Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 27.11.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 27.11.2022

By Lee Vi in Thanh niên on 26 Tháng Mười Một, 2022

Chúa nhật 27.11.2022.

  1. Đề tài: LỄ TẠ ƠN.
  2. Kinh Thánh: 2Cô-rinh-tô 9:1-15
  3. Câu gốc: “Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!” (2Cô-rinh-tô 9:15).
  4. Đố Kinh Thánh: Không Đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Ca ngợi & Cảm tạ.

* CHỈ DẪN: Ca ngợi – Cảm tạ.

  1. Tất cả các ban viên đều có quyền dự phần: Ca ngợi cảm tạ Chúa về những ơn phước Ngài ban trong năm qua.
  2. Ghi danh với người hướng dẫn chương trình thờ phượng.
  3. Có thể đơn ca, song ca, tốp ca hay mời cả ban cùng hát.
  4. Khuyến khích làm chứng. Nếu không làm chứng thì nên bày tỏ lý do tôn vinh Chúa bài thánh ca đó. Khi làm chứng, xin trình bày cách thành thật. Nếu bài làm chứng cảm động, nên cầu nguyện ngay.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Lễ Tạ Ơn bắt nguồn từ những di dân Âu Châu lập nghiệp trên Tân Thế Giới (Châu Mỹ). Đời sống của họ trên đất mới rất khổ nhọc vì thời tiết, bệnh tật; đồng ruộng, nông trại, nhà cửa phải xây dựng lại từ đầu. Tuy vậy, vào cuối mùa gặt hái, di dân có một buổi lễ để cảm tạ Đức Chúa Trời vì những gì họ gặt hái được trong vụ mùa vừa qua. Họ làm điều này hằng năm nhưng vẫn chưa chính thức dành riêng ra một ngày để tạ ơn Đức Chúa Trời cho đến năm 1863. Vào năm đó, trong khi nước Mỹ đang có nội chiến Nam Bắc, Tổng Thống Abraham Lincoln công bố ngày thứ năm thuộc tuần lễ chót của tháng 11 là ngày Lễ Tạ Ơn của quốc gia, nghĩa là toàn quốc phải nghỉ làm việc để kỷ niệm nó. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến ngày đã định, toàn nước Hoa Kỳ nghỉ việc để tạ ơn Đức Chúa Trời vì những của cải vật chất Ngài đã ban cho trong năm qua. Mặc dù ngày Lễ Tạ Ơn bắt nguồn trong đức tin vào Đức Chúa Trời, càng ngày nó càng mất đi ý nghĩa. Dần dần, nó biến thành một ngày “thương mãi” như ngày lễ Giáng sinh, khi mọi người lợi dụng dịp hạ giá để mua sắm thỏa thích. Con người càng thích mua sắm chừng nào, thì càng dễ quên sự ban ơn của Đức Chúa Trời chừng đó. Sự biến chất của ngày Lễ Tạ Ơn có thể do lòng con người đối với Đức Chúa Trời càng ngày càng nguội lạnh; cũng có thể vì đất nước Mỹ là đất nước của di dân, mà có rất nhiều di dân đến từ các nền văn hóa không biết đến Đức Chúa Trời, nên chẳng biết phải tạ ơn ai.

Nhưng tại sao di dân Âu Châu thuở ban đầu lại tạ ơn Đức Chúa Trời? Chẳng phải họ đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương xuống trên Thế Giới Mới này để biến nó thành một đất nuớc giàu có nhất thế giới ngày nay hay sao? Bắc Mỹ (bao gồm Hoa Kỳ và Ca-na-đa) là một lục địa phì nhiêu mà con người phải vật vã dường ấy, thì đừng nói tới nhiều nơi khác trên thế giới, nơi mà thực phẩm và nhiều khi cả nước uống là xa xí phẩm. Theo một tài liệu, trên thế giới có đến gần một tỉ người không đủ chất dinh dưỡng. Các nước nghèo đói nhất tọa lạc tại Phi Châu và Á Châu. Nghèo đói, nhân mãn, kém học, bịnh tật, chiến tranh là đặc điểm của các nước lạc hậu. Tại những nơi này, hình như con người không có khái niệm về sự “tạ ơn Đức Chúa Trời”. Như vậy, có phải sự tạ ơn Đức Chúa Trời của di dân Âu Châu đến từ sự “phú quí sinh lễ nghĩa” chứ thực sự Thượng Đế không tồn tại? Nếu có một Thượng Đế, vậy tại sao Ngài lại để cho nhân loại đáng thương phải vật vã để làm ra miếng ăn? Nếu Ngài hiện hữu, tại sao lại có nghèo đói, nhân mãn, kém học, bịnh tật, chiến tranh, thiên tai? Nếu Ngài hiện hữu tại sao Ngài lại im lặng trước những đau khổ của nhân loại?

Thường thường, con người thích tạ ơn khi được phước, được may mắn, hanh thông, thành công một việc gì đó hay là thu nhập một việc gì có giá trị chúng ta mới tạ ơn, hay gọi là cảm ơn. Ít có ai kinh nghiệm, hoặc thích tạ ơn Chúa trong hoạn nạn. Người biết tạ ơn trong hoạn nạn là người mới kinh nghiệm được từng trải cuộc đời, mới thấy được bàn tay kỳ diệu của Đấng Tạo Hóa ở cùng mình. Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã kinh nghiệm sống trong lao tù mười ba năm, ông đã gần Chúa và viết lên ca khúc tạ ơn qua những lời sau đây: “Xin tạ ơn Chúa đã ban cho tôi một đời tự do, xin tạ ơn Chúa đã ban cho tôi ngày tháng lao tù”. Tác giả đã tạ ơn Chúa trong hoàn cảnh đen tối nhất của cuộc đời. Quý vị hôm nay có kinh nghiệm được lòng biết ơn Chúa trong sự khó khăn, thử thách và bệnh hoạn mà mình vẫn đứng nỗi, đi được, hầu việc Chúa được không? Hay vẫn hát bài khổ quá, mệt quá, chán quá, buồn quá, đời không có gì vui cả… Tôi sẽ cùng quý vị học tập Lời hằng sống của Chúa qua ba bước cần ghi nhớ trong Mùa Tạ Ơn năm nay qua đời sống của Gióp.

  1. TẠ ƠN CHÚA TRONG TINH THẦN CẦU NGUYỆN (1:1-5).
  2. Tạ ơn về sự giàu có vinh hiển của Chúa ban cho.

Người tin Chúa, gặp thử thách, ai cũng thường nói đến Gióp và Phao-lô để làm tấm gương mà an ủi chính mình. Gióp được Thánh Kinh ghi lại ông là một người trọn vẹn, ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, lánh khỏi điều ác. Thánh Kinh cho chúng ta biết ông có bảy con trai và ba con gái, bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và tôi tớ rất nhiều. Có ai trong chúng ta như Gióp không? Nhiều người dù giàu có về vật chất nhưng không giàu có về con cái. Một gia đình vừa có vật chất, vừa có con đông, không có phước nào bằng phải không quý vị? Thánh Kinh cho chúng ta biết, không phải chỉ có của mới giàu có mà là con đông mới là cơ nghiệp đời đời. Ai trong chúng ta có con đông mà vật chất chưa giàu, đừng buồn, vì con cái là cơ nghiệp Chúa ban. Nhiều người ngày hôm nay, lúc nghèo thì yêu Chúa, sốt sắng nhóm lại thờ phượng Chúa, nhưng khi có của giàu có rồi, thì xa Chúa, và thường nói: “Tôi bận quá mục sư”. Nhiều tín đồ xin Chúa hoài mà Chúa không cho, buồn bã, chán nản và bỏ qua sự nhóm lại, bất mãn đủ thứ, hết chuyện này đến chuyện khác, làm vậy mình khổ chớ ai khổ. Gióp dù có giàu con, giàu của, nhưng vẫn một lòng trung tín với Chúa.

  1. Thức dậy sớm dọn lòng thánh sạch để dâng lễ tạ ơn.

Gióp là người kính sợ Chúa, yêu mến Chúa, dù ông là người giàu có. Làm gì thì làm, ăn gì thì ăn, uống gì thì uống, nhưng phải thức dậy sớm tạ ơn Chúa. Cuộc đời chúng ta sống trên đất này quá bận rộn, sáng thức dậy sớm đi làm, chiều về tìm gì ăn qua loa rồi đi ngủ, sáng thức dậy sớm đi làm, thành thói quen và ngày nào cũng vậy. Quý vị thấy có chán không? Cuộc đời chẳng lẽ chỉ đi làm như vậy. Không có vui hưởng những gì Chúa cho sao? Chúa không hề tiếc với chúng ta điều gì? Chúa cho chúng ta vui hưởng công lao chúng ta làm ra. Nhưng phải hưởng như thế nào? Gióp cho phép các con trai mình được ăn uống. Ăn uống trong anh em, không có gì sai cả, trở thành thông lệ. Nhưng Gióp thấy rõ cái hại của ăn uống. Ăn uống tốt không có gì xấu cả, nhưng mà tư cách ăn uống và hành động ăn uống như thế nào? Thời Nô-ê cũng mê ăn uống cưới gả cho đến khi nước lụt vào tàu. Nhiều tín hữu ngày nay cho rằng, người ta ăn được thì tôi ăn được, người ta uống được thì tôi cũng uống được có gì sai đâu, tiền tôi tôi ăn, tiền tôi tôi uống! Uống không sai, và ăn không sai nhưng dễ dàng cho chúng ta phạm tội và làm gương xấu cho người thế gian. Gióp biết trước điều đó, các con mình ăn uống thế nào cũng có chuyện. Vì vậy, làm cha trong gia đình phải sống một đời sống tin kính như Gióp, phải biết gọi con mình thức dậy sớm, ăn năn tội lỗi và dâng của lễ cho Chúa. Quý vị có khi nào làm giống như Gióp không? Có thức dậy sớm để tĩnh nguyện trước khi đi làm không? Quý vị có ăn năn tội lỗi mình đã phạm mỗi ngày không? Quý vị có từ chối Chúa chăng? Quý vị đến nhà Chúa có dâng hiến phần mười cho Chúa để được phước không? Hay là dâng hiến nhỏ giọt, mà đòi Chúa ban phước dư dật? Có người dám mua vé số mỗi tuần, mà không dám dâng một phần mười cho Chúa. Vé số là cầu may, là đen đỏ, tiền bạc đó từ ma quỉ cho, mà ơn phước Chúa là vô tận, sung mãn. Hãy tập dâng của lễ cho Chúa, để Chúa mở cửa thiên đàng ban cho chúng ta không chỗ chứa (Ma-la-chi 3:10). Áp-ra-ham dâng phần mười cho Chúa, ông rất giàu có, Y-sác, Gia-cốp dâng phần mười cho Chúa, vô số phước và giàu có. Vì vậy, Gióp đã kêu gọi các con trai, con gái mình mỗi ngày dọn lòng thanh sạch, thức dậy sớm, dâng hiến cho Chúa và ăn năn tội lỗi. Nếu chúng ta cứ theo nguyên tắc này, chúng ta sẽ được phước. Nếu chúng ta đã làm mà không thấy phước Chúa, hãy xem lại chỗ nào còn chưa thông, đến với Chúa ăn năn tội lỗi, và tạ ơn Chúa sẽ ban phước cho chúng ta như gia đình Gióp.

  1. TẠ ƠN CHÚA DÙ PHẢI ĐI QUA TRŨNG BÓNG CHẾT (Gióp 1:6-22; Thi thiên 23).

Đức Chúa Trời rất hãnh diện con cái Chúa sống ngay thẳng! Đức Chúa Trời khen Gióp gương mẫu nên nói với Sa-tan rằng: Sa-tan ơi! “Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác?” (đọc đến hết câu 12). Rõ ràng sự giàu có của Gióp không phải đến từ Sa-tan, cũng không phải đến từ thế gian, cũng không phải đến từ Gióp. Sự giàu có của Gióp là do Đức Chúa Trời ban cho. Của cải của người được Đức Chúa Trời bảo vệ, bốn phía, con cái, tài sản… Chúa ban phước cho công việc của Gióp. Ngày nay, nếu con cái Chúa, hay đầy tớ Chúa biết nhờ cậy Chúa trong công việc, hoặc hầu việc Chúa, Chúa sẽ ban phước và giúp chúng ta. Gia-bê kinh nghiệm và cầu nguyện rằng: “Chớ chi Chúa ban phước cho tôi, mở mang bờ cõi tôi rộng lớn; nguyện tay Chúa phù giúp tôi, giữ tôi khỏi sự dữ. Đức Chúa Trời bèn ban y như lời cầu nguyện” (1Sử ký 4:10). Theo Chúa mà nhờ cậy thế gian thì theo Chúa làm chi? Chúa là Đấng tiếp trợ, là Đấng giàu có, vinh hiển, oai nghi, đáng sợ và lạ lùng. Theo Chúa nhất định phải sung mãn, không nhất thiết về vật chất. Giàu có tốt không có gì xấu, giàu có là do Chúa ban, giàu có để hầu việc Chúa là tốt. Giàu có để xài một mình, không giúp người khác, giàu vậy là xấu, là không có ích gì. Sa-tan thách thức Chúa tại vì Chúa bảo vệ, Chúa ban cho Gióp vật chất đó thôi, nếu Chúa giơ tay ra đụng đến hại vật chất người, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa. Chúa Giê-xu có lần nói với Phi-e-rơ rằng: “Hỡi Si-môn, Si-môn, này, quỉ Sa-tan đã đòi sàng sảy ngươi như lúa mì” (Lu-ca 22:31). Ma quỉ là sư tử rống lúc nào cũng rình mò, tìm kiếm và hại chúng ta. Chúa nói với Sa-tan: Được, các vật Gióp có ta phó trong tay ngươi; nhưng chớ tra tay vào người. Sa-tan bèn lui ra khỏi mặt Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-xu nói trong Giăng 10:10 rằng: Sa-tan là kẻ trộm cướp, đến cướp giết và hủy diệt, còn Chúa đến cho chiên được sự sống và sự sống sung mãn. Sa-tan đã làm hại Gióp từ câu 13-19, tất cả mười đứa con và đầy tớ, vật chất của Gióp đều bị tiêu diệt, không còn gì cả. Ông còn mang một căn bệnh xấu xí, khắp thân thể đầy ghẻ ung độc. Gióp không giống như Sa-tan nói. Gióp vẫn tạ ơn Chúa trong hoạn nạn, Gióp chịu nổi bởi vì ông có Lời Chúa, ông kính sợ Chúa, ông biết dâng tế lễ, ông biết dọn lòng, ông biết ăn năn mỗi ngày. Thi thiên 23 tác giả nói gì? “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi”. Tác giả Thi thiên 34:19 cũng kinh nghiệm: “Người công bình bị nhiều tai họa, nhưng Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết”. Mình sống công bình như Gióp mà gặp hoạn nạn chớ hổ thẹn và phiền lòng. Người không ngay thẳng, sống trong tội lỗi mà phạm tội, gặp tai họa mới đáng sợ! Quý vị có tạ ơn Chúa trong hoạn nạn như Gióp được không? Tại sao không? Vì chúng ta yếu đuối, không thường xuyên nhóm lại, không học Kinh Thánh, không cầu nguyện, lơ là dâng của lễ cho Chúa, không chịu ăn năn, khi ma quỉ làm hại mình thì chúng ta có gì để mà chống nó? Có gì để mà làm thuẫn để địch lại mưu kế của ma quỉ? Gióp đứng vững nổi bởi vì ông đã biết trước mưu kế của ma quỉ. Ông đã trung tín, thờ phượng Chúa dù có chết cũng một lòng yêu Ngài. Trong câu 20-22 nói gì: “Gióp bèn chỗi dậy, xé áo mình, và cạo đầu, đoạn sấp mình xuống đất mà thờ lạy. Và nói rằng: Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va! Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm thượng cùng Đức Chúa Trời”. Trong hoàn cảnh đen tối nhất của cuộc đời, 10 đứa con thân yêu, cả một tài sản vĩ đại đã tiêu sạch, đặt trường hợp này, quý vị giống như Gióp, quý vị có thể nói lời cảm tạ được không? Chúa ôi! Làm sao có thể cảm tạ trong khi con của con đang mang bệnh ngặt nghèo? Chúa ơi làm sao có thể cảm tạ được khi con ở trong vòng lao lý? Chúa ôi làm sao có thể tạ ơn Chúa trong hoạn nạn? Tại sao không phải là người khác mà phải là con!

Mẹ của đô đốc Jimmy, bà đã đi làm giáo sĩ ở Việt Nam. Trong lúc chiến tranh, Nam Bắc pháo kính nhau, chồng bà và các con gái cùng các giáo sĩ bị tử thương, bà cũng bị thương nhưng vẫn còn sống, được đưa về Mỹ. Jimmy con trai bà ra đón bà, bà nói với con bà rằng: Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì Ngài vẫn còn cho chúng ta cơ hội để hầu việc Chúa. Bà hát lên bài hát quen thuộc mà ai nghe đến cũng cảm động của tác giả Johnson Oatman và Edwin O. Excell: “Khi bao cơn sóng gió bủa khắp chung quanh bạn đây, hoặc khi anh cảm thấy mất cả mọi điều đời này, xin anh mau mau đếm các phước lành thiên phụ ban, rồi anh ngạc nhiên thấy phước ơn Chúa luôn tuôn tràn…”. Jimmy nói rằng: Mẹ ơi, tại sao vậy mẹ, cha chết, chị chết, bạn đồng lao chết, tại sao mẹ vẫn cảm tạ Chúa trong hoạn nạn được? Bà trả lời hãy tạ ơn Chúa, hãy kể ơn phước Chúa. Chúa ban cho mình nhiều hơn hoạn nạn con ơi! Thường thường người thế gian nói rằng: “Phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”. Nhưng chúng ta ở trong Chúa không phải là phước bất trùng lai mà là luôn luôn ơn phước, ơn phước nhiều hơn hoạn nạn. Tác giả Thi Thiên 23 nói: “Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi, tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài”.

Nhà thơ H.G. Spafford, 1828-1888. Là nhà đầu tư nổi tiếng tại Chicago. Ông đã viết bài thơ “Tâm linh tôi, yên ninh thay”. Đã được nhạc sĩ Philíp Bliss phổ nhạc. Ông đã đưa 3 đứa con gái và vợ lên thuyền đến Anh Quốc, không may, con tàu ấy đã gặp nạn. Các con ông đã chết hết. Bài hát có lời như sau: “Khi tôi được bình tịnh dường sông chảy theo dòng đời, hoặc lắm thống bi như ba đào sôi, hoàn cảnh dẫu ra sao, Christ khuyên cứ nói sắt đinh: Linh hồn ôi, ta yên ninh, thật yên ninh! Tâm linh tôi, yên ninh thay! Lòng tôi nay bình an thay, bình an thay”. Cho dù có thử thách trăm bề, Chúa cũng cứu chúng ta ra khỏi để có sự vui mừng trọn vẹn. Chúa không để chúng ta quá sức chịu đựng. Phao-lô kinh nghiệm. “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giêxu Christ đối với anh em là như vậy” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:16).

Chúng ta hãy tập cảm tạ Chúa như Gióp: “Gióp bèn chổi dậy, xé áo mình, và cạo đầu, đoạn sấp mình xuống đất mà thờ lạy. Và nói rằng: Tôi trần truồng lọt lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!”

Ngoài sự thử thách, hoạn nạn, Sa-tan cũng dùng bà Gióp để chỉ trích, xui giục ông phạm tội với Chúa: “Vợ người nói với người rằng: Ủa? ông hãy còn bền đỗ trong sự hoàn toàn mình sao?… Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời, và chết đi! Người đáp lại rằng: Ngươi nói như một người đàn bà ngu muội. Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao? Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình” (2:9-10).

Ngày nay, lắm lúc chúng ta theo Chúa như bà Gióp là người ngu muội, không biết suy nghĩ: Chúa ban ơn phước thì cười hì hì! Ma quỉ cám dỗ, hại chúng ta trong hoạn nạn, Chúa thử thách chúng ta khi chúng ta làm sai, thì chúng ta oán trách Chúa, nói phạm thượng đến Ngài. Trong cơn đau thương đó, chính người vợ yêu dấu của ông cũng không hiểu được, không chia sẻ nỗi cô đơn, đau đớn, tận cùng của Gióp. Chỉ trong một ngày là hết sạch gia tài. Tài sản có thể mất đi không tiếc, rồi đây sẽ làm ra được, nhưng cả thảy bảy đứa con trai và ba gái thân yêu lại ra đi. Nỗi cô đơn của Gióp thật thê thảm. Nhưng Gióp vẫn trung tín một lòng tạ ơn Ngài. “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài” (Gióp 13:15a). Biết bao ơn phước Chúa ban, nhưng tưởng là mình làm ra, khi Chúa lấy hết lúc đó ngồi mà than trách. Phước Chúa cho thì xòe tay lãnh, tai họa đến thì chẳng lãnh sao? Sứ đồ Giăng nói gì: “Chúng ta biết rằng ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì hẳn chẳng phạm tội; nhưng ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì tự giữ lấy mình, ma quỉ chẳng làm hại người được” (1Giăng 5:18). Gióp biết tạ ơn Chúa trong hoạn nạn. Ông sẵn sàng nhận dù việc xảy đến phước hay họa. Trong lúc chúng ta lãnh tai họa, ma quỉ cũng tìm những người xung quanh, ngay cả vợ, con, người thân, bạn mình để chọc tức, thách đố, và gièm pha chúng ta như các bạn của Gióp: Ê-li-pha, Binh-đát, Sô-pha. Nhưng Chúa phán với họ phải đem của lễ dâng lên Chúa để Gióp cầu nguyện, để Chúa tha tội cho họ. Trong hoàn cảnh này nếu là Đức Chúa Trời thử thách, không đáng sợ, nếu Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan sàng sảy mình, không có gì đáng lo, hãy tạ ơn Chúa. Nhưng nếu vì phạm thượng, bắt bớ anh em, làm việc gian ác từ ma quỉ xui giục, mới đáng hổ thẹn. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Trong anh em có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ thày lay việc người khác. Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn; thà hãy vì danh ấy ngợi khen Đức Chúa Trời là hơn” (1Phi-e-rơ 4:15-16). Ba bạn Gióp là kẻ thày lay, kẻ thày lay là cũng bị xếp vào tội ác. Xin Chúa tha thứ cho chúng ta những lỗi lầm ngu muội, hầu chúng ta sống tạ ơn Chúa như Gióp. Vâng, mùa tạ ơn năm nay, quý vị có thể tạ ơn Chúa trong hoạn nạn không? Hãy học tinh thần của Gióp.

III. KẾT QUẢ PHƯỚC HẠNH TẠ ƠN CHÚA TRONG HOẠN NẠN (42:1-17).

Bà con bạn hữu đến chia buồn về hoạn nạn mà Sa-tan đã hại Gióp. Họ cho Gióp một nén bạc và một cái vòng vàng. Chương 42:12-16 “Đức Giê-hô-va ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang thì: Người được mười bốn ngàn chiên, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò, và một ngàn lừa cái. Người cũng có bảy con trai và ba con gái. Người đặt tên cho con gái lớn là Giê-mi-ma, con thứ nhì là Kê-xia; và con thứ ba là Kê-ren-ha-búc. Trong toàn xứ chẳng có người nữ nào lịch sự bằng ba con gái của Gióp. Cha của họ cho họ một phần cơ nghiệp trong anh em họ. Sau việc ấy, Gióp còn sống một trăm bốn mươi năm người thấy các con trai, cháu, chít mình đến đời thứ tư. Rồi Gióp qua đời tuổi cao tác lớn”.

Thật vậy, người biết tạ ơn trong hoạn nạn, mới kinh nghiệm phước hạnh Chúa ban trong đời sống, gia đình, ngay cả chứng bệnh ngặt nghèo nhất. Biết tạ ơn Chúa trong hoạn nạn, quý vị sẽ kinh nghiệm sự mở cửa của Chúa cho chúng ta ra khỏi cơn khó khăn đó. Người biết tạ ơn Chúa trong hoạn nạn, mới nhận được phước dư dật từ Đức Chúa Trời, nhưng Chúa đã hứa cho Gióp và ông đã nhận được. Khi chúng ta dám đương đầu với thực tế thử thách, Chúa sẽ che chở chúng ta, nếu Chúa cho phép, hãy tập tạ ơn Chúa trong nghịch cảnh, nếu Chúa không cho phép, Sa-tan không thể hại đến con cái Ngài.

Trong cuộc đời hầu việc Chúa, có những lúc thăng trầm, thử thách, hiểu lầm, và nhiều người không thích mình. Nhưng tôi thầm nói với Chúa rằng: “Nhưng nếu vì làm đầy tớ Chúa, làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn; thà hãy vì danh ấy ngợi khen Đức Chúa Trời là hơn”. Cứ vui vẻ sống và hầu việc Chúa. Những chuyện khó khăn không đáng so sánh những chuyện hầu đến vinh hiển của Chúa gấp trăm, gấp ngàn lần. Khi Chúa ban phước thì không thể chứa nổi. Khi Chúa lấy lại thì tạ ơn Chúa!

Tóm lại: Muốn được phước như Gióp, trước nhất chúng ta phải biết tạ ơn Chúa trong tinh thần cầu nguyện. Tạ ơn vì sự giàu có vinh hiển của Ngài ban cho, tạ ơn trong tinh thần thờ phượng Chúa mỗi sáng và tối. Tạ ơn Chúa trong tinh thần dâng hiến của lễ cho Chúa, tạ ơn trong tinh thần xưng tội để Ngài tha thứ cho ta. Tạ ơn Chúa dù phải đi qua trong trũng bóng chết. Và tạ ơn Chúa khi Chúa phục hồi địa vị và phước hạnh Ngài ban gấp bội phần. Hãy tập gây dựng và sống ngay thẳng với Chúa, lo về đời sống thuộc linh cho các con. Đối diện với ngoại cảnh, làm gương tốt cho gia đình. Nếu chúng ta không nhờ cậy Chúa, không yêu Chúa, không trung tín với Chúa thì ma quỉ sẽ đến cướp lấy hết tất cả những gì mà mình tưởng là của mình. Xin Chúa cho chúng ta nói như Gióp: “Dẫu Chúa có giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài”. “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giêhôva về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi” (Thi thiên 116:58).

Ms Châu An Phước

Post CommentLeave a reply