CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 20.08.2023
By Lee Vi in Thanh niên on 15 Tháng Tám, 2023
Chúa nhật 20.08.2023.
- Đề tài: THẬP TỰ GIÁ CỦA ĐẤNG CHRIST, KHÔNG PHẢI KHÔN NGOAN CỦA ĐỜI.
- Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 1:17-25.
- Câu gốc: “Về những người được gọi… thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” (1Cô-rinh-tô 1:24).
- Đố Kinh Thánh: 1Sử Ký 1-5.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
- Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để giao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
- Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:
– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).
– Câu hỏi giải nghĩa (tìm sự dạy dỗ của lời Chúa).
– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo:
(1.1) Câu hỏi quan sát: Ghi nhận hai thái độ khác nhau đối với thập tự giá của Đấng Christ? (c.18).
(1.2) Câu hỏi suy luận: Tại sao họ có thái độ trên đối với thập tự giá của Đấng Christ?
(1.3) Câu hỏi ứng dụng: Bạn có thái độ nào đối với thập tự giá của Đấng Christ?
(2.1) Các tín hữu Cô-rinh-tô chú trọng đến hai điều gì? (c.22).
(2.2) Vì sao họ chú trọng hai điều đó? Điều này đưa họ vào lầm lỗi nào?
(2.3) Bạn chú trọng và tìm kiếm điều gì? Ích lợi hay tai hại? Vì sao như thế?
(3.1) Phao-lô trình bày thế nào về Đấng Christ và thập tự giá? (c.18,22-24).
(3.2) Điều Phao-lô trình bày nhằm mục đích gì?
(3.3) Bạn trình bày về Đấng Christ và thập tự giá của Đấng Christ cho người chung quanh như thế nào?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Qua lời giải đáp của Phao-lô, chúng ta biết:
– Lý do thứ nhất khiến Hội Thánh chia rẽ là vì có cái nhìn sai về người làm đầu Hội Thánh.
– Lý do thứ hai là vì coi trọng lễ báp têm hơn quyền năng cứu rỗi của Tin lành.
– Và lý do thứ ba là vì chú trọng sự khôn ngoan của đời, xem thường thập tự giá của Đấng Christ.
- KHÔN NGOAN CỦA ĐỜI.
Trong Hội Thánh Cô-rinh-tô có cả tín hữu Do-thái và
Hy-lạp. Mặc dù tin Chúa, nhưng họ vẫn còn sống theo bản tính xác thịt.
Trong câu 22 và 23, Phao-lô bày tỏ hai điều người Do thái và người Hy-lạp tìm kiếm:
– Người Do thái tìm kiếm phép lạ. Vì dân Do thái vốn là dân cứng lòng không tin.
– Và người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan theo lý trí. Vì dân Hy-lạp có tính hay lý luận, đòi hỏi bằng chứng (c.20).
Vì vậy, với sự giảng dạy hùng hồn của A-bô-lô, người có tài hùng biện, các tín hữu Do-thái và Hy-lạp thấy hợp lý, thấy thích thú hơn so với sự giảng dạy đơn sơ của Phao-lô về thập tự giá của Đấng Christ. Điều này đưa họ vào sai lầm chú trọng đến sự khôn ngoan của đời, và khinh lờn quyền năng thập tự giá của Đấng Christ.
Vì thế trong câu 19, 21 Phao-lô cảnh cáo rằng Đức Chúa Trời sẽ phá hủy sự khôn ngoan ấy, khiến kẻ cho mình là khôn ngoan trở nên ngu dại (Rô-ma 1:18-32; Thi Thiên 14:1).
- THẬP TỰ GIÁ CỦA ĐẤNG CHRIST.
Phao-lô trình bày chân lý quan trọng về thập tự giá của Đấng Christ trong những điểm sau:
- Thập tự giá của Đấng Christ là quyền năng của Đức Chúa Trời (c.18).
- Thập tự giá của Đấng Christ là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (c.22-23).
- Đấng Christ là quyền năng và là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (c.24).
Vì lí do đó, Phao-lô không thể nào không giảng về thập tự giá của Đấng Christ (c.17).
Từ câu 18-25, Phao-lô nêu lên hai thái độ khác nhau đối với thập tự giá của Đấng Christ.
Qua thập tự giá của Đấng Christ, Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan cho kẻ tin. Sự khôn ngoan này khác với sự khôn ngoan của người đời như được diễn tả trong Gia-cơ 3:13-18:
Sự khôn ngoan của thế gian.
* Thuộc về đất. – Xác thịt và ma quỷ. – Ghen ghét. – Cạnh tranh. – Hỗn độn. – Đủ mọi thứ ác. – Kiêu ngạo. – Hư mất. |
Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời
* Từ trời. – Thánh sạch. – Hòa thuận. – Tiết độ. – Nhu mì. – Thương xót. – Hoà bình. – Sự sống. |
Tóm lược.
– Người chối bỏ thập tự giá của Đấng Christ, cũng chối bỏ quyền phép của Đức Chúa Trời.
– Người chối bỏ Đấng Christ, cũng chối bỏ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.
– Sự khôn ngoan nào không dẫn đến sự nhìn biết Đức Chúa Trời, thì sự khôn ngoan đó sẽ bị tiêu diệt.
Chúng ta chọn sự khôn ngoan nào? Chọn thập tự giá của Đấng Christ hay sự khôn ngoan của đời?
+ Sự khôn ngoan của loài người như “những kho tàng trống rỗng trong những thùng trống rỗng”.
+ Huân tước James Simpson là người khám phá ra chất Cloroform mà y học ngày nay dùng như một chất giảm đau cho bệnh nhân. Có lần người ta hỏi ông: “Khám phá nào vĩ đại nhất của ông?” (Người hỏi tưởng rằng ông sẽ trả lời là sự tìm ra chất Cloroform). Nhưng Simpson đáp: “Khám phá vĩ đại nhất của đời tôi là khi tôi tìm được niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu”.