Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

By Mai Hdenayun in THIẾU NHI on 21 Tháng Tám, 2024

BÀI 8. VÂNG PHỤC CHA MẸ

I. KINH THÁNH: 1Các vua 1:5-53.

II. CÂU GỐC: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm” (Ê-phê-sô 6:1).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: A-đô-ni-gia không có lòng vâng phục và yêu thương cha mình, nên chống lại ý muốn của cha và tự xưng làm vua.

– Cảm nhận: Con cái không vâng lời cha mẹ sẽ không đẹp lòng Chúa. 

– Hành động: Em vâng lời cha mẹ trong mọi sự.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

  1. Sinh hoạt thứ nhất: Vị vua này là ai?

     a. Mục đích: Cho các em nhận biết bối cảnh của câu chuyện Kinh Thánh này.

     b. Tài liệu: Sách học viên trang tư liệu G.

     c. Thực hiện: Cho các em mở sách học viên trang tư liệu G, và theo gợi ý tìm ra tư liệu về vị vua đó.

     2. Sinh hoạt thứ hai: Ý nghĩa của từ “chống lại”.

     a. Mục đích: Cho các em nói về ý nghĩa của từ “chống lại”.

     b. Chuẩn bị: Tư liệu (tình huống phía dưới), giấy, viết.

     c. Thực hiện: Giáo viên viết tư liệu vào 3 tờ giấy. Khi thực hiện, cho các em thảo luận: “Thế nào là chống lại?” (Làm những gì trái với ý của người khác). Sau đó, cho các em bốc thăm tờ giấy tư liệu và trả lời.

* Tư liệu: Một đứa con 10 tuổi sẽ chống lại cha mẹ mình như thế nào? Một đứa con 5 tuổi sẽ chống lại cha mẹ mình như thế nào? Một đứa con 18 tuổi sẽ chống lại cha mẹ mình như thế nào? (Cho các em nói ra nhận định của mình).  

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

Giả sử các em làm bất cứ chuyện gì mình thích mà không bị ba mẹ ngăn cản, la rầy, thì sẽ như thế nào? (Cho các em thảo luận). Nếu trong gia đình, con cái được nuông chiều quá mức sẽ trở nên hư hỏng. Các em có thích chơi với những đứa trẻ hư hỏng không?

Bài học Kinh Thánh hôm nay nói về một gia đình cũng đang ở trong tình trạng như vậy. Gia đình này là ai? Các em biết gì về họ? (Cho các em đã hoàn thành phần sinh hoạt thứ nhất chia sẻ).

Đúng vậy, Đa-vít là một vị vua tài giỏi. Ông cai trị trên cả Y-sơ-ra-ên, nhưng trong gia đình của ông lại có một người con hư hỏng, luôn thích làm theo ý mình. Đa-vít rất đau khổ về người con này. Chúng ta xem người con này đã làm gì khiến cha mình phải đau khổ nhé!

  1. Bài học.

Lúc vua Đa-vít đã già, sức khỏe rất yếu, thì Đức Chúa Trời muốn vua truyền ngôi cho Sa-lô-môn, nhưng chưa thực hiện được thì có một việc xảy ra.

Hoàng tử A-đô-ni-gia là con thứ tư trong sáu người con trai do sáu người vợ sinh ra (tham khảo 2Sa-mu-ên 3:2-5). Thấy vua cha đã già, A-đô-ni-gia ngắm nghé ngai vàng. Một hôm, A-đô-ni-gia ra lệnh cho đầy tớ chuẩn bị xe ngựa, và chọn 50 người chạy trước mặt mình để mở đường. Đa-vít biết chuyện này nhưng vua không nói gì hết.

Không những thế, A-đô-ni-gia còn âm thầm mua chuộc các quan cận thần và thầy tế lễ để họ ủng hộ anh ta. Một hôm, A-đô-ni-gia mở đại tiệc ở bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, và cho mời tất cả các anh em mình, cùng các quan trong triều đến dự, trừ Sa-lô-môn và tiên tri Na-than. (A-đô-ni-gia biết Sa-lô-môn sẽ là người nối ngôi vua, còn tiên tri Na-than là bạn tốt của vua Đa-vít, không ủng hộ việc làm sai trái của A-đô-ni-gia).

Trong lúc A-đô-ni-gia và những người theo phe anh ta đang ăn mừng và tung hô: “Vua A-đô-ni-gia vạn tuế!”, thì trong hoàng cung xảy ra một việc. Tiên tri Na-than đến gặp hoàng hậu Bát-sê-ba và nói: “Bà có biết chuyện gì xảy ra không? A-đô-ni-gia tuyên bố mình làm vua, trong khi hoàng thượng không hề biết chuyện này. Nếu bà muốn cứu mình và hoàng tử Sa-lô-môn thì hãy làm theo cách này”. Các em đọc 1Các vua 1:13-14 xem Na-than bảo Bát-sê-ba làm gì?

Hoàng hậu Bát-sê-ba lập tức làm theo lời Na-than dặn, vì chuyện này rất quan trọng. Nếu A-đô-ni-gia thành công thì mạng sống của hai người sẽ bị đe dọa. Vì thế, Bát-sê-ba vào xin vua Đa-vít làm lễ đăng quang cho Sa-lô-môn trước mặt toàn thể dân Y-sơ-ra-ên. Trong lúc Bát-sê-ba còn đang nói, thì tiên tri Na-than vào tâu với vua việc làm của A-đô-ni-gia.              

Các em đọc 1Các vua 1:30 xem vua Đa-vít nói gì? Sau đó, vua ra chỉ thị cho các thầy tế lễ lập tức làm lễ xức dầu cho Sa-lô-môn làm vua. Họ đỡ Sa-lô-môn lên con la của vua Đa-vít rồi rước xuống Ghi-hôn. Thầy tế lễ Xa-đốc xức dầu cho Sa-lô-môn rồi dân chúng tung hô: “Vua Sa-lô-môn vạn tuế!”

A-đô-ni-gia và những người dự tiệc nghe tiếng kèn lẫn tiếng tung hô vang trời nhưng không biết việc gì xảy ra. Họ còn đang nhìn nhau ngơ ngác, thì một thanh niên chạy đến báo: “Vua Đa-vít đã lập Sa-lô-môn lên làm vua rồi! Các quan trong triều đều đến chúc mừng!”

Nghe vậy, A-đô-ni-gia và những người theo ông đều bàng hoàng và vội vã giải tán vì sợ liên lụy. A-đô-ni-gia biết mình đang gặp nguy hiểm liền vội vã chạy đến đền thờ Đức Chúa Trời và nắm lấy các sừng của bàn thờ. (Ngày xưa, theo luật của người Do thái, người bị truy sát nắm lấy các sừng của bàn thờ thì tính mạng được bảo toàn). A-đô-ni-gia còn yêu cầu vua Sa-lô-môn hứa sẽ không giết mình. Các em đọc 1Các vua 1:52-53 xem Sa-lô-môn đối xử với A-đô-ni-gia như thế nào?

A-đô-ni-gia lặng lẽ rời khỏi cung vua. Anh ta được cưng chiều quá nên luôn muốn làm theo ý mình thích. Sa-lô-môn đã tha thứ cho A-đô-ni-gia lần này, tưởng rằng anh ta sẽ sửa đổi, nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết, A-đô-ni-gia tiếp tục làm theo ý thích của mình, muốn cưới vợ của cha mình, nên cuối cùng phải bị xử tử (1Các vua 2:13-17, 23-25).

  1. Ứng dụng.

     a. Ôn lại câu chuyện.

Cho các em mở sách học viên bài số 8 và theo gợi ý làm bài tập “Chuyện trong hoàng cung”, rồi hỏi các em: “A-đô-ni-gia đã có hành động chống lại cha mình như thế nào?”, “Em nghĩ xem vua Đa-vít cảm thấy như thế nào trước hành động của con mình?”, “Người con không vâng phục cha phải nhận hậu quả như thế nào?”

     b. Học câu gốc.

Cho các em đọc câu gốc bài này, sau đó thảo luận: “Vì sao các em phải vâng lời ba mẹ?” (Vì đó là điều răn của Đức Chúa Trời). “Nếu con cái không vâng lời ba mẹ thì sẽ như thế nào?”

     c. Áp dụng vào đời sống.

Các em thân mến! Trong cuộc sống mỗi ngày, ba mẹ luôn dạy bảo các em điều nên làm và không nên làm. Các em có thái độ nào trước lời khuyên bảo của ba mẹ? Sau đó, cho các em theo gợi ý làm bài tập “Vâng phục hay không vâng phục!” rồi chia sẻ hành động vâng phục ba mẹ trong tuần này.

Post CommentLeave a reply