CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 15.09.2024
By Mai Hdenayun in PHỤ NỮ on 10 Tháng Chín, 2024
Chúa nhật 15.09.2024 (Chúa Nhật Thiếu Nhi Tin Lành).
- Đề tài: HIỂU TRẺ ĐỂ DẠY TRẺ!
- Kinh Thánh: 2Ti-mô-thê 3:14-17.
- Câu gốc: “Hãy dạy trẻ thơ con đường nó phải theo; để khi nó trở về già, nó cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm 22:6 BTTHĐ).
- Đố Kinh Thánh: Ê-sai 34-36.
- Thể loại: Tìm hiểu.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 18.8.2024.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
HIỂU TRẺ ĐỂ DẠY TRẺ!
“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; để khi nó trở về già, nó cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm 22:6). Đây là một mệnh lệnh giáo dục con người, đúng với mọi thời đại. Dạy con từ thưở còn thơ bé là bổn phận của cha mẹ của gia đình. Phụ huynh sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về việc giáo dục, hướng dẫn con cái.
TỪ 1 ĐẾN 5 TUỔI.
Đây là giai đoạn ấu thơ nhưng có ảnh hưởng quan trọng đến cả cuộc đời. Năm năm đầu đời nầy là những năm được xây đắp một nền tảng căn bản. Đứa trẻ nào được sống trong một gia đình đầm ấm yên vui sẽ phát triển tốt về mặt tinh thần, nhân cách. Những gì chúng ta đặt vào lòng trẻ lúc nầy sẽ có một giá trị lớn lao.
Đề nghị: Xin phụ huynh để thì giờ kể chuyện Kinh Thánh cho con em mình nghe.
Hãy cho chúng biết Chúa đã làm nên mọi sự, làm nên tay, chân của chúng. Dạy con làm quen với nếp sống đạo: Cầu nguyện trước khi ăn, khi ngủ, lúc thức dậy. Trong sinh hoạt hằng ngày, tìm mọi cách, lợi dụng mọi cơ hội để nhắc đến Chúa, gây cho trẻ một khái niệm về Đức Chúa Trời.
6 TUỔI.
Ở tuổi nầy trẻ chịu đựng một thay đổi lớn về thể xác và tinh thần nên rất khó dạy. Trẻ hay chống đối ba mẹ, luôn luôn trả lời “không”. Xin hãy hiểu vì nó đang ở trong tuổi thay răng sữa, bắt đầu đi học. Những thay đổi ấy làm ảnh hưởng nhiều đến tâm tính.
Đề nghị: Khi đi nhà thờ, xin quý vị chịu khó dẫn con theo, nó cần được bước vào những sinh hoạt Hội Thánh như cầu nguyện, hát thánh ca, nghe đọc Kinh Thánh… Trường học đối với nó là cả một khám phá mới mẻ, thích thú, có khi đáng sợ nữa.
7 TUỔI.
Trẻ bắt đầu biết lý luận nên đôi lúc nó “bị” cha mẹ coi như người lớn, “bị” đòi hỏi có trách nhiệm như người lớn. Thật ra, dầu lý luận, nhưng nó không có một ý thức rõ ràng như người lớn đâu. Nó lỗi lầm, quý vị hãy giải thích trong thông cảm, yêu thương, đừng buộc tội và phạt nặng.
Đề nghị: Quý vị có thể kể và giải thích về sự chết đền tội của Chúa Giê-xu, cũng như những hành vi tốt xấu theo Kinh Thánh.
8 TUỔI.
Đây là tuổi ồn ào, thiếu cẩn thận. Cái gì trẻ cũng muốn biết, cái gì cũng tò mò, cũng sưu tập và lại thích đổi chác, mua bán nữa. Quý vị gặp đủ thứ lỉnh kỉnh trong cặp, trong túi áo của trẻ hay có khi nó đem cái nầy đổi lấy cái kia của bạn. Trẻ cũng bắt đầu tìm bạn để chơi.
Đề nghị: Nên lưu tâm đến bạn bè của trẻ, nếu trẻ có bạn tin Chúa thì càng tốt. Hãy giải thích ân cần những gì trẻ muốn tìm hiểu. Lợi dụng tuổi ham thích tìm tòi thắc mắc nầy để giải thích kỹ hơn, cẩn thận hơn về Lời Chúa.
9 TUỔI.
Đây là giai đoạn yên lặng của trẻ, trẻ trở nên rất dễ bảo. Tuổi này ham học, nhớ lâu, ít đau ốm, có ý thức về trách nhiệm. Đề nghị: Dạy câu gốc, đọc Kinh Thánh, học thuộc lòng từng đoạn Kinh Thánh hằng ngày!
10 TUỔI ĐẾN 13 TUỔI.
Đây là tuổi trẻ thích tụ tập thành từng nhóm. Nếu ở tuổi nầy mà trẻ thích chơi một mình là trẻ bất thường, không phát triển đúng. Trong tuổi nầy, những sinh hoạt cộng đồng sẽ cuốn hút trẻ dễ dàng.
Đề nghị: Nên khuyến khích trẻ sinh hoạt tại nhà thờ, hướng dẫn, tìm giúp con những người bạn tốt, tin kính Chúa. Gây một không khí yêu thương trong gia đình để trẻ thấy được gia đình là chỗ yên vui, là nơi ấm cúng nó muốn trở về. Ba mẹ là những người bạn thân thiết nhất, hòa đồng với chúng nhất, sẽ giúp chúng giải tỏa những thắc mắc, chia sẻ với chúng những vui buồn. Dạy trẻ biết kính sợ Chúa, sống cho Chúa, gia đình nên duy trì giờ nhóm lễ bái.