Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 29.10.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 29.10.2023

By Lee Vi in PHỤ NỮ on 27 Tháng Mười, 2023

Chúa nhật 29.10.2023 (CN Cải chánh)

  1. Đề tài: 506 NĂM CẢI CHÁNH GIÁO HỘI.
  2. Kinh Thánh: Ê-phê-sô 1:17, Cô-lô-se 1:14, Ma-thi-ơ 16:18.
  3. Câu gốc: “Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được Hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18 – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi thiên 98-100.
  5. Thể loại: Tìm hiểu.

* CHỈ DẪN: Tìm hiểu.

– Mời hai hoặc ba người trong BHD nghiên cứu đề tài “Tìm hiểu Cuộc Cải Chánh Giáo Hội” và trình bày cho ban phụ nữ. Có thể chia ra hai hoặc ba phần để mỗi người trình bày.

– Mời một người trong BHD lên đúc kết và cầu nguyện.

*TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Tìm hiểu cuộc cải chánh của Martin Luther

Martin Luther sinh ngày 10/11/1483, tại làng Eisleben, Thuringia, tại Đức. Thời niên thiếu, Martin Luther học trường đạo từ tiểu học cho đến khi tốt nghiệp trung học. Năm 18 tuổi, Martin Luther vào Đại học Erfurt. Năm 22 tuổi, Martin Luther tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân văn khoa. Sau đó, Martin Luther theo học luật khoa để chiều theo ý muốn của cha mẹ.

Vào mùa hè năm 1505, Martin Luther về thăm nhà, trên đường trở lại đại học xá, ông bị sét đánh suýt chết. Sau lần chết hụt này, ông quyết định bỏ ngành luật khoa để vào học ở tu viện Augustin tại Erfurt. Sau hai năm tu học, Martin Luther được truyền chức linh mục khi vừa được 24 tuổi. Đến năm 25 tuổi, Martin Luther được Viện Đại Học Wittenberg mời làm giáo sư dạy môn vật lý và triết học. Qua năm sau, ông đặc trách dạy môn thần đạo và giải nghĩa Kinh Thánh. Đến năm 29 tuổi, Martin Luther đoạt được bằng tiến sĩ thần đạo của Viện Đại Học Wittenberg.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần đạo, Martin Luther tiếp tục dạy môn thần đạo tại Viện Đại Học Wittenberg. Trong lúc nghiên cứu để giảng dạy các sách của Kinh Thánh như Thi thiên, Rô-ma và Ga-la-ti, Martin Luther khám phá ra lẽ đạo cứu rỗi là chỉ nhờ cậy vào ân điển của Đức Chúa Trời thể hiện qua đức tin nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Các quan điểm của Martin Luther đều hoàn toàn mâu thuẫn với truyền thống của Công Giáo La Mã.

Đến đời Giáo Hoàng Leo X (1513 -1521) cần tiền để hoàn tất công tác tái thiết Quảng trường Thánh Phê-rô ở La Mã. Giáo Hoàng bắt đầu đẩy mạnh việc buôn bán phiếu xá tội để gây ngân quỹ cho công tác này. Giáo Hoàng giao việc bán phiếu xá tội ở Đức Quốc cho Tổng Giám mục Albert. Tổng Giám mục Albert chỉ định tu sĩ Jean Tetzel thuộc dòng tu Dominic làm đại lý bán phiếu xá tội ở giáo phận Mainz, Đức Quốc.

Việc buôn bán phiếu xá tội và những lời quảng cáo láo khoét của tu sĩ Tetzel đến tai Linh mục Martin Luther, người đang cai quản một họ đạo giáp ranh với vùng Mainz. Linh mục Martin Luther vốn đã từng chống đối việc buôn bán phiếu xá tội, cho đó là việc làm ăn bất chính. Linh mục Martin Luther càng công phẫn hơn khi nghe tu sĩ Tetzel quảng cáo phiếu xá tội có tánh cách lừa bịp giáo dân. Ông liền viết một kháng nghị gồm có 95 luận đề. Đến ngày 31-10-1517, ông đem dán kháng nghị đó trên bản yết thị của đại thánh đường Wittenberg để phản đối việc buôn bán phiếu xá tội của Giáo Hoàng. Tổng Giám mục Albert liền chuyển bản kháng nghị đó đến Giáo Hoàng ở La Mã để xin Giáo Hoàng có biện pháp thích nghi đối phó với Martin Luther.

Đến năm 1518, tư pháp của Giáo Hoàng đòi Martin Luther qua La Mã để chịu xét xử về tội phổ biến và giảng dạy tà thuyết. Martin Luther bác bỏ trác lệnh đòi hầu tòa đó vì quan niệm rằng Kinh Thánh không bao giờ sai lầm, chỉ có Giáo Hoàng mới có thể sai lầm. Đến ngày 15 tháng 6 năm 1520, Giáo Hoàng Leo X ban hành giáo lệnh dứt phép thông công Martin Luther. Martin Luther đem giáo lệnh dứt phép thông công ra đốt trước đám đông gồm có các giáo sư, sinh viên và dân chúng. Martin Luther đốt giáo lệnh dứt phép thông công của Giáo Hoàng là có mục đích để nói lên rằng Martin Luther hoàn toàn phủ nhận quyền hạn và chức vụ Giáo Hoàng.

Giáo Hoàng Leo X không ngớt yêu cầu Hoàng đế Charles V thi hành giáo lệnh dứt phép thông công Martin Luther. Hoàng đế Charles V muốn nghe đôi bên tường trình quan điểm của mình. Đến ngày 17 tháng 4 năm 1521, Hoàng đế Charles V triệu tập hội nghị tại tỉnh Worms ở Đức Quốc, hội nghị này có nhiều thành phần tham dự. Hội nghị biểu quyết nghiêm cấm lưu hành các sách của Martin Luther, thu hồi quyền công dân của Martin Luther và đặt Martin Luther ra ngoài vòng pháp luật. Trong nhóm người ủng hộ Martin Luther có tiểu vương Frederick, vị tiểu vương này tổ chức bắt cóc Martin Luther đem giấu trong lâu đài Wartburg ở gần Eisenach, Đức Quốc.

Martin Luther ẩn náu trong lâu đài Wartburg được 10 tháng – từ tháng 4 năm 1521 đến tháng 2 năm 1522. Trong thời gian này Martin Luther dịch Kinh Thánh Tân Ước từ tiếng Hy Lạp qua Đức ngữ. Nhờ bản dịch này, dân chúng Đức biết được lẽ thật của Lời Chúa mà gia tăng lòng ủng hộ và mong sao cho cuộc cải chánh sớm thành công. Cũng trong thời gian này, ở Wittenberg có một số người theo cải chánh quá khích, Martin Luther liền tức tốc rời lâu đài Wartburg để trở về Wittenberg  giảng dạy tám ngày liên tiếp. Lời giảng dạy của Martin Luther có sức mạnh cảm hóa được thành phần quá khích, lập lại được trật tự.

Vào tháng 12 năm 1524, Martin Luther cởi áo linh mục Đến ngày 27 tháng 6 năm 1525, Martin Luther thành hôn với nữ tu sĩ hồi tục tên Catherine von Vora. Ông bà Martin Luther có 2 người con trai và 3 người con gái, và còn nuôi thêm 11 em cô nhi trong nhà. Trong thời gian trở lại sống ở Wittenberg, Martin Luther tiếp tục làm giáo sư và giảng sư ở Viện Đại Học Wittenberg. Ông vẫn tiếp tục viết sách để phổ biến quan điểm cải chánh của mình. Hơn nữa, Martin Luther đã hoàn tất việc phiên dịch Kinh Thánh Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ ra Đức ngữ. Vào những năm cuối của cuộc đời, Martin Luther thường đau ốm luôn, nên qua đời vào ngày 18 tháng 2 năm 1546 tại quê nhà. Martin Luther hưởng thọ được 63 tuổi.

 (Theo Diệp Dung, Đuốc Thiêng 103, tháng 11 năm 2010)

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

  1. Hành chống ruồi đậu vào cá.

Cá đã rửa sạch hay nấu chín, nếu ta đặt trên miếng cá (hoặc con cá) vài lát hành hoặc cọng hành, ruồi sẽ không dám đậu lên cá nữa. 

  1. Cách làm cá không dính nồi, dính chảo.

– Bất kể rán loại cá tươi nào, trước khi rán, ta nên rửa sạch chảo, cho lên bếp đun nóng, dùng một lát gừng sống xát lên mặt chảo đã đun nóng một lượt, sau đó cho dầu vào rán, như vậy khi cho cá vào rán, món cá sẽ không bị dính chảo nữa.

  1. Cá tươi ướp trước khi nấu,  món ăn sẽ đậm đà mà không bị nát.

Sau khi rửa sạch cá, bất kể là luộc hay rán, ta nên để ráo nước, rồi rắc lên cá một ít muối, bóp đều (nếu là cá to, trong bụng cá cũng phải bóp muối), để ướp 30 phút, sau đó mới cho lên bếp rán hoặc nấu, như vậy cá rán sẽ không dính chảo, không dễ vỡ nát mà lại đậm đà.

 

Post CommentLeave a reply