Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

By Lee Vi in THIẾU NHI on 20 Tháng Năm, 2024

BÀI 4. NGƯỜI TRỒNG NHO ĐỘC ÁC

I. KINH THÁNH: Lu-ca 20:9-19.

II. CÂU GỐC: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời”(Giăng 3:16).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Ví dụ nầy cho các em biết Đức Chúa Trời sai Chúa Jêsus xuống thế gian, nhưng thế gian từ chối Ngài.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời yêu thương các em, sai Con Một của Ngài đến thế gian, để dẫn các em đến với Đức Chúa Trời.

– Hành động: Nhờ sự dẫn dắt của Thánh Linh, tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa.

IV. BÀI HỌC KINH THÁNH.

A. CHUẨN BỊ.

  1. Khuyến khích các em lắng nghe câu chuyện, rồi tự vẽ lại toàn bộ câu chuyện như truyện tranh.
  2. Sưu tầm hình ảnh vườn nho.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   Các em thân mến! Khi Chúa Jêsus kể ví dụ nầy, Ngài đã thi hành chức vụ được ba năm. Trong ba năm đó, Ngài liên tục bày tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên biết Ngài chính là Chúa Cứu Thế, là Con Đức Chúa Trời, nhưng dân chúng không tin Ngài.

    Một hôm, vào tuần lễ trước khi Chúa Jêsus chịu đóng đinh trên thập tự giá, Ngài đã làm một việc khiến các thầy thông giáo vô cùng tức giận. Chúa Jêsus vào đền thờ ở thành Giê-ru-sa-lem, thấy mọi người buôn bán ở đó nào là bò, dê, bồ câu…như một cái chợ. Súc vật bán cho những người đến đền thờ mua để dâng của tế lễ. Ngoài việc bán súc vật, họ còn trao đổi tiền bạc, vì dân các xứ khác đến đền thờ sẽ đổi tiền để sử dụng trong đền thờ.

   Kinh Thánh ghi rằng khi Chúa Jêsus thấy cảnh đó thì rất giận. Ngài đuổi hết những người buôn bán và phán rằng: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện’, nhưng các ngươi đã biến nơi ấy thành hang trộm cướp.” (Lu-ca 19:46).

   Việc Chúa Jêsus dẹp sạch đền thờ làm các thầy thông giáo càng ghét Ngài hơn. Một hôm, khi Chúa Jêsus đang giảng dạy trong đền thờ, các thầy thông giáo đến hỏi Ngài: “Xin nói cho chúng tôi, bởi quyền phép nào mà thầy làm những điều ấy?” Chúa Jêsus không trả lời câu hỏi của họ, mà Ngài kể một ví dụ.

   Giả sử lúc ấy các em cũng có mặt trong đền thờ nghe Chúa Jêsus kể ví dụ nầy, các em có tin Ngài là Con Đức Chúa Trời không? Các em chú ý nghe để nhận biết các nhân vật trong ví dụ đại diện choai nhé!

  1. Bài học.

(1) Hành động của những người trồng nho độc ác.

    Chúa Jêsus kể: “Người kia trồng một vườn nho…”(Cho các em miêu tả vườn nho hoặc cho xem cảnh vườn nho).

   Trong ví dụ trên, người chủ vườn nho sống ở một nơi khác, còn vườn nho thì cho những kẻ trồng nho mướn. Đến mùa nho chín, người chủ vườn sai một đầy tớ đến thu hoa lợi, nhưng bọn trồng nho hết sức tham lam, không muốn chia hoa lợi với chủ vườn. Họ đánh cho người đầy tớ một trận rồi đuổi về tay không.

   Người chủ vườn nghe đầy tớ về kể lại, giật mình kinh ngạc, liền sai một đầytớ khác đi. Người đầy tớ nầy cũng bị bọn trồng nho đánh chưởi thậm tệ rồi đuổi về tay không. Chủ tiếp tục sai người thứ ba đi, người nầy cũng không tránh khỏi trận đòn của bọn trồng nho. Không còn cách nào khác, người chủ vườn suy nghĩ: “Ta phải làm gì đây? Ta sẽ sai con trai yêu dấu của ta đến, có thể họ sẽ kính nể!”.

   Không ngờ, khi bọn trồng nho thấy con trai người chủ vườn từ xa, chúng bàn với nhau: “Đây là con thừa kế, hãy giết nó thì gia tài sẽ về tay chúng ta. Chúng ném con trai ấy ra ngoài vườn nho và giết đi”.

   Khi Chúa Jêsus kể ví dụ nầy, các thầy thông giáo hết sức khó chịu, họ nghĩ: “Tại sao người nầy biết chúng ta không tin ông ta?” Chúa Jêsus kể xong, Ngài nói: Vậy, chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến diệt những kẻ trồng nho đó, rồi giao vườn nho cho những người khác”.

   Các thầy thông giáo biết Chúa Jêsus ám chỉ mình, thì hết sức phẫn nộ đến nỗi muốn giết Ngài, nhưng họ không dám vì sợ dân chúng.

(2) Ý nghĩa ví dụ “Người trồng nho độc ác”.

   Bây giờ, các em thử suy nghĩ xem các nhân vật trong ví dụ chỉ về ai nhé? (Cho các em suy nghĩ trả lời).

     a. Vườn nho chỉ về ai?

   Đây là một câu hỏi khó, nhưng dân chúng hiểu là chỉ về họ. Vào thời đó, dân Y-sơ-ra-ên thường được ví như vườn nho (Tham khảo Ê-sai 5:1-2; Thi Thiên 80:8-16).

     b. Người chủ vườn nho đại diện cho ai?

  (Đức Chúa Trời). Người chủ vườn trong ví dụ có việc làm gì khiến các em liên tưởng đến Đức Chúa Trời? (Cho các em trả lời).

     c. Những người đầy tớ đại diện cho ai?

   Những người nầy được chủ vườn sai đi thâu hoa lợi, nhưng lại bị bọn trồng nho đánh, giết. Những người nầy đại diện cho các tiên tri, được Đức Chúa Trời sai đến cảnh cáo dân chúng không được phạm tội, nhưng họ không chịu nghe lời các tiên tri. Chúng ta cùng nhớ lại xem nào, Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời sai tiên tri Giê-rê-mi đến cảnh cáo dân chúng không được phạm tội, kêu gọi họ quay về với Chúa. (Mời một vài em đọc Giê-rê-mi 20:1-2; 37:15; 38:6). Điều đó cho thấy mọi người đối xử với các tiên tri như thế nào? (Cho các em trả lời).

     d. Con trai chủ vườn đại diện cho ai?

   (Chúa Jêsus). Chúa Jêsus muốn bày tỏ cho mọi người biết Ngài chính là Con của Đức Chúa Trời, Ngài sắp chiụ chết trên thập tự giá. Ngài có thể không làm vậy, nhưng Ngài muốn làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời để chuộc tội cho chúng ta.

  1. Ứng dụng.

   Các em thân mến! Chúa Jêsus kể ví dụ nầy để cho dân Y-sơ-ra-ên và chúng ta biết Đức Chúa Trời đã sai chính Con Một của Ngài xuống thế gian, nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã không chịu tin nhận Ngài. Ngài xuống thế gian để gánh thay tội lỗi cho chúng ta, chứng tỏ Chúa Jêsus rất yêu thương chúng ta (Khẳng định với các em rằng tất cả chúng ta đều rất quan trọng đối với Chúa). Chúa yêu các em, Ngài biết tên các em, biết mọi sở thích, mọi buồn vui, mọi khó khăn của các em, vì Ngài là Đấng yêu thương.

   Có ai nói với các em về lòng yêu thương của Chúa chưa? (Lưu ý những em chưa tin nhận Chúa). KinhThánh nói với chúng ta về tình yêu thương của Chúa hết lần nầy đến lần khác, ví dụ như Giăng 3:16 cho chúng ta biết một việc hết sức quan trọng: Vì các em mà Đức Chúa Trời sai Con độc nhất của mình đến thế gian và hễ ai tiếp nhận Ngài thì được sự sống đời đời.

   Các em cảm thấy thế nào về việc Chúa Jêsus đã làm cho các em? Các em có muốn tiếp nhận Chúa Jêsus để được làm con cái của Đức Chúa Trời không?

   Nếu các em trở thành con cái Đức Chúa Trời, các em có quyền nói về Chúa Jêsus cho những người chưa tin Chúa như các tiên tri ngày xưa vậy. Lúc đó, các em sẽ nói gì về Chúa Jêsus? (Hướng dẫn các em làm bài tập trong Tập Học Viên, trang 9). Nam cần phải biết Chúa Jêsus yêu Nam, muốn Nam trở thành con cái Chúa. Nhưng Nam không biết phải làm sao để trở thành con cái của Chúa được. Linh trả lời Nam thế nào? Linh có thể trả lời dựa vào Giăng 3:16. Nam biết gì về tội lỗi? (KinhThánh nói, tất cả mọi người trên thế gian đều phạm tội- Rô-ma 3:23). Linh giải thích “tội lỗi” bằng chữ gì? (có thể là “việc sai trái”). Các em thiếu nhi có thể phạm tội gì? Lừa dối, không vâng lời cha mẹ, không tin Chúa Jêsus …Linh nên chia sẻ với Nam rằng, tội lỗi khiến chúng ta không thể trở thành con cái Chúa được. Có lẽ Nam muốn biết Đức Chúa Trời làm gì với tội lỗi? (Sai Con Một của Ngài là Chúa Jêsus xuống thế gian, chết trên thập tự giá để chuộc tội. 1Giăng4:14; 1Cô-rinh-tô 15:3).

   Nếu Nam thấy mình đã phạm nhiều tội lỗi, Linh nên trả lời thế nào? ( Ăn năn tội lỗi với Đức Chúa Trời). Nếu Nam muốn ăn năn tội lỗi của mình, Linh nên nói gì? ( Nếu Nam tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, Ngài sẽ gánh thay tội lỗi cho Nam). Linh nên chia sẻ với Nam bước tiếp theo phải làm gì? ( Nếu Nam ăn năn, muốn tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa, Nam có thể cầu nguyện xin Chúa tha tội và tiếp nhận mình làm con cái của Đức Chúa Trời).

   Cầu nguyện kết thúc buổi học, cảm tạ Chúa vì ân điển của Ngài ban cho các em được làm con cái Chúa, tạ ơn Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của các em.

Post CommentLeave a reply