Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

By Mai Hdenayun in THIẾU NHI on 19 Tháng Tám, 2024

BÀI 12. VUI LÒNG DÂNG HIẾN

 

I. KINH THÁNH: Lu-ca 21:1-4; Giăng 12:1-8; Công Vụ 4:32-37.

II. CÂU GỐC: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay là vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng” (2Cô-rinh-tô 9:7).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Đức Chúa Trời muốn em dâng hiến tiền bạc, tài năng, thời gian, bản thân cho Chúa.

– Cảm nhận: Vui lòng dâng hiến vì em yêu mến Chúa và Đức Chúa Trời rất vui lòngvề thái độ đó.

– Hành động: Vạch kế hoạch dâng hiến tiền bạc, tài năng, thời gian và bản thân cho Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. CHUẨN BỊ.

  1. Kiểm tra các em đã gởi thiệp mời bạn mới chưa, trễ nhất là tuần nầy phải gởi, để các bạn tham gia quí tới.
  2. Hướng dẫn các em làm thủ công “Hộp dâng hiến”, giúp các em nhớ dâng hiến thường xuyên cho Chúa bằng nhiều cách có thể làm được.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   Các em thân mến! Các em đã được nghe nói nhiều về tấm lòng của Đức Chúa Trời đối với các em, mà quan trọng nhất là Ngài cho các em trở thành con cái Ngài. Vì các em là con cái Chúa, nên Chúa muốn các em trở thành những người con khỏe mạnh, trưởng thành. Ngoài ra, Chúa còn muốn các em làm gì nữa? (Để các em suy nghĩ).

   Thật ra, Chúa muốn các em làm nhiều việc: Đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và làm chứng về Chúa Jêsus. Hôm nay, các em sẽ học một điều nữa: Dâng hiến. Nhiều khi các em nghĩ dâng hiến là việc của người lớn. Nhưng các em nghĩ lại xem, sự suy nghĩ đó có đúng không? Các em sử dụng tiền bạc bamẹ chomỗi ngày như thế nào? Các emcó dâng hiến một phần số tiền nầy cho Chúa không? Hay các em cho mình quyền sử dụng hết số tiền đó, muốn làm gì thì làm? (Có thể có nhiều em không đồng ý dâng hiến, giáo viên nên lắng nghe các em giãi bày lý do, rồi tiếp tục giảng dạy, mong rằng lời Đức Chúa Trời thông qua bài học nầy được các em tiếp thu và vâng theo).

Bài học nầy giúp các em tìm hiểu những vấn đề chính của sự dâng hiến.

– Thái độ dâng hiến như thế nào?

– Dâng hiến những gì?

– Có cần dâng hiến không?

  1. Bài học.

(1) Thái độ dâng hiến.

     a. Sự dâng hiến của bà góa nghèo.

   Một hôm, Chúa Jêsus dạy dỗ dân chúng ở đền thờ xong, thì đi sang hành lang dành cho phụ nữ. Đó là một hành lang ngay phía trước đền thờ. Dọc theo tường hành lang có 13 thùng dâng hiến để các phụ nữ bỏ tiền vào đó dâng cho Đức Chúa Trời.

   Chúa Jêsus nhìn thấy nhiều người đàn bà mặc quần áo sang trọng bước vào, bỏ nhiều tiền vào thùng dâng hiến. Một lúc sau, một bà góa bước vào. Bà góa nầy mặc quần áo cũ kỹ, nhìn qua ai cũng biết bà rất nghèo, có lẽ chồng bà chết đã lâu, nên bà không có tiền mua quần áo mới. Nhưng bà góa nầy rất yêu mến Chúa, bà muốn dâng hiến cho Chúa một số tiền để bày tỏ lòng kính yêu Đức Chúa Trời. Thế là bà nhìn quanh, thấy không có ai chú ý liền rón rén bước đến thùng dâng hiến, bỏ vào đó hai đồng tiền, đơn vị tiềntệ nhỏ nhất thời đó, nhưng tấm lòng bà đối với Chúa thật lớn. Bà muốn dâng hiến vì bà vô cùng yêu thương Chúa.

   Bà góa nghèo rón rén bỏ tiền vào thùng xong, vội đi ngay. Bà không muốn mọi người thấy và chú ý đến mình. Nhưng Chúa Jêsus thấy rất rõ. Có lẽ không ai cảm động vì của lễ nhỏ nhoi của bà, nhưng Chúa Jêsus rất cảm động vì Ngài biết hai đồng tiền đó là tất cả những gì bà góa có. Sau khi dâng xong, bà sẽ không còn tiền để mua thứ căn trong ngày. Có thể nói, bà đã dâng hết tài sản của mình cho Chúa.

   Chúa Jêsus gọi các môn đồ đến, Ngài phán: “Bà góa nghèo khổ nầy đã dâng nhiều hơn tất cả những người kia!”

Các em thấy lạ không? Chúa Jêsus giải thích rõ rằng số tiền bà góa dâng hiến tuy ít ỏi, nhưng đó là tất cả những gì bà có. Còn những người giàu dâng hiến nhiều tiền, nhưng đó là tiền của dư thừa. Chúa Jêsus không đánh giá sự dâng hiến qua số tiền nhiều hay ít, mà Ngài đánh giá qua tấm lòng. Vì yêu mến Đức Chúa Trời, nên người đàn bà góa nghèo đã dâng hết cho Chúa số tiền ít ỏi của mình.

      b. Sự dâng hiến của Ma-thê và Ma-ri.

   Dâng hiến không có nghĩa là chỉ dâng tiền bạc cho Chúa, mà chúng ta còn có thể dâng nhiều thứ khác cho Đức Chúa Trời. Có một lần, Chúa Jêsus cùng các môn đồ đến thăm một gia đình nọ, chúng ta xem họ dâng hiến cho Chúa những gì?

   Đó là gia đình của ba anh em: La-xa-rơ, Ma-thê và Ma-ri. Các em còn nhớ những người nầy không? (Cho các em nhắc sơ lại). Gia đình nầy rất yêu mến và biết ơn Chúa, vì Ngài đã làm nhiều điều cho họ.

   Hôm đó, trong khi Ma-thê chuẩn bị bữa ăn tối để đãi Chúa Jêsus, thì Ma-ri lấy chai dầu cam tùng hương nguyên chất rất quí giá, đổ dầu ra xức chân Chúa, rồi lấy tóc mình lau chân Ngài, hương thơm ngào ngạt khắp nhà (Giăng 12:3). Thấy hành động của Ma-ri, có người tức giận nói: “Thật phí của! Bình dầu thơm nầy rất qúi giá, sao chị không đem bán, lấy tiền giúp người nghèo!”

   Chúa Jêsus không trách Ma-ri. Ngài biết Ma-ri dâng hiến để tỏ lòng yêu mến Ngài. Chúa Jêsus phán: “Hãy để mặc người, người đã để dành dầu thơm nầy cho ngày chôn xác Ta”.

   Như vậy, Ma-ri và Ma-thê đã dâng hiến gì cho Chúa Jêsus? (Cho các em trả lời. Ma-thê đã dâng hiến tài năng và thời gian để chuẩn bị bữa tối thật ngon đãi Chúa, còn Ma-ri dâng hiến lòng yêu mến, giống như người đàn bà góa dâng hết mọi thứ mình có. Ma-ri và Ma-thê đã làm điều mình có thể làm được).

   Theo các em, sự dâng hiến của Ma-thê và Ma-ri có bằng sự dâng hiến của người đàn bà góa nghèo khổ không? (Nếu các em không biết trả lời, giáo viên có thể đợi dạy hết bài rồi hỏi lại).

     c. Sự dâng hiến của một địa chủ.

   Các em xem sự dâng hiến của một người khác: Một địa chủ. Sau khi Chúa Jêsus về trời, các môn đồ thành lập một Hội Thánh ở Giê-ru-sa-lem. Mục tiêu của Hội Thánh là hầuviệc và thờ phượng Chúa. Vì yêu mến Đức Chúa Trời nên họ nhóm lại, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau.

   Lúc đó, các tín đồ đều cho rằng tất cả mọi thứ họ có được như: Ruộng đất, trâu bò, nhà cửa…đều do Đức Chúa Trời ban cho. Các tín đồ ở Giê-ru-sa-lem muốn được sống một cuộc sống mà mọi thứ đều là của chung. Những người giàu có bán ruộng đất, đem tiền dâng hiến cho Hội Thánh, Hội thánh dùng số tiền nầy giúp đỡ những tín đồ nghèo khổ, những người đàn bà góa. Họ làm vậy hoàn toàn vì yêu mến Chúa, chứ không ai ép buộc, họ vui lòng dâng hiến.

   Nổi bật nhất là một địa chủ tên Ba-na-ba. Ông yêu Chúa vô cùng, nên bán ruộng đất, sản nghiệp của mình, dâng hết tiền bạc cho Chúa, không để lại đồng nào cho bản thân. Khi chia sẻ hết gia tài của mình cho các con cái Chúa trong Hội Thánh, Ba-na-ba không mất mát mà ngược lại, người sống vui sướng nhất là ông.

(2) Của lễ quí giá nhất.

   Bây giờ, các em so sánh sự dâng hiến của Ma-thê, Ma-ri, Ba-na-ba và của người đàn bà góa nghèo khổ? Đức Chúa Trời thấy thế nào? (Đợi các em suy nghĩ và nêu ý kiến, giáo viên cần nhấn mạnh: Đức ChúaTrời không xem trọng tiền dâng hiến nhiều hay ít, mà Ngài xem trọng tấm lòng người đó đối với Ngài). Trong mắt Đức Chúa Trời, cả bốn sự dâng hiến ấy đều đẹp lòng Chúa, vì cả bốn người đều vui lòng dâng hiến, chứng tỏ họ rất yêu mến Đức Chúa Trời.

   Ngoài tiền bạc, chúng ta có thể dâng hiến nhiều thứ. Ma-thê dâng hiến những gì? (Thời gian, khả năng). Còn Ma-ri cũng không dâng hiến tiền bạc, mà dâng hiến bình dầu, có lẽ là thứ quí giá nhất mà cô có.

   Sự dâng hiến của bốn người: Bà góa, Ba-na-ba, Ma-thê, Ma-ri giống và khác nhau ở chỗ nào? (Cho các em trả lời. Cần nhấn mạnh: Dâng hiến không chỉ là tiền bạc, mà còn là thời gian, tài năng, hoặc chia sẻ với bạn bè trong Hội Thánh những gì mình có).

   Các em cùng thảo luận ví dụ cụ thể sau.

   Em cầu nguyện xin Chúa cho có tiền mua bộ đồ chơi xe lửa. Bây giờ em đã có đủ. Nhưng Chúa cảm động em dâng hiến. Em có dâng hiến một phần số tiền đó cho Chúa không? Nếu dâng hiến thì em không đủ tiền mua đồ chơi nữa. Bây giờ có hai cách: (1)Mua đồ chơi trước, sauđó để dànhtiềndânghiến sau. (2) Dâng hiến trước, rồi để dành tiền mua bộ đồ chơi sau. Em chọn cách nào? Tại sao? (Giúp các em hiểu: Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của em, em phải tạ ơn Ngài. Bây giờ em có khả năng dâng hiến, nhưng em cứng lòng không chịu làm, dần dần em sẽ rơi vào tình trạng không bao giờ thỏa mãn với những gì mình có, không biết tạ ơn Chúa, và không bao giờ dâng hiến. Nên nhớ rằng Chúa ban cho các em năng lực làm việc, và Ngài không bao giờ phụ lòng người đã vui lòng dâng hiến cho Ngài).

  1. Ứng dụng.

   Các em thân mến! Có khi nào các em thắc mắc như thế nầy chưa? “Chúng ta dâng hiến cho Hội Thánh, sao lại nói dâng hiến cho Chúa?” (Số tiền dâng hiến đó được sử dụng để làm công việc Chúa).

Tóm lại: Sau khi học bài nầy, các em nhận được sự dạy dỗ gì về sự dâng hiến? (Khuyến khích các em trả lời).

– Thứ nhất: Chúa Jêsus không nhìn vào của dâng mà nhìn lòng tấm lòng của người dâng. Tấm lòng quan trọng hơn của lễ, nên các em không cần e ngại khi mình chỉ có số tiền dâng ít quá. Nếu ít nhưng tấm lòng em yêu mến Chúa và dâng với thái độ trân trọng thì các em vẫn được Chúa khen ngợi.

– Thứ hai: Em không nên nghĩ rằng: “Em còn nhỏ nên chưa có chi dâng cho Chúa!”. Có thể dâng hiến cho Chúa thời gian  (đọc Kinh Thánh, thờ phượng Chúa, quét dọn nhà thờ, thăm viếng…), khả năng (hát, trang trí phòng học, tiếp đón bạn mới…), dâng hiến chính bản thân mình cho Chúa. Khi các em làm cho một ai thì cũng là các em đang làm cho Chúa. Những ngày qua các em đã sắp xếp thời gian dành cho Chúa như thế nào? Các em miễn cưỡng dâng hiến hay xuất phát từ tấm lòng yêu mến Chúa. Nên nhớ Chúa Jêsus yêu mến những người dâng hiến cách vui lòng, và dĩ nhiên Ngài sẽ ban phước cho người đó.

Post CommentLeave a reply