Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

By Mai Hdenayun in THIẾU NHI on 19 Tháng Tám, 2024

BÀI 7. CHÚA CHỊU THƯƠNG KHÓ

 

I. KINH THÁNH: Lu-ca 23:26-55, Giăng19:17-42.

II. CÂU GỐC:Chính Đấng Christ cũng đã vì tội lỗi chịu chết một lần đủ cả, là Đấng công chính thay cho kẻ bất chính, để đem chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; Ngài đã chịu chết về phần thể xác, nhưng được sống về phần tâm linh” (1Phi-e-rơ 3:18).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Chúa Jêsus chịu chết trên thập tự giá để đưa các em đến với Đức Chúa Trời.

– Cảm nhận: Chúa Jêsus yêu các em vô cùng, đến nỗi hi sinh chính mạng sống của Ngài vì các em.

– Hành động: Biết ơn và ca ngợi Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. CHUẨN BỊ.

   Hướng dẫn các em chơi trò chơi để ôn lại các sự kiện trong tuần lễ cuối cùng trước khi Chúa Jêsus chịu chết.

   Chuẩn bị các tờ bìa 4x6cm, trên mỗi tờ, giáo viên viết những việc xảy ra trong tuần lễ cuối cùng, như các môn đồ đi dắt lừa con, Chúa Jêsus vào thành Giê-ru-sa-lem, dân chúng reo hò đón Ngài, Chúa Jêsus dẹp sạch đền thờ, bữa tiệc cuối cùng, vườn Ghết-sê-ma-nê, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phản Chúa, Phi-e-rơ chối Chúa…

  1. Chia lớp thành hai nhóm, các em sẽ thi đua xếp các tấm bìa theo đúng trình tự đã xảy ra.
  2. Cũng chia lớp thành hai nhóm, mỗi nhóm lần lượt rút thăm 1 tấm bìa, rồi diễn kịch câm để nhóm kia đoán xem việc gì.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

   (Cho các em chơi trò chơi trong phần chuẩn bị).

   Sau khi kết án Chúa Jêsus, Phi-lát giao Ngài cho dân chúng. Lúc đó vào khoảng 8-9 giờ sáng, Chúa Jêsus bị giải đi hành hình.

    Rất nhiều người đi theo xem Chúa Jêsus bị hành hình, trong đó có cả quân lính, các thầy tế lễ, và các thầy thông giáo. Cùng bị hành hình với Chúa Jêsus là hai tên cướp. Quân lính giải Chúa Jêsus ra ngoài thành Giê-ru-sa-lem (giúp các em xác định đường đi trên bản đồ), đến một cái đồi hoang vắng, đây là một nơi dùngđể xử tử phạm nhân. Suốt đêm qua Chúa Jêsus không được ngủ, nay lại phải vác cây thập tự bước đi trên đường gập ghềnh. Những người lính thấy Ngài kiệt sức, không thể vác được nữa, thì ngay lúc đó có một người nông dân tên là Si-môn đi ngang qua. Họ bắt Si-môn vác cây thập tự giúp Ngài.

  1. Bài học.

(1) Địa điểm Chúa Jêsus chịu thương khó.

   Kinh Thánh nói: “Khi đến một chỗ gọi là chỗ Sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự tại đó, cùng hai tên trộm cướp, một tên bên hữu Ngài, một tên bên tả” (Lu-ca 23:33). (Gọi theo tiếng La-tinh là đồi Sọ, nhưng theo tiếng Hê-bơ-rơ là Gô-gô-tha.

   Chỉ trên bản đồ). Gô-gô-tha là một núi đá nhỏ, ít gập ghềnh và tương đối bằng phẳng, cao khoảng chừng mười thước và đặc biệt hình dáng của núi nầy rất giống cái sọ người, có lẽ vì vậy mà người ta gọi nó là đồi Sọ.

  Theo tục lệ thời đó, Phi-lát phải ghi tội trạngcủa Chúa Jêsus trên miếng gỗ gắn phía sau đầu Ngài, vì vậy phía trên đầu Ngài có ghi rằng: “JÊSUS NGƯỜI NA-XA-RÉT, LÀ VUA DÂN GIU-ĐA” (Giăng19:19). Để tất cả mọi người đều có thể đọc và hiểu được, nên câu ấy được viết bằng ba thứ tiếng: Hê-bơ-rơ, La-tinh và Hy-lạp (Giăng19:20).

(2) Tình yêu của Chúa khi chịu thương khó.

   Dân chúng đứng đó xem cuộc hành hình. Các thầy tế lễ, thầy thông giáo chế nhạo Ngài: “Nó đã cứu kẻ khác. Nếu nó thật là Đấng Christ, người được chọn của Đức Chúa Trời, thì hãy để nó tự cứu mình đi!” (Lu-ca 23:35). Cùng lúc đó, quân lính phụ trách việc hành hình Giành nhau áo xống của Ngài. Họ định xé áo Ngài ra thành bốn phần, mỗi người một phần. Nhưng sau họ nghĩ lại: “Đừng xé áo nầy ra, chúng ta hãy bắt thăm, ai trúng nấy được”. Họ làm như vậy mà không hề biết rằng điều nầy đã ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh (tham khảo Thi Thiên 22:18).

   Trong khi đó, Chúa Jêsus trên cây thập tự cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì”.

   Một tên trộm cướp bị đóng đinh bên cạnh cũng chế nhạo Ngài rằng: “Anh không phải là Chúa Cứu Thế sao? Hãy tự giải thoát và cứu bọn tôi với”. Nhưng tên kia trách nó rằng: “Hình phạt chúng ta chịu thật xứng đáng với việc chúng ta làm, còn người nầy vô tội”. Xong, anh ta quay sang thưa với Chúa: “Thưa Chúa, khi về Nước Chúa, xin nhớ đến con”. Chúa Jêsus thấy người nầy ăn năn tội, tin nhận Ngài, thì đáp lời cầu xin: “Hôm nay, con sẽ ở với Ta trên thiên đàng”.

   Khoảng từ giữa trưa cho đến ba giờ chiều hôm ấy, khắp xứ đều tối tăm mù mịt, mặt trời bị che khuất, không gian như một màn đen bao phủ.

   Bỗng nhiên, Chúa Jêsus phán lớn: “Mọi việc đã trọn” (Giăng19:30). “Thưa Cha! Con xin giao linh hồn trong tay Cha” (Lu-ca23:46). Lúc Chúa Jêsus chết, cả không gian chấn động, bức màn ngăn nơi thánh và nơi chí thánh trong đền thờ thình lình xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Chúa Jêsus đã làm trọn phận sự mà Đức Chúa Trời giao cho Ngài ở thế gian.

   Đám đông lúc nảy còn nhạo báng, cười cợt Chúa Jêsus, giờ họ sững sờ kinh ngạc. Một viên đại đội trưởng La-mã đứng gần cây thập tự thấy trời tối sầm lại, thấy Chúa Jêsus chết như vậy, thì nói: “Thật chính người là người công bình” (Lu-ca 23:47), “Người nầy quả thật là Con Đức Chúa Trời” (Mác 15:39).

   Dân chúng tận mắt chứng kiến Chúa Jêsus trút hơi thở cuối cùng đều đấm ngực ra về, còn những người bạn của Ngài đứng ngó từ xa.

(3) Chúa Jêsus được chôn sau khi chịu thương khó.

    Chúa Jêsus có nhiều kẻ thù, nhưng cũng có nhiều bạn. Trong đó, Giô-sép là một người bạn tốt của Chúa Jêsus. Sau khi Chúa Jêsus chết, ông đến gặp Phi-lát xin xác Chúa để chôn, dù việc nầy có thể khiến ông bị bắt vì tự nhận là bạn của Chúa Jêsus. Giô-sép là người giàu có, ông có một ngôi mộ mới trong sườn núi, chưa chôn ai hết (Mộ giống như cái động được đục trong đá, có thể chôn đến tám người).

   Phi-lát đồng ý. Ngay lập tức, Giô-sép và Ni-cô-đem (Các em còn nhớ Ni-cô-đem không?) hạ xác Chúa xuống. Họ gấp rút làm xong trước khi trời tối, vì ngày mai là ngày Sa-bát, không ai được chạmvàongười chết. Hai người lấy vải gai mịn và thuốc thơm tẩm liệm thi hài Chúa, rồi sau đó cẩn thận đặt vào trong mộ.

   Có mấy người phụ nữ đến xem Giô-sép và Ni-cô-đem đặt xác Chúa Jêsus vào mộ, rồi lấy đá lấp cửa mộ lại. Khi trở về, họ sắm sửa thuốc thơm và sáp thơm để sau ngày Sa-bát sẽ mang đến mộ.

   Ngày hôm sau, các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si đến gặp Phi-lát xin rằng: “Chúng tôi nhớ người nầy khi còn sống nói rằng: Sau ba ngày, Ta sẽ sống lại. Vậy xin tổng trấn ra lệnh canh gác mộ thật nghiêm nhặt suốt ban gày, kẻo môn đồ nó đến lấy trộm xác đi rồi phao tin nó sống lại”.

   Được Phi-lát đồng ý, họ cho niêm phong cửa mộ, và cắt lính canh gác cẩn thận.

  1. Ứng dụng.

   Các em thân mến! Có lẽ các em thường nghe câu chuyện nầy, nhất là vào dịp Lễ Thương khó và Phục sinh, nhưng thật ra các em không nên chỉ nhớ đến sự thương khó của Chúa khi nghe đến chuyện ấy, mà luôn biết ơn sự hy sinh của Ngài.

   Tuy các em không có mặt trong đám đông chứng kiến Chúa Jêsus chịu thương khó, nhưng các em nên biết chắc rằng Chúa Jêsus chết là vì các em (Tham khảo câu gốc tuần nầy). Sự hy sinh của Chúa Jêsus có liên quan gì đến sự sống của các em không? (Cho các em trả lời). Sự hy sinh của Chúa đưa các em đến với Đức Chúa Trời và hưởng được nhiều ơn của Ngài.

   Ê-phê-sô 1:7 chép:  “Chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài”.

   Rô-ma 8:16: “Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời”.

   Các em suy gẫm tình yêu của Chúa Jêsus đã dành cho các em, và có hành động xứng đáng với tình yêu ấy như: Tin nhận Ngài, quyết là con ngoan của Chúa, biết ơn Chúa, nói về sự chết của Chúa cho bạn bè.

Post CommentLeave a reply