Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 18.02.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 18.02.2024

By Lee Vi in Thanh niên on 12 Tháng Hai, 2024

Chúa nhật 18.02.2024.

  1. Đề tài: VÂNG PHỤC MỆNH LỆNH.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế Ký 22:1-19.
  3. Câu gốc: “Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó, vì bây giờ Ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi” (Sáng thế Ký 22:12).
  4. Đố Kinh Thánh: E-xơ-ra 6-10.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

  1. Mời người hướng dẫn Học Kinh Thánh.
  2. Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn một số câu hỏi học Kinh Thánh theo một phương pháp nào đó.
  3. Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để ban viên phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
  4. Người hướng dẫn nên dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp) hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
  5. Xin soạn 2-3 cụm câu hỏi, mỗi cụm có 3 câu: Sự kiện, ý nghĩa và áp dụng.

* Câu hỏi học Kinh Thánh.

(1.1) Đức Chúa Trời thử đức tin của Áp-ra-ham bằng cách nào và Áp-ra-ham đáp ứng ra sao? (Sáng thế Ký 22:1-10).

(1.2) Vì sao Đức Chúa Trời đòi Áp-ra-ham dâng Y-sác làm của lễ thiêu? Việc làm nầy khó khăn thế nào cho Áp-ra-ham?

(1.3) Học hỏi đời sống Áp-ra-ham, bạn sẽ làm gì khi đối diện với những vấn đề khó khăn?

(2.1) Khi nhìn thấy tấm lòng tận hiến của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời đã cung ứng điều gì?

(2.2) Việc Đức Chúa Trời sửa soạn một con chiên làm của lễ thay cho Y-sác là bóng của hình nào trong Tân ước?

(2.3) Cho biết niềm vui của Áp-ra-ham qua sự cung ứng của Đức Chúa Trời? Còn niềm vui của bạn thế nào khi được Chúa cung ứng mọi nhu cầu?

(3.1) Sau cuộc thử nghiệm trên, Áp-ra-ham nhận được phước hạnh gì từ Chúa?

(3.2) Vì sao con cái Chúa thường gặp thử thách? Chúa cho phép điều đó xảy ra nhằm mục đích gì?

(3.3) Xin cho biết trải nghiệm của bạn trong thử thách? 

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Việc dâng Y-sác làm con sinh tế không phải là thử thách đầu tiên của Áp-ra-ham. Việc ông bằng lòng lìa bỏ quê hương và gia đình (Sáng thế Ký 12:1), chia lìa những người mình thương yêu để đi theo tiếng gọi của Chúa là thử thách lớn thứ nhất (Sáng thế Ký 13:5-18). Thử thách thứ hai là ông từ bỏ chương trình của mình về người kế tự là Ích-ma-ên (Sáng thế Ký 17:18) và đây là thử thách thứ ba cho thấy đức tin và sự vâng phục của Áp-ra-ham thật là mạnh mẽ.

  1. CUỘC THỬ NGHIỆM ĐẦY ĐAU THƯƠNG (Sáng thế Ký 22:1-2).

Câu gốc hôm nay cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời ghi nhận mức độ hi sinh của Áp-ra-ham thật là cao cả. Lý do chính đáng của sự ghi nhận đó là Áp-ra-ham đã “không tiếc con một”. Tiếc là bản chất cố hữu của con người. Nhiều khi chúng ta tiếc một vật gì đó trước khi bỏ nó đi. Ở đây vì sự kính sợ Chúa, Áp-ra-ham đã hi sinh Y-sác, đứa con cầu tự. Y-sác đối với Áp-ra-ham là tất cả niềm vui, hy vọng sống. Giết chết Y-sác là một hành động hy sinh tuyệt đối, ít người làm được. Hành động cao cả của Áp-ra-ham được ví sánh với việc Đức Chúa Trời đã ban Con Một của Ngài (Rô-ma 8:32) Y-sác đã chấp nhận hy sinh đã được ví sánh với tâm tình Chúa Cứu Thế (Phi-líp 2:5-8). Ông Áp-ra-ham và núi Mô-ri-a đã trở thành những đề tài giảng luận đầy lý thú của các tôi tớ Chúa. Gương hy sinh và lòng vâng phục của Áp-ra-ham phải được nhắc nhở luôn trong Hội Thánh Đức Chúa Trời trong mọi thời đại.

  1. MỘT DỰ TÍNH RÕ RÀNG (Sáng thế Ký 22:4-10).

Việc Áp-ra-ham dâng Y-sác có phải là một quyết định khôn ngoan không? Không có việc con sinh tế thế mạng Y-sác thì mọi chuyện sẽ ra sao? Chắc chắn rằng Áp-ra-ham đã nghĩ là Y-sác phải hy sinh. Vấn đề đặt ra không phải là Y-sác sống hoặc chết mà ở chỗ nếu Y-sác chết, Đức Chúa Trời làm sao thực hiện lời hứa của mình với Áp-ra-ham? Thứ hai, Áp-ra-ham sẽ trả lời với Sa-ra thế nào về cái chết của Y-sác? Đây là điểm chính. Áp-ra-ham tin lời hứa của Đức Chúa Trời, điều đó không ai chối cãi được. Áp-ra-ham cũng tin là thế nào Y-sác rồi cũng phải hy sinh. Như vậy rồi sao? Tạ ơn Chúa, trước giả thơ Hê-bơ-rơ đã giải tỏa mọi nan đề. Áp-ra-ham phải hy sinh (vì ông đã quyết định làm điều đó cùng một lúc, Áp-ra-ham cũng tin là Y-sác không thể chết được). Đúng! Áp-ra-ham đã tin là “Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại” (Hê-bơ-rơ 11:19). Như vậy, Áp-ra-ham vâng phục mệnh lệnh Đức Chúa Trời, chấp nhận sự thử thách cực độ. Nhưng trong niềm tin, ông không phải là kẻ mù quáng. Ông tin tưởng mãnh liệt rằng Đức Chúa Trời chắc chắn giữ được lời hứa dù Y-sác có hy sinh hay không!

III. MỘT CUNG ỨNG ĐẦY VUI MỪNG (Sáng thế Ký 22:11-14).

Thì ra, đây chỉ là một cuộc thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm sau cùng nhưng là cuộc thí nghiệm cực độ về niềm tin. Còn vui mừng nào hơn cho Áp-ra-ham. Ông không những không mất con mà còn được Đức Chúa Trời nhiệt liệt khen ngợi “Bấy giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời bởi cớ không tiếc với Ta…” (Sáng thế Ký 21:12). Sự kính sợ được chứng minh bằng sự không tiếc. Nói đến hai chữ “không tiếc” lòng tôi quặn đau khi nghĩ đến sự dâng hiến của một số người không thực sự dâng hiến hết lòng, cách “không tiếc” như Chúa đã dùng để nói cho Áp-ra-ham. Ngay sau khi Chúa nhận diện được lòng của Áp-ra-ham đối với Ngài, Ngài đã dành một con chiên sinh tế chết thế cho Y-sác. Đây chính là niềm vui mừng đầy tràn cho Áp-ra-ham và là hình ảnh cho chúng ta ngày nay. Đức Chúa Trời đã dành, sửa soạn một Con Sinh Tế cho tất cả những ai tin vào Ngài.

  1. MỘT PHẦN THƯỞNG VINH QUANG (Sáng thế Ký 22:15-18).

Giao ước đã được Đức Chúa Trời lập lại một lần nữa với những đảm bảo chắc chắn về phần thưởng lớn lao sau khi đức tin và lòng vâng phục của Áp-ra-ham được kiểm chứng rõ ràng.

Sau những thử thách, thường thì phước hạnh dư dật từ Chúa sẽ đổ đầy dẫy trên cuộc đời của chúng ta. Đời sống của Áp-ra-ham, của Giô-sép, và Gióp là những minh chứng hùng hồn nhất cho niềm tin của con dân Chúa. Điều mà chúng ta cần tự hỏi chính mình, ấy là thái độ, tấm lòng, niềm tin của chúng ta như thế nào khi thử thách ập đến. Bất cứ một thử thách hay thách thức nào đến cho chúng ta đều có mục đích tốt lành cho kẻ yêu mến Chúa và phần thưởng vinh quang của Chúa đổ đầy trên cuộc đời chúng ta. Hãy nghe lời của thánh Phao-lô, Gia-cơ và Phi-e-rơ nói: “Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28). “Hãy coi mọi sự thử thách trăm bề như là điều vui mừng trọn vẹn…” (Gia-cơ 11:3). “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường; …vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em” (1Phi-e-rơ 4:12,14b). Tóm lại “Hãy vững lòng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa một cách dư dật hơn vì công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (1Cô-rinh-tô 15:58). Hãy sống đặt niềm tin trọn vẹn như Áp-ra-ham thì anh em hẳn sẽ được phước lớn từ nơi Chúa.

* Bài học áp dụng.

  1. Việc Đức Chúa Trời đòi hỏi Áp-ra-ham dâng Y-sác làm của lễ thiêu cũng là một thách thức trong đời sống đức tin và hầu việc Chúa của chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì khi đối diện với những vấn đề khó khăn? Xin Chúa giúp mỗi chúng ta nhìn lại chính đời sống mình để có một đức tin mạnh mẽ, sẵn sàng vâng phục như Áp-ra-ham (Sáng thế Ký 22:1-2).
  2. Học hỏi sự hy sinh vâng phục của Áp-ra-ham giúp chúng ta mạnh mẽ trong sự hiến dâng. Hãy dâng cho Chúa những điều chúng ta cho là quí báu nhất (Sáng thế Ký 22:4-10).
  3. Học hỏi sự cung ứng của lễ thiêu bằng con chiên đực khiến chúng ta thêm sự vui mừng vì biết rằng Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng luôn nhớ đến nhu cầu của con cái Ngài và ban cho chúng ta kịp lúc và đúng chỗ (Sáng thế Ký 22:11-14).
  4. Học hỏi nơi gương hi sinh của Áp-ra-ham khiến lòng chúng ta vô cùng khâm phục. Ông được thế hệ sau này coi như tổ phụ của đức tin quả là xứng đáng. Ước mong mỗi chúng ta cố gắng học hỏi để đời sống chúng ta thêm phần phước hạnh.

Post CommentLeave a reply