Ngày: Tháng Tám 20, 2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 11. NGƯỜI PHUNG BIẾT ƠN

I. KINH THÁNH: Lu-ca 17:11-19.

II. CÂU GỐC: “Ta cảm tạ Đức Chúa Trời, là Đấng ta phục vụ với lương tâm trong sáng như tổ phụ ta đã làm; cả ngày lẫn đêm, ta luôn nhớ đến con trong khi cầu nguyện.” (2Ti-mô-thê 1:3).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

                        – Biết: Chỉ có một người phung biết ơn, cảm tạ Chúa.

– Cảm nhận: Đừng quên cảm tạ Chúa trong mọi điều Ngài ban cho.

                        – Hành động: Cảm tạ Chúa mỗi khi cầu nguyện.

* GIÁO VIÊN SUY GẪM.

Sách Lu-ca 17:11-19 ghi lại câu chuyện mười người mắc bệnh phung, cầu xin Chúa Jêsus chữa lành cho, Chúa liền chữa cho họ. Nhưng khi phát hiện mình được lành, chỉ có một người (là người Sa-ma-ri) quay trở lại cảm tạ Chúa, ca ngợi Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus phán: “Đức Chúa Jêsus phán: “Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu? Chẳng ai trở lại tôn vinh Đức Chúa Trời ngoại trừ người ngoại quốc nầy sao?” (Lu-ca 17:17-18). Qua điều nầy, chúng ta cần nhận biết rằng, không phải Chúa Jêsus cần con người báo đáp ân huệ của Ngài mà là muốn con người hiểu được một điều: Nếu nhận biết việc làm của Đức Chúa Trời thì phải có lòng cảm tạ. Không những chỉ cảm tạ Đức Chúa Trời mà khi ai làm điều gì cho mình, cũng phải biết cảm ơn họ.

                        Chúng ta thử xét xem, có người nào đã từng giúp đỡ, chăm lo cho chúng ta mà chúng ta quên cảm ơn họ không? Nếu chúng ta không cảm ơn có nghĩa là cho việc đó đương nhiên người đó phải làm, không cần phải cảm ơn. Trong gia đình, trong những người bạn, có lẽ nhiều người đã tận tình giúp đỡ bạn lúc đang có nhu cầu, bạn có cảm ơn họ không? Có cảm tạ Đức Chúa Trời vì đã cho những người đó ở bên cạnh mình không?

                        Nếu bạn nhận biết bất cứ điều gì đều là đến từ Đức Chúa Trời, biết ơn Ngài, biết ơn người khác, hãy bày tỏ lòng biết ơn của bạn đi. Đó là phẩm chất tốt đẹp cần được phô bày. Nếu bạn không quen nói lời cảm ơn, hãy luyện tập. Điều quan trọng là không ngừng tra xét mình và rèn luyện những điều tốt. Chúng ta cũng cần giúp các em nhận biết và thực hiện điều nầy đối với Đức Chúa Trời và con người ngay từ khi còn bé.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Trò chơi: “CẢM ƠN”.

– Chuẩn bị: Một gói bánh hoặc kẹo.

– Cách chơi: Cho các em ngồi vòng tròn. Khi giáo viên hô “Mời đứng lên!”, thì đồng loạt các em đứng lên; khi nghe hô “Mời bạn ngồi!” thì ngồi xuống ngay, nhưng đồng thời nói “cảm ơn” liền. Em nào nói chậm hoặc không nói thì bị mời ra và chờ phạt. Muốn cho vui nhộn thì giáo viên hô càng lúc càng nhanh hơn. Cuối cùng còn lại chừng hai em thì ngưng trò chơi, cho hai em đó nhận bánh và đi mời các bạn trong lớp cùng ăn, nhắc các em nhớ cảm ơn bạn.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Khi nãy các em đã chơi trò chơi “Cảm ơn” có vui không? Đó là lời nói mình nên dùng khi nào? (Cho các em trả lời – gợi ý: Khi được ai cho vật gì hoặc làm giúp mình điều nào đó). Khi cho bạn món đồ chơi nào đó hoặc mời bạn dùng bánh kẹo mà bạn không cảm ơn, các em có vui không? Chắc là không vui đâu, phải không? Chúa Jêsus cũng vậy. Kinh Thánh cho chúng ta biết điều nầy qua câu chuyện ngày hôm nay cô (thầy) sẽ kể cho các em nghe.

  1. Bài học.

Có lần kia, Chúa Jêsus đi đến một ngôi làng, có mười người bị bệnh phung tìm đến với Ngài. Các em có biết bệnh phung là bệnh gì không? Đó là bệnh cùi mà có một số người ăn xin ngoài đường chúng ta thường thấy, bị mắc phải. Họ rất đau đớn, khổ sở vì căn bệnh hành hạ và còn buồn vì không ai dám đến gần. Mọi người thân đều xa lánh họ. Khi biết Chúa Jêsus đi ngang qua đây, họ mừng lắm vì đã từ lâu nghe nói Ngài đầy quyền năng, làm nhiều phép lạ, chữa lành bệnh tật. Họ mong rằng sẽ được Chúa chữa lành cho. Họ cùng nhau kéo đến cầu xin Ngài chữa bệnh cho mình. Chúa Jêsus thấy họ rất đáng thương, nên chữa lành bệnh cho họ. Các em biết không, nếu được lành, da của họ trở nên sạch sẽ, mịn màng. Khi họ nhận biết trong người có sự thay đổi, nhìn thấy da thịt trở nên liền mịn, họ biết mình đã được lành rồi. Họ vui mừng lắm, vội chạy về để báo tin cho những người thân biết rằng mình đã được lành.

Nhưng trong mười người đó có một người làm gì các em biết không? (Cho các em thử trả lời) Người đó nhớ đến Chúa Jêsus, là người đã chữa lành cho mình, liền quay trở lại, gặp Chúa và cảm tạ Ngài, lớn tiếng ca ngợi Đức Chúa Trời nữa. Ông làm như vậy là có đúng không, các em? À, rất đúng, vì Chúa đã chữa lành cho ông, đã làm điều rất tốt cho ông, nên ông cảm tạ Ngài. Điều nầy rất đẹp lòng Chúa nên Chúa đã khen ông, và hỏi: “Còn mười người kia đâu? Sao chỉ có một mình ngươi trở lại ca ngợi Đức Chúa Trời?” Các em thấy không, chín người phung kia cũng đã được chữa lành, nhưng không biết cảm ơn Chúa. Làm như vậy là không đúng đâu, các em ạ, vì họ đã được người khác giúp đỡ cho mà lại không biết cảm ơn.

  1. Ứng dụng.

      Như vậy, các em muốn giống như người phung nọ hay giống như chín người kia? (Cho các em trả lời) Đúng rồi, chúng ta nên giống như người nầy, biết ơn Chúa và cảm tạ Chúa vì Chúa đã làm điều tốt cho mình. Nhất là những lúc cầu nguyện, chúng ta phải nhớ cảm ơn Chúa vì Ngài đã cho chúng ta mạnh khỏe, có cha mẹ, anh chị em để yêu thương, chăm sóc nhau, có bạn bè để vui đùa, trò chuyện… Khi có một người nào khác cho quà các em, hoặc giúp các em việc gì đó, các em cũng phải nhớ cảm ơn họ nhé. Làm như vậy, các em sẽ vui và người được cảm ơn cũng vui lắm đấy.

  1. BÀI TẬP.

* Chuẩn bị:

– Bút chì màu.

     * Thực hiện:

– Cùng các em làm bài tập “Cảm ơn”: Có nhiều nhân vật khác nhau (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, giáo viên, bạn bè), cho các em tìm xem người nào các em cần cảm ơn (giáo viên cần gợi ý cho các em những điều cần cảm ơn nơi mỗi người) và tô màu mà em thích (có thể tô tất cả).

– Nhắc lại cho các em biết phải nhớ cảm tạ Chúa mỗi khi cầu nguyện, cảm ơn người khác khi họ làm một việc gì đó cho mình. Như vậy các em mới là người lễ phép.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 10. NHỮNG NGƯỜI TRỢ GIÚP TỐT

I. KINH THÁNH: Giăng 1:35-51; Lu-ca 6:12-16; Mác 3:13-19.

II. CÂU GỐC: “Vì Đấng Christ không sai tôi đến để làm báp-têm nhưng để rao giảng Tin Lành” (1Cô-rinh-tô 1:17a).

III. BÀI HỌC.

Chúa Jêsus chọn mười hai môn đồ để giúp Ngài đi giảng đạo.

* Tô màu hình vẽ.

* Ai là người trợ giúp tốt?

Em vẽ cái nón cho người ấy rồi tô màu lên nhé.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 10. NHỮNG NGƯỜI TRỢ GIÚP TỐT

I. KINH THÁNH: Giăng 1:35-51; Lu-ca 6:12-16; Mác 3:13-19.

II. CÂU GỐC: “Vì Đấng Christ không sai tôi đến để làm báp-têm nhưng để rao giảng Tin Lành” (1Cô-rinh-tô 1:17a).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Jêsus chọn mười hai môn đồ để lo việc Chúa.

– Cảm nhận: Mỗi người đều có thể góp phần vào công việc Chúa.

– Hành động: Sẵn lòng nói về Chúa cho người khác.

* GIÁO VIÊN SUY GẪM.

Tin Lành Giăng 1:35-51, Lu-ca 6:12-16, Mác 3:13-19, ba đoạn Kinh Thánh nầy đều ghi lại sự việc Chúa Jêsus chọn các môn đồ. Trong Mác 3:14 đã cho thấy Chúa Jêsus chọn 12 môn đồ là để sai họ đi giảng đạo, đó cũng là điều Chúa làm: Rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Trời, kêu gọi người ta ăn năn, tin đạo Tin Lành để được cứu (tham khảo Mác 1:14-15). Đó cũng là mục đích Đức Chúa Trời sai Chúa Jêsus đến thế gian: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Như vậy, qua việc Chúa Jêsus chọn môn đồ, để môn đồ gia nhập vào công tác rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Trời, cho chúng ta nhận thấy một lẽ phải: Khi Chúa Jêsus đối diện với công tác trọng đại – truyền Tin Lành khắp thế giới – Ngài mời người khác cùng cộng tác. Hôm nay, nếu chúng ta đối diện với một việc không đủ khả năng đảm trách, cũng có thể suy nghĩ xem có nên mời người khác trợ giúp không.

Có bao giờ chúng ta gặp khó khăn, đối diện với sự việc mình không thể gánh vác, mà cảm thấy cô đơn, không phải là không muốn người khác giúp đỡ, mà là không muốn làm phiền người khác và sợ bị từ chối. Qua việc Chúa Jêsus chọn môn đồ, chúng ta nhận được một khải thị mới. Khi Chúa Jêsus kêu gọi họ, các môn đồ lập tức bỏ công việc mình, bằng lòng theo Chúa, tham gia vào công việc truyền Tin Lành. Như vậy sự đáp ứng của từng người không thể nào đoán trước được. Điều quan trọng là chúng ta có thể trừ bỏ trở ngại trong lòng, chịu mời người khác dù bị từ chối, nhưng cũng có khi lại được đáp ứng.

Còn nữa, nếu chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn cho chúng ta những gì cần thiết, thì phải tin rằng, Ngài đã chuẩn bị người giúp đỡ chúng ta. Do đó, chúng ta phải tích cực giúp các em hiểu rõ, khi nào các em có nhu cầu, các em có thể mời bạn bè hoặc người khác giúp đỡ, bởi vì Chúa Jêsus cũng mời người khác giúp đỡ. 

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Trò chơi: NHẶT GIÚP.

– Số lượng: Tất cả học viên trong lớp.

– Chuẩn bị: Một số vật dụng nhỏ như cây bút, cái mũ, chìa khoá, dép, khăn tay… (số lượng bằng gấp đôi số học viên trừ đi 1, ví dụ: 6 học viên thì có 6×2-1=11 vật dụng).

– Cách chơi: Cho các em đứng thành vòng tròn, nắm tay nhau, phía sau lưng các em cách khoảng 3m, đặt các vật dụng nằm rải rác. Khi nghe hiệu lịnh, các em bỏ tay ra, xoay một vòng từ phải qua trái thật nhanh. Nghe hiệu lịnh lần hai, bỏ tay ra, chạy về phía sau nhặt thật nhanh hai đồ vật, chạy đến đưa cho người hướng dẫn. Em nào chỉ nhặt được một đồ vật thì bị đứng ra ngoài. Người hướng dẫn bỏ bớt hai vật dụng và trò chơi lại tiếp tục cho đến khi còn một người chiến thắng.

* Chú ý: Mỗi lượt chơi, số lượng đồ vật phải gấp đôi số lượng người chơi trừ đi 1.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, các em đã là người giúp đỡ cô (thầy) rất tốt trong trò chơi vừa rồi. Để cô (thầy) xem, có bao nhiêu người giúp mình tất cả (dùng ngón tay trỏ đếm từng em trong lớp). À, như vậy là cô (thầy) có tất cả là (số em có trong lớp)… em, sẵn lòng giúp đỡ cô (thầy) trong công việc. Thật là tốt biết bao nhiêu! Các em biết không, Chúa Jêsus cũng có những người bạn giúp Ngài trong công việc nữa đó. Trong câu chuyện hôm nay, các em xem thử Chúa Jêsus có bao nhiêu người giúp đỡ nhé.

  1. Bài học.

Các em có thấy lạ không khi mà Chúa Jêsus là Đấng có quyền năng, làm tất cả mọi sự đều được, mà cũng cần có người giúp đỡ? (Cho các em trả lời). Thật ra, mỗi người đều cần có những người khác giúp đỡ mình. Chúa Jêsus cần nhiều người đem Lời của Cha trên trời nói cho những người khác biết, dạy dỗ họ trở nên những người tốt. Vì thế, Ngài đã chọn ra những người sẵn lòng để giúp đỡ Ngài trong công việc nầy.

Trước khi chọn người, Chúa Jêsus cũng cầu nguyện nữa đó. Ngài cầu xin Đức Chúa Trời cho Ngài chọn được những người tốt, siêng năng làm việc và yêu mến Ngài. Sau đó, Chúa Jêsus đi từ nơi nầy đến nơi khác để tìm người theo ý muốn của Ngài. Các em có biết Chúa chọn được bao nhiêu người không? (Cho các em đoán thử). Chúa chọn được mười hai người đó các em ạ. (Đi đến từng em, dùng bàn tay đặt nhẹ trên đầu mỗi em khi đếm) Các em đếm từ một đến mười hai đi nhé. Chúng ta bắt đầu… một, hai, ba… mười một, mười hai. Rồi, như vậy mười hai bạn mà cô (thầy) đã chọn đứng lên xem (cho các em đó đứng lên). Các em tưởng tượng xem, Chúa Jêsus đã chọn ra chừng nầy người để giúp Ngài. Họ được ở cùng Chúa Jêsus, đi với Chúa và rao giảng Tin lành cho nhiều người nghe. Ở với Chúa Jêsus mỗi ngày chắc là vui lắm, phải không các em? Đúng vậy, những người nầy rất vui khi được Chúa chọn và được cùng ở, cùng làm việc, cùng nghe Ngài dạy dỗ. Họ đã đi ra làm chứng cho nhiều người tin Chúa. Chúa Jêsus rất yêu thương họ và họ cũng rất kính yêu Ngài. Họ là những người bạn tốt của Ngài.

  1. Ứng dụng.

Các em có kính yêu Chúa không? Có muốn được làm bạn với Ngài không? Ngài rất yêu thương các em cũng như Ngài đã từng yêu thương những môn đồ nầy. Ngài cũng xem các em là những người bạn tốt của Ngài. Vậy các em có sẵn lòng nói về Chúa Jêsus cho những người bạn, những người thân của mình biết không? Nếu được như vậy, các em đã là những người giúp đỡ rất tốt của Chúa Jêsus đó.

C. BÀI TẬP.

* Chuẩn bị:

– Cho các em cắt hình của bài 10 trong trang cắt dán, tập học viên.

* Thực hiện:

– Làm bài tập “Họ là những người giúp đỡ của ai?”, cho các em tô màu lên hình Chúa Jêsus.

– Làm bài tập “Ai là người giúp đỡ tốt?” Cho các em xem kỹ hình vẽ, giáo viên gợi ý cho các em chỉ ra ai là người giúp đỡ tốt, dán cái nón lên đầu của người đó, rồi tô màu.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 9. GIÚP NGƯỜI BỊ NẠN                   

 I. KINH THÁNH: Lu-ca 10:30-35.

II. CÂU GỐC: “Hãy yêu thương nhau thân thiết như anh em; hãy hết lòng kính nhường nhau.” (Rô-ma 12:10).

Người Sa-ma-ri yêu thương, giúp đỡ người bị nạn.

* Ai làm đúng?

Em vẽ hình mặt vui vẻ bên cạnh hình nào mà em cho là làm đúng nhé.

* Làm thế nào?

Em băng vết thương lại cho bạn ấy.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 9. GIÚP NGƯỜI BỊ NẠN                   

I. KINH THÁNH: Lu-ca 10:30-35.

II. CÂU GỐC: “Hãy yêu thương nhau thân thiết như anh em; hãy hết lòng kính nhường nhau.” (Rô-ma 12:10).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Người Sa-ma-ri tỏ lòng yêu thương người bị nạn.

– Cảm nhận: Chúa muốn chúng ta yêu mến lẫn nhau.

– Hành động: Sẵn lòng yêu thương người khác như lời Chúa dạy.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Chuẩn bị:

– Photo lớn hình vẽ bài 9 trong sách giáo viên: Người đi đường bị cướp, thầy tế lễ đi qua, người Lê-vi đi qua, người Sa-ma-ri giúp người bị nạn. Đựng hình trong một hộp lớn.

* Thực hiện:

Khi các em vào lớp, cho các em giúp giáo viên chuẩn bị lớp học, như dán hình lên bảng, quét lớp, bày bàn ghế, lau bàn… để các em biết giáo viên cần được các em giúp đỡ.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, cô (thầy) rất vui vì được các em giúp đỡ sắp xếp lớp học, rất sạch sẽ và gọn gàng. Ai trong chúng ta cũng có lúc cần được người khác giúp đỡ và nếu được giúp, chắc chắn chúng ta sẽ vui lắm, phải không? Trong câu chuyện hôm nay, có một người cần được giúp đỡ, nhưng những người chung quanh người đó thì thế nào, chúng ta theo dõi câu chuyện sẽ rõ nhé!

  1. Bài học.

(Chỉ vào hình đầu tiên) Các em thấy gì trong hình nầy? Đây là một người đang đi đến thành Giê-ri-cô. Đến một chỗ vắng vẻ, ít người qua lại, người nầy bị bọn cướp chặn lại, đánh và làm cho bị thương rất nặng. Chúng cướp hết tiền bạc, đồ dùng của người ấy rồi bỏ đi. Người bị nạn nằm trên đường, rên la đau đớn lắm. Người đó không thể đứng dậy, không thể đi được để về nhà, không có ai quen để báo cho người nhà của ông biết hết, làm sao đây?

Ông chỉ biết nằm yên và chờ đợi. (Chỉ vào hình thứ hai) Một lúc lâu, ông nghe có tiếng bước chân người đang đi tới. À, có một người sắp đi qua. Người nầy là thầy tế lễ, là một người lo việc trong đền thờ của Chúa. Ông đến gần, thấy người bị thương chảy máu rất nhiều, nhưng nếu đụng đến sợ bị ô uế, không lo việc đền thờ được, nên chỉ nhìn, rồi bỏ đi luôn. Người bị nạn buồn lắm vì không được giúp đỡ. Ông lại phải tiếp tục nằm chờ đợi. (Chỉ vào hình thứ ba) Một lúc sau nữa, lại có một người khác đi tới, đó là một người Lê-vi. Người Lê-vi cũng là người giúp việc trong đền thờ, nhưng người nầy cũng nhìn rồi lại bỏ đi, không giúp gì cho người bị nạn cả.

(Chỉ vào hình thứ tư) Người bị nạn bây giờ buồn bã, không còn trông mong gì nữa, vết thương làm người nầy đau nhức và gần như mê man. Bỗng lúc đó có tiếng chân người lẫn tiếng chân lừa đi tới. Không biết người nầy sẽ thế nào đây?!! Người nầy là một người Sa-ma-ri. Các em biết không, người Sa-ma-ri là người lúc đó bị người ta ghét và không thích nói chuyện, gặp gỡ. Như vậy, có thể lắm người nầy cũng sẽ đi luôn. Nhưng không đâu, các em ạ, người nầy đã bước đến, xem xét người bị nạn, rồi lấy dầu xoa lên vết thương, lấy vải băng bó vết thương lại, đỡ người bị nạn lên lưng lừa của mình, rồi chở đi. Các em có biết ông đưa nạn nhân đi đâu không? (Cho các em trả lời) Đưa đến một quán trọ để chăm sóc cho đến khi có thể trở về nhà được. Người Sa-ma-ri nầy thật tốt phải không các em? Biết giúp đỡ bằng cách xoa dầu, băng bó vết thương, chăm sóc người bị nạn… Đó là những việc làm tốt mà Chúa dạy chúng ta phải biết làm cho người khác khi cần.

  1. Ứng dụng.

Các em ơi, Chúa Jêsus là Đấng sẵn lòng yêu thương giúp đỡ người khác. Chúa cũng muốn chúng ta noi gương Ngài, làm những việc tốt cho người khác. Ví dụ như ở nhà, các em giúp ba mẹ dọn cơm, rót nước mời khách, ẵm em…; khi vào lớp giúp thầy cô dọn dẹp, sắp xếp lớp học… Làm được việc tốt cho người khác, các em sẽ thấy vui và người được giúp cũng vui lắm.

C. BÀI TẬP.

* Chuẩn bị:

– Cắt hình khuôn mặt cười của bài 9 ở trang cắt dán tập học viên, băng keo băng vết thương (có thể thay thế bằng giấy trắng cắt nhỏ), hồ dán.

* Thực hiện:

– Cho các em nhìn vào trang đầu của bài tập bài 9, và dán hình mặt cười vào bên cạnh hình nào mà các em cho là làm đúng.

– Mở phần bài tập “Làm thế nào?”, hỏi các em: “Người bạn nầy bị thương, các em có giúp đỡ bạn ấy không?” Sau đó cho các em lấy băng keo dán lên vết thương của bạn trong hình vẽ. Khi đã xong, khen các em giống người Sa-ma-ri, biết giúp đỡ người khác.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 8. BÀN TAY QUYỀN NĂNG

I. KINH THÁNH: Mác 1:29-31; Ma-thi-ơ 8:14-15.

II. CÂU GỐC: “Ta cảm tạ Đấng ban năng lực cho ta là Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta, vì Ngài đã xét ta là trung tín và chỉ định ta phục vụ Ngà.” (1Ti-mô-thê 1:12).

III. BÀI HỌC.

Chúa Jêsus chữa lành cho bà cụ bị sốt.

* Tô màu hình vẽ.

* Họ là ai? Em hãy nối các dấu chấm lại để biết nhé.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 8. BÀN TAY QUYỀN NĂNG

I. KINH THÁNH: Mác 1:29-31; Ma-thi-ơ 8:14-15.

II. CÂU GỐC: “Ta cảm tạ Đấng ban năng lực cho ta là Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta, vì Ngài đã xét ta là trung tín và chỉ định ta phục vụ Ngà.” (1Ti-mô-thê 1:12).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Jêsus chữa lành cho bà cụ bị sốt.

– Cảm nhận: Chúa là Đấng chăm sóc chúng ta.

– Hành động: Cảm tạ Chúa về sự chăm nom của Ngài.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

Giáo viên giả làm người mắc một căn bệnh nào đó và nêu câu hỏi để giúp cho các em tìm hiểu và biết cách giữ gìn, phòng bệnh, hoặc chữa bệnh. Ví dụ như giáo viên giả vờ ho và lấy khăn lau mũi, rồi hỏi các em là bệnh gì (bệnh ho, sổ mũi), ngừa bệnh thế nào (nên mặc đồ ấm khi trời lạnh), khi bệnh phải làm sao (cầu nguyện, uống thuốc đúng theo toa bác sĩ cho, nghỉ ngơi cho mau lành)… Giáo viên lại tiếp tục bệnh khác…

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, những bệnh mà chúng ta thử làm khi nãy, các em có thường mắc phải không? (Cho các em trả lời). Khi bệnh, các em sẽ làm gì? (Mời một em trả lời – giáo viên gợi ý: Đi khám bệnh, uống thuốc, nghỉ ngơi dưỡng bệnh). Hôm nay, chúng ta cũng sẽ nghe kể về một người bệnh, và người bệnh nầy có làm giống như chúng ta không nhé!

  1. Bài học.

Hôm ấy là ngày Chúa nhật, khi nhóm xong, Chúa Jêsus rời khỏi nhà hội để đến thăm nhà của ông Phi-e-rơ. Các em có nhớ ông Phi-e-rơ không? Phi-e-rơ là người đi đánh cá đó các em, bây giờ ông theo Chúa, làm bạn của Chúa Jêsus rồi.

Chúa Jêsus và các môn đồ được báo tin là bà mẹ vợ của ông Phi-e-rơ đang bị bệnh sốt, nằm trên giường. Các em có bị sốt lần nào chưa? Sốt là cơ thể mình bị nóng lên, rất nóng. Khi bị sốt, các em cảm thấy rất mệt, khát nước, nằm mê man, không biết gì và phải nằm một chỗ mà thôi, không đi học, chạy nhảy, hay chơi đùa gì được cả. Nghe tin bà bị bệnh như vậy, Chúa Jêsus vừa đến nơi, liền vào thăm bà ngay. Chúa bước đến gần, cầm tay của bà, đỡ bà dậy. Các em biết không, ngay lúc đó, bệnh của bà đã được lành! Bà không còn bị sốt nữa, cơ thể của bà đã mát rồi. Bà cảm thấy thật là khoẻ khoắn. Khi được hết bệnh, các em có thích nằm trên giường nữa không? Các em sẽ làm gì? (Cho các em trả lời – gợi ý: Chạy nhảy, chơi đùa với các bạn, làm việc nhà giúp ba mẹ, đi học…). À, vậy thì bà mẹ vợ của ông Phi-e-rơ cũng như thế đó, các em. Bà bước xuống khỏi giường, cảm ơn Chúa Jêsus rồi đi lại, nói cười vui vẻ. Bà rót nước mời Chúa Jêsus và các bạn của Chúa uống, rồi bà xuống bếp chuẩn bị nấu một bữa ăn thật ngon để đãi khách.

Chúa Jêsus có đôi bàn tay quyền năng. Ngài sẵn lòng cứu giúp mọi người, nhất là những người cần đến Ngài, phải không các em? Trong câu chuyện nầy, Chúa Jêsus giống như một vị bác sĩ giỏi, đã chữa cho bà cụ được lành bệnh ngay.   

  1. Ứng dụng.

Qua những câu chuyện trước, các em đã biết Chúa Jêsus chữa lành cho người đàn bà bị cong lưng, một bé trai bị bệnh nặng, giúp đỡ người đánh cá đánh được nhiều cá và giúp các bạn Ngài bình yên trong cơn bão. Hôm nay, các em lại biết được Chúa chữa lành cho bà cụ bị sốt. Như vậy, trong bất cứ lúc nào, bất cứ việc gì, các em cần sự giúp đỡ thì nên nhớ đến Chúa nhé. Ngài là Đấng luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Các em cũng nhớ cảm tạ Chúa vì Chúa luôn yêu thương và chăm sóc chúng ta mỗi ngày.

C. BÀI TẬP.

– Cho các em làm phần bài tập “Họ là ai?” trong bài 8, tập học viên: Các em nối liền những dấu chấm trong hình, rồi hỏi các em: “Đó là ai?” “Vì sao có thể dậy làm việc được?” “Ai đã chữa lành cho bà?”

– Tô màu hình vẽ trong tập học viên.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 7. CƠN BÃO BAN ĐÊM                                            

I. KINH THÁNH: Mác 4:35-39.

II. CÂU GỐC: “Vì Chúa đã giúp đỡ tôi” (Thi thiên 63:7a).

III. BÀI HỌC.

Chúa Jêsus dẹp tan cơn bão, cứu các môn đồ khỏi sự nguy hiểm.

* Tô màu hình vẽ.

* Làm thế nào vượt qua cơn bão lớn? Em hãy dán hình Chúa Jêsus vào đúng vị trí.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 7. CƠN BÃO ĐÊM                             

 I. KINH THÁNH: Mác 4:35-39.

II. CÂU GỐC: “Vì Chúa đã giúp đỡ con” (Thi thiên 63:7a).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa giúp cho môn đồ được bình an khi họ gặp nguy hiểm.

– Cảm nhận: Chúa luôn giúp đỡ đúng lúc.

– Hành động: Tin và nhờ cậy Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Chuẩn bị:

– Một thau nhựa lớn có chứa nước.

– Một chiếc thuyền hơi lớn bằng đồ chơi hoặc làm bằng giấy.

– Cái quạt giấy, hình người bằng giấy, vài đồ vật nhẹ như nút chai, khăn tay, chìa khóa (làm hàng hoá).

* Thực hiện:

– Tạo cơn bão: Cho các em ngồi thành vòng tròn, đem thau nước để giữa vòng tròn, đặt chiếc thuyền vào trong thau nước, để hình người, các vật dụng nhẹ lên chiếc thuyền. Cho các em đến gần, thổi mạnh vào xem khi nào thì người và hàng hoá bị rơi xuống biển. Cuối cùng giáo viên lấy quạt, quạt mạnh vào, tạo áp lực của gió, để các em thấy cảnh bão lớn, thuyền chao nghiêng và sắp chìm như thế nào.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, các em có thích trò chơi lúc nãy không? (Cho các em trả lời). Trò chơi thì rất vui, nhưng trong thực tế, thuyền thật sự gặp bão thì lại kinh khiếp vô cùng. Các em yên lặng nghe cô kể lại câu chuyện nầy nhé.

  1. Bài học.

Một đêm kia, Chúa Jêsus cùng các bạn của Ngài chèo thuyền đi sang một nơi khác, Chúa Jêsus vì rất mệt nên đã ngủ say trên thuyền. Thình lình có một cơn gió mạnh thổi đến, làm sóng càng lúc càng to, cũng như lúc nãy các em thổi mạnh vào chiếc thuyền vậy. Chiếc thuyền bị đảo qua đảo lại, sóng lớn ập tới, thuyền sắp bị chìm. Lúc ấy, Chúa Jêsus vẫn còn ngủ.

Những người bạn của Chúa Jêsus chưa từng thấy cơn bão lớn như vậy, nên họ rất sợ hãi. Nếu chính các em là người đang ngồi trên chiếc thuyền đó, các em có sợ không? (Cho các em trả lời). Lúc ấy, những người bạn của Chúa nghĩ đến Ngài. Họ lập tức đi tìm Ngài.

Họ kêu lớn: “Thầy ơi, mau dậy đi, cứu chúng tôi, thuyền chúng ta sắp chìm rồi, thầy ơi!” Chúa Jêsus thức dậy, Ngài ra phía trước thuyền, giơ tay ra và phán: “Sóng, gió hãy yên lặng đi!” Thật là lạ lùng, sóng và gió bão ngưng ngay, biển thật êm đềm! Lúc ấy, Chúa Jêsus mới quay sang nói với họ: “Sao các ngươi sợ hãi? Các ngươi không có đức tin sao?” Các em có biết vì sao Chúa quở trách họ không? Đó là vì họ từng ở gần Chúa rất lâu mà họ không nhìn biết Chúa là Con của Đức Chúa Trời, là Đấng có quyền phép, làm được tất cả mọi sự. Họ không có đức tin nơi Chúa, nên Chúa rất buồn.

  1. Ứng dụng.

Chúa cũng yêu thương các em và sẵn lòng giúp đỡ các em, khi các em tin và nhờ cậy Chúa. Nếu các em không có lòng tin nơi Chúa, không nhờ cậy Chúa, thì Chúa sẽ buồn lắm đó.

C. BÀI TẬP.

* Chuẩn bị:

– Viết chì màu, kéo, hồ dán.

– Cắt hình Chúa Jêsus trong trang cắt dán.

* Thực hiện:

– Các em dán hình Chúa Jêsus vào chiếc thuyền trong bài tập “Làm thế nào vượt qua cơn bão lớn?” Và cho biết cách các môn đồ thoát được nguy hiểm của cơn bão (nhờ Chúa Jêsus dẹp tan cơn bão).

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 6. LÒNG TIN CỦA MỘT VỊ QUAN  

 I. KINH THÁNH: Giăng 4:46-54.

II. CÂU GỐC: “Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, Chúa sẽ đỡ người ấy dậy; nếu người bệnh có phạm tội, cũng sẽ được tha.” (Gia-cơ 5:15).

III. BÀI HỌC.

Chúa chữa lành bịnh cho bé trai bởi đức tin của người cha.

* Tô màu hình vẽ.

* Em hãy dán hình bé trai vào vị trí thích hợp.