CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN TRUNG TRÁNG NIÊN. CHÚA NHẬT 20.11.2022
By Lee Vi in NAM GIỚI on 15 Tháng Mười Một, 2022
Chúa nhật 20.11.2022
- Đề tài: VẤN ĐỀ BỆNH TẬT & SỨC KHỎE.
- Kinh Thánh: Châm 15:30, 17:22; Mác 2:17; 3Giăng 2.
- Câu gốc: “Tấm lòng bình tịnh là sự sống của thân xác, còn sự ghen ghét làm mục nát trong xương” (Châm Ngôn 14:30).
- Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 33-36.
- Thể loại: Tìm hiểu.
* CHỈ DẪN: Tìm hiểu.
- Mời một người chịu trách nhiệm hướng dẫn thể loại tìm hiểu (mời trước 1-2 tuần). Gửi đề tài “Vấn Đề Bệnh Tật & Sức Khỏe” để người hướng dẫn nghiên cứu và soạn các câu hỏi thảo luận xoay quanh đề tài.
- Người hướng dẫn sẽ đặt ra câu hỏi và các ban viên cùng thảo luận với nhau.
- Đúc kết & Cầu nguyện.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Một trong những quan tâm lớn nhất của nhiều người hiện nay là vấn đề bệnh tật và sức khỏe. Trong các chương trình phát thanh, truyền hình, sách vở, báo chí, tiết mục bệnh tật và sức khỏe thường là tiết mục được nhiều người chú ý theo dõi nhất. Tuần báo Time sau khi nói về vấn đề thuốc men, lại nói đến sức khỏe và rồi bàn về bệnh tật. Trong số nói về sức khỏe, tờ báo đặt câu hỏi “Làm thế nào để sống lành mạnh hơn?” Và rồi dựa vào những nghiên cứu mới nhất trong ngành y khoa, tác giả đã đưa ra sáu đề nghị sau để giúp chúng ta sống khỏe mạnh. Tác giả cho biết dù xưa nay chúng ta không kiêng khem thì nay cũng không quá trễ để bắt đầu. Sáu đề nghị để sống khỏe của tác giả Christine Gorman, phụ trách mục sức khỏe của tuần báo Time như sau:
- Cẩn thận trong vấn đề ăn uống.
Tác giả đề nghị nên tránh những loại chất béo trong thịt và sữa, tránh những chất béo có trong những loại dầu làm bánh crackers và cookies vì loại dầu nầy làm tăng lượng cholesterol trong máu. Đó là những chất béo chúng ta nên tránh nhưng chất béo trong cá là loại chất béo tốt, giúp cho mạch máu đỡ bị nghẽn và làm giảm bớt lượng mỡ trong máu. Ngoài ra, trái cây, rau cải, các loại sữa ít chất béo, các loại ngũ cốc có sợi là những thức ăn ta nên tiêu thụ.
- Bỏ hút thuốc.
Các công cuộc nghiên cứu dài hạn cho thấy rằng những tai hại do thuốc lá gây ra cho lá phổi rất khó mà cứu vãn. Bỏ hút thuốc có thể mang lá phổi trở lại tình trạng bình thường ban đầu nhưng điều đó không đảm bảo sự lành mạnh của những phế nang. Bác sĩ Eva Szabo, trưởng phòng nghiên cứu ung thư phổi của Viện Ung Thư Quốc gia cho biết rằng những người bỏ thuốc lá 30 năm sau vẫn có thể bị ung thư phổi. Tuy nhiên, bác sĩ nói tiếp, nếu những người đó không bỏ thuốc lá thì nguy cơ ung thư còn nhiều hơn nữa. Tin mừng cho những người muốn bỏ thuốc lá là bộ máy tuần hoàn của cơ thể con người đáp ứng rất nhanh khi một người bỏ thuốc lá. Trong một vài năm gần đây các bác sĩ thấy là mạch máu và mô động mạch đáp ứng ngay lập tức khi một người bỏ thuốc lá, ngay cả với những người đã 60 hay 70 tuổi. Số lượng tử vong giữa những người chịu bỏ thuốc lá dù chỉ mới vài tuần hay 5 năm trở lại và những người không hút thuốc lá bao giờ, không có gì khác biệt. Bác sĩ JoAnn Manson, trưởng ngành phòng ngừa bệnh tật của bệnh viện phụ nữ tại Boston thường nói cho những bệnh nhân của mình biết để khuyến khích họ bỏ hút thuốc. Họ rất ngạc nhiên, không ngờ rằng bỏ thuốc lá lại có hiệu quả tốt nhanh như vậy.
- Vận động và thể dục.
Các công cuộc nghiên cứu cho thấy là một người béo phì mà có tập thể dục thì vẫn khỏe mạnh hơn những người cân nặng bình thường mà thiếu vận động hay không tập thể dục. Tác giả Steve Blair thuộc Viện Nghiên Cứu Cooper tại Dallas cho biết rằng một người ăn uống điều độ và không hút thuốc nhưng nếu thiếu vận động và thể dục thì nguy cơ mắc bệnh của người ấy vẫn rất cao. Những người vừa nặng cân vừa thiếu hoạt động là những người ở vào tình trạng nguy hiểm nhất vì có nguy cơ chết vì bệnh tim gấp ba lần những người có sức nặng bình thường và có tập thể dục.
- Phải coi chừng sức nặng, đừng để bị nặng cân.
Các bác sĩ cho biết những người nặng 30 pounds quá mức bình thường sẽ dễ mắc bệnh tim, tiểu đường, sạn thận và thấp khớp. Hai cách giúp giảm cân theo đề nghị của tác giả là phải ăn uống điều độ và có những vận động giúp cho tim và các bắp thịt được khỏe.
- Bỏ uống rượu.
Giám đốc Viện Nghiên cứu về “Tai hại của chứng ghiền rượu” khẳng định phụ nữ mang thai không nên uống rượu. Rượu đi chung với chất acetaminophen có trong thuốc Tylenol sẽ gây nên những phản ứng vô cùng nguy hiểm nhất là khi lái xe. Gan và não bộ là hai bộ phận dễ bị ảnh hưởng tai hại của rượu nhất. Uống rượu nhiều sẽ gây ra chứng xơ gan. Lá gan khi đã ở trong tình trạng này thì không thể phục hồi được nữa.
Chỉ cần cuối tuần nhậu nhẹt với bạn bè, bài báo cho biết cũng đủ làm chết một số nơ-ron tức là tế bào não bộ. Nhưng tai hại lớn nhất của rượu đối với não bộ ít được nhắc đến là rượu khiến cho những chứng bệnh tâm thần trở nên trầm trọng hơn. Người ta thường nói uống rượu để quên sầu nhưng thật ra đó chỉ là tạm che đậy một chứng nan y mà không chữa trị. Đề nghị cuối cùng của bài báo liên quan đến lãnh vực tinh thần. Tác giả đề nghị chúng ta:
- Hãy sống nhẹ nhàng.
Mặc dù các bác sĩ đã nghiên cứu về tác dụng của trầm tư mặc tưởng, cầu nguyện và phương cách quản trị tính giận dữ từ những thập niên 70, cho đến nay nghiên cứu về ảnh hưởng của tâm trí đối với thể xác vẫn còn ở trong thời kỳ ấu trĩ. Nhưng những kết quả gần đây nhất cho thấy những yếu tố tinh thần có ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống con người. Bác sĩ Blumenthal của Duke University cho thấy là bệnh nhân của ông vừa tập thể dục, vừa biết kiềm chế giận dữ đã giúp giảm những cơn đau trong bắp thịt tim. Nếu chỉ tập thể dục mà thôi thì kết quả chỉ được phân nửa.
Có lẽ quý vị tự hỏi mình đang nghe chương trình gì đây? Y học hay tôn giáo? Sức khỏe hay niềm tin? Câu trả lời là cả hai. Vấn đề là như thế nầy: nếu những điều vừa rồi được trình bày trên bình diện đức tin, có thể có người nghi ngờ không chấp nhận. Nhưng một lần nữa chúng ta thấy rằng, y học và khoa học nói chung xác nhận tính cách đặc thù của con người và vấn đề tinh thần, niềm tin, tâm linh đứng đầu. Nói khác đi, yếu tố tâm linh là yếu tố chi phối tất cả.
Trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay, ước mong quý vị đã tìm thấy lợi ích của một bài báo nói về đời sống khỏe mạnh nhưng đồng thời chúng tôi cũng ước mong quý vị nhìn thấy thực tế của một đời sống quân bình, từ bỏ những điều tai hại, xấu xa và đeo đuổi những giá trị đích thực của đời sống, giá trị tinh thần, giá trị tâm linh bởi vì con người chúng ta là một sinh vật tâm linh. Tâm linh nói đến mối tương quan giữa con người với Tạo Hóa, với Ông Trời đã tạo dựng chúng ta. Thân thể kỳ diệu chúng ta đang có, từng nhịp tim, từng hơi thở đến từ Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta có cảm nhận và thành kính biết ơn và tôn thờ Ngài không? Đề nghị thứ sáu của bài báo cho thấy yếu tố tinh thần và tâm linh quan trọng vô cùng, chi phối tất cả. Chúng ta cần dừng lại giữa cuộc sống bận rộn nầy và tự hỏi: “Tôi đã có mối tương quan với Đấng đã tạo dựng nên tôi hay chưa?” Linh hồn chúng ta sẽ không bao giờ được an nghỉ cho đến khi nào chúng ta trở về an nghỉ nơi Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng chúng ta, cũng là Đấng cứu rỗi chúng ta.
Con người phản loạn, không tôn thờ Chúa nhưng Ngài vẫn yêu và đến với chúng ta, mang hình phạt thế cho chúng ta. Chúng ta cần đáp lại tiếng gọi của Ngài, tiếng của người Cha thân yêu gọi đứa con xa nhà quay bước. Chúa Giê-xu phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các con được an nghỉ!” (Ma-thi-ơ 11:28). An nghỉ nơi Chúa Giê-xu là an nghỉ của người có tội được tha thứ, bất an được bình an và bệnh tật được chữa lành. Bạn có thể liên lạc với Hội Thánh Tin Lành địa phương, chúng tôi sẽ rất hân hạnh được hướng dẫn bạn đến với Chúa.
Mục sư Nguyễn Thỉ (Chương Trình Phát Thanh Tin Lành)