị bạn làm tổn thương nên viết vào nơi dễ quên, gió sẽ thổi lấp đi. Ngược lại, nếu được giúp đỡ hãy nên khắc sâu trong đáy lòng, ở nơi đó, bất cứ ngọn gió nào cũng không thể xoá lấp được”. Bạn bè nếu xảy ra va chạm là nhất thời vô tâm, giúp đỡ mới là thật lòng. Hãy quên đi những gì bạn bè đã gây ra, ghi nhớ sự giúp đỡ của họ, chúng ta sẽ thấy trên thế giới này toàn là bạn tốt.
TRÊN TUYẾT.
Một bà cụ nặng nhọc lê bước trên phố. Bà cụ đi chân đất trên tuyết. Một đôi trẻ, tay xách lỉnh kỉnh những túi to vừa nói chuyện vừa cười đến nỗi không để ý thấy bà cụ.
Một người mẹ dẫn hai đứa con nhỏ tới nhà bà ngoại. Họ quá vội nên cũng không để ý.
Một viên chức ôm một chồng sách đi qua. Mãi suy nghĩ nên cũng không để ý.
Bà cụ dùng cả hai tay để khép vạt áo đứt hết khuy. Dừng lại, nép vào một góc ở bến xe buýt. Một quý ông ăn mặc lịch lãm cũng đứng đợi xe buýt. Ông cố đứng tránh xa bà cụ một chút. Tất nhiên là bà già rồi, chẳng làm hại được ai, nhưng nhỡ bà ấy bị bệnh lây nhiễm thì sao…
Một cô gái cũng đứng đợi xe buýt. Cô liên tục liếc xuống chân bà cụ, nhưng cũng không nói gì.
Xe buýt tới và bà cụ nặng nhọc bước lên xe. Bà ngồi trên chiếc ghế ngay sau người lái xe. Quý ông và cô gái vội vã chạy xuống cuối xe ngồi. Người lái xe liếc nhìn bà cụ và nghĩ: “Mình không thích phải nhìn thấy cảnh nghèo khổ này chút nào!”. Một cậu bé chỉ vào bà cụ và kêu lên với mẹ:
– “Mẹ ơi, bà ấy đi chân đất! Mẹ bảo những ai hư mới đi chân đất, đúng không mẹ?”
Người mẹ hơi ngượng ngập kéo tay con xuống:
– “Andrew, không được chỉ vào người khác!” Rồi bà mẹ nhìn ra cửa sổ.
– “Bà cụ này chắc phải có con cái trưởng thành rồi chứ!” – Một phụ nữ mặc áo choàng lông thì thầm – “Con cái của bà ấy nên cảm thấy xấu hổ mới phải!” Người phụ nữ này bỗng cảm thấy mình quả là người tốt, vì mình luôn quan tâm đầy đủ đến mẹ mình.
– “Đấy, ai cũng phải học cách tiết kiệm tiền” – Một chàng trai ăn mặc bảnh bao thêm vào – “Nếu bà ấy biết tiết kiệm từ khi còn trẻ thì bà ấy chẳng nghèo như bây giờ!” Một doanh nhân hào phóng bỗng cảm thấy ái ngại. Ông lấy trong ví ra một tờ 10 đôla, ấn vào bàn tay nhăn nheo của bà cụ, nói giọng hãnh diện:
– “Đây, biếu bà! Bà nhớ mua đôi giày mà đi!” Rồi ông ta quay về chỗ ngồi, cảm thấy hài lòng và tự hào về mình.
Xe buýt dừng lại khi tới bến và một vài người khách bước lên. Trong số đó có một cậu bé khoảng 16-17 tuổi. Cậu ta mặc chiếc áo khoác to màu xanh và đeo balô cũng to, đang nghe headphone. Cậu trả tiền xe buýt và ngồi ngay vào ghế ngang hàng với bà cụ. Rồi cậu nhìn thấy bà cụ đi chân đất.
Cậu tắt nhạc. Cảm thấy lạnh người. Cậu nhìn từ chân bà cụ sang chân mình. Cậu đang đi một đôi giày cổ lông dành cho trời tuyết. Đôi giày mới tinh và ấm áp. Cậu phải tiết kiệm tiền tiêu vặt khá lâu mới mua được. Bạn bè đứa nào cũng khen!
Nhưng cậu cúi xuống và bắt đầu cởi giày, cởi tất, rồi ngồi xuống sàn xe, bên cạnh bà cụ.
– “Bà, cháu có giày đây này!” – Cậu nói.
Một cách cẩn thận, cậu ta nhấc bàn chân lạnh cóng, co quắp của bà cụ lên, đi tất và đi giày vào chân bà. Bà cụ sững người, chỉ khe khẽ gật đầu và nói lời cảm ơn rất nhỏ. Lúc đó, xe buýt dừng. Cậu thanh niên chào bà cụ và xuống xe. Đi chân đất trên tuyết. Những người khách trên xe thò đầu ra cửa sổ, nhìn đôi chân cậu thanh niên, xôn xao bình phẩm.
– “Cậu ta làm sao thế nhỉ?” – Một người hỏi.
– “Một thiên thần chăng?”
– “Hay là con trai của Chúa!”
Nhưng cậu bé, người ban nãy chỉ vào bà cụ, quay sang nói với mẹ: – “Không phải đâu mẹ ạ! Con đã nhìn rõ rồi mà! Anh ấy là người bình thường thôi!”.
Và việc làm đó, thật sự, cũng chỉ cần một người bình thường.