Ngày: Tháng Tư 24, 2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 28.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 28.04.2024

in Thanh niên on 24 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 28.04.2024.

  1. Đề tài: ĐAU LÒNG VÌ GIA CẢNH.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế ký 37:1-35.
  3. Câu gốc: “Vả, Y-sơ-ra-ên thương yêu Giô-sép hơn những con trai khác, vì là con muộn mình” (Sáng thế ký 37:3a).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xơ-tê 6-10.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh.

* Chỉ dẫn: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 18.02.2024.

* Câu hỏi học Kinh Thánh tham khảo.

(1.1) Gia-cốp yêu Giô-sép hơn những người con khác như thế nào? (37:3-4).

(1.2) Việc Gia-cốp bày tỏ tình thương với Giô-sép thì đó là việc làm đúng hay sai? Xin giải thích.

(1.3) Bài học này giúp bạn điều gì trong cách đối xử với người trong gia đình?

(2.1) Lòng ghen ghét của các anh đối với Giô-sép được nuôi dưỡng thế nào trong tư tưởng họ? (37:17-22).

(2.2) Khi một người âm mưu hại người khác thì ai là nạn nhân? Kẻ bị hại hay là chính họ? Vì sao?

(2.3) Chúng ta nên sống như thế nào để có đời sống vui tươi và hạnh phúc?

(3.1) Lòng ghen ghét của các anh được tỏ ra thế nào qua hành động của họ đối với Giô-sép? (37:23-28).

(3.2) Hậu quả của việc nuôi dưỡng lòng ghen ghét đưa người ta đến đâu? Và kết quả cuối cùng họ nhận được là gì?

(3.3) Bạn có ghen ghét anh em mình không? Bạn phải làm gì để thoát khỏi điều đó?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. HIỂM HỌA CỦA ĐẶC ÂN (Sáng thế Ký 37:3-4).

Đặc ân là ơn đặc biệt của người ban cho dành riêng cho người mình thương yêu, mến mộ. Đây là điều tốt vì sẽ khuyến khích người được thương mến cố gắng hơn để xứng đáng với tình yêu của người ban cho. Tuy nhiên, sự ban cho đặc ân không đồng đều rất dễ dẫn đến sự ghen ghét, đố kỵ. Có nhiều Hội Thánh đã xảy ra nhiều than phiền khiếu nại khi có vấn đề ban phát giải thưởng. Nhiều lời phê bình, chỉ trích xảy ra tại sao cho người này, không cho người kia.

Gia-cốp thương yêu Giô-sép không có gì là sai. Cái sai của người cha này là “thương yêu Giô-sép hơn những con trai khác” lý do “vì là con muộn”. Tôi thấy có nhiều người cũng mang chung lỗi lầm đó là yêu thương “con muộn” hoặc “con út” nhiều hơn các anh, các chị trong gia đình. Xin Chúa giúp chúng ta cảnh giác về thứ “yêu thương hơn” này vì nó rất dễ đưa gia đình chúng ta từ chỗ hạnh phúc, ấm êm, đến chỗ xào xáo, lộn xộn. Đôi khi còn có ý giết hại lẫn nhau như trường hợp anh em Giô-sép có ý muốn giết em cùng cha khác mẹ của mình dù rằng em mình vô tội.

  1. ÂM MƯU GIẾT NGƯỜI (Sáng thế Ký 37:17b-22).

Có lần, đọc một bản tin trên báo tôi bàng hoàng. Bản tin cho biết, một người con trai đã xô cả cha lẫn mẹ mình từ lầu xuống đất cho chết, chỉ vì cha mẹ mình đã nhường lại tài sản cho bà chị của mình. Sách Châm ngôn có câu “Sự ghen ghét làm mục xương cốt” (Châm ngôn 14:30). Gia-cơ có cùng ý tưởng trên khi ông viết “Ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, ở đó có sự lộn xộn và đủ mọi điều ác” (Gia-cơ 13:16). Qua phần Kinh Thánh chúng ta học hôm nay, chúng ta thấy các anh Giô-sép là nạn nhân của sự ghen ghét (không phải là Giô-sép). Theo biểu đồ thì sự ghen ghét trong lòng họ càng ngày càng gia tăng. Biểu đồ đi lên chứ không bao giờ đi xuống. Câu 4 ghi “Họ sanh lòng ghen ghét”, rồi “càng thêm ganh ghét” (câu 5). Câu 8 ghi “càng ganh ghét hơn nữa” và câu 11 ghi “lấy làm ganh ghét”. Ít có người hiểu điều này. Họ cứ tưởng rằng khi mình ganh ghét thì người khác sẽ là nạn nhân của mình. Không! Người có lòng ganh ghét là nạn nhân của chính họ vì không có sự vui mừng đến thăm viếng họ, hạnh phúc chán nản bỏ đi, bình an đóng cửa đi ngủ, chỉ có ác quỷ vẫn đứng đốt thêm đống lửa hận thù. Nhà thần học Douglas V. Steere viết rằng “Hận thù hay ghét ghét là mầm sinh nở của sự tự vẫn”. Vì thương yêu những người trong lòng chan chứa hận thù, ghen ghét, Chúa Giê-xu có lần đã khuyên “Hãy yêu kẻ thù nghịch” (Ma-thi-ơ 5:44). Kẻ ghét mình mà còn phải làm điều tốt cho họ, kẻ không ghét mình mà mình ghét họ làm gì cho thêm khổ. Vậy mà có nhiều người vẫn thích ghét hơn thương. Ghét rất vô cớ. Pascal nói “Theo tính tự nhiên, con người ghét nhau. Vì thế mà có chiến tranh trong thế giới, quốc gia, gia đình, cá nhân, đảng phái, tôn giáo. Để thỏa lòng ghen ghét nhiều người nói những lời nói vô tội vạ! Thật ra ai là nạn nhân? Giô-sép hay là các anh? Hãy đọc lời chúc tiên tri của Gia-cốp (Sáng thế Ký 49). Si-mê-ôn và Lê-vi là kẻ dùng “Thanh gươm như khí giới hung tàn” (c.5,7) thì “họ đáng bị rủa sả” còn Giô-sép thì như “chồi của cây tươi tốt, mọc gần bên bờ suối nước; nhành nhánh phủ bao trên ngọn tường” (c.22). Tôi tin chắc rằng ai cũng muốn có được phước hạnh như Giô-sép mà không ai muốn đời mình như Si-mê-ôn và Lê-vi cả.

III. LƯƠNG TÂM CHAI LÌ (Sáng thế Ký 37:23-28).

Cách nay khá lâu, tòa án San Diego đã kêu án xử tử một người vì tội “chai lì lương tâm”, ông ta đã giết một người. Nạn nhân là một cô gái trẻ bị hư xe, ông ta giả bộ giúp rồi bắt cóc cô gái, hãm hiếp rồi giết chết. Tòa án kết tội ông ta là lẽ dĩ nhiên. Có điều cả báo chí và quan tòa đều nhấn mạnh đến một điểm là “ông ta có lương tâm chai lì”. Nhiều người đã giết người, bị xử tử hoặc ở tù chung thân nhưng ít ai có bản án như tên giết người này. Tại sao vậy? Lý do là sau khi giết chết cô gái đáng thương này, rồi trước thân thể đầy máu me của nạn nhân, tên sát nhân rất bình thản ngồi ăn phần ăn mà nạn nhân sẽ dùng để ăn trưa trong trường Đại Học. Phần Kinh Thánh ghi “Các anh bắt chàng đem quăng trong hố rồi, họ ngồi ăn”. Họ ngồi ăn khi em họ, một người thiếu niên mới 17 tuổi đang kêu khóc van xin. Trong đoạn Kinh Thánh này không có nói là Giô-sép van xin nhưng chính các anh Giô-sép đã thú nhận sự kiện này. Họ nói “Chúng ta can tội cùng em ta vì lúc trước ta thấy tâm hồn nó buồn thảm khi nói xin nhờ ơn, nhưng ta không khứng cho” (Sáng thế Ký 42:21). Phao-lô đã nói về bội đạo trong thời kỳ cuối cùng vì “Có lương tâm chai lì” (1Ti-mô-thê 4:12). Ghen ghét chính là điều làm lương tâm chai lì, mà khi lương tâm đã chai lì thì có điều gì mà không dám làm, còn ai mà phải sợ! Các anh của Giô-sép đã bán em ruột với 20 nén bạc. Giu-đa bán Chúa lấy 30 nén bạc. Chưa biết ai đã chai lì hơn ai?

* Bài học áp dụng.

  1. Gia-cốp là tiêu biểu của nhiều bậc cha mẹ đã sai lầm khi yêu thương không đồng đều. Giô-sép đã bị hại chỉ vì được cha thương yêu hơn anh em khác. Bài học này giúp được gì cho chúng ta trong cách đối xử trong gia đình (Sáng thế Ký 37:3-4).
  2. Khi một người âm mưu hại người khác thì ai là nạn nhân? Kẻ bị họ hại hay là chính họ? Vì sao? Chúng ta nên sống như thế nào để có niềm vui, hạnh phúc (Sáng thế Ký 37:17-22).
  3. Hậu quả của lương tâm chai lì đưa người ta đến đâu? Và kết quả cuối cùng họ nhận được là gì? (Sáng thế Ký 37:23-28).
  4. Tạ ơn Chúa, bài học hôm nay là một tiếng vang cảnh tỉnh mỗi người chúng ta. Chúng ta phải xét lại mình xem mình có phải mắc lỗi lầm như Gia-cốp không? Mình có đối xử ghen ghét anh em mình không? Lương tâm chai lì chưa? Nếu có, sự thức tỉnh, ăn năn vẫn là điều chưa muộn. Cha phải thương con đồng đều như nhau. Anh em phải ăn ở hoà thuận nhau. Mục sư phải thương mục sư, tín hữu phải quý trọng tín hữu thì đạo Chúa lo gì mai một.
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 28.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 28.04.2024

in PHỤ NỮ on 24 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 28/04/2024.

  1. Đề tài: THẾ NÀO LÀ VÁC THẬP TỰ GIÁ?
  2. Kinh Thánh: Mat 10:38; 16:24; Lu 9:23; 14:27; Êph 2:16; Hêb 2:2; 1Cô 1:18.
  3. Câu gốc: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Mác 8:34b BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 28-31.
  5. Thể loại: Tìm hiểu.

* CHỈ DẪN: Tìm hiểu.

Mời 2 người nữ trong BHD chịu trách nhiệm trình bày đề tài: “Thế nào là vác thập tự giá?” và mời một người lên đúc kết, cầu nguyện.

Sau khi NHD trình bày phần giới thiệu rồi thì lần lượt mời người có trách nhiệm lên trình bày.

– Người thứ I: Trình bày quan điểm không đặt nền tảng trên Thánh Kinh.

– Người thứ II: Trình bày quan điểm đặt nền tảng trên Thánh Kinh.

– Người thứ III: Lên đúc kết và cầu nguyện kết thúc.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

THẾ NÀO LÀ VÁC THẬP TỰ GIÁ THEO CHÚA?

Chúa Giê-xu phán: “Nếu ai muốn theo Ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Mác 8:34). Vác thập tự giá là việc quan trọng cho những Cơ Đốc nhân. Trong (Ma-thi-ơ 10:38) Chúa nhấn mạnh rằng nếu ai không vác thập tự giá mình theo Chúa, thì không đáng làm môn đệ Ngài. (Lu-ca 14:27) ai không vác thập tự giá mình theo Chúa, thì cũng không được làm môn đồ Chúa. (Ma-thi-ơ 16:24), (Mác 8:34) và (Lu-ca 9:23) đòi hỏi phải từ bỏ chính mình để vác thập tự giá theo Chúa mỗi ngày.

Thế nào là vác thập tự giá? Vác thập tự giá theo nghĩa đen, nghĩa bóng hay nghĩa thuộc linh? Có nhiều quan điểm giải thích cho việc vác thập tự giá theo Chúa.

  1. QUAN ĐIỂM KHÔNG ĐẶT NỀN TẢNG TRÊN KINH THÁNH.
  2. “Thập tự giá” được hiểu theo nghĩa đen.

Thập tự giá mà người Cơ đốc vác là thập tự giá bằng gỗ. Trong lịch sử Hội Thánh ta thấy có nhiều người ủng hộ quan điểm nầy và luôn mang tượng cây thập tự bằng gỗ bên mình.

  1. “Thập tự giá” chỉ về bệnh tật.

Thập tự giá chỉ về những tật bệnh mà mỗi con cái Chúa phải chịu. Thomas A. Kempis tán thành quan điểm nầy, và giảng giải thêm: “Thập tự giá không những chỉ về bệnh tật, mà còn chỉ về sự đau khổ”.

  1. “Thập tự giá” chỉ về sự cứu rỗi.

Người vác thập tự giá là người kinh nghiệm được sự cứu rỗi. Những người chủ trương quan điểm nầy cho rằng việc môn đồ hóa và được cứu rỗi có giá trị như nhau. Nhóm khác nữa thì quan niệm rằng môn đồ hóa là điều kiện của sự cứu rỗi. Họ kêu gọi mọi người hãy vác thập tự giá để làm nên sự cứu rỗi cho mình. Quan điểm nầy lầm lẫn vì dạy rằng con người nhờ việc làm mà được cứu rỗi.

  1. “Thập tự giá” chỉ về tội lỗi.

Thập tự giá chỉ về những tội lỗi mà người tin Chúa không thể từ bỏ. Martin Luther ủng hộ quan điểm này, John R. Rice cũng tán thành qua việc dạy về lẽ cần để đóng đinh bản tính tội lỗi. Theo Kinh Thánh, thói quen phạm tội không phải là điều Chúa muốn con cái Ngài phải mang. Trong Chúa Cứu Thế, ta được ban sự đắc thắng tội lỗi. Lời Chúa dạy: “phải nên thánh vì Ta là thánh” (1Phi 1:16).

  1. “Thập tự giá” chỉ về người phối ngẫu của mình.

Nhiều người chồng, người vợ không vừa ý nhau, hay kể người phối ngẫu là cây thập tự nặng nề mà mình phải mang. Có ông chồng kia giới thiệu vợ mình cho bạn hữu bằng những lời: “Tôi xin giới thiệu với anh chị, đây là… thập tự giá của tôi!”

  1. QUAN ĐIỂM ĐẶT NỀN TẢNG TRÊN THÁNH KINH.

Trong Tân Ước, chữ “thập tự giá” thường được hiểu theo ba nghĩa: Nghĩa đen, nghĩa thuộc linh và nghĩa bóng.

Theo nghĩa đen, Tân ước chỉ có ba thập tự giá hiểu theo nghĩa này: Đó là cây thập tự của Chúa Giê-xu và hai cây thập tự của hai tên cướp cùng bị đóng đinh với Chúa (Mat 27:38-40).

Theo nghĩa thuộc linh, tất cả người tin Chúa đều đã được đồng chịu đóng đinh với Chúa Giê-xu trên thập tự giá (Rô 6:6, Gal 2:20). Nói cách khác, mỗi người đặt đức tin nơi công lao cứu chuộc của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, đều được đồng chết với Ngài.

Theo nghĩa bóng, thập tự được hiểu là:

  1. Sự gian khổ và phủ nhận chính mình (Mat 16:24).
  2. Sự khổ đau của Chúa Giê-xu (Êph 2:16, Hêb 2:2).
  3. Giáo lý của Phúc Âm (1Côr 1:18).
  4. Phúc Âm, vì kẻ thù của Phúc Âm là kẻ thù của thập tự giá (Phil 3:18).
  5. Thập tự giá của Chúa Giê-xu là hình ảnh về sự cứu rỗi (1Côr 1:17).

Người vác thập tự giá là người sẵn sàng sống cho Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù phải chịu sỉ nhục, đau khổ và ngay cả phải chết vì Chúa.

Mặt khác, vác thập tự giá cũng có nghĩa là làm cho chết những tham vọng, ý tưởng, mục tiêu đi ngược lại ý muốn Chúa. Phao lô là người vác thập tự giá nên đã tuyên bố: “Tôi chết hằng ngày” (1Côr 15:31), tức là làm chết đi những điều không theo ý muốn Chúa.