Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 11.08.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 11.08.2024

By Mai Hdenayun in Thanh niên on 7 Tháng Tám, 2024

Chúa nhật 11.08.2024.

  1. Đề tài: CHÚA GIẢI CỨU DÂN NGÀI.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 6:2-9; 11:1-3; 12:21-36.
  3. Câu gốc: “Ta sẽ giơ thẳng tay ra, dùng sự đoán phạt nặng mà chuộc các ngươi. Ta sẽ nhận các ngươi là dân Ta, và Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của các ngươi; các ngươi sẽ biết Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:7).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi thiên 1-10.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng phân tích đề tài thuyết trình
  3. Nhóm cử một người nghiên cứu tài liệu tham khảo. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu cho người đó. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình chính thức, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm sẽ cùng chung trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Ngày xưa, những đầy tớ hầu việc có hai hạng: Hạng tôi tớ được trả công và hạng không được trả công. Các đoạn Kinh Thánh trong bài học hôm nay cho biết rằng dân Do-thái đang bị vua Ê-díp-tô bắt họ phục dịch như những tên nô lệ, rất cực nhọc mà không được trả công. Lời than vãn của họ thấu đến Đức Chúa Trời. Vì thế Đức Chúa Trời chọn Môi-se và sai người đi đến Pha-ra-ôn để xin cho dân Do-thái ra khỏi xứ Ê-díp-tô để đi vào đồng vắng hầu việc Đức Chúa Trời. Chúa muốn dân sự biết Ngài nhiều hơn. Ngài sai Môi-se truyền cho họ chương trình của Chúa giải cứu họ ra khỏi ách nô lệ theo lời Ngài hứa với tổ phụ họ khi xưa.

  1. KẾ HOẠCH GIẢI CỨU CỦA CHÚA (6:5-7)

Đức Chúa Trời truyền cho dân Do-thái biết rằng Ngài là “Đức Giê-hô-va”. Đấng không có khởi đầu và cuối cùng vì Ngài vượt thời gian và không gian. Đức Giê-hô-va không lệ thuộc vào thời gian hay không gian. Ngài biết cả quá khứ, hiện tại và tương lai của loài người. Ngài là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, tổ phụ họ. Lời hứa của Ngài đối với tổ phụ của họ, dù có xưa, vẫn có giá trị vượt thời gian.

Sau bốn trăm ba mươi năm, Ngài vẫn nhớ đến lời hứa ấy. Mặc dù lời hứa đã ban cho Áp-ra-ham ở đất Canh-đê, song hậu tự của Áp-ra-ham hiện đang ở đất Ê-díp-tô, thì lời hứa ấy vẫn được thực hiện vượt không gian.

Để thực hiện lời hứa này, Ngài dạy Môi-se tỏ cho họ biết bảy hành động của Ngài sẽ làm:

(1) Rút họ ra khỏi gánh nặng.

(2) Giải thoát họ khỏi nhà nô lệ.

(3) Chuộc họ bằng các tai họa giáng trên dân Ê-díp-tô.

(4) Nhận họ làm dân Ngài.

(5) Ngài nhận làm Đức Chúa Trời của họ.

(6) Dắt họ vào đất hứa.

(7) Cho họ đất làm sản nghiệp.

Con số bảy trong truyền thống dân tộc Do-thái mang ý nghĩa về sự trọn vẹn của Chúa. Bảy hành động ấy nói lên sự thành tín của Đức Chúa Trời.

Việc Chúa giải cứu dân Do-thái bằng các tai họa giáng trên dân Ê-díp-tô, cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời có mục đích đem nhân loại ra khỏi gông cùm của tội lỗi để đưa họ đến một nơi phước hạnh mà Ngài dành sẵn cho những người nào thuộc về Ngài.

  1. QUYỀN NĂNG GIẢI CỨU CỦA CHÚA (11:1).

Sự giải cứu và đưa dân Do-thái về đất hứa là một món quà ban cho từ Chúa. Nhưng món quà chỉ có giá trị khi nào nó được tiếp nhận. Xuất Ê-díp-tô Ký 6:9 thuật rằng: “Môi-se nói lại như vậy cho dân Y-sơ-ra-ên; nhưng vì bị sầu não, và việc tôi mọi nặng nề, nên (dân sự) chẳng nghe Môi-se chút nào”. Người thời xưa đưa ra nhiều lý do không nghe lời của Chúa, còn người thời nay cũng không khác là bao, họ gạt bỏ lời Ngài ra ngoài tai họ. Nhiều khi họ cũng giống như dân Do-thái thời Môi-se, họ đòi hỏi Chúa phải làm phép lạ hoặc làm điều họ mong muốn trong lòng. Hoặc họ đòi hỏi phải có bằng chứng cụ thể nào đó để thuyết phục họ tin Ngài. Đức Chúa Trời biết như vậy, cho nên Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài trước mặt vua và dân Ê-díp-tô để dân sự của Ngài thấy và tin.

Đức Chúa Trời “nhớ lại lời hứa của Ngài” cho tổ phụ dân Do-thái mà hành động đúng thời điểm. Ngài giáng tai vạ xuống xứ Ê-díp-tô, thứ nhất là để mọi người nhận thức rằng khước từ lời Chúa sẽ đem lại hậu quả tai hại cho mình. Thứ hai, Ngài làm các tai vạ là để cảnh cáo cho vua và dân Ê-díp-tô về sự trừng phạt nặng nề hơn nếu họ vẫn giữ thái độ chống nghịch Ngài. Pha-ra-ôn cứ tiếp tục cứng lòng, tai họa thứ mười giáng xuống, cũng là tai vạ cuối cùng, làm chết mọi con đầu lòng của Ê-díp-tô.

III. Ý NGHĨA CỦA TAI VẠ CUỐI CÙNG (12:29-30).

Sinh động là chứng cứ của một người đang sống. Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu đã chứng tỏ rằng Ngài là Đấng sống và có quyền năng hơn các thần tượng mà dân Ê-díp-tô đang thờ phượng. Khi Môi-se dùng gậy mình làm các phép lạ, các thuật sĩ Ê-díp-tô cũng cậy phù chú của họ mà bắt chước các phép lạ của Môi-se. Nhưng đến tai vạ thứ ba, lúc ấy cả nước Ê-díp-tô mang ghẻ cùng người, các thuật sĩ không thoát khỏi tai vạ này. Điều này cho chúng ta thấy các thuật sĩ đã thua cuộc. Môi-se và dân Do-thái đứng về phía Đức Chúa Trời tức là đứng về phía của sự chiến thắng, chiến thắng trên thế gian gian ác, chiến thắng đối với quỷ dữ và tội lỗi.

Khi Ngài phán rằng Ngài sẽ “giơ thẳng tay ra dùng sự đoán phạt mà chuộc” dân Ngài, lời phán ấy bày tỏ Ngài là Đấng thưởng phạt công minh. Tai vạ thứ mười giáng trên việc làm tàn ác của vua và dân Ê-díp-tô đối với những đồng loại của họ khiến các con đầu lòng của người Ê-díp-tô kể cả thái tử của họ đang ngồi trên ngôi cũng phải mất mạng. Chín tai họa trước đó chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời kiên nhẫn và chờ đợi họ ăn năn. Nếu không ăn năn, đợi đến lúc Ngài đoán xét và trừng phạt nặng nề rồi, thì không ai có thể ăn năn kịp nữa. Tai vạ thứ mười giáng trên con trai đầu lòng là con kế tự hưởng gia tài, là lời cảnh báo về điều tốt nhất sẽ bị cất đi đối với người không biết ăn năn.

  1. TỰ DO VỀ HẦU VIỆC CHÚA (12:31-33).

Trong khi vua và dân Ê-díp-tô bị Đức Chúa Trời giáng tai vạ thì dân Do-thái được Ngài ban thưởng. Ngài khiến những người dân Ê-díp-tô lấy vàng bạc của mình mà đưa cho dân Do-thái và còn mời họ ra đi khỏi nước cho sớm. Mục đích của Chúa trong cuộc giải cứu dân Do-thái có thể được tóm lược như sau:

– Giải cứu họ khỏi ách nô lệ.

– Đem họ vào đất hứa.

– Kinh nghiệm được Ngài là Đấng Chân Thần.

Nhưng mục đích quan trọng nhất của Ngài cho dân Do-thái là chọn họ làm dân riêng của Ngài. Làm dân Chúa có nghĩa là từ nay họ sẽ có một quốc tịch, có bổn phận với đất nước Chúa ban cho, có trách nhiệm với người đồng hương của mình. Chúa làm Đức Chúa Trời của họ, tức là Đấng dắt chăn, chăm nom và bảo vệ họ để thế gian thấy được ý muốn tốt đẹp của Ngài.

Dù chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nào về phương diện thể xác, tinh thần hay tâm linh, Ngài đều biết và Ngài sẽ cứu giúp khi ta bằng lòng chấp nhận sự giải cứu của Ngài. Khi chúng ta nghe lời Chúa mà đến với Ngài, Chúa sẽ bày tỏ quyền năng lớn để cho chúng ta hoàn toàn tin cậy Ngài. Vì tin cậy dẫn đến sự vâng phục và dấn thân hầu việc Ngài.

Post CommentLeave a reply