CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 14.07.2024
By Mai Hdenayun in NAM GIỚI on 8 Tháng Bảy, 2024
Chúa nhật 14.07.2024
- Đề tài: ĐẤNG CHRIST SỐNG TRONG TÔI.
- Kinh Thánh: Phi-líp 2:13, Thi Thiên 37:5, 2Tim 1:13, Giăng 14:1, Lu-ca 8:22-25.
- Câu Gốc: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Ga-la-ti 2:20).
- Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 10-12.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia sẻ.
- Mời người chia sẻ (Mục sư, Truyền đạo) từ 2 tuần trước.
- Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ, để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Nam giới. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Ngay từ sự cứu chuộc, Đấng Christ đã sống trong chúng ta, nhưng có thể một ai đó nói rằng: “Nhưng ngày qua ngày tôi vẫn như vậy! Làm thế nào mà tôi để Ngài thể hiện sự sống của Ngài qua tôi?” Chúng ta thường nhận biết rằng mình không có khả năng để vâng lời Đức Chúa Trời, cũng như từ bỏ thế gian và ý riêng của mình. Nhưng Chúa tác động đến chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng. Đó là sự cứu rỗi trọn vẹn. Sự cứu rỗi trọn vẹn không có nghĩa rằng, hôm nay Đấng Christ chấm dứt một tội, rồi hôm sau tội khác. Sự cứu rỗi trọn vẹn có nghĩa là chúng ta tiếp nhận một Đấng Christ toàn diện và đầy đủ. Sẽ không có sự cứu rỗi toàn diện nếu không có Đấng Christ.
Những Cơ Đốc nhân mà không chú ý Đấng Christ, sẽ khó thấy được điều này. Họ chỉ nhìn vào sự thuận lợi hay sự thiếu thốn của mình. Họ nhìn vào tội lỗi hoặc nan đề và cố gắng để vượt qua nó. Nhưng qua đó họ mắc một sai lầm lớn. Đức Chúa Trời hoàn toàn không có ý định là chúng ta vượt qua hoặc cải tiến điều này hay điều nọ. Ngài muốn chúng ta tiếp nhận một Đấng Christ toàn diện. Và qua Đấng Christ, Ngài tác động đến chúng ta để chúng ta muốn và hành động theo ý chỉ tốt lành của Ngài “Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13). Vì vậy mà có hai điều cần phải làm:
- a. Sự phó thác.
Trước hết chúng ta phải biết dâng chính mình, có nghĩa là từ bỏ cái tôi của mình. Đúng là Đấng Christ sống trong chúng ta, nhưng nếu chúng ta không để Ngài tác động, thì Ngài không thể làm gì được. “Từ bỏ cái tôi của mình và dâng mình cho Đức Chúa Trời” có nghĩa là gì? Điều này không có nghĩa là chúng ta hứa hẹn hay cam kết với Ngài một điều gì đó, hay nói rằng sẽ làm theo ý của Ngài hoặc cố gắng làm mọi thứ, mặc dù chúng ta không có khả năng. Từ bỏ mình và dâng mình cho Ngài có nghĩa là chúng ta phó thác trọn vẹn mặt tốt, mặt xấu, quá khứ, cũng như hiện tại của chúng ta, và dâng mình trọn vẹn mình trong tay Đức Chúa Trời và để Ngài tác động. Nếu không, thì Ngài không thể sống cuộc sống của Ngài thông qua chúng ta được.
Hãy nghĩ xem, nếu chúng ta tặng ai đó một quyển sách mà không đưa quyển sách đó ra, như thế người đó không bao giờ nhận được quyển sách cả. Chúng ta có muốn dâng trọn vẹn chính mình và mọi việc làm của chúng ta cho Đức Chúa Trời không? Chúng ta đã sẵn lòng dâng sự không muốn lên bàn tay của Đức Chúa Trời không?
Sự phó thác bao gồm hai mặt: Đầu tiên chúng ta dâng mình để Đức Chúa Trời sử dụng. Thứ hai là dâng mình để Đức Chúa Trời tác động lên chúng ta. Nhiều người chỉ biết có mặt thứ nhất. Đức Chúa Trời muốn chúng ta dâng trọn vẹn chúng ta cho Ngài. Điều này có nghĩa là cái tôi của mình bị chết, và chúng ta từ bỏ chính mình. Khi làm được điều này, thì chúng ta đạt được tất cả.
Đức Chúa Trời không muốn sự tự cải thiện của chúng ta, mà Ngài muốn sự phó thác. Tôi phạm một tội mà tôi không thể vượt qua được trong vài tháng. Tôi đã thiếu lòng tin để đặt tội này lên bàn tay của Chúa. Tôi phạm một tội này nhiều lần. Cuối cùng tôi phó thác cho Chúa, và tôi đã từ bỏ được tội đó.
Điều quan trọng duy nhất ở đây là chúng ta đã sẵn lòng để thưa với Chúa một cách giản đơn như vầy hay chưa: “Lạy Chúa, con không thể từ bỏ được tội này; nhưng xin hãy tác động đến con cho đến khi con có thể bỏ được”. Như thế là đủ! Sự yếu đuối và sự thất bại của bạn không phải là trở ngại. Nó chỉ tùy thuộc vào sự phó thác của bạn, cho đến khi bạn sẵn lòng thưa rằng: “Lạy Đức Chúa Trời, con xin phó thác con cho Ngài”. Cho sự phó thác này, chúng ta không cần phải làm hay phải đạt bất cứ điều gì cả, mà chúng ta chỉ cần một sự mong muốn biết vâng lời.
- b. Lòng tin.
Sau khi đã từ bỏ và phó thác chính mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta cũng phải tin. “Hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, và tin cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy“ (Thi Thiên 37:5). Phó thác đường lối chúng ta cho Chúa có nghĩa là sự giao phó và tin cậy nơi Ngài, điều đó có nghĩa là lòng tin. Chúng ta phải thấy rằng sự phó thác và đức tin phụ thuộc lẫn nhau. Khi kết hợp cả hai điều này lại với nhau, chắc chắn chúng ta sẽ thắng. Chúng ta không thể thắng khi chỉ tin mà không từ bỏ cái tôi của chính mình và dâng mình cho Đức Chúa Trời.
Khi được tái sinh, chúng ta đã nhận được tất cả, nhưng chúng ta phải sẵn lòng dâng chính mình để Đấng Christ thể hiện sự sống của Ngài qua chúng ta. Mặt khác sự phó thác mà không có đức tin chỉ là một hành động chết. Vì thế chúng ta phải làm cả hai: thứ nhất, phó thác tất cả cho Chúa để Ngài tác động đến chúng ta, thứ hai tin rằng Đức Chúa Trời đã làm trọn vẹn tất cả theo Lời của Ngài.
Chúng ta hãy mạnh dạn lên và tin hoàn toàn vào những gì Chúa nói. Đừng để lệ thuộc vào cảm giác của chúng ta. Chúng ta chưa từng thấy Thiên đàng hay hỏa ngục; dựa vào Lời Chúa mà chúng ta tin là có Thiên đàng và hỏa ngục. Ngoài Lời Chúa ra, chúng ta không cần bất cứ bằng chứng nào cả.
Khi Chúa Giê-xu cùng môn đệ của Ngài đi thuyền qua bên kia bờ hồ, giông bão nổi lên và sóng gió vồ vập, đánh bạt con thuyền. Các môn đồ của Ngài thấy thế nên rất sợ hãi bèn đánh thức Ngài dậy: “Thầy ơi, Thầy ơi, chúng ta chết!” Ngài thức dậy, khiến gió yên sóng lặn và mặt hồ tĩnh lại như thể không có gì xảy ra. Và Ngài hỏi họ: “Đức tin các ngươi ở đâu?” (Lu-ca 8:22-25). Chúa đã nói: “Qua bên kia bờ hồ”. Họ không cần phải nghi ngờ gì cả vì Ngài đã nói điều đó. Tuy có bão tố nhưng Ngài vẫn mang họ qua được bên kia hồ. Chúng ta chỉ nên tin vào Lời Chúa mà thôi. Đừng lo quan tâm đến các việc khác. Lời Chúa là hoàn toàn trọn vẹn.