Ngày: Tháng Tám 20, 2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 6. LÒNG TIN CỦA MỘT VỊ QUAN  

I. KINH THÁNH: Giăng 4:46-54.

II. CÂU GỐC: “Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, Chúa sẽ đỡ người ấy dậy; nếu người bệnh có phạm tội, cũng sẽ được tha.” (Gia-cơ 5:15).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Chúa chữa lành bịnh cho bé trai bởi đức tin của người cha.

– Cảm nhận: Tin nơi Chúa là điều Chúa đẹp lòng hơn hết.

– Hành động: Tin và nhờ cậy Chúa trong mọi việc.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Chuẩn bị:

– Cây que thử nhiệt.

* Thực hiện:

Cho các em đo nhiệt bằng que thử nhiệt, rồi gợi ý cho các em chia sẻ kinh nghiệm những lúc mắc bệnh như bị cảm, sốt, ho…

– Nếu không mua được cây thử nhiệt, thì cho các em chơi trò chơi “Bác sĩ với bệnh nhân”. Giáo viên đóng vai bác sĩ, các em làm bệnh nhân. Bác sĩ khám bệnh cho từng em, đoán bệnh, cho thuốc…

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, chúng ta vừa mới được đo nhiệt, khám bệnh xong, trong các em, em nào bị sốt? Em nào bị cảm? Nhức đầu? Ho? (Cho các em trả lời). Mỗi khi bị bệnh, các em uống thuốc rồi, thì được lành bệnh, đúng không? Nhưng có một bé trai kia, cũng nhỏ như các em, bị bệnh rất lâu, cha mẹ chạy chữa, mà vẫn không khỏi bệnh. Em bé đó rồi sẽ thế nào đây, các em theo dõi câu chuyện sẽ rõ nhé!

  1. Bài học.

Gia đình của cậu bé nghe tin Chúa Jêsus là người hay giúp đỡ và có thể chữa lành được mọi bệnh tật. Cha của cậu không ngại đường xa, đi tìm cho được Chúa Jêsus để mời đến nhà chữa bệnh cho con mình.

Người cha đi xa thật xa, chắc là cũng mỏi mệt lắm, nhưng cuối cùng cũng đã tìm được Chúa Jêsus. Ông vui mừng lắm cầu xin Chúa rất tha thiết: “Xin Ngài mau đến nhà tôi, con tôi mắc bệnh rất nặng, được Ngài chữa cho, chắc con tôi sẽ được lành”. Các em đoán xem Chúa Jêsus có đi không? (Cho các em trả lời). Chúa Jêsus từ chối không đi, các em ạ. Có phải là Chúa Jêsus không thích chữa bệnh cho em bé đó không? Người cha ấy không nản lòng, cứ tiếp tục cầu xin Chúa Jêsus rất thiết tha: “Chúa Jêsus, xin Ngài đến nhà tôi trước khi con tôi chết, xin Ngài đi với tôi ngay bây giờ!”

Chúa Jêsus cảm động vì lòng thương con của ông và Chúa cũng thấy ông có lòng tin vào Chúa rất lớn, Ngài liền nói với ông: “Hãy đi, con của ngươi đã lành bệnh!” Như vậy, Chúa Jêsus không về nhà ông như lời ông cầu xin là vì Ngài muốn ông tỏ lòng tin mạnh mẽ nơi Ngài đó các em ạ. Người cha nầy tin lời của Chúa Jêsus, trở về nhà ngay. Các em biết không, chưa về đến nhà, đầy tớ của ông đã tìm và báo cho biết con ông đã được lành bệnh. Ông vui mừng lắm và biết chắc rằng chính Chúa Jêsus đã chữa lành cho con mình. Ông tưởng tượng ra cảnh khi trở về nhà, cậu con trai sẽ ra mừng đón ông, ông vô cùng sung sướng!

Chúa Jêsus là Đấng luôn muốn giúp đỡ mọi người. Dù Ngài chưa gặp người cha nầy lần nào, nhưng khi ông có lòng tin nơi Chúa, Chúa cũng sẵn lòng giúp đỡ ông.

  1. Ứng dụng.

Các em cũng vậy, khi gặp những sự khó khăn, nguy hiểm nào, ví dụ như bị bệnh, bị lạc đường, ở một mình trong bóng tối… cứ tin cậy nơi Chúa, cầu nguyện với Ngài, Chúa sẽ giúp đỡ các em.

C. BÀI TẬP.

Tô màu hình vẽ.

– Cắt hình bé trai trong tập học viên bài 6, dán vào chỗ thích hợp.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 25.08.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 25.08.2024

in Thanh niên on 20 Tháng Tám, 2024

Chúa nhật 25.08.2024.

  1. Đề tài: BÀI CA CỦA SỰ GIẢI CỨU.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 14:19 – 15:21.
  3. Câu gốc: “Đức Giê-hô-va là sức mạnh và sự ca tụng của tôi. Ngài đã trở nên Đấng cứu tôi. Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi ngợi khen Ngài” (Xuất Ê-díp-tô ký 15:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi thiên 21-30.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Chỉ dẫn giải đáp thắc mắc.  

  1. Thông báo đề tài “BÀI CA CỦA SỰ GIẢI CỨU” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ.
  2. Ủy viên linh vụ nhờ người có hiểu biết sâu về Kinh Thánh, có kinh nghiệm thuộc linh về sự giải cứu của Chúa để giải đáp thắc mắc.
  3. Các câu hỏi phải đúng chủ đề và những tình huống thực tế liên quan. Các câu hỏi phải được sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau mỗi câu trả lời, cần dành ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
  4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Những bài ca để ăn mừng chiến thắng là một trong những cách thức tự nhiên của con người. Khi Đức Chúa Trời giúp dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng Ê-díp-tô, họ đã làm những bài ca chúc tụng Ngài. Môi-se và Mi-ri-am đã hướng dẫn dân sự hát mừng vì Đức Chúa Trời đã giải cứu họ khỏi cảnh đời nô lệ cho người Ê-díp-tô. Khi chúng ta học bài này, chúng ta cũng sẽ chia sẻ cùng họ niềm vui của sự chiến thắng.

I. CHÚA CỦA SỰ CHIẾN THẮNG (15:1).

Xuất Ê-díp-tô Ký 15 viết theo thể thơ ca, mô tả lại cảnh đánh chìm đạo binh hùng mạnh Ê-díp-tô. Môi-se và dân sự ăn mừng sự chiến thắng vinh quang này bằng bài hát ca ngợi Chúa (15:1). Ông bắt đầu bài thơ bằng câu: “Tôi ca tụng Đức Giê-hô-va”. Những câu tiếp theo ca tụng những chiến công của Chúa. Ca hát là một phần rất quan trọng trong việc thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên xưa. Môi-se và Mi-ri-am đã hướng dẫn dân sự trong việc ngợi ca Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban cho họ sự tự do. Trong những ngày nô lệ tại xứ Ê-díp-tô họ hằng mơ ước sự tự do này, và nay đã trở thành sự thật. Về sau, con cháu họ đã ca lại bài thơ chiến thắng này trong các dịp lễ và trong sự thờ phượng Chúa. Bạn không cần phải làm một người nô lệ để kinh nghiệm sự giải cứu của Thượng Đế. Ngài sẵn sàng và vui lòng để giải cứu bạn thoát khỏi sự nô lệ của vật chất, tiền bạc, vui thú quá độ.

II. CHÚA CỦA SỰ GIẢI CỨU (15:2).

Khi Môi-se suy gẫm về sự nhân từ của Đức Chúa Trời, ông đã ngợi ca Ngài về những cá tính và mỹ đức của Ngài. Môi-se thờ phượng Ngài vì Ngài là Đức Chúa Trời của cá nhân ông, của sức mạnh ông và sự cứu rỗi ông.

Đức Chúa Trời là Đấng đời đời. Ngài trường tồn trong suốt mọi thời đại, nhưng cá nhân của mỗi thời đại phải lập lại sự tương giao với Ngài. Sự tương giao với Đức Chúa Trời có thể được chia sẻ, nhưng không phải được thừa hưởng từ người khác. Mỗi một người phải bước vào sự liên hệ cách cá nhân với Ngài.

Người Y-sơ-ra-ên ngày xưa đã không thể tự giải cứu mình khỏi nô lệ ở Ê-díp-tô thế nào, chúng ta ngày nay cũng không thể tự mình giải thoát ra khỏi bản tính tội lỗi của chúng ta thể ấy. Càng cố vùng vẫy để thoát ra khỏi vùng sình lầy, chúng ta lại càng bị lún sâu hơn. Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng tha thứ tội lỗi của chúng ta và chỉ có Ngài mới giải cứu chúng ta được. Mà muốn có được sự giải cứu ấy thì mối liên hệ cá nhân của chúng ta với Chúa là hết sức quan trọng.

III. CHÚA CỦA LỊCH SỬ (15:3-10).

Một số tín hữu ngày nay tin vào Đức Chúa Trời, nhưng họ không tin rằng Ngài đang hành động tích cực trong thế giới này. Họ cho rằng Đức Chúa Trời tạo nên thế giới rồi Ngài để cho thế giới độc lập khỏi sự hướng dẫn của Ngài. Họ cho rằng Ngài không tham dự và can thiệp gì vào những biến cố của thế giới. Họ không tin rằng Ngài trả lời cầu nguyện hay làm phép lạ cho họ.

Môi-se ngày xưa nhất định là không tin như những người nói trên đây. Nhưng dần dần ông đã chứng kiến sự hướng dẫn, cai trị của Đức Chúa Trời trên lịch sử dân tộc ông, nhất là trên cuộc hành trình ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Dân Y-sơ-ra-ên là một đoàn dân tị nạn chống lại một đoàn quân đông đảo, trang bị vũ khí tối tân. Người Ê-díp-tô nghĩ rằng họ có thể đuổi theo dân tị nạn, tịch thu hết tài sản và rút gươm chém, không để sót người nào (c.9). Không ai, ngoại trừ Đức Chúa Trời mới có thể giải cứu họ và Ngài đã can thiệp vào lịch sử của người Y-sơ-ra-ên, gìn giữ, bảo toàn và chiến thắng cho họ. Quân đội hùng mạnh Ê-díp-tô bị chôn vùi dưới đáy biển sâu là một sự giải cứu kỳ lạ của Chúa.

  1. CHÚA CỦA SỰ THƯƠNG XÓT (15:13).

Trong câu 13 có hai danh từ diễn tả tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Thứ nhất, từ ngữ được dịch là “thương xót” có nghĩa là tình yêu không đổi thay, tình yêu thương nhân từ. Đây là từ ngữ được dùng trong Cựu ước để chỉ về sự yêu thương thành tín của Đức Chúa Trời dành cho dân sự Ngài.

Ngày nay Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta vì Ngài là Đấng yêu thương chứ không phải chúng ta đáng yêu. Ngài yêu thương chúng ta vô điều kiện và không đòi hỏi, thế nên chúng ta cần đáp ứng lại tình yêu thương Ngài bằng tấm lòng biết ơn. Thứ hai, từ ngữ “chuộc lại” cũng diễn tả sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Khi có một người thân rơi vào tình trạng khó khăn, bổn phận của chúng ta là đem tiền bạc, gia sản giải cứu người ấy ra khỏi hoàn cảnh khốn khó. Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Chuộc đối với chúng ta, với danh hiệu này Ngài muốn chúng ta biết Ngài sẽ đến với chúng ta trong cơn khốn khó để giải cứu chúng ta. Cái giá mà Đức Chúa Trời đã trả cho sự cứu chuộc chúng ta chính là mạng sống của con yêu dấu Ngài, Đức Chúa Giê-xu Christ. Sự thương xót và cứu chuộc của Ngài có giá trị cho bạn và tôi ngày nay, cũng như cho người Y-sơ-ra-ên ngày xưa. Tình yêu của Ngài lâu bền và vô điều kiện. Ngài sẵn sàng cứu chuộc bạn khỏi sự nô lệ của tội lỗi. Ngài sẽ tha thứ quá khứ của bạn và ban cho bạn một tương lai đầy hy vọng. Bạn có sẵn sàng để cho Ngài yêu thương bạn không?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 25.08.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 25.08.2024

in PHỤ NỮ on 20 Tháng Tám, 2024

Chúa nhật 25.08.2024.

  1. Đề tài: Ê-LI-SÊ, NGƯỜI CHỮA LÀNH DÂN SỰ.
  2. Kinh Thánh: 2Các vua 4, 5, 6; 2-8, 13.
  3. Câu gốc: “Cùng một Đức Thánh Linh… người thì được làm các phép lạ, người thì được nói tiên tri…” (1Cô-rinh-tô 12:9a, 10a BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 28-30.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, uỷ viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Ê-li-sê không hơn Ê-li, vì “trò không hơn thầy”.

Đề tài 2: Ê-li-sê được nhận Thần Linh bội phần hơn Ê-li.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.
  7. GIỚI THIỆU.

Ê-li-sê có nghĩa Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi. Ê-li-sê sống trong thung lũng của Giô-đanh. Tiên tri Ê-li đi ngang qua thấy Ê-li-sê đang cày ruộng, bèn gọi như lời Đức Chúa Trời phán bảo, Ê-li-sê trở về từ giã cha mẹ và theo tiên tri Ê-li (1Vua 19:19-24).

Được người tiên tri đầy thần quyền huấn luyện, Ê-li-sê gọi tiên tri Ê-li là cha (2Vua 2:12). Khi Ê-li về trời để lại trong tay Ê-li-sê chiếc áo tơi của người tiên tri. Ê-li-sê là kẻ nối tiếp Ê-li và được nhận Thần Linh bội phần.

Ê-li-sê bắt đầu chức vụ tiên tri vào khoảng năm 856 T.C, chấm dứt dưới đời vua Giô-ách. Tiên tri Ê-li-sê qua đời bởi một cơn bệnh. Kinh Thánh nói rất nhiều đến các việc làm của Ê-li-sê gồm trong hai lãnh vực làm phép lạ và nói tiên tri.

  1. SUY GẪM.
  2. Ê-li-sê trong sự nói tiên tri.

(1) Báo tin cho người nữ son sẻ ở Su-nem về sự sanh con (2Vua 4:16). (2) Cơn đói kém bảy năm trong xứ (2Vua 8:1). (3) Dân thành Sa-ma-ri được giải cứu khỏi cơn đói (2Vua 7:1). (4) Sự chết của vị quan không tin lời tiên tri (2Vua 7:2). (5) Sự chết của Bên-ha-đát, vua Sy-ri (2Vua 8:7-10). (6) Sự lên ngôi của Ha-xa-ên (2Vua 8:11-15). (7) Sự chiến thắng Sy-ri của vua Giô-ách (2Vua 13:14-19). Những lời Ê-li-sê nói thảy đều xảy ra (2Vua 4:11-17; 7:1-20; 13:14-25).

  1. Ê-li-sê trong sự làm phép lạ.

(1) Rẽ nước sông Giô-đanh (2Vua 2:14). (2) Hóa dầu ra nhiều (2Vua 4:1-7). (3) Khiến người nữ son sẻ sanh con (2Vua 4:14-17). 4) Khiến đứa trẻ chết lại sống (2Vua 4:18-20, 32-37). (5) Cất chất độc trong đồ ăn (2Vua 4:38-41). (6) Hóa bánh cho 100 người ăn (2Vua 4:42-44). (7) Chữa lành bịnh phung cho Na-a-man (2Vua 5:1-19). (8) Giáng bịnh phung trên Ghê-ha-xi (2Vua 5:20-27). (9) Khiến lưỡi rìu nổi lên nước (2Vua 6:1-7). (10) Khiến đạo binh Sy-ri đui mù (2Vua 6:18-19). (11) Khiến đạo binh Sy-ri sáng mắt (2Vua 6:21-23)…

Các phép lạ Ê-li-sê làm có tính chất yêu thương hơn là đoán phạt, bảo vệ dân sự Chúa khỏi kẻ thù. Trước giờ lâm chung, vua Giô-ách đến thăm và khóc trước mặt Ê-li-sê (2Vua 13:14). Bởi đâu Ê-li-sê đã thành công trong chức vụ như vậy? Ê-li-sê biết được chiếc chìa khóa thần diệu này và cố nài nỉ thầy của mình (2Vua 2:9). Chức vụ của Ê-li-sê tiêu biểu cho chức vụ của Đấng Mê-si sắp đến, tức là Đấng Christ, như tiên tri Ê-sai dự ngôn (Ês 61:1; Lu 4:18-19). Tiên tri Ê-li-sê đem đến sự chữa lành dân sự về mặt thuộc thể và tinh thần. Chúa Giê-xu cũng đem đến cho con người sự chữa lành toàn vẹn cả thuộc thể lẫn tâm linh. Đây cũng là sứ mạng Chúa gọi Cơ đốc nhân (Giăng 14:12-14; Công 2:18;…).

  1. Đời sống chức vụ của tiên tri Ê-li-sê.

Ê-li với sứ mạng rao sự đoán phạt của Đức Chúa Trời. Còn Ê-li-sê xuất hiện như người chữa lành dân tộc. Ê-li-sê tánh nóng nảy, đã có lần nhân danh Chúa rủa sả đám trai trẻ (2Vua 2:23-24). Nhưng là người có lòng cảm thông kẻ khốn cùng, Ê-li-sê rất thẳng thắn với kẻ coi thường lẽ thật, nhắc nhở họ cầu nguyện, tìm kiếm Chúa.

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Cho biết tính chất, mục đích các phép lạ Ê-li-sê làm? Chúng ta tìm thấy được sứ mạng gì cho đời sống?
  2. Chức vụ Ê-li-sê có ý nghĩa gì đối với Cơ đốc nhân? Và khuyến khích bạn tìm kiếm điều gì cho đời sống phục vụ Chúa? (Giăng 14:12-14; công 2:18; 1Côr 12:4-11).
  3. Cho biết những ưu khuyết điểm trong đời sống Ê-li-sê. So sánh đời sống chức vụ Ê-li và Ê-li-sê? Đời sống bạn sẵn sàng làm công việc Chúa gọi không?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 25.08.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 25.08.2024

in NAM GIỚI on 20 Tháng Tám, 2024

Chúa nhật 25.08.2024

  1. Đề tài: SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI.
  2. Kinh Thánh: Rô 3:23, 6:23; 2Cô 5:2; Giăng 6:39-40, 17:13.
  3. Câu Gốc: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng hiến, cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin Lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chúa Giê-xu giải thích sự sống đời đời trong lời cầu nguyện của Ngài với Đức Chúa Cha: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-xu Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).

Nhìn biết Cha có nghĩa là mối liên hệ giữa Đấng Tạo Hóa và chúng ta được nối kết trở lại. Tội lỗi đã ngăn cách chúng ta khỏi Đức Chúa Trời, nghĩa là đưa chúng ta vào sự chết đời đời – cũng gọi là hỏa ngục. Là con người bất lực và giới hạn, chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để đạt được sự sống đời đời. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương, chính Ngài đã ban Con Một của Ngài là Chúa Giê-xu chịu chết thay cho tội lỗi của chúng ta, nhờ Ngài mà bức tường ngăn cách chúng ta khỏi Đức Chúa Trời đã bị triệt hạ, và chúng ta có thể hưởng được phước hạnh của mối tương giao sâu thẳm với Đức Chúa Trời đến đời đời khi chúng ta tin và tiếp nhận Chúa Giê-xu. Do đó, sự sống đời đời là sự sống sung mãn, nghĩa là mối tương quan với Chúa đầy đủ, trọn vẹn, bắt đầu ngay lúc chúng ta tiếp nhận Đấng Christ làm Chúa, làm Chủ đời sống mình và sẽ kéo dài đến đời đời. Hơn thế nữa, bản tính của Đức Chúa Trời là không hề thay đổi. Vì vậy, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng rằng vận mệnh đời đời của chúng ta được bảo đảm vô cùng.

Như với bất kỳ mối liên hệ nào, mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời cũng có thể ngày càng sâu đậm và trưởng thành. Kinh nghiệm sống đời đời của chúng ta có thể phát triển và trở thành phong phú. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta không bao giờ thay đổi, nhưng mức độ sâu nhiệm mà chúng ta có thể tận hưởng cõi đời đời tùy thuộc mối liên hệ của chúng ta với Chúa mỗi ngày. Như vậy, không phải chỉ tin Chúa là đủ, nhưng chúng ta cần phải suy ngẫm Lời Chúa và tương giao với Chúa mỗi ngày để mối liên hệ với Chúa ngày càng sâu đậm và khắng khít.

Thật là một phước hạnh, cả bây giờ lẫn trong cõi vĩnh hằng cho những ai có mối liên hệ với Đức Chúa Trời yêu thương và Chúa Cứu Thế đầy ân sủng. Bạn có thật vững an trong mối liên hệ vĩnh hằng với Chúa quyền năng chưa?

“Xin Chúa giúp con dành thì giờ suy ngẫm Lời Chúa và tương giao với Ngài hằng ngày, để mối liên hệ với Ngài thắm thiết, hầu con trải nghiệm sự sống vĩnh hằng ngay hôm nay”.

VietChristian.com.