Ngày: Tháng Bảy 23, 2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 28.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 28.07.2024

in Thanh niên on 23 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 28.07.2024.

  1. Đề tài: CHÚA BAN CHO SỰ SUNG MÃN
  2. Kinh Thánh: Ê-phê-sô 3:14-21.
  3. Câu gốc: “Kẻ trộm chỉ đến để cướp, giết, và huỷ diệt, còn Ta đã đến để chiên được sự sống, và sự sống sung mãn” (Giăng 10:10).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

– Chủ đề: CHÚA BAN CHO SỰ SUNG MÃN.

– Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ hoặc trong phòng nhóm.

– Thời gian: 1h30’.

  1. Chuẩn bị.

– Chia ban Thanh niên ra thành 3-4 nhóm. Mỗi nhóm cử một trưởng nhóm và một thư ký nhóm.

– Nhóm dựa theo phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để thảo luận và trả lời đầy đủ các câu hỏi của bài học tại các trạm.

– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, viết.

– Xem trước (Ê-phê-sô 3:14-21).

Trưởng nhóm điều khiển ban viên giải mật thư và hướng dẫn thảo luận. Thư ký nhóm ghi chép lời giải.               

  1. Thực hiện.
  2. Thông báo cuộc thi và thể lệ.
  3. Cuộc thi.

– Hàng ngũ trật tự và báo cáo số nhóm viên khi đến mỗi trạm.

– Chấp hành đúng theo yêu cầu tại mỗi trạm.

– Tất cả ban viên tham gia hết mình.

– Thời gian để thực hiện yêu cầu tại mỗi trạm là 15’.

  1. Chấm điểm tại mỗi trạm.

– Hàng ngũ trật tự, báo cáo nghiêm chỉnh …….. 10 điểm.

– Giải mật thư chính xác …………………………….. 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất…………………………………… 10 điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ………. 10 điểm.

(Thiếu một người trừ 1 điểm).

  1. Diễn tiến trò chơi.

– NHD đọc lại khúc Kinh Thánh theo (Ê-phê-sô 3:14-21) cho ban cùng nghe.

– NHD cho các nhóm xuất phát bằng trò chơi “Kiến tha lâu đầy tổ” để nhận mật thư 1.

– Vạch một đường thẳng làm vạch xuất phát. Cách vạch xuất phát khoảng 5m, đặt một thau nước và một cái chai nhỏ miệng (số thau và chai tương ứng với số nhóm). Các nhóm đứng hàng dọc trước vạch xuất phát. Khi nghe hiệu lệnh, từng người của mỗi nhóm chạy lên dùng tay vốc nước cho vào chai. Người lên đầu tiên chạy về đập tay vào người thứ hai, người thứ hai mới được chạy lên thực hiện như người thứ nhất. Cứ tiếp tục như vậy, cho đến khi tất cả số người trong nhóm đều tham gia. Nhóm nào thực hiện nhanh thì sẽ đem chai nước của nhóm mình giao cho NHD và nhận được mật thư. Nhóm nào nhận được mật thư thì tập họp nhóm lại và nhanh chóng bắt tay vào việc giải mật thư.

NHD sẽ dành một phần thưởng nhỏ cho “kiến” nhóm nào “tha” về “tổ” nhiều nước nhất.

* Mật thư 1: LỜI CẦU NGUYỆN CỦA AI?

– Chìa khóa: Chặt đầu, chặt đuôi.

Trạm 1: LỜI CẦU NGUYỆN CỦA PHAO-LÔ.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và đánh dấu X trước câu đúng.

  1. Phao-lô cầu nguyện điều gì?

– Cầu nguyện cho ông.

– Cầu nguyện cho dân Y-sơ-ra-ên.

– Cầu nguyện cho tất cả mọi người đều nhận được quyền phép bởi Thánh Linh.

  1. Tại sao Phao-lô phải cầu nguyện cho mọi người?

– Muốn mọi người được mạnh mẽ.

– Muốn mọi người tôn trọng ông.

– Muốn mọi người nhìn thấy sự quan tâm của ông.

  1. Nhờ đâu mà Phao-lô có năng lực để cầu nguyện?

– Nhờ Thánh Linh.

– Nhờ tài lãnh đạo.

– Nhờ sự tung hô của mọi người.

* Mật thư 2: AUHC NƠ TÊIB

– Chìa khóa: Được ngọc.   

Trạm 2: BIẾT ƠN CHÚA.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời trên giấy.

  1. Có phải Phao-lô cầu nguyện để cho mọi người yêu thương mình không?
  2. Ông cầu nguyện vì muốn mọi người Cơ Đốc nhân phải như thế nào?
  3. Bạn học được điều gì qua sự cầu nguyện của Phao-lô?

* Mật thư 3: KINH NGHIỆM ĐƯỢC TÌNH YÊU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

– Cách làm: Viết nội dung mật thư lên mảnh giấy hình trái tim. Dùng kéo cắt ra thành nhiều mảnh. Bỏ tất cả mảnh giấy đó vào một bì thư, dán kín lại. Bên ngoài viết dòng chữ để làm chìa khóa. Sau khi nhận mật thư, các nhóm sẽ đọc kỹ câu chìa khóa và ráp tất cả các mảnh vụn theo hình vẽ để đọc được nội dung mật thư.

– Chìa khóa: Biểu tượng của đời sống sung mãn.

Trạm 3: LÀ NGƯỜI YÊU THƯƠNG NGƯỜI KHÁC VÀ CẦU THAY CHO HỌ

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời trên giấy.

  1. Xin cho biết Phao-lô đã vì ai mà quỳ gối?
  2. Xin cho biết lòng Phao-lô mong mỏi mọi người sẽ thế nào?

– NHD phát lệnh: “Các nhóm tập trung về điểm xuất phát”.

  1. Kết thúc.

– NHD cùng ban Thanh niên tóm lược lại nội dung của trò chơi. Những chặng đường các nhóm đã đi qua và cùng khám phá cách cầu nguyện của Phao-lô.

– Kêu gọi các ban viên trở nên những con người biết dành thì giờ cầu thay và hầu việc Chúa mỗi ngày.

– Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. MẠNH MẼ BỞI QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC THÁNH LINH (c.14-16).

Phao-lô trong phần kinh văn hôm nay đã “quỳ gối trước mặt Cha” (c.14) là một hành động tỏ lòng thành khẩn trong khi cầu nguyện. Phao-lô ngụ ý gì trong câu nói “bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên”? (c.15). Nhiều nhà giải kinh cho rằng Phao-lô muốn nói đến việc Đức Chúa Trời là Cha chung của loài người, nhưng họ đã từ bỏ Ngài. Chỉ những người tin mới gọi Ngài là Cha vì họ là con cái Ngài bởi đức tin trong Chúa Giê-xu.

Phao-lô nhận rằng Đức Chúa Trời ban cho con cái Ngài sự giàu có vô hạn trong lĩnh vực thiêng liêng không phải vì công đức riêng của họ nhưng vì “sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển” (Phi-líp 4:19) và “mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống” (Gia-cơ 1:17). Tất cả những điều đó, Phao-lô ước mong sẽ có ích lợi cho Hội Thánh Ê-phê-sô vì ông mong muốn họ có “sự mạnh mẽ trong lòng” (c.16).

  1. TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỨC TIN NƠI ĐẤNG CHRIST (c.17-18).

Trong (Ga-la-ti 2:20) Phao-lô viết: “Tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi”. Phao-lô biết rằng đời sống của ông có sự ngự trị của Chúa. Ông cũng muốn tín hữu Ê-phê-sô nhận được quyền năng này để sống một cuộc sống có kết quả cho Chúa.

Khi một người có sự hiện diện của Chúa trong đời sống sẽ “đâm rễ vững nền trong sự yêu thương” (c.18). Nhiều khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu mến người khác nhưng trong lòng không thật sự nghĩ như vậy. Phao-lô cầu xin Chúa cho các độc giả “hiểu thấu” và “biết” sự yêu thương của Đấng Christ đối với họ là thế nào. Ngài yêu họ đến nỗi có thể hi sinh chính mình vì họ. Phao-lô muốn Hội Thánh Ê-phê-sô hiểu tường tận tình yêu Ngài cả đến “bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” (c.18) của nó.

III. ĐẦY DẪY MỌI SỰ DƯ DẬT NƠI ĐỨC CHÚA TRỜI (c.19).

Phao-lô muốn cho Hội Thánh Ê-phê-sô hiểu biết nhiều hơn tình yêu của Chúa, để họ “được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời” (c.19). Sự hiện diện của Đức Chúa Trời tràn ngập trong đời sống một người phát xuất từ sự đầu phục trọn vẹn và sự nhường quyền kiểm soát của chúng ta cho Ngài.

Phao-lô dường như muốn nói rằng chúng ta càng hiểu rõ tình yêu của Chúa bao nhiêu, chúng ta càng mong muốn nhường quyền kiểm soát đời sống mình cho Chúa bấy nhiêu. Sự hiện diện ấy là một thực hữu của hôm nay và mãi mãi về sau.

  1. LỜI KẾT (c.20-21).

Phao-lô kết thúc lời cầu nguyện cho Hội Thánh bằng lời ca ngợi Đức Chúa Trời vì quyền năng Ngài đang hành động trong đời sống của mỗi cá nhân và Hội Thánh. Lẽ thật nầy được Phao-lô diễn tả bằng câu “trổi hơn vô cùng” (c.20). Chúa sống trong mỗi người đặt niềm tin nơi Ngài, vì thế khi chúng ta sống đời sống xứng đáng chính Ngài sẽ được vinh hiển. Khi Hội Thánh của Chúa tỏ bày và phản ảnh ân điển cứu rỗi của Ngài thì đó cũng là lúc Ngài nhận được sự vinh hiển vậy.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 28.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 28.07.2024

in PHỤ NỮ on 23 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 28.07.2024.

  1. Đề tài: Ê-LI, NGƯỜI CẦU NGUYỆN.
  2. Kinh Thánh: 1Các 18:1-46; 17-19; Gia-cơ 5:16-18.
  3. Câu gốc: “Lời cầu nguyện của người công chính có quyền năng và rất linh nghiệm” (Gia-cơ 5:16b BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 16-19.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, viết sẵn trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).

– Câu hỏi giải thích (tìm sự dạy dỗ của lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

Dưới đây là một số câu hỏi đề nghị bạn tham khảo.

(1.1) Câu hỏi quan sát: Xin cho biết nguyên nhân Đức Chúa Trời khiến hạn hán, đói kém xảy ra trong xứ? (c.18).

(1.2) Câu hỏi suy luận: Đức Chúa Trời cho phép điều nầy xảy ra nhằm mục đích gì?

(1.3) Câu hỏi ứng dụng: Bạn nhìn thấy mục đích của Chúa cho đời sống bạn trong mọi hoàn cảnh như thế nào? Xin cho biết.

(2.1) Tiên tri Ê-li phải đối đầu với bao nhiêu tiên tri của Ba-anh?

(2.2) Vì sao Ê-li dám đối đầu với 450 tiên tri của Ba-anh?

(2.3) Trước thế lực buộc bạn bỏ Chúa hay chết, bạn sẽ chọn con đường nào? Vì sao bạn chọn như thế?

(3.1) Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của Ê-li như thế nào?

(3.2) Chúa nhậm lời cầu nguyện của Ê-li nhằm mục đích gì?

(3.3) Bạn được Chúa nhậm lời cầu nguyện như thế nào? Và đem lại những kết quả nào cho đời sống bạn, cho công việc Chúa?

  1. GIỚI THIỆU.

Tên Ê-li có nghĩa là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ê-li, tiên tri của đồng vắng, lúc ẩn, lúc hiện. Ê-li đem sứ mạng của Đức Chúa Trời đến cho các vua Y-sơ-ra-ên.

Ê-li sống dưới thời vua A-háp, một vua làm điều ác, nhu nhược để cho người vợ ngoại đạo Giê-sa-bên lập thờ thần Ba-anh. Tiên tri Ê-li xuất hiện trước A-háp loan báo sự đoán phạt của Đức Chúa Trời sắp đến! Cơn hạn hán xảy ra trong xứ suốt ba năm sáu tháng, Đức Chúa Trời dùng chim quạ và một người đàn bà góa nuôi Ê-li. Tiên tri Ê-li đề nghị cùng vua cho diễn ra một cuộc thách đố với tiên tri Ba-anh để xem ai là Chân Thần (1Vua 17-18).

A-háp nhận lời cho nhóm họp 450 tiên tri Ba-anh trên núi Cạt-mên. Đôi bên đều dâng của lễ cho thần mình và đồng ý nguyên tắc: Hễ thần nào đáp lời bằng lửa trên của lễ, thì đó là Chân Thần. Tiên tri Ba-anh hết sức kêu van, nhưng không thấy thần nào. Tiên tri Ê-li gọi dân sự đến gần, lấy mười hai hòn đá tùy theo số các chi phái Y-sơ-ra-ên mà dựng lại bàn thờ và đặt con sinh lên. Ông cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, một ngọn lửa lòe ra thiêu hóa của lễ của Ê-li, thấy vậy dân sự sấp mình xuống đất và la lên: Giê-hô-va là Đức Chúa Trời! Sau đó Ê-li lên núi cầu xin mưa xuống (1Vua 18).

Nghe điều Ê-li làm cho các tiên tri Ba-anh, Giê-sa-bên căm giận, thề lấy mạng sống Ê-li, Ê-li sợ hãi chạy trốn. Ê-li kiệt sức ngồi nghỉ dưới gốc cây bên giếng và cầu chết, một thiên sứ của Đức Chúa Trời đem cho Ê-li bánh và nước. Nhờ đó, Ê-li phục hồi sức lực và tiếp tục bốn mươi ngày đêm trong đồng vắng cho đến Hô-rếp, Ê-li gọi Ê-li-sê làm kẻ nối tiếp chức vụ mình (1Vua 19). Cao điểm trong chức vụ Ê-li là sự cầu nguyện và được mặc lấy thần quyền của Chúa (1Vua 17:10-16; 2Vua 1:10-12). Sứ mạng của Ê-li để lại cho môn đệ Ê-li-sê. Đức Chúa Trời cất Ê-li trong một cơn gió lốc, Ê-li về trời không trải qua sự chết (2Vua 2).

  1. SUY GẪM.
  2. Tiên tri Ê-li với sứ điệp của Chúa.

 Tiên tri Ê-li mạnh dạn loan báo tai vạ hạn hán Đức Chúa Trời sắp giáng xuống trong xứ và sự đoán phạt trên nhà A-háp (1Vua 17:3, 18:17, 21:17-29; 2Vua 9:25-37). Với sự cầu hỏi thần Ba-anh của vua A-cha-xia, tiên tri Ê-li cho vua biết trước bịnh vua không được chữa lành vì cớ (2Vua 1:2-17). Với Giô-ram vua Giu-đa, người theo đường gian ác của A-háp, tiên tri Ê-li viết thư (2Sử 21:12-20).

Đức Chúa Trời chẳng bao giờ giáng họa trên kẻ ác mà không có sự báo trước. Dầu người có ăn năn hay không, sự cảnh cáo vẫn là sứ mạng của tiên tri.

  1. Tiên tri với sự làm phép lạ.

(1) Khiến cơn hạn hán và dừng cơn hạn hán (1Vua 17:1; 18:41-45; Gia 5:17-18).

(2) Khiến lửa từ trời thiêu hóa của lễ (1Vua 18:24, 36-38).

(3) Khiến lửa từ trời đốt cháy đạo binh vua A-cha-xia (2Vua 1:10-12)…..

Các phép lạ tiên tri Ê-li làm có tánh chất đoán phạt lẫn yêu thương. Trong chức vụ tiên tri sự làm phép lạ đôi lúc cũng cần thiết để hữu hiệu hóa sứ điệp của Chúa. Bí quyết tiên tri Ê-li thực hiện phép lạ là bằng sự cầu nguyện. Chúa Giê-xu cầu nguyện cùng Cha trước khi gọi La-xa-rơ từ kẻ chết sống lại, Ngài cầu nguyện trước khi hóa bánh nuôi đoàn dân đông (Giăng 6:11; 11:41-42). Ngài cũng hứa sẽ bày tỏ việc quyền năng cho người có đức tin nhân danh Ngài (Giăng 14:12-14).

  1. Tiên tri Ê-li với các tiên tri Ba-anh.

Một mình đối chọi với 450 tiên tri Ba-anh trong một cuộc thách đố thử xem ai là Chân Thần. Lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời thúc đẩy tiên tri Ê-li chẳng hề nao núng. Với lòng tin vững chắc nơi Đức Chúa Trời Ê-li được Chúa đáp lời cầu xin lửa Ngài lòe ra thiêu hóa lễ của Ê-li. Kết quả các tiên tri Ba-anh bị diệt và danh Đức Chúa Trời được tôn cao (1Vua 18).

  1. Đời sống chức vụ của tiên tri Ê-li.

Ê-li xuất hiện trước mặt vua, dân sự khi có sứ điệp của Chúa. Một điểm sáng chói trong đời sống chức vụ Ê-li là (1Vua 19:14). Ê-li nóng nảy đối với tội lỗi, như lửa sẵn sàng thiêu hóa kẻ bội nghịch cùng Đức Chúa Trời.

Ê-li đem hết cuộc đời bày tỏ Giê-hô-va là Đức Chúa Trời cho các vua. Câu hỏi tại sao Ê-li sợ hãi chạy trốn trước lời hăm doạ của Giê-sa-bên? (1Vua 19). Tại sao Ê-li ngã lòng, cầu Chúa cất mạng sống đang lúc đắc thắng? (1Vua 18, 19). Có nhiều lý do: (1) Ê-li bị đuối sức sau một ngày dài đối địch các tiên tri Ba-anh trên núi Cạt-mên. (2) Trong sự mệt mỏi Ê-li bị mất phương hướng. Ê-li cô đơn thấy chỉ có một mình phải đương đầu với lực lượng mạnh mẽ của Ba-anh! (3) Ê-li không thấy được chương trình của Ngài (1Vua 19:4-8). Sự ngã lòng của Ê-li cho chúng ta nhận biết rằng dầu người có nhiệt tâm, can đảm như Ê-li, cũng có lúc ngã lòng (Ê-sai 40:27-31). Hai đặc điểm của tiên tri Ê-li:

(1) Thần quyền của Chúa: Lời nói của Ê-li có quyền năng đóng hay mở cửa trời (2Vua 2:12).

(2) Sự cầu nguyện linh nghiệm của Ê-li: Sự cầu nguyện là điều cần thiết cho đời sống phục vụ Chúa.

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Tiên tri Ê-li với sứ mạng Chúa gọi:
  2. Ê-li có sứ điệp gì của Đức Chúa Trời cho các vua Y-sơ-ra-ên và vua Giu-đa?
  3. Cơ Đốc nhân chúng ta có trách nhiệm gì đối với người anh em đi sai lạc đường lối Chúa?
  4. Các phép lạ Ê-li làm có tính chất gì? Và bí quyết nào để thực hiện? (Gia 5:17-18; 1Vua 17:20-21; 18:36-38, 42-45; 2Vua 1:10-12).
  5. Sự cầu nguyện của Ê-li nhắc nhở chúng ta điều quan trọng nào trong đời sống phục vụ Chúa? (Gia 5:16-17).
  6. Ê-li với các tiên tri Ba-anh.
  7. Động lực nào khiến Ê-li thách đố với các tiên tri Ba-anh và sự thách đố này với mục đích gì? (1Vua 19:14; 18:21; 36-39).
  8. Xin tìm hiểu lý do tại sao Ê-li từ người can đảm trở nên ngã lòng? Chúng ta tìm được bài học gì cho chính mình trong đời sống phục vụ Chúa? (1Vua 19:1-4, 14).
  9. Theo (2Vua 2:12) chức vụ tiên tri của Ê-li đã đóng vai trò như thế nào đối với quốc gia Y-sơ-ra-ên? Ảnh hưởng này nhắc nhở Cơ Đốc nhân vai trò gì trong thế gian? (Mat 5:12-16).
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 28.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 28.07.2024

in NAM GIỚI on 23 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 28.07.2024

  1. Đề tài: SỰ NÊN THÁNH.
  2. Kinh Thánh: 1Tê 4:3-7, 1Phi 1:14-16, Rô 12:1-2, Khải 22:11.
  3. Câu Gốc: “Hãy nên thánh vì Ta là thánh” (1Phi-e-rơ 1:16).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 16-18.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn một người đóng vai Phao-lô, một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền, để soạn ra nhiều câu hỏi và trả lời cho các người đóng vai học thuộc. Các câu hỏi và trả lời đều ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Trong phần đúc kết, người hướng dẫn (NHD) sẽ tóm tắt nội dung bài học, và đưa ra lời khuyên ban viên áp dụng sự dạy dỗ của Lời Chúa vào đời sống mỗi ngày. Sau đó tất cả đứng lên và mời ông Phao-lô cầu nguyện cho ban Nam giới.

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

Pv: Ban Nam giới thân mến! Để tiếp tục tăng trưởng và trở nên những Cơ Đốc nhân trưởng thành, chúng ta phải có một nếp sống nên thánh. Vậy, để hiểu rõ thêm vấn đề này, chúng ta sẽ lắng nghe sự chia sẻ của sứ đồ Phao-lô trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay!

Pv: Xin chào ông Phao-lô, thay mặt cho ban Nam giới, chúng tôi rất vui mừng và cám ơn ông đã nhận lời tham dự cuộc phỏng vấn của chúng tôi ạ!

Phao-lô: Chào Ban Nam giới!

Pv: Xin phép ông cho chúng tôi được bắt đầu cuộc phỏng vấn.

Phao-lô: Ta sẵn sàng, quý vị cứ hỏi.

Pv: Thưa ông có thể giải thích ý nghĩa của “Sự Nên Thánh” là gì, và tại sao Cơ Đốc nhân tăng trưởng phải có đời sống nên thánh?

Phao-lô: Khi nói đến sự nên thánh hay sự thánh khiết, có người nghĩ đến hình ảnh một người đạo mạo, ăn mặc chỉnh tề, nói năng nghiêm túc. Người khác lại cho rằng người nên thánh thì phải làm và tránh những điều theo như sách vở đã quy định. Sự nên thánh rất quan trọng, được Kinh Thánh sử dụng hơn 600 lần trong những hình thức khác nhau.

Một đời sống nên thánh hay thánh khiết là phân rẽ khỏi tội lỗi và sống cho Đức Chúa Trời. Trong 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-7, ta đã dùng từ ngữ chỉ về sự vô luân và bất khiết tương phản với thánh khiết. Sứ đồ Phi-e-rơ dùng từ ngữ thánh khiết để chỉ về một đời sống không có dục vọng (1Phi-e-rơ 1:14-16). Giăng dùng từ ngữ thánh khiết để đối chiếu với những việc sai lầm và gian ác (Khải Huyền 22:11).

Sự nên thánh là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời “Hãy nên thánh vì Ta là thánh” (1Phi-e-rơ 1:16). Bước đầu tiên để trở nên thánh là đổi mới tâm trí hay thay đổi lối suy nghĩ. Rô-ma 12:2, ta viết: “Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”.

Pv: Thưa ông, vậy thế nào là đổi mới tâm trí (tâm thần)? Đổi mới tâm trí quan trọng như thế nào trong tiến trình thánh hóa?

Phao-lô: Tiến trình tăng trưởng thuộc linh hay thánh hóa là tiến trình đổi mới tâm trí. Đó là tiến trình nhìn sự vật theo quan điểm của Đức Chúa Trời, chứ không phải của con người. Để có đời sống nên thánh, chúng ta phải thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi lối nhìn, hướng tâm trí mình vào những việc của Thánh Linh. Để được thánh hóa, được trưởng thành tâm linh, trước hết chúng ta phải thay đổi cái nhìn về tội lỗi.

Pv: Xin ông giải thích rõ hơn thế nào là “Thay đổi cái nhìn về tội lỗi”.

Phao-lô: Với cái nhìn xác thịt, chúng ta không thấy tội lỗi là vấn đề nghiêm trọng như Chúa thấy. Vì thấy tội này nhẹ hơn tội kia nên chúng ta có thể chìu theo xác thịt mà phạm tội. Trong cái nhìn của Chúa, tội nào cũng nghiêm trọng. Vợ của Lót chỉ phạm tội “nhìn lại đng sau”, bị Chúa hình phạt hóa thành tượng muối (Sáng 19). U-xa đi bên hòm giao ước, khi con bò kéo xe chở hòm giao ước vấp ngã, ông đưa tay đỡ lấy hòm liền bị Chúa hình phạt (2Sa-mu-ên 6). Có những điều chúng ta xem là chuyện bình thường, tự nhiên, nhưng Đức Chúa Trời xem đó là tội. Đức Chúa Trời là Đấng tuyệt đối thánh khiết nên không có tội nào là nhỏ. Nếu không có cái nhìn như Chúa, xem tội lỗi là nghiêm trọng, không thể nào chúng ta tiến trên con đường thánh hóa.

Pv: Vậy, bước tiếp theo chúng tôi phải làm gì nữa ạ?

Phao-lô: Bước tiếp theo là chúng ta phải vâng theo Lời Chúa. Khi tâm trí của chúng ta đổi mới, chúng ta sẽ nhận biết được “ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. Khi nhận biết ý muốn Ngài, chúng ta phải làm theo. Tất cả những gì Chúa muốn chúng ta làm, nhằm thánh hóa chúng ta. Để sống một đời sống nên thánh, chúng ta phải vâng theo ý muốn Chúa.

Đời sống nên thánh là đời sống biết vâng lời Chúa, chứ không phải thực hiện những lễ nghi tôn giáo. Sa-mu-ên đã nói với con dân Chúa, “Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo Lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (1Sa-mu-ên 15:22). Chúa muốn chúng ta dâng lễ vật cho Ngài, nhưng quan trọng hơn vẫn là sống một nếp sống biết vâng lời Ngài. Khi chúng ta yêu Ngài, chúng ta vâng lời Ngài, bước đi theo Ngài, làm môn đồ Ngài. Chúa Giê-xu đã phán, “Nếu các ngươi yêu mến Ta thì hãy giữ các điều răn của Ta” (Giăng 4:15).

Pv: Cám ơn rất nhiều những lời chia sẻ quý báu của ông! Xin ông cầu nguyện cho Ban Nam giới để Chúa thay đổi tâm trí chúng tôi, biết nhìn tội lỗi theo cái nhìn của Chúa; giúp chúng tôi biết dâng chính mình cho Chúa, làm theo ý muốn Ngài, và sống thánh khiết mỗi ngày được tăng trưởng trong Chúa càng hơn!

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. 1. Tại sao Cơ Đốc nhân phải sống theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh?
  2. Xin kể ra các lãnh vực trong cuộc sống mà bạn cảm thấy là cần có kỷ luật nhiều hơn.
  3. 3. Cơ Đốc nhân phải làm gì để đắc thắng các cám dỗ? Có sự cám dỗ nào trong đời sống mà bạn đang phải chiến đấu chống lại không?

4. Ai là người tin kính Chúa, mà bạn sẽ cùng thiết lập mối liên hệ để thông công chia sẻ?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 21.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 21.07.2024

in PHỤ NỮ on 23 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 21.07.2024.

  1. Đề tài: SA-LÔ-MÔN, NGƯỜI XÂY CẤT ĐỀN CHÚA.
  2. Kinh Thánh: 1Các Vua 6 và 8.
  3. Câu gốc: “Nguyện mắt của Chúa ngày và đêm đoái xem nhà nầy, là nơi Chúa đã phán rằng: Danh Ta sẽ ngự tại đó” (1Vua 8:29a BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 13-15.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho nhóm trước nhiều tuần.
  2. Nhóm sẽ họp lại nghiên cứu đề tài: “Sa-lô-môn, người xây cất đền Chúa”.
  3. Cử một nhóm viên phụ trách thuyết trình. Cả nhóm có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài cùng nhau trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. GIỚI THIỆU.

Sa-lô-môn được vua cha giới thiệu với dân chúng là hoàng tử kế vị mình (1Sử 22:9; 1Vua 1:39-40). Đời trị vì của Sa-lô-môn gồm ba giai đoạn:

  1. Sự bắt đầu ngôi vua Sa-lô-môn (1Vua 1-8).

Sa-lô-môn lên ngôi khoảng năm 965 T.C. Vua tìm kiếm Đức Chúa Trời của Đa-vít, cầu xin sự khôn ngoan, đem thịnh vượng cho quốc gia. Đa-vít là vị vua của chiến trận, Sa-lô-môn là vua của hòa bình. Đa-vít đã dùng sức mạnh quân sự chinh phục các nước láng giềng, đời Sa-lô-môn không có chiến tranh với các nước lân bang. Sa-lô-môn khởi công xây cất đền thờ cho Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem.

  1. Thời hoàng kim của vua Sa-lô-môn (1Vua 9-10).

Đức Chúa Trời chẳng những ban cho Sa-lô-môn sự khôn ngoan, còn cho vua quyền thế, danh vọng, giàu sang. Sa-lô-môn là vua đầu tiên mở mang hàng hải, giao thương, xây những cung điện lộng lẫy. Sự khôn ngoan của Sa-lô-môn không chỉ trong việc trị quốc, còn là trước giả của ba sách trong Kinh Thánh: Châm ngôn, Truyền đạo và Nhã ca.

  1. Sự suy vong của ngôi vua Sa-lô-môn (1Vua 11).

Trong tuyệt đỉnh của vinh quang, Sa-lô-môn kiêu ngạo và sa ngã. Ngoài công chúa Ai Cập đã cưới, còn nhiều vợ ngoại đạo, họ dẫn vua vào thờ hình tượng, lìa bỏ Đức Chúa Trời. Những năm cuối đời, nhiều kẻ dấy nghịch cùng vua, sự giàu sang, cuộc sống xa hoa của Sa-lô-môn trở thành gánh nặng.

  1. SUY GẪM.
  2. Vua Sa-lô-môn trong công việc xây cất đền thờ.
  3. Sự chuẩn bị xây đền thờ: (1) Về vật liệu. (2) Về chuyên viên: Bằng tài ngoại giao khéo léo, vua đã hợp đồng với Hi-ram, vua Ty-rơ. (3) Về nhân lực: chiêu mộ trong dân sự 30.000 người, 150.000 nhân công ngoại bang.
  4. Sự xây cất đền thờ: Đền thờ toạ lạc trên núi Mô-ri-a (2Sử 3:1). Đặc điểm trong công việc xây cất là kỹ thuật (1Vua 6:7). Kỹ thuật xây cất “ráp” vì nhờ phép toán tinh vi của ngành kiến trúc.
  5. Sự hoàn thành đền thờ: Đền thờ được xây cất bảy năm (1Vua 6:1-37). Điều quan trọng là sự hiện diện của Đức Chúa Trời (1Vua 6:11-13).
  6. Sa-lô-môn trong sự khánh thành đền thờ.

Lễ khánh thành được tổ chức trọng thể. Hòm Giao ước được rước vào đền thờ, sự vinh quang đầy dẫy. Vua dâng lên lời cầu nguyện tạ ơn, dâng hiến đền thờ. Vua xin Đức Chúa Trời tiếp nhận đền thờ làm nơi ngự trị, để những kẻ ngoại bang hướng về đền thờ kêu cầu, tìm kiếm ơn thương xót của Ngài (1Vua 8:27-43; 1Sử 7:12-16). Thời Cựu Ước, thờ phượng Đức Chúa Trời tập trung tại Giê-ru-sa-lem. Trong thời Tân Ước, Chúa Giê-xu và môn đồ Ngài đã làm sáng tỏ ý nghĩa về đền thờ trong 3 điểm sau đây: (1) Đức Chúa Trời không ngự trong đền do loài người xây cất, nhưng ngự trong lòng người. (2) Ngài hiện diện khắp mọi nơi, sự thờ phượng Ngài không phải giới hạn ở một ngôi đền, nhưng với tâm thần và lẽ thật. (3) Người được cứu chuộc bởi huyết Chúa Giê-xu, đời sống được biệt riêng ra thánh làm nơi ngự trị cho Ngài (Giăng 4:24; Công 7:45-50; 1Côr 3:17a; 1Phi 2:5).

  1. Đời sống tin kính của vua Sa-lô-môn.

Khi mới lên ngôi, vua vâng giữ điều răn Ngài, nhưng khi tột đỉnh giàu có, danh vọng, bắt đầu kiêu ngạo, sa ngã, cưới nhiều vợ ngoại đạo, xúi giục thờ hình tượng (1Vua 11). Đời sống nhiều khuyết điểm như nóng nảy, tàn bạo, tự phụ, cứng lòng, không tiết chế lòng tham.

Những ưu cũng như những khuyết điểm của Sa-lô-môn, cho thấy rằng dầu là bậc vĩ nhân lỗi lạc đến đâu, cũng không ai trọn vẹn. Chúng ta tìm kiếm Đấng tôn trọng hơn đó là Chúa Giê-xu Christ (Mat 12:42). Ngài là Đấng toàn thiện, toàn mỹ, chân lý, đường đi và sự sống; là cứu cánh duy nhất.

(1) Tận dụng mọi ân tứ và tài năng Chúa ban cho.

(2) Sứ mạng quan trọng nhất đem Tin Lành đến cho mọi người, hướng dẫn tội nhân tin Chúa.

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Sa-lô-môn trong công tác xây cất đền thờ.

Khi được lập làm vua Y-sơ-ra-ên, Sa-lô-môn được ủy thác công tác gì? Do ai? (2Sa 7:12-13; 1Sử 28:6).

  1. Sa-lô-môn trong sự khánh thành đền thờ:

Tìm hiểu đền thờ Sa-lô-môn xây cất có mục đích, ý nghĩa gì? (1Vua 8:27-43, và 2Sử 7:12-16, Ê-sai 56:7).

  1. Đời sống tin kính Chúa của vua Sa-lô-môn.

Xin ghi nhận những ưu khuyết điểm trong đời sống tin kính Chúa của Sa-lô-môn và tìm hiểu lý do tại sao? (1Vua 3:3, 6-9, 11:1-2).

  1. Đối với công việc nhà Chúa.

Bạn có vận dụng hết tài năng, sức lực và tấm lòng để làm cách tốt nhất chưa?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 21.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 21.07.2024

in NAM GIỚI on 23 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 21.07.2024

  1. Đề tài: SỮA THUỘC LINH.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 40:8, 119:97, 1Phi-e-rơ 2:2.
  3. Câu Gốc: “Hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn” (1Phi-e-rơ 2:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 13-15.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Sữa Thuộc Linh”.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Ăn là một nhu cầu thiết yếu cho thể xác con người. Vì thế khi tạo dựng nhân loại, Đức Chúa Trời đã lập vườn Ê-đen phước hạnh có đủ mọi hoa thơm, quả ngọt, và Ngài cho phép con người tự do ăn các trái cây trong vườn, ngoại trừ cây biết điều thiện và điều ác.

Vua Đa-vít, trong thi phẩm cảm tạ ơn huệ của Chúa viết rằng: “Ngài ban cho ngươi được thỏa các vật ngon” (Thi Thiên 103:5). Vua đã kể thức ăn ngon vua hưởng là một ơn huệ Đức Chúa Trời ban cho. Thật thế, thức ăn chính là một ơn phước Chúa ban cho con người.

Về phương diện thuộc linh, thức ăn tâm linh rất quý và cũng được Đức Chúa Trời ban cho con cái Ngài. Thức ăn ấy là nhu cầu tối yếu cho linh hồn con cái Chúa, nhưng trên thực tế nhiều khi chúng ta chỉ nhớ đến thức ăn nuôi dưỡng thể xác mà không nhớ đến thức ăn nuôi dưỡng linh hồn.

Bạn có muốn được lớn lên về phương diện thuộc linh không? Hãy ăn nuốt Lời Chúa như ăn sữa. Khi viết thư cho các tín hữu mới tin. Phi-e-rơ khuyên rằng: “Hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn” (1Phi-e-rơ 2:2). Chúng ta biết chắc không có một đứa trẻ nào có thể lớn lên mà chẳng cần đến sữa. Cũng vậy, không có một người Cơ Đốc nào có thể trưởng thành mà chẳng cần đến Lời Chúa.

Có lẽ bạn là người đang đọc những dòng chữ này, đã từng thất vọng vì đời sống thuộc linh không được tăng trưởng đúng mức. Thay vì trở nên một người trưởng thành có thể dạy và hướng dẫn nhiều người, bạn vẫn còn là một trẻ thơ thuộc linh, vẫn còn lệ thuộc vào người khác.

Tại sao đời sống thuộc linh của bạn không được tăng trưởng? Chỉ có một câu trả lời: Bạn không được nuôi dưỡng bằng sữa thiêng liêng của Đạo, tức là Lời Đức Chúa Trời. Một trẻ em khỏe mạnh mỗi ngày phải cần ăn sữa đến bốn năm lần hoặc nhiều hơn nữa. Bạn ăn sữa thiêng liêng mỗi ngày bao nhiêu lần? Có người ăn hai lần, người ăn một lần, nhưng hầu hết thì không ăn chi cả. Đó là lý do khiến ta cứ ở mãi trong địa vị con trẻ thuộc linh.

Sữa là loại thức ăn có chứa đựng đầy đủ các loại sinh tố cần thiết cho cơ thể như sinh tố A, B, C, D… Cũng vậy, Thánh Kinh chứa đựng đầy đủ các loại sinh tố thuộc linh như: sinh tố vui mừng, bình an, hy vọng, đức tin, đắc thắng, quyền năng chống lại tội lỗi… Sữa là loại thức ăn dễ tiêu hóa. Cũng vậy, Thánh Kinh là loại thực phẩm dễ ăn. Thánh Kinh đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu đến nỗi trẻ thơ cũng có thể đọc và hiểu được. Vậy chúng ta “hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo… hầu cho  nhờ đó mà được lớn lên…”

“Lạy Chúa xin giúp con khao khát Lời Ngài như trẻ con khát sữa”.                                           Nguồn VietChristian.com

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Tại sao Lời Đức Chúa Trời ví như “sữa thuộc linh”?
  2. Thức ăn này quan trọng thế nào đối với đời sống thuộc linh chúng ta?

3. Bạn đã dùng “sữa thuộc linh” này mỗi ngày như thế nào? Bạn thấy tác dụng ra sao?