Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 03.09.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 03.09.2023

By Lee Vi in Thanh niên on 29 Tháng Tám, 2023

Chúa nhật 03.09.2023.

  1. Đề tài: PHƯỚC HẠNH CỦA NGƯỜI Ở TRONG ĐẤNG CHRIST.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 1:26-2:5.
  3. Câu gốc: “…Nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta” (1Cô-rinh-tô 1:30).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Sử Ký 6-10.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn một người đóng vai Phao-lô, một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và câu trả lời cho các “diễn viên” học thuộc. Các câu hỏi và câu trả lời nên ngắn gọn nhưng phải đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe, để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Trong phần đúc kết, người hướng dẫn sẽ tóm tắt nội dung bài học và đưa ra lời khuyên ban viên áp dụng sự dạy dỗ của Lời Chúa vào đời sống mỗi ngày. Sau đó, tất cả đứng lên và mời một người thay mặt các bạn cầu nguyện.

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

(Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới đi lên và Phao-lô từ ngoài bước vào phòng nhóm).

– Phóng viên: Dạ, chúng cháu xin kính chào cụ Phao-lô!

– Phao-lô: Chào các cháu!

– Pv: Chúng cháu rất vui vì được cụ đến thăm. Thay cho các bạn thanh niên trong Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Nhân buổi gặp gỡ này cháu xin phép hỏi về chức vụ của cụ tại Hội Thánh Cô-rinh-tô, và phước hạnh mà các tín hữu nhận được ở trong Đấng Christ được không ạ?

– Phao-lô: Được, các cháu cứ hỏi.

– Pv: Thưa cụ, vì đang học loạt bài trong thư 1Cô-rinh-tô, nên chúng cháu muốn cụ giới thiệu sơ lược về thành phố Cô-rinh-tô và Hội Thánh tại đó!

– Phao-lô: Thành phố Cô-rinh-tô nổi tiếng về triết học, văn hóa và thương mại. Người Hy-lạp sống tại đó có tính hay tranh luận, thích thể thao, yêu thích vật chất và sống phóng đãng. Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Linh dẫn dắt ta đem Tin lành quyền năng đến thành Cô-rinh-tô, và thành lập Hội Thánh Đức Chúa Trời tại đó.

– Pv: Cụ có gặp khó khăn nào khi thành lập Hội Thánh Cô-rinh-tô không ạ?

– Phao-lô: Có đó các cháu! Bước đầu, ta cùng với A-qui-la và Bê-rít-sin làm nghề may trại và giảng Tin lành cho người Do-thái. Vì bị một số người Do-thái chống đối, nên ta chuyển sang giảng Tin lành cho người Hy-lạp. Kết quả có nhiều người Do-thái và Hy-lạp tin Chúa. Ta ở lại đó gần hai năm để gây dựng Hội Thánh.

– Pv: Cám ơn cụ đã giúp chúng cháu hiểu sơ lược về thành phố Cô-rinh-tô và sự hình thành Hội Thánh tại đó. Xin cụ tiếp tục cho chúng cháu biết thêm về chức vụ của cụ tại thành phố Cô-rinh-tô đi ạ.

– Phao-lô: Hội Thánh Cô-rinh-tô là một Hội Thánh có quá nhiều nan đề như các Hội Thánh ngày nay vậy. Ta đã nhờ ơn Chúa lần lượt giải quyết từng nan đề qua từng chương của bức thư và các cháu muốn ta kể về việc gì nào?

– Pv: Thưa cụ, chúng cháu biết người Cô-rinh-tô rất yêu chuộng tri thức, nên khi đến với Chúa họ có gặp khó khăn nào không ạ?

– Phao-lô: Vì chú trọng tri thức nên tín hữu Cô-rinh-tô tưởng rằng, họ có thể hoà lẫn tri thức loài người với thập tự giá Đấng Christ, để thích hợp với môi trường sống. Từ đó, họ bị rơi vào sự nhầm lẫn là cậy sự khôn ngoan riêng để đạt đến sự cứu rỗi.

– Pv: Vậy cụ đã làm gì để giúp họ ạ?

– Phao-lô: Trước tiên, ta khẳng định sự cứu rỗi là do ân điển của Đức Chúa Trời, chứ không do sự khôn ngoan con người mà đạt được.

– Pv: Cụ có thể nói rõ hơn cho chúng cháu biết về cứu rỗi do ân điển của Đức Chúa Trời không, thưa cụ?

– Phao-lô: Ta nhắc họ biết rằng: (1) Đức Chúa Trời đã chọn họ từ địa vị thấp hèn của thế gian, để ban cho quyền năng và sự khôn ngoan của Ngài. (2) Đức Chúa Trời đã ban Đấng Christ cho họ và trong Đấng Christ, họ nhận được sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, sự cứu chuộc.

– Pv: Thưa cụ, sự khôn ngoan mà họ nhận được trong Đấng Christ là như thế nào ạ?

– Phao-lô: Là sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời, được bày tỏ trong Đấng Christ để hiểu biết những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, chứ không phải sự khôn ngoan do lý trí con người.

– Pv: Thưa cụ, sự công bình họ nhận được trong Đấng Christ là gì?

– Phao-lô: Sự công bình này không chỉ về những đức tính luân lý, nhưng nói đến sự công nghĩa của Đức Chúa Trời bày tỏ trong Đấng Christ, để ban cho người tin địa vị công nghĩa của Ngài.

– Pv: Còn sự nên thánh trong Đấng Christ là gì nữa thưa cụ?

– Phao-lô: Là không do sự gắng sức của con người, nhưng là công việc của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ để thánh hoá tội nhân, đưa con người đến gần với Đức Chúa Trời.

– Pv: Còn một điều nhỏ nữa cháu xin hỏi cụ: Sự cứu chuộc là gì thưa cụ?

– Phao-lô: Sự cứu chuộc là sự trả giá bằng huyết của Đấng Christ, để buông tha tội nhân khỏi ách nô lệ của tội lỗi.

– Pv: Ồ! Vậy là tất cả mọi điều họ nhận được trong Đấng Christ hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Chúa Trời phải không thưa cụ?

– Phao-lô: Đúng vậy! Nhưng họ cần phải có tấm lòng khiêm nhường và đức tin để nhận sự cứu rỗi.

– Pv: Thưa cụ, trong phần đầu cụ bảo rằng sự cứu rỗi đến bởi ân điển của Chúa, nhưng trong phần này cụ lại nói đến điều kiện để nhận được ân điển đó?

– Phao-lô: Đường lối cứu rỗi của Chúa là do ân điển, bởi đức tin. Vì thế người đến với Chúa phải có thái độ khiêm nhường với đức tin đơn sơ như con trẻ (Mác 10:14-15) để nhận, và để không ai có thể khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời.

– Pv: Còn một việc cuối cùng cháu muốn hỏi cụ: Vì sao cụ nói “… Ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Giê-xu Christ, và Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh trên cây thập tự?”

– Phao-lô: Lời xác chứng này để đánh tan sự hiểu lầm trong tín hữu, vì họ xem A-bô-lô và ta như là giáo sư, là nhà diễn thuyết. Ta muốn họ biết rằng ta là sứ giả, là chứng nhân của Đức Chúa Trời, và ta chỉ rao báo sứ điệp chứ không có tranh biện như giáo sư của đời.

– Pv: Lời xác chứng này còn nhằm mục đích gì không, thưa cụ?

– Phao-lô: Để chứng thực quyền năng của Đức Chúa Trời qua sứ điệp thập tự giá của Đấng Christ. Và để tín hữu Cô-rinh-tô lập vững đức tin trên quyền năng Đức Chúa Trời, mà không cậy sự khôn ngoan của loài người.

– Pv: Cám ơn cụ đã giúp chúng cháu hiểu rất nhiều về chức vụ của cụ giữa vòng tín hữu Hội Thánh Cô-rinh-tô. Những giải đáp của cụ là khuôn mẫu giải đáp các nan đề chung của Hội Thánh. Chúng cháu sẽ học tập tinh thần của cụ trong việc gây dựng Hội Thánh Đức Chúa Trời.

– Người hướng dẫn: Các bạn thân mến! Chúng ta vừa nghe cụ Phao-lô trình bày về chức vụ và công tác của cụ tại Hội Thánh Cô-rinh-tô. Nguyện Chúa giúp chúng ta biết rằng mọi phước hạnh chúng ta nhận từ Đức Chúa Trời đều ở trong Đấng Christ.

Mời các bạn đứng lên và trân trọng mời cụ Phao-lô cầu nguyện cho chúng cháu.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Qua lời giải đáp của Phao-lô cho thấy:

Lý do thứ nhất khiến Hội Thánh chia rẽ là vì có cái nhìn sai về người làm đầu Hội Thánh.

Lý do thứ hai là vì coi trọng lễ báp têm hơn là quyền năng cứu rỗi của Tin lành.

Lý do thứ ba là vì chú trọng sự khôn ngoan của loài người và xem thường quyền năng thập tự giá của Chúa Giê-xu.

Lý do thứ tư là vì lầm tưởng nhờ tri thức để nhận được các phước hạnh từ Đức Chúa Trời.

  1. DẪN GIẢI.

Vì chú trọng sự khôn ngoan của đời, tín hữu Cô-rinh-tô tưởng rằng sự hoà lẫn tri thức loài người với thập tự giá là điều hợp lý để thích hợp với môi trường sống. Từ đó, họ bị rơi vào nhầm lẫn là nhờ sự khôn ngoan riêng để đạt đến sự cứu rỗi.

  1. NHỮNG PHƯỚC HẠNH CHÚNG TA NHẬN ĐƯỢC TRONG ĐẤNG CHRIST.

Từ 1:26-2:5, Phao-lô trình bày đường lối cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua những điểm quan trọng sau đây:

  1. Sự khôn ngoan (c.26).

Phao-lô kêu gọi tín hữu nhìn lại trong Hội Thánh. Đức Chúa Trời đã lựa chọn họ từ địa vị thấp hèn của thế gian, để ban cho họ ân điển và sự khôn ngoan của Ngài mà người tri thức, giàu sang đời này không nhận được.

Sự khôn ngoan này là sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời, được khải thị trong Đấng Christ, để hiểu biết những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, chứ không phải sự khôn ngoan do lý trí con người.

  1. Sự công bình (c.30).

Trong câu 30 bày tỏ Đấng Christ là sự ban cho của Đức Chúa Trời và trong Đấng Christ, chúng ta nhận được sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, sự cứu chuộc.

Sự công bình: Không phải chỉ về những đức tính luân lý, nhưng nói đến sự công nghĩa của Đức Chúa Trời bày tỏ trong Đấng Christ, để ban cho người tin địa vị công nghĩa của Ngài (Rô-ma 3:21-24).

  1. Sự nên thánh (c.30).

Sự nên thánh: Không phải do sự gắng sức của con người, nhưng là công việc của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ để thánh hoá tội nhân, đưa con người đến gần với Đức Chúa Trời.

  1. Sự cứu chuộc (c.30).

Sự cứu chuộc: Là sự trả giá bằng huyết của Đấng Christ để buông tha tội nhân khỏi ách nô lệ của tội lỗi.

Như vậy, tất cả mọi điều chúng ta nhận được trong Đấng Christ hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Chúa Trời.

  1. ĐIỀU KIỆN ĐỂ NHẬN ĐƯỢC PHƯỚC HẠNH.

Trong câu 27-28 Phao-lô giải thích lý do Đức Chúa Trời chọn kẻ hèn hạ, dốt nát ở thế gian là để đánh bại kẻ khôn ngoan, kiêu ngạo đời này. Vì con người không bao giờ có thể nhờ cậy sự khôn ngoan của lý trí để đạt đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Đường lối cứu rỗi của Chúa là do ân điển, bởi đức tin. Vì thế, nếu ai đến với Chúa thì phải có thái độ khiêm nhường với đức tin đơn sơ như con trẻ (Mác 10:14-15), để không ai có thể khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời (c.31).

Trước “trào lưu” yêu chuộng sự tri thức, triết lý của đời, Phao-lô đã quả quyết với tín hữu Cô-rinh-tô rằng: “… ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Giê-xu Christ, và Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh trên cây thập tự”. Tại sao Phao-lô không “pha trộn” thập tự giá với triết học của đời, bởi Phao-lô cũng là nhà tri thức?

(1) Để đánh tan sự hiểu lầm trong vòng tín hữu, vì họ xem A-bô-lô, Phao-lô như những giáo sư, những nhà diễn thuyết. Nhưng với lời xác chứng trong câu 2, Phao-lô làm sáng tỏ rằng ông là một sứ giả, một chứng nhân của Đức Chúa Trời. Với sứ giả chỉ có rao báo sứ điệp, chứ không có tranh biện như giáo sư của đời.

(2) Để chứng thực quyền năng của Đức Chúa Trời qua sứ điệp thập tự giá của Đấng Christ. Bằng chứng là qua sự thiết lập Hội Thánh giữa một thành phố văn minh học thức (2:1,3-4; Công Vụ 18:9-10).

(3) Để tín hữu Cô-rinh-tô lập vững đức tin trên quyền năng Đức Chúa Trời, chứ không phải nhờ sự khôn ngoan của loài người (c.5).

Tóm lại.

– Người nào nhờ cậy tri thức riêng của mình, chắc không bao giờ đạt đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

– Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chỉ dành cho người khiêm nhường.

– Người nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời không có lý do gì để khoe khoang về chính mình.

– Đấng Christ là sự đáp ứng nhu cầu trọn vẹn của con người.

– Chúng ta đang khoe mình về điều gì? Thập tự giá của Đấng Christ hay sự khôn ngoan của mình?

 

 

 

 

Post CommentLeave a reply