CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 12.02.2023
By Lee Vi in Thanh niên on 12 Tháng Hai, 2023
Chúa nhật 12.02.2023.
- Đề tài: SỐNG THÍCH ỨNG.
- Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 9:19-23.
- Câu gốc: “Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin Lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó” (1Cô-rinh-tô 9:23).
- Đố Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 26-31.
- Thể loại: Giải đáp thắc mắc.
* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.
- Thông báo đề tài “Sống Thích Ứng” đến tất cả ban viên, và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ.
- Ủy viên linh vụ nhờ người có kinh nghiệm thuộc linh trong Hội Thánh giải đáp thắc mắc.
- Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau mỗi câu trả lời, cần dành ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
- Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số bạn e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, thì bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trong 1Cô-rinh-tô 9:19-23, Phao-lô nêu gương từ bỏ sự tự do của mình để sống thích ứng với mọi người. Tại sao Phao-lô lựa chọn cho mình một triết lý sống như thế? Điều này nhắc nhở người Cơ đốc sống thế nào đối với Chúa và tha nhân?
- DẪN GIẢI.
- Sống vì Tin Lành.
Câu 19 cho chúng ta thấy có sự hoán vị trong đời sống Phao-lô: Từ người tự do trở thành người hầu việc.
– Đối với Hội Thánh: Phao-lô là sứ đồ của Đấng Christ.
– Đối với xã hội bên ngoài, Phao-lô là công dân La-mã, một đế quốc cường thịnh số một thời ấy. Mang quốc tịch của một nước giàu mạnh như thế là cả một vinh hạnh mà nhiều người mơ ước (Công Vụ 16:37).
Nhưng tại sao Phao-lô chọn làm người đầy tớ phục dịch mọi người? Lý do là để “được nhiều người hơn”. Phao-lô đã noi theo dấu chân Chúa Giê-xu, Đấng đã từ bỏ Ngôi Trời vinh hiển, đến trần gian và tuyên bố rằng: “Con Người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”(Mác 10:45).
Đời sống hầu việc của Đấng Christ đã dạy cho kẻ theo Ngài bí quyết kỳ diệu để chinh phục tội nhân: “Muốn được người phải phục vụ người”. Khác với cách của vua chúa đời này: “Muốn được người phải cai trị người”.
Chữ “phục dịch” hay “hầu việc” (c.19) ám chỉ cách sống thích ứng mà Phao-lô trình bày tiếp theo đó. Từ c.20-22, nói đến ba hạng người mà Phao-lô cần phải thích ứng để đem Tin Lành cho họ:
– Với người Giu-đa: Là người dưới luật pháp, Phao-lô “cũng ở như người dưới luật pháp” (Công Vụ 18:18; 21:25-26).
– Với người ngoại bang: Là người không ở dưới luật pháp của người Do-thái, Phao-lô “cũng ở như người không luật pháp”(mặc dầu Phao-lô vẫn là người ở dưới luật của Đấng Christ).
– Với kẻ yếu đuối: Chỉ kẻ yếu kém đức tin, Phao-lô “ở yếu đuối với những người yếu đuối”.
Cách sống thích ứng trên được Phao-lô tóm tắt trong những chữ “tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người”. Điều này có nghĩa gì? Cách sống thích ứng của Phao-lô không có nghĩa là sống “ba phải”, không có lập trường, không phải hòa nhập với người tội lỗi, không phải là sự hòa nhập giữa Tin Lành với Đa Thần giáo! Nhưng sống thích ứng của Phao-lô có nghĩa là:
– Sống dưới luật của Đấng Christ, mà luật của Ngài là “hầu việc anh em” (Ga-la-ti 6:2).
– Sống dấn thân, hòa mình trong nhóm người mà ta muốn đem Tin Lành. Hầu cho ở với người dưới luật pháp, ta được người dưới luật pháp, ở với người không luật pháp, ta được người không luật pháp, và với kẻ yếu đuối ta cũng được họ.
– Cách sống thích ứng rất cần cho sự đem Tin Lành đến nhiều người trong những bối cảnh khác nhau. Trong thời gian giảng Tin Lành, Chúa Giê-xu đã từng vào đền thờ nói chuyện luật pháp với thầy thông giáo, và Ngài cũng nhận lời vào nhà dùng bữa với người thâu thuế (Lu-ca 19:1-10) để cứu được cả hai. Vì thế, cách sống thích ứng của Phao-lô có nghĩa là, gặp người trong chỗ của họ đang đứng (dầu đó là Do-thái giáo hay đa thần), để từ đó dẫn họ đến với Tin Lành. Đó là mục đích sống của Phao-lô (c.23).
- Tự do và phục vụ.
Sự từ bỏ quyền lợi và tự do của Phao-lô đặt trên hai nguyên tắc:
– Nguyên tắc ích lợi.
– Nguyên tắc hầu việc (c.12,19,23).
Chữ “ích lợi” trong tư tưởng triết lý Hy lạp chỉ về những mục đích đúng, hay điều thiện cao cả nhất. Điều tốt nhất đối với Cơ đốc nhân là nhìn biết quyền chủ tể của Đấng Christ trong mọi khía cạnh của đời sống. Đó là nguyên lý điều khiển cả sự tự do, vì sự tự do được ban cho để phục sự Chúa. Cho nên, sự từ bỏ quyền lợi riêng để phục vụ kẻ khác vì Tin Lành, không phải là điều trái lẽ với sự tự do, nhưng đó là lẽ sống của người tự do.
TÓM LƯỢC.
Người từ bỏ tự do mình vì Tin Lành không mất sự tự do; nhưng ai giữ tự do cho chính mình sẽ bị mất!
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Trong câu 19 cho thấy sự thay đổi địa vị trái ngược nào trong đời sống Phao-lô? Tại sao Phao-lô chọn như thế?
- Chọn cách sống như trên (c.19), Phao-lô đã theo gương của ai? (Mác 10:45).
- Từ c.20-22, Phao-lô trình bày thế nào về cách sống thích ứng của ông?
- Qua sự trình bày trên, xin tìm hiểu:
- Sống thích ứng của Phao-lô có nghĩa gì?
- Và nhằm mục đích gì? (c.23).
- Sự từ bỏ quyền lợi của Phao-lô (9:1-18), và cách sống thích ứng của Phao-lô (9:19-23) đã đặt trên những nguyên tắc nào? (c.12,19,23).
- Những nguyên tắc trên có nghĩa gì? Và cho chúng ta học biết thế nào là sự tự do của người Cơ đốc?