CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 18.02.2024
By Lee Vi in PHỤ NỮ on 12 Tháng Hai, 2024
Chúa nhật 18/02/2024.
- Đề tài: GIÔ-SÉP – NGƯỜI EM CỨU SỐNG GIA ĐÌNH.
- Kinh Thánh: Sáng 37:1-4; 41:37-48; 45:1-15; Công 7:9-14.
- Câu gốc: “Bởi điều nầy, chúng ta biết được tình yêu thương: Ấy là Ngài đã hy sinh mạng sống vì chúng ta. Vậy chúng ta phải hi sinh mạng sống vì anh em mình” (1Giăng 3:16 BHĐ).
- Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 1-3.
- Thể loại: Phỏng vấn.
* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.
- Chọn một người đóng vai Giô-sép và một người làm phóng viên.
- Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và câu trả lời cần phải ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
- Mời trước một người đúc kết buổi phỏng vấn và nêu lên những điều học hỏi được từ câu chuyện. Cầu nguyện kết thúc (có thể mời nhân vật được phỏng vấn cầu nguyện).
* GỢI Ý PHỎNG VẤN.
Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới đi lên và Giô-sép từ ngoài bước vào phòng nhóm.
– PV: Dạ, xin kính chào cụ Giô-sép!
– Giô-sép: Chào các cháu!
– PV: Chúng cháu rất vui vì được cụ đến thăm hôm nay. Thay cho các chị em trong Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Nhân buổi gặp gỡ nầy, cụ có thể giúp chúng cháu tìm hiểu về cuộc đời và những giấc mơ của cụ được không thưa cụ?
– Giô-sép: Được, các cháu cứ hỏi!
– PV: Trước tiên, xin cụ cho chúng cháu biết về quê hương và gia cảnh của cụ?
– Giô-sép: Ta là con trai thứ mười một trong gia đình, và là đứa con được chịu chuộng của người vợ mà cha ta hết mực yêu thương. Ta sinh ra và lớn lên ở Cha-ran, sau đó cha ta đưa cả gia đình về Ca-na-an, vùng đất Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ra-ham, ông nội ta. Nhưng rồi ta bị đưa qua Ai-cập và cuối cùng ta lại đưa cả gia đình sang sinh sống tại đó.
– PV: Gia đình cụ thật là đông người thế mà hay di cư từ nơi nầy sang nơi khác. Cháu không hiểu vì sao cụ và gia đình rời Ca-na-an thân yêu đến Ai-cập là vùng đất hoàn toàn xa lạ?
– Giô-sép: Vì là đứa con được cha yêu thương hơn các anh. Cha ta cho ta một chiếc áo choàng nhiều màu xinh đẹp. Hơn nữa, ta biết vâng lời cha và không hiệp với các anh trong những chuyện xấu họ làm. Vì thế, các anh sinh lòng ghen ghét ta.
– PV: Vậy sao cụ không biện minh với các anh?
– Giô-sép: Một đêm kia, ta thấy một giấc mơ. Ta thuật lại cách tự nhiên về các bó lúa, mặt trời, mặt trăng, cùng mười một ngôi sao đều quì lạy trước mặt ta. Từ đó, các anh gắn cho ta cái tên “Thằng nằm mộng!”
– PV: Hình như cái tên nầy gắn liền với cuộc đời cụ?
– Giô-sép: Vâng, từ giấc mơ trên, các anh càng sinh thêm lòng ghen ghét ta. Một hôm, ta đi thăm các anh đang chăn bầy ở Đô-ta-in. Các anh bàn mưu giết ta bằng cách liệng ta xuống giếng. Sau đó lại đem ta lên rồi bán cho các tay buôn Ích-ma-ên với giá hai mươi miếng bạc.
– PV: Việc làm của các anh cụ thật là gian ác. Từ đó về sau, cụ sống lưu lạc nơi đất khách quê người như thế nào?
– Giô-sép: Họ dẫn ta đến Ai-cập và bán làm đầy tớ cho nhà Phô-ti-pha, quan thị vệ của Pha-ra-ôn, vua Ai-cập. Đức Chúa Trời ở cùng ta, khiến mọi việc ta làm đều thạnh lợi. Ta được chủ tin cậy và lập làm người quản gia coi sóc mọi tài vật trong nhà. Vợ chủ thấy ta là một thanh niên có năng lực nên liếc mắt đưa tình cùng ta, nhưng ta quyết định không nghe theo lời cám dỗ của bà, nên bị bà vu oan và bỏ tù.
– PV: Đáng khâm phục lòng kính sợ Chúa của cụ đã đắc thắng được cám dỗ nầy. Những ngày trong tù cụ sống thế nào?
– Giô-sép: Đức Chúa Trời ở cùng khiến ta được lòng người cai ngục. Ngài cũng ban cho ta sự khôn ngoan để giải nghĩa điềm chiêm bao cho quan tửu chánh và quan thượng thiện đang bị giam giữ. Mọi điều xảy ra cho hai quan đúng như lời ta đã bàn.
– PV: Ồ, việc gì mà kỳ diệu vậy? Cụ có thể kể tiếp cho chúng cháu biết không ạ?
– Giô-sép: Một đêm kia Pha-ra-ôn chiêm bao thấy bảy con bò ốm nuốt bảy con bò mập và bảy gié lúa lép nuốt bảy gié lúa chắc. Giấc mơ nầy khiến vua bối rối và các thuật sĩ trong nước không ai có thể giải được. Bấy giờ, quan tửu chánh là người trước kia được ta bàn mộng, báo trước về sự phục chức của ông, bèn nhớ lại và giới thiệu ta cho vua.
– PV: À, thế là nhân cơ hội ấy cụ được ra khỏi tù. Cuộc sống mới của cụ diễn tiến như thế nào?
– Giô-sép: Được diện kiến vua, ta được Chúa bày tỏ để báo cho vua biết điều sẽ xảy ra. Điềm chiêm bao có nghĩa xứ Ai-cập sẽ có bảy năm được mùa và tiếp theo là bảy năm đói kém. Qua lời giải, Pha-ra-ôn nhìn biết ta là người khôn ngoan, có sự thông sáng của Đức Chúa Trời, nên lập ta làm chức tể tướng xứ Ai-cập, lo việc thâu trữ lương thực, đề phòng cho bảy năm đói kém sắp đến.
– PV: Thật là tuyệt! Từ một địa vị thấp hèn, Chúa cất nhắc cụ lên một địa vị thật cao trọng. Cảm giác của cụ lúc ấy thế nào với chức vị cao trọng đó?
– Giô-sép: Lúc nầy ta thật sung sướng vì biết rằng Chúa cất nhắc ta lên để làm việc lớn cho Ngài. Pha-ra-ôn cũng nhìn biết điều nầy nên đặt tên cho ta là Xa-phơ-nát Pha-nê-ách, có nghĩa là “Người cứu thế” hay “Người cầm giữ sự sống”.
– PV: Vậy cụ có làm đúng như vai trò và ý nghĩa của tên đó không, thưa cụ?
– Giô-sép: Có đấy các cháu! Không chỉ cứu sống được người dân Ai-cập mà ta còn cứu sống đại gia đình ta nữa.
– PV: Cụ không giận và buồn vì cách cư xử tệ bạc của các anh cụ sao? Cụ giúp gia đình bằng cách nào?
– Giô-sép: Khi cơn đói kém xảy đến, hay tin ở Ai-cập có vựa lúa lớn, nên các anh tìm đến Ai-cập để mua lúa. Các anh đến quì trước ta xin mua lúa, giống như điều ta thấy trong giấc mơ hơn mười năm trước kia! Ta nhận ra các anh ngay, nhưng các anh chẳng nhận ra ta. Ta thương các anh lắm, nhưng chưa muốn tỏ mình cùng các anh.
– PV: Thưa cụ, vì sao vậy? Cụ dự tính làm một điều gì bất ngờ cho các anh phải không cụ?
– Giô-sép: Sau nhiều năm xa cách, ta muốn biết tâm tánh các anh hiện giờ thế nào nên đã nhiều lần nói thử. Ta vui mừng biết rằng thời gian qua các anh đã thay đổi. Họ yêu thương che chở cho nhau thay vì ghen ghét nhau. Ta đã tỏ mình cùng các anh và tha thứ lỗi lầm của họ. Ta đề nghị các anh trở về rước cha và dời cả gia đình xuống Ai-cập. Như vậy, ta đã bảo bọc và cứu sống cả gia đình qua cơn đói kém lớn.
– PV: Cám ơn cụ đã cho chúng cháu biết câu chuyện cụ và gia đình rời Ca-na-an, vùng đất thân yêu để đến Ai-cập.
– NHD: Thưa các chị em! Chúng ta vừa nghe cụ Giô-sép trình bày về cuộc đời và những giấc mơ của cụ. Nguyện Chúa giúp chúng ta kính sợ Chúa, đắc thắng sự cám dỗ, có lòng độ lượng tha thứ như cụ.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- GIỚI THIỆU.
Giô-sép có hai điềm chiêm bao báo trước cho chàng một tương lai sáng chói. Chính vì các điềm chiêm bao ấy, cuộc đời Giô-sép đã phải trải qua nhiều nỗi khổ đau, cuối cùng, những điều Giô-sép thấy trong giấc mơ đã trở thành sự thật.
Đời sống Giô-sép gồm bốn giai đoạn:
- Giô-sép trong gia đình (Sáng 37).
Thời thơ ấu của Giô-sép cho đến khi lên mười bảy tuổi, Giô-sép chăn chiên với các anh tại Si-chem, có tính tốt, biết vâng lời cha, không làm chuyện xấu. Các anh bắt đầu ghen ghét, khi thấy cha cho Giô-sép chiếc áo choàng nhiều màu xinh đẹp. Lòng ghen tị của các anh càng thêm khi nghe Giô-sép thuật lại điềm chiêm bao một cách tự nhiên về các bó lúa, mặt trời, mặt trăng cùng mười một ngôi sao đều quì lạy trước mặt Giô-sép. Gia-cốp sai Giô-sép đi thăm các anh đang chăn bầy ở Đô-ta-in, các anh bàn mưu giết Giô-sép bằng cách liệng xuống giếng sâu. Sau đó lại đem Giô-sép lên khỏi giếng và bán cho các tay buôn Ích-ma-ên với giá hai mươi miếng bạc.
- Giô-sép trong nhà Phô-ti-pha (Sáng 37,39).
Đức Chúa Trời ở cùng Giô-sép khiến mọi việc chàng làm cho nhà Phô-ti-pha đều thạnh lợi. Sau đó vợ Phô-ti-pha đưa mắt cùng Giô-sép, nhưng Giô-sép quyết định không nghe theo lời cám dỗ của vợ chủ, bị bà vu oan, bỏ tù.
- Giô-sép trong tù (Sáng 39-40).
Đức Chúa Trời ở cùng Giô-sép, Giô-sép được lòng người cai ngục. Ngài cũng ban cho Giô-sép sự khôn ngoan để giải nghĩa điềm chiêm bao cho quan tửu chánh và quan thượng thiện đang bị giam giữ. Pha-ra-ôn chiêm bao thấy bảy con bò ốm nuốt bảy con bò mập, và bảy gié lúa lép nuốt bảy gié lúa chắc. Điềm chiêm bao báo trước xứ Ai-cập sẽ có bảy năm được mùa và tiếp theo là bảy năm đói kém.
- Giô-sép trong đền vua Pha-ra-ôn (Sáng 41-50).
Pha-ra-ôn biết Giô-sép là người khôn ngoan, có thần minh của Đức Chúa Trời ở cùng, lập Giô-sép làm tể tướng Ai-cập, lo việc thâu trữ lương thực đề phòng cho bảy năm đói kém sắp đến.
Sau mười ba năm bị bán xuống Ai-cập, Giô-sép từ một tên nô lệ, một tù nhân, đã được Đức Chúa Trời đưa lên chức cao nhất của Ai-cập vào năm ba mươi tuổi. Bảy năm được mùa trôi qua, bây giờ cơn đói kém xảy đến. Nghe ở Ai-cập có vựa lúa lớn, Gia-cốp bèn sai các con trai đi mua lúa. Các anh đến quì trước Giô-sép xin mua lúa, giống như điều Giô-sép thấy trong giấc mơ hơn mười năm trước. Sau nhiều lần thử thách, Giô-sép tha thứ lỗi lầm của họ. Giô-sép bảo bọc, cứu sống cả gia đình qua cơn đói kém lớn. Giô-sép sống đến 110 tuổi, qua đời tại Ai-cập vào khoảng năm 1800 T.C.
- SUY GẪM.
- Khi bị bán làm nô lệ trong nhà quan Phô-ti-pha: Giô-sép sống với sứ mạng của người đầy tớ trung thành hầu việc và được Đức Chúa Trời ban phước, khiến chủ nhìn biết Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên (Sáng 39).
- Khi bị vu oan vào tù: Giô-sép sống với sứ mạng của người bạn, chăm sóc, giúp đỡ người đồng cảnh ngộ, Giô-sép giúp giải điềm chiêm bao cho hai quan của triều vua Pha-ra-ôn (Sáng 40).
- Khi được cất nhắc lên địa vị làm tể tướng xứ Ai-cập:
(1) Giô-sép cho người chủ Phô-ti-pha biết Đức Chúa Trời là Đấng ban phước. (2) Cho hai quan trong ngục biết Đức Chúa Trời là Đấng Thần Minh, biết trước mọi điều kín nhiệm của con người. (3) Cho Pha-ra-ôn thờ đa thần biết chỉ có Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên là Đấng Chân Thần duy nhất. Điểm sáng trong đời sống Giô-sép là tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời.
III. ỨNG DỤNG CHO ĐỜI SỐNG.
– Sứ mạng cứu sống gia đình của Giô-sép nhắc chúng ta trách nhiệm chăm sóc người trong gia đình chẳng những về phần thuộc thể nhưng cả phần thuộc linh.
– Sứ mạng cứu sống dân tộc khác trong cơn đói, nhắc chúng ta trách nhiệm chăm sóc nhu cầu cho kẻ khác không phải chỉ trong công tác xã hội, nhưng điều quan trọng hơn hết là trong công việc truyền bá Phúc Âm giới thiệu Chúa Giê-xu là Bánh Sự Sống cho người đang trong cơn đói kém thuộc linh (Giăng 6:35).
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT VỀ VITAMIN
(tiếp theo).
- Vitamin K.
– Sử dụng khi: Nhiều người lớn tuổi lo lắng về chứng loãng xương do thiếu vitamin K, trẻ sơ sinh mới dễ bị thiếu hụt loại vitamin nầy.
– Nguồn gốc: Có trong dầu cá, các loại cá biển như: cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ… bơ và trứng.
– Phản ứng: Dùng vitamin K quá liều trong một thời gian dài sẽ rất nguy hiểm vì chúng có thể tích tụ, phá vỡ hồng cầu và làm tổn thương gan.
- Calcium.
– Sử dụng khi: Uống nhiều côca, hay dùng nhiều vitamin B… sẽ làm giảm khả năng hấp thụ lượng Calcium, nên bổ sung thêm Calcium cho cơ thể.
– Nguồn gốc: Có trong các sản phẩm từ sữa, vừng (mè), hạnh nhân và rau xanh.
– Phản ứng: Có thể là một nguyên nhân dẫn đến sỏi thận.
- Sắt.
– Sử dụng khi: Các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, cà phê… làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Do đó, bạn cần bổ sung lượng sắt bị thiếu hụt nầy.
– Nguồn gốc: Có trong các loại thịt có màu đỏ, hải sản, thịt gà, quả mơ, ca cao…
– Phản ứng: Dùng nhiều có thể dẫn đến bệnh viêm khớp, hại gan, gây ra bệnh tim và ung thư đại tràng.
- Kẽm.
– Sử dụng khi: Thiếu máu, hệ tuần hoàn máu hoạt động kém, dễ bị dị ứng…
– Nguồn gốc: Có trong hải sản, thịt có màu đỏ, trứng gà, hạt đậu, và rau xanh.
– Phản ứng: Nếu dùng quá 2.000mg kẽm/ngày trong một thời gian dài, sẽ bị các triệu chứng như: Nôn mửa liên tục, sốt cao.