CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 04.12.2022
By Lee Vi in NAM GIỚI on 28 Tháng Mười Một, 2022
Chúa nhật 04.12.2022
- Đề tài: Ý NGHĨA CỦA LỄ GIÁNG SINH.
- Kinh Thánh: Giăng 1:1-18.
- Câu gốc: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14).
- Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
- Thể loại: Truyền giảng.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 28.08.2022.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Chúng ta bắt đầu bước vào tháng Mười Hai, tháng cuối cùng trong năm và cũng bắt đầu bước vào mùa Giáng sinh. Mùa Giáng sinh cũng được gọi là Mùa Vọng. Vọng nghĩa là trông ngóng hay hướng về. Chúng ta trông ngóng hay hướng về ngày Chúa Cứu Thế giáng trần, ngày Thiên Chúa vào đời để cứu người. Trong tinh thần của Mùa Vọng, chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ về ý nghĩa của lễ Giáng sinh theo lời dạy của Kinh Thánh.
Kinh Thánh có nhiều câu nói về ý nghĩa của lễ Giáng sinh, nhưng đối với tôi, câu sau đây gói ghém trọn vẹn và đầy đủ nhất ý nghĩa của ngày lễ nầy. Đây là câu ghi trong Phúc Âm Giăng 1:14 “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật. Chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha”.
Câu Kinh Thánh nầy cho chúng ta thấy bốn khía cạnh về lễ Giáng sinh.
- NGUỒN GỐC CỦA LỄ GIÁNG SINH.
Một số người cho rằng Chúa Cứu Thế sinh sau đẻ muộn vì Ngài chỉ mới giáng sinh hơn hai ngàn năm nay trong khi các giáo chủ khác đã có từ nhiều năm trước. Với cái nhìn của loài người chúng ta thấy như vậy, nhưng thực tế của vấn đề như sau: Câu Kinh Thánh vừa rồi gọi Chúa Cứu Thế bằng một danh hiệu đặc biệt. Danh hiệu đó là “Ngôi Lời”. “Ngôi Lời” là một danh từ triết học Hy Lạp. Các triết gia Hy Lạp biết rằng vũ trụ nầy không thể tự nhiên mà có, họ tin rằng phải có một nguyên nhân đầu tiên nào đó bắt đầu vũ trụ nầy. Họ gọi nguyên nhân đầu tiên đó là “logos”, tiếng Việt chúng ta dịch là “Lời” hay “Ngôi Lời”. Lão giáo cũng có một ý niệm tương tự và gọi nguyên nhân đó là “Đạo”. Theo Lão giáo, “Đạo là một nguyên lý rất huyền diệu, do đấy mà sinh ra trời đất và vạn vật”. Dù là Đông hay Tây, văn hóa nào cũng công nhận có một Đấng Tạo Hóa, Chủ Tể của trời đất, Đấng sáng tạo muôn loài vạn vật. Sâu kín trong đáy lòng, chúng ta gọi đó là Ông Trời. Ông Trời đó chính là Ngôi Lời mà Thánh Kinh mô tả. Thánh Kinh dạy: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”. Chúa Cứu Thế chính là Ngôi Lời, là khởi nguyên của vũ trụ, đã hiện hữu từ cõi vĩnh hằng, nhưng đến đúng thời điểm, Ngài đã giáng trần làm người, mang hình hài thể xác của con người.
“Ngôi Lời đã trở nên xác thịt” là như vậy. Chúa Cứu Thế là Đức Chúa Trời đã hiện hữu từ cõi vô hạn, nhưng Ngài đã tự giới hạn mình lại để đến với con người hơn hai ngàn năm trước để con người có thể biết Ngài là ai. Đức Chúa Trời đã nhiều lần thể hiện chính mình Ngài trong vũ trụ, thiên nhiên, trong Lời Kinh Thánh, trong dòng lịch sử nhân loại, trong lương tâm con người. Nhưng rõ ràng và đầy đủ hơn cả là qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng đã giáng trần hơn hai ngàn năm trước. Loài người thường nghĩ đến Đức Chúa Trời như là một vị thần ở thật xa, sẵn sàng hình phạt giáng họa cho con người. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến trần gian để chúng ta thấy rằng Ngài thật gần gũi với chúng ta. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời Toàn Năng, vô hạn nhưng đã tự giới hạn chính mình trong hình hài thể xác của một em bé, sinh nơi chuồng chiên máng cỏ để thông cảm với thân phận làm người. Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, Con Trời đã trở thành con người. Đó là nguồn gốc của lễ Giáng Sinh.
- THỰC TẾ CỦA LỄ GIÁNG SINH.
Câu Kinh Thánh trên nói thêm: “Ở giữa chúng ta”. Đức Chúa Trời chẳng những trở thành người, Ngài cũng ở giữa chúng ta. Chữ “ở giữa” trong tiếng Hi-lạp có nghĩa là cắm lều hay đóng trại. Cắm lều hay đóng trại cho thấy một cái gì gần gũi, thân mật nhưng đồng thời cũng cho thấy một cái gì tạm thời ngắn ngủi. Nói như vậy có nghĩa là Đức Chúa Trời đã trở thành người, sống giữa chúng ta nhưng Ngài vẫn là Đức Chúa Trời. Sau khi chu toàn công tác cứu chuộc nhân loại, Ngài đã sống lại, về trời và sẽ trở lại nghênh đón chúng ta về sống với Ngài trên Thiên đàng. Thật ra, Mùa Vọng cũng là mùa chúng ta hướng về ngày Chúa trở lại trần gian nầy lần thứ hai, không phải để cứu chuộc nhân loại nữa mà là để phán xét. Người nào đặt lòng tin nơi Chúa sẽ được về sống với Ngài đời đời, còn khước từ Chúa chỉ chờ để nhận án phạt. Đó là thực tế của lễ Giáng Sinh. Thực tế đó là, Chúa đã một lần bước đi giữa cuộc đời nầy, rất gần gũi với chúng ta. Nhưng chúng ta có nhận ra để tôn thờ Ngài không, hay tiếp tục khước từ Chúa để rồi phải chịu án phạt? Thưa với quý vị, cô đơn là nỗi khổ lớn nhất của con người, nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến trần gian nầy đóng trại giữa chúng ta, gần gũi và cho thấy Ngài thật thông cảm với chúng ta. Bạn thấy gì trong mùa Giáng sinh nầy? Đèn đuốc, hoa lá trưng bày khắp nơi, sự bận rộn của ngày lễ hay bạn thấy chính Chúa Giê-xu đang hiện diện và đi lại giữa chúng ta? Thực tế của lễ Giáng sinh là Chúa Cứu Thế đang ở giữa chúng ta, bạn đã nhận ra Ngài chưa? Hãy tìm kiếm Chúa, Ngài sẽ cho bạn gặp Ngài. Bạn sẽ được đối diện với chính Ngài và kinh nghiệm tình yêu Ngài dành cho bạn.
- VẺ ĐẸP CỦA LỄ GIÁNG SINH.
Câu Kinh Thánh tôi đọc cho bạn nghe lúc nãy chẳng những cho chúng ta thấy nguồn gốc và thực tế của lễ Giáng sinh nhưng cũng cho ta thấy vẻ đẹp của mùa Giáng sinh nữa. Vẻ đẹp đó là gì? Vẻ đẹp đó gói trọn trong năm chữ sau đây: “Đầy ơn và lẽ thật”, hay theo một bản dịch mới: “Tràn đầy ân phúc và chân lý”. Chúa Cứu Thế Giê-xu chẳng những đến trần gian nầy để chúng ta biết về Đức Chúa Trời, Ngài cũng đến đem cho chúng ta ân phúc và chân lý. Đây là vẻ đẹp của mùa Giáng sinh vì đây là hai yếu tố quân bình làm cho cuộc đời phước hạnh. Ân phúc và chân lý nói một cách nôm na là tình thương và công lý. Chúng ta thường nhấn mạnh một điều và quên mất điều kia nên cuộc đời nhiều khi trở nên bất hạnh. Chúa Cứu Thế đến để ban cho con người tình thương, đúng vậy nhưng nhiều người đã lợi dụng tình thương đó và sống một đời buông thả, bừa bãi, chẳng nghĩ gì đến tình thương của Chúa. Một số khác thì nói rằng Chúa nghiêm khắc quá, lúc nào cũng nghĩ đến hình phạt của Chúa nên lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi. Thưa bạn, Thiên Chúa đã vào đời đem đến cho chúng ta ân phúc và chân lý. Ân phúc là điều chúng ta không đáng nhận, Chúa vẫn cho. Chân lý là điều hay lẽ phải, là điều ta không thể chối cãi nhưng phải chấp nhận. Vì chân lý, Đức Chúa Trời phải hình phạt con người, nhưng nhờ ân phúc Chúa đã cứu chuộc con người. Chúng ta phải tiếp nhận cả hai. Chính vì chân lý mà Chúa Cứu Thế phải đến trần gian chịu hình phạt thay cho con người, và cũng chính vì tình thương mà Chúa đã bằng lòng hy sinh chịu chết cho con người.
Vẻ đẹp của lễ Giáng sinh là chân lý gói trong tình yêu thương. Ta không thể pha loãng đạo Chúa, dung dưỡng tội ác, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng tiếp nhận ơn tha thứ của Ngài.
- CHIÊM NGƯỠNG LỄ GIÁNG SINH.
Tôi không đủ giờ để nói hết với bạn những điều tôi muốn nói, nhưng xin nói nhanh đến điểm thứ tư, đó là nếu nguồn gốc thực tế và vẻ đẹp của lễ Giáng sinh là như vậy thì chúng ta nên kỷ niệm hay mừng lễ Giáng sinh như thế nào? Đến hôm nay có lẽ quý vị đã bắt đầu mua sắm cho ngày lễ, mua quà tặng, chưng dọn, trang hoàng nhà cửa, gửi thiệp Giáng sinh, dù có đạo hay không. Đó là những truyền thống tốt, tuy nhiên tôi xin đề nghị với bạn điều nầy: Để Giáng sinh năm nay có ý nghĩa hơn những năm trước, bạn hãy làm điều sau đây: Câu Kinh Thánh tôi đọc cho bạn nghe lúc nãy kết thúc như sau: “Chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài thật như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha”.
Mừng Giáng sinh năm nay, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng vẻ đẹp và vinh quang của Thiên Chúa Giáng Sinh. Không phải qua những đèn màu, cây thông, qua những trang hoàng, chưng dọn, quà cáp nhưng qua cái nhìn tâm linh, cái nhìn vượt qua thế giới vật chất. Hãy nhìn lên để thấy rằng Giáng sinh bắt nguồn từ Đức Chúa Trời, nhìn ngang để thấy thực tế của Giáng sinh là Thiên Chúa rất gần và Ngài đã ở bên cạnh chúng ta. Nhìn xuống để thấy rằng mình là tội nhân đáng chết, nhưng Chúa đã yêu thương cứu chuộc và ban cho chúng ta ân phúc của Ngài. Cuối cùng, chúng ta hãy nhìn vào chính mình xem có thật sự vọng về Chúa Cứu Thế không? Ngài đã đến để cứu chuộc loài người, nhưng chúng ta đã đáp ứng như thế nào trước tình yêu cao cả của Ngài?
Mục sư Nguyễn Thỉ