BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024
By Mai Hdenayun in THIẾU NHI on 19 Tháng Tám, 2024
BÀI 9. ĐỜI SỐNG MỚI
I. KINH THÁNH: Giăng 3:1-21.
II. CÂU GỐC: “Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào”. (Ê-phê-sô 2:8-9).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em
– Biết: Muốn vào nước Đức Chúa Trời, phải có một đời sống mới.
– Cảm nhận: Đời sống được đổi mới là nhờ ân điển Chúa ban cho, chứ không phải bởi sức mình.
– Hành động: Ăn năn, xưng tội với Chúa và mời Chúa Jêsus ngự vào lòng, để đời sống được đổi mới.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. CHUẨN BỊ.
- Giáo viên làm thí nghiệm để minh họa cho các em hiểu thêm về “tái sinh”. (Xem Tập Học Viên, trang 23).
- Giáo viên chuẩn bị một số câu hỏi dành cho các em đã thực sự tin Chúa, để các em nói lên cảm nghĩ của mình khi được Chúa đổi mới.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
- Vào đề.
Nếu có ai tặng quà cho các em, các em có vui không? Các emcó tìm dịp khác tặng quà lại cho họ không? Ví dụ một người tặng quà sinh nhật cho em, em sẽ làm gì khi đến sinh nhật của họ? (Cho các em trả lời).
Mấy tuần vừa qua, chúng ta đã học về Chúa Jêsus chịu chết và phục sinh, Ngài làm tất cả mọi điều đó là vì chúng ta. Chúng ta phải tạ ơn Ngài thế nào? Đức Chúa Trời muốn các em làm gì? Đó là câu hỏi quan trọng trong suốt chương III nầy.
(Giáo viên viết một số câu hỏi thảo luận lên bảng, ví dụ như: Đức Chúa Trời muốn các em trở thành một người như thế nào? Các em lớn lên trong Chúa Jêsus như thế nào??? Nên viết ý kiến của các em lên bảng để cùng thảo luận).
- Bài học.
(1) Một người Pha-ri-si muốn có đời sống mới.
Vài năm trước khi Chúa Jêsus chịu chết, có một người đi tìm gặp Ngài vào một đêm tối trời. Chúng ta không biết vì sao ông không đến gặp Chúa Jêsus vào ban ngày mà lại đến vào ban đêm, chỉ biết rằng tối hôm đó ông đã học được một bài học quí giá.
Người đó tên là Ni-cô-đem, một trong những người lãnh đạo dân Giu-đa và là một người Pha-ri-si giàu có.
Các em đã từng được biết người Pha-ri-si là người như thế nào rồi phải không? (Cho các em nhắc lại). Người Pha-ri-si vâng giữ nghiêm ngặt luật pháp Môi-se. Nhiều người Pha-ri-si cho rằng mình tuân giữ đúng luật của Đức Chúa Trời nên tỏ ra kiêu ngạo, cho mình là người tốt. Tuy nhiên, cũng có những người Pha-ri-si như Ni-cô-đem, không tự cao tự đại mà hết lòng vâng giữ luật pháp Đức Chúa Trời.
Ni-cô-đem nghe mọi người đồn đại về những phép lạ và sự dạy dỗ của Chúa Jêsus, nên một buổi tối nọ, ông tìm gặp Ngài. “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến. Nếu Đức Chúa Trời không ở cùng thì không ai làm được những dấu lạ mà Thầy đã làm.” (Giăng 3:2).
Chúa Jêsus nhìn con người trầm lặng, nghiêm trang đang ngồi trước mặt Ngài, Ngài biết Ni-cô-đem luôn giữ luật pháp Đức Chúa Trời. Ni-cô-đem chưa nêu lên câu hỏi của mình, thì Chúa Jêsus đã phán “Thật, Ta bảo thật ngươi, nếu một người không được sinh lại, thì không thể thấy vương quốc Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:3). Chúa Jêsus muốn Ni-cô-đem hiểu điều quan trọng không phải là các phép lạ, làm người tốt hay vâng giữ luật pháp Đức Chúa Trời, mà quan trọng là sự thay đổi trong nơi sâu thẳm nhất của tấm lòng. Đó là sự tái sinh mà Chúa Jêsus phán là “sinh lại”.
Ni-cô-đem không hiểu lời Chúa Jêsus phán. Từ trước đến nay ông cứ nghĩ rằng, chỉ cần vâng giữ luật pháp Đức Chúa Trời, thì được vào nước thiên đàng. Vì vậy, Ni-cô-đem ngạc nhiên khi nghe Chúa Jêsus nói vâng giữ luật pháp không đủ để vào nước Đức Chúa Trời, mà phải được sinh lại mới có thể trở thành một người con trong gia đình Đức Chúa Trời. Ông tưởng Chúa Jêsus nói “sinh lại” là trở vào lòng mẹ và sinh lần thứ hai, nên ông hỏi: “Người đã già thì sinh lại làm sao được?”
Chúa Jêsus giảng cho ông hiểu, muốn trở thành con dân trong nước Đức Chúa Trời, thì người đó phải có một đời sống mới. “Điều gì do xác thịt sinh ra là xác thịt, điều gì bởi Thánh Linh sinh ra là linh”. (Giăng 3:6).
Ni-cô-đem vẫn còn chưa hiểu, thì bỗng đâu một làn gió nhẹ thổi qua, Chúa Jêsus mượn ngay hình ảnh gió để tiếp tục giảng cho Ni-cô-đem hiểu: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng gió, nhưng không biết gió đến từ đâu và đi đâu. Người nào sinh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy.” (Giăng 3:8).
Các em có thể nhìn hình dáng của gió như thế nào không? Thế tại sao các em biết có gió? (Cho các em trả lời). Các em thấy gió thổi căng cánh buồm, gió nâng con diều lên cao, gió đung đưa câycối xào xạc, gió thổi tóc em bay bay…nhưng các em chỉ cảm nhận như thế thôi, chứ không thể nhìn thấy hình dạng và sờ gió được. Cũng vậy, chúng ta không thể nhìn thấy một người được sinh lại như thế nào, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy người đó có một đời sống mới, nghĩa là được tái sinh, được thay đổi. Đức Thánh Linh có quyền phép làm thay đổi một người tin Chúa, nhưng chúng ta không thấy Ngài. Thật ra, một đời sống được tái sinh cũng là một phép lạ.
(2) Chúa Jêsus là nguồn sự sống mới.
Tuy Ni-cô-đem là người có học thức, nhưng ông vẫn không hiểu hết lời dạy của Chúa Jêsus. Ni-cô-đem thắc mắc: “Làm saocó thể thực hiện được điều đó?” Chúa Jêsus liền nhắc cho ông nhớ lại đêm mà Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập. Việc nầy được ghi chép trong Kinh Thánh mà Ni-cô-đem đã học biết.
Khi dânY-sơ-ra-ên tiến đến vùng đất hứa, Đức Chúa Trời muốn họ tin cậy Ngài. Điều nầy thật không dễ dàng với những người vừa mệt mỏi vừa gặp nhiều khó khăn. Họ than van trách móc Đức Chúa Trời và Môi-se, thậm chí còn muốn quay về Ai-cập, trở lại cuộc đời nô lệ.
Những người nầy đã phạm tội vì họ oán trách và không tin cậy Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời sửa phạt họ. Ngài sai những con rắn lửa đến cắn dân Y-sơ-ra-ên đến nỗi chết rất nhiều. Dân chúng đến với Môi-se và nói: “Chúng tôi phạm tội vì đã xúc phạm đến Đức Giê-hô-va và ông. Xin ông kêu cầu Đức Giê-hô-va khiến rắn lìa xa chúng tôi.” Vậy Môi-se cầu nguyện cho dân chúng. (Dân Số Ký 21:7). “Vậy Môi-se làm một con rắn bằng đồng rồi treo lên một cây sào. Người nào bị rắn cắn mà nhìn con rắn bằng đồng thì được sống.” (Dân Số Ký 21:9).
Chúa Jêsus phán cùng Ni-cô-đem: “Như Môi-se treo con rắn lên trong hoang mạc thể nào thì Con Người cũng phải bị treo lên thể ấy, để ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.” (Giăng 3:14-15).
Chúa Jêsus nói như vậy là có ý gì? Theo các em, con rắn bằng đồng treo trên cây sào đó có quyền phép chữa trị không? Tại sao dân chúng được cứu sống? (Vì họ tin cậy và vâng lời Đức Chúa Trời nhìn lên con rắn treo trên cây sào). Chúa Jêsus lấy hình ảnh con rắn treo trên cây sào ở thời Cựu ước để chỉ về Ngài. Chúa Jêsus nói: “Con người cũng phải bị treo lên dường ấy” Lời nói nầy có ý nghĩa gì? (Hướng dẫn các em trả lời).
Dù Đức Chúa Trời yêu thương con người, nhưng họ vẫn không hoàn toàn nhờ cậy Ngài. Khi họ phạm tội và ăn năn xin Đức Chúa Trời thatội, thì vì yêu họ nên Ngài chuẩn bị cho họ cách để được cứu sống. Chúa Jêsus cho Ni-cô-đem biết muốn có được sự sống mới, thì phải nhìn lên Chúa Jêsus, vì Ngài là nguồn của sự sống. Nếu dân Y-sơ-ra-ên không nhìn lên con rắn bằng đồng, thì họ sẽ chết, cũng vậy, nếu chúng ta không nhìn lên Chúa Jêsus, thì chúng ta không nhận được sự sống mới, điều đó có nghĩa là không được trở thành người trong nhà Đức Chúa Trời.
- Ứng dụng.
Sau khi nghe xong câu chuyện giữa Ni-cô-đem và Chúa Jêsus, các em đã biết Chúa Jêsus muốn các em làm gì rồi phải không? (Lắng nghe ý kiến của các em, nhấn mạnh rằng Chúa Jêsus yêu các em, Chúa muốn tất cả các em đều được tái sinh để trở thành con cái Ngài).
Ngày xưa, những người bị rắn lửa cắn phải tin chắc rằng chỉ cần họ nhìn lên con rắn trên sào thì sẽ được cứu. Chúa Jêsus nói với Ni-cô-đem cũng như nói với hết thảy chúng ta rằng: “Các ngươi phải sinh lại” (Giăng 3:7b). Đó là bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng để được vào nước Đức Chúa Trời. Chúng ta tìm hiểu xem tại sao phải tái sinh và làm thế nào để được tái sinh?
– Trước hết các em cần hiểu tại sao phải sinh lại? Rô-ma 3:23 nói tất cả chúng ta đều phạm tội với Chúa và hễ ai phạm tội thì không thể trở thành con cái của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời yêu các em nên Ngài đã sai Chúa Jêsus đến trần gian, chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho các em. Em tin Chúa thì sẽ được Ngài tha tội. Ngay lúc đó, quyền năng của Ngài sẽ ban cho em một tấm lòng mới –sinh lại – và em sẽ nên con cái của Ngài.
– Thứ hai, làm thế nào để được sinhlại? (Mời các em cùng đọc Ê-phê-sô 2:8-9). Trong hai câu Kinh Thánh nầy có những chữ hết sức quan trọng, đó là: “ân điển”, “đức tin”, “được cứu”.
+Thế nào là “ân điển?”
– “Ân điển”là một từ quen thuộc nhưng có ý nghĩa sâu sắc.
“Ân điển” là Đức Chúa Trời ban cho các em món quà vô giá, nhưng không có điều kiện dù các em không xứng đáng được nhận.
+ “Đức tin”là gì?
– “Đức tin”là đặt lòng tin hoàn toàn vào một người. Các em Tin Chúa có nghĩa là các em hoàn toàn tin cậy Ngài, tin Ngài là Đức Chúa Trời, tin Ngài yêu các em và đã chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho các em và các em tận hiến cho Ngài.
+ “Được cứu”
– Đây là từ chỉ về những người được ở trong nhà Đức Chúa Trời. Khi các em thành thực tin Chúa, Chúa sẽ tha tội cho các Em (Giăng 3:16). Các em được cứu khỏi sự hình phạt của tội lỗi, khỏi địan gục.
Phần cuối câu gốc có nói: “…không phải đến từ anh em mà là sự ban cho của Đức Chúa Trời”. Đức Chúa Trời ban cho các em một đời sống mới không phải vì các em tốt, giỏi, nên đừng kiêu ngạo, khoe mình. Các em phải tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa và tạ ơn Ngài đã cho các em trở thành con cái Đức Chúa Trời.
(Giáo viên cần lưu ý quan sát em nào được Đức Thánh Linh cảm động tiếp nhận Chúa, hoặc muốn dâng đời sống của mình cho Ngài).