Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 01.10.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 01.10.2023

By Lee Vi in NAM GIỚI on 29 Tháng Chín, 2023

Chúa nhật 01.10.2023.

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ MỞ TIỆC & DỰ TIỆC.
  2. Kinh Thánh: 2Cô-rinh-tô 6:14; Ê-phê-sô 5:8-11; Ga-la-ti 5:19-21.
  3. Câu gốc: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm”(1Cô 10:31).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm 25-27.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 16.07.2023.

Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo:

  1. Xin đọc Sáng 21:8; 26:29-30; 29:22; 31:27,54; 40:20; 1Sa-mu-ên 25:2,36; Gióp 1:4 cho biết:

(1.1) Tiệc được tổ chức trong những dịp nào?

(1.2) Tại sao người ta mở tiệc trong những dịp ấy?

(1.3) Bạn thường tổ chức tiệc trong những dịp nào? Xin bạn cho biết những buổi tiệc đó có làm vinh hiển Danh Chúa không?

  1. Xin đọc Ga-la-ti 5:19-21; Ma-thi-ơ 24:37-38; Rô-ma 13:13; Ê-sai 5:11-12, 2Phi-e-rơ 2:13-14 cho biết:

(2.1) Trong sự tổ chức tiệc nên tránh những điều không tốt nào?

(2.2) Vì sao phải tránh những điều không tốt đó?

(2.3) Theo bạn, buổi tiệc phải được tổ chức với lý do và mục đích gì? (Thi 103:1-2; 1Côr 10:31).

  1. Xin đọc Rô-ma 12:15a; 1Cô 1:4 và 2Cô 6:14; Ê-phê-sô 5:8-11; 1Cô-rinh-tô 10:31 cho biết:

(3.1) Chúng ta nên có tinh thần nào khi đi dự tiệc trong vòng anh em tín hữu? Cũng nên có thái độ và tư cách thế nào khi đi dự tiệc giao tiếp với người đời?

(3.2) Vì sao có sự khác biệt trên?

(3.3) Từ những hiểu biết trên, xin bạn cho biết nguyên tắc cần thiết trong sự tổ chức tiệc và trong sự đi dự tiệc?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Sự ăn uống vui mừng, chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong giao tế giữa con người với nhau không có gì là sai. Tuy nhiên, với sự hiện diện của tội lỗi và sự ham muốn của xác thịt, những tiệc tùng không còn mang đúng ý nghĩa và tính chất của nó. Vì thế, trong niềm tin của người Cơ Đốc, tiệc tùng có thể chia làm hai loại và có tính cách khác nhau. Tiệc “đời”, với sự ăn uống vui chơi theo xác thịt, với sự kiêu ngạo chống nghịch Chúa; tiệc “đạo”, với sự ăn uống vui chơi lành mạnh, hòa bình, thánh khiết trong sự tin kính Chúa, làm vinh Danh Ngài (Phục 14:26b; 1Cô 10:31; Ê-sai 5:12; Đa-ni-ên 5:1-4).

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta hiểu thế nào về vấn đề tiệc tùng? Đây là điều có nên không và trên tiêu chuẩn nào?

  1. CƠ ĐỐC NHÂN TRONG SỰ MỞ TIỆC.

Trong thời Cựu ước, tiệc tùng của người DoThái có liên hệ đến các ngày lễ. Trong Lê-vi ký 23, Đức Chúa Trời truyền dạy dân Y-sơ-ra-ên hằng năm giữ các thánh lễ như Vượt Qua, Lều Tạm, Chuộc Tội, Dâng Hoa Quả Đầu Mùa… cho Đức Giê-hô-va, để kỷ niệm việc quyền năng Ngài đã thể hiện giữa họ trong cuộc hành trình vào đất hứa Ca-na-an. Trong những ngày lễ ấy, dân sự ra mắt Đức Giê-hô-va, dâng của lễ thờ phượng Ngài và mở tiệc mừng vui vẻ trước mặt Ngài. Ngày nay Cơ Đốc nhân được cứu chuộc bởi quyền năng trong huyết báu của Đấng Christ, cũng có rất nhiều lý do để “mở tiệc ăn mừng”. Tuy nhiên, tiệc tùng có thể là một phước hạnh, mà cũng có thể là một bất hạnh nếu bị lạm dụng cho sự ham muốn của xác thịt. Vì vậy, để buổi tiệc có ý nghĩa và làm sáng Danh Chúa vài nguyên tắc căn bản cho sự tổ chức tiệc tùng được gợi ý sau đây:

  1. Dịp mở tiệc nên linh động, không nhất thiết theo thông lệ. Tùy hoàn cảnh, thì giờ thuận tiện và khả năng tài chánh để tránh rơi vào tiệc tùng liên miên, vay tiền mở tiệc và bị lệ thuộc vào thú vui vật chất (Ga-la-ti 5:21; Ma-thi-ơ 24:36-38).
  2. Lý do mở tiệc là để bày tỏ việc quyền năng, yêu thương của Chúa và cảm tạ ơn Ngài (Thi 103:1-2).
  3. Chủ đích và trọng tâm của buổi tiệc phải là sáng Danh Đức Chúa Trời (1Cô 10:31).
  4. Tính chất của buổi tiệc là trong sạch và lành mạnh. Tránh dùng những thú tiêu khiển có tính chất thô tục, hay khêu gợi tình dục xác thịt (2Phi 2:13-14).
  5. Tinh thần của buổi tiệc phải là vui tươi, khiêm nhu, thân mật, giữ mối thông công đậm đà anh em trong Chúa với nhau; tránh sự cãi lẫy, ganh tị, nói hành.
  6. Thức ăn trong buổi tiệc phải đơn giản, tùy khả năng tài chánh của mình. Không nên có rượu trong buổi tiệc để tránh ăn uống quá độ, say sưa luông tuồng, là dịp “thuận lợi” cho công việc của xác thịt (Rô-ma 13:13; Ê-sai 5:11-12).
  7. Thì giờ của buổi tiệc có giới hạn để tránh sự ăn uống vui chơi vô độ, có hại cho sức khỏe.
  8. Buổi tiệc cần được chuẩn bị trước, có chương trình và “trật tự”. Trong buổi tiệc lớn cần có người quản tiệc để điều động chương trình theo đúng mục đích của nó.
  9. CƠ ĐỐC NHÂN TRONG SỰ DỰ TIỆC.

Biết cách mở tiệc cho hợp với các tín lý là điều cần thiết và biết cách dự tiệc cũng là điều rất quan trọng cho Cơ Đốc nhân trong nếp sống đạo để bày tỏ niềm tin của mình. Theo tinh thần dạy dỗ của Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy những nguyên tắc sau đây:

  1. Tiệc tùng trong Chúa: Dự tiệc trong tinh thần chung vui và tấm lòng cảm tạ Chúa về ơn lành Ngài đã thể hiện (Rô-ma 12:15a; 1Cô 1:4).
  2. Tiệc tùng ngoài đời:
  3. Từ chối những buổi tiệc có tính chất trái nghịch với niềm tin của người Cơ Đốc.
  4. Lý do và mục đích đi dự tiệc không trái với tinh thần dạy dỗ của Kinh Thánh.
  5. Sự giao tế xã hội qua tiệc tùng phải có giới hạn, “đừng làm theo đời này”“chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin”(Rô-ma 12:2; 2Cô 6:14). Nên nhớ Chúa Giê-xu đến dự tiệc nơi nhà người thu thuế không phải để hòa đồng với người có tội, nhưng để thay đổi đời sống của họ (Ma-thi-ơ 9:10-13).
  6. Cách ăn uống, thái độ và lời nói của chúng ta phải phản ảnh nếp sống của Cơ Đốc nhân và vì mục đích làm vinh hiển Danh Chúa (1Cô 10:31; Ê-phê-sô 5:8-11). Tránh gây vấp phạm cho anh em yếu đuối bởi sự uống rượu và hút thuốc giống như người đời trong buổi tiệc. Hãy noi gương Đa-ni-ên từ chối “rượu vua uống”! (Đa-ni-ên 1:8).
  7. Người Cơ Đốc cần có sự giao tế xã hội, nhưng tiệc tùng của đời không thể chiếm vị trí ưu tiên trong nếp sống đạo của Cơ Đốc nhân. Sự đáp ứng lời mời phải tùy thuộc vào thì giờ thuận tiện của bạn. Viện dẫn lý do dự tiệc để bỏ qua sự nhóm lại là điều không được phép làm. Chúng ta cần theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh để biết khi nào nên đi dự tiệc và khi nào nên từ chối. Có nhiều cách lịch sự cáo lỗi cho sự vắng mặt của bạn, hoặc gởi quà hay thiệp chúc mừng, hoặc đích thân đến thăm trước hay sau bữa tiệc, đừng ngại nói lên niềm tin của mình. Nên biết rằng, không phải tiệc tùng là cách giao tế xã hội duy nhất! Không phải nhờ tiệc tùng mà ta mới có thể chinh phục người ta đến với Chúa như một số người suy nghĩ! Giữ cảm tình thân thiết với người ngoài để có cơ hội làm chứng về Chúa cho họ không phải chỉ trong việc đi dự tiệc, nhưng trong cách chúng ta đối xử với họ hằng ngày, nhất là trong những giờ phút có cần, như trong lời khuyên của vua Sa-lô-môn: “Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc” (Truyền Đạo7:2).
  8. Giữ tấm lòng trong sạch: Sau khi tổ chức bữa tiệc hay đi dự tiệc, điều cần là kiểm điểm lại chính mình, gia đình mình có bị tiêm nhiễm sự ô uế trong tâm linh qua những giờ phút ăn uống vui chơi không, và nhờ huyết Chúa Giê-xu tẩy sạch mọi lỗi lầm, như điều Gióp đã làm cho các con của ông (Gióp 1:4-5).

Tóm lược

Đối với Cơ Đốc nhân:

– Lý cớ tiệc tùng phải là sự ca ngợi, cảm tạ ơn Chúa.

– Trọng tâm của tiệc tùng phải là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Những nguyên tắc cần thiết trong sự tổ chức bữa tiệc và trong sự đi dự tiệc là gì?
  3. Xin cho biết trong sự mở tiệc và đi dự tiệc, bạn có làm sáng Danh Chúa chưa? Vì sao bạn biết?

 

Post CommentLeave a reply